Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

'Trần Hoài Thư:"Người khâu di sản" / bài viết: Trần Doãn Nho -- báo Người Việt Online


Trần Hoài Thư, người khâu di sản/Trần Doãn Nho




nhà văn Trần Hoài Thư.
Trong lúc hầu hết các tạp chí văn học “báo giấy” hoặc “báo đất” đều đã đình bản hoặc trở thành “báo trời” (online), thì một tờ tạp chí văn học khác vẫn đều đặn và bền bỉ đến tay bạn đọc yêu văn chương từng ba tháng một lần: Thư Quán Bản Thảo, chủ biên là nhà văn Trần Hoài Thư.
Thư Quán Bản Thảo số mới nhất mà tôi vừa mới nhận được, số 72, phát hành tháng 10/2016, giới thiệu tạp chí Văn Học, một trong những tạp chí sống lâu nhất thời VNCH, chỉ sau Bách Khoa. Số báo này đồng thời cũng là số kỷ niệm 15 năm ngày ra đời của TQBT. Theo lời loan báo thì số TQBT kế tiếp là 73, sẽ có chủ đề là giới thiệu tạp chí Văn Hóa Nguyệt San, phát hành vào đầu năm tới (2017).

Với sự kiên trì và với một tấm lòng trước sau như một đối với một nền văn học đã bị bức tử, Trần Hoài Thư xứng đáng với một cái tên nhất định sẽ đi vào lịch sử văn học Việt Nam: Người khâu di sản. Tôi không rõ ai là người đã nghĩ ra cái tên độc đáo này. Riêng tôi, tôi biết nó từ một bài thơ của Lữ Quỳnh,
Người khâu di sản, khi anh viết về Trần Hoài Thư: ‘Năm tháng dài trả nợ sông núi/nhỏ máu từng trang viết ngậm ngùi/hai mươi năm di sản mây trôi/chỉ mình bạn ngồi khâu. Khâu mãi…’
Trần Hoài Thư hiện cư ngụ ơ một nơi khá yên tĩnh của thành phố Plainfield, tiểu bang New Jersey. Sau khi về hưu, ngoài những sinh hoạt bình thường hàng ngày và chăm sóc hai đứa cháu nội, anh, với sự tiếp tay vô cùng nhiệt tình của chị, đều dành hết thì giờ để lo chuyện văn chương. Sau khi chị bị bệnh cách đây mấy năm, mọi việc anh vẫn tiếp tục và tự làm một mình (tất nhiên với sự động viên của chị).
Chuyện văn chương của anh thuộc loại vô tiền khoáng hậu: phục hồi lại một nền văn chương đã bị bức tử, văn chương miền Nam. Để tìm hiểu và cũng để ghi lại công trình lớn lao này của Trần Hoài Thư , năm 2010, tôi thực hiện một cuộc trò chuyện khá dài, đi trên trang mạng Da Màu ngày 26/4/2010. Xin ghi lại những nét chính sau đây.
Trần Hoài Thư xây dựng hai cơ sở. Một là Thư Quán Bản Thảo (TQBT), một tạp chí văn học nghệ thuật. Hai là Thư Ấn Quán, một cơ sở xuất bản. Ban chủ trương gồm bốn người. Ngoài Trần Hoài Thư, còn có Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch và Cao Vị Khanh. TQBT số 1 được thực hiện vào tháng 10-2001, dày khoảng 100 trang, có phụ bản về hai tòa nhà “TWIN TOWERS” đang ngùn ngụt trong lửa khói trong vụ đại khủng bố 9/11. Riêng cơ sở Thư Ấn Quán (TAQ) không nhất thiết xuất bản sách trong Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam mà còn xuất bản những tác phẩm mới của bạn bè ở trong nước, những người không có điều kiện để xuất bản.
Đồ sộ nhất là hai bộ sách về văn và thơ miền Nam:
– Văn miền Nam (4 tập, tổng cộng 2,200 trang)
– Thơ miền Nam (5 tập, tổng cộng khoảng 3,000 trang) gồm: Thơ miền Nam thời chiến (tập I &II), Thơ tình miền Nam, Lục bát miền Nam, Thơ tự do miền Nam.
Để thực hiện, Trần Hoài Thư gửi điện thư đến nhiều bạn hữu, nhờ họ giúp đóng góp tài liệu, và nếu có thể giới thiệu những tác giả xứng đáng. Theo anh, “Một “bồ” thư viện sống là nhà thơ Thành Tôn. Anh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc đề nghị, giới thiệu, và đóng góp bài vở. Ít khi thấy một người lại có một tầm hiểu biết về văn học miền Nam như thế. Ngoài ra còn có một vài bạn ở trong nước nữa. Họ giới thiệu giùm chúng tôi qua những tạp chí mà họ lưu giữ. Hoặc đề nghị những tên tuổi mà họ đã mang dấu ấn trong tâm trí để chúng tôi sưu tầm. Cuối cùng là nguồn thư viện.”
Thư viện đây là thư viện đại học Cornell ở vùng thượng tiểu bang NewYork (Upper New York). Trong số sách báo miền Nam được lưu trữ ở đây, tạp chí Bách Khoa là đủ bộ nhất. Còn đa số các tạp chí, báo hằng ngày thì được lưu trữ ở thư viện Annex, tọa lạc ngoài vòng đai của trường. Ngoài Cornell ra, một nguồn khác là đại học Yale ở tiểu bang Connecticut, không dồi dào như Cornell nhưng Bách Khoa, Văn, Vấn Đề, Văn Học, Trình Bày, Tiểu Thuyết Thứ Tư xem như đầy đủ.
TQBT giới thiệu các tạp chí văn học miền Nam như Khởi Hành, Văn Nghệ, Hiện Đại, Bách Khoa, Trình Bày, Mai, Văn Học, Vấn Đề, Văn, Ý Thức, Trước Mặt, Sáng Tạo, vân vân…; giới thiệu và in lại các tác phẩm của nhiều nhà văn Việt Nam, một số vẫn còn ở trong nước như Linh Phương, Vũ Hữu Định, Hoài Khanh, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Bắc Sơn, Lê Văn Trung, Từ Thế Mộng, Doãn Dân, Khoa Hữu, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đức Sơn, Phùng Thắng, Phùng Khánh, Lâm Vỵ Thủy, Võ Hồng, Khuất Đẩu, Phạm Ngọc Lư, Hoàng Hương Trang…
Anh cho biết: “Tạp chí TQBT không nhất thiết chủ trương sưu tập để đăng lại những tác phẩm của các tác giả cũ. Với khoảng 230 trang, chúng tôi thường dành 100 trang cho một chủ đề nào đó. Ví dụ chủ đề Nguyễn Bắc Sơn (số 20), Nguyễn Nho Sa Mạc (số 26), Hoài Khanh (24), Phan Nhự Thức (số 27), Từ Thế Mộng (số 29), Lê văn Trung (số 34) hay Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ, “Thơ văn khói lửa” hay Y Uyên v v… Phần còn lại dành cho những bài vở mới sáng tác do thân hữu gởi về đóng góp.”
Nguồn tài trợ ở đâu? Xin trả lời: người đọc. Đúng như anh nói, TQBT không bán. Cứ ra báo là anh gửi đến độc giả. Và độc giả “tùy nghi”. “Họ tiếp trợ tạp chí qua tem thư hay những món quà lì xì vô điều kiện. Và nhất là chúng tôi có thể in số lượng tùy theo nhu cầu của người đọc từ phương pháp “Print-On-Demand” (In theo yêu cầu), cộng thêm cái nhà in mà tôi tự lập, từ những program mà tôi tự viết, với những sáng kiến mà tôi tự nghĩ hầu in ấn được mau chóng, tự động hóa. Đó là lối đánh giặc nhà nghèo anh à. Nói thì nói thế, chúng tôi cũng có bán. Các sách bán là các bộ sách dày, in ấn rất tốn kém, lại đòi hỏi công sức rất nhiều như bộ Văn Miền Nam, bộ Thơ Miền Nam. À quên nữa, có một cuốn rao bán là “Tuyển truyện Y Uyên”, mục đích để lấy tiền làm quỹ cho việc tu bổ tượng đồng nhà văn Y Uyên. Khi số tiến ấn định đã đạt, chúng tôi ngưng bán ngay.”
Về việc in ấn, anh mua những máy in cũ, tự tháo tự lắp, tự in, tự đóng, dán, cắt dưới tầng hầm. Tất cả đều bằng thủ công. Anh cho biết, “Tôi phải tự làm từng tập. Hơi keo bốc nồng nặc, thêm cái máy cắt cỗ lỗ sĩ. Rồi bìa phải xếp (folding) trước khi dán vào gáy sách. Riêng bộ “Thơ Miền Nam” thì vất vả bội phần. Anh có tin là trong những chuyến đi xa, nhà tôi làm tài xế và tôi ngồi ở băng sau, khâu những tập dày gần cả ngàn trang không? Nhiều khi tôi ao ước được trúng số để có tiền in bên Hồng Kông. Nhưng vì không thể đợi trúng số, nên đành phải gắng làm. Vì nếu mình không làm thì ai làm. Nghĩ lại, tôi không hiểu tại sao mình có thể chịu đựng được…”
Có thể nói, qua Trần Hoài Thư, nền văn học VNCH phong phú và đa dạng hiện diện trở lại. Di sản đó, một thời đã từng bị nhà cầm quyền Cộng Sản tìm cách tiêu diệt, đã được phục hồi. Dù không toàn vẹn, nhưng những gì mà TAQ và TQBT thực hiện đã phần nào dựng lại chân dung một nền văn học. Trong thời gian vừa qua, dù đã già yếu và phải chăm sóc cho bà xã đang bị bệnh, Trần Hoài Thư vẫn tiếp tục công việc khâu di sản văn chương của mình không ngưng nghỉ.
người ngồi khâu di sản văn chương
của miền nam oan nghiệt tử thương
tóc trắng cổ lai hy thất thập
tay run mắt cận tâm phi thường
.(Nguyễn Lương Vỵ)
Đó là chân dung đích thực của ‘Người Khâu Di Sản’ Trần Hoài Thư!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét