Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

về thi sĩ khaly chàm -- blog phan nguyên

Friday, 23 November 2012


Khaly Chàm

(Saigon 1955-   ) 

















Khaly Cham
(1955 ...........) Sài gòn
nhà thơ


khaly chàm (trái+ tác giả Phú Trạm



































hiện tại không có người chết
chỉ thấy những đám tang
mặt trời sáng cho tất cả mọi người 
hay mặt trời sáng dưới huyệt mộ

 11/2012
KLC







-cầm tinh con ngựa, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. 
-nguyên quán: Cửu Long Giang
-trước 75 : viết văn - thơ trên các tạp chí và tuần báo Sài gòn.
-sau 75: thuộc thành phần bị buộc đi kinh tế mới.
-năm 95 cầm bút viết lại cho đến ngày hôm nay trên những website trong và ngoài nước: vanchuongviet.org - vnvan.net 
 tapchisonghuong.com.vn - tienve.org - damau.org - hopluu.net

















tác phẩm mới nhất









khaly chàm

ý tưởng tôi từng giờ mở mắt


như hình nộm. mang nhãn hiệu thánh thần
được cầu chứng bởi thứ ánh sáng nhiễu loạn thần kinh 
chẳng biết xấu hổ là gì khi cơn khát thèm nhạy cảm
mùi đàn bà thuần tính tạo ngữ âm rạo rực trong thanh quản
leo lên mặt tôi cấy trồng loài thưc vật thẫm đen cảm xúc


em bật khóc bằng sự rực rỡ của vi lượng ấu trùng 
có phải là niệm khúc vuốt ve nghệ thuật cụt đuôi niềm kiêu hãnh
ảo giác chui vào hơi thở tỏa nhiệt thì thầm
dường như thuộc tính là dấu thánh ban tặng phút giây bội phản 
khi vết ố nhục thể trừu tượng hình quả chuông ngả màu rỉ sét


vòng quay trái đất vụt vù hay chậm rãi 
chờ ngày sinh nở con mắt mặt trời đỏ máu
cuộc biến hình cứu chuộc sắc màu dục tính
có lẽ nào tình yêu đã chết trong mõm chó sủa ngày
ý tưởng tôi từng giờ mở mắt







ý niệm về nỗi sợ hãi cuối cùng 


tôi có thét gào gì đâu
sao cứ dội lại trùng trùng âm sóng
khi ý tưởng muốn ám sát thời gian đã vụt biến
ánh sáng đang oặn mình chết dần trong vỏ bọc bóng tối
mặt trời đen nhỏ xuống từng giọt máu
chạm vào ngôn ngữ bị đóng đinh chói lóa niềm kiêu hãnh 


thật tình là tôi thèm được choàng ôm ngọn lửa
nụ hôn của sự cô đơn tan chảy trong ý thức đồng thuận lặng im
cát bụi ngậm linh hồn quán tưởng những tầng địa ngục
kẻ khóc người cười đi xuyên qua những con mắt tượng đài phù điêu lố bịch
thành phố hoài nghi về những cơn mơ thơm mùi thuốc an thần


em hát ru chiếc áo choàng mông muội
khoác lên đám mây trôi về từ ảo giác chập chờn
dị bản mùa màng lũ chim tội nghiệp gục đầu trong lồng kính
sông núi mang bộ mặt thất thần từng đêm thao thức


tôi có dám nói cười gì đâu 
niềm tin nhắm mắt vùi sâu trong âm u tàn tích
tôi hình dung trên da thịt nhú mầm trổ hoa màu máu 
hào quang đỏ nhấp nháy cùng loài quỷ dữ cao giọng cười đen 
từ cuống họng bầu trời 
lời trối trăn của thể chế cuồng vọng dần thối rữa 







tôi & trong từng ý nghĩ


trừu tượng sự hóa trị tư tưởng cố vị
chính trị cao thượng rởm vẻ danh xưng 
khốn cùng tương phản huyền thoại kỹ xảo
vũ trụ điên rồ bao che miệng lưỡi điêu ngoa
nghệ thuật chuyền tay cầm giữ những ngọn đèn mù


đá cuội trườn mình ý niệm trưởng thành
bí ẩn hóa kiếp chết cùng mùi hương thi ca
thể hiện yếu tính giữa khe hở tình cảm và đau khổ
ngôn ngữ hoảng sợ trước lời dã thú nô lệ
cõi lặng vô biên nội tại lưu đày


chiêm bái mệnh hệ tuần hoàn biến thể
trầm thống trong tử cung vô thức ảnh hình
ý nghĩa mầm sống lăng quăng giấc mộng tối tăm
cần thiết thắp sáng ước nguyện
em giải thoát tôi cứu chuộc niềm tin thánh hóa


chạy quanh thân ánh sáng hú gọi tên
trừu tượng loãng thể thời gian vô tính
thần kinh cắn nát giấc mơ mưu toan khép cửa
ngọn gió hoang vu mang hồn ký ức quay về







tôi & mùi hương điên loạn


ánh sáng đang cứu rỗi mùi hương của máu 
tôi tự úp mặt vào bóng mình
lắng nghe nỗi đau của con thú hai chân
mơ hồ về cái chết cho niềm tin và tự do
cơn điên không sắc màu
đang trầm mình bơi trong vũng máu


tôi đã thấy những bóng ma
cố gắng lặng im gục đầu vào một xác thối 
mặc nhiên sự tồn tại của những chiếc răng nanh
mùa xuân khoác chiếc áo màu máu lộng lẫy lên màu vàng mùa hạ
đột nhiên trong não bộ tôi những vì sao lần lượt nổ vỡ 


mỗi đoạn khúc trang sử được viết bằng máu
dân tộc chúng ta hàng số mềm nhũn quặt quẹo
tức tưởi nhưng vẫn phải chấp nhận hào quang của những mùa thương tích


tôi và em cùng mọi người đừng nôn mửa
hãy ăn ngấu nghiến bầy cá thơm mùi lễ phục màu tang
chúng nó được nuôi dưỡng từ những ngọn triều màu đỏ


loài dã thú luôn sợ hãi ngôn ngữ phán quyết 
tội ác không gì được bưng bít
có thể những kẻ sát nhân đang trôi chậm về miền bóng tối
tôi điên loạn cõng linh hồn mình chạy về phía trắng toát mùi hương 









tôi & từng ngày


giấc mơ nào rồi cũng phải ra đi 
khi trời rạng đông tiễn mùi hương theo gió 
những nốt thời gian màu đỏ như hạt bụi 
rạn vỡ trên mười ngón tay mở mắt 
cái bóng tôi khóc đức tin đang dần tuyệt tự 
lũ chim ủ nỗi buồn không thiết đập cánh


sắc màu của tự do loang lổ trên vách bức tường 
hình ảnh những tên độc tài nhảy múa rất nghệ thuật 
cư dân khắp cùng đang nắm tay nhau 
lần lượt lăn vào ánh sáng để mù lòa 
quyền sở hữu tư duy còn ngái ngủ trong những đống rác


chúng ta hãy trang điểm giọng nói chính mình 
sẽ nhìn thấy sự lấp lánh trượt qua những thang âm phẫn nộ 
tháng bảy âm lịch rền vang tiếng chuông u minh 
rụng đen ngòm trên bản thảo 
bất chợt hiện một khuôn mặt trừng mắt nhìn tôi 
muốn phát ngôn dăm điều chân lý lố bịch 
rất may là không có chiếc lưỡi 
tôi nguyền rủa bản thân đã tự dày vò từng ý tưởng
















niệm tưởng mùa

từ hun hút mặt trời
những bí ẩn khởi sinh luôn được tưởng tượng
ánh sáng giấc mơ lộng lẫy xuyên qua quá khứ và hiện tại
trong khu vườn âm bản ký ức
bầy sẻ nâu ngờ vực mùi hương tạo hình vòng cung màu lửa
từng chiếc lá biến thể chỉ có thời gian mặc niệm
lơ lửng đám mây ngũ sắc rụng vang thanh âm của thời thơ ấu

có thể phải cắt ngang mọi diễn từ
khi cơn bão nổi lên trong mắt thủy tinh cuồng nộ lời giả định
những chiếc bóng trống rỗng của con người không thể tự đứng lên
từ bùn đất dấu chân lặng lẽ tượng hình nhiều dấu chấm than
những mái nhà bồng bềnh trôi theo đóm lửa lập lòe huyền bí
làm sao cho lời hát của ngọn gió cụt đầu được ký âm xác nghiệm
trước mùa xanh ?

treo bóng mình lên vách thời gian
nhìn ngày mới tinh khôi cho tình yêu thắp sáng
sự thinh lặng kỳ diệu đang dự cảm tháng chạp thiêng liêng niềm
trắc ẩn vẫy chào những đóa hoa biết nguyện cầu… chờ ngày di trú

Củ Chi 11/2014
















bầu trời tỏa xuống mùi hương

trí tưởng tôi đóng khung bầu trời nhìn thấy con mắt ẩn dụ
ngổn ngang ảo giác chảy tràn xuống tận cùng âm vực giọng nói
lô nhô sinh vật phát hiện được mầm sáng chỉ là một mệnh đề ám tượng ký sinh
dường như thời khắc những ngọn đèn nở ra loài bướm đêm vỗ cánh bay gọi thức mặt người

mùi hương của bầu trời tỏa xuống tháng giêng
dịu dàng ánh sáng trong bài thơ hiện thể những đóa hoa lấp lánh sắc màu
niền tin & giấc mơ tôi đã thuộc về em
chùm khói sương huyễn hoặc tượng hình chiếc bóng già nua lẩn khuất vào khái niệm

có vẻ như ban mai chúng ta nắm tay nhau đếm bước nhẹ tênh trên đường biên cảm giác
xác tín chiếc lá mùa xanh tự do rơi để hồi sinh miền ký ức
hình dung khuôn mặt thời gian mẫn cảm mở ra tiếng chim hót
không thể ngờ vực một điều gì bí ẩn
có phải từng ngày trôi qua đã thuộc về quá khứ ?
chúng ta đừng lầm tưởng hương thơm thời gian đồng thuận với sự lãng quên sẽ cháy tàn trong hơi thở
















với hình ảnh trừu tượng

có thể mọi tội lỗi đều đi ra từ con mắt
bày biện trò chơi xưng tội trước bóng mình
rượu lên men giả hình phán quyết tôi tan biến

lòng ham muốn khát thèm bừng trỗi dậy
khi lửa tình yêu ngủ vùi trong nỗi cô đơn đầy ngụ ý
em hoài nghi ảo ảnh rạng ngời quyến dụ  
nên chưa hề tồn tại giai điệu ca tụng giấc mơ

sự thật thế giới ngả nghiêng và biến loạn
không thể là lời trăn trối được định nghĩa
những ngón tay biết khóc tuôn òa nước mắt
người ta khâm liệm ánh sáng vào không gian
chờ ngày khai mở sự kỳ diệu đầy sợ hãi

với tôi một ký hiệu im lặng
khoảnh khắc bình yên không mục đích
chậm rãi ngôn ngữ độc thoại bi hài kịch nhân tính
nhưng chẳng biết để làm gì!
vang âm tiếng vọng từ phía hoàng hôn
gọi tên tôi trở về nơi chốn đã từng nương náu


















viết ngắn cuối năm
tháng mười hai
những đóa hoa hân hoan với
giấc mơ chờ ngày khởi sắc
sẽ phải ra đi khi những
gì… chẳng hề là lời nói

không gian tự mở ra từng
ô cửa ngày xanh vô nhiễm
âm thanh ban mai tan chảy
trên những ngón tay thinh lặng
nâng niu mầm sáng chiêu dụ
hiện thể ẩn chứa niềm tin

ảo tưởng không thể tạo hình
nỗi cô đơn thành chùm lá kép
bên kia giấc ngủ của đất
dễ chừng hơi thở hiển linh
hóa lửa trong tận cùng sâu thẳm

hiện tại đã là mùa đông
người ta minh họa khuôn mặt
thời gian bí ẩn dần hư hoại
thế giới thắp lên những ánh đèn đang cháy
nỗi hoài nghi mặt trời vỡ vụn
trôi nhanh vào cơn mê sảng đáng yêu

mùa đông 2014



















tác phẩm đã in









Đi Về Phía Mặt Trời


 Nxb Văn Nghệ. 2006




THƠ KHALY CHÀM QUA TẬP THƠ:



“ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI”



Nhất Loan







Khaly Chàm nguyên quán ở đồng bằng Sông Cửu Long. Chào đời tại Sài Gòn. Khaly Chàm trở thành dân của đất Tây Ninh khá lâu. Giữa khá nhiều bài thơ, tập thơ mang nặng truyền thống ngôn ngữ miêu tả, kể lể, giãi bày một cách có vần, có điệu (tuy khéo nhưng xưa) vây quanh, trong tập “Đi Về Phía Mặt Trời” của mình, ấn hành vào tháng 02 năm 2006, Khaly Chàm bỗng vụt lên một phong cách thơ khá mới, lạ.



Nếu phải phân tích, truy tìm cội nguồn cái mới và lạ kia, trong thơ anh, thì rất dài dòng. Nó có cội rễ từ tận quan niệm triết học của anh về vũ trụ - con người. Nói gần hơn, nó chính là sự triển khai khái quát mô thức thẩm mỹ của Khaly Chàm về cuộc sống. Vấn đề quá lớn. Khó gom vào trang viết nhỏ. Chỉ có thể nói rằng, với Khaly Chàm, "Thơ: như chiếc nạng" mà "ngôn từ tôi dựa dẫm bước đi", cần phải "vượt qua những định luật", "nghi hoặc mọi giáo điều" vì "đời thường có quá nhiều kiểu cách", "để tôi được đồng nhiên cùng hạnh phúc". Nghĩa là, với Khaly Chàm, thơ nói riêng, cái đẹp trong cuộc đời nói chung, phải là kết quả của sự vật lộn, của sự rướn tới giữa hạnh phúc hiện thực luôn còn bất toàn với lực hút "cố định hóa" của quán tính xã hội. Trong bài "Đồng Hành" này, Khaly Chàm muốn nói rằng: Cái đẹp của ngôn ngữ thơ, hoặc, mở rộng ra, cái đẹp trong cuộc sống, chính là "vượt qua những định luật", những cái tốt của hôm qua (nhưng có khi không còn tốt cho hôm nay). Chính là dám phá vỡ những cấu trúc không còn phù hợp với cấu trúc cảm xúc và tư duy của con người vốn luôn tồn tại trong sự vận động về phía trước nhằm hoàn thiện mãi sự bất toàn trong hạnh phúc hiện thực của mình với tư cách một cá thể vừa hòa hợp vừa tự do cùng cộng đồng xã hội. Một "ungramaticality" trong ngôn ngữ thơ. Một sự lóng ngóng, vụng về trong diễn đạt. Một sự "phi cú pháp" trong biểu hiện. Bởi, cái đẹp của thơ, của ngôn ngữ thơ bây giờ không còn là những gì đúc sẵn bên ngoài người làm thơ, có khả năng trở thành đối tượng khách quan cho nhà thơ mô phỏng, dồn nén, gò bó xúc cảm cùng ý thức nghệ thuật của mình vào. Mà nó phải là sự tự thân xuất hóa toàn diện quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ về hiện thực vào từng con chữ, vào từng mô hình kết hợp những con chữ trong bài thơ vào nhau như một thông điệp trực tiếp, im lìm mà trọn vẹn nhất xúc cảm tươi nguyên ràn rụa mới của tâm hồn. Mới đến độ mọi ngôn ngữ và trật tự cấu trúc diễn đạt cũ đều phải bất lực. Đều phải tự lột xác để rướn dậy, nếu muốn hoàn thành tiếp sự hiện hữu của mình với tư cách hệ thống ký hiệu về xúc cảm và ý tưởng đang dần được độc lập hóa nội tâm trên nền tảng yếu tính vĩnh hằng muôn thưở của con người .



Thảo nào, có lẽ đã trung thành rất mực với quan niệm ấy của mình, trong tập thơ nói trên, Khaly Chàm đã luôn tìm kiếm và đã tìm kiếm được một mô hình cấu trúc ngôn ngữ thơ rất "ít giống ai". Trước tiên, mọi quan niệm về loại từ trong ngôn ngữ thường nhật bị phá bỏ. Trật tự văn phạm quen thuộc, vốn dành cho văn trần thuật, miêu tả, theo đó, cũng bị đập tan. Vũ trụ, hiện thực, gồm ngoại cảnh và nội tâm, trong ngôn ngữ thơ của anh, nhờ đó mà bắt đầu lấp lánh tỏa rạng một khuôn mặt ý nghĩa mới. Mới, nên trẻ trung. Trẻ trung, nên tinh khôi và trong trẻo. Và, qua đó, nó dẫn đưa người đọc vào một cõi xúc cảm thẩm mỹ lạ và mới trước những gì vốn cũ, rất cũ. Một sự phục sinh trạng thái trinh tuyền nhất nơi đôi mắt tâm hồn của chúng ta. Trả lại cho chúng ta những gì vẹn nguyên đẹp đẽ ngất ngây nhất khi đối diện với cuộc đời. Đẩy tâm hồn mình và hiện thực tương giao xã hội ngày càng đi gần tới hơn cái toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.



Hãy đọc vài đoạn thơ (nơi từng bài thơ) trong tập thơ nói trên của Khaly Chàm để ngẫm và nghĩ, dù rằng vài đoạn thì không thể nói đủ về phong cách thơ nơi tác giả của nó (do vậy, nên tìm đọc toàn tập thơ thì tốt hơn).

Mở đầu bài "Từ Tình Yêu Của Đất", Khaly Chàm viết:

"khắc họa bóng hình vào ánh sáng 
để xác tín sự hóa thân tỏa rạng trong ý tưởng 
như mong ước luôn lừa dối nhưng chẳng thấy bao giờ 
lặng nghe vọng lại sóng âm lời gọi tên từ bến bờ mê ảo 
vội vàng chi, từng ngày cứ vuột khỏi tầm tay 
giấc mơ như rêu bám víu trên thân phận con người
với em, lẽ nào tôi phải sống đến từng phút giây đắm đuối 
có đúng là tình yêu để được hồi sinh
tất cả sẽ trở về như hiến dâng mới mẻ
tôi khát khao đặt lên môi tiếng hát của búp non vừa hé mở..."


Rõ ràng, thơ Khaly Chàm cũng cần đến ngôn từ khái niệm thường nhật, lời nào nghĩa ấy, để hiện hữu. Cũng phải có chủ từ, động từ, túc từ nơi từng câu để thống tri nội dung tình cảm, ý tưởng của mình. Và, tới lượt nó, những câu thơ này cũng phải được đặt vào một trật tự liền lạc trên dưới, nối tiếp mãi đến hết bài thơ. Nhưng nó hoàn toàn không phải là văn xuôi có vần, lấy sự du dương, nhịp nhàng của vần, của điệu, của tiết tấu êm ái làm trung tâm cái đẹp, cái hay cho thơ, sau sự êm ái vui tai về nghĩa của lời, của câu. Mà, một cách mới mẻ và chắc tay, Khaly Chàm đã thành tựu được thơ của mình trên sự chết đi về nghĩa thường nhật của những con chữ được viết ra. Trên sự giằng co căng kéo của những loại từ thường sự với những vị trí mới của nó trong câu, đầy sự sáng tạo vất vả. Và, tiếp theo, Khaly Chàm lại thành tựu được tứ của bài thơ bằng sự chết đi của cả bài thơ trong ý thức của người đọc khi gắn nó vào bối cảnh hiện thực. Hay nói cách khác, Khaly Chàm đã dũng cảm, bạo liệt phá vỡ và hỗn đồng lại những mảnh vỡ của ngôn ngữ thường nhật, của trật tự cú pháp thường nhật, để, sau đó, nhào nặn lại khuôn mặt ý nghĩa mới cho chúng bằng chính hơi nóng khát khao tra vấn và truy tầm những giá trị thẩm mỹ mới cho thơ, cho mình và cho đời, dù biết rằng mọi thứ đều cần phải vượt qua nữa.


Thêm một đoạn thơ nữa, trong bài "Sự Thật Trong Sự Nhận Thức":


khi hợp âm đã rơi vào tĩnh lặng 
sẽ hiện ra tia mắt tưởng chừng xuyên thủng màn đêm /

không phải dễ để hình dung được những móng vuốt và tiếng rúc lạnh từng hồi còn vương trong tán lá 

linh giác cuối cùng mách bảo bản năng trú ẩn sinh tồn
hy vọng mong manh vụt biến.


hoặc là:


sẽ không còn gì 
người đàn bà đã bỏ ra đi
trong khuôn nhạc thời gian độc tấu chỉ dấu lặng buồn 
hỏi những cành củi nhỏ 
có phải đang khao khát ngọn lửa 
hơi ấm làm phục sinh lớp tro than của ngày hôm qua hạnh phúc 
dư âm buông hình thể hân hoan chạm nhẹ hồn lấp loáng khúc tình ca...


Tóm lại, ở Tây Ninh hiện nay, cùng một vài nhà thơ khác nữa, thơ Khaly Chàm là một phá cách khá đẹp. Đằng sau nó là khối lửa suy tư luôn đau đáu sự trăn trở trên đường chinh phục, sáng tạo khôn nguôi những sắc màu thẩm mỹ mới cho thơ, cho mình và cho đời, vốn luôn đi mãi về phía trước, của Khaly Chàm: Điểm chung đặc chủng vốn có nơi mọi nghệ sĩ, dù rằng cái mới nào bao giờ cũng dễ bị... dị ứng. Nhưng, ở đây, nếu cho rằng "...chỉ có cây đời mới mãi mãi xanh tươi" thì chúng ta có lẽ nên ủng hộ phong cách thơ "ít giống ai" này của Khaly Chàm. (Thời tiền chiến ở Việt Nam ta, thơ mới từng bị trường phái cổ điển nhạo báng, dè bĩu không tiếc lời). Ủng hộ quan niệm thơ trên của anh. Ủng hộ sự tìm tòi, đổi mới ngôn ngữ thơ nói trên của anh. Vì thơ của con người thời công nghiệp hóa hiện đại hóa không còn là sự thẩn thơ đề huề "phóng bút đề thơ", "y thanh điền từ" (theo khuôn mẫu điệu thức có sẵn bên ngoài linh hồn ta mà điền chữ vào) nữa. Mà phải và sẽ là sự tái sản xuất mở rộng đầy thặng dư nghĩa mới, để diễn đạt những xúc cảm và ý tưởng luôn luôn mới, mới rất tốc độ, rất đa chiều, đa cực, nhưng lại trên cơ sở những con chữ vốn luyến ít ỏi cũ. Và, tất nhiên, nơi vương quốc của sự sáng tạo thi ca này, Khaly Chàm vẫn không phải và không thể là cái mẫu, cái chuẩn duy nhất, cuối cùng. Vì ở mỗi góc đổi mới quan niệm thẩm mỹ về hiện thực nói chung, về thơ nói riêng, người ta chỉ có thể chinh phục và sở hữu được một vẻ đẹp trong khối đẹp vĩnh cữu, phổ quát của hiện thực, của cuộc đời, của thơ. Và, như vậy, những vẻ đẹp mới còn lại, ắt hẳn đang chờ vào sự sáng tạo, truy tìm riêng nơi nhiều nhà thơ khác của đất Tây Ninh. Dĩ nhiên,vẫn không loại trừ cả Khaly Chàm trong sự tìm tòi tiếp tục này cho thơ, cho mình và cho đời. Vì bản chất sự sống nói chung, của thơ nói riêng, luôn là sự sáng tạo. Không còn sáng tạo nữa, coi như nhà thơ chỉ còn tồn tại trong thì quá khứ. Một đòi hỏi nghệ thuật ngặt nghèo, nhưng cũng rất hấp dẫn và vinh quang cho người cầm bút làm thơ, nhất là lúc thế giới ngày càng "phẳng dần" trong mắt mọi người - và điều này không hề chỉ dành riêng cho giới làm thơ mà thôi... 

Thị xã Tây Ninh, mùa xuân năm 2008
N.L.



















Tình Khúc Tặng Bạn Bè


Nxb Văn Nghệ. 2008


















Nắng Qua Lăng Kính


Nxb Văn Hóa Văn Nghệ. 2010


(...)


-----------------------------------------------------
trích một phần từ blog phan nguyên
======================













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét