Gom Lại, Để Có
Một Cái Nhìn Về Thơ
1-Buồn cho thơ Việt
Sự kiện Ngày thơ Việt Nam 2017 diễn ra suốt ngày rằm tháng giêng (11/2) ở TP HCM vô cùng đìu hiu. Từ sáng đến chiều tiếp khoảng chục khách ghé thăm,đa số là người quen.Họ chỉ ghé ngang,hững hờ lật vài cuốn thơ trên bàn rồi vội bước đi.Nhiều người đem thơ đến đây giới thiệu xong chỉ có nước bỏ vào sọt rác vì chẳng có khách chịu mang về,dù là quà tặng!
Có ý kiến lý giải : Khách đến Ngày thơ Việt Nam mỗi năm một thưa dần. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ đời sống hàng ngày, khi nhiều người phải chạy theo mưu cầu vật chất và tạm xa rời những giá trị tinh thần họ từng nâng niu…Giới trẻ hiện rất hiếm người tìm tòi về thơ. Chỉ có bậc lão niên - những người không còn quá bận rộn chuyện làm kinh tế, ở nhà rảnh rỗi bèn mượn tờ giấy để trải lòng mình. Độc giả hiện tại không hẳn quay lưng với thơ, nhưng đam mê nơi họ đã giảm dần - ngoài lý do thị hiếu, chất lượng thơ hiện tại chưa thực sự nổi trội.Dòng thơ trẻ cũng gây nản lòng với đối tượng độc giả trung và cao niên bởi nhiều tác phẩm có ngôn từ trần trụi, nội dung phi thực tế v.v… (nguồnhttp:vnexpress.net).
2-Đâu rồi những năm tháng huy hoàng
Nhà nghiên cứu phê bình Hoài Thanh ghi nhận : Thi ca Việt Nam 1932-1942 - một thời đại vừa chẵn mười năm .Với “cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đản tung bờ vỡ đê - Trong mười năm ấy,thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ,một bên giành quyền sống,một bên giữ quyền sống.Cuộc tranh đấu kéo dài cho đến ngày thơ mới toàn thắng… Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thởi đại phong phú như thời đại này.Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ,trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp,ảo não nhu Huy Cận,quê mùa như Nguyễn Bính,kỳ dị như Chế Lan Viên…và thiết tha,rạo rực,băn khoăn như Xuân Diệu…” *
Sau 1945 dài theo kháng chiến,trầm mình trong bao cấp,“cái ta tập thể” lên ngôi thống soái.Văn học nghệ thuật từ một nửa đất nước(1954) đến trọn đất nước (sau 1975) mang tính“rập khuôn đơn điệu”.Chẳng hạn thơ Xuân Diệu thời kỳ bài phong,đả thực : “Mẹ mù vì thuế phải đeo/Vì tô phải trả,lại đèo nợ non …- Đó là tội ác của loài dã man :/ Quân địa chủ! lũ thực dân!..” - ( Bà cụ mù lòa – tâp thơ Mẹ con – 1954)…
Có ý kiến nhận xét: -“Một thời kỳ quá dài anh nhà thơ của ta đã kiêm nhiệm nhà chính trị,nhà tuyên huấn,nhà giáo,nhà cạo giấy,và cả …nhà buôn.Kiêm ở ngoài đời đã hại,nhưng không hại bằng kiêm trong thơ”.(Thơ mới và hôm nay - Hoàng Hưng) **
Nhiều văn nghệ sĩ - những người “đi xuyên tường” thời cuộc không nén được sự trăn trở trước khi từ giã cõi đời đã vung bút lên trời xanh : “Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”(Nguyễn Minh Châu); “Đi tìm cái tôi đã mất”(Nguyễn Khải); Riêng nhà thơ Chế Lan Viên lưu ý bạn yêu thơ hãy “Trừ đi”.:“Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ/Có phải tôi viết đâu! Một nửa/Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi/Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười/Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết”… (nguồn internet)
Có ý kiến bảo rằng :“Nghệ sĩ vẫn là con người,phải sống với đời thực,phải sinh hoạt,học tập, quan hệ xã hội,nhưng thiên chức của nghệ sĩ là tạo ra “cuộc sống thứ hai”,tức là tác phẩm. Như vậy,nghệ sĩ phải sống,phải “đi, về” giữa hai thế giới,thế giới của đời thực và thế giới trong tưởng tượng với những nhân vật,hình tượng,chi tiết... Người ta hay dùng các từ “phân thân”, “hóa thân”, “nhập thân”… khi nói về quá trình sáng tạo là vì vậy. Dựa vào đặc trưng này,tâm lý học nghệ thuật hiện đại cho rằng nghệ sĩ dễ sa vào tình trạng đa nhân cách,thất thường,dễ ảo tưởng,hay xúc động,cực đoan…Đây sẽ là điểm yếu khi có người không làm chủ được,dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt” .***
Tôi lại nghĩ khác, người có trình độ suy nghĩ không “dễ bị kẻ xấu lợi dụng,dụ dỗ,lôi kéo,lừa gạt”. Nhà thơ-người nghệ sĩ-kẻ sĩ chân chính,bậc trí giả bình thường họ luôn giữ tư thế độc lập và xu hướng vươn tới cái đích Chân-Thiện-Mỹ trong quá trình sáng tác .Hành vi,thái độ trong văn chương là sự chọn lựa (nhận đường,tỉnh thức…),tùy thuộc lập trường chính kiến khi tiếp cận đời sống chính trị xã hội.Chuyện đúng/sai thuộc phạm trù lý trí,hoàn toàn là một nhận thức và họ tự chịu trách nhiệm với tư cách công dân .Chúng ta không thể luận định khơi khơi khi đứng bên này hoặc bên kia dãy Pyréneés .
Chúng ta không thể đơn phương phủ nhận,thậm chí quét sạch trơn mọi giá trị văn học nghệ thuật của các giai đoạn,bởi nó là một hiện thực khách quan,tồn tại nhiều thập niên trong lịch sử. Nhưng phải nói nó đã khép lại một đời sống và bây giờ là thời đại khác. “Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam và thế giới thế kỷ XXI đã hoàn toàn khác với thời kỳ bao cấp trong kháng chiến.Ý thức thẩm mỹ của thời đại cũng đã khác.Muốn cách tân thơ phải xuất phát từ sự đổi mới ý thức thẩm mỹ. Đây là điều cốt tử. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nhận rõ điều này: “không thể chấp theo lối cũ. Thơ ca nghệ thuật không thể nằm ngoài chân lý ấy.Thế nhưng sau bao năm đổi mới, nền thơ Việt dường như vẫn quằn quã trong cái ngôi làng lặng yên. Chúng ta phải tự nhận ra rằng chúng ta tự trói lấy chúng ta, bảo thủ, tự bằng lòng thoả mãn với những gì có được.”,Ấy là chúng ta quen với lối mòn thi pháp của thơ kháng chiến viết bằng phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, quen với cách sinh hoạt thơ như thời bao cấp”.****
Thơ hay cần sự khéo léo của nghệ thuật để thể hiện.“Nếu ở văn học Trung đại, tính uyên bác,sùng cổ được đề cao,văn học hiện đại đi vào chiều sâu nội tâm thơ là tiếng lòng nhưng cũng cần cách thức biểu đạt tiếng lòng ấy có cấu trúc,cấu tứ. Như thế mới giãi bày hết được ý tưởng của người viết,tạo nên sức lôi cuốn cho bạn đọc”. (Thơ, khó thay…- Lâm Việt - nguồn vanhocquenha.vn)
Thơ là suối nguồn được nung nấu thôi thúc từ sâu thẳm tâm hồn. Cái tôi cảm xúc của con người sẽ khơi dòng thi hứng.Thi hứng là sự xúc động mạnh mẽ khiến người ta cảm thấy có thú làm thơ.Trả lời nhà văn Nguyễn Nam Anh (Nguyễn Xuân Hoàng) - tạp chí Văn số 13,14,xuân Mậu Dần 1998), thi sĩ Nguyên Sa nói về thơ :“Làm thơ,với tôi,bao giờ cũng cần có cảm hứng,có cảm hứng mới làm được thơ,không có cảm hứng thì chịu thua.Cảm hứng đưa tôi vào thơ,thời gian này,cũng như hơn bốn thập niên, luôn luôn đến - đến từ sự xúc động chân thực.Có rung động thực và rung động giả,cho nên có cảm hứng thực và cảm hứng giả.Lúc hai mươi tuổi,đam mê tình ái mang thơ lại cho tôi.Tôi nghĩ thơ tình thời học trò mà tôi nói chuyện suy tư về hữu thể và hư vô là xúc động giả,sâu xa giả,thơ làm dáng không phải thơ.Khi tuổi già đã tới,không còn đam mê tình ái,cánh cửa của mỗi đời người sắp khép lại,những xúc động của những ngày tháng đối diện với sự thật của kiếp người,một cuộc tình hồi tưởng lại,một cuộc tình mơ ước,sương mai mong manh,cơn mưa đến muộn,buổi hoàng hôn nơi quê người,người bạn thâm niên bỏ xứ vĩnh viễn...là nguồn cảm hứng hôm nay của tôi. Cảm hứng xây trên xúc động chân thực luôn luôn đổi mới cùng với kỹ thuật thi ca có suy nghĩ giúp cho sáng tạo tránh khỏi nhắc lại chính mình”.
(theo luanhoan.net).
(theo luanhoan.net).
Salvatore Quasimodo (1901-1968) - nhà thơ người Italia,từng quả quyết: “Thơ là sự mặc khải rằng người làm thơ tin rằng cảm xúc của họ chính là tiếng lòng của độc giả”.
Thơ là tinh huyết của cuộc đời.Văn hóa dân tộc ta là văn hóa thơ . Dân gian ta sống đến đâu thành thơ đến đó.Tôi không tin Thơ Việt dễ dàng tàn tạ !
(Saigon – ghi chép từ hôm Rằm tháng Giêng,viết tiếp – 20/8/2017)
PHAN VĂN THẠNH
phan văn thạnh [ 1949- ]
- hoàn tất cử nhân Việt văn ( Đại học Văn khoa Saigon/ 1974) --dạy học, tham gia quản lý giáo dục
tại Trung học Phổ thông Gia Đình -- hiện sống & hưu hạ tại quận Thủ Đức. (tp. HCM).
( newvietart.com ) (fr.)
Tham khảo :
* Một thời đại trong thi ca – Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh-Hoài Chân (Nxb Văn Học 2012, tr.32)
** “Thơ mới Lãng mạn - Những Lời Bình” - Vũ Thanh Việt biên soạn (NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội – 2000,tr 69)
*** (“Phòng,chống chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật” - PGS.TS.Nguyễn Thanh Tú (nguồn qdnd.vn).
**** “Hội thảo Thơ Việt Nam Hiện Đại Nhìn từ Miền Trung: Những vấn đề còn đó” - Bùi Công Thuấn (nguồn vanchuongviet.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét