* / LAN MAN KỶ NIỆM ...
(tâm bút TTBG)
HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN [1939- 2014 saigon.] (bên trái)
+ TRẦN THỊ BÔNG GIẤY+ ÂU CƠ (con gái TTBG)
+THẾ PHONG
(ảnh chụp ở Dalat năm 2000.)
MỘT TRUYỆN DÀI KHÔNG CÓ TÊN/ TRẦN THỊ BÔNG GIẤY
"... BG không bao giờ ra khỏi nhà, chắc không biết chuyện 'tò-tí' giữa ông Hà Thượng Nhân với bà thi sĩ Huệ Thu ... -- từ một ông bạn văn cứ ưa bảo tôi nên viết ra trong' MỘT TRUYỆN DÀI KHÔNG CÓ TÊN' về câu chuyện "... trao tình đú đởn ... " -- lời TTBG
PHỤ LỤC
LAN MAN KỶ NIỆM ...
(tâm thư TRẦN THỊ BÔNG GIẤY
viết về HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN + ... )
(...)
Phan Diên trẻ nhất trong số tất cả những vị 'đồng nghiệp vong niên' của tôi. Anh lớn hơn tôi chừng dăm bảy tuổi, lại sống trong cùng một tiểu bang nước Mỹ.Do đó, cả hai đâm"thân nhau" một cách tự nhiên. Cái "thân [tình]" của 2 người bạn sẵn sàng nói lên cho nhau nghe những lời tâm sự; mà không có vấn đề nam nữ chen vào làm cho úy kỵ. (...)
---
(...) - tạm lược một số dòng; có thể ít , hoặc nhiều. (Bt.)
Có lần , tôi được nghe Phan Diên kể rằng từ 1961 đến 1964, anh cũng đã "làm thơ". Khi tự thấy thơ mình "không hay" như thơ Du Tử Lê, anh đem chuyện hỏi 'anh chàng thi sĩ luôn luôn kiêu hãnh ngất-trời-một-cách-rất-lố-bịch-về-mình' (2 người là bạn của nhau);thì được trả lời: "Tại mày không có cái đam mê như tao!". (...)
Điều quan trọng hơn trong mối hào cảm tôi dành cho Phan Diên: 'Anh có bà vợ rất tuyệt, không bao giờ tỏ ra buồn phiền, nếu chúng tôi có chuyện trò với nhau hằng giờ dài chưa dứt! Nêu ra điểm này, các vị độc giả của tôi có thể ngạc nhiên; chứ còn tôi thì không chút nào ngạc nhiên cả.'
Thật sự, không biết tự bao giờ mà tôi đâm ra "rất e ngại" các người phụ nữ. Phải nói rằng, 'trong đời tôi chưa từng có người bạn gái nào thân thiết đến độ tâm giao như đã có với bạn trai'. Các phụ nữ đến với tôi đều chỉ bằng cái lối xã giao hời hợt -- theo tánh cách thông thường của họ, mà tánh tôi thì lại không thích cái gì hời hợt, do đó mà tình thân cho phụ nữ đã không tìm thấy [ở tôi.] (...)
Trên đây chỉ là những điển hình chứng minh giùm cho cái tánh sợ đàn bà của tôi. Cái chuyện "tàn nhẫn quăng sách TTBG vào thùng rác", để khỏi tới tay ông chồng bà ta; thì đối với BG cũng là chuyện quen thuộc.
Người vợ Phan Diên thì không thế. Tuy chỉ gặp chị 2 lần tại San Jose; nhưng nơi chị, nụ cười rất ấm đã đánh tan ngay giùm tôi cái ấn tượng sợ hãi đàn bà. Ở lần gặp thứ nhất, cái ý nghĩ: "Phan Diên chẳng những có tài chinh phục được lòng quý mến của mình, lại còn cả tài 'tề gia' nữa! " vụt qua trong đầu tôi, đã được củng cố mạnh hơn; ở lần gặp thứ 2, từ người vợ Phan Diên-- hoặc, qua các lần chị bắt điện thoại tôi, đưa lại cho anh. (...)
Anh bạn tôi tuy không "tài hoa", nhưng lại rất "đào hoa". Anh đi đâu là có người đẹp theo tới đó.
(bà vợ 2 (*) ở Sàigòn có một đứa con với anh, tôi cũng đã gặp trong bữa tiệc cưới con gái [của] Thế Phong vào mùa hè năm 2000.) Ngồi cạnh chị trong bữa tiệc; ngạc nhiên thấy chị còn duyên dáng xinh xắn; mà phải chịu cảnh phòng không gối chiếc; tôi hỏi chị: " Sao chị có thể chịu đựng được cảnh nghìn trùng xa cách trong tình vợ chồng như thế?". Chị chỉ cười:" Duyên nợ cả cô à!". (...)
----
* thực tế, Phan Diên có 3 vợ, ( Bonnie Phan (vợ cả, không có con )+ một bà nữa ở Mỹ ( có 1 con gái đã lập gia đình) và bà ở Sài gòn ( bác sĩ thú y có 1 con gái đã qua đời.) (Bt)
phải qua: Phan Diên và vợ, Bonnie Phan -- (ảnh: Phan Diên cung cấp.)
"... Anh [Phan Diên] có bà vợ rất tuyệt[ Bonnie Phan]không bao giờ tỏ ra buồn phiền, nếu chúng tôi có
chuyện trò hằng giờ chưa dứt..." -- lời TTBG .
III
Cũng như Phan Diên mê hội họa, Hoàng Vũ Đông Sơn, tác giả 'Tháng Hai Buồn Đọc Lại Lỗ Tấn'
(nxb Văn Uyển 2002) cũng là "người bạn đồng nghiệp vong niên của tôi " rất mê chữ nghĩa. Khổ nỗi, mê không có nghĩa là "có tài" trình bày ra trong chữ nghĩa riêng cái mê của mình để thu hút kẻ khác. Cái lối viết văn của anh cũng khề-khà như các câu chuyện anh nói; đâm làm mất tính chất sinh động cần thiết phơi bày trên trang giấy; tánh anh lại "lề-mề lễ-mễ" kiểu các ông già Bắc Kỳ cổ, một cá chất vẫn làm đề tài cười cợt cho lũ em út của tôi ở Dalat. Anh cũng biết điều đó, nhưng không hề giận; thảng, hoặc có nghe tôi, hoặc đứa em Dalat nào bực mình theo sự chờ anh lâu lắc trong một cuộc chơi; để đưa ra nhận xét về anh như thế. Nhờ vậy, trong cả đám; những mùa hè tôi và Âu Cơ về Dalat; ai cũng thấy "sự có mặt của anh Đông Sơn là cần thiết trong các cuộc vui của tụi mình."
Một ngày cuối tháng 6 trong mùa hè năm 2000; khi vừa cùng Âu Cơ bước chân ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, lúc 11:45 khuya, là tôi đã được một người đàn ông cao lớn, khuôn mặt phương phi, cái dúm tóc được búi tó sau gáy; cùng với Thế Phong, tiến đến bắt tay tôi: Hoàng Vũ Đông Sơn. Để rồi cũng ngay khi ấy, anh và Thế Phong -- theo lời mời của tôi trong các lá thư gửi từ Mỹ -- đã "khăn gói lên đường trực chỉ hướng núi cao" cùng với đám em Dalat và mẹ con tôi.
Trên đoạn đường thiên lý giữa khuya, suốt những câu chuyện nổ như bắp rang trong kỳ thứ nhất của Thế Phong và tôi; anh chỉ ngồi im trong thái độ rõ ràng rất hưởng ứng. Cũng từ đó, điều "khăn gói tháp tùng" này trở thành thông lệ không bỏ của 2 anh trong các mùa hè Việt Nam của mẹ con tôi,
Cũng như Phan Diên, Thế Phong hoặc Văn Quang, Hoàng Vũ Đông Sơn là người "rất có lòng" với mẹ con tôi. Anh hay "chiều" theo những cái gì tôi thích. Biết tôi ưa ăn cà pháo mắm tôm; trong các bữa ăn tại nhà anh, món gì có thể thiếu; chứ 2 món này phải là món hàng đầu mả người vợ anh khi đi chợ "sẽ không bao giờ quên đem về."
Có điều, cũng vì cái tánh "lễ- mễ lề-mề" đáng bực mình, nhưng cũng đáng yêu đó; mà nhiều khi "trật đường rầy" cho tôi trong sự chiều đãi. Ví dụ:
Một lần mùa hè 2001, anh đưa tôi đi thăm khắp Sàigòn trên chiếc xe gắn máy cà tàng của anh; đến công viên đối diện Nhà thờ Đức Bà, anh dừng xe, ghé vào một quán rượu lề đường, gọi một xị rượu và dĩa mồi khô. Tôi chưa hiểu gì thì anh đã nói:
"Để cho cô có dịp tìm lại thời gian đã mất!"
Lúc ấy mới ngẩn người ra:
"Ý anh muốn nói câu chuyện Trân Sa với các quán rượu Con Rùa hay quán rượu Ông Già?"
Anh gật thì tôi phá lên cười:
"Xưa hơn dĩ vãng rồi anh Đông Sơn ơi! Trân Sa bây giờ chỉ nằm trong tim hay trong sách BG, chứ đâu còn nằm ở đây mà anh giúp BG đi tìm thời gian đã mất?"
(một thoáng thật nhanh thấy ra cái trật đường rầy của anh trong 2 hình tượng ngộ nghĩnh: Anh đâu phải là Nguyễn và Sài gòn bây giờ đâu phải là Sài gòn của tôi với nguyễn ngày xưa!)
***
Khi biết ra câu chuyện "Uyên Thao vì sợ cháy thành vạ lây, đã đòi rút tên khỏi tác phẩm 'Điệu muá cuối cùng của con thiên nga' tôi đang viết; nhờ đó mà tôi xóa trọn vẹn 518 trang trang cũ để làm thành hơn 800 trang hoàn toàn mới như hiện tại"-- Đông Sơn tỏ ra "ngưỡng mộ" điều ấy lắm. Trong một cuộc điện đàm Cali-Sàigòn, tôi nói với anh:
"Sự việc xảy ra giống như cái lần anh em mình cùng đi Dalat, lên tới Đèo Chuối tưởng là cao, tới Bảo Lộc thấy cao hơn một bậc; chừng tới đỉnh Lâm Viên, nhìn lại Đèo Chuối mới thấy thấp lè tè còn hơn một bụi chuối! Thì trong cái rủi luôn luôn có cái may, anh ạ 'Đèo Chuối là ví nhân vật kia ở 518 trang LÚC CHƯA BỊ HỦY, còn đỉnh Lâm Viên là ví hình ảnh ông bà già BG với tác phẩm hơn 800 trang đang HOÀN TẤT trong tay'. Nhờ thế mà vô cùng cám ơn nhân vật đòi rút tên; để từ đó mới thấy được cái đỉnh lâm Viên như hiện tại."
Bất thần giọng Hoàng Vũ Đông Sơn vang lên bên kia đầu giây:
"Người ta được làm Đèo Chuối đã không chịu; còn Đông Sơn rất mong được làm một bụi chuối trong Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga lại chẳng xong!"
Tôi ngớ người. Lại nghe anh cười khà khà:
"Nhưng có là nằm mơ, bởi vì cho hết đời, Đông Sơn cũng đâu dám nghĩ đến chuyện đứng chung hàng ngũ với các 'đại gia' văn nghệ."
"Sao lại không?" -- đây là tác phẩm 'trả nợ ân tình' của BG mà! Nó được ví như một bữa tiệc BG mở ra, mời mọi người Thân, người Bạn, người Tình đã từng đi qua đời mình cùng nhập cuộc. Trong bữa tiệc sẽ có anh mặc áo rách, có anh mang áo veste; nhưng điều quan trọng là ai cũng được mời ngồi ngang hàng trong bàn tiệc. Riêng anh, dù áo rách hay veston thì cũng là bạn BG, anh vẫn có quyền 'đòi quyền lợi' cho mình chứ! (nói, tức là tự trói mình vào lời nói, tôi ngồi xuống viết bản văn này, ngay sau khi dứt cú điện thoại với Hoàng Vũ Đông Sơn sáng sớm hôm qua).
IV
Tình thân giữa Hoàng Vũ Đông Sơn và tôi nảy sinh hẳn nhiên là từ những kỷ niệm Dalat với nhau; nhưng trên hết, chính l nhờ vào tấm lòng chị Thanh Phương, người vợ anh; mà cái độ thân mới kéo dài được lâu như vậy. Chính cái tính cách rất dễ thương của chị đã vô tình làm cho "chữ nghĩa chẳng mấy tài hoa" của Đông Sơn trở thành không quan trọng trong tình bạn từ tôi, một con người chẳng những khó tính trong chuyện kết bạn, lại còn rất khó tính trong chuyện văn chương nữa). Từ những lời nói ân cần của người đàn bà vóc dáng gầy mỏng ấy đã làm dậy lên trong tôi sự ngưỡng mộ theo một mái ấm; mà anh bạn tôi đang có được trong tay.
[Tôi có cái tánh lạ, dẫu rất thẳng thắn với đàn ông, nhưng lại vô cùng nhỏ nhẹ với phụ nữ. Luôn luôn tôi nghĩ về đàn bà như những con chim mỏng manh cần được bao bọc và tha thứ những cái gì họ không suy nghĩ tới. Nếu nói rằng "thành công với tình cảm đàn ông" là điều quen thuộc; thì bên cạnh lòng đố kỵ ghét bỏ của RẤT NHIỀU phụ nữ đã dành cho, tôi cũng còn có được lòng quý trọng hiếm hoi nhận lãnh từ "những người đàn bà thật sự là đàn bà". ] (...)
[Trong cái duyên chồng vợ với Trần Nghi Hoàng có điểm khôi hài như sau: 'Khi mới gặp nhau, biết cái cá tính "rất khách [khí]kiểu giang giang hồ lang bạt"của tôi hoàn toàn xem nhẹ vấn đề ăn uống, nên đã giữ chân tôi (có lẽ!) Trần Nghi Hoàng đưa ra lời thật (hay phủ dụ?!:"Mình khỏi cần mất thì giờ với chuyện nấu ăn mà chỉ nên để thì giờ làm chuyện văn chương. Nếu muốn ăn ngon, cứ ra tiệm!". Tôi tin và rất hài lòng theo điều này.
Trong suốt 7 năm; tôi cũng nhiều lần chui vào bếp, nhưng chỉ với tính cách nhất thời, thích thú thực hiện một món ăn vừa mới học lỏm; hoặc vì thích tiếp đãi bè bạn v.v. ...; mà không à2m công việc hàng ngày như một bổn phận của một người vợ. Cho đến hồi cơm hết lành, canh hết ngọt; Trần Nghi Hoàng phàn nàn với mẹ tôi rằng tôi "không biết làm vợ, không chịu nấu ăn!" -- thì tôi bảo Trần Nghi Hoàng: "Cứ việc đi tìm người đàn bà thích nấu ăn, chẳng cần làm cái hành động phản bội những lời đã giao ướ để bào chữa cho sự MUỐN bỏ đi của mình." (...)
Chỉ riêng mẹ tôi, phải thú nhận; vì cá tính "khách [khí] trong việc ăn uống" không thay đổi được của mình; mà tôi rất đau lòng, khi phải nhìn thấy bà ngồi ăn một mình lặng lẽ. Tôi viết ra điều này như một lời thú tội cùng mẹ, mong bà tha thứ cho tôi. Chính vì đã mấy chục năm trôi qua, tôi không hề -- hay rất ít khi-- ăn cơm gia đình với mẹ tôi; mà đã tập tành một thứ phản ứng kỳ cục: tôi cũng KHÔNG TỰ CHO PHÉP mình làm điều ấy với những người đàn ông của tôi, với Trần Nghi Hoàng; và, bây giờ [là] Âu Cơ. Tôi nghĩ, người trên hết đáng phải nhìn nhận những sắc sót thật là nữ tính thế này, chính là Mẹ tôi mà đã không làm được; thì, chẳng bất cứ ai trên đời sẽ được tôi làm điều ấy, sau bà. ]
Phải nói rằng, cả 2 người bạn tôi : Phan Diên và Hoàng Vũ Đông Sơn, đều là 2 người "có tài" trong việc' tề gia" (mà khỏi cần "trị quốc, bình thiên hạ"). Và 2 người vợ bạn là 2 kẻ"thẩm thấu đượcvới lòng ngưỡng mộ" hơn bất cứ ai trên đới cái tài của 2 đấng ông chồng mình. Cũng vì thế mà họ đã vô tình biến thành những đối tượng thật đáng ngưỡng mộ dưới mắt tôi, một kẻ hoàn toàn bất tài trên mặt xây dựng cuộc sống hôn nhân.
Anh chị Đông Sơn là những con người sinh ra để làm công việc góp phần vào sự tồn tại trên mặt nhân sinh của xã hội. Vì vậy, tính cách "khách[khí]" của tôi đã được thỏa mãn tối đa trong những mùa hè được mời dùng cơm chung ở mái lầu căn chung cư Cư xá Thanh Đa.
ở những buổi chiều như thế, khi ngồi nhâm nhi cốc rượu đế, rượu thuốc cùng anh Đông Sơn; nhìn ra bóng tối bắt đầu giăng trên thành phố-- nhìn vào thấy chị Thanh Phương đang lui cui bày các thức ăn lấy từ bếp; quả thực thật không có sự thú vị nào đáng so sáng hơn trong cái tâm hồn lang bạt kỳ hồ của tôi. (chị là người có biệt tài nấu ăn, nhất là các món Bắc; trong khi chị lại xuất thân vùng Bình Định.) (*).
đó cũng là một điểm rất khéo trong tính cách làm vợ một anh 'Bắc-Kỳ-cục" như bạn tôi).
đặc biệt những hôm trời mưa; trong cái không gian nhỏ hẹp ;mà ngồi nghe những giọt mưa đập mạnh trên mái tôn, làm thành những âm thanh giận dữ; tôi thấy thật ấm, khi được hoà nhập chung trong một bối cảnh êm đềm như vậy; có một người đàn ông như vậy + một người đàn bà như vậy.
Hạnh phúc một đời tôi tìm kiếm; rốt lại chỉ nằm trong 2 chữ 'bình thường' của cuộc sống như cuộc sống 2 người bạn đang bày ra trước mắt. Nhưng cái hạnh phúc đó, tôi chỉ thích đóng vai trò người khách một lúc nào dừng chân nhìn ngắm; chứ không bao giờ muốn đặt mình vào vị trí của anh hay chị Thanh Phương. (chỉ thoáng nghĩ điều kia, tôi 'đủ phải rùng mình!').
---
(*) chị Nguyễn thị Thanh Phương gốc Bình Định; và, sau Hiệp định Genève 20/ 7/ 1954 cắt đôi đất nước; theo cha ra Bắc tập kết, chị được học hành và trưởng thành tại miền Bắc. (Bt.)
V.
(...)
Dạo Trần Nghi Hoàng mới bỏ đi, vì không muốn để mẹ tôi nghĩ rằng tôi bị ảnh hưởng theo điều đó; nên mỗi cuối tuần, tôi vẫn" mở cửa tiếp các văn nghệ sĩ".
Rất nhiều vị ở San Jose, đàn ông cũng như đàn bà hưởng ứng các cuộc vui ở phòng khách nhà tôi.
Đó là cái bến của những phụ nữ lỡ làng đi tìm "một tình nhân trong giới văn nghệ".
Đó là những dịp cho tôi được nghe những câu chuyện "ngồi lê mách lẻo" của đàn ông thuộc cái giới này. Cũng là dịp. giúp tôi 'càng lúc càng khám phá thêm những điều khác biệt giữa tôi và họ'. Một bữa ngồi trong cuộc rượu chung 10 người, toàn là những khuôn mặt "nổi" của giới trí thức văn nghệ San Jose, thi sĩ Dương Diên Nghị hỏi tôi, điệu rất hí hửng:
"BG không bao giờ đi ra khỏi nhà, nên chắc không biết chuyện 'tò tí' giữa ông Hà Thượng Nhân với bà thi sĩ Huệ Thu, vợ ông nha sĩ Bùi Ngọc Tô ở San Jose , đang "nổ" lớn."
(thật sự tôi biết rõ chuyện đó đã lâu, từ một anh bạn văn cứ ưa bảo tôi nên viết ra trong 'Một Truyện Dài Không Có Tên' [về] câu chuyện "họa qua họa lại như một lối trao tình đú đởn" (lời anh bạn) các vần thơ đăng trên nhật báo về 2 nhân vật này; nhưng tôi từ chối.) .
Dù vậy, với Dương Diên Nghị buổi đó; vì không muốn anh cụt hứng anh,tôi nói: "Em chỉ nghe phong phanh. Còn anh, sao lại biết?"
Dương Diên Nghị ưỡn người; giơ tay chỉ vào ngực mình, giọng kiêu hãnh: "Chính anh có mặt trong các lần gặp của họ. Cả thằng Dzạ Chi nữa" (anh quay sang Dzạ Chi, một tay làm thơ ở San Jose-- Dzạ Chi gật đầu.):
"Này nhé, Dương Diên Nghị tiếp, cứ mỗi lần muốn gặp nhau là bà Huệ Thu lại lái xe đến chở anh tới nhà ông Hà Thượng Nhân-- bà đậu xe chờ cách khoảng một quãng đường. Phần anh vào xin phép bà Hà Thượng Nhân cho ông đi cùng với anh đến một sòng mạt chược. Bà Hà Thượng Nhân chỉ tin anh thôi. Trong ý nghĩ bà, 2 người bọn anh đi bộ ra trạm xe buýt; mà thật ra thì đến cái xe của bà Huệ Thu đang chờ. Lên xe, chở đến nhà Dzạ Chi cho 2 người tình tự xong, lại chờ trở về; và anh lại đem giao ông Hà Thượng Nhân cho 'khổ chủ' ."
Tôi nghe xong, trong lòng nổi lên cảm giác rất khinh ghét; nhưng ngoài miệng vẫn chỉ là một 'nụ cười lãnh đạm.' Dương Diên Nghị và mọi người như cùng đắc ý với sự việc "TTBG NGU NGƠ QUÁ!"-- một cái tin"động trời" như vậy mà cũng không biết!
Vẻ mặt Dương Diên Nghị rất hớn hở, ra cái điều kể cả: "là nhà văn, BG phải đi ra ngoài để biết mọi sinh hoạt chung quanh."
Tôi cười lạt: " Em đâu cần đi ra ngoài làm chi cho mất thì giờ; mà vẫn biết hết mọi chuyện từ các anh đấy chứ. Vậy thì, từ nay em có quyền gọi anh là 'thi sĩ ma cô'; còn Dzạ Chi là 'thi sĩ chủ chứa' , phải không?".
trái qua: Dương Diên Nghị [1933- ]
(ảnh:chụp tại nhà Trần Thị Bông Giấy.)
Tức thì sự chưng hửng đổ xuống rõ rệt trên từng khuôn mặt các người hiện diện. Tất cả im lặng, đôi mắt ai nấy đều ánh lên tia thảng thốt. Tôi 'tỉnh bơ' nói tiếp:
"Không đúng sao? Một người như ông Hà Thượng Nhân đã quá già; mà còn vướng vào chuyện tình ái, thì đó là cái nghiệp của 'ổng' phải trả ở kiếp này chưa dứt. Còn các anh, những người tự nhận là 'văn nhân, thi sĩ'; sao cũng gánh vào mình việc làm' tổn đức' kia? Nếu đã gọi là bạn ông Hà Thượng Nhân; thì nên khuyên "ổng đừng làm như vậy, sao lại tiếp tay cùng 'ổng'." Còn như muốn vì lòng riêng (*) mà'trả thù 'ổng'; thì dẫu không thương 'ổng' được, cũng nên thương giùm vợ con, cháu
chắt nội ngoại, xui gia 2 đàng của ông ta? Sao lại đem kể tùm lum câu chuyện của 'ổng', như đang kể cho em nghe hôm nay? Em là người cuối cùng biết chuyện như các anh nói -- vậy trước cái cuối cùng này -- thì cả 'khối thiên hạ' đã biết 'từ miệng rắn độc của các anh!' ."
Hai ông khách, có một vị đã già lắm -- và, Lê Đình Cai ở San Jose, một vị có bằng Ph.D (về ngành gì đó, tôi không rõ) sau một hồi im lặng, đã gật gù bày tỏ: "Bông Giấy nói đúng!".
Từ đó, tôi đóng cửa hẳn với giới văn nghệ hải ngoại; phần lớn chỉ có tài "đái trong ly"-- tôi không muốn cho những cái RÁC tự tìm đến 'làm bẩn' căn nhà tôi nữa. ./.
-----
* giữa thi sĩ Hà Thượng Nhân và thi sĩ Dương Diên Nghị đã từng xảy ra một trận bút chiến, công kích nhau dữ dội, dằng dai nhiều kỳ trên các báo tại San Jose; không hiểu sao sau đó lại bắt tay huề; và, cứ ưa rủ nhau đi đánh mạt chược!? (TTBG chú thích.)
(San Jose, thứ hai, Oct.3/ 2005.)
TRẦN THỊ BÔNG GIẤY
(trang 463- 480 NHỮNG MẨU RỜI THƯƠNG NHỚ. )
NHỮNG MẨU RỜI THƯƠNG NHỚ / HVĐSƠN
Văn Uyển Edition, May 2015
Du Tử Lê [1942- ] ( bên trái)
+ 'họa sĩ 'tài tử' Phan Diên [1944- ]
(Phan Diên cung cấp ảnh.)
trái qua, trên xuống, hàng thứ 3:
- Nguyễn Hùng Trương (chủ nhà sách Khai Trí/ Saigon trước 1975)
+ HÀ THƯỢNG NHÂN+ phu nhân
(tư liệu ảnh: TP.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét