Tố Hữu
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4 tháng 10 năm 1920 – 9 tháng 12năm 2002), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời là một chính trị gia. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Mục lục
[ẩn]Nguồn gốc bút danh Tố Hữu[sửa | sửa mã nguồn]
Theo lời Tố Hữu tự giải thích về nguồn gốc bút danh Tố Hữu của mình[1] thì năm 1938 ông sang Lào thăm một người anh. Ở đây ông gặp một cụ đồ người Quảng Bình. Cụ đồ đã đặt cho ông bút danh "Tố Hữu" (chữ Hán: 素有), lấy từ câu nói của Đỗ Thị[2] "Ngô nhi tố hữu đại chí" 吾兒素有大志. Tố Hữu 素有 có nghĩa là "sẵn có, ý chỉ khí phách tiềm ẩn trong người". Tố Hữu nhận tên gọi này nhưng hiểu theo nghĩa là "người bạn trong trắng", viết bằng chữ Hán là "素友", khác với tên do cụ đồ đặt ở chữ "hữu".
Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]
Thiếu niên[sửa | sửa mã nguồn]
Nguyễn Kim Thành sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại Hội An tỉnh Quảng Nam. Đến năm 9 tuổi, ông cùng cha về ở tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho, thuộc nhiều ca dao dân ca Huế và rất thương con. Cha mẹ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu.[2]
Mẹ ông mất vào năm ông lên 12 tuổi. Năm 13 tuổi, ông vào trường Quốc học Huế. Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maxim Gorky,... qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam bấy giờ (Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu), Nguyễn Kim Thành sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản. Năm 1936 ông gia nhập Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương.
Hoạt động trong đảng Cộng sản[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Tháng 4/1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhà lao Thừa Phủ (Huế) rồi chuyển sang nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên. Tháng 3-1942, ông vượt ngục và bắt liên lạc với Đảng (về hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và thôn Tâm Quy xã Hà Tân huyện Hà Trung Thanh Hóa). Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế.
Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và nhà nước:
- 1948: Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam;
- 1952: Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ;
- 1954: Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền;
- 1963: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam;
- Tại đại hội Đảng lần II (1951): Ủy viên dự khuyết Trung ương; 1955: Ủy viên chính thức;
- Tại đại hội Đảng lần III (1960): vào Ban Bí thư;
- Tại đại hội Đảng lần IV (1976): Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương;
- Từ 1980: Ủy viên chính thức Bộ Chính trị;
- 1981: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng cho tới 1986. Ngoài ra ông còn là Bí thư Ban chấp hành Trung ương.
Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1).
Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khoá II và VII.
Trong thời gian phụ trách mảng văn nghệ, ông là người đã phê phán quyết liệt phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm|phong trào Nhân văn-Giai phẩm (1958). Nhiều ý kiến coi ông là tác giả chính của vụ án văn nghệ-chính trị này[3]. Sau khi Lê Duẩn mất, có sự thay đổi mạnh mẽ tiến tới đổi mới nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn diện. Ông bị mất uy tín chính trị vì phải chịu trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ những năm 1980 nên bị miễn nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ còn giữ một chức danh nghiên cứu mang tính học thuật.
Quan điểm chính trị[sửa | sửa mã nguồn]
- Là nhà thơ đã chọn con đường Cách mạng từ thời thanh niên, trải qua những năm tháng tù đày, thơ của ông là tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật Cách mạng. Ông quan niệm: "Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng."
- Ngoài vai trò nhà thơ, ông còn là một nhà chính trị, có một số bài thơ ca ngợi các lãnh tụ phong trào cộng sản quốc tế như Stalin (Đời đời nhớ Ông), Mao Trạch Đông (Đường sang nước bạn), Hồ Chí Minh (Bác ơi, Cháu nhớ Bác Hồ), Fidel Castro(Từ Cuba).
Đóng góp văn học[sửa | sửa mã nguồn]
Ở Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Chặng đường thơ của Tố Hữu là chặng đường lịch sử của cả một dân tộc. Ông được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến.
Các tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]
- Từ ấy (1946)
- Việt Bắc (1954)
- Gió lộng (1961)
- Ra trận (1962-1971)
- Máu và Hoa (1977)
- Một tiếng đờn (1992)
- Ta với ta (1999)
- Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973)
- Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981)
Nguyễn Huy Tưởng đã dành cho Tố Hữu những dòng bày tỏ sự yêu quý, kính trọng, như: “Tố Hữu vững chắc quá, được toàn thể anh em văn nghệ sĩ kính phục” (trích nhật ký ngày 28 tháng 9 năm 1949); “Nghĩ đến Tố Hữu, rực rỡ như vàng, như ánh sáng” (trích nhật ký tháng 12-1949); “Hôm nay lại tranh thủ ý kiến Tố Hữu. ý kiến hay...” (trích nhật ký ngày 28 tháng 4 năm 1959); “Lên chơi Tố Hữu. Thoải mái. Nói chuyện sắp đi Vĩnh Linh. Tố Hữu tán thành. Cần phải đi cho biết rộng” (trích nhật ký ngày 8 tháng 8 năm 1959); “Lên gặp Tố Hữu. Nhắc chuyện 1956, một dự định kịch và tiểu thuyết của ta cái hồi ấy...Tố Hữu đã góp cho nhiều ý kiến về vấn đề này”. Qua buổi gặp đó, Nguyễn Huy Tưởng thấy “yêu Đảng, yêu cách mạng” (trích nhật ký ngày 11 tháng 10 năm 1959)[4]
Bài thơ tiêu biểu[sửa | sửa mã nguồn]
Bài thơ cuối cùng[sửa | sửa mã nguồn]
Tạm biệt đời ta yêu quý nhất
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất
Sống là cho. Chết cũng là cho.[6]
Phong tặng và Giải thưởng văn học chính[sửa | sửa mã nguồn]
- Giải nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (tập thơ Việt Bắc)
- Giải thưởng Văn học ASEAN của Thái Lan năm 1996 cho tập thơ "Một tiếng đờn".
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1, 1996)
- Huân chương Sao Vàng (1994)
Phong cách nghệ thuật[sửa | sửa mã nguồn]
Về nội dung[sửa | sửa mã nguồn]
Thơ Tố Hữu mang đậm chất trữ tình chính trị sâu sắc:
- Trong việc biểu hiện tâm hồn, thơ, Tố Hữu luôn hướng đến cái ta chung:
- Hồn thơ Tố Hữu luôn hường đến cái ta chung, lẽ sống lớn, niềm vui lớn của dân tộc và của Cách mạng. Cái tôi nếu có là cái tôi của người chiến sĩ, cái tôi nhân danh Đảng và dân tộc. Vì thế có ý nghĩa khái quát, rộng lớn.[7]
- Cảm hứng thơ Tố Hữu thường bắt đầu từ cảm hứng chính trị, từ những tình cảm lớn cao cả, tiêu biểu: tình yêu lý tưởng, lãnh tụ, đồng bào đồng chí,....[7]
- Trong việc miêu tả đời sống, thơ Tố Hữu mang đậm chất sử thi:
- Đối tượng thể hiện chủ yếu trong thơ Tố Hữu là những sự kiện lớn của dân tộc, những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tình chất toàn dân, những biến cố quan trọng tác động đến vận mệnh dân tộc → cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lịch sử dân tộc, là vận mệnh của cộng đồng.[7]
- Các nhân vật trữ tình thường mang phẩm chất tiêu biểu cho dân tộc: anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân,....[7]
- Tất cả những điều trên thể hiện qua giọng thơ mang tính chất tâm tình rất tự nhiên đằm thắm, chân thành:
- Nhiều vấn đề chính trị kho khan được diễn tả bằng tình cảm của muôn đời: tình mẹ con, vợ chồng, tình yêu đôi lứa → giọng điệu của tình thương mến.[7]
- Đặc biệt: tác giả rung động trước đời sống cách mạng trong kháng chiến → hướng về đồng chí, đồng bào mà trò chuyện tâm tình, nhắn nhủ. Những lời tâm tình đó có cội nguồn từ chất Huế trong hồn thơ Tố Hữu..[7]
Về nghệ thuật[sửa | sửa mã nguồn]
Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà[7]
- Về thể thơ: Tố Hữu có tiếp thu những tinh hoa của phong trào Thơ mới, nhưng ông đặc biệt thành công khi vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc. Những bài thơ lục bát mang cả sắc thái lục bát ca dao và lục bát cổ điển, dạt dào những âm hưởng nghĩa tình của hồn thơ dân tộc. Những bài thơ theo thể thất ngôn trang trọng nhưng không khuôn sáo, trái lại, hơi thơ rất liền mạch, tự nhiên, diễn tả được hiện thực đa dạng và nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau[7]
- Về ngôn ngữ: ông thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc với dân tộc. Đặc biệt, thơ Tố Hữu đã phát huy cao độ tính nhạc phong phú của Tiếng Việt, nhà thơ sử dụng rất tài tình các từ láy, các thanh điệu, các vần thơ[7]
Sự kiện rắc rối sau khi ông mất[sửa | sửa mã nguồn]
Bài phỏng vấn Tố Hữu với tựa đề: "Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng" của Nhật Hoa Khanh được công bố sau khi ông mất đã gặp phải sự phản kháng từ gia đình ông. Vào tháng 4 năm 2004, tài liệu này bắt đầu được phổ biến trong giới văn nghệ, báo chí tại Việt Nam. Vào tháng 5 năm 2004, báo Quân đội Nhân dân trích đăng 3 kì từ tài liệu này với nhan đề "Tố Hữu" và "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", (kì số 3 vào ngày 7 tháng 5 năm 2004). Ngoài ra bài này cũng được đăng thành nhiều phần nhỏ trong các báo khác như Nhân dân, Tiền Phong Chủ Nhật, Người Hà Nội,... Nội dung bài phỏng vấn có nhắc tới các sự kiện văn hóa trước đây như Nhân văn-Giai phẩm và các nhà văn nạn nhân..., ông Tố Hữu có những lời ca ngợi các người này.
Bài phỏng vấn được thực hiện năm 1997, nhưng đến khi phổ biến thì bị bà Vũ Thị Thanh, vợ của Tố Hữu, phủ nhận và cho đó là những tài liệu giả mạo "pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình". Bà yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ sự giả mạo của tài liệu này, nhưng ông Nhật Hoa Khanh nói có đầy đủ băng ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện của ông với Tố Hữu.
Thực hay giả, đúng hay sai, nhưng thực tế nó đã được các tờ báo chính thống ở Việt Nam phổ biến. Sau đó sự kiện này không được các cơ quan báo chí, văn nghệ nhắc tới nữa[8].
Câu nói[sửa | sửa mã nguồn]
“ | "Chưa bao giờ Ông Cụ[9] khen thơ tôi" | ” |
— Chân dung và đối thoại- Trần Đăng Khoa
|
Tố Hữu và vụ Nhân văn Giai phẩm[sửa | sửa mã nguồn]
Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền được coi là người dập tắt phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm. Trong cuốn Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958, mà ông là tác giả, Tố Hữu đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu như sau:
Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm; (trg 9. Sđd). Trong cái công ty phản động "Nhân Văn - Giai Phẩm" ấy thật sự đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ;. (trg 17. Sđd). Báo cáo tổng kết vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm" cũng do Tố Hữu viết có kết luận về tư tưởng chính trị và quan điểm văn nghệ của phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm như sau:
Những tư tưởng chính trị thù địch Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản. Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo. Chống lại chuyên chính dân chủ nhân dân, chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa. Gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, gãi vào đầu óc sô-vanh chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản. Những quan điểm văn nghệ phản động Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, thực tế là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân. Chúng đòi "tự do, độc lập" của văn nghệ, rêu rao "sứ mạng chống đối" của văn nghệ, thực ra chúng muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối văn nghệ phục vụ công nông binh, nêu lên "con người" trừu tượng, thực ra chúng đòi văn nghệ trở về chủ nghĩa cá nhân tư sản đồi trụy. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" hằn học đả kích nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, nhất là văn nghệ Liên Xô, đả kích nền văn nghệ kháng chiến của ta. Thực ra, chúng phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng đòi đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, chúng đòi "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ", thực ra chúng đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong nhật ký của mình, sau khi nhắc tới tên một số người trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm cũng đã cho hay: “Bọn họ có người nói: Đừng viết nữa, để dành cho trẻ viết. Vô luận một bài, một sáng tác nào của anh em mà họ gọi là “cây đa cây đề”, họ đều gạt đi, cho là tồi. Trong khi đó thì họ tâng bốc những bài của họ mà phần lớn là không ngửi được!” (trích nhật ký ngày 23 tháng 1 năm 1956).
Nhận định[sửa | sửa mã nguồn]
“ | "Tôi chỉ biết ông là nhà thơ có nhiều bạn đọc nhất trong thời đại của ông. Tôi chỉ biết rằng ông đã sinh ra đúng thời. Giọng nói của ông là giọng nói của thời đại ấy. Có hai người làm thơ sinh đúng thời nhất: Tố Hữu và Trần Đăng Khoa. Tôi không hiểu nếu những năm tháng này, Tố Hữu đang 20 tuổi trai trẻ và Trần Đăng Khoa đang 8 tuổi ấu thơ thì giọng nói của họ sẽ vang lên như thế nào. Họ có tài và họ sẽ làm thơ. Nhưng họ sẽ viết những câu thơ ra sao? Tôi luôn luôn nghĩ Tố Hữu là người nghệ sĩ nhân dân. Thơ ông là bài ca vui bất tận. Khi thơ ông bước vào cái tuổi sung sức nhất lại chính là lúc dân tộc Việt Nam sau bao năm làm thân phận nô lệ đã thành người tự do. Ai sống trong thời đại ấy cũng sẽ quên đi những nỗi buồn cá nhân để cất cao tiếng hát của mình trong bài ca độc lập của dân tộc." | ” |
— Tố Hữu và ngọn đèn đã tắt- Nguyễn Quang Thiều
|
“ | "Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế." | ” |
— Chân dung và đối thoại- Trần Đăng Khoa
|
“ | "Cuối cùng, như mọi kiếp người, ông đã giã từ đời sống về nơi cát bụi trong một ngày mùa đông giá rét. Ông không còn được lưu lại trên thế gian để đón thêm một mùa xuân nữa. Từ đây, những câu thơ viết về mùa xuân của ông mà có thời rất nhiều người đọc Việt Nam chờ đợi khi xuân tới sẽ chẳng bao giờ sinh ra. Một lần, tôi gặp ông trong một cuộc hội thảo, ông bảo tôi: "Hôm nào tới nhà mình chơi, mình kể cho ông mấy chuyện hay lắm. ông có khả năng viết tư liệu đấy." Nhưng cuộc trò chuyện ấy không bao giờ có được. Có thể sau này, khi tôi cũng thành người thiên cổ và gặp ông ở cõi vĩnh hằng thì có thể tôi sẽ được ông kể cho nghe. Nhưng tôi nghĩ trong cõi vĩnh hằng, những chuyện dở, chuyện hay chẳng còn quan trọng gì nữa. Vì nơi ấy, mọi đau khổ đều được chữa chạy, mọi tăm tối đều được chiếu sáng, mọi lầm lỗi đều được tha thứ, mọi sợ hãi đều được che chở, mọi tuyệt vọng đều được cứu vớt... Giờ đây, linh hồn ông đang mỉm cười hay đang suy ngẫm, thở phào nhẹ nhõm hay dằn vặt khổ đau -" | ” |
— Tố Hữu và ngọn đèn đã tắt- Nguyễn Quang Thiều[10]
|
“ | " Thời đại ta đã may mắn có được nhà thơ Tố Hữu" | ” |
Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]
- Phu nhân là Vũ Thị Thanh, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Mối tình của hai người được họ tự khen ngợi là một mối tình đẹp và bà Thanh đã viết hồi ký về Tố Hữu mang tên Ký ức người ở lại.[12] Bà qua đời năm 2012.
- Vợ chồng Tố Hữu có ba con, hai gái và một trai.
Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]
- Hiện nay, tên của ông được đặt tên cho một tuyến đường ở thủ đô Hà Nội, nối từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lươngđến ngã tư Vạn Phúc - Yên Lộ, chạy qua hàng loạt các khu đô thị lớn như: khu đô thị mới Phùng Khoang, Trung Văn, Vạn Phúc… Ở Huế cũng có một con đường mang tên ông.
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Văn Mộc, Bút danh của nhà thơ Tố Hữu, Báo Bắc Giang. Ngày 7 tháng 1 năm 2009 [Ngày 14 tháng 8 năm 2013].
- ^ Thực ra câu "Ngô nhi tố hữu đại chí" 吾兒素有大志 không phải là của Khổng Tử mà là lời của Đỗ thị (杜氏) nói về con trai của mình là Triệu Khuông Dận (趙匡胤) (陳邦瞻,宋史紀事本末,卷十 金匱之盟。[2013年8月14日]。). Nguyên văn như sau:
- Hán văn:
- 吾兒素有大志,今果然矣。
- Phiên âm Hán Việt:
- Ngô nhi tố hữu đại chí, kim quả nhiên hĩ.
- Dịch nghĩa:
- Con ta sẵn có chí lớn, nay quả nhiên như vậy.
- Hán văn:
- ^ Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ, Nhà xuất bản Văn Hoá, 1958
- ^ http://www.thotre.com/luutru/index.php?menu=detail&mid=55&nid=2271
- ^ “Thơ của Tố Hữu về Joseph Stalin”. BBC tiếng Việt. 31 tháng 10 năm 2007.
- ^ Thơ Tố Hữu, Hà Minh Đức, Nhà xuất bản văn học
- ^ a ă â b c d đ e ê Bộ Giáo dục. Sách giáo khoa Văn lớp 12, 2007
- ^ “Mượn danh nhà thơ Tố Hữu truyền bá quan điểm riêng”. Truy cập 29 tháng 11 năm 2004. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ Tức Bác Hồ
- ^ “Tố Hữu và ngọn đèn cô đơn đã tắt”. Truy cập 14 tháng 9 năm 2008. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|accessdate=
(trợ giúp) - ^ [1] Nhà phê bình văn học Hoài Thanh: Nỗi oan không khó gỡ
- ^ Bà Vũ Thị Thanh viết hồi ký về Tố Hữu - Mối tình đẹp trong đời và cả trong thơ
Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]
|
|
|
|
Thể loại:
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam
- Sinh 1920
- Mất 2002
- Tố Hữu
- Nhà thơ Việt Nam thời Pháp thuộc
- Nhà thơ Việt Nam thời kỳ 1945-1975
- Nhà cách mạng Việt Nam
- Người Thừa Thiên - Huế
- Học sinh Quốc học Huế
- Phó Thủ tướng Việt Nam
- Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
- Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 2
- Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 7
- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa
- Giải thưởng Hồ Chí Minh
- Huân chương Sao Vàng
- Nhà thơ Việt Nam
- Họ Nguyễn Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét