Tuesday, 28 March 2017
Đỗ Trung Quân [1955- ]
Đỗ Trung Quân
(tên thật lấy theo họ mẹ, bà Đỗ thị Lạc)
(19/1/1955 - ......) Sài Gòn
-nhà thơ, nhà báo, blogger
Đỗ Trung Quân là bút danh của nhà thơ vừa là tên thật. Theo bài phỏng vấn trên báo Vietnam News giữa năm 2005 thì trong khai sinh của ông không có tên cha. Ông được mẹ là bà Đỗ Thị Hảo nuôi lớn đến năm 15 tuổi thì mẹ mất.
Đỗ Trung Quân tham gia Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1976 đến năm 1980, sau đó về công tác tại báo Tuổi trẻ. Đỗ Trung Quân bắt đầu sáng tác từ 1978 và nổi tiếng với bài thơ Hương tràm .
Ngoài sáng tác thơ, ông còn vẽ tranh, trình bày bìa sách, minh hoạ sách báo, làm MC và đóng phim cho đài truyền hình. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Hương tràm, Quê hương, Phượng hồng.
Hiện sống ở Sài Gòn và chủ trang blog:
ta dương cờ trắng đầu hàng !
ta đầu hàng ! ta đầu hàng !
ta là dân ta thua tan hoang.
ta làm dân ta đéo nói ngang.
ta biết nhục nên ta đầu hàng
đầu hàng bọn ăn sóng nói gió
đầu hàng bọn xem dân thua chó
[ta lại phải xin lỗi con chó. nó trung nghĩa hơn tỉ thằng người ]
ta đầu hàng !
Nhưng ta phải công nhận điều này đất nước đâu có độc tài
đảng Hải Phòng phất phới cờ bay.
đảng Tiên Lãng mồm loa mép giải
đảng “riêng nó” đó trăm tay nghìn mắt
đảng “ riêng nó” kia xương sắt da đồng
ta là dân ! ta là dân!
ta đưa cờ trắng [ làm ] từ quần vợ ta
ta xin thua! Ta xin tha!
ta xin bẻ bút về nhà bán khoai
ta là ai ? ta là ai ?
ta là ai cũng chăng ai ta là!
tác phẩm
thơ phổ nhạc
Hương tràm
U Minh bốn bề là tràm
Chẳng biết tháng nào nở hoa
Mà hương thơm dường như suốt mùa
Ướp mật vào tóc em thở
Xa xa tiếng hò nhịp nhàng
Nhà em lung linh mặt nước
Sáng trăng ra sân em chải tóc
Khuấy chân em nghịch ánh trăng tan
Bát ngát rừng tràm hoa nở
Thoảng đưa hương tràm ngọt ngào
Ở nơi đây em xây dựng là quê mới
Để ngày mai bông lúa trĩu vàng
Thơm ngát hương tràm đêm đêm
1978
-bài thơ này đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Hương Tràm
Những bông hoa trên tuyến lửa
Ở giữa rừng đâu có gương soi
Làm sao em thấy được vết bầm trên má
Chuyến tải thương về mấy lần trượt ngã
Vì mùa mưa nào đã chịu dứt ở đây...
Anh bộ đội thương binh vừa tỉnh lại sáng nay
Đã hỏi thăm em người cáng thương đêm trước
Cô ấy ngã mấy lần tôi đếm được
Mà sao không khóc mới lạ lùng.
Chắc anh hiểu rồi em ở tấm lòng
Nước mắt chỉ dành cho người ngã xuống
Nên dù té đau gai rừng tê chân buốt
Đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần.
Em là người thanh niên xung phong
Không có súng chỉ có đôi vai cáng thương tải đạn
Giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm...
Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công.
Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công.
Tôi thấy rồi em ơi!
Giữa cuộc hành quân niềm kiêu hãnh trong mắt em kỳ lạ
Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá
Cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường
Ơi những bông hoa nở giữa chiến trường...
Nguyễn Cửu Dũng phổ nhạc
Chút Tình Đầu
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng - mối tình đầu
Mối tình đầu của tôi có gì ?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Lá áo người trắng cả giấc ngủ mê
Lá bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại.... mang về.
Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...
Mối tình đầu của tôi có gì ?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiểu - chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi... thành câm.
Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
1984
-bài thơ này đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài hát
Phượng hồng.
Phượng hồng
Bài học đầu cho con
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ...
Bài thơ lúc đầu được làm đề tặng bé Quỳnh Anh (con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi đó mới một tuổi), đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn quàng đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập (Việt Nga, con của nhà thơ Lê Giang) có bỏ một vài đoạn và thêm một câu "Sẽ không lớn nổi thành người" ở cuối cùng.
Trong tập thơ Cỏ hoa cần gặp (1991), tác giả đã đăng lại nguyên bản như bản đăng ở đây. Tuy nhiên, bài hát Quê hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã được phổ nhạc theo bài đăng năm 1986.
Quê Hương
Khúc Mưa
Tháng sáu
Mưa
Giá trời đừng mưa
anh đừng nhớ
Trời không mưa và anh không nhớ
anh còn biết làm gì?...
Em như hạt mưa trên phố xưa
Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ
Kỷ niệm như rêu...
Giẫm vào anh trượt ngã
tình xưa xa lắm rồi...
Giá trời đừng mưa
anh chẳng cần xuống phố
Hoa cúc vàng nhà ai
thả chừng chùm
Hoài nhớ
áo em vàng...
Tháng sáu...
Trời buồn...
Lũ chim sẻ hiên nhà đi mất
Như em...
Như em...
-bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Khúc Mưa
Mẹ
"Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ"
Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?
Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới!
1986
Không phải tơ trời, không phải sương mai
Mong manh nhất không phải là tơ trời
Không phải nụ hồng
Không phải sương mai
Không phải là cơn mơ vừa chập chờn đã thức
Anh đã biết một điều mong manh nhất
Là tình yêu
Là tình yêu đấy em!
Tình yêu,
Vừa buổi sáng nắng lên,
Đã u ám cơn mưa chiều dữ dội
Ta vừa chạy tìm nhau...
Em vừa ập vào anh...
... Như cơn giông ập tới
Đã như sóng xô bờ, sóng lại ngược ra khơi.
Không phải đâu em - không phải tơ trời
Không phải mây hoàng hôn
Chợt hồng... chợt tím...
Ta cầm tình yêu như đứa trẻ cầm chiếc cốc pha lê
Khẽ vụng dại là... thế thôi... tan biến
Anh cầu mong - không phải bây giờ
Mà khi tóc đã hoa râm
Khi mái đầu đã bạc
Khi ta đã đi qua những giông - bão - biển - bờ
Còn thấy tựa bên vai mình
Một tình yêu không thất lạc...
-bài thơ này đã được phổ nhạc thành bài hát Hương tình yêu.
Hương Tình Yêu
Biển, núi, em và sóng
Xin cảm ơn những con đường ven biển
Cho rất nhiều đôi lứa dẫn nhau đi
Cám ơn sóng nói thay lời dào dạt
Hàng thuỳ dương nói hộ tiếng thầm thì
Anh như núi đứng suốt đời ngóng biển
Một tình yêu vươn chạm tới đỉnh trời
Em là sóng nhưng xin đừng như sóng
Ðã xô vào xin chớ ngược ra khơi
Anh như núi đứng nghìn năm chung thuỷ
Không ngẩng đầu dù chạm tới mây bay
Yêu biển vỗ dưới chân mình dào dạt
Dẫu đôi khi vì sóng núi hao gầy...
Cám ơn em dịu dàng đi bên cạnh
Biển ngoài kia xanh quá nói chi nhiều
Núi gần quá - sóng và em gần quá
Anh đủ lời để tỏ một tình yêu.
-bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Bòn phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
tập thơ
nxb Thuận Hóa . 1991
Chân mây cuối trời
(in chung cùng Hoàng Ngọc Biên)
(2003)
đọc thơ Đỗ Trung Quân
Thôi thì hãy cố nuôi chút nụ hồng nhân ái
Đỗ Trung Quân
Định không viết gì về tháng của Trịnh Công Sơn nữa. chán , buồn , nản…nhưng rồi rút trên kệ nhạc mình xuống cái cd đã trên nửa thế kỷ. đêm nhạc TCS & Khánh Ly hát tại Đại học văn khoa sài gòn 1967. lại phải ngồi dậy gõ lăng nhăng. Đêm nhạc thu trực tiếp , âm thanh mono, Trịnh Công Sơn làm mc đơn giản như tiếng ghi ta đơn giản của anh. Anh chỉ nói “ tiệp theo khạnh ly sẹ hạc ca khục…’ chỉ thế thôi. thỉnh thoảng nghe tiếng Trịnh nhạc sĩ hỏi “ Các anh chị em ngồi dưới xa có nghe tôi hát rõ không ? [ hỏi giống bác Hồ quá he he !] Tiếng người lao xao, tiếng vỗ tay. giọng Khánh Ly 20 tuổi khàn nhưng lại trong mới lạ. Ghi ta bập bùng chả có thêm nhạc cụ nào đủ làm nhớ những khuôn viên đại học, những đêm ca hát sân trường một thời xa lắm…
Nghe lại những ca khúc được giới thiệu lần đầu hay trong thời kỳ đầu của TCS nay đã trở thành quá quen thuộc với những giọng hát mới, hòa âm mới…chỉ nhận ra một điều duy nhất. vẻ đẹp mới của tình yêu thời kỳ ấy “ dài tay em mấy thưở mắt xanh xao…”. Còn những mơ ước hòa bình thật ngây thơ, đẹp đẽ [ hu hu! muốn khóc quá !]” em hãy đi cùng tôi…áo mới và mang quà…hỏi thăm từng người mẹ , hỏi thăm từng người cha. ta hãy đi cũng nhau …đến những làng quê nghèo…hỏi thăm mùa lúa mới…” “ trên cánh đồng hòa bình này triệu bàn chân đi khai mùa mới..” [ ôi! cánh đồng Tiên Lãng hôm nay ] “ mượn phù sa đắp trên bao điêu tàn…lòng nhân ái như nụ hồng [ ôi ! bé thơ ! Đứa bé mới bị cha mẹ nuôi hành hạ. ôi! căn lều của Đoàn Văn Vươn và bao nhiêu cánh đồng, căn lều nông dân khác…]
Tôi không thể trích hết từ ‘Kinh khổ – Ca khúc da vàng “- Kinh việt nam – Ta phải thấy mặt trời’ …thêm nữa. những khát vọng – mơ mộng – thơ ngây, tin cậy , thiết tha của Trịnh bỗng thành dự ngôn dự báo tất tật cho một ngày như hôm nay. Chẳng lẽ lại thút thít “ khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu ! “
Vài dòng ngắn ngủi. nghe để vui , nghe để buồn cho Trịnh nhạc sĩ , cho mình và cho tất cả chúng ta. Thôi thì hãy cố nuôi một lời đơn sơ nhưng cần thiết trong nhạc trịnh “ lòng nhân ái như nụ hồng ! “
Nếu không, chỉ còn cách đưa súng lên đầu !
tham khảo thêm
Tâm sự nhà thơ
Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Trung Quân, cảm ơn anh đã dành cho chương trình VHNT của Đài Á Châu Tự Do. Nói về những hoạt động văn nghệ của anh tôi tin rằng sẽ rất lý thú, nhưng cũng như anh đã biết thời gian của chương trình không cho phép, vậy thì nên chăng xin đề nghị là chúng ta sẽ nói về một bài thơ của anh mà thôi, vì chính bài thơ này đã làm nên tên tuổi của Đỗ Trung Quân.
Nếu được, xin anh đọc lại cho thính giả nghe tác phẩm “Bài Học Đầu Cho Con” vì theo tôi biết giọng đọc của anh cũng hấp dẫn không kém khi anh làm thơ...
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Bài thơ có tựa là “Bài Học Đầu Cho Con”.
Một khổ thơ “Quê hương là cầu tre nhỏ...” tôi dùng thể thơ 6 chữ thì tự nhiên tôi bỏ lửng. Thông thường một khổ thơ có bốn câu, thế thì thấy tôi bỏ lửng như vậy thì chị Việt Nga đã thêm vào.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ...
Bài thơ kết thúc ở đấy, thưa quý vị.
Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Trung Quân, xin thứ lỗi nếu tôi nói không chính xác vì thật ra bài thơ còn một câu cuối nữa mới thành khổ thơ tứ tuyệt, tức là bốn câu, vì anh chỉ đọc có ba câu mà thôi. Trong nhạc phẩm "Quê Hương" do nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ này có hai câu cuối là: Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.... Xin anh cho biết đâu là nguyên bản...
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Dạ. Thưa anh và thưa quý vị, bài thơ này được đăng lần đầu vào năm 1986, xuất xứ của nó là hồi đó tôi đề tặng bé Quỳnh Anh. Quỳnh Anh là con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bây giờ. Khi tôi đề tặng thì Quỳnh Anh mới chỉ được một tuổi thôi.
Tôi đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn Quàng Đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm một đoạn, đúng ra là một câu, cái câu cuối cùng. Những người biên tập bài này là chị Việt Nga, con của nhà thơ Lê Giang. Chị Việt Nga thì cũng đã mất vị bạo bệnh.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết cụ thể hơn một chút xíu về việc này không, thưa anh?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Một khổ thơ “Quê hương là cầu tre nhỏ...” tôi dùng thể thơ 6 chữ thì tự nhiên tôi bỏ lửng. Thông thường một khổ thơ có bốn câu, thế thì thấy tôi bỏ lửng như vậy thì chị Việt Nga đã thêm vào.
Mặc Lâm: Và sau khi biết bị báo Khăn Quàng Đỏ tự tiện sửa thơ của mình như vậy thì anh có phản ứng gì không, và những lần tái bản sau thì bài thơ có được sửa lại cho đúng không ạ?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Khi tôi thấy họ sửa và bỏ một vài đoạn nên khi đăng lại vào năm 1991 ở trong tập Cỏ Hoa Cần Gặp (thơ, 1991) thì tôi đăng lại nguyên bản, và nguyên bản thì nó có khác với bài đầu tiên do khi đó đã được cắt bớt một vài đoạn và thêm một câu là “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Thì, thưa anh, khi tôi đăng lại thì nó có khác. Thật ra mà nói thì nhạc sĩ phổ theo cái bản của năm 1986 chứ không phải là theo bản của năm 1991.
Tập thơ “Cỏ Hoa Cần Gặp” (1991) thì trước khi rời Việt Nam thì nhà thơ - nhà dịch giả Hoàng Ngọc Biên in cho tôi, và cái bản chính của nó là nằm ở tập này, không có câu cuối cùng.
Thưa anh, bây giờ thì nói như thế thì tôi có một phản ánh lại là chị Việt Nga là người biên tập bài này, cũng như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã mất rồi, tôi là người còn sống, nói thế nào đó nó cũng là khó ở chỗ là những người đã mất thì không nói lại được và tôi rất ngần ngại.
Mặc Lâm: Như vậy thì nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã phổ bài thơ này trước khi được anh đăng lại phải không thưa anh?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Anh Giáp Văn Thạch đã phổ theo bài thơ năm 1986 là bài thơ đã được bớt một vài đoạn. Nếu quý vị để ý thì sẽ thấy là không có một đoạn mà tôi viết tiếp là:
“Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi.
Khi tôi làm bài thơ này, tôi gửi cho bé Quỳnh Anh. Chúng tôi lúc đó là bạn với nhau. Giai đoạn đó thì ai cũng nghèo. Tôi không có gì làm quà cho cháu Quỳnh Anh, mà Quỳnh Anh bây giờ đã là một cô gái 23 tuổi, học ở Pháp.
Thế thì khi tôi tặng như vậy thì tôi chọn một bài thơ cho trẻ con và tôi chọn một thể thơ dễ thuộc, dễ nhớ, đó là thơ 6 chữ, thơ 5 chữ - thơ 6 chữ đó, một thể thơ dễ thuộc ở Việt Nam. Và những hình ảnh thì tôi chọn những hình ảnh rất là gần gũi: cây khế, cầu tre, con diều...
Mặc Lâm: Anh vừa nhắc đến từ “con diều” khiến tôi nghĩ rằng anh đã thiếu mất đoạn này vào lúc đầu anh đọc bài thơ đó ạ.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Lúc nãy tôi đọc hình như có thiếu một đoạn thưa quý vị. Đó là:
“Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông...”
Xin thứ lỗi là vì tôi cũng không thuộc thơ mình lắm. Tôi xin được bổ sung một đoạn như thế. Và nó ra đời ở trong một cái giai đoạn là, xin quý vị nhớ giùm là năm 1986, khi đó văn chương ở Việt Nam hầu hết còn ở trong giai đoạn động viên xã hội chủ nghĩa, tức là lao động, tức là một chút gì đó còn có chiến tranh.
Cái bài thơ này hoàn toàn không dính dáng tới cái đó bởi vì tôi làm để tặng cho một cô bé còn rất là nhỏ và mới chỉ một tuổi. Và những hình ảnh đó, tôi nghĩ rằng nếu có hình dung là cháu lớn lên sau này, cháu có đi khắp nơi, đi tới nước nào cũng vậy, ở đâu nó cũng thế. Thì những hình ảnh đó cháu mang theo và đó là đất nước của mình.
Sau này thì bài thơ trở thành ngoại giao, trở thành mang một chút sứ mệnh chính trị, thì xin thưa với quý vị là điều đó nằm ngoài ý muốn của tác giả, bởi vì một bài thơ được viết và khi đẻ nó ra, nó sống hay nó chết, cái đó không nằm trong tầm tay của người sáng tác.
Thật sự tôi cũng rất ngạc nhiên là bài thơ này có một số phận rất là đặc biệt, nó được nhiều người biết đến, nó được loan đi rất là xa, nó có thể gây yêu mến nhưng đồng thời nó cũng có thể gây ngộ nhận. Tất cả những cái đó thì đó là số phận riêng. Tốt nhất là thôi cứ để nó có số phận của nó.
Mặc Lâm: Chúng tôi cũng được nghe là anh đã giao lại tác quyền bài thơ này cho gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, sự thật như thế nào, thưa anh?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Thưa anh và thưa quý vị, trong vòng 7 năm nay tôi đã làm một văn bản cho Cục Bản Quyền ở Việt Nam là tất cả những liên quan đến bài thơ “Quê hương” thì xin được chuyển hoàn toàn cho gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch những gì thuộc về vật chất.
Tôi đã làm một bản ủy quyền cho Cục Bản Quyền ở Việt Nam. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đã chấp nhận cái thơ tay này của tôi. Gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch thì thật ra mà nói cũng rất khó khăn. Rất tiếc là ảnh mất sớm.
Tôi nghĩ là cái việc mà tôi làm nó cũng như mọi người ở Việt Nam là nó cũng thuộc đạo lý Việt Nam thôi. Nhưng mà bản quyền ở Việt Nam thật ra mà nói thì cũng không nhiều đâu. Cái điều đó cũng không giúp cho gia đình ảnh bao nhiêu, nhưng mà cá nhân tôi thì xin phép là tôi đã chuyển gần 7 năm nay tôi chuyển tất cả những gì liên quan đến ca khúc đó cho gia đình anh Thạch.
Mặc Lâm: Và trước khi từ giả, anh có lời gì cần chia sẻ với thính giả nghe đài hay không ạ?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Tôi xin cảm ơn anh vì tôi đã có dịp để nói lại một bài thơ mà thật ra thì nó cũng đã lâu, cũng đã cũ, nhưng dẫu gì đi nữa thì thỉnh thoảng cũng có người nghe, có người hiểu nó, có người bực mình nó...
trở về
Danh sách Tác giả
Chân dung Văn nghệsSĩ
Emprunt Empreinte
MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.
trích từ blog phan nguyên
==================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét