Nhà văn Nhật Tuấn qua đời
Nhà văn Nhật Tuấn vừa qua đời tại bệnh viện Thống Nhất, TP. HCM, vào chiều ngày 6/10.
Tờ Người Đô Thị dẫn lời anh trai, nhà văn Nhật Tiến từ bang California, nói ông đột ngột từ trần vì chứng phù nề hành tá tràng.
Theo tiểu sử, nhà văn Nhật Tuấn sinh năm 1942 tại Hà Nội, có tác phẩm đầu tay in năm 1978.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Đi về nơi hoang dã, ra mắt năm 1988.
Bạn bè, những người biết ông, đều ngỡ ngàng trước tin ông ra đi.
Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà văn
Tôi cùng thế hệ viết văn với Nhật Tuấn, cùng là bạn bè, hiểu nhau nhiều cả về tâm tính lẫn công việc lao động nhà văn. Nhật Tuấn rất có trách nhiệm về lao động sáng tạo. Anh cố gắng vươn lên để tạo dựng một phong cách riêng. Đỉnh cao của anh, Đi về nơi hoang dã, đã được anh em trong giới và bạn đọc thừa nhận.
Nhiều nhà văn cùng thế hệ của anh Nhật Tuấn và tôi có điểm chung là không phải do đào tạo, mà do hoàn cảnh đẩy mình vào thế cầm bút như một lối thoát. Cầm bút vì nhu cầu phản ánh trạng thái xã hội và cả khát vọng cá nhân của mình. Đây là giai đoạn mà bi kịch văn học, văn hóa cũng đầy ắp vì thế nhiều thứ phải kiềm chế, đi vào khuôn phép để mình được xuất hiện và tồn tại. Việc thể hiện của nhà văn có bị hạn chế, và theo tôi, hoàn cảnh nào sẽ sản sinh ra văn học vừa tầm với hoàn cảnh đó. Nhưng với Nhật Tuấn, ngay cả trong thời kỳ ấy, anh vẫn có dấu ấn nghệ thuật riêng của mình.
Tôi cũng muốn nói thêm một chút về bối cảnh khi thế hệ nhà văn chúng tôi xuất hiện, khoảng từ 1967-68. Hiện nay việc in ấn tác phẩm đã trở nên rất thoải mái. Nhưng thời kỳ đó, có thể nói cả nước chỉ có hai tờ báo văn chương: Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội. Hầu hết các nhà văn miền Bắc thời kỳ đó xuất hiện từ hai tờ báo này. Chuyện văn chương chỉ là một phần, mỗi người một cách, có người đi đường xa, đường ngắn. Nhưng quan hệ tình cảm, bạn bè bền vững hơn thế hệ sau. Sau này, không phải vì con người trong giới xấu hơn, nhưng đông đúc hơn nên các mối quan hệ đa dạng, phong phú hơn. Còn thời chúng tôi, anh em cùng bước khởi đầu; và đồng hành, ngoài văn chương còn là tình cảm bạn bè. Nhật Tuấn và tôi, tính cách khác nhau nhưng vẫn là bạn. Hôm nay biết tin anh đột ngột qua đời, tôi nhớ lại những kỷ niệm chung, cảm thấy rất buồn và thương tiếc.
Đào Hiếu, nhà văn
Chẳng nhớ cái trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên mở tại Vũng Tàu là vào năm nào, nhưng chắc cũng hơn 30 năm rồi. Tôi quen Nhật Tuấn trong dịp ấy. Hắn ăn nói báng bổ, vui tính, dễ gần. Nói chuyện với tôi hắn ưa chen tiếng Pháp vào. Thực ra không phải là làm dáng vì hắn cũng khá tiếng Pháp. Hắn nói hắn tự học.
Khoảng năm 1985 vợ chồng Nhật Tuấn về cất nhà ở Gò Vấp. Nhà có vườn rộng, cây trái um tùm. Tôi thường đến ăn nhậu ở đó. Có khi có cả nhà văn Trần Hoài Dương cùng tán phét đủ thứ chuyện.
Thời gian Nhật Tuấn làm giám đốc Chi nhánh phía Nam nhà xuất bản Văn học, tôi thường tới đó chơi với hắn nên không đến Gò Vấp nữa. (*)
Rồi lão chết đột ngột vì bệnh “phù nề hoành tá tràng”. Tôi chẳng biết đó là cái bệnh quái quỷ gì mà giết người nhanh vậy. Nhật Tuấn nó như con trâu. Nhưng đó là nhìn cái bề ngoài, chứ thực ra nó là đứa rất lười chăm sóc bản thân. Ngại đi khám bệnh. Ngại đi xét nghiệm tổng quát định kỳ hàng năm. Nó bỏ thí thân xác. Thích sống tự do thoải mái. Muốn ăn gì thì ăn, muốn ở đâu thì ở, muốn yêu ai thì yêu. Và hình như nó thuộc loại ở dơ, sợ tắm, sợ uống thuốc, có lẽ vì vậy mà khi bệnh trở nặng thì trở tay không kịp.
Có lần nó nói với tôi: “Tao muốn tự tử.” Tôi vẫn nghĩ là nó nói đùa.
----------
(*) Trưởng chi nhánh Nxb Văn Học tại tp. HCM khi ấy là nhà văn Hoàng Lại Giang; và Nhật Tuấn chỉ là biên tập viên. (Bt/ Blog TP).Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình văn học
Tôi chưa gặp nhà văn ngoài đời nhưng đã đọc ông từ sớm, như tác phẩm 'Trang 17', 'Con chim biết chọn hạt', rất trong trẻo, đẹp đẽ. Sau này khi đọc cuốn Đi về nơi hoang dã, tôi giật mình, phục nhà văn.
Ông là em trai nhà văn Nhật Tiến. Đây là cặp văn chương vừa có những nét tương đồng, lại khác biệt. So sánh hai người anh em có con đường đời khác nhau, cách viết khác nhau, tôi thấy đó như biểu tượng của văn chương Việt Nam.
'Đi về nơi hoang dã' được nhiều người nói là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn. Cũng có người tỏ ý trách chúng tôi, những người làm phê bình văn học, là khi tổng kết văn học Đổi mới, có vẻ bỏ quên tác phẩm này. Có khi cũng có thiếu sót ấy. Nhìn lại các bài tổng kết văn học Đổi mới, đôi khi có những tác giả, tác phẩm cần phải được nhắc lại.
Anh Nhật Tuấn còn để lại ấn tượng mạnh cho tôi khi sau này anh viết một loạt bài nhìn lại văn học xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Loạt bài được anh ký tên khác, đăng trên trang của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cũng khiến nhiều người bực bội. Nhưng tôi thấy anh có cái nhìn thẳng thắn, không khoan nhượng. Ngay cả những nhà văn tiền bối cũng được ông soi xét theo cách đọc riêng của ông. Là người làm phê bình văn học, tôi học được ở ông sự không nể nang, thẳng thắn, cần thiết không chỉ cho văn chương mà cho cả cuộc sống nói chung.
Lê Quỳnh
BBC tiếng Việt
-----------------------------------
trích từ BBC tiếng Việt
=====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét