Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

'Nữ tính trong ngôn ngữ Nhã Ca' / bài viết: Đặng Tiến -- source: báo Văn (Saigon) số 35, ngày 1/6/1965


NỮ TÍNH TRONG NGÔN NGỮ NHÃ CA (Tác giả  “GIẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ"

  đặng tiến

 

Đặng Tiến [ 1940-     ]
Trình chơi Âm thanh

Nhã Ca
Nhã Ca [i.e. Trần Thị Thu vân 1939-   ] 


Người đàn bà trong thơ là một huyền thoại: thơ trong người đàn bà là một huyền thoại khác. Thơ của người đàn bà là huyền thoại của huyền thoại, là thơ của thơ. Cách đây đúng năm năm, cũng vào mùa này, Nhã Ca đến với người đọc một cách bất ngờ, nhẹ nhàng như người đẹp trong tranh. Người ta nghe không gian xôn xao trong cái chớp mắt trầm buồn đến mênh mông của người con gái Huế:
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ 
(Hiện Đại số tháng 4/1960)
Người ta nghe ngân vang chân trời xanh trong tiếng hát một loài chim từ thiên thu bay đến. Một cánh chim vành khuyên vượt mông mênh, ngậm tình người bay đi tìm vĩnh cửu. Nhã Ca đã đậu lại giữa những hoài nghi, e dè, ngộ nhận của trần gian.
Và thoạt tiên, người ta yêu thơ Nhã Ca vì đó là thơ một người con gái. Năm năm sau, khi tập thơ Nhã Ca Mới ra đời, người đọc mới biết yêu thơ Nhã Ca vì thơ Nhã Ca hay.
Những bài thơ đầu tiên của Nhã Ca đã là thơ của một người đàn bà nhiều hơn là của một người con gái, đã là thơ của Những nàng tiên đến tuổi giã thiên đường
Lời nói đầu tiên mang u uất của lời nói cuối cùng, một lối nói giận hờn, chua xót:
Thôi trả cho giòng sông tối đen
Trả cho người đó nỗi ưu phiền
Còn đây chút tủi hờn thơ dại
Rồi cũng xa vời trong lãng quên
Tại sao lại trả? Có trả vì có trao, có trao thì mới trả. Đó là niềm u ẩn một đời con gái vừa ăn năn, vừa hờn giận:
Tôi trót dại tin lời trao tất cả
Đâu biết người mang nửa dạ yêu tinh
Trao cho ai và trả cho ai? Trao trả cho người, chữ người phiếm chỉ, vô danh, chữ người lạnh lùng hờn tủi, chữ người sần sùi của lãng quên, chữ người nhầy nhụa của ký ức:
Tên người ư, đã trở về bóng tối
Tôi đã vô tri giữa tháng năm dài
Và mỗi bận có một người nhắc lại
Tôi cố tìm nhưng chẳng nhớ tên ai
Nhưng người không tên trong bóng tối cũng thừa biết đó chỉ là lời giận dỗi, đó chỉ là tiếng nói tự ái của đàn bà, một lối dối lòng cho dịu bớt thương đau.
Kinh nghiệm mất mát ray rứt đó khiến người đàn bà giận hờn khôn khuây. Giận là khi có lý do, hờn la không có lý do hay lý do không chính đáng, hay lý do chính đáng mà không nói được nên lời, không giãi bày được với lương tâm. Và từ những ê ẩm của thể xác, những ăn năn, gậm nhấm của tuổi thơ, Nhã Ca ý thức sự mong manh, vô nghĩa của thân phận đàn bà bước một bước qua hết thời con gái. Rồi cũng từ bước đó, Nhã Ca biết sự bất lực của đàn bà, biết quyền năng nữ sắc chỉ là quyền năng của một dụng cụ.
Tự do đối với người đàn bà chỉ giới hạn trong thể xác, và trong một phút giây nào đó của một thể xác.
Tôi sống tự do trong thân thể mình.
Rồi người đàn bà tự mỉa mai những đớn đau ê chề, những hèn mọn của số phận:
như tiếng nước no hơi
hò reo trong bình thủy
Niềm bí mật chất chứa trong mỗi người đàn bà không nói lên được thành lời vì tính cách phi lý, vô nghĩa của nó. Đó là một sự thật nằm ngoài lý luận và sáng suốt, ngoài sự kiểm soát của ngôn ngữ, đó chỉ là một sự thật trong một lúc nào đó:
Hiểu gì đâu cho cam
Mình tôi sao chịu nổi?
Người đàn bà chuyển bí mật đó vào cái bào thai:
Nghe đó anh, con đầy tiếng nói
Sự thật kìa, con nói đi con
Nói đi con, nói giùm mẹ với…
Hãy nói giùm người phụ nữ muôn đời sự thật ê chề, rách nát của bản năng. Hãy hiểu giùm người đàn bà muôn thu những bóng tối trong tiềm thức. Tiềm thức thể hiện bằng những biểu tượng. Một biểu tượng hay nói cho giản dị hơn, một hình ảnh là phản ảnh trong ngôn ngữ của một bản năng vô thức. Và chỉ những hình ảnh bị lạm dụng thành những biểu tượng đó mới hé mở bóng tối của tiềm thức. Ví dụ biểu tượng mặt trời trong thơ Nhã Ca. Tập thơ bắt đầu bằng một vừng rạng đông
Chớ nhìn tôi bởi vì tôi đen
Mặt trời đã nạm cháy tôi
(Salomon, Cựu Ước)
và kết thúc cũng bằng tia lửa thái dương
Mặt trời mọc, mọc rồi, mọc rồi
Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc
Thái dương là biểu tượng của nam tính, cũng như Thái âm – mặt trăng – là biểu tượng của nữ tính trong tiềm thức của nhân loại từ thời thượng cổ. Từ bà Huyện Thanh Quan, Hồ xuân Hương đến Nhã Ca, ta thấy nhiều ánh nắng, như một khao khát như một đòi hỏi nam tính
Hòn đá xanh lăn về phía mặt trời
Cây trái cũ kiếp sau này có nhớ
Những mặt trời tan vỡ kín trong tôi
Mặt trời là khối lửa rực rỡ, chói lọi, tượng trưng cho quyền lực, chủ động, lý trí sáng suốt, sự bền vững, điều hòa của nam tính. Trái lại trăng khi tròn khi khuyết, khi có khi không, chỉ sáng bằng ánh sáng thụ động của mặt trời phản chiếu, lại xuất hiện đúng với chu kỳ kinh nguyệt của đàn bà, là tượng trưng cho nữ tính. Trong thần thoại tất cả các nước, hình ảnh của vầng Thái dương, Logos và vầng Thái âm, Eros đều có một giá trị biểu tượng giống nhau.
Một sinh vật hiện diện một cách vừa thường xuyên vừa bất ngờ trong Nhã Ca là Ngựa qua lời thú nhận bầy ngựa dạy nàng hung hãn. Hung hãn vì chẳng những là ngựa thường mà có khi là ngựa vằn nữa:
Rồi đêm ôm chiếc bóng ngựa vằn
Co bốn vó sãi đều hết năm
Ngựa biểu hiệu những bản năng cuồng nhiệt của thể xác, chuyên chở những đòi hỏi đen tối nhất, khó kiềm hãm nhất, như những bản năng của nữ giới. Ngựa cuối cùng còn là biểu tượng của người mẹ, như con ngựa thành Troie.
Trong thơ Nhã Ca, bạn của Ngựa là con Rắn
Con rắn hồi sinh nỗi buồn đen trườn mình
Trong khu vườn nước mắt và tội ác.
Rắn là biểu tượng những cám dỗ của tội lỗi, rắn thuộc về cõi âm sống về đêm, trong các hang hốc nên gần với nữ tính, tượng trưng cho dục vọng như truyện Thanh Xà Bạch Xà trong cổ tích Á Đông, chuyện rắn lừa gạt Eve phạm trái cấm trong vườn Địa đàng.
Tra vấn những biểu tượng trong thơ Nhã Ca, nhất là những biểu tượng nói lên chiều sâu thăm thẳm trong đêm tối của người đàn bà, là cốt để tìm thấy đằng sau giá trị nghệ thuật thuần túy, còn có một thực chất nữ tính sâu xa trong tiềm thức của tác giả. Cái giá trị của thi ca không phải ở cái nội dung vô thức đó, nhưng sự thành thật chân chính sẽ bảo đảm cho giá trị vĩnh cửu trong ngôn ngữ của nàng.
Những hình ảnh khác như khu vườn, người điên khua thanh la… đều rất phong phú. Chúng tôi chỉ xét qua vài hình ảnh mở rộng tâm hồn Nhã Ca. Như hình ảnh cây cối. Ba bài thơ đầu tiên đăng trên Hiện Đại, những bài thơ tiên khởi giới thiệu Nhã Ca, bắt đầu bằng những con đường râm mát.
Đường xa sầu tiếp với cây chiều…
Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây…
Tôi làm con gái
Buồn như lá cây…
Cây tượng trưng cho tình mẫu tử, cho khả năng sinh sản. Trong tiếng La-tinh hầu hết những danh từ chỉ cây cối đều là giống cái. Đọc thơ Nhã Ca luôn luôn bắt gặp hình ảnh của người mẹ, khi hiền từ, khi sôi nổi, khi đồng hóa với con người, khi lại tách rời. Hình ảnh ấy linh động và cảm động, tạo sự trìu mến quấn quít giữa các dòng chữ. Hình ảnh cây cối cũng có một địa vị đặc biệt trong thơ Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan. Cũng như những hình ảnh đèo, dốc.
tranh Nhã Ca
Xe đi hút lũng than đèo
Rừng thưa dốc lạnh hơi chiều rút qua
Dốc trái với bằng, là độ nghiêng của nội giới, từ hình ảnh tới tâm linh, dốc là khuynh hướng: dốc đòi hỏi con người phải chọn lựa hoặc lên hoặc xuống không thể lưng chừng. Cả lên lẫn xuống đều khó khăn đối với người đàn bà, họa hoằn lắm mới có một Võ Tắc Thiên hay một Quan Âm Thị Kính. Trong mỗi người đàn bà đều có một Quan Âm và một Võ Hậu tương tranh, bước lên một bước là Thiên Thần – dù chỉ là thiên thần xó bếp, bước xuống một bước là cầm thú – dù là cầm thú chính chuyên.
Đèo là điểm tương giao giữa hai chiều dốc, bên này là lên, bên kia là xuống: vị trí chọn lựa đó ngắn ngủi, và quyết định, không mấy khi dễ dàng. Một người đàn bà chỉ có hai quả hồng, hoặc ngọt hoặc chát; “quả ngọt phần chồng” là chính chuyên, ngược lại là bất chính. Và chọn lựa, nói là tự do, kỳ thật là nô lệ, nô lệ một nửa của mình. Một khi lỡ chọn thì “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”. Nói là muốn trèo, kỳ thật là phải trèo, hoặc trèo lên, hoặc trèo xuống. Cái dốc đạo lý, cái dốc tâm lý, cái dốc sinh lý, lại bao nhiều đèo dọc đèo ngang, bao nhiêu thầm kín người đàn bà đều trải phơi ra đó.
Đem những thầm kín linh cảm được trong thơ một người đàn bà mà giải thích, thì những thầm kín không còn thầm kín kia sẽ mất hết nữ tính quyến rũ. Thực chất sống động của thơ Nhã Ca sẽ phải đứng yên như tượng; tiếng nói Nhã Ca có thể cứng lạnh vì bị mất hết tương giao. Trong khi đó, thật ra, ngôn ngữ của nàng là một tiềm năng sung mãn trườn mình như rắn. Nói đến thơ, cuối cùng phải nói đến tiềm năng đó.
Vì nghệ thuật không phải là cái mà nghệ thuật diễn tả hay có thể diễn tả. Thơ không phải là những ý tưởng cũng không phải những khuynh hướng trong tiềm thức. Thơ trước hết là thơ. Và thơ gọi được là thơ không còn là thơ nữa. Những cái không gọi được là thơ thì không bao giờ có thể gọi được là thơ.
Cái gọi được là thơ trong Nhã Ca, trước hết là một không gian
Sân chiều chao nhẹ dăm tờ lá
Và khói sương về cuộn cánh song
Buổi chiều xa xưa ở đây không còn hiu hắt như trong Huy Cận hay đằm thắm như trong Xuân Diệu. Buổi chiều chao nhẹ, chao thật nhẹ như trong Nhất Linh. Những buổi chiều mịn màng, óng ả, mềm mại, dìu dặt đặc biệt trong thơ Nhã Ca mới có. Cũng như đêm của người đàn bà nồng thơm da thịt, chập chờn giữa êm dịu của hư vô và đê mê của cảm giác:
Hơi thở mùi hương nụ cười bóng lá
Đêm bao dung đêm hiền hòa mới lạ
Đêm ngửa bàn tay đêm động làn môi
Đêm dịu dàng đêm ngọt giấc mơ tôi
Đêm trên núi cao đêm trong hồn nhỏ
Đêm thơm nồng nàn mùi hương trí nhớ
Thơ Nhã Ca dày ải trần gian vào biên giới hư ảo của đê mê, thơ Nhã Ca là trầm luân trên từng sợi lông tơ, là thiên thu xóa nhòa trong chớp mắt. Đọc Nhã Ca là linh cảm cả hư không, trong từng thớ thịt, lẫn thể xác trong từng ý niệm vu vơ. Thơ Nhã Ca vừa mời gọi, vừa ôm ấp vừa quyến luyến. Thơ Nhã Ca là lối làm quen ở phút giã từ, là lúc vụt quên khi vừa sực nhớ. Vẻ đẹp Nhã Ca thật như một giấc chiêm bao, và giả như con sông Hoàng Hà từ trời xanh đổ về biển cả:
Ai về đó mà thơm hồn lụa bạch
Cổ chim xanh còn quấn quít tơ vàng
Thơ Nhã Ca sẽ dựng lên một thần thoại về người con gái Huế, vời vợi hương thơm và quấn quít tơ vàng.
Đêm trần gian, Nhã Ca đã nối dài vào Thiên đường và Địa ngục. Ở một phút nào đó, thần thoại đã tự hủy. Nàng tiên vươn mình lên khỏi mặt nước, để lộ nguyên hình nửa người nửa cá, nửa Thiên thần nửa Thú tính. Người đàn bà khắc khoải, bé mọn, đêm co người trăm năm. Co người để tạo một ảo giác, để che giấu một nhu cầu gần gũi, đó là lối gạt gẫm bản thân để dỗ mình vào giấc ngủ. Simone de Beauvoir tâm sự: “Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà.” Trở thành hay không là nhờ, là do, là tại, là bởi, là vì một người khác, một người khác phái:
Rồi náo nức lãng quên vào kỷ niệm
Một mình tôi nằm sát sự tối đen.
Nằm một mình mà vẫn đòi nằm sát. Nằm sát, dù chỉ nằm sát sự tối đen, vẫn còn hơn là nằm co. Một sự vong thân cần thiết: đàn bà có vong thân mới thành đàn bà, có tha hóa mới đạt tới yếu tính. Thúy Kiều có bán mình mới thành được Thúy Kiều và nói như Nguyễn Văn Trung “đàn bà chỉ là đàn bà khi được người khác công nhận”. Người đàn bà đẹp đến đâu, dù đẹp đến cùng cũng là những “ả tố nga” đẹp bằng mặt trăng, “đẹp như trăng” nghĩa là đẹp nhờ ánh sáng của một tinh cầu khác.
Người đàn bà, cái bản thể do ngoại, tại ngoại và hướng ngoại đó, cái être par autrui, en autrui, pour autrui đó, ý thức sự lệ thuộc của mình. Khi được si mê thì mang một thiên đường trên những ngón chân
Ta gần em mê từng ngón bàn chân
Mắt nhắm lại cho lòng nguôi gió bão 
(thơ Đinh Hùng)
và mang định mệnh nhân loại trong cái nhìn, nụ cười hay chiều cao của sống mũi như nàng Cléopâtre, hay từng nếp nhăn trên khuôn mặt như Tây Thi, định đoạt tính mệnh của một người bằng những cử chỉ vạn năng vô nghĩa
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay 
(thơ Đinh Hùng)
Thực chất đàn bà là thế. Nhưng đàn bà thích sống trong huyền thoại nhiều hơn là thực chất: huyền thoại tâm hồn, trinh tiết, chung thủy v.v… để có cái ảo giác về giá trị và tự do. Kỳ thật, đó chỉ là những giá trị giả tạo do đàn ông bịa ra để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình. Chung thủy là chung thủy vì một người đã qua, trinh tiết cho một người chưa đến. Người đàn bà vạn năng sẽ chỉ biết quyến rũ mà không biết si mê, chỉ có trong huyền thoại, vì người đàn bà đó là người cá! Cái can đảm của Nhã Ca là biết phá tung những huyền thoại đó:
Mùa mưa lũ với lời hứa của chàng
Vết bẩn trên mũi giầy
Bàn chân em yêu quí
Lòng tủi hờn hay mặt tối tăm
Linh hồn em một hòn đá nhỏ
Người đàn bà bị bao vây muôn trùng vì một lời hứa, người đàn bà vô nghĩa như một vết bẩn, biết rằng linh hồn mình không quí bằng một ngón chân! Và người đàn bà đó can đảm hơn nữa khi chấp nhận những nhu cầu tầm thường của thể xác, can đảm trườn mình như rắn:
Và đôi mắt uống hình nhau đã chật
Tay nâng tay thương nhớ nuối trong lời
Đêm buồn sương làm mắt ướt xa xôi
Và giá lạnh bao nhiêu lời tình tự
…Anh cũng nâng em lên bằng cái nhìn gạch ngói
bằng hơi thở mềm còn quấn quít bên nhau
Thái độ nằm co, nằm sát, nằm chật để giết chết những đêm buồn, những giá lạnh, những xa xôi, lời thì thầm đòi hỏi quấn quít, nâng em lên tạo nên cái thực chất đàn bà vừa sống sượng vừa cám dỗ, khiêm tốn một cách cao quí, tội lỗi một cách trong sạch, tầm thường đến cảm động.
Thái độ của Nhã Ca là muốn im lặng ra ngoài huyền thoại để đi tìm thực chất. Ra ngoài cái thiên hạ nói về mình, cái thiên hạ đồn đãi về mình để nghe những lời tự thú của lương tri và tiềm thức. Nhã Ca tự thương lấy thân phận, thấy rõ giới hạn chật hẹp của tự do trong thân thể mình, Nhã Ca bằng lòng sống cam phận nhỏ, chấp nhận mùi vị của tình yêu ngọt ngào như một vết thương. Nhã Ca từ một cô gái thơ ngây, bé bỏng khi về tay nhỏ che trời rét cho đến người mẹ hiền muối mặt trong ăn năn, im lặng nghe buổi trưa của cuộc đời lăn chậm:
Đã khô rồi nhựa trong cây
Mẹ nghe củi mục trôi đầy giấc con.
Nhã Ca từ cô gái đến người mẹ, vẫn dẫm lên lối đi tiền định của kiếp đàn bà. Lời tự tình nhẫn nhục đến thê thiết của Nhã Ca như buốt lạnh lương tâm người đọc. Qua một kỹ thuật ngôn ngữ già dặn, những cơ cấu âm thanh và hình ảnh vững chắc và uyển chuyển, người đọc còn tìm thấy thân phận chua chát, ê ẩm của người đàn bà, cái nguồn gốc tủi hờn của nhân loại. Tôi muốn kết thúc cuộc hành trình vào tâm hồn người đàn bà bằng một hình ảnh mượn của Nhã Ca, hình ảnh một loài rong
Em như loài rong
Xanh mướt niềm ăn năn
Tôi thấy trước mắt một thảm xanh hiền hòa, tự tin và tự chủ. Niềm tin bé mọn, chua xót, vẫn còn chờ đợi, vẫn còn xanh mướt. Buổi Thanh-minh của nàng Thúy, cỏ non vẫn còn gợn đến chân trời.
Em như loài rong
Trôi mãi niềm ăn năn.
Tôi thấy cánh rong của tôi bị giòng nước cuốn đi. Cánh rong thụ động, mất hết tự chủ, cố cưỡng lại với cuồng lưu. Thụ động nhưng vẫn gắng gượng tự chủ: Phận bèo bao quản nước sa, nàng Thúy thở dài.
Trôi và trôi mãi. Trôi mãi mười lăm năm mới đến Tiền-đường:
Tôi như loài rong
Chìm dưới vùng ăn năn
Tôi không còn thấy loài rong của tôi nữa. Loài rong yếu đuối mong manh, đã thất bại, đã buông xuôi, đã nhắm mắt, đã thua, đã chìm. Ngọn triều non bạc trùng trùng… Lịch sử, một cánh rong cũng là định mệnh của loài rong, đã xanh, đã trôi và đã chìm. Con đường nàng Thúy đã đi qua là con đường thiên thu của người phụ nữ muôn đời. Từ kinh nghiệm bản thân, từ linh tính, từ suy gẫm, Nhã Ca đã dùng tương quan ngôn ngữ để hé mở chiều sâu thăm thẳm của thân phận đàn bà. Trong hành lang thăm thẳm đó, chúng ta đã bắt gặp khuôn mặt của người tình, người vợ và người mẹ. Từ một thân phận phôi pha con người sẽ chua xót nghĩ đến thân phận của chính mình, của lứa đôi, và nghĩ đến hình ảnh của Thai Mẫu nhân loại, một Magna Dea thiên sứ nắm hết định mệnh loài người.
Đặng Tiến



----------------------------------------------------
trích lại từ  ĐỒNG HƯƠNG KONTUM
----------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét