Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

'Đọc một số bài thơ trong LỄ TẨY TRẦN THÁNG 4/ THE PURIFICATION FESTIVAL IN APRIL của Inrasara / Phan Thành Khương -- https://tuongtri.com/




Đọc một số bài thơ trong “Lễ tẩy trần tháng tư – The purification festival in April” của Inrasara

PHAN THÀNH KHƯƠNG




Inrasara là bút danh quen thuộc của một cây bút người Chăm. Tên thật của anh là Phú Trạm. Quê anh là làng Chăm Mĩ Nghiệp – nổi tiêng với nghề dệt thổ cẩm – thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Inrasara sinh năm 1957. Năm 2917 này, anh tròn 60 tuổi.
“Lễ tẩy trần tháng Tư – The purification festival in April” là một tuyển tập thơ và trường ca được Nhà xuất bản Văn Nghệ xuất bản năm 2005. Tuyển tập thơ gồm 26 bài thơ và 6 đoạn trường ca và được in với 2 thứ tiếng: Việt, Anh. Tác phẩm này đã mang về cho Inrasara 2 giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN).
Trong bài viết này, tôi chỉ điểm qua “Lời đề từ” và 5 bài thơ mà tôi yêu thích. Như thế, bài viết sẽ ngắn gọn hơn, ít làm mất thì giờ quí báu của người đọc hơn.
  1. “Lời đề từ”
“Lời đề từ” ở đầu sách được in bằng 3 thứ tiếng: Chăm, Việt, Anh. “Lời đề từ” lại là một bài thơ ngắn, chỉ gồm 5 dòng. Có một thầy giáo dạy Văn đã thuộc lòng “Lời đề từ” này, đọc cho tôi nghe và bảo rằng: “tôi chẳng hiểu Inrasara nói gì cả”!
Theo tôi, có lẽ đây là một tuyên bố, tuyên ngôn về đổi mới chữ nghĩa, đổi mới văn chương, đổi mới tư duy, tư tưởng, tình cảm, … của nhà văn, của nghệ sĩ. Đó là một khát khao lớn của nhà thơ. Vì thế, anh đặt nó lên đầu tập sách. Việc anh cho 41 chữ cái Chăm, các chữ cái La tinh tắm gội cùng anh trên dòng sông Lu chỉ là một ẩn dụ, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi trích nguyên vẹn “Lời đề từ” dưới đây để người đọc rộng đường tìm hiểu:
… Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham KCT (1),
đầu này nhúm chữ cái Latinh ABC
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng.
Theo tôi biết, Inrasara sử dụng thành thạo tiếng Chăm, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh (41 mẫu tự Chăm: tiếng Chăm, các mẫu tự La tinh: tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh).
 “Đứa con của đất”
“Đứa con của đất” là một bài thơ dung dị, mộc mạc, đã khắc họa chân thực chân dung của tác giả qua các thời kì: sinh ra ở một miền đầy nắng và gió của vùng cực nam trung bộ, được nuôi dưỡng bằng tình mẹ, tình cha, tình ông, tình làng, lớn lên trong chiến tranh, tiếp xúc các trào lưu tư tưởng của thờ đại, chới với, bế tắc, gặp người yêu, quên mất những câu ca điệu hát của dân tộc mình, cảm thấy như đui mù, như bị vứt bỏ. Và, cuối cùng nhà thơ đã “ngóc đầu dậy”, “trườn lên”, “rướn mình”, tìm lại được chính mình và “nắng quê hương”. Tất cả như một sự phục sinh kì diệu:
… Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi
Tôi lạc mất điệu đwa buk (2), câu ariya (3), bụi ớt
Trái tim đui
Tôi như người bị vứt
rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh.
  Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ
như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố
tôi tìm lại tôi
tìm thấy nắng quê hương!
Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy
lại chảy trong tôi – dù sông đã chết
chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru
chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp
 Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu.
 “Đêm Chăm”
Đêm Chăm” tái hiện sinh động đêm hội Katê tưng bừng tại một làng quê Chăm. Bao người con của làng đi làm ăn xa, đã hối hả, lũ lượt quay về làng để cùng vui, cùng múa hát với tiếng trống ginăng, tiếng trống baranưng (4) thân yêu:
Với đêm nay rừng tháng Mười phát sáng
với đêm nay mắt họ bừng kiêu hãnh
tha hương bao nhiêu năm vẫn nhịp đề huề.
 Baranưng vỗ dội bờ dĩ vãng
người nông dân buông mình vào mẫu số chung định phận
trong bập bềnh những thế kỉ ginăng.
 Thơ Inrasara không hấp dẫn bởi ngôn từ đẽo gọt, óng mượt mà hấp dẫn bởi lời tự sự chân thực, bởi câu chữ mộc mạc, dung dị và mới lạ.
  1. Không ai có thể hát thay chúng ta
“Không ai có thể hát thay chúng ta”, theo tôi, là một thông điệp sâu sắc: không ai sống cuộc đời của ta, không ai chịu trách nhiệm về số phận của ta. Mỗi người phải sống cuộc đời mình, phải tự viết lịch sử của đời mình:
Không ai có thể hát thay chúng ta
nơi đây và lúc này
cả hôm sau có lẽ….
 … Không có ai
tim dễ cháy hơn trái tim chúng ta
phía đau khổ.
 Cha
Cũng với lối tự sự thủ thỉ, chân phác, Inrasara đã khắc họa chân dung người cha và biểu hiện mối tình cha – con sâu nặng, đằm thắm. Người cha sinh ra trong hoàn cảnh y tế, y học chưa phát triển, bệnh tật hoành hành hung tợn. Như một phép lạ, ông đã sống sót để làm người:
Xưa
dưới cái rây lịch sử khổng lồ
cha lọt sàng sống sót.
 Lổm ngổm bò dậy làm người
một phép lạ.
 Phải lo mưu sinh, làm nhà, làm ruộng, làm rẩy, … cha anh không có thời gian cho văn chương, triết học. Đa số những người đàn ông thuộc các thế hệ trước đều “phải” như thế! Chỉ có rất ít người được học hành đến nơi đến chốn và có đủ áo cơm để mơ mộng, suy tư.

Glang Anak, Pauh Catwai (5) phải vội vã
viết đã rất ngắn
như thể trối trăng.
 Cha giấu mặt sau trang thơ
ngăn tiếng nấc.
 Kẻ sống sót không có giờ cho văn chương
một khoản trời để thở.
 Không mơ dựng tiếng tăm
một ngôi nhà cư trú.
 Nhưng, đến thế hệ của anh, được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà đẫm mồ hôi và nước mắt của cha, anh đã lớn khôn, đã trưởng thành, đã có thì giờ để làm thơ, viết văn và luận bàn triết học.
Từ ngôi nhà này
con ra đời và khôn lớn
con biết nghĩ siêu hình / tập làm văn chương
con không quên cha / không quên mình
vẫn đủ giờ suy tư siêu hình, sáng tác văn chương
đủ giờ nghĩ kĩ, viết dài
dài mười lần trăm lần nghìn lần hơn
Pauh Catwai, Giang Anak.
 Thơ hay là nghệ thuật của sự chân thành. Inrasara không hề nói thương, nói yêu mà ngập tràn yêu thương, mà thắm thiết tình phụ tử!
  1. Chân dung nàng
“Chân dung nàng” mang dấu ấn thời cuộc: nông dân rời bỏ ruộng đồng, nương rẫy để vào các thành phố mưu sinh. Nam nhi trai tráng đã gặp vô vàn bất trắc huống gì các cô gái. Cô gái Chăm lại càng khó khăn hơn. Nhưng, vì sự sống của gia đình và của chính bản thân, người con gái Chăm vẫn phải rời xa ngôi nhà thân yêu, rời xa cha mẹ, xóm làng. Cô gái phải ra đi, phải vào phố như một sự ép buộc:
Em bị nhổ khỏi plây (6)
bị văng vào phố.
 Em không có dây chuyền / không có quần jeans
mang linh hồn ngọn đồi
em lạc vào phố lạ.
 Nhiều đồng ruộng tốt tươi đã bị san lấp để làm nhà máy này, xí nghiệp nọ, sân gôn kia, … và vì thế người nông dân đã phải bỏ làng vào phố một cách bất đắc dĩ. Họ gặp phải vô vàn gian khó, trùng điệp nhọc nhằn nơi đất khách quê người. Tất cả đều xa lạ với cô gái Chăm:
Em giặt giũ trong căn gác lạ
em thợ phụ trong xưởng may lạ
em hoảng hốt trong con hẻm lạ.
 Mang linh hồn ruộng đồng
em rụng vào đêm lạ.
Năm tháng đi qua, cô gái Chăm có lần về thăm làng đôi hôm, nửa ngày rồi lại quày quã vào phố, tình yêu cũng phải quên đi, cô gái chào từ biệt xóm làng, chào từ biệt người yêu – người con trai – nay đã “vợ con đủ đầy”!
Nàng vẫn đi về mênh mông hướng phố
vẫy anh em đang mắt nhìn mở cửa
vẫy người yêu đã vợ con đủ đầy
vẫy bà con mãi liêu xiêu bão lũ.
 Ta chúc cho cô gái Chăm, các cô gái nói chung, phải bỏ làng vào phố, được bình an, gặp nhiều may mắn và thành công!
Và, vui biết bao, cuối cùng, cô gái Chăm đã về lại làng, về với đồng ruộng, về với những ngọn đồi quên thuộc:
Hình như hồn buồn nàng hé nắng
sẵn sàng mọc trái cây ban mai.
 Bỗng một hôm làng có em trở về
vỡ linh hồn ngọn đồi ruộng đồng
như một dòng khởi đầu in đậm.
 Tóm lại, ta thấy rõ thơ Inrasara có một nét riêng độc đáo. Đó là sự mộc mạc, dung dị của ngôn từ, cái mới, cái lạ trong diễn đạt, sự chân thành, kín đáo trong biểu hiện tình cảm, cảm xúc. Có lẽ vì thế, thơ Inrasara dễ đi vào lòng người.
Ninh Thuận, 15-11-2017
PHAN THÀNH KHƯƠNG

-------------

(1) 41 inư akhar Cham KCT = 41 mẫu tự tiếng
(2) đwa buk = vũ điệu truyền thống của người Chăm.
(3) ariya = thi ca
(4) ginăng, paranưng = 2 loại trống của người Chăm.
(5) Glang Anak, Pauh Catwai = các trường ca cổ của dân tộc Chăm ở đầu thế kỉ XIX.
(6) plây = palei = làng.


---------------------------------------------
trích từ https://tuongtri.com/
---------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét