Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

'Nguyễn-Nho-Sa-Mạc:" Nhà tiên tri"/ bài viết: Trần Hoài Thư -- Blog Phạm Cao Hoàng

MONDAY, NOVEMBER 20, 2017

217. TRẦN HOÀI THƯ Nguyễn Nho Sa Mạc, nhà thi sĩ tiên tri




Nguyễn-Nho-Sa-Mạc tên thật là Nguyễn Nho Bửu, còn có bút hiệu Nguyễn Thị Liên Phượng. Ông sinh năm 1944 tại La Qua, Điện Bàn, Quảng Nam, mất vào 23 tháng Chạp năm 1964 tại bệnh viện Đà Nẵng. Thơ Nguyễn Nho Sa Mạc từ những năm 1960 đã đăng trên các tạp chí: Bách Khoa, Văn học, Mai, Văn... (Sài Gòn). Gần nửa thế kỷ đã qua, kể từ ngày thi sĩ qua đời, năm 2007 tập thơ "Vàng lạnh" của Nguyễn Nho Sa Mạc mới được nhà xuất bản Thư Ấn Quán tại Hoa Kỳ  sưu tầm, tập hợp và xuất bản. 

Hiện tại chúng tôi còn lưu trong máy. Quí bạn nào cần, chúng tôi sẽ in và gởi tặng. 






1. 
Trịnh Công Sơn qua “Một cõi đi về” đưa người nghe về một nơi mà người ta gọi là cõi vĩnh hằng, thiên thu, hay bên kia thế giới. Điềm triệu đã thấy rõ ràng qua những lời đầy ảo não và nhuốm màu tôn giáo. Tuy nhiên, không thấy lời nào giúp chúng ta biết khi nào ông lên "chuyến xe trăm tuổi" như Hoàng Trúc Ly đã từng nói về cái chết của mình: 

Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non
(Hoàng Trúc Ly, “Vĩnh biệt”)

Dù nhà thơ đã dùng chữ mai để nói về sự vĩnh biệt, nhưng nó vẫn không xác định thời điểm nào. Nhà thơ HTL sinh năm 1933 và mất năm 1985. Có nghĩa "mai" là năm ông được 52 tuổi.

Chỉ có nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc mới là nhà tiên tri huyền nhiệm. Bởi vì khó có ai viết những lời trăn trối như thế này:

tôi gọi nhỏ tên mình sa nước mắt
sống trên đời vừa đúng hai mươi năm
máu sẽ khô xin tim này đừng rụng
giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm
(Nguyễn Nho Sa Mạc, “Xuân của một người”)

Và nhà thơ đã gọi tên mình thật. Gọi  cách đây 43 năm, đúng vào lúc anh lên hai mươi tuổi, khi anh đang là một học sinh Đệ Nhất trường trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

Nhà thơ Luân Hoán đã kể lại rất chi tiết về sự ra đi của anh như sau. (Tên thật của Nguyễn Nho Sa Mạc là Nguyễn Nho Bửu).

“... Theo lời chủ nhà, Bửu không tỏ vẻ gì khác thường trước khi mất, ngoài việc về nhà hơi muộn hơn thường lệ. Dù muộn, anh cũng chào hỏi mọi người ân cần  và không quên cho biết sáng hôm sau sẽ về quê. Gia đình này chỉ có hai vợ chồng và một đứa con vị thành niên. Họ nghỉ đêm ở căn nhà dưới, cũng rất thoáng mát. Người chồng cho chúng tôi hay khuya hôm đó, ông có tình cờ ra sân, ngó vào chỗ Bửu nằm, hơi ngạc nhiên thấy anh đắp chiếu thay vì đắp mền. Ông có đứng quan sát và đã cười trong bụng khi thấy bàn chân Bửu nằm ngoài chiếu, nhịp nhịp như đang theo âm điệu của một bài ca nào đó. Tuy ngỡ người khách trọ của mình phấn khởi vì ngày Tết sắp đến, nhưng ông chủ nhà cho biết lòng ông có vẻ không yên khi trở lại chỗ nằm, nên chừng một giờ sau, ông lên nhà trên và phát hiện tình trạng không ổn của Bửu...”

2. 
Thường người ta giải thích khi con người quá đau đớn (tinh thần hay thể xác), thì cái chết được xem như một cách để cứu rỗi. Bệnh hoạn nan y là một.

Nhà thơ NNSM không nằm trong trường hợp của nhà thơ Quách Thoại hay Hàn Mặc Tử mà các sáng tác của họ đã quằn quại đến bật máu, phun những tia đau thương để thăng hoa thành những hạt mưa thơ ân sủng. Đọc tập thơ Vàng lạnh của anh, không thấy một câu nào về bóng tối từ nỗi đau đớn đến bật máu như Hàn Mặc Tử. Đa số những bài thơ được sáng tác vào lúc anh khoảng 18, 19 tuổi và bài “Sinh nhật”, có lẽ là bài cuối cùng vì thơ ghi tháng giêng 1964, đều là những bài thơ tình và thân phận của tuổi trẻ trong cuộc chiến.

3. 
Không bệnh hoạn nan y, không ở trong guồng máy, cũng chẳng có một hệ lụy nào để có thể đưa đến sự tự vẫn. Thì chắc phải có một lý do bí ẩn nào khác.

Có phải lý do bí ẩn này ở những bài thơ vào cuối đời anh. 

Cái khổ nạn của VN.

Cái khổ nạn ấy đã được một người học trò thi sĩ gánh lấy. Mà gánh rất nặng. Cái "tôi" của nhà thơ trở thành cái chung:

mẹ dạy tôi làm người
phải yêu thương đồng loại
nhưng bức tường ô nhục
còn mọc lên khắp nơi

nên tôi buồn biết mấy
làm người dân Việt Nam
hằn vết thương chia cắt
đớn đau màu da vàng !
(“Cuộc đời”, trang 16)

hay:

mình cầm tay muốn khóc
thương những người đi sau
trời Việt Nam giá lạnh
màu chiến chinh thêm sầu
(“Đêm Vĩnh Điện”, trang 26)

Lời thơ anh là những tiếng kêu trầm thống của một thế hệ không có tiếng nói. Chưa đầy hai mươi tuổi, nhưng anh đã mang nỗi buồn đi trước quá xa.

Thơ anh linh hiển lạ kỳ:

chiều cuối năm ngồi trên tầng phố cũ
trời quê hương nhiều mây trắng sa mù
hai mươi tuổi những ngày nuôi mộng nhỏ
đã xanh rồi cây trái mọc suy tư

thân với máu xin thắp làm sương khói
giữa thời gian tìm vóc dáng con người
vùng tóc đó tháng ngày qua cỏ úa
lửa của trời thiêu đốt tuổi hai mươi

 (“Mùa xuân của một người”, trang 57)

4.
Cái chết của anh đã được anh tiên tri, và ứng nghiệm. Anh chọn tấm chiếu mà đắp phủ như  người dân VN trong trận đói năm Ất Dậu hay trong chiến tranh.. 

Cuối cùng, anh bỏ giấc mơ in tập thơ Vàng lạnh của anh.

Giờ đây, phần mộ đã yên ổn ở quê nhà anh, nhưng tập thơ thì không. Dù chỉ khoảng 70 trang.

Thật vậy, để kỷ niệm ngày giỗ thứ 43 (1944-2007) của nhà thơ xứ Quảng tài hoa bạc mệnh, anh em bằng hữu của anh dự trù xuất bản thi phẩm Vàng lạnh. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi nhận xuất bản để  thân tặng thân hữu ở hải ngọai. Đồng thời thực hiện Thư quán Bản thảo số chủ đề Nguyễn Nho Sa Mạc. Nhưng trong nước, khi mang tập bản thảo Vàng lạnh đi kiểm duyệt, thì bị cơ quan hữu trách bỏ hẳn một bài. (1).  Một bài thơ của người học trò, chưa hề dính líu vào guồng máy! 

Hương hồn người khuất có lẽ phải đau xót lắm khi phải đọc tập thơ của chính mình để trên bàn thờ bị cắt xén hay bị thay đổi! Có lẽ vì vậy mà người thân của nhà thơ đã quyết định sẽ không xuất bản, đợi một dịp khác thuận tiện hơn.

_______________________________
 (1) Xin được đăng lại bài thơ bị cắt bỏ:

Còn ở đó

còn ở đó màu da vàng thượng cổ
tổ tiên tôi từ sơ thủy vốn buồn
hai bàn tay đã đào sâu lòng đất
trồng muôn ngàn cây sây trái tình thương

với nước mắt đã ươm từng ngọn lúa
thêm mồ hôi thêm mạch sống quê hương
tôi đã thấy ngày Trường Sơn quằn quại
ôm cánh tay Việt Bắc khóc đau thương

còn ở đó lời phong dao tình ái
bốn nghìn năm lịch sử chảy trong hồn
đứa trẻ níu vành nôi kêu má má
hình ảnh nào hơn cảnh mẹ ru con

tôi khôn lớn nhìn nỗi buồn đất nước
một giòng sông biên giới hai loài người
nỗi đau đớn chất chồng cao bằng núi
ôi Sài Gòn - Hà Nội cháy trong tôi 

NGUYỄN-NHO-SA-MẠC

                                                       Nguyễn-Nho-Sa-Mạc 
                                                                            [i.e. Nguyễn Nho Bửu 1944-1964]
                                                                                            (ảnh: Internet)


-------------------------------------------
trích từ Trang VHNT Phạm Cao Hoàng
--------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét