Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Người xa lạ trở về / truyện ngắn BẮC ĐẢO / bản việt ngữ: Thân Trọng Sơn -- Trang VHNT Phạm Cao Hoàng

SATURDAY, OCTOBER 14, 2017

153. THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiếu: NGƯỜI XA LẠ TRỞ VỀ Truyện ngắn Bắc Đảo 北岛 ( Bei Dao ) 1949 -



Bắc Đảo, tên thật là Triệu Chấn Khai ( 赵振开 ), sinh năm 1949, quê quán Chiết Giang, nhưng lớn lên ở Bắc Kinh.

Năm 1966, khi Cách mạng văn hoá bùng nổ, Bắc Đảo 17 tuổi, đang học trung học. Lúc đó, thật ra ông cũng không thích không khí nhà trường với nhiều ràng buộc khắt khe , nên khi trường đóng cửa ông thấy thoải mái và, như nhiều thanh niên khác, ông tham gia hồng vệ binh. Ngoài việc tịch thu sách vở tại các gia đình, Bắc Đảo cũng đã từng tổ chức việc lấy sách ở các thư viện lúc này đều bị đóng cửa, những sách lịch sử, chính trị, triết học, liên quan đến cách mạng. Năm 1969, ông được đưa về nông thôn hoạt động và ông tận mắt chứng kiến cảnh sống nghèo nàn, lạc hậu ở đây, hoàn toàn khác với những tuyên truyền đã từng nghe. Từ đó, nhiệt tình cách mạng giảm sút, nhận thức chính trị của ông thay đổi hẳn. Ông bắt đầu học hỏi, đọc nhiều và bắt đầu viết, kể cả trong thời gian ông đi làm công nhân xây dựng. Ông đọc bất cứ thứ gì có được, thi ca cổ điển, tác phẩm lãng mạn phương Tây, chủ yếu là bản dịch. Loại sách lấy được ở các thư viện chính là " sách bìa vàng ", xuất bản trước thời cách mạng văn hoá, phổ biến hạn chế trong số cán bộ cao cấp. Lúc này Bắc Đảo và các bạn thích thú khám phá văn học phương Tây với tiểu thuyết của Kafka, với "Buồn nôn " của Jean-Paul Sartre, với " Bắt trẻ đồng xanh " của Salinger. Cùng nhóm bạn, ông tổ chức sinh hoạt văn chương, gặp gỡ hai tuần một lần để thảo luận, trao đổi các bài viết.

Tháng 4 năm 1976, lúc này Bắc Đảo vẫn đang là công nhân, nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn, thường được gọi là " tứ ngũ sự kiện " (  四五事件 ), biểu tình tưởng niệm Chu Ân Lai, mới qua đời ngày 8/1 trước đó, gắn với những hoạt động chống đối chế độ. Bên cạnh những vòng hoa do những người biểu tình mang đến có những bài thơ, và Bắc Đảo được biết đến với bài "Trả lời" 回答, Hồi đáp ), xuất hiện trong dịp này.

" ... Này thế giới, nói cho mà biết nhé,
tôi không tin !
dù cho dưới chân người có một ngàn tên thách đấu,
thì hãy tính tôi là kẻ thứ một ngàn lẻ một.

 tôi không tin bầu trời màu xanh,
tôi không tin tiếng rền của sấm,
tôi không tin giấc mơ là ảo tưởng,
tôi không tin cái chết không báo thù.
.... "

Ngay sau cái chết của Mao Trạch Đông, có vẻ như  bắt đầu những thay đổi chính trị lớn. Một số những người " xét lại", " hữu khuynh" bị bắt giữ được trả tự do, " Bức tường dân chủ ", một bức tường gạch dài gần hai trăm mét, được dựng gần bến xe buýt tại Tây Đơn, Bắc Kinh. Ban đầu, người dân đến đây dán lên tường những bài viết bày tỏ những oan khiên, uất ức của họ trong thời Cách mạng văn hoá. Sau đó là những hình thức diễn đạt khác, những áp phích lớn, đăng tải tin tức và ý kiến.

Đúng vào thời điểm này, cùng với bạn là nhà thơ Mang Khắc ( 芒克, Mangke ), Bắc Đảo thành lập  tạp chí"Ngày Nay" ( 今天, Kim Thiên ) với bài xã luận hùng hồn:

" Lịch sử đã cho chúng ta cơ hội được bày tỏ, mà không phải chịu những hình phạt khủng khiếp, những bài ca mà chúng ta đã giấu kín trong lòng từ mười năm nay... Thế hệ chúng ta sẽ có thể xây dựng được định nghĩa của mỗi đời sống cá nhân, và khắc đậm nhận thức của chúng ta về khái niệm tự do..."

Số báo ra mắt ( có đăng bài thơ Trả lời và chữ ký của tác giả bên cạnh ), gồm 60 trang, chiếm diện tích lớn trên bức tường. Tạp chí Ngày Nay xuất bản được hai năm thì bị cấm nhưng cũng đã thu hút một số lớn những người hâm mộ văn chương, nhất là trong giới sinh viên, thanh niên. Sau khi báo bị cấm xuất bản, phần lớn các tác phẩm thi ca từng in trên báo được đăng lại trên các tạp chí chính thức, nhiều nhất là thơ của Bắc Đảo, và hai người bạn Mang Khắc và Cố Thành ( Gu Cheng  顾城 ), những người khởi xướng phong trào " mông lông thi " ( 朦胧诗 ) với nội dung và hình thức diễn đạt mới lạ. Về sau, cả ba đều trở thành những nhà thơ nổi tiếng. Bắc Đảo xác định vai trò của nhà thơ:

"Các nhà thơ không nên thổi phồng vai trò của mình, nhưng cũng không thể xem thường chính mình. Nhà thơ thực hiện một công việc sáng tạo khó khăn nhưng đầy ý nghĩa, để có thể chạm tay đến tất cả những điều tốt đẹp nhất trong trái tim con người. Có lẽ tất cả những gì mà nhà thơ cần để giải quyết những khó khăn đó, là thời gian. Lịch sử sẽ phán xét."

Sau khoảng mười năm lao động như một công nhân, Bắc Đảo trở thành biên tập viên về văn học cho nhiều tạp chí văn nghệ (  新观察, Tân quan sát ),  là hội viên Hội nhà n Trung-quốc vào năm 1985; một năm sau, ông được tặng giải văn học Ngũ Tứ của Đại học Bắc Kinh.

Năm 1985 được phép xuất ngoại, lưu trú tại Anh và Hoa Kỳ. Năm 1987-1988, làm trợ giáo về ngôn ngữ tại Đại học Durham, Anh quốc. Đến tháng Năm 1988 được bộ Văn hóa Pháp mời tới thăm nước Pháp cùng với một số nhà n Trung Hoa khác. Cũng năm này, ông được Đại học Iowa, Hoa-kỳ mời.

Tháng  6 / 1989, vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn xảy ra. Trước đó, Bắc Đảo đã phổ biến một bức thư ngỏ gởi  nhà cầm quyền đòi hỏi trả tự do cho những tù nhân chính trị, trong đó có Nguỵ Kinh Sinh (魏京生, Wei Jingsheng ), nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến, đã lên tiếng đòi hỏi thực hiện " hiện đại hoá thứ năm ", tức là quyền tự do cá nhân ( thêm vào bốn hiện đại hoá của Đặng Tiểu Bình ). Ba mươi ba người hưởng ứng ký tên, trong đó có một số nhân vật trí thức nổi tiếng, tạo nên một phong trào chống đối mạnh mẽ.

Nhiều bài thơ của Bắc Đảo được phổ biến trong dịp này, bày tỏ thái độ phản đối những biện pháp quá khích của cách mạng văn hoá, mạnh mẽ nhất là bài " Tuyên cáo" ( 宣告 ) :

Tuyên cáo

( Tặng Yu Luoke )

Có lẽ  giờ cuối cùng đã điểm
i chẳng để lại di chúc nào
Chỉ có cây bút, để tặng  mẹ
Tôi không phải là anh hùng
Trong thời đại không anh hùng
i chỉ muốn làm  người.

Đường chân trời tĩnh lặng
Phân cách người sống kẻ chết
i chỉ có thể chọn bầu trời
Quyết không quỳ gối xuống đất
Để bọn đao phủ trông cao lớn hơn
Che chắn ngọn gió tự do.

Từ những lỗ đạn hình ngôi sao
Chảy ra bình minh đỏ như máu.

Người được đề tặng bài thơ này là Yu Luoke tức     , Ngộ La Khắc, một nạn nhân của cách mạng văn hoá. Tuy là học sinh xuất sắc, hai năm liên tiếp anh đều bị loại khỏi danh sách trúng tuyển trường đại học, chỉ vì bố mẹ thuộc tầng lớp " tư sản ", dù là cả hai đều đã bị " trừng phạt " trước đó, từ lãnh đạo xí nghiệp trở thành công nhân bình thường " chịu sự giám sát của quần chúng ". Ngộ La Khắc phải xin làm thợ học việc ở một nhà máy nhỏ. Anh viết nhiều bài lên án mạnh mẽ " chủ nghĩa lý lịch ", gom lại thành tác phẩm " Về nguồn gốc gia đình ", lan truyền rộng rãi đến mức tác giả bị truy lùng, bắt giữ, và kết án tử hình. Anh bị hành hình ngày 5/3/1970, khi mới 27 tuổi. Nhiều năm sau, cuộc vận động đòi hỏi phục hồi danh dự cho anh vẫn tiếp tục mạnh mẽ và đến năm 1979 anh được toà án Bắc Kinh tuyên bố vô tội.

Thời điểm tháng 6/1989 này, Bắc Đảo đang ở Đức nhưng ông vẫn bị cáo buộc đã xúi giục phong trào bạo loạn của thanh niên sinh viên. Ông biết sẽ bị bắt nếu trở về nên đành chấp nhận cuộc sống lưu vong. Từ lúc này cho đến mùa thu năm 1995, khi ông gặp lại vợ con, Bắc Đảo đã chuyển chỗ ở mười lăm lần, qua bảy quốc gia khác nhau, Đức, Na Uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Hoà Lan, Pháp, Hoa Kỳ. Ông gọi mình là  "con nhím lưu vong " ( 逃亡的刺猬, đào vong đích thứ vị ), như trong bài thơ tặng con gái Điền Điền ( 田田 ):

Bức tranh
( Cho sinh nhật thứ năm của Điền Điền )

Buổi sáng đến trong chiếc áo dài ngắn tay
Táo rụng đầy khắp mặt đất
Con gái tôi đang vẽ bức tranh
Bầu trời năm tuổi rộng lớn cỡ nào
Tên con có hai cánh cửa sổ (*)

Một cánh mở ra phía mặt trời không có kim đồng hồ
Một, mở về phía cha của con,
Người đã trở thành con nhím lưu vong
Mang theo mình vài con chữ khó hiểu
Trái táo đỏ rực nhất
Đã chạy khỏi bức tranh của con
Bầu trời năm tuổi lớn rộng ra sao.

(*) Tác giả chơi chữ, dựa vào tự dạng tên con gái 田田.

Điều đáng lưu ý là các bạn thơ của ông ở tạp chí Kim Thiên, sau năm 1989,  lần lượt cũng chấp nhận lưu vong cả:  Cố Thành ( 顾城, Gu Cheng ), Đa Đa (多多, Duo Duo ), và Dương Luyện ( 杨炼,  Yang Lian ). Nhiều nhà văn Trung hoa lưu vong đã nhóm họp tại Oslo ( Na Uy ) vào mùa xuân 1990 và quyết định xuất bản lại tờ Kim Thiên. Văn phòng biên tập chuyển từ Oslo đến Stockholm ( Thuỵ Điển ) rồi tới New York. Ngoài việc phổ biến tác phẩm của các nhà thơ Trung hoa, tạp chí còn dịch và giới thiệu nhiều nhà thơ phương Tây cận đại và hiện đại ( Octavio Paz, Paul Celan, Tomas Transtromer, Mark Strandu... ).
  
Năm 1990, từ Na Uy, Bắc Đảo qua Thuỵ Điển, trở thành hội viên danh dự của  tổ chức Văn Bút ( PEN ) nước này. Sau đó, ông sang Đan Mạch làm trợ giáo về ngôn ngữ và văn chương Trung hoa tại Đại học Arrhus cho đến 1992. Chặng đường tiếp theo là Hoà Lan ( 1992-1993 ), ông được mời tới cư trú với tư cách là nhà văn tại Đại học Leiden, rồi Đại học Michigan, Hoa Kỳ ( 1993-1994 ). Tại Hoa Kỳ, Bắc Đảo từng dạy tại Đại học Alabama ( Tuscaloosa), Đại học Notre Dame ( Indiana ) Beloit College ( Wisconsin ). Ông là thành viên danh dự của Hàn Lâm Viện Nghệ thuật - Văn chương Hoa Kỳ. Trường Đại học Brown trao tặng ông bằng tiến sĩ danh dự.

Đến năm 2006, ông mới được chính thức trở về quê hương. Năm sau, Bắc Đảo chuyển sang sống tại Hong Kong cùng vợ  là hoạ sĩ Thiệu Phi (邵飞Shao Fei  ) và con gái , Điền Điền (  田田, Tiantian ), giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Hong Kong.

Bắc Đảo đã được tặng nhiều giải thưởng giá trị:
-     Giải thưởng Tucholsky của Văn Bút ( PEN ) Thuỵ Điển (1990). Giải thưởng được đặt tên theo nhà văn Kurt Tucholsky, người Đức, tỵ nạn tại Thuỵ Điển từ năm 1929, trao hàng năm cho các tác giả bị ngược đãi, đe doạ hoặc lưu đày.
-     Giải thưởng Thơ Quốc tế Argana, Casablanca ( 2002 ).
-     Giải thưởng Cành Hoa Vàng của Liên hoa Thơ Quốc tế Struga - Macedonia ( 2015 ). Giải thưởng trao hàng năm từ 1966, Bắc Đảo là người thứ 50, sau những tên tuổi lớn của thế giới:  Wystan Hugh Auden, Eugenio Montale, Léopold Sédar Senghor, Rafael Alberti, Hans Magnus Enzensberger, Ted Hughes, Allen Ginsberg, Tomas Tranströmer, Ko Un..., và những người từng đạt giải Nobel như Joseph Brodsky, Eugenio Montale, Pablo Neruda and Seamus Heaney.
-     Giải thưởng Cikada của Thuỵ Điển ( 2015 ). Giải thưởng được sáng lập vào năm 2004 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ nổi tiếng Thuỵ Điển Harry Martinson ( 1904 - 1978 , giải Nobel văn chương 1974 ), dành cho các nhà thơ Đông Á, với ý nghĩa " ghi nhận những đóng góp thông qua các vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống". Cùng đạt giải năm này với Bắc Đảo là nhà thơ Ý Nhi của Việt Nam. Từ năm 2004 đến nay đã có 10 tác giả được trao giải thưởng Cikada gồm: 3 nhà thơ Nhật Bản, 3 nhà thơ Hàn Quốc, 1 nhà thơ Trung Quốc, 1 nhàthơ Đài Loan, và 2 nhà thơ Việt Nam là Ý Nhi (2015) và Mai Văn Phấn (2017).

Nhiều năm Bắc Đảo được giới thiệu là ứng viên giải Nobel Văn chương, nhưng chưa được chọn. Tác phẩm của ông đã được dịch sang 30 ngôn ngữ.

Bắc Đảo thường được nhắc tới như một nhà thơ. Tuy nhiên, ông còn viết truyện ngắn và tiểu luận.

Truyện " Người xa lạ trở về " giới thiệu dưới đây được dịch từ bản tiếng Pháp của Brigitte Duzan, nguyên bản tiếng Trung là 归来的陌生人 ( Quy lai đích mạch sinh nhân ), trích trong tập "Ba động" ( 波动 , Sóng ). Bắc Đảo bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên từ năm 1970, những truyện ngắn in trong tập Ba động này là những trang văn xuôi đầu tiên của ông, khởi đầu từ 1974, đến năm 1979 hoàn thành, và hai năm sau mới xuất bản. " Ba động "  kể về số phận những người thuộc thế hệ lạc lõng trong thời cách mạng văn hoá. Nội dung và hình thức của tác phẩm này đều rất mới mẻ so với thời đại, báo hiệu khuynh hướng cách tân trong sáng tạo nghệ thuật.

Ngoài tập Ba động, Bắc Đảo còn xuất bản nhiều tác phẩm khác, có thể kể:

Ngọn đèn xanh ( 青燈 , thanh đăng ), hồi ký.
Căn nhà xanh ( 藍房子lam phòng tử ), hồi ký, bản Anh dịch Blue House.
Cánh cửa nửa đêm  ( 午夜之門 ngọ dạ chi môn ), hồi ký, bản Anh dịch Midnight's Gate.
Hoa hồng của thời gian  ( 時間的玫瑰,  thời gian đích mai khôi ), tiểu luận về thơ.


I.
  
Cha trở về.
Ông đã trải qua trọn vẹn hai mươi năm ở trại cải tạo, từ Đông Bắc (1) đến Sơn Tây, rồi từ Sơn Tây đến Cam Túc, như một thuỷ thủ lênh đênh theo sóng nước biển, ông đã cố chống chọi vô vọng cảnh nổi trôi đó, thế rồi một con sóng nhỏ lại đưa ông dạt vào bến bãi đầu tiên.

Kết luận của mọi chuyện chỉ đơn giản ông là nạn nhân của một vụ án oan sai, giờ ông được phục hồi danh dự hoàn toàn. Hôm đó, các nhân vật quan trọng của giới kịch nghệ đã hạ cố đến căn nhà tầm thường của chúng tôi; khi họ thông báo bản án với chúng tôi, tôi suýt nhảy bổ lên. Từ lúc nào các người bỗng trở nên sáng suốt thế kia? Chẳng phải là chính các người, những nhà văn chương nghệ thuật, trước đây đã tuyên bố là ông ấy đã phạm tội ác với nhân dân đó sao? Cái nhìn của mẹ, vừa bình thản vừa đau đớn, đã ngăn tôi lại.

Sau đó, chúng tôi được dự vào cuộc đại diễn tập cho một ngày hội. Chúng tôi rời khỏi cái chuồng thỏ để dọn đến ở một căn nhà ba gian, một dinh thự; ghế dài, tủ sách, bàn làm việc, ghế xếp, mọi thứ hiện ra như trò ảo thuật ( tôi nửa đùa nửa thật nói với mẹ hẳn là phông màn bài trí của đoàn hát đây mà ); người thân và bạn bè không ngừng lượn lờ đến suốt ngày, ngay cả những người quen biết bao lâu nay không thấy đâu nay cũng đến chúc mừng chúng tôi... Cũng được đi, các vị cứ tung hô, cứ ca hát, nhưng những điều đó có liên quan gì đến tôi? Cha đã hồi sinh. Cách đây đúng hai mươi năm, đúng vào lúc một đứa bé gái bốn hay năm tuổi đang cần tình thương của cha mình thì cha nó chết... Mẹ, những người ở trường, những người có chủ ý đều nói với nó như thế, và, nếu chừng đó chưa đủ, các người còn muốn tôi ghét ông ta, nguyền rủa ông ta, và nếu có thể, các người còn đưa cho tôi cái roi để tôi quất vào người ông ta không chút thương hại. Bây giờ đây, mọi thứ được đền bù, các người thay đổi hẳn, các người muốn tôi phải làm sao? muốn tôi khóc? hay muốn tôi cười?

Hôm qua, lúc ăn tối, mẹ quan tâm đến tôi gấp đôi ngày thường, luôn tay gắp thức ăn vào chén tôi, và, lúc ăn xong, mẹ rút trong hộc ra một bức điện tín đưa cho tôi, vẻ mặt không biểu lộ cảm xúc.
" Của cha phải không?"
" Chiều mai ông ấy đến, mười sáu giờ năm mươi."

Tôi cầm lấy bức điện tín, nhìn thẳng vào mắt mẹ. 
" Lan Lan, con đi đón ông ấy nhé!" mẹ nói, tránh tia nhìn của tôi.
" Chiều mai con có giờ dạy."
" Nhờ người nào thay cho."

Tôi quay gót bước về phía phòng ngủ: " Con không đi."
" Lan Lan ", mẹ cao giọng nói, " dù sao ông ấy cũng là cha con!"
" Cha?" Tôi vội quay lại, lẩm bẩm trong đầu: cái từ đó và ý nghĩa của nó đang hành hạ mình, tôi cảm thấy tim đập thình thịch, hình như những vết khâu của vết thương cũ đang bung ra.

Tôi gấp cuốn vở tập làm văn trước mặt lại, lớp năm, Trương Tiểu Hà. Cô bé bạo dạn này, có thói quen hay lắc cái đầu, thật giống tôi lúc tôi tuổi nó, ôi, những năm tháng ấu thơ! Điểm khởi đầu cuộc đời mỗi chúng ta, là những cuốn vở bìa màu xanh nhạt, là những chữ viết và những dấu chấm câu bôi xoá lem luốc và, chính xác hơn, là tình cảm từng ít nhiều bị đánh lừa: những vòng hào quang thầy cô vẽ cho ở trường bao quanh cuộc sống chúng ta, những cái nào chẳng biến thành cuộn khói tròn hay vòng xích sắt?

Bóng tối tràn qua cánh cửa sổ kiểu xưa, che mờ phần chiếu sáng trên mặt kính bàn làm việc. Phòng giáo viên chìm ngập trong thứ ánh sáng mờ đục, yên ả. Tôi thở dài, sắp xếp sách vở, khoá cửa, đi băng qua sân trường tĩnh lặng, và bước theo hướng về nhà.

Ánh sáng từ những khung cửa sổ của căn hộ chung cư loé lên như những màn hình máy  vô tuyến truyền hình, còn những cửa sổ không có đèn sáng thì hiện lên những chiếc bóng không rõ hình thù. Lúc nào cũng có những cửa sổ sáng đèn và những cửa tối thui, nhưng ba cánh ở tầng bảy thì luôn luôn giữ mô hình cố định: một sáng và hai tối. Tôi đi tới đi lui một lúc trên khoảng đất bỏ không vương đầy vữa thạch cao và những thanh gỗ giàn giáo. Một tấm biển bằng gỗ rời, treo lệch, ghi mấy chữ: Chú ý, nguy hiểm!

Trong tất cả ngôn ngữ trên thế giới, điều lạ lùng là, để diễn tả cùng một khái niệm chính xác, người ta đều dùng một từ phát âm kiểu giống nhau: ba. Tất cả những người cha, dù màu da,tính tình và bản chất khác nhau, vẫn có được niềm khoan khoái như nhau khi nghe được từ đó, vậy mà tôi, tôi không thể thốt lên được. Còn ông ấy, tôi biết gì về ông? Tôi chỉ còn vài tấm hình cũ sót lại, mang dấu vết một giấc mơ trẻ con: chiếc khăn quấn ngang đầu, kiểu như khăn trùm Á rập, ông ấy ngồi trên lưng con voi có phủ trên lưng một tấm thảm bằng dạ tuyệt đẹp với những tua vàng thòng xuống đất... Cũng có vài vở kịch nổi tiếng vào thời của ông ấy, và một bản luận văn khá dày về lý thuyết kịch; những sách này, tôi tình cờ tìm thấy trong một trung tâm lưu giữ phế phẩm; còn thứ khác? vâng, có những bức thư thông báo, cái nào cũng giống nhau, toàn buồn tẻ cả, và đều gởi đến đều đặn như đồng hồ: trong những phong bì giấy cứng viền màu đỏ, chúng trông chỉ giống như những thư cáo phó, và nhìn chúng là tôi thấy ngạt thở. Tôi không bao giờ hồi đáp, và sau đó, đem đốt hết, chẳng thèm để mắt tới. Duy chỉ một lần có một phong bì trắng tinh, trên đó in hình một con vịt con dễ thương, nhưng khi mở ra, tôi đã thất vọng và nổi giận nguyền rủa mọi con vịt con xấu xí, lại còn kể ra những thói xấu  của chúng: tham lam, hèn nhát, cẩu thả... Tất cả chỉ vì bức thư đó chẳng đem đến cho tôi hạnh phúc, mà tôi có quyền chờ đợi thứ hạnh phúc nào kia chứ?

Giờ này đây, thang máy đã ngừng, tôi chỉ có việc bước lên cầu thang, từng bậc một; đến cửa căn hộ, tôi dừng lại, căng tai, nín thở; nghe từ bên trong nhà tiếng rì rầm của TV và lời thoại ngốc nghếch của cuốn phim cũ; ơn Trời, xin cho tôi đủ can đảm!

Tôi vừa mở cửa đã nghe giọng em trai tôi nói lớn:" Chị về rồi đấy! " nó nhảy chồm về phía tôi, như anh lính xung phong, giúp tôi cởi áo khoác. Em tôi đã hai mươi hai tuổi rồi, nhưng lúc nào cũng quấn quýt lấy tôi, có lẽ chỉ vì, như lời mẹ nói, trong bao nhiêu năm tôi đã chia sẻ gánh nặng của tình mẫu tử.

Hành lang tối thui, chút ánh sáng từ nhà bếp hắt ra chẻ bóng tối làm hai. Ông ấy, đứng ngay giữa chỗ ra vào cửa đối diện, nơi nửa kia của bóng tối, mẹ đứng bên cạnh, và, sau lưng hai người, những tia sáng của TV loé lên từng đợt.

Một sự yên lặng đến rợn người.

Cuối cùng, ông ấy vượt qua dòng sông ánh sáng, ánh sáng của ngọn đèn, một thứ ánh sáng trắng bi thảm, lướt vội qua mặt và cổ ông làm lộ rõ những vết nhăn và những cái sẹo. Tôi vẫn đứng chết dí một chỗ, ông già nhỏ bé người quắt lại đó kia là ông ấy sao? Cha tôi. Tôi thấy yếu lả người, phải đứng tựa vào cánh cửa.

Ông ấy do dự một lát, rồi chìa tay ra, và bàn tay nhỏ bé của tôi lọt thỏm trong đôi  bàn tay cứng đờ của ông, với những khớp bị bệnh viêm làm cho biến dạng, những bàn tay chẳng tương xứng chút nào với toàn bộ cơ thể.
" Lan Lan ", ông nói khẽ, giọng hơi run.

Im lặng.
" Lan Lan ", ông lặp lại, giọng dứt khoát hơn, chừng như ông đang sốt ruột chờ đợi điều gì đó.

Nhưng tôi biết nói gì đây?
" Giờ con mới về, trễ vậy, con ăn rồi phải không?", mẹ nói.
" Vâng", tôi nói, giọng yếu đuối.
" Sao con đứng mãi ở đó vậy? đi vào đi con." mẹ nói.

Ông ấy cầm lấy tay tôi, tôi ngoan ngoãn theo vào, mẹ bật đèn, tắt TV và chúng tôi đến ngồi trên chiếc ghế dài, ông ấy vẫn nắm chặt lấy tay tôi, nhìn tôi chăm chú, vẻ ngây dại. Tôi tránh tia nhìn của ông, mắt đổ vào con búp bê bằng nhựa dẻo thổi phồng được đặt trên thành cửa sổ. Một sự im lặng đến khó chịu.
" Lan Lan ", ông ấy gọi lần nữa.

Thực tình tôi sợ là con búp bê lạ lẫm kia nổ bùng, làm những mảnh vỡ nhiều màu bay tung toé khắp phòng.
" Con ăn rồi chứ? "

Tôi mạnh mẽ gật đầu.
" Bên ngoài lạnh lắm không?"
" Không." Mọi thứ đều bình thường, con búp bê không nổ. Có thể nó sẽ bất chợt,  như một quả bóng khinh khí, thoát ra cửa sổ vụt bay lên trên những ngôi nhà tràn đầy tiếng động, ánh sáng và hơi ấm, rồi lướt lên nhập với trăng sao.

" Lan Lan ", giọng ông vừa thương cảm vừa van nài.
Nhưng bỗng nhiên, cái không khí đầy tin cậy vừa mới hình thành đó tan loãng ngay. Tôi chợt hoảng sợ và cảm thấy máu dồn lên làm váng vất đầu óc. Tôi giật mạnh bàn tay ra, chạy ra cửa, rẽ về phòng và vùi đầu vào giường, mong được khóc.

Có tiếng ai đẩy nhẹ cửa, mẹ đó, bà đến ngồi cạnh giường, trong tối, vuốt tóc, gáy và vai tôi. Không hiểu tại sao, như là sợ đến tê cóng, tôi run cả người. 
"Đừng khóc con, Lan Lan."

Khóc? Mẹ ơi, nếu con khóc được, nước mắt của con chắc hẳn sẽ màu đỏ, sẽ là máu đó!

Mẹ vỗ nhẹ vai tôi: " Ngủ một tí đi con, Lan Lan, mọi chuyện sẽ qua thôi."

Mẹ bước ra.

Mọi chuyện sẽ qua. Ôi, sao nghe bình thản quá, có thể nào xoá đi hai mươi năm ấy bằng cách lấy bút gạch bỏ đi? Con người đâu phải là lau sậy, cũng không phải là những con đỉa, mà là những con sò ngọc trai, những hạt cát kỷ niệm, cùng với ngày tháng, trở thành một phần gắn bó với bản thân mỗi người, chuyển hoá thành những giọt nước mắt không bao giờ khô cạn.

.... Trong tầng hầm nhà, những con muỗi va vào những bóng đèn chói mắt, một ông lão mình đầy thương tích bị trói vào con ngựa gỗ, rên rỉ, đầu cúi xuống; thu mình trong một góc, tôi khóc nức nở, trên hai đầu gối bị những mảnh kính cứa vào máu đã khô, dính với đất...

Mười hai năm đã qua, một đêm mẹ không ngủ được, mẹ chợt ôm tôi vào lòng và nói ba con là người tốt, người ta tố cáo vô căn cứ; những lời lẽ mang đầy hy vọng này sưởi ấm cho trái tim đứa trẻ lần đầu tiên tự nhủ rằng thế là nó sắp được thụ hưởng những quyền lợi như bao đứa trẻ khác. Thế là tôi chạy đến trường, chạy đến hội các người ở nhà hát, chạy đến uỷ ban khu phố, chạy đến tổng hành dinh hồng vệ binh, đến mọi nơi để nói cho tất cả mọi người rằng cha tôi không phải là tội phạm. Tai hoạ không thể ngờ tới được, đám đông giận dữ lôi tôi về nhà mở cuộc điều tra, mẹ không biết chuyện gì đã xảy ra, trước mặt con gái, mẹ đổi ý kiến về tất cả những gì đã nói, tất cả lỗi lầm đổ trên đôi vai mảnh mai của con. Mẹ hối hận, cầu xin trời và nói muốn chết đi, nhưng có ích gì? Tôi bị dẫn đi ngoài đường, buộc làm lao động cực nhọc, quỳ gối trên mảnh chai.

... Ông lão ngước cái mặt đầy máu khiến không nhận rõ đường nét nào: " Nước, nước, cho tôi xin chút nước!" Tôi sợ hãi nhìn ông, quên mất cái đau của mình, thu người vô trong góc. Tảng sáng, ông lão tắt thở, tôi kinh hãi ngất đi. Trên đầu gối, máu đã khô....

II.

Bầu trời rất xanh, một màu xanh rực rỡ, tia sáng đầy đặn phản chiếu trên mặt đất. Cổ thắt nơ con bướm, tay cầm chiếc giỏ tre nhỏ trống không, tôi đứng trong đám cỏ dày cao tới người, thình lình trong bụi cây trước mặt hiện ra một con voi phủ trên lưng một tấm thảm dạ có tua thòng xuống tận mặt đất, cha ngồi trên lưng voi, dáng oai nghiêm, đầu đội chiếc khăn vải trắng. Con voi đong đưa cái vòi, nó ré lên rồi lấy cái vòi cuốn lấy người tôi và nhấc lên bỏ trước mặt cha rất an toàn; hai cha con tiếp tục đi tới. Chúng tôi đi qua một rừng cọ có ánh nắng chiếu xuyên qua lá cây, đi qua những con khe có tiếng suối nước róc rách. Nhưng rồi, khi đột ngột quay đầu lui, tôi kinh hãi vô cùng: người ngồi sau lưng tôi bây giờ là ông lão với khuôn mặt dị dạng đầy máu, ông mặc bộ đồng phục sọc đen trắng của tù nhân, phía trước có ghi ba chữ: " trại cải tạo ", ông lão rên rỉ giọng khàn khàn: " Nước, nước, cho tôi xin ít nước!"

.....
Tôi giật mình tỉnh giấc.
Năm giờ sáng, bên ngoài, vẫn còn đêm đen. Tôi bất giác kéo hộc bàn ngủ, lấy ra gói thuốc và châm một điếu; sau khi làm vài hơi khoẻ khoắn, tôi cảm thấy bớt căng thẳng ngay. Khói thuốc trắng toả ra trong bóng tối, len qua khung cửa sổ để mở. Đầu điếu thuốc loé đỏ một chút để tắt lại, tôi muốn đem hết nghị lực để rọi sáng tận mọi ngóc ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn, nhưng tôi chẳng cảm thấy gì ngoài sự thinh lặng tuyệt đối, sự dễ chịu do điếu thuốc mang lại và ấn tượng trống trải còn sót lại sau cơn ác mộng.

Tôi bật ngọn đèn đầu giường, thay quần áo rồi nhẹ nhàng mở cửa. Có ánh sáng trong nhà bếp, nghe như có tiếng sột soạt; có ai thức dậy sớm thế này? ai?

Dưới ánh đèn, ông ấy đang ngồi chồm hổm, mặc cái áo gi lê vải bông không tay, quay lưng về phía tôi, hết sức chăm chú nhào trộn cái gì đó, bên cạnh ông, bày đầy những lá rau cải, những đầu cá, và đủ thứ dơ bẩn đại loại như thế.
Tôi húng hắng ho.

Ông bật dậy và, quay về phía tôi, mặt tái nhợt, nhìn tôi vẻ hoảng hốt.

Bóng đèn huỳnh quang kêu rì rầm.

Ông chậm rãi đứng dậy, tay để sau lưng, cười gượng gạo. " Lan Lan, ba làm con thức giấc."
" Ba đang làm gì đó?"
"Ờ, không, không có gì."Ông bối rối chùi mãi bàn tay còn rảnh vào quần.
Tôi đưa tay ra: "Đưa con xem."

Ông do dự một lát, rồi đưa tôi vật đó: một gói thuốc lá như bình thường, chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ một vết nơi góc. 

Tôi ngẩng đầu nhìn ông, không hiểu.
"Ồ, Lan Lan!" Những giọt mồ hôi đọng trên đầu ông đã hói một nửa, " Hôm qua, ba đã ném gói thuốc này, nhưng vô tình không để ý xem thử ba có ghi gì lên trên, lỡ có thể gây phiền toái nếu đội trưởng biết được."
"Đội trưởng?" Tôi thấy khó hiểu hơn. "Đội trưởng là ai vậy?" 
" Người ta gọi đội trưởng những người phụ trách bọn tội nhân như ba."Ông rút khăn tay trong túi ra lau mồ hôi, " tất nhiên ba biết bây giờ ba ở ngoài vòng rồi, nhưng tốt hơn là tránh không để họ thấy..."

Đầu tôi bắt đầu lùng bùng. " Vậy đó! Ba thôi đi! "

Ông ngậm miệng, hai hàm nghiến lại như thử vừa nuốt phải lưỡi, tôi không thể tưởng tượng cuộc nói chuyện giữa hai cha con bắt đầu kiểu như thế này, và lần đầu tiên tôi nhìn kỹ cha. Chỉ mới từ sáng đến tối qua, hình như ông ấy đã già thêm. Trên đôi má trũng có thể thấy những sợi lông thật ngắn của một bộ râu màu xám nhạt cạo không kỹ, những nếp nhăn như vạch quanh đôi mắt lờ đờ, và ở mép tai bên phải, có một cục u gớm ghiếc; không thể tránh khỏi tình cảm thương hại tự nhiên.

" Cuộc sống ở đó cực khổ lắm phải không?"
" Cũng được, rồi quen dần thôi."

Quen dần! Tôi chợt rùng mình. Đứng nghiêm. Lưới sắt. Súng máy. Giẫm chân tại chỗ. Chấn chỉnh đội ngũ. Chết chóc. Tôi lật qua lật lại gói thuốc giữa những ngón tay rồi ném vào thùng rác. " Ba ngủ lại một chút đi, hãy còn sớm."
" Ba ngủ thế đủ rồi, đã năm giờ rưỡi, giờ kèn báo thức."

Ông quay gót, dọn dẹp rác rưởi vương vãi dưới đất.

Tôi trở về phòng, áp má vào bức tường lạnh băng, thật không thể chịu nổi... Trong quá khứ có người nào tính tình cứng rắn như thế không? Ôi, bàn tay của thời gian! Với sự lạnh lùng độc ác của nhà ngươi, ngươi đã nhào nặn con người như đất sét, và trước khi một con bé có đủ thời gian khắc ghi trong ký ức những đường nét thực sự của cha nó, thì ngươi đã huỷ hoại hình ảnh đó rồi... Cuối cùng tôi lấy lại bình tĩnh, nhét các thứ vào túi xách và khoác áo choàng vào.

Tôi đứng lại khi đi ngang nhà bếp, ông ấy đứng ở bồn rửa chén bát, đang lấy cái bàn chải nhỏ rửa tay, bọt xà phòng xanh nhỏ xuống nền, như nhựa cây.
" Con đi làm đây."
" Sớm vậy sao?"Ông chú tâm vào việc đến độ không thèm ngẩng đầu lên.
" Con quen rồi."

Tôi không bật đèn, bước đi trong tối, lần từng bậc cấp cầu thang.

III.

Mấy ngày tiếp theo, hôm nào tôi cũng về trễ, khi mẹ có hỏi gì, tôi đều viện cớ có việc ở trường. Về đến nhà, tôi lẻn ngay xuống bếp ăn vội chút gì còn sót lại, rồi rút về trú trong cái tổ riêng biệt, tôi ít khi đụng phải ông ấy, mà lỡ có gặp, chúng tôi cũng chỉ trao đổi vài câu. Tuy nhiên trong sự im lặng của ông ấy như có chút gì ân hận, hầu như có thể đọc được những lời bào chữa cho chuyện xảy ra sáng hôm ấy, rất sớm, lời bào chữa cho việc trở về như thế này, lời bào chữa cho tuổi thơ thiếu niềm vui của tôi, và thậm chí, bào chữa cho hết thảy hai mươi năm đã qua.

Em trai tôi, như một gián điệp, thường xuyên tường thuật cho tôi biết ông ấy đã làm gì, theo kiểu:"Ông ấy trồng trong chậu những cây héo queo ngộ lắm", " Suốt buổi chiều ông ấy cứ ngắm kỹ mấy con cá trong bể", "Ông ấy lại đốt một tờ giấy nữa"...

Tôi nghe mà không trả lời, với tôi, đấy chỉ là chuyện kế tiếp việc xảy ra sáng hôm đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Điều lạ lùng nhất trong câu chuyện là em tôi: nó kể lại những thứ đó bằng một giọng bình thản, không biểu lộ chút cảm xúc, cũng không cho thấy cảm tưởng là chuyện khiến nó đau lòng. Nhưng cũng không có gì lạ, khi em tôi sinh ra thì ông ấy đã đi xa từ lâu, nó được bà nội nuôi dưỡng, hơn nữa, mẹ và chính tôi đã thay nhau lần lượt xoè đôi cánh bảo bọc trên bờ cửa sổ, trong ngôi nhà của bà, nó đâu có thấy một khung trời đe doạ nào.

Một tối, khi tôi đang nằm dài trên giường hút thuốc, có ai gõ cửa, tôi vội vàng nhét điếu thuốc vào trong cái hộp kim loại nhỏ, mẹ bước vào.
" Con hút thuốc hả, Lan Lan?"

Làm như không có chuyện gì, tôi giả bộ đang đọc cuốn truyện đặt trên gối.
" Nghe toàn mùi thuốc lá, con nên mở cửa sổ ra."

Cám ơn Trời, mẹ không nói gì nữa, nhưng tôi nhận thấy ngay là mẹ có gìkhông ổn. Mẹ ngồi nơi bàn làm việc của tôi, vô tình cầm lấy con lạc đà bằng sứ tôi dùng để cắm bút chì, quan sát kỹ một lát, rồi đặt lại chỗ cũ, trong ngôn ngữ ngoại giao gọi là gì nhỉ? Cuộc hội đàm, đúng rồi, cuộc hội đàm chính thức...

" Lan Lan, con đâu còn là trẻ con nữa." Mẹ cân nhắc từng chữ.

Mới đầu, tôi lắng tai nghe chăm chú và lễ độ.
" Mẹ biết là, trong thâm tâm, con giận mẹ, con giận ông ấy, con giận mọi người, vì tất cả những gì con đã chịu đựng... 

Nhưng mà Lan Lan, đâu phải chỉ mình con đau khổ."
" Mẹ."
" Con sắp kết hôn với Kiến Bình, con sẽ có con, có lẽ lúc ấy con sẽ hiểu thế nào là nỗi đau của người mẹ..."
" Chúng con sẽ không có con nếu không bảo đảm được tương lai của chúng."
" Con trách ba mẹ rồi đó, Lan Lan", mẹ buồn rầu nói.
" Không, không phải vậy, con cám ơn mẹ, mẹ ơi, những năm tháng ấy, chẳng dễ dàng gì, cho mẹ..."
" Và con tưởng là dễ dàng đối với ông ấy?"
"Ông ấy?"

Tôi im lặng một lúc," Con không biết, và con không muốn biết, nhưng, với tư cách cá nhân, con tôn trọng những gì ông ấy đã chịu trong quá khứ."

" Và con không tôn trọng chuyện ông ấy ngày nay? Lan Lan, con nên hiểu ông ấy đã can đảm đến mức nào để tiếp tục sống!"
" Mẹ à, vấn đề không phải ở đó, mẹ nói vậy vì mẹ và ba đã sống chung bao nhiêu năm, nhưng còn con, con không muốn những trò đạo đức giả đó nữa..."
" Cái gì? " Mẹ nổi giận, nói lớn, " con không nghĩ là mỗi người phải cố hết sức để làm tròn nghĩa vụ và thực hiện bổn phận của mình sao?"
" Nghĩa vụ của mình? Bổn phận của mình?"

Tôi bật cười, nhưng đấy là tiếng cười sầu não, đúng hơn là tiếng khóc. " Những năm đó, người ta đã lải nhải với con chuyện ấy không biết bao nhiêu lần, nhưng con không còn muốn từ chối gì nữa cả, mẹ à."
" Và con được gì?"
" Sự thật."
" Một sự thật tàn nhẫn."
" Biết làm sao được?", tôi vừa nói vừa dang tay ra, "đời là thế mà."
" Con quá ích kỷ!" mẹ đập bàn la lớn.

Phẫn nộ, mẹ đứng dậy, nhìn tôi một lúc với vẻ giận dữ, khuôn mặt căng ra run lên, rồi đóng sập cửa lại bỏ đi ra.

Ích kỷ. Tôi thừa nhận, trong những năm đó, ích kỷ đối với tôi là cái gì đó theo bản năng, là một phương thức tự vệ, ngoài nó ra, tôi biết trông cậy vào gì nữa. Có lẽ đáng ra tôi không nên làm cho mẹ nổi giận, tôi nên tỏ ra là một bé gái ngoan, thương ba, thương mẹ, thương em, yêu cuộc đời, và yêu chính mình.

IV.

Ở trường, lúc giờ chơi, tôi xuống phòng tiếp khách gọi điện thoại cho Kiến Bình.
" Allo, anh Kiến Bình, tối nay anh phải đến rồi."
" Có chuyện gì hả, Lan Lan? " máy bị ồn nên anh ta phải la lớn; bỗng nhiên giọng anh ấy có vẻ khàn khàn, mỏi mệt.
"Ông ấy trở về."
" Ai? ba em à?"
" Anh lanh lẹ lắm, đến giúp em một tay. Em đang bí rồi."

Anh ta bật cười.
" A! Vậy mà anh cười được, rồi anh sẽ biết!" Tôi nắm tay đấm vào ống nghe.

Đúng như thế, Kiên Bình có một thứ khả năng bẩm sinh là luôn luôn dàn xếp được mọi chuyện. Năm nọ, đội trưởng đội sản xuất tính giữ lại phần ngũ cốc của bọn trẻ trí thức chúng tôi, và chúng tôi đã nhờ anh ấy mà lấy lại được tất cả. Không nên tin rằng, nếu thông thường tôi có thể tự xoay xở một mình, khi cần cầu viện cuối cùng
tôi chỉ nép vào sau bờ vai rộng của anh ấy.

Chiều hôm đó, do không có giờ dạy, tôi vội về nhà sớm, mẹ để lại tờ giấy trên bàn nói là cùng đi với ba thăm vài người bạn cũ, và sẽ về ăn tối. Tôi chỉ chuẩn bịbột nhào và băm thịt nhân để làm món mì.

Kiến Bình đến, mang theo luồng khí trong lành, nhưng giá buốt, hai má đỏ bừng vì lạnh, toả đầy năng lượng khoẻ mạnh. Tôi vùi người ngay vào ngực anh, má dán chặt vào những chiếc nút áo lạnh buốt, như một đứa bé bị đối xử bất công và không biết tìm nơi nào để than thở, nhưng không nói gì, mà còn biết nói gì đây?

Ôm nhau một lát, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị món mì, vừa nói chuyện vui vẻ. Trong giây phút âu yếm này,  tôi cảm thấy biết ơn, bớt căng thẳng, trống rỗng và muốn ngủ đến mức nước mắt chảy ra.

Em trai tôi đi về, cởi bộ áo quần lao động, uống nước rồi đi ra lại ngay như cơn gió.

Gần tám giờ họ mới về đến. Khi mở cửa họ tỏ ra ngạc nhiên một chút, mẹ thoáng  nở nụ cười ở đó có thể đọc thấy sự giảng hoà đồng thời với sự chiến thắng của người mẹ. Nét biểu cảm của cha phức tạp hơn nhiều; ngoài sự tiếc nuối quá khứ, còn có một thứ niềm vui bất chợt, dữ dội đến mức có vẻ như không chịu được, và một chút nghi ngại sợ hãi, như một kiểu đề phòng.

"Đây là Kiến Bình, còn đây... " Tôi nghẹn lời, đỏ bừng đến tận chân tóc.
"Đây là ba của Lan Lan " mẹ tiếp lời.

Với giọng vang như loa, Kiến Bình chìa tay ra và nói:" Chào thúc thúc!"

Cha nắm lấy tay Kiến Bình, và giọng ông run lên một hồi lâu: " Chính là cháu đây, cháu... Kiến Bình, tốt, tốt lắm..."

Kiến Bình nói vài câu chào hỏi lệ thường, làm vui lòng ông già đến mức khiến cho ông càng lúng túng hơn. Tôi tin chắc rằng niềm vui của ông chẳng phải do mấy câu chào hỏi này, mà đúng hơn là do cái tình cảm khi ông cuối cùng tìm được một nhịp  cầu giữa ông và tôi, nhịp cầu vừa bền vững vừa chắc chắn.

Bữa ăn có không khí ấm cúng, ít nhất là nhìn bên ngoài. Một vài phút khó chịu thoáng qua được xoá tan bởi những câu chuyện vui vẻ của Kiến Bình, lối nói chuyện của anh thật sinh động, thật nổi bật đến nổi tôi thấy hơi ngỡ ngàng.

Ăn xong, cha lấy cái hộp sắt hình khối đựng thuốc lá nhãn hiệu Trung hoa để mời Kiến Bình, hai người thảo luận về phương pháp sấy khô lá thuốc của người Anh, rồi chuyển sang đất kiềm, đất mặn, chuyện sâu ăn hại cây đậu phụng, chuyện ghép cây nho, cạnh hai người tôi ngồi im như phỗng và mỉm cười như hình người mẫu trong tủ kính.

Bỗng nhiên, nụ cười của tôi hơi khựng lại. Tất cả những chuyện vừa rồi phải chăng chỉ là một vở kịch? Với vai chính Kiến Bình, ông rể thành thạo, và tôi, vai cô vợ trẻ bình tĩnh và hiền ngoan. Vì sao đố ai biết được, mọi người đều diễn tận tình, cố hết sức, qua vở diễn này, xoá đi chút gì trong ký ức, chúng tôi diễn niềm vui, sự thanh thản, nỗi đau giấu kín, và trong sự đau xót bung ra và vỡ vụn của gia đình, Kiến Bình là người xa lạ.

Tôi bắt đầu quan sát anh ấy với cái nhìn khác. Giọng nói, cử chỉ, thậm chí đến cả ngoại hình của anh ấy, tất cả đều thuộc về một người lạ. Mọi thứ đều biểu lộ sai lầm, đây không phải là chàng trai tôi đã quen. Có thể nào người ta có thể trở nên xa lạ do lây nhiễm? Thật đáng sợ.

Kiến Bình lén nhìn tôi dò hỏi, chừng như chờ đợi nơi tôi một nụ cười mà lẽ ra tôi phải có đối với anh ấy, phù hợp với vai trò của tôi, đáp lại những câu khen ngợi của anh ấy, điều đó làm tôi chán ngấy hơn, chán ngấy vì thái độ của anh ấy, mà cũng vì thái độ của tôi, chán ngấy khi nghĩ rằng trên đời này mọi thứ đều cùng lúc được tạo nên bởi vui và buồn, đúng và sai, tốt và xấu. Anh ấy nhận ra điều đó và thôi không nói nữa, liếc nhìn đồng hồ, nói vài câu xã giao sáo rỗng, rồi đứng dậy.

Như thường lệ, tôi tiễn anh ấy đến trạm xe buýt, nhưng dọc đường, tôi không mở miệng và giữ khoảng cách. Vẻ chán nản, anh ấy đút tay vào túi, và lấy chân đá một viên sỏi.

Trước mặt chúng tôi, một chung cư che khuất bầu trời đêm. Tôi thấy cô đơn. Tôi thiết tha muốn biết, đằng sau mái hiên những căn phòng nhỏ che giấu những gia đình đổ vỡ, khổ đau kia, loài người làm cách nào để tồn tại được. Thực vậy, trong những căn phòng nhỏ đó, ký ức quá nguy hiểm. Nó chỉ có thể khêu bùng nỗi đau và ly tán mỗi gia đình, cho đến khi tất cả trở thành cát bụi.

Đến trạm xe buýt, lưng quay lại, mắt nhìn những ngọn đèn phía xa, Kiến Bình lên tiếng: " Lan Lan, em muốn anh giải thích chứ?"
"' Không cần đâu."

Anh ấy nhảy lên xe buýt, ngọn đèn đỏ phía sau còn nháy thêm một chốc nữa, rồi biến mất ở ngả rẽ con đường.

V.

Hôm nay có thi đấu thể thao ở trường, thực tình tôi chẳng có can đảm đi dự. Chiều hôm qua, Trương Tiểu Hà cứ bám lấy tôi đòi tôi đi xem nó chạy 100 mét, tôi chỉ cười mà không trả lời. Vậy là con bé làm mặt hờn dỗi, rồi lấy khăn tay lau mồ hôi nhỏ giọt trên má sau buổi tập cật lực vừa mới xong, thấy nó nhìn qua cửa sổ, mặt cau có, tôi ôm lấy vai nó và nói: " Cô sẽ đi, em hài lòng chưa?"

Má lúm đồng tiền lại thấy rõ, nó ngượng ngùng đẩy tôi ra rồi bỏ chạy; đánh lừa trẻ con thật dễ thôi.

Sau khi lười biếng vươn vai, tôi bắt đầu thay quần áo. Mặt trời mùa đông xuyên qua cửa sổ đầy hơi nước, mọi thứ trông mịt mờ và yên lặng, giống như trong cơn mơ chớm tỉnh giấc. Tôi nhẹ nhàng ra khỏi phòng, chừng như mọi người đều đã đi hết rồi. Tôi gội đầu, bỏ quần áo dơ vào ngâm, bận rộn, đi tới đi lui. Sau những việc ban đầu này, tôi ngồi ăn sáng, chợt cảm thấy có ai đằng sau lưng, tôi quay lại: là cha, dựa vào cánh cửa nhà bếp, ông chăm chú nhìn tôi.

Tôi hỏi: " Ba chưa đi sao?"
"Ờ, không, nãy giờ ba ở trên ban công. Hôm nay con không đi dạy sao?"
" Dạ không, có chuyện gì sao ba?"
" Ba muốn", ông ngập ngừng, " ba muốn đi với con ra công viên. Con nghĩ sao?" Có chút gì van nài trong giọng ông nói.
" Dạ được ba." Dù không quay đầu lui, tôi cảm thấy mặt cha sáng lên.

Trời dịu mát, sương mai chưa tan hết, còn đọng lại trên mái hiên ngoài và trên đọt cây. Hai cha con lặng lẽ đi, mãi cho đến công viên không ai nói gì, hay gần như là thế. Tới nơi rồi cha mới chỉ những cây bạch dương trắng cao lớn và nói: " Lần trước ba dẫn con ra đây, những cây này mới trồng thôi." Tôi chẳng có chút kỷ niệm nào về chúng.

Sau một lúc đi bộ dọc theo lối đi bóng mát, chúng tôi đến ngồi trên chiếc ghế băng cạnh hồ, trước một sân bãi xi măng trên đó có mấy chiếc thuyền gỗ cũ lật úp, thuyền đã bị nắng mưa làm hư hao nhiều, chúng được phủ một lớp dày bụi và lá úa; mặt nước hồ đóng băng, thỉnh thoảng nghe vang lên một âm thanh chát chúa.

Cha châm điếu thuốc.
" Những chiếc thuyền vẫn ở chỗ đó", ông nói, chừng như mải mê trong suy tưởng.
" Gì ạ?"
" Thuyền chẳng thay đổi gì. Trước con thích ngồi phía sau, và nghịch ngợm lấy đôi chân trần đập nước rồi hét lớn: "Thuyền máy đây, thuyền máy đây!" Ông thoáng nở nụ cười khi gợi lại kỷ niệm này. " Hồi đó ai cũng nghĩ con là con trai..."
" Thật vậy sao ba?"
" Con thích dao kiếm, súng ống, cứ vào tiệm bán đồ chơi là con chạy đi tìm thiết bị quân sự."
" Chỉ vì con không biết chúng dùng làm gì."

Trên mặt ông thoáng một bóng mờ, tia nhìn cũng tối đi. " Dạo đó, con còn nhỏ xíu."

Ông nín thinh một lúc lâu; những chiếc thuyền đã được kéo lên bờ vẫn còn lưu giữ, dưới cái vỏ lật úp của chúng, những tiếng la inh ỏi của con bé mải ngu ngơ đùa giỡn, nụ cười vô tư của người cha, những nắp đậy các chai nước cam, những dải xa tanh màu xanh, sách vở và súng trẻ con, chúng vẫn lưu giữ mùi bùn của cả năm, và ký ức của hai thập niên.

" Lan Lan ", ông bỗng nói nhỏ, giọng hơi run, " ba... ba xin lỗi con."

Tôi run cả người, từ đầu đến chân.
" Mẹ con đã kể con sống ra sao, suốt những năm đó. Cha đã đau xé lòng, trẻ con thì tội tình gì chứ?"

Hai bàn tay ông co rúm lại và áp sát vào ngực.
" Không nên nhắc lại những chuyện đó nữa." tôi dịu dàng nói với ông.
" Thực tình là những năm đó, ba chỉ sống vì con, ba muốn chuộc mọi tội lỗi, để con của ba có thể có cuộc sống dễ chịu, thế mà..."

Ông nức nở, nghẹn lời. " Con có thể trách ba, Lan Lan, ba đã không thể bảo vệ con, ba không xứng đáng làm cha của con..."
" Không, không... ba đừng nói thế..."

Tôi run cả tay chân, mất hết năng lượng, chỉ còn đủ sức lực để khoát tay nói không. Trước đây tôi ích kỷ quá, đến độ trở nên hèn nhát, đáng khinh! Tôi chỉ nghĩ về mình, mê đắm trong nỗi khổ của riêng mình, tới mức lấy nỗi khổ làm điều vui thú, làm bức tường để ẩn trốn mọi người. Nhưng còn cha, ông ấy sống thế nào? Ông ấy đã sống vì ngươi, ngươi và sự ích kỷ, ngươi và sự lãnh đạm. Có thể nào tiếng nói của huyết tộc lại yếu ớt đến vậy sao? Có thể nào cái mà người ta gọi là lòng nhân đạo đã thôi không còn tồn tại trong tôi?

" ... Cách đây hai mươi năm, ngày ba phải rời khỏi nhà, đúng vào hôm chủ nhật, ba phải đáp chuyến xe lửa chiều, nhưng ba đã ra đi từ ban sáng. Ba không muốn con nhớ cảnh tượng này. Đứng trước cái giường bé nhỏ của con, nước mắt ba tuôn như suối, ba thầm nghĩ: " Bé Lan Lan của ba, có thể có ngày cha con ta gặp lại nhau không?" Con đang ngủ ngon, tay nắm lại, cha thấy đôi má lúm đồng tiền của con, tròn xoe... Tối hôm trước, trước khi đi ngủ, vòng tay ôm lấy cổ ba, con thỏ thẻ: " Ba ơi, ngày mai ba dẫn con đi chơi nhé."" Ngày mai ba bận rồi". Con làm như được nuông chiều, tỏ vẻ hờn dỗi để cho thấy là con không bằng lòng, và ba buộc lòng phải chấp thuận. Lúc ấy con lại còn hỏi: "Đi chơi thuyền nghe ba?"  và như thế con mới chịu ngủ yên. Nhưng mà ba đã lừa con, sáng hôm sau khi con thức dậy, con nghĩ thế nào..."

" Ba ơi," tôi chợt thốt lên mà không hề suy nghĩ, rồi gục đầu vào vai cha tôi bật khóc cay đắng.

Tay run run, cha vuốt tóc tôi, " Lan Lan, con gái bé bỏng của ba."
" Ba tha lỗi cho con", tôi nói, giọng nức nở, " con lúc nào cũng là Lan Lan bé bỏng của ba, mãi mãi..."
" Con gái Lan Lan của ba, mãi mãi."

Một con chim tôi chẳng biết tên bay lượn trên mặt hồ và kêu lên những tiếng lạ lùng, góp thêm chút giá lạnh vào phong cảnh mùa đông vốn đã buồn thảm.

Tựa đầu vào vai cha, tôi khóc thật lâu. Từng giọt nước mắt của tôi thấm vào lớp len dày của chiếc áo khoác cũ của cha, tôi tưởng như đang ngửi thấy mùi nồng của thuốc lá cha hút, quyện vào mùi bùn và mùi mồ hôi. Tôi có cảm tưởng nhìn thấy cha trong thời kỳ lao động khổ sai, bị kiệt sức, ngồi cạnh một đống đất, vấn điếu thuốc lá, đưa mắt nhìn ra xa qua đôi ủng da xoạc ra của một người lính. Khó nhọc đi tới trên con đường lầy lội, cha kéo chiếc xe, bánh xe kêu ken két và nhả ra những mảng đất sét đen thui. Đôi ủng da. Cha lấy xẻng đào đất và nặng nhọc đổ lên hai bên đường hào. Đôi ủng da. Cha bưng cái gà mên hai tay rồi cố nuốt hết hớp xúp rau cải. Đôi ủng da... Tôi không đủ can đảm để nghĩ đến nữa, không đủ can đảm; trước bao nhiêu là nỗi khổ, khả năng tưởng tượng của tôi cũng có giới hạn, còn cha, quả là cuộc sống của cha đã vượt quá óc tưởng tượng của con người. Từng phút một, từng ngày một, thêm một ngày nữa, và cuối cùng là tổng cộng hai mươi năm! Không, trong đau khổ, con người phải giao tiếp với nhau; đau khổ, hơn là hạnh phúc, có thể nối kết những tâm hồn con người với nhau, ngay cả khi tâm hồn đã tê cóng, đã bên bờ cạn kiệt.

" Nhìn đây nè, Lan Lan."
Cha lục trong túi và lấy ra một vòng chuỗi xanh thật đẹp. "Cái này cha làm ngay trước khi rời nơi ấy, làm từ cán những bàn chải đánh răng cũ, ba muốn tặng con, nhưng ba làm không tinh xảo lắm, sợ con không thích..."
"Ồ, không, con thích lắm chứ." Tôi cầm lấy chiếc vòng, xoa nhẹ trong ngón tay từng hạt ngọc nhỏ, như bao nhiêu tình thương trải qua ngàn thử thách...

Trên đường trở về, cha bỗng dừng lại nhặt một tờ giấy, lật đi lật lại trong bàn tay; tôi vội nắm lấy tay cha và tựa đầu vào vai cha, tôi hiểu được mối cảm xúc của mình: đối diện với mỗi một biểu lộ mới mà tôi chưa hề biết, tôi cứ bị đưa đẩy cố từ  chối nó.

Dường như tôi thấy lại, cũng trên con đường mòn đó, cảnh tượng hai mươi năm trước. Một con bé, thắt chiếc ruy băng xanh trên tóc, dang tay ra để cố giữ thăng bằng, chệnh choạng bước đi dọc theo lề đường xi măng; bên cạnh nó là một người đàn ông trung niên, lịch lãm, thong dong đang bước đi, ngăn cách hai người là hàng cây bạch dương con mới trồng, nhưng những cây này sẽ lớn lên rất nhanh, lớn đến mức trở thành một rào chắn không vượt qua được, mỗi cây mang dấu hiệu của hai mươi vòng tròn không đều nhau.

" Ta đi thôi, ba."

Cha thả rơi tờ giấy, cẩn thận lấy khăn tay lau tay, chúng tôi lại lên đường.

Lúc đó, tôi chợt nhớ đến Trương Tiểu Hà, bây giờ chính xác là lúc thi đấu, hẳn là nó đang chạy. Sau lưng nó là một làn khói trắng mỏng của phát súng báo hiệu xuất phát.  Trước đám đông khán giả đang đứng lùi ra và lớn tiếng cổ vũ, nó đang ưỡn ngực cố chạy vượt qua vạch trắng của đích đến.

_______________________________________________ 
(1) Đông Bắc,( 东北 ), tức Đông Bắc Tam Tỉnh: Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm.
  
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu 

http://www.chinese-shortstories.com/Nouvelles_de_a_z_BeiDao_Un_inconnu_est_de_retour.htm


  trích từ TRANG VHNT PHẠM CAO HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét