Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

về nhà văn cung tích biền [ i.e. trần ngọc thao `1938- ]-- blog phan nguyên

Sunday, 10 April 2011

Cung Tích Biền  [1938-      ]
















Cung Tích Biền
(1937 - ........) Quảng Nam
tên thật: Trần ngọc Thao

nhà văn

         Cung Tích  Biền [ i.e. Trần ngọc Thao 1938-    ]  
                                                                            Cung Tích Biền ( trái) + Phan Nguyên
(  hình ảnh: Phan Nguyên chụp ở California/ 2017.)













                                                                                                                       
Chung , Ảo






Sau 54, Đại Học Luật Sài Gòn. 1961, dạy học. 1963, vào trường Võ Bị Thủ Đức khóa 17. Giải ngũ 1973, cấp bậc Đại Úy. 
Cung Tích Biền là một nhà văn độc lập, có truyện và thơ đăng các báo từ năm 1958. 
Xuất hiện trên hầu hết các báo văn học trước và sau 75. 
Hiện một số lớn tác phẩm viết sau 75 đang bị cấm sưu tập, in ấn và lưu hành tại Việt Nam.



















Tác phẩm tiêu biểu đã xuất bản








Ai Tỉnh Ai Điên 
1968






Nỗi Buồn Thắp Sáng 
1969






Hòa Bình Nàng Tình Rỗng 
1970






Cõi Ngoài 
1970






Trên Ngọn Lửa 
1971






Chim Cánh Cụt 
1990






Một Thời Lưu Lạc 
1990






Tình Yêu Mùa Ảo Ảnh 
1990

















Thằng Bắt Quỷ
( tập truyện) 1993























Bạch Hóa
(tập truyện) 2007









Bạch Hóa




1. Chương 1


Chiều nào khi mặt trời sắp chôn dưới chân núi chú Sáu cũng mang hai con bò phân tán ra hai nơi góc vườn, chú kéo cho mỗi con một mớ rơm để nhai qua đêm, chú nói như thế này để cà nông bắn rủi chết thì chết từng con một, khổ ải quá, người còn có thể chui hầm rúc hố, đằng này bò nó không thể nằm mãi dưới hầm như người, mà dù bò nó chịu nằm hầm mình cũng chẳng có bao cát dụng cụ đâu mà làm cho xuể một cái hầm.

Chiến tranh tràn đến xóm chú Sáu – có thể gọi chú là lão già hay con bò già cũng được, vì đời chú không học hành, không biết phố thị, đời chú dính với luống cày, mọc lên từ ruộng nương đầy phân bón và bùn lầy – chiến tranh thực sự có ở xóm chú từ năm nay, kể từ đêm Sáu Vu về chặt đầu cha. Sáu Vu là con Hương Đằng, nó bỏ nhà ra đi từ mười hai năm nay. Đúng mười hai giờ đêm một đêm năm trước hắn về làng tập họp dân chúng – mấy anh dân vệ hôm đó đã về ngủ trên quận – việc đầu tiên hắn làm chánh án tòa án nhân dân xử cha, lão Hương Đằng nay là đại diện xã. Dưới ánh đuốc bập bùng, dân làng có người đứng ra xin cho Hương Đằng, rồi chính Hương Đằng cũng nói với Sáu Vu tao là cha của mày, con ạ tao là cha, mày không nỡ giết cha. Sáu Vu trả lời :

– Ông là cha riêng tôi chứ không phải cha của cả dân tộc này, ông chết một mình để cả dân tộc này sống, ông không đáng được gọi rằng chết nữa, ông, chính ông bị đền tội, ông bị loại trừ, cái chết là danh từ dành riêng cho các chiến sĩ, các con của nòi giống , ông ạ, tôi không còn cha, không có cha nào nữa ngoài một người cha là cuộc cách mạng vĩ đại trường cửu này. Lão Hương Đằng nhổ một bãi nước bọt vào mặt Sáu Vu nói mày là thằng phản quốc, thằng bán linh hồn, mày hãy giết tao đi. Thế là một lưỡi dao phập xuống. Mọi người lúc đó, dưới ánh lửa ma quái không ai thấy Hương Đằng bị chặt đầu, họ thấy chính lát dao đang đi ngang cổ họ, họ cúi xuống nhìn bãi đất lạnh run rẩy.

Máu nơi cổ lão Hương Đằng chưa kịp đông lại thì ngay lúc đó có hàng tràng cà nông bắn tới tấp vào đám du kích quân, lửa nhá trên đầu họ, mảnh đạn bay lanh canh trên các mái ngói, chó thôi sủa, người thôi tố cáo người. Sáng hôm sau khi chôn cất, xác Hương Đằng bị một nhát mã tấu gẫy gọn và nhiều mãnh đại bác nho nhỏ.

Chính đêm đó chú Sáu mất con bò thứ nhất, con bò đực hùng vĩ. Nay chỉ còn có hai con, con bò cái ốm o, và một con bò con nhác súng. Mỗi lần có súng bắn là con bò con nhảy cùng vườn. Chú Sáu phải cột nó vào một gốc cây lớn – gốc cây trơ trụi vì thuốc khai quang, nếu có một thứ gì làm tiêu tan được gốc cây khô héo này thì người ta đã tưới xuống rồi.
Chú Sáu cột giây thừng vào cái cổ trầy trụa và chân con bò nhỏ, con bò dậm dậm chân ra chiều bất mãn, chú Sáu vuốt ve nó, đẩy nó sát vào gốc cây, chú ngó quanh quất xem chừng nếu một quả đạn bay tới cái gốc cây có che mảnh cho con bò không. Chú buồn rầu đi về phía con bò mẹ, bầu trời đầy tro xám, một áng mây đen bay là đà về hướng biển, con bò mẹ gầy gò như một bà già suốt đời bị hành hạ vì sinh đẻ và chồng con. Chú nhìn con bò rồi cúi trộn mớ rơm, bỏ thêm một ít cỏ tươi :
khi kiệt sức rồi thì dù được nuôi bằng phó mát hay cam nho mày cũng trơ xương con ạ. Lão đi vào nhà.
Có tiếng con Miệng :
“Cậu Ban nói cái hầm nhà mình cà nông thổi trúng thì sập ngay. Cậu nói cái hầm nhà mình chật chội, mùa mưa nước lẹp xẹp đến chó nó cũng không muốn nằm nữa là người. Hèn gì mấy con bò nhà này nó không chịu ngủ dưới hầm”.
Chú Sáu :
“Ôi, cái thằng mắc dịch đó hắn ghẹo mày đó. Ai đời làm hầm để rồi người với bò chó cùng ngủ. Chưa có con chó nào chết vì cà nông hay pháo kích chứ người thì nhiều rồi đó. Mày bảo thằng Ban câm cái họng ôn dịch hắn lại. Bữa nào thằng Đích về rồi hắn biết tay…. “.
Chú Sáu nhớ đến người con trai chú. Thằng Đích. Đích năm nay hai mươi hai tuổi, đi quân dịch đóng lon binh nhì, có hai huy chương một sao bạc, một đồng, Đích nói lính Biệt động quân tệ chi đi nữa cũng có huy chương đeo đỏ ngực. Con Miệng, em kế thằng Đích.
Chú Sáu vào nhà nằm ngửa trên phản, hai tay dang, mắt nhìn lên trần nhà loang lổ miểng đạn, cái trần nhà hư nát nhưng không ai tính chuyện sửa sang lại trong thời buổi này , chú nhớ đến thằng Đích ngày trước cất tiếng khóc oe oe trong góc này, ngày sinh con Miệng trời mưa lớn, ngã trưa người vú đứng ở hè cửa nói chị sinh con gái, thế là mai sau anh vừa có dâu vừa có rể, “dâu hiền con gái, rể thảo con trai” anh lo gì , chú Sáu nhớ đến người vợ chú ngày trước hay ngồi bắt chí và chải tóc nơi cái đà cửa, gió nồm thổi mán mác, những đêm trăng trải ngàn ngàn vợ chú vẫn ngồi nơi đó sàng gạo hay làm việc vặt vạnh , ngày xưa ngày xưa, chuyện gì êm đềm cũng chuyện của ngày xưa. Giờ đây chú thấy quanh mình trơ trụi, vợ đã chết, thằng Đích đi xa, nó không chịu lấy vợ, con Miệng đã lớn, nó có thể bị xỏ mũi dắt đi nay mai thời buổi này con trai không muốn lấy vợ nhưng con gái ưa có chồng , con trai nói có vợ lấy gì ăn, lấy vợ để chết đói à , con gái nói lấy chồng cho xong để hưởng mùi đời , đời gì rắc rối. Chú Sáu nằm trong bóng đêm âm thầm nhớ tha thiết, nhớ dại dột con bò đực vĩ đại của chú. Người tu hành có đức Chúa, người đi giải phóng có lưỡi mã tấu, anh lính có cây súng, và chú có con bò đực. Chỉ với nó thôi, cả vũ trụ chú ở đó. Con bò chết lòng chú hiu quạnh, không ai đi trước chú nơi luống cày, không ai chịu vác dùm cái ách, kéo dùm cái bừa, ỉa dùm cho chú cục phân bón lúa, tất cả thua con bò. Nay nó đã chết.
Chú nhắm mắt thấy máu chảy ra từ thân từ con bò thân yêu. Chú như ngã xuống và trôi miên man trong đó, giòng máu thơm ngát :
máu không phản bội, máu ngoài các chính thể loài người.
Tiếng con Miệng :
“Đêm nay tui không ngủ trong hầm”.
Chú Sáu kinh ngạc :
“Mày điên à, muốn chết à”.
“Tui không thể ngủ hầm, khó chịu quá, thà chết ngoài trời cho thanh thản”.
“À, tao biết mày rồi. Mày mê cái thằng Ngọc hả. Đừng con ạ. Dù sao mình cũng con nhà gia thế đừng có cái thói trên bộc trong dâu”.
“Trên bộc trong dâu là gì ?”.
“Là gì thì tao không tài giảng nghĩa, nhưng tao biết người ta ám chỉ những đứa con trai con gái hư. Con ạ, nếu mày muốn thì tao gả ngay. Thời buổi này tùy mày lựa chọn. Nhưng tao nói với mày, con ạ, đừng có dại dột ngoài rơm ngoài ra. ban đêm mấy ổng bắn toi mạng. Mày không nhớ con Ngó với thằng Phả chết trần trụi nhơ nhớp ngoài vườn chuối ngày trước à”.
Con Miệng ngồi khóc. Nó nói cha không hiểu tui chi hết, cha làm tui nhục nhã. Sao trên trời một vài cái lấm tấm. Trời tối như mực. Chú Sáu nói thôi trải chiếu dưới hầm mà ngủ đi cho rồi…. đó, có tiếng súng đó.
Dưới căn hầm này chỉ có hai cha con, một cha trên năm mươi, một con dưới hai mươi, và một con chó đen. Con chó thường ngủ ở miệng hầm – loài vật hình như không con nào thích nghi với loại hầm tránh bom đạn này để đánh hơi, thỉnh thoảng nó chạy âm thầm ra ngoài vườn. Tuyệt nhiên nó không sủa. Từ lâu nay con chó mực trở nên thin thít ngay cả những đêm có trăng, nó thấy ngứa cổ lạ lùng khi nhìn những đọt lá lay lay với cái bóng, nó câm nín với những cái bóng đen di động như một thứ ma quái.
Ngủ hoài dưới hầm chỉ có hai cha con, mùa đông con mưa ngùi ngụt bên ngoài, nước chảy róc rách trong hầm, mùa hè oi ả với từng đợt gió khô khan. Những đêm như thế chú Sáu thường trở giấc với cái quạt mo trên tay. Dưới ánh đèn dầu mù mờ chú thấy con Miệng – con gái chú – ngủ có khi hở hang, nằm ngửa mình hai tay dang, hai đùi mươn mướt nóng hổi dưới lớp quần đen láng, con Miệng ngủ mê mẩn sau một ngày làm lụng. Hai giống người lạ hoắc ngủ với nhau trong căn hầm oan khiên này lẽ ra cái thân thể kia phải làm cho chú động tình, sẽ làm thui chột cái lương tri một người. Nhưng với chú, chú đúng là một người cha. Chú ngồi thẫn thờ dưới ánh đèn thương xót cho con gái mình, chú lấy tấm chăn đắp lên phần trống vắng cho con, chú muốn khóc, chú thương vợ. Chú nghĩ một mình :
“Loài người đến lúc ăn lông ở lỗ trở lại đây. Loài người đã bỏ áo quần luân lý vào núi vào hang mà ở rồi đây. Nhưng làm sao con người mới khỏi bị bóng tối đè nặng như súc vật”.
Chú lại nhìn con, nhưng chưa bao giờ chú dám nhìn thẳng vào cái phần thiêng liêng của người đàn bà, nơi Miệng.
Đêm nay, cũng vẫn với cái quạt mo chú vặn thật nhỏ ngọn đèn, vì sợ ánh sáng lộ lên bên ngoài, chú tựa lưng vào thành đất lạnh ngắt, súng một lúc nổ một nhiều. Chú nhắm mắt để khỏi liên tưởng đến Sáu Vu, đến những ánh lửa bập bùng xung đột, những tràng súng ào ạt bay ra từ thị trấn. Từ ngáy Sáu Vu về làng đến nay làng trở nên trơ trụi, những cuộc hành quân của quân đội thường xảy đến, chiều chiều máy bay lượn trên xóm chú thả trái khói. Từ ngày Sáu Vu về làng, dân làng cũng bỏ làng đi, những người ở lại phải ra ngoài bãi cát làm hầm mà trú, vì ở trong này phải đi đào đàng, mà đi đào đàng thì có khi không về, có khi sáng mai phải đi đắp lại.
Bây giờ súng nổ quá lớn, trời tối mịt mùng, con mực từ miệng hầm vụt chạy xuống, nó im lìm thu mình trong góc, bên cạnh con Miệng. Chú Sáu lê dần đến phía miệng hầm, lo lắng cho hai con bò ở hai góc vườn. Mấy đám lúa mới bị nát nhưng chú ít tiếc thương, chú chỉ thương xót hai con bò còn lại.
Hình như hoa màu ngoài kia không có hơi thở như hai con bò, không có máu và không có hai con mắt u uẩn tội nghiệp của mỗi con bò.
Súng nổ thật đều, thật gần, chú Sáu nhắm mắt vọng tưởng trong tuyệt vọng, cũng như máu chảy trên những đọt lúa non, như người ta tuyên dương trên những xác chết, uống rượu mừng giữa một quê hương cháy, chú tuyệt vọng và giấc mơ lại đầy trong bóng tối. Chú Sáu thấy con bò cái quằn quại sinh con, con bò con khỏe mạnh, làn da óng mướt, hai mắt hướng về đám cỏ non kêu tiếng kêu đầu đời. Chú thấy hai mẹ con con bò cười với nhau, đi về hướng mặt trời ấm áp, mỗi sáng sáng chúng nó dừng trên bờ sông, con sông thênh thang đầm đầm giữa thung lũng. Chú thấy căn vườn chú cây trái xanh tươi, những ngôi mộ đã cất cánh bay ra ngoài nghĩa địa, những linh hồn đã thực sự về trời, không oan hồn nào còn đi lang bang quanh quẩn…. một tiếng nổ ngay trên nóc hầm, chú sực tỉnh, ngọn đèn dầu vụt tắt, con chó mực sủa lên một tiếng nghẹn ngào rồi im bặt, như có ai đập lên đầu nó cái cán dao bất ngờ , trong bóng tối chú Sáu sờ mình mẩy mình xem có trơn ướt máu không đấy là cái thói quen rờ rẫm lên thân thể mình để tìm vết máu vết thương của đám dân quê từ mấy mươi năm này , khi mới bị thương không ai hay biết mình bị thương – con Miệng hoảng hồn chồm dậy, nó ôm cha nó, cái ngực nóng hổi đầy thịt cứng ngắt áp vào lưng chú Sáu, mấy sợi tóc Miệng tỏa xuống vai chú, nó thều thào :
chết rồi cha ơi, tôi bị thương rồi, máu đây. Con Miệng mò bàn tay cha nó đưa về vết thương của mình y như chúng ta hãnh diện chỉ cho người mù sờ một cái huy chương nơi ngực. Máu đây. Sau ót tôi đây. Chú Sáu sờ sau sống lưng con gái, bàn tay chú nhơm nhớp một thứ nước màu, nóng và thơm.
Buổi sáng trong khu vườn tẻ lạnh con bò cái chết nơi góc vườn, cái đầu nó bay qua phía bên kia hồ nước cạn, cái đầu với hai con mắt không bao giờ nhắm :
hai con mắt xanh lè nhìn về phía chú Sáu. Hai con mắt này hoàn toàn khác hai con mắt đứng dưới luống cày trưa nắng nhìn chú đến mở tháo cái ách trên vai. Hai con mắt này là con mắt tự do, hai con mắt đã ra ngoài sự sống, đã thôi làm nô lệ cho người.
Con Miệng chết dưới hầm. Và con chó thì không ai chú ý đến nó nữa. Nó phải chết. Miệng bị một miểng nhỏ ghim vào sau ót nhưng nó chết liền. Cái chết như đùa chơi. Một đi lộn đường. Thay vì cái chết đi thẳng đến chú Sáu nó lại quanh qua con Miệng.
Vết thương quá kín đáo. Miệng chết êm đềm như nằm đợi người tình trong giấc ngủ ngon. Chú Sáu cất tiếng khóc khô khan giản dị, tiếng khóc của một lão đàn ông tưởng vô duyên nhưng thực ra nó làm đau lòng người hơn bất cứ lời ai điếu nào.
Buổi trưa con bò được đưa đi khắp xóm, thịt nó được vào bụng người với la biere . Con Miệng được tẩm liệm sạch sẽ cho vào quan tài. Gái quê chết thật khiêm tốn. Ngoài áo quan thô sơ với mấy cây lạp lung linh không có vòng hoa tấu nhạc gì, không có người tình nào mê sảng bên quan tài. Chỉ có Ngọc.
Ngọc nó thương Miệng lắm nhưng anh ta âm thầm vác cuốc ra đào cái lỗ chôn con chó và đào cái huyệt thật đẹp dành cho Miệng.
Ngọc nói :
– Tao chưa làm gì được con Miệng, tội nghiệp nó đã chết rồi….


2. Chương 2

Bốn tháng sau khi con gái chết chú Sáu thực sự thấy không thể sống trong cái xóm quê quá quắt kỳ ảo này. Trời mùa hè nắng cao. Mỗi ngày chú Sáu dắt con bò con ra đồng, ngồi bờ ruộng nhìn cánh đồng khô vàng, con bò nhỏ như con dê con một mình nó phải ăn cho hết cỏ trên cánh đồng này. Không còn đàn bò lũ trâu nào tranh giành với nó. Chiều chiều chú Sáu đến ngồi trên mộ con, dấu xích xe tăng chạy tròn quanh mộ như những vòng hoa lớn hay như một thứ ranh giới đánh dấu giữa phía này điêu tàn và bên kia hư vô. Chú ngồi đấy với gió rào rạt, từng đám bụi hồng che kín mặt trời, xa là đền lũy, là thị trấn lố nhố những bờ tường trắng hoang vu.
Gần đây Sáu Vu lại hay về làng. Người ta thường ngủ mơ thấy Sáu Vu gõ cửa, nghe Sáu Vu ra lệnh, Sáu Vu râu dài tóc rậm như Ô Mã Nhi thuở nảo. Người ta thường thét lên, thức giấc giữa đêm khuya, ôm lấy linh hồn quằn quại đau đớn của mình khóc ngất. Ngay lúc đó thì từng tràng đạn từ thị trấn cũng đổ về đều đặn, như chùm trái chín rơi giữa đêm minh man.
Dân làng đã bỏ xóm đến ở nơi những gò cao, ngoài bãi đất trống để tránh Sáu Vu và tránh chùm trái chín rơi vu vơ trên nỗi chết. Cảnh vật khô khan tiêu điều. Chú Sáu dựng nhà trên bãi cỏ. Ban đêm vẫn ngủ dưới hầm. Chú van xin con bò con phải cùng ngủ với chú. Bây giờ con bò con đã biết điều, chịu khó ngủ chung với người.
Một ngày nọ, sau cuộc hành quân, chú dắt con bò con đi sau đoàn quân trở về thành phố. Hoàng hôn, đoàn xe thiết giáp chạy vội về căn cứ, chú Sáu và con bò đứng dưới ngã ba nhìn ánh đèn phố thị.
Đ.M., ở thành phố có khác. Chú Sáu nghĩ như thế rồi chú buồn ngay. Vì ở đây không có hầm cho con bò con ngủ.
“Không có hầm cho bò, không có cỏ non! “. Chú Sáu cột con bò dưới cây trụ điện. Chú đau lòng vì dưới ánh sáng này nhiều muỗi quá. Chú thức và đuổi muỗi cho con bò. Nửa đêm nghe có súng nổ thật gần. Chú Sáu giật mình, ủa, trong này cũng có Sáu Vu à.
Đám dân thành phố qua lại thấy cảnh gai mắt, chúng nó nói :
– Đ.M., coi thằng khùng. Một thằng khùng quên cả mệt nhọc quên cả thân thể đời sống nó. Nó chỉ lo cho bò.
– Con bò y như là Tổ Quốc hay lẽ sống của nó đấy. Sáng hôm sau, chú Sáu được đưa vào trại định cư. Chú có nhà ở, được lãnh thực phẩm, áo quần.
Nhưng hình như chú chưa cần những thứ đó. Việc đầu tiên chú tìm cỏ cho con bò, dắt nó ra kinh tắm rửa, kinh nước đục không bao giờ soi thấy bóng người dưới đó. Lần ông Quận trưởng đến thăm trại định cư, ông ta hỏi han chú Sáu. Chú đưa mắt về hướng con bò, cố ý cho ông Quận nhìn thấy con vật yêu thương. Nhưng ông Quận không hiểu điều đó. Chú Sáu buồn rầu, không cần ai hiểu chú nhưng người ta phải biết đến tình cảnh con bò, súc vật ở đây bị tận diệt rồi đó, mai này ai đi trước luống cày, mai này phải có chúng nó để phân biệt giữa một công dân và loài nô lệ. Nhưng ông Quận mang sữa bột, thuốc men, áo quần của Hoa Kỳ đến cho chú Sáu, không ai cho lại chú cái xóm thân yêu, mái nhà yên tĩnh, không ai mang trả lại chú cánh đồng tự do hiền hòa.
Con bò con mỗi ngày một gầy gò, nó thật vô duyên trơ trẽn giữa thành phố. Chú Sáu quanh quẩn với ngày tháng không công ăn việc làm. Mùa mưa tới, chú Sáu nằm trong đêm mơ màng, nhớ từng đám mạ non, từng chiếc gàu nụt lạc, nhớ từng sáng sáng năm xưa với lũ bò ra đồng khi sương còn trắng mờ trước mặt.
Nằm trong thành phố với người xa lạ, chú Sáu mới thấy cả cái cày, cái cuốc cũng có hơi thở, có linh hồn. Cày cuốc đã hơi thở dưới căn nhà cháy và linh hồn chúng nó về rộn ràng đâu đây, làm chú thao thức nửa đêm, ngây ngất từ lúc trăng về sáng, lòng dạ như sắt se khi chợt nhìn một chòm sao sáng rỡ trên trời lúc nửa khuya. Chú nhớ vợ và con, những người này đã quay cuồng với đất. Ôi, tất cả đã băng băng giã từ chú, tất cả đã một đường đi tới phía bên kia thời gian, chỉ còn mỗi chú, chú làm một loại cây không lá, một loại cây đầy gai nơi vùng bạch hóa.
Trong thành phố cũng có Sáu Vu à. Chú Sáu đêm mộng thấy Ô Mã Nhi vội vã chạy từ rừng ra đồng trống, vội vã ném những trái khô vào họng súng. Những trái khô bay về, nổ tan tác trong bệnh viện, nổ ngay giữa trường học, nổ trên đầu giấc ngủ, nổ biến giấc ngủ thành cái chết nghìn đời. Ô Mã Nhi, Ô Mã Nhi. Người đã mang ác mộng từ đồng quê vào thị trấn. Và chú Sáu khóc thét lên khi trái đạn nổ ngay trên đầu con bò con của chú. Nó chết khác cha mẹ nó. Nó chết thê thảm hơn. Chiến tranh càng lâu năm, vũ khí càng tiến bộ, cái chết càng ghê tởm tan tác hơn.
Con bò đực hùng vĩ ngày xưa chết yên lặng trong chuồng vì một miểng đạn gọn ghẽ. Con bò cái lam lũ khi chết cái đầu bay qua bên kia hồ cạn, nhưng phần còn lại người ta có thể ăn thịt được. Con bò con này không ai nhặt được thịt nó. Nó tan tành dưới sức tàn phá của một trái ly. Nó lộn với thịt người. Lộn với óc người. Nó dính trên cỏ cây. Nó thành nước. Một thứ nước trộn lẫn giữa máu và thuốc súng.
Chú Sáu ngồi bên miệng cái hố bề sâu hơn thước bề ngang vài thước. Nơi này con bò con chiều hôm qua còn nhai cỏ, còn dẫm chân trên lãnh thổ yêu kiều. Chú Sáu ngó quanh quất, ngửi trong không gian cái hơi con bò con, máu xương đã thành ánh sáng, đã thành gió động cỡn đâu đây. Chú chưởi thề :
– Đ.M. thế thì tao còn gì.
Chú nhất định trở về cái xóm quê của chú. Nơi tuổi trẻ chú mặc trên mình cái áo rách vai, cuốc đất trồng khoai. Ngày nay trên mình chú cũng cái áo rách vai. Nhưng áo này là cái áo viện trợ chú lãnh được trên quận. Những cái chú có người ta đã giết đi. Những cái chú có người ta đã cướp.
Ngày chú lên đường trở về xóm quê một người trong trại định cư hỏi chú :
– Anh định đi Sài-gòn làm ăn đấy à ?
Chú Sáu ngơ ngác. Chú quên mất trên quê hương chú còn có Sài-gòn, chú trả lời :
– Không…. tôi về quê.
Người ta kinh ngạc :
– Anh điên à, vùng của anh là một vùng tử địa, vùng oanh kích tự do. Cái đầu anh cứng lắm à.
– Oanh kích tự do là thế nào ?
Mọi người nhìn nhau cười. Họ cần thấy phải giải nghĩa cho tên Mohican :
– Là ai muốn ném vào đó, muốn bắn vào đó cái giống gì cũng được. Coi như chỗ không người.
Chú Sáu thấy tức tối vô cùng. Mộ vợ con chú ở đó. Ông bà tổ tiên chú nằm dưới đó. Mồ mả không phải là người. Nhưng người không được xúc phạm quá đỗi đến thế.
Rồi chú ra về.
Ra ngoài đồng trống chú đi nghêu ngao. Nhớ thuở trước chú dắt con bò chạy lon ton theo sau đoàn xe thiết giáp. Cả cuộc đời lao xao trên nỗi lo lắng. Bây giờ tất cả là tay không. Chú đưa tay sờ lên vai áo rách của mình. Chú tiến qua một gò mả, khu rừng hoang lạnh phía trước, quê nhà chú cách đó không xa, chú men theo những hố bom nằm cách khoảng nhau đều đặn…. bỗng chú thấy Ô Mã Nhi.
Trời đã ngả chiều, nắng quái đọng ngùi ngùi trong cánh rừng khô, vài áng mây đen bay vùn vụt, thay hình đổi dạng khôn lường. Ô Mã Nhi chận chú lại. Hỏi :
– A, Lão Sáu, tên tề điệp, mày hãy dừng lại nhận bản án tử hình.
Hai người đi theo Ô Mã Nhi đã lanh lẹ rút hai con dao đứng cạnh chú Sáu. Ô Mã Nhi rút lẹ trong túi ra một mẩu giấy, đọc ngay :
“Nguyễn văn Liên từ một năm nay đã tự ý vào thành làm gián điệp tay sai cho Mỹ ngụy. Nguyễn văn Liên, tên tề điệp bẩn thỉu đã phản bội dân tộc. Nhân dân và đảng đã lên án tử hình tên Nguyễn văn Liên. Ngoài ra tên Nguyễn văn Liên còn là cha đẻ của tên Nguyễn văn Đích. Nguyễn văn Đích nay cũng bị lên án tử hình”.
Hai con mắt chú Sáu trợn xanh lè như hai con mắt con bò cái với cái đầu hoang vu trên bờ ao.
Hai con mắt đó nhìn về Ô Mã Nhi không kịp nói lời nào. Chú chết tức tốc, quằn quại vì một bản án quái gở bất thành văn tự đó. Khi ném xác chú xuống đường mương đã khô nước, một du kích quân quay sang nói với Sáu Vu:
– Đồng chí giỏi quá, làm sao đồng chí có ngay được bản cáo trạng ?
Ô Mã Nhi trả lời :
– Đây này, tôi lấy tờ giấy thu lúa để đọc trước mặt hắn. Với tụi nó đứa nào cũng đáng chết. Anh có thể nhặt một mẫu giấy bẩn, đọc trước mặt nó rồi chém nó ngay đi cũng được, cần gì phải có bản cáo trạng.
Ô Mã Nhi nhét vội mảnh giấy vào túi áo rồi cùng hai đồ đệ tiến vào khu rừng khô trước mặt. Họ tan biến trong hoàng hôn đã đầy bóng tối.


3. Chương kết

– Đ.M. tao đi lính hai ba năm mới được đổi về đây. Tao chưa đi phép đã đi hành quân rồi. Đích vừa lau cây súng vừa nói chuyện với một người bạn. Người bạn hỏi :
– Quê mày ở đâu ?
– Cách đây hơn mười cây số, trong quê.
– Biết đâu ngày mai lại vào đó, mày tha hồ thăm.
Người bạn của Đích bỗng ngậm ngùi :
– Mà ở đó còn gì để thăm.
– Anh biết quê tôi à.
– Biết chứ. Quanh đây từ mười cây số trở lên đều là vùng oanh kích tự do, trừ mấy xóm nhà trên đường về Sài-gòn.
Như một cái màn vừa kéo ra, Đích chợt thấy phần hậu trường thăm thẳm bên trong :
– Đ.M. hèn chi tao gửi thơ năm sáu tháng trời không thấy ai trả lời. Không chừng….
Người bạn buông xuôi :
– Không chừng con mẹ gì. Nhà tao chết ráo hết rồi.
– Ở ngoài quê à ?
– Không, trong thành phố này. ly.
Buổi sáng hôm sau đoàn quân tiến về quê của Đích. Bước chân xuống điểm xuất phát, Đích ngó mông về phía làng :
một vùng trơ trụi, cây khô, đá khô, và vạn vật vàng khô. Một vài tiếng súng nổ lẻ tẻ.
Một vài nhà cháy nằm rải rác. Buổi trưa Đích cùng toán quân dừng trên một gò cao nấu cơm ăn. Anh dõi mắt về cái xóm phía trước :
nơi tuổi nhỏ anh chăn bầy bò ba con. Có lần Đích đã nằm trên mô đất đầy cỏ xanh, đắp cái nón lá trên mặt, anh ngủ vùi, bầy bò đi rong trên cánh đồng ăn cỏ suốt ngày. Có lần trên cánh đồng này Đích lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng cá đớp lúa, tiếng rì rào xa vắng của ngàn bông lúa vừa đơm trên đồng. Đích nhớ ngày con bò mẹ sanh con, trời tối, cha Đích cầm cây đèn ánh sáng chập choạng, mẹ Đích ẵm con bò nghé đỏ hỏn như một đứa bé. Bà mẹ mừng, nói con bò đẻ ra tiền bạc cho tui đây. Bò con vừa được sinh buổi tối, sáng hôm sau ra đồng nó đã vượt mương và bơi ngay. Bò đã hơn người, nó không phải tập bơi lội. Đích nhớ những đêm trăng lên cao đầu ngõ, ánh sáng dịu dàng chảy trên đám đất vàng, cả gia đình anh ngồi quây quần ăn cơm ngoài sân tiếng gà lục đục phía sau, tiếng chim đêm ấm áp vô cùng trên những cành tối vu vơ. Mấy năm rồi Đích mới trở lại, súng trên tay, đạn lên nòng, anh đi về tuổi nhỏ, anh tiến vào vùng kỷ niệm, sẳn sàng bắn vào trí não mình….
Đích chặn hỏi một đứa bé vừa ở dưới hầm ngờ ngác chui lên :
– Mày biết lão Liên xóm này không ?
– Không.
– Mày biết còn ai trong xóm đó không ?
– Không.
– Cha mẹ mày ở đâu ?
– Chết hết rồi, dưới hầm.
– Nhà mày đâu ?
– Trong kia.
Đích nheo mắt nhìn theo ngón tay trỏ của đứa bé :
nơi cái xóm trống hoang đó mấy mảnh tường lổ đổ, mấy cây cau cháy và vài đám khói. Đích hỏi tiếp :
– Có tụi nó về đây không ?
– Không biết.
– Mày lấy gì để sinh sống ?
– Sống à, không có gì hết.
Đích ngậm ngùi, đi ra ngoài giàn bí hái một trái bí để luộc ăn với cơm buổi trưa. Đích móc trong túi năm chục bạc đưa cho đứa bé :
– Trả tiền trái bí cho em đây này.
– Không.
– Sao lại không, sao không lấy tiền.
– Lấy sợ các ông nói “tề điệp”, các ông giết.
– Không, đây là lính Quốc gia. Lấy tiền đi.
– Không.
– Sao lại không hoài.
Thằng bé ngước lên :
– Các ông có giết tôi không ?
– Không.
Lúc bấy giờ một người lính khám phá ra một cái xác chết đã hôi sình. Người lính trở về nói với Đích :
– Cha mày bao nhiêu tuổi ?
– Cỡ sáu mươi.
– Có phải cha mày dưới mương nước không ?
– Tao làm sao biết được. Ăn mặc đồ gì ?
– Chiếc áo viện trợ.
– Việt Cộng đó mày
– Việt Cộng gì mặc áo có mang nhãn hiệu Chicago.
– Mày thấy thực à.
– Tao dí cái mũi súng vào cổ, cổ bấy ra, tao thấy chữ in còn nguyên. Ghê quá, hôi thúi quá. Mày lại xem đi.
Đích cộc cằn :
– Mày cuốc đi, tao mệt quá rồi.
Buổi chiều khi đoàn quân trở về Đích còn thấy thằng bé đứng bên mái lá che tay lên mắt nhìn ngược hướng mặt trời. Đích nói với người bạn ngồi bên cạnh :
mày có dầu nhị thiên đường cho tao một ít. Người bạn đưa ve dầu cho Đích, anh ta xoa xoa trên mũi nói Đ.M. cái thằng già chết dưới mương hôi thúi quá, chắc cũng bảy tám ngày rồi, chết mà nằm úp để lòi cái óc trắng hếu lên trời. Người bạn nói hắn mặc áo viện trợ người Chicago, ai bên Chicago cho cái áo để mục rã trên xác người Việt Nam.
Đích hít một hơi dầu rồi nói như sực tỉnh :
– Ơ, hồi nãy có đứa nào chịu khó chôn lão già không bây.

1968
HÊT
C.T.B. 





























Đêm hoang tưởng



Cung Tích Biền







“Đạo là con đường. 

Con đường vẫn đi, có phải đường là Đạo.”





I



Phùng, tác người to lớn, da ngăm đen, tóc rễ tre, mắt một mí, bắp thịt cuồn cuộn, nom như một tượng đồng đen. Gia đình khá giả nhưng cha mất sớm, mẹ đi bước nữa. Phùng được người chú đem về nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Năm Phùng mười lăm tuổi, người chú không may bị tai nạn chết, Phùng bắt đầu lêu lổng. Hai mươi tuổi đã bất mãn, khinh đời, lại muốn làm anh hùng cái thế. Cha Phùng thuở xưa là một võ sĩ, người cao to như vượn gấu, cuộc sống khá giang hồ; sau này Phùng lưu lạc nay đây mai đó với một sức khỏe hơn người, đô con như một lực sĩ. 


Thuở Phùng còn bé, một thầy bói thấy tướng lạ, bảo với mọi người: “Thằng bé này bị phá tướng vì hai con mắt ti hí, lại lé, một âm một dương. Khuôn mặt này, dáng người này, nếu có được một đôi mắt to tròn, quang minh, sau này có thể làm đến tướng.” Về sau Phùng cũng làm đến tướng, có hàng đàn em út để sai khiến, nhưng là tướng cướp. Tướng cướp lừng danh một thời, được em út tôn là Đại ca. 


Đứng trên mỏm đá cao chỗ lưng đèo, chiều sương núi. Đại ca nghe như buốt nơi bả vai; một vết thương khá sâu, bị đâm bằng một lưỡi dao lê, cách đây vài hôm từ một gã đầu gấu bảo vệ toán người đào đãi vàng trên đường chuyển vàng về xuôi. Đây là lần thất trận đầu tiên có vấy máu trong đời Đại ca. 



Thấy đàn anh bị thương nặng bọn đàn em lo lắng. Đại ca mắng: “Không có gì quan trọng. Tao đã từng trút khỏi cái người phàm phu này vài lít máu chẳng hề đi đong. Hãy bình tĩnh, tin vào thủ lĩnh là tao đây; chúng ta mần ăn cú này trót lọt, ngon xơi là về xuôi tha hồ ăn chơi. Phải có vàng, thật nhiều vàng.” 



Đại ca nâng ống nhòm quan sát vùng núi non. Chiều tà. 

Phía tây, rừng cây khô trọc, những mảng xanh đã chết tự bao giờ, sườn núi dựng trơ màu đất, chỉ đá tảng khe nguồn khô khốc bày lòng ruột sỏi đỏ như máu. Trước khi dân đào đãi vàng tới đây, bọn buôn gỗ đã cưa ngang rừng, tàn phá cây cối không nương tay. 

Đằng đông, con sông dài cắt ngang một thung lũng nhỏ, thảo nguyên hoang dã; ven sông những bờ lau trắng; một vài xóm nhà thưa thớt vườn tược, tường vôi, mái ngói. Tất cả chìm trong màn sương núi. Nhưng màn sương quá mỏng, quang cảnh đã bày ra một mặt đất bị đào ngang bới dọc, những đường hầm cong queo, những đường hình chữ chi, những hố tròn sâu như lòng giếng. Nó chằng chịt, khắp ruộng đồng, tận trong xóm làng. Dân đào vàng đã cày xới cả mả mồ. Đất mẹ, trở thành một khuôn mặt rỗ đậu mùa. Tất cả tím ngắt, rợn lòng. 

Nhưng cái thế giới hoang phế buồn bã ấy bỗng quyến rũ cái nhìn tham lam hoang mị của Đại ca. Hắn thấy đâu cũng là vàng, giữa nước non vàng. Hắn mê mẩn tê dại, quên cả vết thương trầm trọng đang rỉ máu nơi vai. “Vào hàng đá nghỉ tạm, chờ bọn người xuống Hòn Dừng. Bọn này chắc có tí chút đó.” Đại ca ra lệnh. 

Bọn họ trước đây gồm tám người, nay phân tán còn một bộ ba. Dưới quyền Đại ca có Nhị và Tam ca. Đại ca mang án tù mười hai năm. Bị giam cầm ba năm thì trốn trại tù. Nhị ca cũng là một tội phạm vừa mãn tù mấy tháng nay. Tam ca khả ái hơn, “con nhà” có học, cũng từng phạm tội; hôm ra tòa, tòa xét còn non trẻ, chưa thành tích mấy chỗ du côn giang hồ, chỉ dại dột theo đóm ăn tàn, tòa cho Tam ca hai năm tù treo. Về nhà Tam ca không chịu được tính khắc nghiệt của bố cùng sự nuông chiều chả để ý gì tâm lý của con trai của mẹ, Tam ca bỏ nhà theo Đại ca. Nhất định tự lập, nhất định thử lửa cái chí bình sinh của mình. 

Đại ca thường đùa với Tam ca: “Mẹ kiếp, đã tù còn treo, làm thằng trai trẻ tốn một sợi dây thừng. Này hảo bằng hữu, vậy đệ cột sợi dây vào đâu để treo cái án tù?” Tam ca cười trả lời: “Treo vô chỗ cần cổ bố em.” 


Nghề nghiệp bọn Tam ca là chặn dân đào đãi vàng trên đường về để cướp. Đây là một việc làm cực kỳ nguy hiểm, lại dễ vào nhà đá, nhưng bọn chúng cho rằng con đường ngắn nhất để vơ của, là tức tốc đổ máu tức tốc thu vàng tiền. 

Từ nhiều năm nay cả một vùng bao la từ rừng núi đến trung du miền Quảng nam, Trung bộ – đất của tháp Hời, tượng đá xưa kia – đã xảy ra một hiện tượng ma mị, đáng kinh dị, là đâu cũng có vàng. Có nơi vàng trồi lên cả mặt đất. Như cơ thể con người dị ứng với vật thể lạ; lòng đất nơi đây dường như không chịu được cái sự để vàng trong bụng mình. 

Dân bản địa bao đời lam lũ làm ăn trên nương rẫy khô cằn, nay trong đêm trăng lạnh lẽo bỗng thấy sáng rực hai bờ sông cát những giải vàng lấp lánh, rất nhiều vàng vụn lẫn trong bùn cát. Người ta bàng hoàng ngơ ngác. Khó tin vào mắt mình. Nhưng rõ là những bãi sông vàng. Vậy là bỏ ruộng nương cùng nhau hàng đoàn lớn bé trẻ già ra sông đãi lọc vàng từ cát. 

Lại đào vào lòng đất. Lúc đầu một vài lỗ như lỗ huyệt. Sau, thành hào lũy. Ban đầu dân quê mùa bản địa mang vàng vụn đi bán; sau, có dân chuyên nghiệp từ tứ phương tới lập lò biến chế, tinh lọc vàng từ các tạp chất. Con sông tinh khiết bao đời đã ô uế đủ loại chất thải của người. Dòng sông mùa cạn đục ngầu hóa chất, có cả chất cực độc cyanua. Trân bò uống phải, lăn ra chết. Trẻ em tắm phải, mù mắt. 

Nhiều nơi không phải công đào bới. Cúi lượm là có vàng. Một sớm mai ra vườn đào cái lỗ đất trồng cây bỗng nghe đầu lưỡi cuốc một tiếng cụp. Vàng. Cục vàng ròng to bằng cái triện son. Thỉnh thoảng trẻ chăn trâu cũng lượm được những cục vàng nho nhỏ ném nhau chơi trước khi bàng hoàng cất giấu. 

Vàng đã trở thành một điều thiêng, làm người người mơ hoang, nhìn đâu cũng tưởng: “Dưới ấy có vàng;” kể cả dưới bàn thờ, giường ngủ, trong lòng ngôi mộ ông cố nội, giữa miếu thành hoàng, nơi gốc cây xanh em đang hái trái. 

Từ đấy, trong mênh mông rừng núi vang vọng tiếng người, tiếng cuốc xẻng, cả tiếng máy xe đang đào ủi. Dân giang hồ tứ chiếng đổ về nhung nhúc. Xóm làng như trẩy hội. Lều trại mọc lên như nấm. Đầu làng chị nhà quê mở quán cà phê, cặp với anh thành phố mới mẻ nhập cái máy điện, thêm cái trò mục văn minh phim Hồng kông, hát karaoke, uống rượu tây; gà gáy sáng vẫn sáng choang ánh đèn cho những canh bài, những cuộc tình vội phía chái hè, dưới liếp lều căng tạm. Tiền bạc sáng lòa, vùi lấp trí óc người thôn dã; những chân tay chuyên cày sâu cuốc bẩm trở nên bất ngờ biếng nhác, đi rong rong ăn ké, chờ vàng nổi của rơi. 

Vườn tược, đồi gò, nghĩa địa, cả những khu đất thừa của cơ quan, sân vận động, cũng khó thể lọt khỏi đôi mắt bọn khai thác vàng. Với cái giá thầu cao chưa từng mơ thấy, người ta đành lòng cho phép bọn lạ lẫm không bảo chứng, được tự do thăm dò, đào bới. Đó đây mộ chí khói nhang, do thanh toán nhau, do cực nhọc mà chết, hay khi quá mừng vui gặp phải một hầm vàng mà đứt đoạn gân máu, mà hui nhị tì bất ngờ. 

Trong khói núi chiều xanh người ta mộng mị, nhà nhà hoang mơ; cõi thánh địa của huyền hóa, áp phe, tin đồn, dao búa, cúng lạy, chửa hoang; sáng nghèo trưa bỗng hóa giàu; sáng tươi vui ra đi, chiều đưa xác ma trở về. Niềm vui, âu lo, hạnh phúc, tai họa, thật khó phân ranh. Một cuộc địa chấn đảo lộn tận cùng thể xác tâm linh từ xó bếp tới bàn thờ. 

Về mặt tâm lý, dân bản địa rất sợ nhặt được vàng cục, vàng khối. Cho rằng của phù vân, vàng linh của đất đai Hời. Trúng cú lớn quá, phát tài nhanh vù thì chẳng sống yên với đời. Sẽ chết bất ngờ, mọi cách. Chuyện kể về sự vụ này khá nhiều. 

Một anh hãy còn trai trẻ, hôm đào đất đắp nền nhà vớ phải một cục vàng to như ổ bánh mì. Không tin điều dị đoan, anh ta tươi cười mang khối vàng nhặt được ra thành phố, bán được vô số tiền; mua cả xe tải vật dụng từ ti vi máy hát, cái tủ, bộ xa lông; lại mua thưởng mình một chiếc xe Dream cáu cạnh; ăn chơi mấy hôm rồi tự lái xe về. 

Trên đường về anh ta rất khôn ngoan, không hề uống một cốc bia rượu; vậy mà tới chỗ ngã tư giao nhau giữa con đường nhựa và đường xe lửa, cái chắn báo có tàu đang chạy qua, cái đèn báo ngọn đỏ chạch nằm tòng teng trên cây ba-ri-e, anh chẳng thấy, chiếc tàu to đùng giữa ban ngày ban mặt cũng bị ma che, anh phóng Dream tốc độ James Dean, tông gãy cây chắn, xấn ngay bon vào lòng con khủng long phom phom. Chết tốt. Tàu đường sắt kéo xác anh đi mấy chục mét, lúc thịt xương anh thành bột, hết khả năng kéo mới thôi. Chiều hôm, cả làng ngơ ngác gáy lạnh. 

Một chị đi tưng trong nắng chiều quàng xiêng bỗng nhặt được khối vàng khoảng mươi ký, tích tắc đứng ngây người như ma trồng, tích tắc chị la bớ làng bớ xóm ôi. Ôm cục vàng chạy về nhà, chị ngồi thất thần như quỷ đớp hồn, chờ đêm lên chị âm thầm mang cục vàng đặt lại chỗ cũ. Chị thắp một đám nhang khói van vái, rồi sụp lạy, cầu mong đất đai có hồn thiêng hãy bỏ qua sự vụ cho chị. Chị thề cùng trăng gíó cỏ cây thổ địa thành hoàng ếch nhái là chị không hề có lòng tham, chỉ tình cờ, nay của đất chị trả về cho đất. 

Lại một ông luống tuổi, khá sành đời, nổi tiếng chúa đểu khắp vùng, chiều hôm đi thơ thẩn sang thăm đứa cháu nội; đường quê khập khễnh trượt té úp mặt trên đường; hai mắt trổ đom đóm vàng tanh; lúc lom khom bò dậy sao ông lại thấy chỗ cục đá bật ra một cục vàng bự quá thể. Nghĩ rằng trả vàng này lại cho đất đai vô tri thì vô lý quá; giữ lại làm của anh chúa đểu lại sợ tai vạ; trời muốn anh chầu trời thì trốn lên sao Hỏa anh cũng phải ăn cơm trời; cho nên trong đêm âm hao bóng núi anh nảy ra sáng kiến là chặt đục khối vàng ra nhiều cục nho nhỏ, như gói xôi cái bánh; anh giữ một ít làm của dưỡng già, còn bao nhiêu mang tặng kẻ thân quen mỗi người một ít, gọi là xả xui; chia đều cái chết; mỗi người chết một chút – nếu quả thực cục vàng Hời là bản sao của thần chết.

II


Bọn tam ca làm ăn cũng khá trong nghề cướp cạn. Chúng thuộc hạng người thà đổ máu tức thì để có cái ăn chứ không chịu đổ mồ hôi dằn dai trong công việc lương thiện. Chúng đứng ngoài cái trường phái “lao động là vinh quang.” Kiểm điểm trên thế giới thấy rõ bọn này không là thiểu số.

Mà vàng chẳng để chúng yên thân. Lúc ra thành phố bán được vàng, là ăn nhậu, bài bạc, động đĩ, tự thiêu trong cái túi hoang lạc. Đâu lại vào đó. Chỉ bọn gái đĩ bia ôm hưởng được những phát tiền boa điên khùng, và bọn lái vàng đã ăn chặn đuôi đầu. Mấy bộ cốt khỉ lại trở về những quãng đường hiểm để tiếp tục nghề cướp cạn. 

Về mặt nghề nghiệp, bọn tam ca rất tài tình. Phục kích kín đáo chỗ hiểm, tấn công thần tốc, thu nhanh biến lẹ; luôn đoán trúng phóc trong đám đông đang di chuyển ai là người hộ tống, là chủ, là người giấu vàng, ngay chị đàn bà giấu vàng chỗ cửa mình. Lần nào phục kích chúng cũng thu ít nhiều. 

Chỉ một lần chúng tấn công nhầm vào hai ông cháu một thôn dân ăn vận đàng hoàng; đánh gục, chúng lục soát khắp người nạn nhân mà chẳng vơ được chút vàng nào ngoài màu vàng của cứt nạn nhân vãi ra khi bị đánh bất ngờ, đang mỏm cửa tử. 


Chúng liên miên thắng trận, chỉ hôm kia bị thua tan tác trước một đoàn đào vàng được hộ tống quá hùng cường, có cả lựu đạn, súng săn, dao mác nhọn, có thể đâm thủng da heo rừng. 

Bây giờ bọn tam ca đã vào trong một hang đá, cửa hang quay ra đường đi chính của đèo. Trong hang có đầy rác rưởi của bọn tới trước bỏ lại, những vỏ lon bia, đồ hộp, giày hư vớ thủng, xú cheng đồ lót, những áo mưa sau khi hành lạc, những bó nhang muỗi, cả những loại nhang thơm dành cho việc khấn vái dâng hiến niềm tin cho thần linh. Mùi ẩm tanh pha mùi rừng núi lan tỏa. 

Bọn chúng nằm ngang dọc, phạch trần ngực áo tu rượu đế, nghe nhạc qua máy cát xét. Tam ca vốn có suy tư cuộc chiến tí chút, mở máy, máy phun ra từ khi trăng là nguyệt, tôi nghe đời vỗ về tôi. Đại ca phẹt một bãi nước bọt, nổi cáu rủa đổng mẹ kiếp, đời nó toàn bộ ỉa đái lên cái thân phận rách nát của tao chớ vỗ về cái chi. Tam ca phân giải đây là nhạc sĩ nói ví mà Đại ca. Đại ca mắng: “Dẹp, tao bảo dẹp. Lấy dao cạo râu tới cạo lông ngực cho tao xem nào.” 

Đại ca nhìn lung ra xa, nghe nhức buốt chỗ bả vai thương tích, máu đỏ thấm cả ra lớp vải băng một màu xôi gấc. Bỗng hắn nghiêng người, lắng nghe, rồi lớn tiếng: 

“Chúng nó sắp tới rồi, kia kìa.” 


Xa xa một toán người đổ xuống lưng chừng con đèo thấp. Những âm thanh hỗn tạp đưa lại rì rầm như cơn mưa xa đầm đầm đổ tới. Đại ca nâng ống nhòm theo dõi. Một đám sinh vật màu chàm di chuyển mệt mỏi, áo quần lem luốc; mang, cõng, vác, khiêng đủ thứ vật dụng lỉnh kỉnh. Đây là một toán làm ăn lớn, thu hoạch khá, đang rời trại, về nghỉ. Trước và sau có bọn trai trẻ lực lưỡng hộ tống. Có cả xe honda chạy chậm, cẩn thận dò xét. 

Đại ca cố quan sát trong bọn tải vàng xuôi con dốc mòn, đứa nào mang súng hoặc lựu đạn. Nếu đoàn người này không trang bị súng đạn thì bọn đại ca thừa sức chơi gọn. 

Trận chiến đã thực sự xảy ra trên lưng đèo. Dân săn vàng không bất ngờ khi bị cướp đường; như rớt xuống nước phải gắng bơi, họ sẳn sàng cuộc đao búa; luôn coi vàng quý hơn máu châu thân, đứa này đi đong đứa kia tiếp tục tử chiến, miễn sao mang được của máu nước mắt về đến nhà. 

Vàng được cất giấu mọi nơi có thể; ngụy trang đủ kiểu, có khi nấu thành thỏi nhỏ, nuốt vô bụng, về nơi an toàn mà ỉa ra, chảy máu trôn mà vui. 

Bọn tam ca lúc này không cần hội họp phân công phối trí, chỉ tức khắc tự động vào cuộc, yểm trợ nhau tàn sát theo thói quen trận mạc; nhanh nhẹn hâm sôi bầu nhiệt huyết, vực ngay dậy nỗi thèm vàng đang rổn rảng reo vang trong não bộ; chai lỳ trước tiếng khóc than; nhứt mực xem máu người đổ ra như máu gà vịt lúc đánh tiết canh cho một trận mây mưa tao phùng. 

Phải diệt gọn, thu nhanh biến lẹ. Tức khắc đoán ngay chóc đứa nào đang giữ vàng trong bọn để dứt ngay đứa đó. Giới hạn tối thiểu sự phạng lầm hơn bỏ sót, vừa mất sức lại lắm khi vong mạng vì đối phương say máu lúc mạng sống tơ mành treo tòng teng chỗ cửa tử. 

Trận chiến trên lưng đèo diễn ra ác liệt. Thuở Tề Thiên đấu với Thiên thần, trận địa nhuốm màu lãng mạn, ít ngổn ngang máu thịt, vì cả hai dùng nhiều bùa phép, mỹ thuật hóa đựơc chỗ tang thương, mã hóa phần nào sự thắng thua. Tiểu thuyết mà. Giữa đỉnh đèo này bọn dân dã không có phép thuật, chúng sử dụng bất cứ gì có thể gây máu để tự vệ. 

Dao mác, gậy gộc, đòn gánh, đá cục, nồi niêu xoong chảo, kể cả răng trong mồm khi cần cắn vật nhau quay cuồng. Vũ khí thô sơ, không hiệu lực tàn sát hàng loạt nhưng tạo ra đủ loại vết thương man dã kỳ cục. Bị phạng vào gáy một cái cán cuốc mà về sau tê liệt tứ chi, hoặc man man mát mát thương nhớ nhà thương điên Biên Hòa suốt đời. Đã có đứa nhiều năm sau thân tàn ma dại, thầm trách số mệnh sao không cho đi đong ngay nơi chân trời cuối bến thuở giang hồ. 

Bọn tam ca đục thẳng vào giữa đám người nơi có hai gã thanh niên tạo thế yểm trợ nhau di chuyển chậm, có thể đó là hai gã giữ vàng, tránh đụng độ. Đánh một lúc Đại ca nhận thấy trong đám hộ tống có mặt Gấu Chúa, một cựu thù khi còn ở chung trại tù năm xưa. Trên khuôn mặt Gấu Chúa hãy còn loang lỗ đen trắng một mảng sẹo, hậu quả một ca nước sôi do Đại ca tạt thẳng vào. 

Chợt thấy Đại ca, Gấu Chúa mặt sẹo nhìn căm thù, nhưng hắn chơi sang, vừa đánh vừa tách Đại ca ra khỏi đám đông. Thanh toán tay đôi cho hả dạ. Những đứa con ngoan của luật giang hồ. Đại ca thuộc loại sức mạnh phi thường, nhưng đang thương tích. Hắn chọi mỗi lúc một yếu dần. Gấu Chúa bất ngờ quật ngã Đại ca, đè mũi dao nhọn vào cần cổ đối phương, nói rành mạch: 

- Mày bị hỏng một tay, vậy tao cũng chơi một tay, nửa thành công lực thôi. Nào gắng lên chớ. Hãy cắt tiết nhau cho sòng phẳng. 

Đoàn người thoát dần xuống chân đèo. Bọn Nhị và Tam ca quần theo để cướp cho được vàng. Trên lưng đèo, in nền trời chiều thẩm mây bay là hình hai gã giang hồ thanh toán nhau. 

Máu chảy xối xả từ vai cổ mặt xuống ngực. Đại ca quay cuồng. Một loáng hắn thấy thế gian rực sáng, một thứ ánh sáng mê hoặc của ma men say đắm, hoa lá cỏ cây nạm vàng, sườn non sông nước bờ lau thung lũng đầu lâu sọ khỉ dòi bọ, cả hơi thở âm thanh ánh sáng đã rực rỡ hóa vàng, vàng tênh mùa cúng cô hồn tháng bảy. Rồi tất cả tím thẩm. Đại ca sức tàn gượng dậy, cảm nhận cái sắt lạnh một lưỡi dao bén nhọn kè vào cổ mình. Văng vẳng giọng Gấu Chúa: 

- Tao tha cho mày.

- Hãy giết tao đi. Gấu Chúa, tao không van xin.

- Được. Vậy muốn cỡ nào?

- Tùy mày. Nhưng phải gọn. Tao không muốn thở dây dưa. 

Gấu Chúa thọc thẳng lưỡi dao vào cần cổ Đại ca, ngoáy mạnh một cái, kỹ thuật dứt khí quản cổ gà khi cắt tiết, là xong. Nghẻo. Hắn đặt cái dao nằm cạnh Đại ca. Cởi áo khoác đắp lên thi hài kẻ đã bị chính hắn thịt. 

Bọn Nhị, Tam ca lúc quay lại đã xông vào trực chiến. Gấu Chúa phán: 

- Lui ra. Chúng mày không phải là đối thủ của tao. Lại không nợ nần gì nhau. Hãy chôn cất đàn anh cho tử tế. Sau này phải lo lắng chu đáo con cái đàn anh chúng mày. 

Gấu Chúa lững thững xuống núi, cùng lúc nhận ra máu me đẫm người, năm sáu vết đâm khá sâu, không hứa hẹn sau này sức lực phục hồi bình thường. 


III


Bọn đàn em cùng khiêng xác đàn anh về ngôi làng trong thung lũng. Núi trời đêm. Sông lạnh. Sao Hôm lẻ loi một góc trời. 

Nhị ca nhìn mông lung nói: 

- Cõi trời đất này vô duyên bỏ mẹ. Muốn chửi cha cái đời.

Bọn chúng hạ thủ lĩnh trên một bãi cỏ đầu làng. Tam ca chỉnh tề tâm sự: 

- Nhị ca ạ. Đại ca anh hùng nay đã tiêu tán đường. Chúng ta nguyện sẽ có ngày rửa thù. Nhưng một ngày không thể không có vua. Em giờ đây nhứt trí nhiệt liệt tôn anh làm Tân Đại ca. 

Nhị ca nhổ tọet bãi nước bọt, thịnh nộ: 

- Chưa tống táng thủ lĩnh, cái xác còn chình ình trên mặt đất đã lo bề chia ngôi. Đù má mày. 

Trăng lên cao. Âm dương trở lạnh. 

Bọn chúng mong nghe một tiếng chào, mong thấy một bóng đèn một tiếng chó sủa. Nhưng tịnh không. Làng không có ai không còn ai. Như vừa bị tiêu diệt chiều xưa. Rải rác đó đây chuồng trại không súc vật. Xác mèo chó đã thành xương xẩu nơi xưa kia bếp hồng. 

Một ngôi đình làng còn trơ một mái xiêu, mái kia sụp xuống mặt hồ nước, chẳng vuông tròn của bọn khai thác vàng bỏ lại. Nhận ra mùi xác người, một vài con quạ đêm bay tới. Chúng kêu mừng hạnh phúc kiểu quạ. Nhị ca buồn bã nói: 

- Tưởng xóm người hóa ra đây là xóm ma. Có là ma quỷ cũng cho ta một lời chào. Sao tịch lặng đến rợn người thế này.

Tam ca nói: 

- Chọc ma quỷ cho quỷ ma thức dậy đi. Chứ không được chào hỏi, không chửi bới buồn bỏ mẹ. 

Bọn chúng nằm trên cỏ lạnh nhìn trăng khuya. Tiếng thác đổ từ xa đưa lại. Trong lòng núi bí ẩn trên kia có con sông Tiên. Khác với tất cả sông quê nhà miền Xứ Quảng, thường là phát đi từ núi tây để đổ ra biển đông . Sông Tiên chảy ngược về hướng tây, dọc trong lòng núi liền núi; thoạt nhìn ta có cảm tưởng sông Tiên có sức chảy ngược từ thấp lên cao. Một con sông dị thường. Một chạy trốn đồng bằng. Nhưng sông Tiên là cánh tay chuyển nước về miền thung lũng xa xôi trong núi thẳm. Là ân nhân mở đường, để sơn cước nhớ trung du. 

Nơi đây là Phương Đông mặt tiền trái đất, trong chiều tà thế kỷ. Xưa kia, nơi thi hài Đại ca đang chễm trệ bên cạnh Nhị Tam ca này, hẳn phải có một ngôi làng sầm uất thân thương, nay mới là tro tàn bếp lạnh; đó đây là di chỉ chìm, mồ mả nổi. Mặt đất bao quanh Đại ca là những xương mất thịt, những thịt không máu hồn, những hồn không chỗ đậu. Dưới trăng lạnh hay trong ánh dương chói lòa ngày qua, là kia kìa, cái cánh cửa vào nhà không em bé, hương án tổ tiên nhện giăng đầy, nơi mẹ xưa kia ngồi dệt vải là đây xác mèo chó xương đen. 

Một xóm làng chết trong tịch mịch mà lòng sâu của đất bị đào ngang bới dọc. Sông Tiên, con sông kinh lịch chảy bạt ngàn, không quay về Đông, nó đưa tiếng hát qua thung lũng này, nó thả hồn vào khóm lau bờ trúc, trải lòng thiên nhiên trong lòng người. Bản hùng ca đã bặt im. Tất cả trôi giạt, hóa đá trên một tinh thần thấp thỏm bình an. 

Một đất Mẹ rùng mình đẩy vàng trồi lên. Ma động. Hoang hóa. Mộng mị. Bọn loạn tâm cùn thức ra công đào bới khắp cùng. Một bọn Sĩ ngơ ngác, bất lực. Một bọn điên kinh hoàng cảnh ngộ, minh triết hí lộng, gọi hồn đất đá; những tưởng, đá mới vẹn linh hồn, đất là nhân danh vĩnh cửu. 

Có thể nào một cái sống đã không chốn nương thân, lại khi chết chẳng nơi chôn vùi. Không một lối đi nơi này. Chẳng đường về nơi đây. Mọi hiện thực như là vô định – sau một lưu đày đã định. Đạo là con đường, con đường anh đi, có phải là Đạo. 


Giữa đêm. Bọn Nhị ca tha thẩn đi quanh quẩn trong làng ma. Chợt thấy một khu vườn um tùm, một ngôi nhà lớn bên trong; nơi góc vườn một cây gòn rừng cao vút, cành nhánh ngang phè như gã khổng lồ đứng dang tay ngăn mây bay. Ngay cổng vào một tấm bảng lớn, với những dòng chữ cảnh báo: 

“Nơi đây trước kia là ngôi nhà thờ của một tộc họ lớn. Mấy năm trước con cháu nghĩ rằng dưới lòng đất nhà thờ có vàng, nên đồng tâm khai quật. Đào tất tả ngoài vườn, đào xuyên dưới nền nhà, có thu được ít vàng. Con cháu lại gây nhau, ly tán. 

Khách tham quan nên coi chừng, nhà tạm tạm còn đứng dưới trời mây nhưng sụp đổ gây thương tích bất cứ lúc nào.” 

Cách đó không xa, một căn nhà khác, đứng cheo leo dưới bóng trăng. Chung quanh là hào sâu nước đọng. Nó như một ngôi đền trên mặt hồ. Lại có một tấm bảng thông báo: 

“Đinh Phiên bán căn nhà này năm chục cây vàng, mang cả gia đình vào cao nguyên lập nghiệp. Bọn khai thác vàng đo la bàn, ngắm phong thủy, đã tính toán nếu phá căn nhà để khai quật sẽ thu hơn trăm ký vàng. Lãi chán. Chúng đào xới mấy tháng ròng. Lạ thay, đào ngoài vườn thì không sao, nhưng động một nhát cuốc vào nền nhà thờ Tộc, thì tức tốc có đứa lăn đùng ra chết. 

Ba lần xâm phạm ba đứa vong mạng. Chúng bèn lập đàn cúng tế, yểm bùa nhưng đâu vào đó, có đào là có chết. Chúng đành thua thiệt bỏ đi. Vườn nay thành hồ nước trăng soi, mà ngôi nhà còn nguyên. Có người cho rằng đây là nhà trên hồ, rất hiếm nơi mạn ngược; mai kia có thể là thắng cảnh thu hút khách du lịch.” 

Về khuya, trăng giải lụa trên xác người Đại ca. Đầu thôn cuối xóm vẫn một bãi tịch mịch, thênh thang những âm hưởng chịu tang, mênh mông bi tích. 



Bọn chúng khiêng đàn anh ra bìa làng. Đã thấy trăng chênh chếch phía núi. Gió xao xác như nghìn nghìn âm binh sắp về đây mở hội. “Vong hồn, hãy mời ta cốc rượu. Sỏi đá, hãy cựa mình đi. Sao thê thiết quá vầy.” Nhị ca than thở. 

Tam ca đặt thủ lĩnh lên một tảng đá bằng phẳng, lấy nước rửa mình mẩy máu me, lại vốc nước sông trăng uống ực. 

Rồi như huyền hoặc xảy ra. Núi màu chàm trong đêm sương về sáng. Gíó ngan ngát như mang hơi mưa từ xa mùa đông.Không gian bỗng đượm mùi hương lạ; mùi phấn son, bùn lầy, mùi hoa dại, lá khô; mùi thịt xương cũ. Quả thật đâu đây là một mùi thiên địa, tổng kết giữa chết thật sống hờ; ngây ngây. Nó như tri hô xa vắng của vong hồn, âm vang chết, là thách thức, cổ lục, của một bình minh đêm; lênh láng, tê dại. 

Nhị Tam ca bất giác lâm vào cơn hiu hiu, khi đôi tay vẫn sờ nắm một cách vô thức lên cái cần cổ thủ lĩnh máu cục đọng đen từ chiều. Bỗng như có động vang từ rừng núi. Một làn hương đưa một bước chân người. 

Một lão tiên ông tóc trắng râu bạc mấy chòm xuất hiện, là đà như có như không. Lão ông từ tốn bảo Nhị ca:

“Hãy tìm nơi chôn thủ lĩnh các người đi. Đừng để thân xác lâu ngày trên mặt đất, dù trong lăng tẩm, là không nên.”

Nhị ca trả lời: 

- Không thể chôn nơi đất chết này. 

Lão ông dạy: 

“Nơi đâu cũng là đất Mẹ. Một cái xác phải được trả về lòng Mẹ êm ấm mới thuận đạo người. Mẹ rộng lòng tha thứ, kể cả thủ lĩnh các ngươi. Không nên để cái xác phàm lâu dài trên mặt đất.” 

Tam ca sừng sộ: 

- Khế lão nói vậy là trật rồi. Đời có lỗi. Đại ca tôi không hề có tội. 

Lão ông cười hiền hòa: 

“Ta không tranh biện lỗi phải cùng các người. Có những thân phận lịch sử bây giờ chưa nhận định lỗi phải, huống gì nhân thân hạn hữu các người.”

Nhị ca ngơ ngác: 

- Chúng tôi là bọn du côn du đãng, khế lão nói chuyện trên trời dưới đất làm chi vậy. 

Lão ông bỗng phất tay áo. Một cây trượng như gậy vươn cao làm hiệu. Tức thì bùn lầy cát bụi quá khứ vị lai cỏ cây diều quạ xương gà lông chó đều biến thành những khối sáng lòa. Vàng đầy trên mặt đất. Vàng bay la đà, vũ múa như công như bướm. Lại tỏa mùi hương ngất ngây; phát ra tiếng đàn tiếng sáo. Rì rào. Tỉ tê. Ngọt. Bén. Làm gỏi tâm linh bọn Nhị ca. 

Lão ông nghiêm giọng bảo: 

“Các người hãy nhặt lấy vàng mà đi đi; cho thỏa.” 

Trong cơn mê động Nhị ca vuốt tay lên những khối vàng óng ánh, nghi ngút thì thầm: 

- Đại ca ôi em sẽ dệt cho Đại ca một cái hoàng bào tuyền bằng sợi vàng. Sẽ đúc một cái quan tài vàng ròng mà tống táng Đại ca. Sẽ làm một cái tượng đài cao ngất trời mây tưởng niệm Cái Đức du côn anh hùng đầu đảng của Đại ca. 

Lão ông mắng: 

“Chớ thánh dại thần điêu. Chớ nên chôn châu báu theo người như bọn vua chúa đã làm. Sẽ sinh ra điều ác, nảy lòng tham. Kẻ hậu thế phải tội quật mồ, vơ vét châu báu, còn hài cốt các Người sau đó vung vãi như xương cốt súc vật chim ngàn.”

Bọn cướp cạn nghe lời phán dạy bỗng kinh hoàng van nài: 

- Vì quen thói du côn chúng con trót dại, xin tiên sinh chỉ giáo. 

“Ta không phải là tiên sinh của các ngươi, theo nghĩa thông thường. Ta là Tiền nhân. Trong xác thân du côn du kề các người đã có một phần xác mỗi phần hồn của ta. Trong bình sinh gieo rắc, Ta là các người, các người cũng là Ta. Hãy nghe đây, mau rời bỏ mê cuồng, hãy nhặt lấy vàng rồi cút đi. Hãy trả lại quê hương này cuộc bình yên.” 

Bọn Nhị ca cuống quít nhặt vàng. Lại điên dại hỏi theo cái vi mạch tham lam hằng có: 

- Tiền nhân ôi kính thưa! Có tài biến hóa làm vầy sao Tiền nhân không biến quách cái giải cát đất cỗi cằn cháy nắng mưa dầm hình chữ S này thành một khối vàng ròng. Một cái chữ S vĩ đại từ Nam Quan chí mũi Cà Mau rừng vàng, biển cũng vàng mẹ nó luôn chớ biển bạc mần chi, cho con cháu nhờ. 

Bây giờ thì lão ông đã biến mất, nhưng giọng rao truyền ấm áp còn vọng lại từ đèo cao, nơi ban chiều thế gian đã vầy cuộc truy đuổi chém giết máu, vì vàng: 

“Một phần xác và hồn của Ta hãy nghe đây.

“ Chớ đắm mình trong điệp điệp mơ hoang rừng vàng biển bạc. Chớ lênh đênh theo khí chất mong đạt giàu sang qua ngõ tắt. Hãy rời khỏi nơi nương náu ngủ ru trùng trùng hứa hảo, hẹn bừa, những điều hiện thực không thể. Hãy bừng sáng một thể linh tiên niệm. Hiểu Núi sông và giữ lấy Tự nhiên.

“Sống như lũ chúng mày là phá nát giang sơn này rồi. Đã kim loại hóa từng phần những tương lai, hy vọng, niềm tin của bao nhiêu người. Giả thử từ Nam Quan tới mũi Cà Mau, từ biển Đông con dã tràng xe cát cho chí Trường Sơn mông muội bỗng một sớm nọ biến thành một khối vàng ròng hình chữ S – lấp lánh tận giải ngân hà, độ sâu cắm tận lòng đất – thì các người sẽ ra làm sao?

“Ngày ấy là chấm hết toàn bộ cốt căn bản địa tổ tiên giống nòi, kèm theo cái bất đắc kỳ tử của chú ong mật con bướm vàng. Sẽ là cuộc tiêu trừ sự sống triệt để. Có thể thế ư. Hình chữ S này là đời đời của Đất, chỉ là Đất. Khô xảm, ngập lũ, trăn trở, chờ trông hóa đá, vẫn hoài hoài rực rỡ Đất. 

“Đây là nơi của tanh thơm mùi bùn, mùi sỏi máu, của đậm đà khổ đau hạnh phúc; của ríu rít chia lìa hạnh ngộ; nơi cây trái mọc xanh con chim hót; chỗ róc rách con cá lội; con vi trùng đương nhiên tự do mình mẩy; cỏ dại núp bóng nhau; nơi người có thể giết người; nhưng beo cọp âu yếm liếm cọp beo. 

“Nếu nghìn triệu thước đất Mê Linh chí Gia Định này biến thành vàng ròng một giải, chúng mày sẽ đi về đâu? Phải hóa đá mới tồn tại. Sẽ là những hình nhân vàng vô tri, ăn uống nói năng hội nghị làm tình trên một địa đàng vàng được sao? 

“Khó thể toàn bộ giang sơn là một tổng thể kim loại. Còn nơi nào cái lỗ chôn nhau cắt rún. Tìm đâu cát bụi mơ mòng. Đâu nơi sở trụ một linh hồn cần nương náu quê hương. Mơ hảo. Khó thể một dân tộc, thể chế, đất đai, một sớm mai vui mừng đã kim loại hóa toàn phần.” 

Nhị ca trở mình hỏi Tam ca: 

- Mày vừa nghe thấy gì? Tao nghe gió nổi. 

Tam ca nói: 

- Hình như đêm qua làng này trẩy hội. Nửa khuya đèn đuốc lập lòe. Lúc về sáng thánh đường kéo chuông vang động. Mà sao là chuông báo tử? 

Trời sáng tỏ. Một trận gió lớn thổi tung những bụi mù trong nắng. Bọn cướp đường choàng dậy ngó quanh. Không Tiền nhân. Chẳng có xác Đại ca nào đây. Không có núi không có sông. Không nhìn ra mặt núi sông. Không một mảy may vàng. 

Chỉ quanh đây những luống cày, màu đất vàng khô. Một chị vải thô chân đất đem mong chờ đến cho một ai đó trên những luống cày. 

Một thằng bé truồng cười  *trong nắng.

----------------
*  cởi truồng (Bt.) 


CUNG TÍCH BIỀN
 Bến Nghé, Sàigòn


                                                                                               (...)


                                                                            
                                                                    ( trích 1 phần từ blog phan nguyên)
                                                                
































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét