Nhà văn Doãn Quốc Sỹ mừng sinh nhật lần thứ 84: "Ra mắt 2 tác phẩm văn học mới phát hành tại quận Cam"
các nhà văn (từ phải) Trần thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Tạ xuân Thạc, và Chu tất Tiến -- (ảnh : Nguyễn Hiền).
Santa Ana (VB) . - Nhà văn Doãn quốc Sỹ trưa mùng một Tết vừa qua đã được vinh danh là một nhà văn lớn của Miền Nam tự do, một anh hùng của dân tộc bởi đã sống và viết với tâm hồn cao thượng.
Phát biểu trước khoảng 200 người gồm các nhà văn hóa giáo dục VN, học trò cũ, giới cầm bút, trong bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 84 của nhà văn Doãn quốc Sỹ, ở nhà hàng Emerald Bay do văn đàn Đồng Tâm tổ chức, tiến sĩ Nguyễn thanh Liêm đã lược kể thêm những điểm chính về cuộc đời viết văn và dạy học của nhà văn Doãn quốc Sỹ, khiến ông ngưỡng mộ như một anh hùng. Đó là các giai đoạn: tham gia đoàn Thanh Niên Cứu Quốc, rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, vào Nam, hoạt động đoàn sinh viên Hà Nội Di Cư, thành giới cầm bút, dạy học ở Saigon, chủ trương nhóm Sáng Tạo, du học ở Hoa Kỳ, tù cải tạo đến năm 1980, gửi lén tác phẩm "Đi" qua Pháp in, bị bắt lại và tù đến năm 1991. Bốn năm sau, sang Mỹ theo diện ODP.
Vị tiến sĩ, nguyên thứ trưởng bộ Giáo Dục VNCH nói, "cuộc đời 84 năm qua của Doãn quốc Sỹ là một cuộc đời dồi dào những hoạt động cao đẹp của con người. Hoạt động học hỏi, hoạt động chính trị, hoạt động sáng tác văn chương, dạy học, tất cả đều hướng thượng, hướng về chân thiện mỹ, tinh thần nhân bản, hướng về giá trị con người, tình thương của con người và quê hương xứ sở..."
Nhà văn, nhà giáo Doãn quốc Sỹ đến từ Texas hiện diện trong buổi lễ, đã nhận nhiều quà tặng của thân hữu như nhà văn Trần thanh Hiệp, nhà văn Võ Phiến, nghe những lời vinh danh ông được nêu lên trong tiệc mừng "người đã từng bị đầy đọa vùi dập theo vận nước nổi trôi cả mấy chục năm nay, bị nhốt tù 2 lần tổng cộng 12 năm, vì chữ và nghĩa,vì lương tâm...” theo phát biểu của tiến sĩ Nguyễn thanh Liêm, và linh mục Trần cao Tường.
Tiến sĩ Trần huy Bích đã nói về các tác phẩm được độc giả biết đến Doãn quốc Sỹ như Dòng Sông Định Mệnh, Khu Rừng Lau,.v.v.
Sử gia Phạm cao Dương thấy ở Doãn quốc Sỹ là một vị Thầy đáng yêu, khi nhìn về những nhân vật trong tác phẩm của nhà văn. Cái làm nên Doãn Quốc Sỹ đáng yêu đó là cái Tâm uy vũ bất năng khuất trong ngòi bút của ông. Về lãnh vực sáng tạo giáo sư Dương lập lại ý kiến của nhiều người cho rằng "ông đã trải chiếc chiếu hoa riêng để ngồi trong văn đàn VN". Đồng thời, nhà văn Mặc Giao nói trên bìa sách, "ông là một nhà văn có tầm nhìn ra thế giới bên ngoài nhưng vẫn gần gũi với tâm tình Việt Nam, cách ứng xử VN, trân trọng với những con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo theo chồng tiếng khóc nỉ non. Doãn quốc Sỹ đúng là một vệ binh gìn giữ văn hóa dân tộc".
Sử gia Phạm cao Dương thấy ở Doãn quốc Sỹ là một vị Thầy đáng yêu, khi nhìn về những nhân vật trong tác phẩm của nhà văn. Cái làm nên Doãn Quốc Sỹ đáng yêu đó là cái Tâm uy vũ bất năng khuất trong ngòi bút của ông. Về lãnh vực sáng tạo giáo sư Dương lập lại ý kiến của nhiều người cho rằng "ông đã trải chiếc chiếu hoa riêng để ngồi trong văn đàn VN". Đồng thời, nhà văn Mặc Giao nói trên bìa sách, "ông là một nhà văn có tầm nhìn ra thế giới bên ngoài nhưng vẫn gần gũi với tâm tình Việt Nam, cách ứng xử VN, trân trọng với những con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo theo chồng tiếng khóc nỉ non. Doãn quốc Sỹ đúng là một vệ binh gìn giữ văn hóa dân tộc".
Buổi tiệc mừng sinh nhật, cũng nhằm ra mắt hai tác phẩm: tuyển tập Xuân 2007 của văn đàn ĐỒNG TÂM số 4 và tuyển tập Kỷ niệm về nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Cả hai cuốn đều do Đồng Tâm ở Houston(Texas) phát hành, với số điện thoại 281-370-0233 và email vandandongtamdqs@gmail.com
Văn đàn này do một số nhà văn điều hành: Tạ xuân Thạc (chủ nhiệm), Trần việt Hải (chủ bút), Vũ tiến Thăng (tổng thư ký) với các đại diện ở Đức (Trương Hà-Vũ duy Toại), ở Pháp (Bích Phượng), ở Canada (Tiểu Thu), ở Úc (Hoàng huy Giang).
Nhận xét về tuyển tập Đồng Tâm 4, nhà văn Bích Huyền nói trước mọi người dự tiệc mừng sinh nhật Doãn quốc Sỹ: "Đồng Tâm là một giai phẩm Xuân đẹp cả hình thức lẫn nội dung, gồm bài vở 40 tác giả khắp thế giới nói lên sự phong phú và hiện diện nhiều khuôn mặt văn học trẻ trung thế hệ thứ hai."
Trong cuốn Kỷ Niệm Về Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Bích Huyền cho rằng: "những tác phẩm Gìn Vàng giữ Ngọc, Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, Dòng Sông Đinh Mệnh, ba Sinh Hương Lửa,...cô đọng với biết bao đẹp đẽ về văn chương,đạo đức, tư tưởng thiết tha tình dân tộc,bao la tình nhân ái,bao dung cả những người không cùng một chính kiến với mình, như nhân cách ngoài đời của ông luôn thể hiện tinh thần kẻ sĩ."
Xen kẽ giữa các phát biểu là phần văn nghệ của những ca sĩ Quỳnh Giao, Kim Tước, Ngọc Hà, .v.v.
Nhà văn Doãn quốc Sỹ dáng linh hoạt, ngồi cạnh nhà văn Trần thanh Hiệp, là hai trong số 4 nhà văn thơ nhóm Sáng Tạo cũ còn lại. (sau khi Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng đã qua đời). Ông bước lên sân khấu nhà hàng trong sự trông đợi của mỗi người dự tiệc mừng sinh nhật thứ 84. Nhà văn thường hay cười nhẹ, kể lại bước đầu viết văn, làm báo, rồi thuật lại "cái duyên gặp Trần thanh Hiệp sau khi di cư vào Nam, để in bản thảo Sợi Lửa mang theo từ Hà Nội vào, để từ đó lòng hứng khởi nổi dậy, đẩy vào nghiệp cầm bút, cùng sinh hoạt với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế...thành lập nhóm Sáng Tạo".
Nhà văn kể, có người bạn hỏi tôi trong hai chục tác phẩm, ưa thích tác phẩm nào nhất, tôi từng trả lời rằng cuốn nào cũng viết với cả tấm lòng, không có cảnh con yêu con ghét. Có người hỏi sự kiện nào rung động nhất trong đời cầm bút, tôi bảo điều rung [động] nhất là khi nghe một người bạn kể câu chuyện có một nữ độc giả quen với người bạn tôi ấy, mượn bộ Dòng Sông Định Mệnh về nhà đọc rồi bảo cô có khối tình giống như trong truyện, và mong khi chết đi được chôn cuốn truyện theo cô xuống mồ: "Câu chuyện đó làm tôi bàng hoàng xúc động nhất trong đời"!
Ông ngỏ lời cám ơn nhóm văn đàn Đồng Tâm đã tổ chức tiệc sinh nhật. Ông hiện có chân trong ban cố vấn văn chương của Đồng Tâm, cùng với các vị: Trần thanh Hiệp, Lê hữu Mục, Nguyễn thanh Liêm.
Trong khi chiếc bánh sinh nhật được cắt ra mời mọi người cùng ăn mừng tuổi thọ, nhà văn Doãn quốc Sỹ đón nhận những quà tặng lưu niệm của các văn thi hữu như nhà văn Võ Phiến, gs Lê văn Khoa, họa sĩ Vũ Hối, văn đàn Đồng Tâm, nhà văn Chu bá Yến, .v.v.
Buổi tiệc mừng thượng thọ nhà văn Doãn quốc Sỹ kết thúc qua phần trình diễn của các cựu nữ sinh trường Regina Pacis Saigon, được mọi người hoan nghênh nồng nhiệt: vũ khúc vui tươi có tựa I'll follow him.
Những người dự tiệc ngoài các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ quen thuộc tên tuổi của Quận Cam, còn có nhiều cựu học sinh những trường trung học và đại học Saigon từng biết đến Thầy giáo nhà văn này --và , người từ VN mới qua: ông bà họa sĩ Đằng Giao. ./.
nhà văn Doãn quốc Sỹ [ 1923- ] (phải) + góa phụ nhà văn Võ Phiến ( bà Viễn Phố)
+ vợ chồng thi sĩ chủ báo Trần Dạ Từ+ Nhã Ca
(ảnh: Internet)
=====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét