Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

vầ thi sĩ , văn nhân thanh tâm tuyền [i.e. dzư văn tâm 1936- 2006 usa] -- blog phan nguyên




Sunday, 18 December 2011

Thanh Tâm Tuyền (1936 - 2006)




















Thanh Tâm Tuyền

-tên thật: Dzư Văn Tâm
-bút hiệu khác: Đỗ Thạch Liên
 13/03/1936 (Vinh) / qua đời  lúc 11g30 ngày 22/03/2006 (Minnesota)
-hưởng thọ 70 tuổi

-nhà thơ. nhà văn

















Sẽ chết như sao rơi vào bất tận

Sẽ mãi yêu như giọt nước hân hoan

Thanh Tâm Tuyền













                                                                                                                    
bút tích Thanh Tâm Tuyền











Thanh Tâm Tuyền là một trong những nhà thơ khởi xướng phong trào Thơ Tự Do tại miền nam Việt Nam với tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc xuất bản năm 1956. 
Ông vào Nam khi còn rất trẻ. 
Chủ trương nguyệt san Lửa Việt năm 1954. 
Sau đó cùng với nhà văn Mai Thảo thành lập Tạp Chí Sáng Tạo từ 1956 đến 1960.
Nhập ngũ năm 1962 và trở thành sĩ quan cấp úy trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Bị bắt học tập cải tạo 7 năm sau 1975.
Rồi được thả và đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO năm 1990.
Ông qua đời tại Minnesota năm 2006 vì bệnh ung thư phổi.
Hưởng thọ 70 tuổi





















                                                                                                                                 











Những bức thư gửi cho ... hòn đảo xa



"Mượn Dấu Thời Gian" xin phổ biến các đoạn trích từ những bức thư của Thanh Tâm Tuyền viết những năm 1972, 73, 74 và 1982 gửi cho một ... hòn đảo xa, nơi tác giả tự ví mình như một Crusoé thất lạc.
"Mượn Dấu Thời Gian" xin thất lễ với người đã khuất khi phổ biến những đoạn thư khá riêng tư. 
Việc làm này không ngoài mục đích cung cấp cho các nhà biên khảo và phê bình văn học, cũng như những người yêu mến ông, một khía cạnh khác của chân dung nhà thơ. 
Từ phía đó, một số tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền đã như "sao rơi vào bất tận" trên khung trời văn học Việt Nam.










*







Công bố ngày 22/03/2012



                                                                                                                           





Những đứa trẻ của Dickens

17.2.1973
Em và anh thuộc loại máu lạnh ở xứ nóng không hợp thật. Mấy ngày em ở Sài Gòn, tuy nói với em là vẫn làm việc nhưng anh chẳng làm gì cả. Làm mấy bài thơ thì có. Lúc nào anh cũng ngóng, biết em không đến, nhất là hai bữa cuối trước ngày em đi. Em đi lần này không có anh đưa. Giả thử anh có đưa chỉ làm em nặng thêm, máy bay nặng thêm. Bữa ấy - chắc là có cô H.A đưa ra đến Phạm Ngũ Lão - có thấy nhẹ không?

Ngồi trước mặt em, anh thật chẳng hiểu mình ra sao, mình muốn gì. Bởi anh toàn nói bậy không. Lúc nào anh cũng cứ nghĩ chẳng nên làm em buồn, hãy cùng vui lúc bấy giờ. Nhưng cái vui anh gây ra cũng tệ. Anh tự hỏi : tại sao đối với em, anh không làm như với những người khác, hay bình thường là hai kẻ yêu nhau, như mọi người. Bữa em hỏi anh có sợ em không, bây giờ anh thấy có lẽ anh sợ em. "Sợ" như cái mặc cảm anh biết bắt rễ tự nơi anh ngày nhỏ:  không bao giờ anh có được cái mà tất cả mọi người đều có. Đứa trẻ bất hạnh mồ côi ra đời quá sớm mà. Nó chỉ nhìn đồ chơi bày trong tủ kính, nhìn đồ chơi những đứa khác chơi, nó chẳng có, chẳng ai nghĩ đến cho nó. Em có biết anh đọc Le Petit Chose năm nào không? Năm học lớp ba và từ xửa xưa đó anh đã thấy nhân vật đó là anh rồi. Những đứa trẻ của Dickens đều vậy, lớn lên khá hơn nhưng rốt cuộc vẫn khốn đốn vì yêu người.

Cháy

Thoáng một ngày mưa lạ xong Sài gòn lại theo nhịp cũ. Nắng kinh. Nắng gợi cho anh cái ý một truyện ngắn: tình yêu bị nắng Sài Gòn đốt cháy tiêu. Bữa qua cũng đã loay hoay, ngồi quán gần nhà in, định viết cho em lá thư nữa, xong ồn quá lại đứng lên đi tìm bạn hẹn nhậu.
.............................................................
Trong khu vườn của tòa nhà phía trong chỗ anh làm việc em chưa vào tới, anh đã đi dạo thẩn thơ hoài dưới bóng cây xuyên đầy ánh trăng. Đã bảo em làm anh thành "poet" mà. Độ này thao thức nhiều, đầu cứ bạc mau thêm, hè em về chắc thấy anh tóc trắng xóa chưa biết chừng.

Flamme seule, je suis seul
Bruler seule, rêver seul
Grand symbole, double symbole incompris
Le premier pour la femme,
toute brulante, doit rester seule, sans rien dire;
Le second pour l'homme taciturne qui n'a qu'une solitude à offrir.

Trong một đêm anh đọc đoạn trên trong một quyển sách mỏng của Bachelard, chép lại cho em đọc đỡ buồn. Câu đầu là thơ của Tzara. Đoạn sau quãng diễn của Bachelard - philosophe già, tóc trắng xóa, tâm trí thơ mộng vô cùng. Anh có ý lấy đoạn này để cho Mắt Bão. Em thích không ?


Mắt Bão

Sài gòn, 8.3.1973
Thư trước báo cho em biết đi dậy học từ ngày 15.2, thư này báo đã bỏ dậy học 28.2. Bất định quá. Vào lớp chán quá, mặc dầu được học trò thương. Chắc anh khó có thể trở lại nghề cũ. Xem bộ anh thấy mình khá hơn xưa : chẳng còn cần đến những ánh mắt, nụ cười ngưỡng mộ tôn kính nữa. Khỏi khoác một bộ vó chẳng ra gì. Chẳng hiểu đúng không? Hết là thứ "ông giáo làng" phải không em?

Còn gì nữa ? Anh nghĩ đến Mắt Bão. Hồi đầu anh tưởng tượng người đàn ông chết, người đàn bà mất tích. Hôm qua anh tưởng tượng câu chuyện sẽ được kể lại sau khi người đàn ông chết bằng chính người đàn ông. Trước mặt mọi người, người đàn ông chết hẳn hòi, có đám táng linh đình, đông đủ bà con thân hữu. Nhưng đó là trò lừa của hai người. Sau khi người đàn ông đã chết, do người đàn bà giết, hai người trở lại ngôi nhà cũ bên hồ trong những ngày cuối cùng của cuộc đời nhìn lại quãng đã qua. Chương mở đầu gọi là Hẹn nhau sau khi chết. Anh còn đang phân vân nên để cho người đàn bà đến nơi hẹn chăng. Hay từ đầu chí cuối quyển tiểu thuyết là sự chờ đợi. Bởi khu nhà của người đàn bà ở trong cái khu như cù lao phía bên kia hồ.

Hồi anh viết Cát Lầy, anh đã có ý ấy nhưng sau bỏ vì nghĩ nó tàn nhẫn, trêu cợt người ta quá. Trong Cát Lầy, Người đàn bà tên Thuận tự tử nằm bên trong ngôi nhà khóa trái cửa một đêm giông mà Trí kêu gào bên ngoài trước khi ra bến xe đi với Diệp sáng hôm sau, thực sự không chết. Anh định kết Cát Lầy bằng đoạn Trí tìm thấy Hiệp và Thuận ở nơi khác, lại đến thăm ngồi với hai người này một buổi tối, xong mới đi hẹn với Diệp, nhưng rồi sau anh bỏ ý ấy, "kỳ" quá phải không em ? Vì Trí còn trẻ, Diệp còn trẻ
.........................................


Sinh Nhật

13.3.1973
Hôm nay sinh nhật anh đây. Nhận được một lúc 3 thư. Mở đọc chẳng biết cái nào trước cái nào sau. Đọc ào ào. Rồi chiều đọc lại. Coi như món quà mừng. Yên tâm vì thư không thất lạc. Mình đã là thứ thất lạc rồi, mà thư của mình thất lạc nữa thì là thất lạc của thất lạc...
Chỉ biết hôm nay sinh nhật, anh đến ngồi hai buổi ở sở. Không làm gì. Nghe những chuyện lẩm cẩm chật ních cả hai tai. Buổi sáng gặp một anh chàng làm thơ trẻ ngoài Pagode, hắn cho biết mới ngã ngửa ra là hai câu thơ "trời còn đêm nay còn mãi mãi" mà anh tưởng không có đoạn tiếp hóa ra anh đã làm một bài từ hồi nào, có đăng rồi mà quên ....... 


Gối đầu lên đám bèo

14.3.1973
... Anh kín mít bởi lẽ đúng anh không được phép nói bất cứ một điều gì nữa. Mai Thảo hắn bảo với anh như vậy, hôm tối thứ bẩy. Hắn nói khi anh tới sát bờ vực, xong anh lui lại trong khi có những người nhắm mắt đưa chân tới thì anh không còn quyền để nói, không được nói bất cứ điều gì. Bởi rõ ràng anh còn và người khác thì đã mất. Hôm ấy anh thật say, anh ứa nước mắt, chảy nước mũi ròng ròng. Anh cười, anh thua nó, anh bảo je suis la^che, c'est comme ca. Nhưng thật ra anh khóc mùi. Chạy xe về trong phố đêm anh vẫn còn thấy nước mắt mình ròng ròng. A, đây là lần thứ ba anh khóc trước mặt người khác. Mới đầu, hình như bao giờ cũng vậy, với ai anh cũng tưởng anh phải chăm lo cho kẻ ấy - kể cả Mai Thảo - anh sợ người ta sẩy chân, nhưng sau cùng hóa ra chính anh là kẻ bám víu vào người ta. Tối hôm thứ bẩy, Mai Thảo nó nhất định không bỏ dở câu chuyện, nó nhất định phanh phui đến cùng, nó nhất định ném anh đứng trơ vơ ra đó, nó bắt anh thú nhận rằng anh không hơn nó, anh đừng có giọng kẻ cả, "đắc thắng". Người thứ ba trong bàn là Phan Lạc Phúc chịu trận hai thằng như chịu hai tên khùng. Nhưng dường như anh cũng sung sướng, mãn nguyện, biết rằng thật ra mình chẳng là cái gì, chẳng ai cần đến mình, mà chính mình nhu nhược cần đến người khác quá nhiều.
.............................................................
Viết kể với em, lúc này anh nhớ đến một câu thơ của Milozs : Je suis plus mort que les morts de Lofoten. Nhảm. Mai Thảo nó bảo: ca, c'est de la littérature, sống không như vậy. Điều đó chính anh vẫn nói. Anh cũng chẳng hiểu tại sao lại mang kể cho em? Có lẽ cũng chỉ cốt để nói hình như anh cũng đang bám víu vào em. Một kẻ chết đuối bám vào một kẻ chết đuối. Nguy hiểm. Em hiểu tại sao nhiều lúc anh muốn thôi viết cho em - có thể sau thư này - anh bất định quá.

Mới đây, Nguyễn Mạnh Côn kể với anh về cái lần hụt chết của anh ta. Đó là bữa anh ta bơi ở Hồ Tây, bị vọp bẻ cứng cả tay chân, anh ta lật mình nằm ngửa coi như xong, không ngờ thế nào lại gối đầu lên được một đám bèo. Nhờ đó mà anh ta thoát chết. Anh quen với anh ta cũng đã lâu, nhưng rất ghét không ưa trò chuyện với anh ta bao giờ - sở dĩ có cuộc nói chuyện lần này vì anh ta viết cho Tập San Quốc Phòng anh phải đến nhà lấy bài ................
Em thấy không, chỉ một đám bèo giữa hồ rộng và người ta sống. Dễ sợ. Mình là đám bèo của nhau. Lúc này anh chỉ còn tin là em là kẻ duy nhất nghe được những gì vang động nơi anh. 
Đó khúc nhạc của mình đó, em yêu.



Hậu sinh nhật

21.3.1973
Sinh nhật anh 13 không phải 15. Anh mang con số xui mà, không hiểu ngày ấy có phải là thứ sáu không ? Nếu phải là vendredi nữa thì hết nói. Đâu được như em sinh vào ngày rằm trăng tròn. Tháng tới sinh nhật em đây, đúng chưa? Hôm qua thấy xổ số ra đúng ngày sinh nhật em, chỉ tiếc về Sài Gòn chẳng chịu đánh số nữa. Không thì đã trúng.

Chủ Nhật đang ngồi viết Một Chủ Nhật Khác cho Mr Khoan, thật ngon trớn, chiều ngồi vào bàn đột nhiên quyết định dứt ngang xương. Mọi người sẽ chưng hửng. Kể cả tác giả của nó. Có lẽ tác giả bí. Cứ viết truyện tình là y như bí. Kéo lòng dòng chẳng biết đi về đâu. Bèn chấm một cái. Cho xong đi. Nhẹ người. Mang cất vào một chỗ những cái còn lại cho riêng mình nhấm nháp như bữa nay chẳng hạn. 

Mới đó trời đã xập tối. Thật mau. Mùa mưa sắp đến. Hình như hôm nay còn trăng. Chốc nữa anh lại ra ngồi ngoài bệ đá, dưới bóng cây. Cứ thế thôi. Mắt bão mà. Mình tự làm ma nhát mình chơi. Vì chẳng còn cái gì khác có thể nhát mình nữa có chán không ? 
....................................................................................
Có lẽ mùa mưa sắp tới. Mấy chiều nay trời xỉn khác lạ. Mùa mưa Sài Gòn dơ bẩn nhưng còn dễ chịu. Anh rất thích những trận mưa ở đây. Ào ạt rồi thôi. Không dầm dề, nẫu người như mưa Huế và cũng không hung dữ như mưa Đà Lạt. Những trận mưa núi thật tán đởm. Vậy mà em tưởng tượng hai năm trên ấy đã nhiều lần anh chạy xe gắn máy trong mưa như vậy. Cả trong đêm nữa. Nghĩ lại bắt rùng mình, nhưng sướng vì chạy trong một trận mưa như vậy mình như thể tan thành nước, thành bão chẳng còn một chút nghĩ ngợi nào.


Phan Thiết, chân dung tự họa

20.11.1973
Quyển thứ hai anh bắt đầu viết là chuyện về một thành phố "hạnh phúc" khuất náu, gần biển với khá nhiều nhân vật ngồ ngộ : một con bạc nhà nghề, một cô nữ quân nhân, một nhà nghệ sĩ trẻ tuổi của thời đại, người đàn bà được "bao", một cặp đào kép cải lương nổi danh và những nhân vật của thành phố ấy. Anh nhớ Phan Thiết  nơi anh đã sống khoảng một năm khi anh từ Bắc vào, sau đó mới di cư dần vào Biên Hòa rồi Gia Định Sài Gòn. Đó là cái thành phố lạnh nhạt không ai ghé chơi, không biến động. Quốc lộ 1 chạy ngang nhưng thiết lộ thì không. Tàu đến ga Mường Mán rồi từ đấy  những người đi Phan Thiết phải chuyển tầu đi khoảng ngót 30 cây số nữa, nếu anh nhớ không lầm. Anh từ Hà Nội vào đến ga Mường Mán lúc nửa đêm. Anh nhớ mãi. Thành phố ấy có Bích Khê và có bài Lầu Ông Hoàng của Hàn Mặc Tử với những câu như: Ôi một trời Phan Thiết, Phan Thiết. Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi. Ta đến nơi nàng đã mất lâu rồi. Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ. Thành phố có con sông Mường Mán, cây cầu Mường Mán ngăn đôi thành phố: khu buôn bán bình dân với chợ và khu hành chánh với nhà ga. Có hai bãi biển tắm. Bãi Tây và bãi ta. Nơi ấy anh hút những điếu thuốc lá đầu tiên năm 8, 9 tuổi khi được thả rong chơi với một thằng bạn tây lai "ma cà bông, ma cà cúi, lúi húi đầu chợ". Nơi ấy anh bị lột trần truồng đuổi ra khỏi nhà và nhất định bỏ nhà đi. Nơi ấy anh xem cô Phùng Há đóng Mạnh Lệ Quân thoát hài. Nơi ấy anh chứng kiến tấn tuồng đứa con trai mới lớn - con của người đàn ông lấy mẹ anh - tằng tịu với chị người ở nhà hàng xóm. Nơi ấy anh nghe lứa tuổi lớn hơn hát One Day, Suối Mơ ... Nhiều, nhiều chuyện không thể kể hết. Chót cuối là nơi ấy khi anh leo lên chiếc xe vận tải để vào Nam theo mẹ, anh được một đứa bạn gái ở gần nhà tặng một bộ bài - anh nhớ anh gọi là bài "học trò" vì có một cây mang tên ấy - hao hao như bài tam cúc - khổ nhỏ hơn tam cúc nhưng lại lớn hơn bài tứ sắc - đặc biệt bài in có hình vẽ nhưng chỉ có trắng và đen không có mầu như tam cúc và tứ sắc. Thường ngày anh vẫn chui sang chơi bài với nó, nó học trường nhà nước anh học trường tư - tạm bợ mà. Đó là món quà đầu tiên trong đời anh. Anh chưa biết đặt tên quyển tiểu thuyết này là gì. Hoặc là anh sẽ cố tả anh qua thành phố, không qua người.


Tự truyện

24.11.1973
Sáng nay anh nẩy ý có lẽ rồi anh viết tự truỵên. Vì em đấy. Chưa biết lúc nào thực hiện, có thời giờ thực hiện không. Nhiều lúc thì trống huếch trống hoác, nhiều lúc thì nghẹt ứ dồn cục. Anh có biết bao điều muốn làm. Rồi anh bỏ cho trôi qua. Với em bây giờ, anh ráng bình tâm làm việc dần dần. Tự truyện của anh chắc chắn miên man không thể tưởng. Có thề là bộ sách dầy. Có lẽ vì thế mà anh ngán chăng? Hoặc vì từ trước đến nay chẳng ai đếm xỉa muốn biết, anh cũng thấy chẳng cần cho ai biết? Anh muốn phanh phui với em lúc này chăng? Có lẽ, chắc thế. Cứ ném từng mảnh đầu Ngô mình Sở làm em chẳng thấy đầu cua tai nheo đâu. Anh sẽ viết, khi anh có thời giờ, dần dần ngày một hai trang cho đến bao giờ dứt thì thôi. Đó không phải là một công cuộc đáng chú tâm? Anh trở lui, đúng nghĩa, trở lui để em thấy. Anh đã thấy quyển thứ nhất sẽ được dành cho những năm đầu cho đến khi bố chết - năm đó mới có sáu tuổi. Ghê chưa. Ngán quá. Không hiểu đủ kiên nhẫn không? 
Em có ngại đọc những sách dầy kiểu đó không? Có khi anh cốt "hù" em chơi, đừng sợ.


Chuyến du hành mùa đông

9.1.1974
Anh vẫn cố trụ tâm viết quyển sách thứ hai cho nhà xuất bản mặc dầu nhà xuất bản vừa điện thoại cho biết "tương lai đen tối"  lắm. Lúc ký hợp đồng anh tưởng mình là kẻ bội ước, lo ghê chỉ dám hứa 1 năm, cái điệu này thì chính nhà xuất bản bội ước chứ không phải anh. Anh thế mà giỏi. Phải không? Anh đã tạm ngưng cái tiểu thuyết về anh chàng đánh bạc rong và cặp đào kép nổi tiếng, từ một tháng nay anh viết lại "Chuyến du hành mùa đông" viết hồi còn trên Đà Lạt, trước khi gặp em, mà một đoạn là "Đêm gió" trích đăng hồi xuân Nhâm Tý ở Văn mà em đã đọc. Anh viết như kẻ lẩn thẩn, sau cơn say cứ ợ chua mà không chiụ nuốt ngồi nhai nghiền lại những đồ ăn đã nát ngướu. Chỉ làm thơ là sướng thôi. Và viết kịch nữa.


























Vẫn em

Thơ tình ở Sài Gòn

Vẫn em đồi trăng phơi mờ hoặc
Tóc buông giải thẫm xóa canh thâu
Vẫn em rừng lũng khuya trốt lộng
Ngút đen mắt lạc ruỗi tin trăng

Vẫn em đồng sông sao trời lạ
Phập phồng tan nát lượng thời gian
Vẫn em dáng cây nghiêng nẻo khuất
Sương muộn ham mê thức lá buồn

Vẫn em ngực thở vùi cơn bão
Trải niềm không, xô sát niềm không
Vẫn em trận mưa giông vách núi
Mở buốt mông lung cửa đất trời

Vẫn em thoáng trắng mây hiền hậu
Ngẩn ngơ soi mặt biển điêu linh
Vẫn em đóa quỳnh run hoảng nở
Hương thầm choàng riết cõi đêm ta
21.4.1973





Thơ tình trong tù, Vĩnh Phú - K2. Tân Lập

Vẫn em của thuở trăng nào
Đêm hôm nở đóa chiêm bao xanh ngần
Vẫn em tình của trăm năm
Đoan trang nét hạnh thâm trầm dáng thơ
Vẫn em mối kết thiên thu
Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này
8.1980





Tình ca

Tình ca của người tình của Cu Nghệ

Sự trôi chảy không ngừng nghỉ không dời đổi
Trở về mãi mãi những đêm xuân
Hạt máu đọng thời gian ngủ ngoan qua mùa đông
Đừng sợ, đừng sợ con sẽ lớn lên sau những nụ hôn lạnh lẽo phản bội


Tình ca của đảo

Tình tôi như đốm lửa xanh xao huyền hoặc
Anh, gió khô khan độc địa không ngớt vùi dập
Ôi gió tối tăm gió gầm trời nào
Thổi bùng thành đám cháy không thể tắt
18.4.1982
















Công bố ngày 11/03/2012


                                                                                                                              






Hậu đường ngôi nhà mặt tiền

15.9.1972
Chiều viết cho em xong lá thư, định ra phố gởi thì trời đổ mưa. Nghe tin bão. Ngại không buồn đi, nhờ một người đi qua bưu điện bỏ hộ. Không rõ em có nhận được chưa? Mưa tầm tã. Ngồi mãi Hội Quán định trở về phòng viết tiếp thư vì nhớ dường như nói còn sót ý, anh Cường sang chơi, khen mấy bài thơ đăng trên Văn. Anh ngạc nhiên hỏi sao biết là thơ của anh thì bảo trông thấy tên. Anh chưa thấy tờ báo nhưng như thế chứng tỏ là Mai Thảo đã không làm theo ý anh, ký tên thật một tiếng thôi. Anh đoán chừng ý Mai Thảo hắn không muốn anh đổi tên vì muốn cột anh vào luôn với hắn không cho anh thay đổi và có lẽ cũng nghĩ như mọi người là anh nhát sợ hoặc tức giận những kẻ thường công kích mình mà tự chối bỏ. Em nghĩ thế nào về chuyện này ?

Chính khi ghi chép bài thơ Ngôi nhà đỏ, anh đả có ý bảo em chọn lấy một tên lạ nào đó ký, rồi gửi cho anh từ ngoài vào (với điều kiện không phải chữ em chép vì chúng cũng có thể nhận ra) để anh xem thử bài thơ được tiếp đón thế nào. Anh không ngờ em đã "khổ" vì bức điện mấy chữ. Ngay hôm ấy anh cũng đã ra bưu điện, tính đánh trả lời : OK, comme tu voudras ngay nhưng đến nơi lại bỏ ý định. Anh cầm cự ghê lắm, nhớ là những lúc anh cầm cự thường làm em tức. Nhưng tức thì chuột nhắt ráng chịu.
   
Anh bảo em nên lúc trống trải thử viết một quyển tiểu thuyết. Tốt nhất một quyển tiểu thuyết không phải về mình. Như thế sẽ cần chăm chú, theo dõi người khác và sẽ quên được mình rất nhiều. Anh nghĩ thế và hiện anh đang sửa soạn làm vậy. Anh tin chắc là anh sẽ thành " nhà văn lớn" mà.

Mưa cũng đã tạnh. Anh viết thư này cho em, trong yên tĩnh. Mấy lá thư kia đều viết trong giờ làm việc, có người ra vào. Anh cũng chịu anh không thể tưởng tượng ra em đang làm những gì ngoài ấy. Đúng là đảo xa mù mịt trông chẳng thấy bóng.

Anh đang mong em đã nhận được thư trước của anh và cũng đang viết trả lời anh. Chịu khó viết nhiều cho anh đọc. Chừng nào biết đích xác ngày về Sg anh sẽ đánh điện báo em rõ, lúc ấy em hãy ngưng gửi thư về địa chỉ này. Nhớ chưa ?


Ngôi nhà đỏ, bis

2.10.1972
Anh vừa qua một ngày đầy, đầy thật đầy. Hiếm. Đầy mà không thấy mứa. Không phải "blue monday" mà là một ngày thứ hai đủ màu. Sáng vẫn dậy sớm như thường lệ. Đầu đau ê ẩm. Nhớ hồi 11 giờ đêm qua, Hải đập cửa phòng mang bánh mì về gọi dậy ăn. Nín thinh làm bộ ngủ. Bụng vẫn ọc ạch. Ngồi lầm lì trước bàn không buồn rửa mặt ngay như thói quen. Hải dậy sớm, săn đón, tưởng giận vì chuyện hắn về muộn bỏ đói hôm trước (đâu có biết mình được mời ăn cơm ngon). Vẫn cứ lầm lì chẳng buồn mở miệng. Nhưng thay vì thường lủi thủi xuống Hội Quán một mình thì nhẩn nha ngồi đợi hắn. Hắn không biết anh đang rượt theo hai cái âm "đuối nhớ, nhớ đuối". Mang theo xuống Hội Quán quyển Espagnol cũng chẳng thèm mở đọc. (Ngày 26.8 em lên Đà Lạt anh đã đọc đến bài số 18. Bây giờ anh đến bài 20. Cứ mấy bữa rượu, mấy bài thơ theo ám hoài). Tưởng ngày bắt đầu như vậy kể như hư rồi.

Trở về phòng làm việc, ngồi vào bàn làm việc là bắt đầu "đuối nhớ nhớ đuối". Tất cả công việc của anh trong một ngày là buổi sáng đọc mấy tờ báo, kiểm tin. Nhưng sáng nay báo không có chỉ vì lẽ ngày chủ nhật nhân viên phụ trách đi lấy báo đùn nhau rốt cuộc người nọ tin người kia chẳng ai lấy cả. Không phải đọc báo hàng ngày đã sướng, nhưng sướng hơn là vì không có báo nên phòng đỡ đông chật các bạn đồng nghiệp đến xem ké vào buổi sáng. Thảnh thơi đóng cửa mà "nhớ đuối". Làm được đâu 3,4 khúc cái bụng lại ọc ạch róc rách. Nhớ thư viết hôm qua đã dán chưa gửi. Mượn xe Jeep, một mình ra phố. Ghé bưu điện bỏ thư. Ghé tiệm thuốc mua một ống Direxiode. Xong trở về lại ngồi vào bàn. Làm xong bài thơ chưa hết buổi sáng. Đi dạo một vòng, uống thuốc chặn bụng. Về ăn cơm với vợ chồng người bạn không con.

Trở về phòng ngủ, yên bụng. Trong giấc ngủ nghe lại những thanh âm của vài câu chưa ổn. Thức dậy, ngồi vào bàn ...

Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng đuối nhớ
Thở hơi sương run rẩy. Ngã trong trời
Nhòe gió bấc, ngựa mây dồn dập vó,
Tiếng nhạn đen. Thả bổng quạnh hiu rơi

Đồi bập bềnh trôi lũng biển trắng
Mái nhà ôm, trở ngọn hú gào người
Người gắng gượng rõi dáng hình lãng đãng
Hồn như đêm lóng cóng. Cắn môi.

Những bực đá lấp chìm, đá rét mướt,
Dâng dưới chân, đợt sóng nổi chông chênh.
Người hẳn tiếc những khuya trời ngỏ mở
Đá nhún mình nâng gót nhẹ thênh.

Bụi hoa trắng ngó tìm trên đầu dốc
(Hoa ngời trông. Rạng hiện lối đơn sơ
Hoa cừu địch. Cười ý cuồng lảo đảo)
Rũ rượi buông cánh sũng. Quãng mờ.

Đèn vàng lụn như đầu diêm xòe tắt
Lửa thuyền xa. Đom đóm dạt phiêu bồng.
Tình rầu rĩ kêu tiếng trầm cắn đắng,
Bóng vang hư. Thoáng lịm như không

Kìa tóc ướt tựa gờ tường đay nghiến
Bám vịn trên cánh gỗ sượng sùng.
Thềm hiên gió rập rờn xô huyễn hoặc,
Đầu buốt mê tiếng gõ đập kinh hoàng.

....rồi lướt đọc nhanh thư em.
Bao giờ cũng vậy, giống như ngửa mặt phơi gió mặc cho thổi không nghĩ ngợi.


Những buổi sáng dưới hỏa diệm sơn

3.10.1972
Nói đến thư trễ, anh nhớ anh vừa đọc xong trong tuần trước một quyển tiểu thuyết thật tuyệt, Under the volcano của Malcolm Lowry  . Một truyện tình của một anh chàng say. Có những bức thư tình xếp xó không gửi, những bức thư gửi đến được cất ở quán rượu không được trả lời và một cái carte postale đến trễ cả hai năm trời, đến vào lúc hai người đã gặp nhau vào cái ngày của quyển tiểu thuyết. Thật tuyệt. Thật thơ. Lowry được so sánh với Joyce với Eliot. Em tìm trong các thư viện, đọc thử xem.

Anh thích những buổi sáng không thể tưởng. Ở Sài Gòn có nhiều bữa anh ra đường khi trời chưa rạng, chạy xe kiếm một quán cà phê chệt ngồi. Buổi sáng khi Pagode vừa mở cửa thường khi anh là người khách đầu tiên lúc còn làm ở Tiền Tuyến. Ở đây không thể ra ngoài. Sợ lạnh vả lại trong trại binh đi lang thang bậy bạ nguy hiểm không chơi. Hồi còn yên, mới vô lính, 4 giờ sáng dậy đi tuần xong chạy từ Cầu Kinh qua xa lộ vào Sài Gòn. Nhớ hoài những buổi sáng. Anh chỉ mới đón em, gọi dậy có mỗi một buổi sáng thôi. Buổi sáng của anh khó có người chia xẻ. Dường như các bạn thân thiết của anh chẳng có ai dậy sớm cả. Buổi sáng sớm chẳng bao giờ làm người ta chán đời cả. Sáng sớm dậy, thở, đi ngửa mặt khoan khoái thấy sống tỏa tràn trề không hề nghĩ ngợi bậy bạ nhảm nhí.

Lần ra Huế anh cũng còn nhớ những buổi sáng ở bên Hương Giang lắng nghe tiếng chợ họp dấy bên kia sông. Nhớ con đường hẹp như đường làng từ hồ Tịnh Tâm ra con đường phố trổ ra cửa Thượng Tứ hàng cây trồng cách sao mà ngả đầu vào phía trong như ngửa ưỡn người. Khu Gia Hội anh cũng đã sang. Đã ăn một bữa tối ở tiệm ăn Tầu bàn bầy ngoài vườn, chẳng hiểu có còn không (cùng phía với rạp hát bóng, đi quá lên trên).

Anh lại vừa nhớ đến những buổi sáng thức dậy trong Sở Thú. Hồi Tết Mậu Thân, tái ngũ, làm ở Tiền Tuyến, trong đợt tấn công thứ 2 vào Sg, cứ 4 tối anh lại bị một đêm dẫn lính qua nằm phục bên Sở Thú. Ngủ trên bãi cỏ dưới tàn cây. Ngủ trong nhà chòi bát giác sát bờ sông Thị Nghè. Ngủ dưới chân cái patio thẳng cổng chính vào trông thấy. Ngủ trong cái quán nước đã dẹp bàn ghế. Nửa đêm ve kêu râm ran. Sáng dậy nghe khỉ nghe voi kêu. Mời hết cả đám lính đi với mình mỗi người một ly cà phê sữa cho tỉnh trước khi về trại. Năm đó anh nhớ anh đánh bạc quanh năm, được liên tu bất tận. Về vứt ống súng là chạy ra Pagode ngồi đến 9 - 10 giờ về làm việc. Bây giờ thì buổi sáng chong đèn - luật phòng thủ tối kỵ - viết thư. Viết ba lăng nhăng, chẳng ra đâu vào đâu. Và nếu cứ viết kiểu này hoài, chắp lại dám thành quyển tiểu thuyết tình dầy. Có khác chi Under the volcano?


Khúc Presto, mùa hè rực rỡ

6.10.1972
Từ đầu tuần đến giờ anh gặp toàn chuyện xui. Khỏi cái bụng đến cái đầu. Hết cái đầu phía sau đến cái đầu phía trước. Số là bữa qua anh bị tai nạn kỳ cục. Từ Hội Quán về phòng không có gì lạ. Vào bàn ngồi đọc báo mở nhạc nghe. Nghe "Tứ Thời Khúc" của Vivaldi. Hết sức hứng chí. Tới nỗi ông sếp phải vô phòng yêu cầu vặn nhỏ bớt vì đang giờ làm việc. Lúc nào anh nghe khúc Presto của mùa hè cũng thấy xốn xang rưng rưng. Tắt nhạc ở khúc ấy, bước qua phòng bên. Không hiểu anh choáng váng hay do nhân viên lúi húi xếp gì trong góc cửa đẩy cánh mở, lúc quay ra anh va trán vào cạnh sắc của cánh cửa. Cái đầu ăn trầu. Tá hỏa tam tinh. Ôm cái trán qua bệnh xá, nằm cho người ta khâu hai mũi. Anh chàng y tá nói tuần nữa qua tháo giây, chắc chắn có vết sẹo trên trán. Anh trở về phòng bảo cái anh chàng đã gián tiếp gây tai nạn : Trước khi tôi rời Đà Lạt anh để thẹo cho tôi làm kỷ niệm nghe. Trong khi ôm đầu chạy trong mấy hành lang, gặp người hỏi thăm, mặc dù xây xẩm anh còn kịp đùa: đánh lộn, đánh lộn.

Suốt ngày qua cái đầu đau đằng trước, đau đằng sau. Mất chút xíu máu ngây ngất bàng hoàng quá trời. Một thứ say thiếu máu. Sáng nay hơi hơi tỉnh. Chiều nhận được thư. Đọc hai lần, chậm rãi, ngay tức khắc. Rồi đi ra ngoài nắng. Rồi đi dài ra khỏi vòng trường. Xuống khu vườn ở dưới lũng nơi đặt hoa viên để cho sinh viên sĩ quan tiếp thân nhân vào các ngày nghỉ. Vườn trong mùa mưa gai góc mọc đầy. Rồi đi ra ngồi dưới tàn trắc bách diệp của cái quán trông sang bến xe, trông sang cái trạm gác đầu cầu đêm nào có lửa cháy để sưởi, ngoảnh đầu thấy bờ hồ, ngửa mặt thấy dốc lên Hòa Bình, ngó ngoái thấy những hàng cây xanh um của những con đường đã đi qua. Cùng với Tòng, nhậu. Nhậu và ngậm miệng. Chiều xuống ớn lạnh. Khỏi cần lá ngô đồng. Nội cái thư em  đủ cho anh thấy mùa thu. Lại còn thêm cái chớm gió ngoài hồ thổi tới. Dập hết khúc Presto. Dập luôn bài thơ anh vừa viết sáng nay, trưa nay về ngôi nhà đỏ và mùa hè rực rỡ, mới chỉ được mấy câu:

Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng tía
Cửa thiên thanh nóc xoãi ngủ sậm nâu
Cây biếc lục trời tím than núi sững
Phố rực vàng huyên náo những triền sâu

Hạ đen thắm ngỡ ngàng đôi mắt sắc
Nắng khắp ngày trải tấm thảm ham mê
Mở rộng cửa, mở thời gian ủ dột
.......................................................


Quãng lặng

7.10.1972
Bid me not speak, bid me still
because my secret is my writ;
to show you all my heart would be my will
but fate does not permit.

In time dispels the sun's eternal course 
the gloomy night, and it submits to dawn;
the rigid rock itself must burst perforce
that hidden wells break out into the thirsty law.

In friend's embrace all agony is healed
and weary souls can be restored to hope;
alas, an oath keeps my lips ever sealed,
and but a god has power to break them open.

                                                            Goethe

Em đọc bài thơ có thấy ghê không?
chép em đọc chơi bài nữa, bù không có thơ của anh. Bài còn khiếp hơn.

You whom I don't tell that I lie awake
at night and weep,
whose being, like a cradle, makes
me tired and tender;
you who don't tell me when for my sake
you cannot sleep:
what if we endure this splendor
and let it ache
without relieving?

Look, when the lovers start
confiding the thoughts of their heart,
how soon they're deceiving.

You make me alone. You only I can exchange.
And while it is you, then a noise that seems strange,
or it is a fragrance without endeavor.
All whom I held in my arms did not remain,
but you are reborn again and again:
because I never held you, I hold you forever.

                                                  Rainer Maria Rilke


Nude, trắc

1.11.1972
Những ngày này nhộn nhạo tứ bề. Vậy mà anh tĩnh lặng. Quả có thể gọi là vô tâm. Tuần sau anh đã về Sài Gòn. Cho đến bữa nay vẫn chưa sửa soạn tí gì. Hôm qua đi gửi thư cho em. Hôm qua trời thật thu với mưa lay bay từng quãng. Nhớ đến cái đề của em " ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khỏa". Nghĩ thấy cần trổ tài với em, anh viết bài này bằng vần trắc, dùng làm bài chót cho tập "ngôi nhà đỏ, trăng hồng" (Biến khúc quanh một bài thơ cổ).

Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khỏa
Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ
Cây ngà say. Đêm heo hút ngoài khơi
Mùa ngã độc. Rười rượi buồn cỏ lá.

Im. Rớt im. Nhánh khô ròn. Bước động
Ngói lệch xô bàng hoàng che giấu mộng
Chàng quay lưng mỏi mệt ngắm phố chìm
Cửa đóng bít. Rào vây. Mắt ngõ trống

Trăng chợp lay. Nhỏ to vẳng tiếng hát
Mùa hạ vàng rực rỡ và bát ngát
Đêm ơi đêm còn khúc điệu nào chăng
Vỗ về chàng. Trời yếu đau ngăn ngắt

Mỗi bực cấp, bước leo đầm hiu quạnh
Thở chênh chao. Hồn tả tơi sóng sánh
Đá muộn phiền tẩm thẫm mầu lãng quên
Lối mờ tỏ. Mưa giông khuya ngất tạnh

Hãy đắm đuối, chàng Orphée khờ dại
Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Bờ bụi
Trổ đầy gai. Vườn hoang phế. Ảnh nàng
Trôi tan tác trong hành lang rợp tối

Cửa đang ngó trong nỗi mù dằng dặc
Hoa hé trông gửi niềm riêng nghi hoặc
Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Chàng si.
Trăng ngỡ sáng. Trăng ngậm sương trầm mặc.

Mùa trở gió, nhà nín hơi lẩn lút
Đồi rì rào. Cây sượng sần lá trút
Đừng ngoái nhìn. Nàng núp trốn cùng đêm
Đừng ngoái nhìn. Trăng khỏa thân xanh mướt


Crusoé về chốn thị thành
Liên, đêm,

14.11.1972
Vẫn viết cho em từ Gia Định. Ngày mốt mới đi làm lại. Cuối tuần sẽ ra bưu điện kiếm thư. Ngày mai đi cắt tóc cạo râu. Còn tắm thì ngày nào cũng tắm rồi. Anh không nhớ là Crusoé ở đảo bao lâu. Riêng anh sau hai năm rưỡi sống ở Đà Lạt, và những ngày cuối cùng, anh trở về ngơ ngáo - xa lìa như người tỉnh một giấc ngủ hai chục năm, đúng như ý muốn. Gặp lại người thân, bạn bè thấy vẫn vậy - nhòa bớt đi ở mình. Cái xóm ở 18 năm vẫn vậy. Xóm anh ở như cái túi, người và vật vẫn y nguyên. Những đứa trẻ lớn lên, những người lớn già đi. Bọn con gái lấy Mỹ trở về lo làm ăn lại, bọn con trai đi lính lừ đừ về thăm, bọn nhỏ hơn ghiền ma túy làm du đãng. Đây là xóm lao động bình dân không lịch sự như xóm nhà em. Nhà vách ván nên tối ngày anh nghe nhạc từ máy nhà hàng xóm, nghe tivi nhà trước nhà sau. Anh không thể nghe nhạc của anh. Anh có một chiếc võng trên gác ván phía đằng sau để nằm lúc sáng sớm và chiều tối, đêm, trông thấy một khoảng trời một bóng cây xanh giữa các mái nhà. Khu này anh cũng đã ở từ năm 45, cô Liên ở đây những năm ấy. Sáng nay anh đi vòng vòng những con đường cũ nhận ra những nhà cũ và mới, các lối xóm xưa được sửa sang dung mạo. Ở đây sót lại một cô bạn học từ năm lớp ba lớp nhì, đã thành bà - tất nhiên. Hai người biết nhau vậy nhưng chẳng có gì nói. Nhìn cô bạn học cũ, anh phát giác em chơi với anh mệt vì anh không còn sống tới mà lui. Chập chờn như chiếc bóng. Rõ ràng thế. Sống tới với anh bây giờ chỉ còn nẻo duy nhất : điên. Anh không ưa. Em cần sống tới, khổ cho em.
...................................................................................

Mấy bài thơ về ngôi nhà, già Vượng khăng khăng yêu cầu ký tên "thật". Anh nhường. Nghĩ cho cùng cái sự anh muốn thủ tiêu hắn cũng chẳng ra quái gì. Anh đã biết từ lâu nó sẽ đeo dính lấy mình mà. Nó chẳng là của mình, nó là của kẻ thù và bè bạn mình nữa. Kẻ thù thì chẳng hệ, nhưng bè bạn đành nhường. Về đến nhà thấy quyển sách mới của Doãn Quốc Sỹ gửi từ tháng trước - Quyển Cúi Đầu - với một truyện đề tặng. Trông thấy cái tên in trên truyện của người khác nghe lạ lạ ...

















Công bố ngày 01/03/2012



                                                                                                                               







Quan Âm, Tề Thiên Đại Thánh

Đà Lạt, 26.12.1972
Từ chiều hôm qua anh bắt đầu công việc sửa soạn rời Đà Lạt. Trả mùng mền, áo lạnh cho nhà kho, trả sách mượn cho thư viện, thanh toán tiền bạc với Hội Quán Sĩ Quan ...v...v... phải đi khắp các phòng sở cho người ta ký nhận là mình không có mắc món nợ gì của trường, có hoàn tất đầy đủ thủ tục mới có thể rời đơn vị được. Thật là mất công, phải hôm nay nữa mới xong. Trả sách thư viện, anh đã đền 450$ để giữ lại tập Rubaiyat của Omar Khayam, tập thơ say của ông thi sĩ Ba Tư hồi thế kỷ XIV. Bản in quý, có tranh vẽ, thật đẹp không ngờ lại rẻ thế - nhờ là in hồi đầu thế kỷ, truy trong mục giá đề có 95 xu thôi. Anh đã giữ tập thơ này cả năm nay, gối đầu giường đọc hoài không chán. Đó là tất cả kỷ niệm hai năm hơn ở trường Võ Bị.

Hôm qua cũng say một bữa khá ở nhà người bạn không con. Lúc say vẫn thấy nửa đầu phía sau có cái niềng sắt nịt bóp. Nhớ hồi xưa đi học nghe ông thầy giảng về Pascal nói Pascal cũng mắc bệnh đau đầu, để có thể suy nghĩ được Pascal đã phải làm cái niềng có chốt vặn siết đeo trên đầu, mỗi khi nào đau quá thì siết cho cái niềng bóp giữ thật khít. Chẳng hiểu có đúng không, hồi học anh cho là ông thầy bịa chuyện tán tụng vì quá mê Pascal. Bây giờ anh tin. Đau đầu mà cứ nghĩ kiểu Pascal thì quả là dại. Việc gì nghĩ lẩn thẩn cho mất công. Để trị cái con khỉ lí lắc phá trời phá đất là Tôn Ngộ Không, Phật Bà Quan Âm cũng tròng cho nó một cái niềng sắt bao quanh đầu. Anh là Tôn Ngộ Không, còn không hiểu ai là Phật Bà Quan Âm? Em đoán xem.

Tuy nhiên về phòng, nằm thẳng cẳng, khỏi cần mùng - thành thói quen rồi - ngủ say. Không uống thuốc, rất ghét thuốc. Vạn bất đắc dĩ anh mới dùng thuốc. Sáng nay dậy thật sớm, thấy êm. Bây giờ thì lúc nào cũng thường xuyên thấy ê nặng nửa đầu sau nghĩa là bị cảnh cáo coi chừng có đeo niềng sắt đấy, hễ bị niệm chú là lăn lộn bưng đầu hết thước chữa. Chiều bữa qua nhận được thư ngày 24 của em mới biết nửa tháng nay đau không hay trời đất cũng là vì bị "hầm hè". Đêm qua ngủ ngon chắc là nhờ không bị niệm chú.

Sau đây là công trình mấy ngày lạnh:

1.
Nàng nghe hết thẩy âm thanh trong trời đất
Hết thẩy dư vang khuất lấp đời ta
Nàng hóa thân một tiếng ngã rớt
Bay dò thăm thẳm suốt hồn ta
2.
Tay xòe đóa sen
Mày nổi vầng đêm
Nghiệt súc, trời lồng lộng thanh thản
Mỗi búp tay mỗi đỉnh non
3.
Mắt khép mặc tình ta nhẩy nhót
Nhan dâng hồng nguyệt vợi thinh không
Ta cơn trốt bụi sao cuồng khấu
Hạnh nguyện nàng rong ruỗi chập chùng
4.
Hỗn mang trời biển sơ khai
Xuân thu chia giạt bến mê dài
Vời xa gió ngọn chan cô tịch
Ánh cười rạng nở phôi thai
5.
Dưới núi nằm sấp hầu nghe chừng
Hồn tinh hang hốc bặt hồi âm
Giấc đá nghiêm sâu vỡ thoát kiếp
Mộng ẩn thâm u bồ tát nàng

Chắc rồi còn nữa. Tán hoài không hết. Chẳng rõ em ngán chưa? Ngán thì bảo. Noel vui không? 25 tính sang thăm nhưng ngại lỡ tầu như 24. Tối 25 thì gió đùng đùng lại thôi. Cả ngày làm thơ miết....



Trái tim ngậm trong miệng

3.11.1972
Anh không ngờ em biết vẽ mà lại vẽ đẹp nữa. Em không thấy em hơn hẳn anh một nguồn thú tuyệt vời sao? Vẽ là cái món anh dở nhất. Dở không thể tưởng. Hồi đi học cái môn dessin là đứng bét. Ngay như anh học toán mà chẳng bao giờ anh vẽ được một đường thẳng cho ngay dù có thước, chẳng bao giờ vẽ nổi một vòng tròn cho khít dù xài compas. Tay vụng. "Hậu đậu" lúc bé cứ bị nhà mắng vì hay làm vỡ đồ vật, giống như anh chàng Le Petit Chose vậy. Viết là dở nhất, vẽ và nhạc là tuyệt. Anh thích chơi với mấy người vẽ và nhạc là vì anh coi trọng họ hơn là người viết. Khi em vẽ, em vừa làm việc bằng chân tay, vừa làm việc trên chất liệu cụ thể, những chất liệu khó bị làm cho hư ngụy (chữ nghĩa ai muốn hiểu sao thì hiểu, chứ còn đỏ là đỏ - xanh là xanh) và những gì em tạo ra nó hiện hình sờ sờ nguyên vẹn là của em. Anh chơi rất thân với Duy Thanh - Ngọc Dũng, phục tài một hồi - nhiều năm trước - bị lây anh cũng đòi vẽ nhưng chịu chết. Chẳng thể nào anh tạo ra cái hình thù gì cả.

Hôm kia ra phố trông thấy cái bìa của Duy Thanh là anh nhận thấy ngay tức khắc. Nét vẽ của mấy người bạn anh để đâu anh cũng nhận ra. Anh yêu sự giản dị, khỏe mạnh, trữ tình của DT không thể tưởng. Kỳ triển lãm đầu tiên của anh ấy ở SG năm 55 phần lớn tên tranh là anh đặt tên, anh còn nhớ vài cái tên như: Đường hoang đầy - Biết gửi về đâu - Chiều với ngó đỉnh cây - Mai về tình thơ hôm nay. Em có thấy cái tranh vừa rồi của anh ấy dễ thương không? Cái nền hồng thật mát. Mầu hồng trong các bài thơ của anh là cái mầu hồng đúng như thế. Còn cái hình dòm anh có cảm tưởng anh ấy nghĩ đến anh, vẽ anh. Cái đầu nhìn nghiêng của đứa con trai giống hệt mấy cái anh ấy vẽ anh trong tập Tôi Không Còn Cô Độc. Đứa con trai hôn trái tim có đường rạch vu vơ phía sau và những giọt lệ đá xanh (hay những chiếc lá?). Anh có chủ quan không? Anh mà hỏi anh ấy, chắc chắn sẽ được trả lời lừng khừng: Chắc thế, không nhớ nữa. Bữa nào em gửi cho anh xem một bức vẽ của em đi.

















Công bố ngày 25/02/2012


                                                                                            







Mais désespérément

Sài Gòn 4.11.1973
Anh cũng vậy. Anh cũng tuyệt vọng.
....................................................................
Mặc dù nghĩ nhiều phần em không đến, chiều nay anh vẫn chờ, đứng dáo dác ngoài cổng cho đến khi người ta kéo rào sắt cô lập khu vực và cổng Vườn Thú đóng. Vào đọc lại thư em. Rồi mở thư viết tiếp. Anh có ý định đưa thư này trao tay như em vẫn làm nhưng số nó nặng nợ với bưu điện. Chốc về ăn cơm anh sẽ bỏ hộp thư vậy. Em tránh gặp anh để khỏi làm phiền, tránh viết cho anh này nọ để anh khỏi đau đầu, giống hệt như anh vậy, anh cũng lẩn tránh thế. Thật tâm có lúc anh mong em quên được anh cho em nhẹ mình, em cũng nghĩ thế phải không? Nhưng thôi không nói những chuyện tầm phào ấy, em lo chữa bệnh xong đã. Ưu tiên một đấy. Còn anh cứ đành làm thơ và viết nhăng. Sáng nay ngồi trực anh làm nhiều việc lắm. Trước tiên là làm phần mở đầu của một bài thơ có tựa "lập dị" Mais désespérément. Mais désespérément, anh mê mấy cái âm vớ vẩn đó và sẽ làm một bài thơ xuân theo commande của Mai Thảo cho Văn. Em thừa nghe thấy bài thơ thế nào, nó sẽ quay quanh cái thème "khi em trở lại", đại khái như:
Khi em trở lại, anh mơ hồ giữa rừng tuyệt vọng thao thức
Những lao xao trăn trở gọi mùa
Khi em trở lại anh mở bừng mắt giữa chiêm bao bối rối
Vô vàn cô đơn ấp úng


Sài Gòn, 5.11.1973
.............................................................................
Còn lẽ nữa, nếu em để ý từ hôm sáng thứ bẩy đó em thấy, anh mất bình tĩnh. Anh đang lơ lửng giữa không trung. Anh đang bắt đầu "Mắt Bão" mà. Mỗi lần bị hớp vào trong trí tưởng tượng là y như rằng anh múa may kỳ cục. Em biết không anh phải tạm đổi Mắt Bão thành Kẻ Bại Vong hoạc Kẻ Vong Tình. Có thể sẽ còn đổi nữa. Và trước lúc em ngồi trong ghế bành, anh phải bỏ ra ngoài vì chịu không nổi cái đầu óc. Trên tờ giấy ghi anh mới chỉ viết nổi hai giòng: La Narratrice - Thành phố cũ. Anh cố nhìn sự vật bằng mắt của em, của người đàn bà. Quyển sách sẽ thành hình trong nhãn quan ấy. Điều anh chưa từng làm. Em thấy anh dáo dác có phải không? Gặp em anh sung sướng nhưng cũng cực nhọc vì sự vụng về lơ đãng của mình. Sáng chủ nhật làm thơ, dịch thơ, viết thư sung sướng nhất. Hóa ra em cứ như bị "tế sống", anh buồn thêm vì thế. Đó là sự sung sướng hết sức ích kỷ. Em cũng thấy vậy phải không?
Em đang làm nhòa mình để đến với anh và anh đón em bằng cách đẩy em bật trở lại.

Ôi thôi, nói hoài chẳng hết. Anh xin lỗi, cám ơn, xin lỗi hoài không hết. Thành ra "nghề của chàng" là xin lỗi.

Sài Gòn, 22.11.1973
Sáng nay trời trở lạnh. Anh bắt đầu thấm, cảm cúm, khan cổ. Đi làm mặc áo dài tay. Nghĩ em đến bữa nay hoặc mai. Nhưng cũng nghĩ luôn là em thấm mệt, thấm trận mưa bữa đó. Đúng không? Buổi sáng làm xong bài thơ bỏ dở từ đêm chủ nhật em tới. Chép cho em đọc đỡ buồn trước khi chép cho Văn.

Mais désespérément

Khi trời tuôn những trận mưa mù
Gió, gió quỷ quyệt
Qua những vùng xanh biến tích
Gió, gió hú trời lưu lạc
Buổi tàn đông
Mờ bạc sông xa
Đứng giữa cỏ hèn giá
Ngọn kiêu trơ
Rụng cuống lá chót
Ngã trên đất mủn rời

Khi chỏm núi cao tạc tượng ác
Giấu mặt mây đùn
Mặt lở lói phế khuyết phô cổ đại
Rừng trăn trở lao xao
Mùa cay nghiệt
Chim nào sống sót
Ngậm tiếng than sau cùng
Giọt nắng hè rực máu
Đồng lụt bão bải hoải mênh mông
Nước cuốn tuyệt vọng
Con thú nào buốt cóng vẫy vùng
Giữa mắt chiêm bao thức

Em trở lại, bắt buộc trở lại. Em vô vàn cô đơn ấp úng
Dù mùa xơ xác tan hoang

Em trở lại hãi hùng thất sắc
Lửa chụm cành mục lìa
Cành góp lượm
Nhánh trụi gẫy
Khóc mịt mờ nước mắt dàn dụa
Trong mưa khép nép bình minh
Em kêu: em trở lại em trở lại
Thấy không lửa đơn sơ lung lay
Phụt tắt
Lửa xanh xao rồi xỉu ngất
Theo gió bay bờ bãi tiêu sơ

Em trở lại , bắt buộc trở lại. Em biết bao khốn đốn
Lập cập ngoài lau lách tả tơi.

Em trở lại run rẩy cùng cực
Những lối mòn bối rối gió mê man
Nín lặng tha ma nín lặng khắp
Nơi xóm làng nơi phố phường
Nơi trốn lũ
Nơi mộ địa bằn bặt khóc
Em kêu: em trở lại em trở lại
Thấy không nổi dậy những hoa phô
Ánh sáng khiếp đảm tươi
Nhắc nhở nhắc nhở mãi
Mạch ngầm ứa lệ lộc non nhú
Sinh huyễn đời côn trùng
Bóng trời tá hỏa trầm
Bóng trời xanh hoảng hốt
Khúc hát vang lừng xuân tự ải

Khi sông gọi biển trời gọi mùa thầm thì anh gọi em
Giải sông trắng lấp trời, biển vỗ ru huy hoắc em trở lại
Hãy ẩn mình trong chấn động tàn rơi

Hôn em. 12g15'

















Công bố ngày 20/02/2012


                                                                                                                            












Khúc cầm xanh

Đà Lạt, 27.10.1972
Đảo xa,
Trong cuốn băng có một mặt của Bach và một mặt của Beetho. 5 khúc của Bach anh chọn cho em nghe đều là 5 khúc anh thích và thường nghe vào sáng sớm hoặc lúc chiều bỗng rực hiu quạnh. Khúc dạo mở đầu tưng bừng. Khúc đàn dây du dương ngọt ngào (khúc này trích trong suite số 3 của Bach - đoạn 2) dàn nhạc do Pablo Casals hướng dẫn. Tên Pablo Casals có nhắc nhở em nhớ gì không? Espagnol, tay đàn đại hồ cầm nhất thế giới vừa ăn mừng sinh nhật thứ 90 năm ngoái năm kia gì đó. Tất cả các tay kéo đại hồ cầm trên thế giới đã kéo nhau đến tụ họp, mừng tuổi cụ, mỗi người mang theo cây đàn của mình và hòa tấu cùng với cụ. Pablo này cũng vĩ đại như Pablo Picasso bên hội họa. Hai Pablo năm 7, 80 tuổi đều còn nồng nàn và đều lấy vợ, vợ khoảng 20 tuổi. Một người vẫn còn kéo đàn và một người vẫn còn vẽ. Anh có được nghe một bộ đĩa quý gồm những tác phẩm của Bach do Casals tình cờ lục kiếm thấy, một mình Pablo đàn và thỉnh thoảng nghe nổi giọng ngâm nga của Pablo theo tiếng đàn của mình. Tuyệt. Em có thích tiếng đại hồ cầm không? Anh mê. Đêm qua anh đã thu vào băng 7 biến khúc cho Piano và đại hồ cầm của Beetho trên một thème của Mozart nhưng lại phải xóa đi vì thiếu chỗ. Nếu em thích  lần sau anh mua cuốn băng 90 và sẽ thu cho em nghe những khúc đại hồ cầm của Beeth. Anh cũng có một cuốn băng ru mình ngủ. Pablo Casals độc tấu những điệu ru ngắn.

Khúc thứ 3 - Sleepers awake -  cũng như khúc trám sau Sonate của Beetho - Jesus, Joy of Man's desiring - có tính cách tôn giáo. Tuy nhiên nghe thoáng, bổng, mát mẻ và trầm tĩnh nhường nào. Có phải không em? Nhưng tuyệt nhất là khúc Toccata and Fugue. Anh nghe hoài không chán những Fugue của Bach. Tuyệt đỉnh nghệ thuật của Bach và cách viết Fugue (nghĩa là có bao nhiêu giọng đều cùng trổi hết vẻ của mình, tưởng như ganh đua hỗn độn mà hòa hợp tài tình) là cái Bach mang đến cho âm nhạc. Nghe Fugue mới thấy tràn trề, yêu đời, nồng nàn, cởi mở nghĩa là đúng như em nghĩ " hạnh phúc túy lúy". Nhưng em nhớ, Bach mập lắm "túy lúy"  mà vẫn vững vàng oai vệ không hề "lảo đảo" "hụt hơi" "chân nam đá chân xiêu" thảm hại đâu. Em nghe kỹ xem.

Trước khúc Toccata and Fugue, là Little Suite. Đúng là little. Nhỏ nhẹ, dễ thương, gọn gàng, giản dị hết sức. Nhưng đâu có kém đằm thắm. Bach thường viết ngay lập tức dễ dàng những exercices để dậy con. Chắc đây cũng là bài Bach viết buông bút, không chút cầu kỳ.

Chỉ có thu đến Beeth là anh mệt. Đêm qua anh đã thức đến 2 giờ sáng chỉ vì loay hoay chọn bài. Thu xong xóa, rồi nằm nghe lại những bài định chọn, chừng mệt thiếp anh trùm mền ngủ luôn khỏi giăng mùng. Sáng nay ở Hội Quán về, thấm mệt, mắt mờ, nhưng cố thu cho xong. Khất hẹn hoài lại bị riễu là ba đía. Mới đầu anh chỉ tính thu toàn Bach cho em, nhưng cả hai mặt bande lại dư mỗi mặt vài phút.........
..............................
Rồi anh sẽ thu cho em Sonate à Kreutzer để em so sánh. Cũng vẫn chỉ hai cây đàn, nhưng viết về sau này với đầy đủ đặc tính của Beetho - kỹ thuật cũng như xúc cảm - Em có đọc cái truyện ngắn của Tolstoi lấy nhan đề bài Sonate này chưa? ( Anh thì chưa đọc vì anh vốn ghét Tolstoi)

Tối qua thu nhạc, nghe no - kể từ bữa ốm dậy - trông cảnh cũng khác thường. Trời mưa lây rây, chớp lóe thật nhiều. Khoảng 10 giờ xuống Hội Quán uống cà phê với Cường trở về, cái áo khoác dầy em đã từng trùm, bám ướt. Ho lụ khụ, uống thuốc như ông lão. Nửa đêm mưa dứt, trăng xanh lè chiếu vào phòng. Thấm lạnh. Tưởng thế nào sáng dậy cũng có chầu khặc khừ. Vậy mà 6 giờ sáng đã nhỏm dậy, nghe trước Khúc Mùa Xuân rồi mới đi ăn sáng. Mệt, nhưng là cái mệt của người đã khỏe.


Đà Lạt, 30.10.1972
........................................................................................................
Sáng nay trở dậy 05 giờ sáng. Vừa để nhạc thu vừa viết cho em đây. Bây giờ là 7 giờ, đã có nắng. Đã thu xong mặt gồm mấy cái Sonates cho cello và piano và đang mở nghe lại. Còn mặt kia sẽ thu Sonate à Kreutzer. Chắc ngày mai có thể đi gửi cho em cùng với thư này.

Cùng với những ngày thu này, chắc là anh sẽ đầy rượu chát và nhạc. Nghe Beeth no nê. Trưa chủ nhật ở phố về, mua kim mới, anh cũng đã nằm nghe suốt buổi cho đến giờ hẹn với hai vợ chồng người bạn. Sonate à Kreutzer khỏi nói em nghe cũng sẽ thấy rõ cái chất của Beeth. Riêng mấy cái Sonates cho cello và piano, anh đã chọn cho em mấy bản thủ thỉ dễ chịu. Sonate Op. 69 vào cái thời Beeth còn chịu ảnh hưởng của Haydn, Mozart, chưa phá. Sonate Op.102 số 1 đã thấy cái mầm mống của những tác phẩm đặc Beeth sau này. Kế đó là 7 biến khúc trên một thème của Mozart là sự hòa hợp thú vị. Em biết Mozart là một tâm hồn nghệ sĩ thuần trời cho, bay bổng tự nhiên không hề có chút vướng mắc, nghe Mozart chẳng hề thấy bợn chút bụi trần. Chỉ vào khoảng cuối đời, ở mấy cái symphonies 39-40-41 của ông mới thấy tỏ lộ tính bi thảm của trần thế. Beeth là một tâm hồn đối cực, lãng mạn hùng vĩ, đó là con phượng hoàng bị tên ghim đầy mình vẫn bay vút được đến chín tầng trời tung tiếng kêu thảm thiết bồi hồi xuống nhân thế. Mozart chính thống trữ tình, Beeth chính thống lãng mạn. Beeth khép mình vào cung bậc của Mozart, đẩy sự tung tăng vô tư của người trước vào những lối nồng nàn hệ lụy. Rồi anh sẽ thu tiếp cho em nghe thêm 12 biến khúc khác cũng trên một thème khác và những biến khúc trên một thème của Haydn. Em hãy lắng nghe tiếng cello- trầm, nặng, đầy nam tính. Em hãy nghe lúc vào khuya, lúc hiu quạnh nhất. Em nghe và cam đoan em không phải thở đâu. Em sẽ thiếp đi trong bàng hoàng, trong heo hút. Em sẽ nghe như anh đã nghe trong những đêm lồng lộng của anh đây.

Anh cũng gửi theo cho em bài Tạp ghi thứ 2. Bài thứ 1 anh không có. Từ ngày ấy anh cũng chẳng viết thêm bài nào nữa. Tửng tửng hoài anh cũng đã chán. Anh sẽ nghiêm trang hơn. Để viết quyển truyện tình của anh - không cứ bị em chê hoài, kỳ quá. Nghe em đọc bài của H.P.A xong chê anh bậy, bậy, anh lại thấy thích mới chết. Bởi chính anh đọc bài ấy cũng thấy ngộp.Thường anh chẳng hề chú trọng coi xem người ta nghĩ gì về mình, phê bình gì về mình, bởi mỗi lần ngó thấy anh đều thấy như mình bị đóng đinh. Anh đã là như thế nhưng anh còn có thể khác chứ. Sao cứ bắt anh như vậy hoài. Cho nên anh chẳng bao giờ xúc động lâu về những điều đàm tiếu, thị phi hết. Em đọc bài Tạp ghi chắc thấy rõ khởi từ đâu anh viết nó. Phải không?

Thôi bắt đầu chóng mặt. Ngừng đây. Viết cho anh như anh đang viết cho em.













Công bố ngày 07/02/2012








Hải đảo


Trên biển mù sóng cuộn
Ngày lộng tuôn như máu loang khô
Sóng thảng thốt dập vùi hải đảo
Cửa ngàn trùng gió mở toang
Nâng niu máu rỉ cườm tay nhỏ
Thời khắc câm tiếng nỉ non

Hải đảo xa vời em
Trên miền non cao rừng rú
Gió gào giận khốn tù
Trong cõi mộng hung tàn
Một mùa đông dài bão táp
Đêm qua ác điểu đậu cành khuya
Thả rớt trái tim ác độc
Trong một tiếng tang thương
Đêm qua gió cắp mộng lên non trốn chạy
Rồi gió hú van
Trong hành lang tối ám giờ lâm tử

Hải đảo xa vời em
Trời chuyển màu chớp xé
Cánh chim bay cánh chim bay
Vào mùa hư không trôi nổi
Khi bóng đảo chìm


                                    Tâm





Vang vang bài thơ trăng

30.09.1972
Mon ile,
Đã hết tháng chín. Thêm bài "Ngôi nhà đỏ" nữa. Thế có lãng mạn quá không? Bài thơ thứ ba, thứ tư nếu kể cả bài Đảo. Hình như còn nữa. Giống như họa sĩ đứng trước ngôi nhà vẽ vài chục bức, với màu sắc ánh sáng bố cục thay đổi. Giống như nhạc sĩ có một cái "thème" và nhiều "variations". Chưa bao giờ anh nghe mình du dương lạ thế. Anh nghe vang hoài "ngôi nhà đỏ trăng hồng..." và anh chỉ việc thêm vào chữ chót rồi theo rõi cả ngày, cả tuần những lúc quạnh hiu. Đã có trăng hồng hạ, trăng hồng lạ, trăng hồng lả... Còn những trăng hồng gì nữa anh sẽ thấy. Có thể anh viết hết cả xấp giấy này cho những bài trăng hồng chưa chừng. Ráng mà đọc nghe.


26.10.1972

Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng vằng vặc
Cửa xanh xao. Xoãi ngủ mái nâu.
Cây biếc lục. Trời tím than. Núi sững.
Phố bật vàng tuôn chảy dưới triền sâu.

Hạ đen mướt long lanh đôi mắt sắc
Cơn sốt ngày. Nắng trải thảm ham mê
Đẩy tung cửa nhốt thời gian ủ dột
Gió miên man lùa rạng rỡ đêm hè.

Chàng thở vội hương bay trên đầu dốc,
Ngực cồn cào. Trống hụt những âm quên
Bực đá gọi - tinh sương mùa thảo mộc
Gọi trắng trong. Lãng đãng. Chuông rền

Trên lối tưởng, đứng ngây. Mắt ứa lệ
Đêm xưa, trời si dại, biệt tăm.
Tường giãi im. Nàng ngửa đầu, chợp mộng.
Thềm hoang đầy. Xanh miết miết trăng.

Chốt lỏng gẫy. Cửa ngỏ không. Mờ hoặc
Chàng là ai? Ghế mộc quỵ rời chân.
Trăng dọi lối quanh co. Ngách lắng tiếng.
Chàng là ai? Chim kêu lạc. Tần ngần.

Nàng hớt hải ngoài vườn. Ngày huyễn ảo.
Thu lượm cành. Đốt lửa. Xốn xang trăng.
Nhà lảo đảo trên vòng xoay đám hội.
Gió khắp đồi. Lửa rực sáng như băng.


Mấy bài thơ về ngôi nhà này chừng đăng anh sẽ đề là "Biến điệu quanh một bài thơ cổ" Anh nhớ bài thơ của Thôi Hộ:

Tích niên kim nhật thử môn trung
Phấn diện đào hoa tương ánh hồng
Phấn diện kim niên hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Và anh sẽ đề tặng vợ chồng Nguyễn Tuấn Kiệt - vì chính họ mới là chủ nhân của ngôi nhà đỏ.




Quyển tiểu thuyết sẽ viết trong quá khứ

25.10.1972 
Đảo xa,
............................................................
Anh vẫn chưa viết một chữ nào. Cái máy chữ đặt trên chiếc bàn con ngay kế sau lưng bám bụi, cùng với cái cassette còn lắp cuốn băng Vivaldi nghe từ hôm bị đụng đầu. Hơn tháng không nghe nhạc, tại mải nghe những lóc cóc trong đầu mình, nghe những cơn gió lửa và tuyết thổi qua thân mình. Thật là tơi tả.

Anh chưa biết là quyển tiểu thuyết sẽ viết ở ngôi thứ mấy. Cũng chưa biết gọi nó là cái gì. Có hai cái tên có thể tạm dùng được thì bị hư rồi. "Ung thư" thì đã viết đăng tùm lum, đã đưa cho nxb An Tiêm lấy tiền tiêu mà vẫn chưa chịu cho in. Bây giờ mà đặt tên ấy nhất định là ông sư Thanh Tuệ sẽ đòi in và mình chẳng có đồng xu bản quyền nào nữa. Tên thứ hai là "Nỗi chết không rời" - hồi đi Thủ Đức trích đăng ở Bách Khoa đã dùng - sau bị ông Trần Phong Giao lấy xài ngang xương cho một tập truyện của 2 anh em ông Duy Lam mất. Bí ngay từ cái tên. Nhưng thôi cứ gác đó chưa vội gì.

Truyện anh định viết là một truyện tình. Truyện tình của hai kẻ không chỉ sống riêng với nhau trong một thế giới. Họ đều là những kẻ chịu chằng chịt những ràng buộc với xung quanh và mối tình chẳng bao giờ là của riêng họ. Họ sống với nhiều người, sống với hư tưởng bao trùm cả một đời. Và tình yêu sẽ như thế nào trong hoàn cảnh ấy? Anh đang chiêm nghiệm. Câu truyện tình của anh mang đầy những tham vọng. Nó sẽ cho người ta thấy những con người, một xã hội và một lịch sử nào đó. Tấn thảm kịch của hai người cũng là tấn thảm kịch của VN mấy chục năm trở lại đây.

Người đàn ông lúc bấy giờ gần 40 tuổi, xuất thân từ một gia đình "cách mạng". Ông bố là một cụ Cử, theo tây học, tiêm nhiễm từ sớm xã hội chủ nghĩa. Con cái nghỉ hè về làng là cụ bắt đi làm công việc đồng áng. Cụ tổ chức ngôi làng - mà cụ là kẻ có uy tín và thế lực- theo quan niệm xã hội. Con của cụ mang tên Tô - Nga - Đại - Đồng. Cháu của cụ mang tên Việt - Nam - Xích - Hóa. Trong những năm  1925 - 26 phong trào để tang cụ Tây Hồ, người anh cả trong gia đình bị đuổi khỏi trường học, bị cấm thi, một buổi chiều đã cắt đứt mạch máu ở cổ tay và chạy băng trên cánh đồng làng cho đến khi kiệt sức. Nhân vật chính là kẻ đã chạy theo anh ta trong buổi chiều ấy. Đó là cái background của nhân vật. Đại khái là vậy. Từ năm 45 anh ta đứng về phe QG và không tin tưởng chút nào - nhưng anh ta vẫn hoạt động.

Còn người đàn bà? Đó là một nhà văn. Một nhà văn nữ giới cách đây vài chục năm, em hãy tưởng tượng. Em có biết bà Thụy An không? Em đã đọc bà ta bao giờ chưa? Hồi còn ở Hà Nội anh đã trông thấy bà một vài lần trong thư viện. Đó là nhân vật thứ hai. Họ đã yêu nhau từ ngày xưa và bây giờ họ gặp lại nhau. Trong thành phố Hà Nội, năm 54, những ngày sau Hiệp định Genève. Cuối một mùa hè rực rỡ và một mùa thu hoang vắng.

Nhân vật chính của anh là người đặt chất nổ phá sập Chùa Một Cột vào một ngày thu. Và một buổi sáng lạ lùng ấy, người ta tìm thấy hắn bị ám sát chết trong một gian nhà hiu quạnh bên hồ nơi hắn và người đàn bà đã sống những ngày hạnh phúc đầu tiên trong đời của cả hai. Người đàn bà biệt tích. Đại cương truyện là như vậy. Có vẻ như truyện trinh thám. Trước khi Hà Nội được chuyển giao cũng đã xẩy ra vụ án ly kỳ với hai nhân vật là bà Thụy An và ông Đỗ Đình Đạo. Đỗ Đình Đạo bị giết chết. Đỗ Đình Đạo không phải là nhân vật của anh. Anh chỉ giữ lại bà Thụy An thôi.

Chính yếu là anh sẽ cố sức giữ cho không lạc, mặc dầu những sức lôi kéo và thu hút ở ngoài, là anh sẽ viết một truyện tình. Mọi thứ khác chỉ là bầu không khí. Anh sẽ cố sức viết quyển truyện tình này và anh hy vọng nó sẽ soi sáng cho anh nhiều thứ lắm. Em có nghĩ như thế không? Sẽ không hề có chút chi anh và em nơi đó, nhưng rồi em sẽ nghe thấy đủ cái âm vang của mùa hè và mùa thu mình đang sống đây ở đó. Điều quan trọng là em sẽ nghe thấy, anh sẽ phải làm sao cho em nghe thấy những điều anh không hở môi, cũng như anh sẽ phải làm cho anh thấy rõ hình bóng của em mà anh bắt gặp qua những bóng vang ở ngoài. Đầy tham vọng phải không? Anh hứa anh sẽ không làm biếng và lần này sẽ không bỏ cuộc như từ trước anh vẫn ưa bỏ cuộc. Anh bằng lòng làm nhà văn thực sự mà. Bởi anh có làm được gì khác nữa đâu, phải không?

Có lẽ về đến Sài Gòn anh sẽ bắt đầu làm việc. Những ngày còn ở Đà Lạt, anh vẫn cứ tiếp tục lững thững rõi theo cái thời tiết khó kiếm lại và chắc còn lâu mới mong thấy. Và anh sẽ vẫn tiếp tục làm thơ cho em coi. Bình tĩnh như chẳng có gì đáng kể, mà cứ kể hoài. Phải không em?








                                                                                                      

















Những bài thơ chưa bao giờ phổ biến, 
lần đầu tiên được công bố trên "Mượn Dấu Thời Gian"







Công bố ngày 30/01/2012



                                                                                                   








Thơ làm trên xe taxi




Trên taxi trở lại Sài Gòn một mình, anh làm được mấy bài thơ sau:



Bài thơ dài nhất đời
Lời nói rụng không cùng
Căn cớ chi chàng nói mãi?

Liên hoàn
Chàng đắm trong một vài phút giây
Mơ màng đời khánh kiệt.

Tiếp tục
Em thấy em thấy 
Nỗi thẳm hiện phô phang.

Tái tục
Trời đất nào chứng giám
Khi ta hoảng kinh phá đám đời ta.

Hậu
Kìa tóc cỏ phơi mưa
Rì rào hát lời tận số.


                                                    28.09.1973


















Công bố ngày 08/01/2012


                                                                                                                               











Thơ Tình





Je voudrais que mon amour meure
et qu'il pleuve sur le cimetière
et les ruelles où je vais
pleurant celle qui crut m'aimer

Mourning the first and the last to love me.

S.Beckett





I. Gọi em dậy

Gọi em dậy trời mờ trên đồi
Hớt hải mai xa ngựa nẹt đuôi
Lông bờm mướt, da căng, gõ móng mặt đất nhớ
Mai còn trăng, úa lững thững tuần trăng.
Trở về, trở về trên dấu cỏ sương

Gọi em dậy hoang mang mưa nhỏ
Rã rượi mai phố xám tường cổ thành
Hào rêu bèo, cầu đá, tường long lở
Mai ngu ngơ trăng soi giữa đầm trời
Trở về, trở về theo luống heo may

Gọi em dậy ngày còn lạ sảng
Bay trong vườn hơi hướng đêm thu
Rừng mắc cở mắt nghiêng tóc lả tả
Mai tinh mơ chết lửng tay hờn.
Trở về, trở về trả lốt tịch dương

Gọi em dậy Gọi em dậy
Nhìn tuốt chiêm bao cười cợt gió
Đỉnh núi ngất xanh khắc tình sầu


II. Chiều lặng thinh ngoài

Chiều lặng thinh ngoài, chiều thân thiết
Chiều chưa bao giờ
Như nụ hôn ủ
Của thinh không chết điếng
Cây khờ trong gió chao

Tình một đóa thắm
Bỗng một mùa giông
trong đêm hè khánh kiệt

Náu mình bên ghềnh đá
Nghe tiếng thác nhòa
hát
Vi vu khúc mùa đông
Khiếp đảm đời kiếp kiếp

Đợi gió thổi tan chiều
Và nỗi thờ ơ bảng lảng


                                                 Pourquoi survivre poètes décus
                                               Que chaque verbe conduit au suicide?
                                                                          A.Bosquet


III. Thổi biệt mù tới

Thổi biệt mù tới
Thổi ta đi.

Chim kêu líu lo
Trong bão táp
chẳng nín.

Thổi lặng ngắt xứ xôn xao
Thổi tan vỡ

Hạnh phúc những chùm lá reo
Đá mê thiếp
Miếng hôn đau bằn bặt

Thổi mờ mặt mũi ta
Lênh đênh thể dạng.

Đồi tở mở ngây
Đêm cồn cào
Lũng dâng tàn lửa

Thổi vang huyên náo
Thổi trống dư thừa

Đốm sao nhào biệt
Cõi trời góa
trên giải sông trầm

Thổi em đến ta
Thổi ta mất tích.



IV.

Chúng ta đứng hong phơi. Mưa dìu dặt. Gió xô vỗ sau lưng, lao đao dưới vực. 
Đứng mê man như cây ẩm, lá sũng trong tối.

Thành phố nào đã xa rời ? Bật sáng đèn đóm trong khuôn các cửa nhà. 
Thành phố nào đó ? Đâu bóng chúng ta ? Chập chùng đáy lũng lượn lờ triền đồi. 
Thành phố không dưng kể lể. Có nghe ? Có nghe nỗi niềm cao thấp chênh vênh ? 
Có nghe biền biệt giữa trời nổi gió ?

Chúng ta. Này vẫn chúng ta. Từ bao lâu ? Còn chúng ta ư ? Như thể mọi mảnh gió cuốn. Như thể tẩn liệm trong băng, kết khối. Chàng như tượng đá trồng sườn non. Giống nàng cô phụ. Nàng cười rộn theo mưa rũ tóc.
C'est formidable, c'est ridicule, c'est merveilleux, c'est toi ...

Mưa thêm cũ kỹ. Chúng ta cũng cũ kỹ và huyền hoặc. Thành phố lập lòe rền chấn động. Những luồng sóng truyền nứt rạn ôm kín. Ruột đá nát. Chàng thấy biển nhấp nhô hèn mọn. Một mùa mưa cổ kính phiêu bạt theo đêm thu muộn ru chàng. 
Mộng lẩn vào rừng. Mưa bay tìm lối. Lối nào đâu ? Lối nào đâu ?

Trong giấc ngủ đầy của sự thể, gió động miền hoang dã. Mộng đâu ? Mộng đâu ? Gió gọi. Mưa lay. Gọi đứa trẻ lưu lạc giữa chiều nắng quái ngoài đồng, đứa trẻ bó gối buổi mai bên bờ nhìn hồ sương phủ, đứa trẻ lang thang theo con chó đói ghẻ lở vừa đi vừa liếm vết thương trưa nắng trên hè thành phố. Thành phố xụp đổ.
Gọi đứa trẻ hãi hùng tuôn chạy xa tiếng gọi.

Mưa còn đó không ? Mưa dìu dặt. Biển sóng nguôi ngoai ôm thành phố lặn chìm. Chàng đã hư hao và rộn rã. Còn nàng ? Nàng vẫn cười như mưa thấp thoáng. Nàng vui vầy như mưa và cỏ rối và đêm và trống trải. Phải chăng ?
Nàng bật khóc như mưa.



                                                                         Tháng 8.72

                                                                           Tâm




















Công bố ngày 22/12/2011



                                                                                                                              







Nằm Võng Những Ngày Cuối Năm




Mắc võng ngang hai đầu sinh tử
Dưới trời sương bẩn, lớp mưa thưa.
Cây yên khuất thần sầu quỷ khốc
Nắng cạn niềm bải hoải sau xưa
Ngày choáng váng nôn nao tịch diệt
Năm hồi sinh chóng mặt im trơ
Đong đưa sóng thảm chiều im lặng.
Cùng kiệt trôi rực rỡ bóng thừa.


Mắc võng bên bìa rừng thâm hiểm
Quạnh trăm năm, trời đất xanh xao
Chim bay mỏi, chông chênh sa lạc
Đồng bãi nghiêng, bằn bặt âm hao.
Lá phủ rợp, nồng ngây thảo dã
Tình ơi tình, say mứa chiêm bao
Bổng chìm heo hút quanh vòm bẫy
Cây gọi cây, lạnh ngất lửa sao.


Mắc võng trên đỉnh khuya mờ gió,
Trời tuôn bay, thấp thỏm đáy sâu.
Đá quặn ruột, đá hờn kết tụ.
Cỏ buông hơi, cỏ kén thâm u.
Rễ níu sững sờ tim cổ đại
Mỏm khờ hai hớp giấc thiên thu
Thơ ơi thơ rũ cuồng cơn chết
Lồng lộng non xa thở tuyệt mù.


Mắc võng ngang biển gào vô lối
Ào ào cô quạnh ngõ môn sinh.
Đất lênh đênh, sóng tàn hơi đuổi
Thốt tiếng không, đảo dạt lặn chìm
Tình đắm hoang mang, lời huyễn dụ
Đêm chưa đêm, vật vã sơ sinh.
Bọt lả tả, ngày còn biến mặt
Trời tinh khôi, trắng xóa nhịp kinh.


Mắc võng trong vườn hoang kiếp phế
Nghe em về, hấp tấp mê hoan.
Đón cửa nẻo, lưới giăng bắt mộng.
Lá xum xuê, xô rạt bàng hoàng
Buổi khốn lụy đưa chân thảng thốt
Thưở xa vọng hiện bước canh tàn.
Đừng khóc. Võng đu ngoài cõi biếc
Chợt đứt rơi, thoảng tiếng gẫy ròn.


                                           6/2/73









                                                                                              pnfoto









Tắm Giếng Đêm Trăng

Trời còn đêm nay còn mãi mãi
Sao như lệ ướt không muốn rơi.
Hồn đuối trăng nghiêng trăng bờ bãi,
Thả đắm dung nhan giữa giếng khơi.
Cười vắng riêng mình, tuôn nước dội.
Thân nhẹ mênh mông rực sáng ngời.
Tản thần em mọc túa hắt hủi,
Xõa tóc làm ma cợt ghẹo người.   

                                                                  04/10/1972









                                                                                                     







Attenzione *

Trong trời gió xô mây chạy hoảng
Rừng thông cao như đám ngựa quần.
Ngựa bị buộc cơn giông khô tối
Hí vang rần sóng lớp bạt ngàn

Trăng nhỏ thó nhấp nhô huyễn hoặc
Chạy theo mây thở dốc khốn cùng
Hơi giá ướt đẩy chân bấn loạn
Ngựa lạc bầy đốc chứng hớp trăng

Hú dùm ta còi dài thảm thiết
Mối bi thương nhốn nháo cười hoài
Hú dùm ta gọi nàng lồng lộng
Kìa hố riêng nhào tới té lăn


                                                                   Tâm


* Tác giả có vẻ như đã viết nhanh bài thơ này trên một mảnh giấy ghi vài lời 
" lưu ý " của một hãng thuộc da Italie.




















Tác phẩm đã xuất bản:














Liên, Đêm,  Mặt Trời Tìm Thấy 

(thơ. Sáng tạo. 1964)

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4571 
















Khuôn Mặt 


(Tập truyện ngắn, nxb Sáng Tạo 1964)

http://motsach.info/story.php?story=khuon_mat__thanh_tam_tuyen&chapter=002
























Bếp Lửa 



(tiểu thuyết)
(nxb Nguyễn Đình Vượng. SG, 1957)

http://4phuong.net/ebook/69754562/bep-lua.html


















Dọc Đường 




(Tập truyện ngắn . 1966)



















Ba Chị Em 



(Kịch, 1967)
















Cát Lầy 


(tiểu thuyết. nxb Giao Điểm 1967)























Tiếng Động 

(tiểu thuyết. 1970)
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13475&rb=0103




  



























Tạp Ghi 

(Phiếm luận, 1970)


















Thơ Ở Đâu Xa 


(thơ. Trầm Phục Khắc xuất bản. 1990 . Hoa Kỳ)
http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/ThanhTamTuyen/TTTuyen-amvc.htm






















Một Chủ Nhật Khác 

(tiểu thuyết . nxb Văn.  1975)



























tiểu thuyết chưa xuất bản:

Ung Thư

Du Ngoạn Mùa Đông





















Tiểu luận 







Sống, Viết






Mémoire est le rassemblement de la pensée fidèle.
(M. Heidegger)
J’ai dit facile et ce qui est facile
c’est la fidélité
(P. Eluard)






ÓNG ÁNH HƯ NGỤY
Mỗi phen cầm bút viết về văn chương — làm một thứ văn chương trên văn chương — tôi hiểu rõ mình đang sống thời buổi khủng hoảng. Văn chương nhất thiết là hồn nhiên, ngây thơ hay không, tôi chẳng rõ. Nhưng đối với tôi khi nó cần trông thấy nó qua phản ánh của nó, không thể phủ nhận là nó đang truỵ lạc, sa đoạ. Nhất là buồn bã.
Mỗi phen, tôi đều lập lại với tôi khẩu hiệu: Enfin, j’écris. Enfin, đó là tín hiệu của người bạn thân phát ra giúp tôi nhận biết anh ta bắt đầu say. Trong cuộc rượu của chúng tôi đã tới một thời điểm gay cấn, hãy nhận Enfin, báo động cho bạn bè, những kẻ ngồi chung cuộc, rằng: bất ổn, bất ổn, chán quá, chán quá, tôi quyết định đẩy cơn say đến cùng, đánh đắm mình vào mông lung, mù mờ, hỗn độn. Như Hamlet kêu: “The time is out of joint” (Thời gian đã ly tán). Như Hamlet, chẳng còn hiểu đời sống, hươi gươm đâm chết nàng Ophélia. Cơn khùng điên óng ánh những mảnh minh trí vỡ nát, những mảnh sao băng miệt mài, không một giây đốn ngộ, từ khước đốn ngộ — chẳng thể ôm ấp đời sống mênh mông vô hạn. Đó định mệnh của văn chương trên văn chương, nỗ lực soi rọi mù mờ bằng những ánh mù mờ, nỗ lực kết tập thời ly tán bằng những đun đẩy ly tán.
Enfin, j’écris. Enfin, je crie.
Thảm thiết chưa, cũng lố bịch chưa, văn chương kêu la tắt tiếng trên văn chương. Văn chương soi bóng làm bộ làm tịch trước văn chương. Mỗi phen tôi đều nổi da gà, nhờm tởm, thấy mình đang đóng vai chủ chứa trong tấn kịch Bao Lơn (Le Balcon) của Genet. Trong nhà chứa của mụ này, mỗi phòng được bài trí một kiểu dành riêng cho một vai nhất định mà khách chuộng đóng — tu sĩ, tướng lãnh, quan toà, cách mạng — với đầy đủ y trang và các thứ phụ tùng cần thiết để đóng trò — mọi trò điển hình của dục tính thác loạn — nữ nhân là phụ tùng thiết yếu, nhưng phòng nào cũng có gắn gương để cho các đương sự có thể nhìn ngắm mà sửa bộ.
Ngôi nhà chứa ở trong một thành phố dấy loạn. Và trên bao lơn của nhà chứa, khách làng chơi và gái giang hồ dẹp loạn.

LE POÈTE MAUDIT
“Tôi viết chỉ bởi lẽ tôi không thể nào làm khác.” (Je n’écris que parce que je ne puis faire autrement) và “Đáng nguyền rủa thay con tim không biết đường tự chế.” (Maudit soit le coeur qui ne sait se contenir — "Penthésilée"). Đó là những lời than thở của Kleist, đối cực của Goethe.
Tôi tự hỏi còn không cái tông giống thuần khiết kia? Gương mặt ngửng cao dưới bầu trời giông bão, trán hứng nhận sấm sét và cất giọng gào ca một điệp khúc hân hoan thịnh nộ của con người, ganh đua cùng trời đất quỷ thần. Quả nhiên là cái tông giống đáng nguyền rủa, dập vùi. Đáng nguyền rủa cái hào quang của tuyệt vọng, đáng dập vùi cơn đam mê khốn cùng của một tông giống.
Keats hát: “Hạnh phúc thay ở trần gian này lại còn có nấm mồ (Je suis heureux qu’il y ait ici bas une chose telle que la tombe).
Nhưng còn không, còn không những vầng trán hiền lộng mênh mang của một cõi ngoài, những cửa miệng há mở cho nhảy thoát con tim đỏ ối, những đôi mắt căng banh dập dồn ánh lửa uy linh một đời khác? Còn không một tấm lòng trinh bạch? Còn không chút thơ ngây dại dột, chẳng làm tuồng?
Nhận chịu bị nguyền rủa (không phải được bị nguyền rủa) - chẳng hiểu sao, bởi không thể khác — như con chim thất lạc giữa mùa đông băng giá, cất tiếng kêu thảm thiết gọi nắng, gọi hoa và đợi chết? Chim bị nguyền rủa, chẳng nguyền rủa. Còn không? Còn không?
Dường như sau buổi tân hôn bi tráng của Kleist, tắm đượm niềm hoan lạc phi thường — Tử thần lẫm liệt uy nghi đã bị Kleist nặn thành tượng trưng bày — cái tông giống kia không thể tồn tại bởi không thể vượt hơn. Hãy nghe Kleist viết thư từ biệt cô em gái:
“Que le ciel t’accorde une mort qui ressemble, ne fûtce qu’à moitié, à la mienne en joie et en sénérité; c’est le voeu le plus sincère et le plus tendre que je puisse former pour toi.”
(Cầu trời ban cho em một cái chết hân hoan và thanh tịnh giống như cái chết của anh, bằng phân nửa thôi cũng được; đó là lời cầu chúc chân thành nhất, âu yếm nhất mà anh dành cho em.)
Chàng thơ ấy bình thản nhìn lần cuối mớ bản thảo của chàng, một quyển tiểu thuyết đã hoàn tất, hai vở kịch - tất cả giông tố mê mải của hồn chàng đó — nhưng bấy giờ lặng thinh mọi tham vọng — không ai màng những của nợ ấy và chính chàng cũng chẳng còn thiết (... J’ai cru savoir. Je savais toujours. Je sais peut-être mais personne ne veut ce secret et je n’en veux pas moi-même. Tôi từng tưởng biết. Tôi hằng vẫn biết. Bây giờ có lẽ tôi biết nhưng không một ai màng đến điều thầm kín ấy và ngay chính tôi, tôi cũng chẳng thiết — Camus — Trở Lại Tipasa). Và chàng thiêu huỷ đống giấy lộn kia (như Gogol, Kafka). Chàng viết gửi nhà chức trách bản tường thuật diễn tiến cuộc tự sát, mở đầu bằng câu: “Chúng tôi nằm chết trên con lộ...”
Kleist với một người đàn bà xấu xí bệnh hoạn và cũng cô đơn như chàng, thoả thuận chết cùng chàng, hớn hở như đôi uyên ương cùng rủ nhau đến Wannsee. Họ ngồi uống cà phê giữa trời. Người ta còn nghe họ cười ròn tan, đi khuất vào đồng cỏ. Đúng giờ đã ghi, hai phát súng nổ. Kleist đã kề súng bắn vào trái tim của người đàn bà đồng hội đồng thuyền rồi ngậm họng súng trong miệng mình nổ phát thứ nhì. Tay chàng không hề run rẩy.
“Tôi đã làm tất cả những gì thuộc quyền năng của một người... Tôi đã thử thách đến điều bất khả. Tôi đã mang đặt thời vận cuối cùng của đời tôi trong một tiếng bạc. Mấy con xúc xắc định mệnh đã thẩy lăn, tôi cố tìm hiểu... Tôi thua. (J’ai fait tout ce qui est dans le pouvoir d’un homme... J’ai tenté l’impossible. J’ai mis ma dernière chance dans un coup de dés. Les dés fatals ont roulé, j’essaie de comprendre... J’ai perdu!) — “Penthésilée”.
Tôi thua! Tôi thua! Và “tôi nghĩ tôi có quyền chết”.
Sau Kleist, không còn poète maudit. Mọi người đều bị nguyền rủa, đều được nguyền rủa, đều cùng nguyền rủa, đều tự nguyền rủa. Khốn khổ, thảm hại thay tuồng nguyền rủa. Tuồng văn chương truỵ lạc đấy thôi. Coi kìa Dosoievski đeo thánh giá, đọc diễn văn dưới chân tượng Pouchkine. Henri Miller khoác áo mô phạm đứng trên bục giảng đường thuyết pháp. Sartre từ khước Nobel, xuống đường tranh đấu, tự đoạ mình trong tự do... Nhiều vô xiết kể. Tất cả những người ấy, hết thảy những người — ít nhiều chăn nuôi ảo tưởng của văn chương nghĩa lý đều đã mang giấc mộng tột cùng / khốn cùng: trở thành maudit, đều từng đóng các tuồng tích và đều trở thành hề. Không chừa ai.
Đã tuyệt giống poète maudit. Còn chăng là những chàng thơ bị ám toán, “triệu triệu chúa Kytô có đôi mắt u sầu và hiền hậu” (O, million de Christ aux yeux sombres et doux) (Rimbaud).

1973

GIẢI ĐỀ: CHỮ TRINH CÒN MỘT CHÚT NÀY
Bạn ta — “Xuống núi” không tìm gặp bạn, nghĩ cũng tệ. Thật thì chẳng có lý do nào ngăn trở hết. Mỗi lần đáp xuống thành phố, vẫn chỉ ngần ấy thói quen: Ngồi quán, gặp vài khuôn mặt thân thuộc và ngày dứt trong khuya ngất ngưởng. Thế thôi, không gì khác. Ta chẳng thích mất những thói quen.
Xuống, nghe bạn ta lại phải dấn thân vào trường “gió tanh mưa máu”, còn mắc nạn nữa. Hơi buồn. Biết làm sao được, phải không? Đúng là “ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.” Cái nhà ông Nguyễn Du, lâu lâu sực nhớ ông, bắt giật nẩy mình. Ngày xửa, ngày xưa, ta đã cứ thắc mắc hoài về mấy câu nói của nàng Kiều khi tái ngộ chàng Kim... Chữ trinh còn một chút này, chẳng cầm cho vững lại dày cho tan. Giờ mới thấm thía, tội cho nàng Kiều biết mấy. Ông Nguyễn Du là chúa độc, hơn cả anh chàng Tây Độc (hỗn danh của bạn ta đó). Nàng Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường, tưởng đã thoát nợ kiếp này, ông lôi cổ lên đẩy về nhà, bắt phải mở mắt mà trông: Này chồng, này mẹ, này cha; này là em ruột, này là em dâu... Cô ngồi xuống đó đi, trước mắt đông đủ mọi người — hết thảy mọi người, yên ổn và êm ấm nhưng không thể quên cô — và trước mắt tình lang mười lăm năm cũ cô ngồi đó trong kiếp đoạn trường nào đâu đã dứt. Cô đã trả món nợ hồng nhan cho ông trời già cay nghiệt, nhưng chưa xong. Còn cái món nợ tình với chàng Kim nữa, cô ơi. Ôi, cái món nợ tình, món thế tục cầm chân ta lại trong vòng khiến ta bắt buộc ngồi đó với bẽ bàng. Cái “bước trần ai” ta cứ động lòng. Nhưng mà động lòng đến chừng nào, hỡi bạn ta. Còn một chút này.... thật là thảm, bạn ta nghĩ mà coi. Chút này là chút nào? Chàng Kim chỉ có thể hiểu đến chỗ: Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình. Thiệt kỳ cục.
...
Giả như gặp nhau, ta cũng đến lặng ngắt. Hoặc giả ta khua inh sự lặng ngắt. Thế thôi. Mà ta rõ đã lăn thân vào chốn ấy, bạn không muốn nghe sự lặng ngắt. Ta cũng đang khua gióng sự lặng ngắt đây. Bạn ta nghe chăng?

1971

--------
-bài này đăng lần đầu trên Thời Tập (số 4, 1974, tr. 11-15), Sài Gòn.




Nguồn: Tiền Vệ 

















thơ Thanh Tâm Tuyền 
phổ nhạc








Bài Ngợi Ca Tình Yêu
Nhạc: Phạm Đình Chương
Tiếng hát: Nhật Hạ








Dạ Tâm Khúc
Nhạc: Phạm Đình Chương
Tiếng hát: Thái Thanh













Đêm Màu Hồng
Nhạc: Phạm Đình Chương
Tiếng hát: Thái Thanh













Lệ Đá Xanh
Nhạc: Cung Tiến 
Tiếng hát: Khánh Ly













Nửa Hồn Thương Đau
Nhạc: Phạm Đình Chương 


























tham khảo thêm về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền 



Nguyễn Lương Vỵ


Thanh Tâm Tuyền - Âm Vang Khác



Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (15.03.1936 – 22.03.2006,) một trong những thành viên sáng lập trụ cột của Tạp Chí Sáng Tạo (1956 – 1960,) một trong những thi tài tầm cỡ nhất của thi ca miền Nam (1954 – 1975,) với 2 thi tập tiêu biểu: Tôi Không Còn Cô Độc (NXB Người Việt, 1956), Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (NXB Sáng Tạo, 1964.) Là người tiên phong của phong trào Thơ Tự Do, một phong cách thơ phóng khoáng, cách tân, hiện đại và đầy tính sáng tạo. “Tôi đi tìm tiếng nói/Cho cổ họng của tôi.” Thanh Tâm Tuyền đã tạo được ảnh hưởng và nguồn cảm hứng thơ khá lớn đối với giới cầm bút trẻ lúc bấy giờ và kể cả sau nầy.
Điều đáng kể trong thơ Thanh Tâm Tuyền là tính đột phá về ngôn ngữ thơ và cấu trúc thơ rất mới, rất lạ. Ngôn ngữ thơ luôn biến ảo, phơi mở, giàu hình ảnh, đẹp một cách tự nhiên. Cấu trúc thơ luôn ở trạng thái động, phân ly, gấp gãy, gập ghềnh. Đó cũng chính là sức quyến rũ, lực hấp dẫn của thơ Thanh Tâm Tuyền: Niềm khát khao cách tân, sáng tạo với nỗ lực khai phá quyết liệt, thường trực, bền bỉ.
Bài viết nầy, không có tham vọng đọc, nghe và cảm nhận một cách toàn diện về cõi thơ Thanh Tâm Tuyền, mà chỉ giới thiệu một“Âm Vang Khác” của thi sĩ: Bài thơ “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” (đã được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn, tại Sài Gòn, số ra ngày 27 tháng 11 năm 1972). Bài thơ  gồm 6 biến khúc, 160 câu (“6 biến khúc quanh một đề thơ cổ.”. Thi sĩ ghi ngay dưới tựa đề bài thơ.)

Trước khi giới thiệu nội dung bài thơ, xin trích một đoạn trong bức thư ngày 30 tháng 9 năm 1972, thi sĩ viết gửi cho “Mon ile”(1) có đoạn:

"...Đã hết tháng chín. Thêm bài "Ngôi nhà đỏ" nữa. Thế có lãng mạn quá không? Bài thơ thứ ba, thứ tư nếu kể cả bài Đảo. Hình như còn nữa. Giống như họa sĩ đứng trước ngôi nhà vẽ vài chục bức, với màu sắc ánh sáng bố cục thay đổi. Giống như nhạc sĩ có một cái "thème" và nhiều "variations". Chưa bao giờ anh nghe mình du dương lạ thế. Anh nghe vang hoài "ngôi nhà đỏ trăng hồng..." và anh chỉ việc thêm vào chữ chót rồi theo rõi cả ngày, cả tuần những lúc quạnh hiu. Đã có trăng hồng hạ, trăng hồng lạ, trăng hồng lả... Còn những trăng hồng gì nữa anh sẽ thấy. Có thể anh viết hết cả xấp giấy này cho những bài trăng hồng chưa chừng..."
“Mấy bài thơ về ngôi nhà này chừng đăng anh sẽ đề là "Biến điệu quanh một bài thơ cổ" Anh nhớ bài thơ của Thôi Hộ (2):

Tích niên kim nhật thử môn trung
Phấn diện đào hoa tương ánh hồng
Phấn diện kim niên hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”(3)

Như vậy, bài thơ của Thôi hộ đã gợi hứng cho “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” của thi sĩ. Nhưng, thay vì trích 4 câu thơ trên của Thôi Hộ vào đầu bài thơ, thi sĩ lại trích dẫn 6 câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, đoạn nói về lúc Kim Trọng trở lại vườn Thúy (đúng ra là hiên Lãm Thúy, nơi Kim Trọng trọ học trước đây, thường làm nơi hẹn hò với Thúy Kiều.) Kim Trọng trở lại, nhưng chốn cũ còn đây, người xưa (Thúy Kiều) không còn nữa. Trong 6 câu thơ nầy, có 1 câu được chuyển dịch từ thơ Thôi Hộ:

“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.(*)
Xập xòe én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc dầy
Đi về này những lối này năm xưa...”

(Nguyễn Du – Truyện Kiều.)

(*) Chuyển dịch từ câu: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” của Thôi Hộ.

Với 6 biến khúc, mỗi biến khúc lặp lại câu mở đầu, chỉ thay đổi vài ba chữ ở cuối câu:

Câu mở đầu, biến khúc 1 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng hạ.
Câu mở đầu, biến khúc 2 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lạ.
Câu mở đầu, biến khúc 3 (36 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lả.
Câu mở đầu, biến khúc 4 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng đuối nhớ
Câu mở đầu, biến khúc 5 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng vằng vặc.
Câu mở đầu, biến khúc 6 (28 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khỏa.

NGÔI NHÀ ĐỎ, TRĂNG HỒNG (4)

Biến khúc 1:

Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng hạ.
Hạ nồng nàn quyến rũ môi hôn,
Gọi mưa mùa tắm gội xanh cỏ lá,
Dập tắt sầu thiêu đốt, phả du dương.
      
Mưa ngày qua, mưa ngày nay, xám ngắt.
Cửa đóng cài, cửa ẩm mốc cô đơn.
Gõ lên đi ngón tay cung khờ khạo.
Nép đầu say, tóc rối mộng thầm.

Ngồi xuống ghế mộc bầy riêng lẻ.
Chiều bên vườn gợn sóng nắng sơ thu.
Im tượng gỗ. Tiếng chân ai thoát chạy.
Bỗng bâng khuâng thang cấp lượn mơ hồ.

Trèo dốc đứng, vội vàng hơi thở hụt.
Bậc đá mòn rợp lối phân vân.
Hồn đá nín thiên thu chót vót.
Ghì ôm sâu chớp sấm non ngàn.

Theo lối khác. Giẫm dấu chân người lạ.
Đất trượt trơn. Cây cối rõi trông tìm.
Trăng hồng sáng ngân nga lửa lạnh.
Nhà lao đao. Đồi rào rạt ngoan nằm.

Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức,
Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim.
Đồi giông gió lay trăng hồng lả thiếp.
Và hàm hồ buột giấc khóc êm.

Đồi trăng hồng hạ, nhưng là cuối hạ đang chuyển sang sơ thu, với không gian “Hạ nồng nàn, quyến rũ môi hôn.” Người xưa, nay như là “kẻ lạ mặt” trở về chốn cũ, mà chốn cũ thì “Cửa đóng cài, cửa ẩm mốc cô đơn.” “Chiều bên vườn gợn sóng nắng sơ thu.” “Bậc đá mòn rợp lối phân vân.” Ấn tượng nhất là sau khi ngắm nhìn, cảm nhận và bằng những động tác dò dẫm, làm quen lúc ban đầu trở về như: Nép đầu - ngồi xuống ghế - trèo dốc đứng - giẫm dấu chân người lạ thì “Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức,/Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim./Đồi giông gió lay trăng hồng lả thiếp./Và hàm hồ buột giấc khóc êm.” Bốn câu thơ cuối của biến khúc bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của “kẻ lạ mặt”“Thấy ngôi nhà bằng bặc cháy như tim.” Nỗi nhớ dậy lên như lửa cháy. Ngôi nhà là một trời kỷ niệm. Ảnh chiếu của ngoại giới đi vào tâm cảnh. Biến khúc dạo đầu cuốn hút ngay người đọc.

Biến khúc 2:

Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lạ.
Chiều úa tàn, trời tím buổi tinh sương,
Nắng hớn hở - nắng trong veo như mắt –
Mỉm cười xa, phố thấp, vẫy chàng.

Mái nghiêng cúi, ngói nâu đời cũ xỉn.
Trổ bông xưa, phơi đoá mộng dị kỳ.
Mộng vời vợi, chuỗi mưa điên xối xả.
Xuôi theo mưa giọt lệ chia lìa.

Tường ấp ủ hơi dồn nghìn giấc chết.
Nắng như trăng nhóm lửa bơ vơ.
Gương mặt héo chập chờn sau giậu đổ
Khuất dung nhan trong dáng ơ hờ.

Thềm quạnh quẽ gọi chân ai hồi tưởng
Gót cô đơn nghe rảo tận hiên ngoài.
Quãng trống trải, lịm say trăng thố lộ
Những âm vang cùng thẳm cuối trời.

Đèn vẫn thắp. Cửa sổ kia vẫn mở.
Loé sáng mù như một đốm sao.
Đêm dần lụn. Bướm đen vờn nghiêng ngả.
Đâu người ngồi nhập kiếp chiêm bao?

Trăng lợt lạt. Nhà im. Đồi rét mướt.
Tiếng sáo khuya rong ruổi u hoài.
Đường trơn dốc đẩy chân trì níu.
Nhà lênh đênh theo trận lũ rã rời.

Biến khúc như một bức tranh lung linh sắc màu, đẹp cô liêu. Gam màu chính là đồi trăng hồng lạ, hòa quyện cùng với các màu trời tím buổi tinh sương, màu nắng trong veo, màu nắng như trăng,màu ngói nâu, màu lóe sáng mù, màu bướm đen, màu trăng lợt lạt. Trầm mình trong sắc màu lung linh ấy, “kẻ lạ mặt” lại nuối mộng với chuỗi mưa điên xối xả đầy tâm trạng. Nuối mộng, nhưng vẫn hiện hữu trong cõi thực: “Tường ấp ủ hơi dồn nghìn giấc chết./Nắng như trăng nhóm lửa bơ vơ.” Vẫn ám ảnh: “Gương mặt héo chập chờn sau giậu đổ/Khuất dung nhan trong dáng ơ hờ.” Dấu hỏi trong cơn u mộng ảnh “Đâu người ngồi nhập kiếp chiêm bao?” “Kẻ lạ mặt” đã: “Xuôi theo mưa giọt lệ chia lìa.” Còn ngôi nhà thì: “lênh đênh theo trận lũ rã rời.” Biến khúc với những nhịp ngắt chậm, u trầm, rồi buông dài trong khổ thơ cuối, chuẩn bị chuyển sang biến khúc tiếp theo, dồn dập cao trào.

Biến khúc 3:

Ngôi nhà ở trên đồi trăng hồng lả.
Trời vàm sông, bến quạnh gió mù tăm.
(Nước thao thức lòng sâu cuồn cuộn hút)
Nàng trở về lạc nẻo đêm rằm.

Những trận mưa, những trận mưa tầm tã
Đẩy trôi trăng ra biển im hơi.
Những giọt sương, những giọt sương giả lả
Lá khép thu, nương náu, kinh lời.

Bậc đá nổi. Ảo giác buông. Lối ẩn.
Thềm nào đây trải rộng giấc hoang vu.
“Chàng đâu? Chàng đâu? Riêng mình ngơ ngác.”
Chốn tình si thoang thoảng giọng cười mờ.

Trong thớ mủn mưa hắt đầm lạnh lẽo
Nắng muộn màng, nhợt nhạt reo vui
Trên cửa khoá, phô vết thương loang lở
Gỗ xác xơ. Mắt khép bùi ngùi.

Trên hàng hiên động tiếng mòn. Cửa mở.
“Nàng là ai?” Âm dội vẳng quanh vòm
Phút tối ám. Ngoài kia trời đục xoá.
“Nàng là ai?”Hoảng hốt cánh dơi đêm.

Đừng khêu lửa. Chân mập mờ bước sóng.
Buồng tim ta lửa ngún phủ thê lương.
Đừng khêu lửa. Ngọn lắt lay toả bóng.
Buồng tim ta sáng quắc ánh băng.

Hai tay giá trườn quanh hương nồng vắng.
Tường ẩm rêu. Ghế bụi. Ôi mùa hè.
Gió lùa thổi, nắng bay. Bàn quên lãng.
Những đốm hoa nhảy nhót ham mê.

Khuôn cửa sổ, gương chìm không hắt ảnh
“Nàng là ai?” Chàng dưới thấp sau gương
Phố khuya lạc, mờ như đang thu muộn
“Nàng là ai?” như thể lối vô cùng.

Níu chặt song, dáng cây sầu khô trụi,
Trong vườn xưa nàng khóc cạn đêm nay.
Trăng thất sắc lánh xa. Ngày sợ rạng.
Đồi chập chờn. Cỏ rối tưởng heo may.

Trong khung cảnh: “Ngôi nhà ở trên đồi trăng hồng lả./Trời vàm sông. Bến quạnh gió mù tăm.” Thì bỗng nhiên, như một giấc liêu trai ma mị: “Nàng trở về lạc nẻo đêm rằm.” Sau câu hỏi thảng thốt từ cõi hư ảo của Nàng:“Chàng đâu? Chàng đâu? Riêng mình ngơ ngác.” Tôi cảm thấy lành lạnh, ngậm ngùi khi đọc chậm, rõ và cao giọng những câu thơ sau:

 “Nàng là ai?” Âm dội vẳng quanh vòm
 “Nàng là ai?”Hoảng hốt cánh dơi đêm.
 “Nàng là ai?” Chàng dưới thấp sau gương
 “Nàng là ai?” như thể lối vô cùng.

Ở giữa bốn câu hỏi kia là tiếng hồi đáp bi thương của Chàng, vọng lên trong tâm tưởng. Tôi tiếp tục đọc chậm, rõ và cao giọng:

 Đừng khêu lửa. Chân mập mờ bước sóng.
Buồng tim ta lửa ngún phủ thê lương.
Đừng khêu lửa. Ngọn lắt lay tỏa bóng
Buồng tim ta sáng quắc ánh băng.

Những câu thơ đồng hiện trong Âm, Hình và Bóng. Nhịp ngắt, chấm câu, buông câu, làm cho âm vực vừa rộng vừa sâu như nỗi lòng thảng thốt của ai kia đang la thầm trong hư vắng. Đẹp và  lạnh rưng rưng!

Biến khúc với nhịp thơ dồn dập , hình ảnh đồng hiện ảo và thực, tâm trạng đầy cảm xúc, tình huống đầy kịch tính. Theo tôi, đây là biến khúc cao trào nhất, hay nhất, đẹp nhất của bài thơ, gồm 36 câu, dài nhất trong 6 biến khúc. Phải đọc chậm lại, rõ từng câu, từng chữ và nghe kỷ lại, nhìn sâu vào từng câu thơ, từng chữ thơ, thì mới cảm thấu được cái hay, cái đẹp của biến khúc nầy.

Biến khúc 4:

Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng đuối nhớ
Thở hơi sương run rẩy. Ngã trong trời
Nhòe gió bấc, ngựa mây dồn gấp vó
Tiếng nhạn đen. Thả bổng quạnh hiu rơi.

Đồi bập bềnh trôi trên lũng biển trắng
Mái nhà ôm, nhô nóc hú gào người.
Người gắng gượng rõi dáng hình lãng đãng.
Đêm như hồn lóng cóng. Cắn môi.

Những bực đá lấp chìm. Đá rét mướt
Dâng dưới chân. Đợt sóng nổi chông chênh.
Người hẳn tiếc những khuya trời ngỏ thoáng
Đá nhún mình nâng gót nhẹ thênh.

Bụi hoa trắng ngó tìm trên đầu dốc.
Hoa ngời trông. Rạng hiện lối đơn sơ.
Hoa thù nghịch. Cười ý sầu điên đảo.
Rũ rượi hong cánh ướt. Quãng mờ.

Đèn vàng lụn như đầu diêm xoè tắt
Lửa thuyền xa, đom đóm dạt phiêu bồng.
Tình rầu rĩ kêu tiếng trầm cắn đắng
Bóng vang hư, thoáng lịm như không.

Kìa tóc sũng, tựa gờ tường đay nghiến.
Bám vịn trên cửa gỗ sượng sùng.
Thềm hiên gió rập rờn xô huyễn hoặc.
Đầu buốt mê nhịp gõ kinh hoàng.

Biến khúc lan tỏa một không gian, một cấu trúc phân ly, song song, gấp gãy, gập ghềnh trong những chuỗi từ ngữ đầy hình ảnh (hơi sương run rẩy - ngựa mây dồn gấp vó,/ đồi bập bềnh - lũng biển trắng,/ nhà ôm - nóc hú,/ đá lấp chìm - đá rét mướt - đá nhún mình,/ hoa trắng ngó - hoa ngời trông - hoa thù nghịch,/ đèn vàng lụn - đầu diêm xòe tắt,/ lửa  thuyền xa - đom đóm dạt,/ bóng vang hư - tóc sũng,/ cửa gỗ sượng sùng - đầu buốt mê.) Một không gian vừa thực, vừa huyễn hoặc. Biến khúc chuyển động những âm vang dìu dặt, mênh mang cảm xúc trầm tư, hồi tưởng. Những âm trắc cuối câu vút nhẹ niềm bi mẫn, ánh lên những đốm sáng nhấp nháy không lời. Từng cặp đôi trong mỗi khổ thơ bốn câu, khi đọc lên và lóng nghe, âm vang chảy song song với bóng hình, rồi hòa quyện vào nhau. Một cấu trúc lạnh, đẹp, hắt hiu. kết thúc bằng chuỗi âm nhói lên cơn đau thấm từ ngoài vào trong, sâu, lắng, trôi theo “nhịp gõ kinh hoàng,” bất tận.

Biến khúc 5:

Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng vằng vặc.
Cửa thiên thanh. Mái xoãi ngủ sậm nâu.
Cây biếc lục. Trời tím than. Núi sững.
Phố tuôn vàng huyên náo dưới triền sâu.

Hạ đen thẳm ngỡ ngàng đuôi mắt sắc.
Cơn sốt ngày. Nắng trải thảm ham mê.
Mở tung cửa nhốt thời gian ủ dột,
Gió mơn man, lùa rạng rỡ đêm hè.

Chàng thở vội hương bay trên đầu dốc.
Ngực cồn cào. Trống hụt những âm quên.
Bực đá gọi – ngát một mùa thảo mộc –
Gọi trắng trong. Phấp phới. Chuông rền.

Trên lối nhớ đứng ngây. Tuôn lệ.
Trời đêm xưa, gió lộng cũng về thăm.
Tường giãi im. Nàng ngửa đầu chợp mộng,
Thềm hoang đầy, xanh miết miết trăng.

Chốt lỏng gãy. Cửa bỏ không. Mờ hoặc.
“Chàng là ai?” Ghế mộc quỵ rời chân.
Trăng rọi lối quanh co. Ngách lắng tiếng.
“Chàng là ai?” Chim kêu lạc. Tần ngần.

Nàng hớt hải ngoài vườn. Ngày huyễn ảo.
Góp lượm cành. Đốt lửa. Xốn xang trăng.
Nhà quay tít trên vòng quay đám hội
Gió khắp đồi. Lửa chói sáng biển băng.

Bốn câu thơ trong khổ đầu của biến khúc như một bức tranh toàn cảnh, đẹp long lanh, lung linh. Ba câu thơ đầu ánh lên nét trầm tư, tĩnh mặc. Câu thơ cuối “Phố tuôn vàng huyên náo dưới triền sâu”hình ảnh linh động, huyền ảo để rồi chuyển sang khổ thơ tiếp theo,“Hạ đen thắm” – “đuôi mắt sắc” đồng hiện tâm trạng, cảm xúc ngỡ ngàng của cảnh và người, của người và cảnh. Ngày - lên cơn sốt.Nắng - trải thảm ham mê. Để làm gì đây? “Mở tung cửa nhốt thời gian ủ dột,/Gió mơn man, lùa rạng rỡ đêm hè.” Đêm lại trở về. Chàng và Nàng hiện ra hư hư thực thực trong 2 khổ thơ tiếp sau.“Chàng thở vội hương bay trên đầu dốc./Ngực cồn cào. Trống hụt những âm quên.” – “Tường giãi im. Nàng ngửa đầu chợp mộng,/Thềm hoang đầy, xanh miết miết trăng.” Đồng hiện ảnh thực, ảnh ảo đầy tâm trạng! Trong biến khúc nầy, Nàng “lên tiếng,” hay là ảo thanh của nàng: “Chàng là ai?” “Chàng là ai?” Không lời hồi đáp. Đêm liêu trai ma mị đã qua. Bóng ngày hiện ra, ẩn hiện đâu đó hình ảnh:“Nàng hớt hải ngoài vườn. Ngày huyễn ảo,/Góp lượm cành. Đốt lửa. Xốn xang trăng./Nhà quay tít trên vòng quay đám hội/Gió khắp đồi.Lửa chói sáng biển băng.”
Nếu như biến khúc 3 ở trên đầy cao trào, kịch tích với nhịp thơ dồn dập, hình ảnh đồng hiện liên tục giữa ảo và thực, thì biến khúc 5 ở đây, âm vang nhịp thơ trôi chậm lại, dặt dìu, rồi lắng
xuống, nhưng hình ảnh hiu hắt, cô liêu hơn.

Biến khúc 6:

Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khoả.
Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ.
Cây ngà say. Đêm heo hút lặng khơi.
Mùa trở gió. Rười rượi buồn cỏ lá.

Im. Rớt im. Nhánh khô ròn. Bước động.
Ngói lệch xô, bàng hoàng, che khuất mộng.
Chàng quay lưng mỏi mệt ngắm phố chìm.
Cửa đóng bít. Rào vây. Mắt hoắc trống.

Trăng chợp lay. Nhỏ to vắng tiếng hát.
Mùa hạ vàng rực rỡ, tuôn bát ngát.
Đêm ơi đêm còn khúc điệu nào chăng
Vỗ về chàng? Trời yếu đau ngăn ngắt.

Mỗi bực cấp bước leo dầm hiu quạnh.
Thở chênh chao. Hồn tả tơi sóng sánh.
Đá mòn ơi, thấm thía dấu lãng quên.
Lối mờ tỏ. Mưa giông khuya ngất tạnh.

Hãy đắm đuối. Chàng Orphée si dại.
Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Bờ bụi.
Tủa gai, vườn hoang phế. Bóng ảnh nàng
Trôi tan tác trong hành lang thẳm tối.

Cửa ngõ chết, nỗi mù dằng dặc
Hoa trông vời khép niềm riêng nghi hoặc.
Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Chàng ơi.
Trăng ngỡ sáng. Trăng ngậm sương trầm mặc.

Mùa ngã độc. Nhà nín hơi lẩn lút.
Đồi sượng sần. Cây lìa cành, lá trút.
Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.

Nàng vắng bặt, biến mất, chẳng biết đi đâu, về đâu! Ngôi nhà đỏ nổi hẵn lên giữa màu trăng hồng khỏa. Ba câu thơ cuối của khổ thơ đầu ngắt nhịp đều 3-5, 3-5, 3-5: “Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ./Cây ngà say. Đêm heo hút lặng khơi./Mùa trở gió. Rười rượi buồn cỏ lá.” Tôi đọc chẫm rãi, nhỏ giọng, rõ chữ, ngắt câu theo từng dấu phẩy, dấu chấm của 3 khổ thơ tiếp theo: Không gian của một đêm “Im. Rớt im.”  Nghe được hết “ Nhánh khô ròn.” “ Bước động.””Ngói lệch xô.” “phố chìm.” Thể xác, thần hồn của Chàng mỏi mệt, vừa bước đi, vừa quay lại ngoái nhìn “phố chìm” – “cửa đóng bít” – “rào vây” bằng “mắt hoắc trống.” “ Im.Rớt im”. Quạnh hiu đặc quánh, quắt queo. Cực điểm cô liêu:“Trăng chợp lay. Nhỏ to vắng tiếng hát.” Đẹp ngất cô liêu: “Mùa hạ vàng rực rỡ, tuôn bát ngát.”

Hãy nhìn bóng dáng của Chàng: “Mỗi bực cấp bước leo dầm hiu quạnh./Thở chênh chao. Hồn tả tơi sóng sánh.” Chỉ còn biết bày tỏ, tâm sự với: “đá mòn,” “ lối mờ tỏ,” “ mưa giông khuya.” Vọng lại từ cõi im vắng mơ hồ: “Hãy đắm đuối. Chàng Orphée si dại.” Chàng thi sĩ Orphée (5) rất mực tài hoa, rất mực hào hoa của xứ sở Hy Lạp phiêu bồng thần thoại! Nàng Eurydice kiều diễm , người yêu dấu của Orphée, đã chết lần thứ hai vì cái ngoái nhìn si dại (do Orphée quên mất lời Diêm Vương dặn dò). Từ câu chuyện của Orphée, vang lên tiếng vọng cảnh báo cho Chàng: “Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Chàng ơi.” “Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu./Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.” Nhưng, cảnh báo cũng bằng thừa, vì, dẫu cho Chàng có ngoái nhìn, thì Nàng đã là, vẫn chỉ là một ảnh ảo, mơ hồ, lãng đãng khói sương, huyền hoặc mà thôi! Toàn bộ biến khúc gieo vần theo âm trắc ở cuối câu, khắc khoải, tiếc nhớ, trống vắng, heo hút.

Trong bức thư thi sĩ viết tại Đà Lạt, gửi cho “Đảo xa,”(6) ngày 27 tháng 10 năm 1972, có đoạn:
“Anh có được nghe một bộ đĩa quý gồm những tác phẩm của Bach do Casals tình cờ lục kiếm thấy, một mình Pablo đàn và thỉnh thoảng nghe nổi giọng ngâm nga của Pablo theo tiếng đàn của mình. Tuyệt. Em có thích tiếng đại hồ cầm không? Anh mê. Đêm qua anh đã thu vào băng 7 biến khúc cho Piano và đại hồ cầm của Beetho trên một thème của Mozart nhưng lại phải xóa đi vì thiếu chỗ. Nếu em thích  lần sau anh mua cuốn băng 90 và sẽ thu cho em nghe những khúc đại hồ cầm của Beeth. Anh cũng có một cuốn băng ru mình ngủ. Pablo Casals độc tấu những điệu ru ngắn.

Khúc thứ 3 - Sleepers awake -  cũng như khúc trám sau Sonate của Beetho - Jesus, Joy of Man's desiring - có tính cách tôn giáo. Tuy nhiên nghe thoáng, bỗng, mát mẻ và trầm tĩnh nhường nào. Có phải không em? Nhưng tuyệt nhất là khúc Toccata and Fugue. Anh nghe hoài không chán những Fugue của Bach. Tuyệt đỉnh nghệ thuật của Bach và cách viết Fugue (nghĩa là có bao nhiêu giọng đều cùng trổi hết vẻ của mình, tưởng như ganh đua hỗn độn mà hòa hợp tài tình) là cái Bach mang đến cho âm nhạc. Nghe Fugue mới thấy tràn trề, yêu đời, nồng nàn, cởi mở nghĩa là đúng như em nghĩ " hạnh phúc túy lúy". Nhưng em nhớ, Bach mập lắm "túy lúy"  mà vẫn vững vàng oai vệ không hề "lảo đảo" "hụt hơi" "chân nam đá chân xiêu" thảm hại đâu. Em nghe kỹ xem.

Trước khúc Toccata and Fugue, là Little Suite. Đúng là little. Nhỏ nhẹ, dễ thương, gọn gàng, giản dị hết sức. Nhưng đâu có kém đằm thắm. Bach thường viết ngay lập tức dễ dàng những exercices để dậy con. Chắc đây cũng là bài Bach viết buông bút, không chút cầu kỳ.”(6)

Đoạn thư trích dẫn trên đây cho thấy, thi sĩ cũng là người rất đam mê và rất sành điệu về âm nhạc cổ điển Tây phương, nhất là nhạc giao hưởng. “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” hình như đã được “tấu” lên trong một cảm xúc mê đắm, trào dâng trên nền nhạc của những biến tấu lung linh, huyền ảo. Một bài thơ rất phong phú về nhạc tính, biến đổi liên tục từ đầu đến cuối. Phải chăng giống như “7 biến khúc cho piano và đại hồ cầm của Beethoven” như thi sĩ đã tâm sự trong bức thư vừa trích dẫn ở trên?

Xin nói thêm về những bức thư của thi sĩ viết gửi “Mon ile” cũng như gửi “Đảo xa.” Tôi đã đọc đi đọc lại khá nhiều lần, rồi bâng khuâng tự hỏi: Vì sao thi sĩ tự ví mình như một Crusoe thất lạc nơi hoang đảo? (nhân vật bi hùng Robinson [Crusoe,] cũng là nhan đề cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn người Anh, Daniel Defoe.)  Phải chăng, gửi “Mon ile,” gửi “Đảo xa,” là gửi cho Crusoe thất lạc? Tức là gửi cho chính mình? Gửi cho cõi cô độc riêng tây của chính mình? Như vậy, viết thư, như là một cách độc thoại. Một Cruoe thất lạc, tôi nghĩ, thi sĩ đã cảm nhận từ rất lâu cái mệnh hệ cô độc riêng tây ấy của đời mình. Cảm nhận, nhưng không cần nói ra, không cần bày tỏ với bất cứ ai, bởi cái phong cách kiêu bạt, bởi trò chơi ẩn ngôn khinh khoái của thi sĩ? Tự hỏi, rồi tự trả lời một cách tự tin: Đúng vậy! Những khoảng lặng ngân dài. Thi sĩ lắng nghe trong im vắng: “Chưa bao giờ anh nghe mình du dương lạ thế. Anh nghe vang hoài Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng..."  Đó cũng chính là niềm hứng khởi từ cô liêu vọng lại để thi sĩ cảm ứng với Thôi Hộ, tấu lên “Sáu biến khúc quanh một đề thơ cổ.”

“Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” là câu chuyện tình hư hư thực thực không có kết thúc. Hãy chịu khó đọc lại hai câu thơ cuối trong biến khúc 6, cũng là 2 câu thơ cuối cùng của bài thơ:

Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.

Chỉ còn một mình chàng với bóng đêm huyền ảo: “Phơ phất khói sương thu.” “Trăng khỏa thân xanh mướt.” Vậy thì, bảo chàng “Đừng ngoái nhìn” là tại sao? Để làm gì? Nàng đã đi đâu về đâu chẳng biết. Nàng đã tan vào cõi không hư. Phải chăng, Chàng muốn tự an ủi mình rằng Nàng vẫn còn ở đâu đó, có thể Nàng đang ẩn hiện trong làn khói sương thu phơ phất, có thể Nàng đang ẩn hiện trong ánh trăng khỏa thân xanh mướt. Vì sợ rằng, nếu Chàng ngoái nhìn, Nàng sẽ lập tức tan biến đi? Lời khuyên kia, thật ra, cũng là từ tâm thức Chàng dấy lên, vừa đinh ninh, vừa mơ hồ. Nàng vừa là ảnh thực, vừa là ảnh ảo trong tâm thức Chàng. Đây cũng chính là sự giằng xé, niềm ray rức khôn nguôi suốt đời của thi sĩ. Mượn một câu chuyện tình để nói lên thân phận mồ côi, bơ vơ của kiếp người. Câu hỏi không lời đáp. Lời đáp nằm ngay trong câu hỏi. Thôi Hộ, sau khi than vãn bên thân xác Nàng đã chết, chỉ còn chút hơi ấm, nhưng điều kỳ diệu đã giúp Nàng hồi sinh và trùng phùng, tái hợp với Thôi Hộ trọn đời. Nhưng câu chuyện ấy cũng chỉ là một huyền thoại. Ảo!!! Orphée sau khi bị đám nữ thần lên cơn ghen tức đâm chết, mới “gặp” lại Erydice ở cõi “bên kia” và “sống” với nhau trọn đời. Cũng chỉ là thần thoại. Ảo!!! Hai câu chuyện có hậu của huyền thoại và thần thoại, chỉ để làm thỏa lòng người nghe chuyện. Trở lại “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng,” câu chuyện tình hư hư thực thực từ đầu đến cuối, mở ra nhưng không khép lại, không có hậu. Chàng là “kẻ lạ mặt”, Nàng là một ảnh ảo, rất mơ hồ, đang quẩn quanh,  đâu đó. Chàng và Nàng ẩn hiện, bay, lướt, chìm, tan trong âm vang và sắc màu miên man bất tận. Sáu biến khúc “Thế có lãng mạn quá không?” - Câu hỏi đầy cảm xúc, hứng khởi của thi sĩ. Tôi thầm nhủ: “Quá đi chứ! Và còn rất, rất siêu thực nữa.” Một cảm xúc, hứng khởi trên cả tuyệt vời. “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng,” với một thủ pháp cấu trúc, ngôn ngữ thơ thuộc loại bậc thầy! Đúng là một “Âm Vang Khác” rất lung linh, huyền ảo, rất Thanh Tâm Tuyền.

Thi tập “Thơ Ở Đâu Xa” (Trầm Phục Khắc xuất bản, 1990, Hoa Kỳ,) cũng là một“Âm Vang Khác” của Thanh Tâm Tuyền. Những bài thơ làm trong chốn tù ngục, đọa đày khắc nghiệt, nhưng tâm hồn, thần thái của thi sĩ vẫn ung dung, tự tại, an nhiên chịu đựng bi kịch, tai ách, tuyệt không thù hận, oán than. Thơ trong tù được nghiền ngẫm trong trí nhớ, được lưu giữ trong óc, trong tim, mà vẫn mài sắc, cô đọng ý tứ, gây nhiều cảm xúc cho người đọc. Cái tầm, cái tâm của thi sĩ thật đáng kính nễ. Cuộc đời trần thế của thi sĩ tuy đã khép lại, nhưng phẩm cách con người, tâm hồn Thanh Tâm Tuyền, thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn mãi đẹp, như chính mong ước, khát vọng của ông:

“Sẽ chết như sao rơi vào bất tận,
Sẽ mãi yêu như giọt nước hân hoan.”

Nguyn Lương V
Calif., 03 - 04.03.2012
(Nhân kỷ niệm lần thứ 76, ngày sanh [15.03] và lần thứ 6 ngày mất [22.03] của Thanh Tâm Tuyền.)


Chú thích:

Về thân thế và sự nghiệp của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, đã có rất nhiều tạp chí văn học nghệ thuật, rất nhiều trang mạng đăng tải, nên xin được phép không ghi chú trong bài viết nầy.

. (1,)(6.) Nguồn: http/phannguyenartist.blogspot.com/2011/12/thanh-tam-tuyen. (Vừa qua, trang mạng phannguyenartist.blogspot.com, trong chủ đề “Mượn Dấu Thời Gian,” đã công bố, lần đầu tiên, di cảo, gồm một số thư từ và một số bài thơ của thi sĩ (vào các ngày 22.12.2011 – 08.01.2012 – 30.01.2012 – 07.02.2012 – 20.02.2012 – 25.02.2012 – 01.03.2012.) Xin trân trọng giới thiệu trang mạng nói trên, để bạn đọc nào chưa biết, có dịp thưởng thức và cảm nhận thêm những “Âm Vang Khác” của Thanh Tâm Tuyền.)

. (2) Thôi Hộ, tự Ân Công, thi sĩ  đời nhà Trung Đường, bên Tàu, Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Thôi Hộ mà Thanh Tâm Tuyền trích trong bức thư trên có nhan đề là “Đề Đô Thành Nam Trang” (Đề [Thơ] Tại Trang [Trại] Phía Nam Thành Đô.) Thành Đô, tức Trường An, kinh đô nhà Đường. Bài thơ của Thôi Hộ, theo truyền thuyết, được kể lại, đại ý như vầy: “Một lần nhân tiết Thanh Minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam Thành Đô, nhân thấy một khu vườn trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng vào xin nước uống. Lát sau, lại thấy một thiếu nữ rất đẹp e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong, chàng ra đi. Đến năm sau, cũng trong tiết Thanh Minh, chàng trở lại chốn cũ, nhưng cửa đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ rồi dán trên cửa, ra đi. Thời gian lâu sau nữa, khi trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra, rồi thấy một ông lão xuất hiện, hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không, và cho biết, con gái của ông lão sau khi đọc xong bài thơ, đã bi lụy sầu thương, bỏ cả ăn uống, và đã chết, xác vẫn còn quàng ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người thiếu nữ, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn hơi ấm và mặt mày vẫn tươi nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng.” Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc như một huyền thoại. Bất luận thực hư thế nào chẳng biết, nhưng chỉ biết đây là một bài thơ tình thuộc loại hiếm và đẹp của Thôi Hộ, ý tứ phiêu bồng bảng lảng, niềm hoài cảm mang mang, âm hưởng đẹp dịu dàng.

. (3) Tạm dịch nghĩa bốn câu thơ trên của Thôi Hộ:
“Ngày này năm ngoái tại cửa nầy
(Sắc diện) hoa đào và gương mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt (người xưa) không biết giờ đây (năm nay) đã ở nơi chốn nào
(Sắc diện) hoa đào vẫn như cũ, đang cười với gió đông.”

. (4) Nguồn: tienve.org.
. (5) Tóm lược Chuyện Tình Của Orphée và Eurydice:
Thần thoại Hy Lạp kể rằng, Orphée là một thi sĩ tài hoa, con của vua xứ Thrace, có tài đàn hát tuyệt vời. Giọng ca của chàng đã quyến rũ tất cả thần thánh, thiên nhiên, con người , ma quỷ và  cả những sinh vật khác.
Orphée và nữ thần Eurydice đã yêu nhau thắm thiết như tri âm, tri kỷ của nhau. Họ đã chung sống rất hạnh phúc. Rồi một ngày Orphée đi vắng, Eurydice cảm thấy cô đơn và nhớ nhà, nên quyết định trở về thăm nhà. Khi đi ngang qua một khu rừng, Eurydice đã bị một con rắn độc cắn chết.
Orpheé đau đớn chôn cất Eurydice và quyết định ra đi, tìm đến Diêm Vương để mong cứu được Eurydice.
Orpheé gặp Diêm Vương, cất giọng hát để bày tỏ tình yêu của mình với Eurydice, làm cho Diêm Vương động lòng thương cảm, trắc ẩn. Diêm Vương hứa sẽ cho Eurydic sống lại, trở về sống với Orphée, với điều kiện là Orphée không được quay lại ngoái nhìn Eurydice. Do quá nôn nóng, lo sợ Eurydice lạc dấu trên đường về, Orphée quên lời dặn của Diêm Vương, đã quay lại ngoái nhìn. Eurydice tan biến dần trong đêm khuya tĩnh mịch. Nàng đã chết lần thứ hai!
Quá đau khổ, Orphée tìm cách trở lại âm phủ, nhưng đã tuyệt lộ. Chàng trở về sống với lòng hoài niệm khôn nguôi hình bóng của Eurydice. Một hôm, có một đoàn nữ thần uống rượu, trong cơn say, bắt gặp Orphée đang than thở mối tình tuyệt vọng của mình. Do ghen tức với Eurydice tột độ, họ nổi giận ném đá giết chết Orphée. Linh hồn Orphée trở xuống Âm Phủ và gặp lại Eurydice. Họ đã đoàn tụ, mãi mãi sống bên nhau với mối tình tuyệt đẹp.





Thanh Tâm Tuyền



Sự ra đời của Sáng Tạo

            Trong vòng mười năm, từ 1945 đến 1954, những xu hướng đổi mới văn học nghệ thuật tạm thời lắng xuống, một phần vì chiến tranh, một phần vì chính sách văn hoá của Đảng Cộng Sản mà Tố Hữu là đại diện chính thức, chủ trương đề cao thơ mới. Những người có đầu óc cách tân dần dần bỏ cuộc: Nguyễn Xuân Sanh (Xuân Thu Nhã Tập) quay lại với thơ mới, Tô Ngọc Vân vẽ tranh tuyên truyền, Nguyễn Đình Thi làm thơ có vần, Văn Cao im lặng...
            Những đòi hỏi đổi mới tư duy văn học trổi dậy sau ngày chia đôi đất nước. Ở Bắc, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tranh đấu cho tự do sáng tác, chủ trương cách tân văn học, dân chủ hóa đất nước. Riêng trong địa hạt thi ca, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt muốn đoạn tuyệt với thơ mới, để bước vào thơ hiện đại. Nhưng họ thất bại và phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dẹp tan. Mãi đến cuối thập niên 80, nhóm Nhân Văn mới được "phục hồi". Đặng Đình Hưng trở lại văn đàn với Bến Lạ và Ô Mai, Lê Đạt với Bóng Chữ. Thi pháp của họ đánh dấu khuynh hướng  hiện đại thơ ở Bắc.
            Trong Nam, tháng 10/1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời tại Sàigòn. Một sự"nổi loạn".  Một "chất nổ phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới". Trên Sáng Tạo xuất hiện những tên tuổi: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đức Sơn ...
             "Nổi loạn" như thế nào? - "Chôn" tiền chiến. Mai Thảo bảo: "Văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực ... Những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ rứt thoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế. [...] Cái vấn đề lớn nhất của chúng ta bây giờ, trước sau vẫn là phải làm sao đoạn tuyệt được hoàn toàn với những ám ảnh và những tàn tích của quá khứ [...]. Công tác chặt đứt với những trói buộc cũ phải được đặt lên hàng đầu ... và thơ bây giờ là thơ tự do". Thanh Tâm Tuyền định nghĩa khái niệm "nổi loạn":"Nổi loạn là một hành động đòi được gia nhập đời sống: Kẻ nô lệ đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo."
            Trên thực tế, Sáng Tạo đã gây "ngọn triều lớn" trong giai đoạn 54- 60, tương tự như Tự Lực những năm 39 - 45: Thổi luồng gió mới vào sinh hoạt văn nghệ, làm thay đổi bộ mặt thơ văn Việt Nam.
            Về nội dung "nổi loạn", Trần Thanh Hiệp viết "Đặt Nguyễn Xuân Sanh lên đỉnh cao của đường cong", tức là muốn tiếp tục công việc Xuân Thu Nhã Tập đã bắt đầu những năm 40 trong sáng tác: mở rộng tự do cho thơ. Sáng Tạo thành công trong việc hiện đại hóa văn học, cả về lý thuyết lẫn sáng tác, giao hòa hai dòng tư tưởng lớn của thế kỷ XX: Hiện sinh và Siêu thực.
            Trên sáng tác và trong các cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo, xuất hiện những tiêu đề chính trong văn học hiện đại (chủ yếu biện chứng của Sartre):
1. Đặt lại vấn đề tác phẩm: Có thể có tác phẩm văn học hay không? Có thể có một cuốn tiểu thuyết, một kịch bản, một bài thơ được không? Chữ nghĩa có giá trị gì? Đặt lại vấn đề viết (écriture). Viết như thế nào? Lối viết kể chuyện, có cốt truyện, và cả lối viết hiện thực, tả chân kiểu Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng ... đã lỗi thời vì không đạt tới tận cùng tính cách chính xác và xác thực. Tiểu thuyết Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền là một ví dụ về cách viết, cách đặt lại vấn đề viết.
2. Tác phẩm mở: tác phẩm không còn mục đích hướng dẫn người đọc tới một chủ đích như luân lý, đạo đức, triết học, văn chương, xã hội, v.v... nữa. Tác phẩm không cần kết luận, mà tác phẩm trình bầy một biện chứng, một thẩm mỹ của sự dang dở, mở cửa cho những suy nghĩ khác và sẵn sàng chờ đón những nối tiếp về sau (Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền, Tháng giêng cỏ non, Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời của Mai Thảo ...).
3. Tính chất biến đổi của tác phẩm: tác giả không còn là chứng nhân biện hộ (témoin de la défense) kiểu Gide, mà trở thành chứng nhân không thể loại trừ (témoin inéliminable), kiểu Sartre, chứng nhân nằm trong diễn biến, chao đảo với hoàn cảnh, chịu sự chia phối của các áp lực nội tâm cũng như ngoại cảnh (như nhân vật Tâm trong Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền).
4. Đưa vai trò của nhận thức (perception) vào tác phẩm. Tác phẩm sẽ không khơi gợi cảm xúc để làm mủi lòng theo nghĩa lãng mạn, mà tác phẩm gây nỗi đau, gây khó chịu bằng nhận thức của người đọc (thơ Thanh Tâm Tuyền).
5. Sự tự trào: hình thức mỉa mai, châm biếm hiện đại (ironie moderne) kiểu Sartre, Beckett, thay thế lối châm biếm lãng mạn (ironie romantique), kiểu Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Dạng thức tự trào này - cay độc hơn vì người viết không ở ngoài để ghi nhận hiện thực mà ở ngay trong cuộc, diễu mình, cười mình - ảnh hưởng đến lớp nhà văn mới, phần đông là phụ nữ, ở ngoài nhóm Sáng tạo, như Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Trần Thị Ngh, ... viết rất bạo, nôm na nói như Võ Phiến là "chọc quê" chính mình.
6. Tính cách dấn thân của người nghệ sĩ trong sáng tạo và trong cuộc sống, thể hiện trên hai mặt:
- Chính trị: Sáng Tạo quy tụ những "chiến sĩ tự do", chống lại mọi hình thức độc tài, chủ yếu là Cộng Sản.
- Văn nghệ: Cực lực đổi mới, bài trừ cái cũ: Chống Tự Lực Văn Đoàn, đả kích Vũ Hoàng Chương ...
Thái độ "chặt đứt" với quá khứ, tính cách "nổi loạn" và những tuyên ngôn thái quá của Sáng Tạo, làm gai mắt những người cựu trào như Nguyễn Hiến Lê (trong Đời viết văn của tôi), Võ Phiến (trong Văn học miền Nam).
7. Thái độ hoài nghi: trên tất cả là hư vô, chẳng có gì hết (Mai Thảo: Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, Ta thấy hình ta những miếu đền).
8. Dòng mạch siêu thực mở những ngưỡng cửa mới cho sáng tác: đập vỡ bức màn kiểm duyệt của lý trí, của ý thức xã hội, tìm đến bề sâu của tâm hồn ẩn dấu trong tiềm thức và vô thức, nâng cao vai trò của tưởng tượng, tìm những phương pháp tạo hình mới cho thơ và họa, mở thêm một cánh cửa nữa về phía Tự do.
 Sáng tạo đã nắm bắt được những luồng sinh khí mới ấy và trực tiếp đem vào văn học Việt Nam.

Ảnh hưởng của siêu thực

Dòng mạch siêu thực đã ảnh hưởng đến thi ca Việt Nam từ thời điểm nào?
Từ thập niên 40, qua hai ngả: Miền Bắc, với nhóm Xuân Thu Nhã Tập, chủ yếu thơ Nguyễn Xuân Sanh, với những bài Buồn xưa, Hồn ngàn mùa. Miền Trung quaTrường thơ loạn, với Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên.
1- Về mặt nội dung tư tưởng: Người làm thơ đã phá vỡ sự kiểm duyệt của lý trí, để thoát ra những hình ảnh "cấm kỵ", dấu sâu trong trong tiềm thức.
2- Về mặt hình thức: Kỹ thuật tạo hình siêu thực đặt cạnh nhau những hình ảnh hoàn toàn khác biệt, thể hiện sự cắt dán, đứt đoạn trong không gian và thời gian, đưa ra cấu trúc mở.  Trái ngược với thơ cổ điển, dùng những hình ảnh song song tương đồng hoặc đối xứng, để tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh, khép kín.
 Ví dụ, câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh: "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà", là một câu thơ mở, đứt, bởi tất cả những yếu tố: đáy điã, mùa, đi, nhịp, hải hà, không có yếu tố nào "ăn nhập" với yếu tố nào. Hoặc: "Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao",của Thanh Tâm Tuyền cũng "mở"; tất cả những yếu tố: đêm giao thừa, thế kỷ, mưa rơi, sao, chẳng có gì "liên lạc" với nhau. Cả hai câu thơ trên đều không cho ta một ý niệm gì rõ rệt. Cho nên khi mới ra đời, thơ Nguyễn Xuân Sanh, cũng như thơ Thanh Tâm Tuyền đều bị coi là hũ nút, bí hiểm vì người đọc không hiểu gì cả.
 Trong khi câu thơ "Mắt em là một dòng sông. Thuyền anh bơi lặng trong dòng mắt em" của Lưu Trọng Lư, là cả một cấu trúc hoàn chỉnh. Mỗi chữ, mỗi ý, liên kết chặt chẽ với nhau: nhà thơ dùng những yếu tố tương đồng để ví von: mắt là một dòng sôngsông gắn bó với thuyềnthuyền bơi trên sông; sông như là mắt.
Tuy vậy, thơ Nguyễn Xuân Sanh cũng mới chỉ ở tình trạng "ghép chữ", chưa đi vào thực chất của siêu thực; tức là chưa phóng ra được những hình ảnh kinh hoàng, cất dấu trong tiềm thức. Cùng thời điểm ấy, thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, có những câu kinh dị như: "Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút. Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta.(Hàn Mặc Tử) tưởng như đã giải thoát được sự kiểm duyệt của lý trí, gần tinh thần siêu thực hơn, nhưng cái kinh dị ấy, từ  ảnh hưởng Edgar Poe, truyền qua Baudelaire, đến Hàn Mặc Tử, bởi Hàn coi Baudelaire là thày. Tựu trung, dù chịu ảnh hưởng của Edgar Poe, Baudelaire, hay siêu thực, những nhà thơ tiền chiến này, vẫn chưa phá vỡ nhịp điệu câu thơ cổ điển, tuy họ có tìm cách phá thể, nhưng thơ của họ vẫn còn gắn bó sâu xa với cấu trúc hình thức cũ.

Phải đến Thanh Tâm Tuyền, thơ mới đạt đến mức độ hoàn toàn tự do trên tinh thần và trong cấu trúc: ảnh hưởng hiện sinh làm nhà thơ nhìn thấu suốt chính mình, ảnh hưởng siêu thực khiến ông phá vở những bến bờ cấm cản của lý trí, để đưa ra những câu thơ đớn đau tột độ.  Kỹ thuật tạo hình của siêu thực giúp ông hình thành một cách lập ngôn mới, và như thế, Thanh Tâm Tuyền đã nắm bắt được khá toàn diện những trào lưu tư tưởng Tây phương đương thời, để thể hiện trong văn học Việt Nam: ông không dùng vần, mà dùng hình ảnh, màu sắc, âm thanh, để tạo ra nhịp điệu trong thơ... nghiã là ông đã phá tan những "nội quy" cổ điển về thơ, để tạo ra một vùng tự do chưa từng có trong thi ca Việt.   

Tiểu sử Thanh Tâm Tuyền

            Thanh Tâm Tuyền sinh ngày 1/3/1936, tại Vinh, (ngày 1/3 do tác giả xác định), tên thật là Dzư Văn Tâm, bút hiệu khác: Đỗ Thạch Liên.
Năm 1952 (16 tuổi), dạy học tại trường Minh Tân (Hà Đông) và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh niên, Hà Nội. 1954, hoạt động trong Tổng hội sinh viên Hà Nội, cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Vào Sàigòn, 1955, cùng các bạn làm làm tờ Dân Chủ mà Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp phụ trách phần văn nghệ. Mai Thảo gửi đến đoản văn "Đêm giã từ Hà Nội".  Thanh Tâm Tuyền "kinh ngạc", mời tác giả đến toà soạn. Từ đó, "nhóm" có thêm Mai thảo, chủ trương tuần báo Người Việt (tiền thân của tờ Sáng tạo), với sự cộng tác của Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Tháng 10/1956, Sáng tạo ra đời. 1956 đến 1960, do Mai Thảo làm chủ bút. Hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền cho in cuốn sách đầu tay Tôi không còn cô độc (thơ, 1956), và năm sau Bếp lửa (văn, 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diên mạo văn học, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lãng mạn tiền chiến. 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, 1966, giải ngũ, 1969, tái ngũ, ở trong quân đội cho đến 75. Sau 75, bị đi tù cải tạo. Tháng 4/1990, sang Hoa Kỳ theo diện HO, sống ở tiểu bang Minesota, giữ thái độ gần như ẩn dật, ông mất hồi 11giờ 30 ngày 23/3/2006 vì bệnh ung thư phổi.
Tác phẩm đã in:
Tiểu thuyếtBếp lửa (Nguyễn Đình Vượng, Sàigòn, 1957); Cát lầy (Giao Điểm, 1967); Mù khơi(1970); Tiếng động (1970); Một chủ nhật khác (Văn, 1975).
Truyện ngắnKhuôn mặt (Sáng tạo, 1964), Dọc đường (Tân văn, 1966).
ThơTôi không còn cô độc (Người Việt, 1956); Liên đêm mặt trời tìm thấy (Sáng Tạo, 1964);Thơ ở đâu xa (Trầm Phục Khắc xuất bản, Cali, 1990).
KịchBa chị em (1967).
Phiếm luậnTạp ghi (1970).

Nhà thơ tương phản

 Thanh Tâm Tuyền lý giải hành trình thơ tự do của mình trong bài tiểu luận Nỗi buồn trong thơ hôm nay: Tại sao phải đổi mới? - Bởi, theo ông thơ Luật gò bó nhịp điệu trong tám câu. Thơ mới biến hóa hơn, nhưng rút gọn phạm vi trong bốn câu. Thơ phá thể là thơ mới trong ngõ cụt: Các câu dài ngắn khác nhau nhưng đầy vần điệu giả tạo, vì thế phải có thơ tự do. Nhịp điệu trong thơ tự do không gieo lối đồng âm, đồng thanh, mà là nhịp điệu của hình ảnh, nhịp điệu của ý thức.
            Dựa vào sự phân biệt của Nietzsche (trong Nguồn gốc bi tráng kịch) giữa hai quan niệm nghệ thuật: Nghệ thuật Apollon hay nghệ thuật tạo hình, với cái đẹp toàn bộ, hoàn chỉnh và nghệ thuật Dyonysos hay nghệ thuật phi hình, phá vỡ những hình thức sẵn có, Thanh Tâm Tuyền chọn con đường thứ nhì:
            "(Người làm thơ hôm nay) không mơ mộng, nghĩa là không tạo những hình dáng cho cuộc đời vốn đã là một hình dáng, họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn, căng thẳng phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy."
(Nỗi buồn trong thơ hôm nay, 1956, in lại trên Văn số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền, tháng 10/1972)
            Với thơ, Thanh Tâm Tuyền chọn sự phá thể của Dionysos, nhưng ông từ chối hội hoạ trừu tượng: "Nghệ thuật là cách xây dựng cụ thể của đời sống. Do đó trong danh từ nghệ thuật tự nó đã loại trừ danh từ trừu tượng [...]. Hội họa trừu tượng là một hủy thể thuần túy. Người xem không tìm thấy ý nghĩa nào ngoài sự đổ vỡ hoàn toàn của mọi hình thể, sự rối loạn vô định của đường nét." (Thanh Tâm Tuyền, Nhân nghĩ về hội họa, in lại trong Văn số tháng 10/1972). Bài này, viết năm 1956, ở tuổi hai mươi, có thể nhà thơ trẻ chưa nhận ra giá trị của hội họa trừu tượng nên đã vội quá lời chăng? Bởi nếu hỏi lại: Tại sao nhà thơ có quyền phá vỡ mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn của nó, mà hoạ sĩ lại không được quyền làm thế? Tại sao lại quyết đoán rằng: hội họa trừu tượng là hủy thể thuần túy?  Cho rằng Thanh Tâm Tuyền nhìn thấy trong hội họa trừu tượng một sự hủy thể thuần túy đi, nhưng nếu đã quan niệm tự do tuyệt đối trong sáng tác, tại sao không chấp nhận hủy thể thuần túy?
 Thực ra, văn nghệ là hủy thể: xây dựng để phá vỡ, phá vỡ để xây dựng, rồi lại xây dựng để phá vỡ... hệt như Thanh Tâm Tuyền và nhóm Sáng tạo đã làm với thơ văn tiền chiến; và thơ văn tiền chiến đã làm với thơ văn cổ điển... Không phải ngẫu nhiên mà Nietzsche ca tụng tính "déclin" nơi con người. Nghiệm cho cùng, hội họa trừu tượng có thể là người bạn đồng hành của thơ tự do, nhưng cũng không nên trách Thanh Tâm Tuyền, vì thời ấy, khái niệm trừu tượng trong hội họa vẫn còn khá xa lạ với nghệ sĩ Việt Nam.
 Hội hoạ lập thể phá vỡ đời sống thành từng mảnh. Sự lập ngôn trong thơ Thanh Tâm Tuyền có nhiều nét lập thể, nhưng cũng đã có tính cách "hoàn toàn tự do" của siêu thực và sự tự do này cũng là bản chất của hội hoạ trừu tượng mà có lẽ nhà thơ chưa tiếp nhận được. Nếu trong hội hoạ lập thể, Picasso, Braque, chỉ mới cắt hiện thực thành nhiều mảnh để tung lên tranh, thì Kandinsky, trong hội họa trừu tượng, để mặc cảm hứng tự do tràn ra những thể (formes) vô hình thức, cực kỳ khác lạ, biểu dương thế giới nội tâm và khả năng tưởng tượng của tác giả. Ở bình diện đối lập, Malévitch và Mondian biểu hiện vũ trụ một cách thuần lý và đơn giản nhất bằng những đoạn thẳng nói lên tính cách đứt đoạn của không gian và đời sống.
 Hội họa trừu tượng hòa hợp hai quan niệm: vừa phá vỡ vừa xây dựng cùng một lúc. Nếu hội họa truyền thống tổng hợp những đường nét, hình thể, màu sắc để tạo nên những toàn bộ hoàn chỉnh, thì hội họa trừu tượng phá vỡ những toàn bộ hoàn chỉnh để kiến tạo một thực tại "mở", mà người thưởng ngoạn có thể dùng tưởng tượng của mình để xem tranh.
Có thể nói: thơ Thanh Tâm Tuyền trong giai đoạn đầu, cách lập ngôn và tạo hình mang tính cách lập thể, và giai đoạn sau, nhuần nhuyễn hơn, gần với hội hoạ trừu tượng.  
            Những điều dông dài trên đây chỉ để chứng minh rằng Thanh Tâm Tuyền là một tác giả phức tạp và tương phản. Một đặc trưng hiếm hoi trong văn học Việt.
Một tác phẩm văn học có thể phản ánh được thời đại hay không? Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền đã ít nhiều trả lời câu hỏi đó: Tác phẩm mang tính thời sự và chuyên chở "lương tâm" thời đại của lớp trẻ.
            Xuất hiện tháng 10/1956 cùng với tạp chí Sáng Tạo, Tôi không còn cô độc gây những phản ứng cực kỳ tương phản và nhiều năm sau, lời yêu, tiếng ghét vẫn chưa nguôi cường độ và nồng độ ban đầu.    

Điểm tương phản thứ nhất: Thanh Tâm Tuyền sống một lúc hai thực tại: Thực tại hiện sinh trong nghĩa đi đến tận cùng của nhận thức (perception): lý trí chủ động biện chứng. Và thực tại siêu thực, phủ nhận vai trò của lý trí, tìm đến phần vô thức trong sáng tạo. Hiện sinh và siêu thực là hai khái niệm tương phản, Sartre luôn luôn từ chối vô thức, ông cho rằng không có ý thức thì làm sao biết được trong vô thức của mình chứa chấp những gì. Tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền chao đảo giữa hai dòng nước ngược chiều: Tạo hình bằng những giấc mơ, qua mơ ý thức được những hiện thực chát chúa, khắc nghiệt. Ở đây, không phải là hiện thực phê phán xã hội kiểu Bỉ vỏ - Nguyên Hồng, hay Chí Phèo - Nam Cao nữa, mà là hiện thực hiện sinh, đớn đau, khốc liệt của cái tôi trực diện với chính mình: Roquentin trong Buồn nôn của Sartre, Tôi trong Phục sinh của Thanh Tâm Tuyền.

            Điểm tương phản thứ nhì: tư tưởng hoài nghi xuất hiện cùng với "sứ mệnh" anh hùng (Malraux, Eluard) tranh đấu cho tự do dân chủ, gây nghịch lý, có thể dẫn đến hiểu lầm: Trả lời câu hỏi: Có thể có tự do? Tiểu thuyết Bếp lửa (1957) dường như muốn nói: con người không có tự do lựa chọn, anh ở trong một tình thế, và anh phải xoay xở với tình thế đó. Nhưng để mở đầu tập thơ Tôi không còn cô độc, nhà thơ mời người đọc "tự do" bước vào tác phẩm của mình, trong một tình thế rất tương phản: anh phải thần phục nếu anh bước vào lãnh thổ của tôi, nếu không, anh ném cuốn sách của tôi qua cửa sổ:
            Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ
            quyền uy. Bởi vì người vào
            trong đất đai của tôi
            người hoàn toàn tự do.
            để cai trị tôi có những luật lệ
            tinh thần mà người phải thần
            phục nếu người muốn nhập
            lãnh thổ.
            người hoàn toàn tự do
            và có thể ném cuốn sách qua cửa sổ.
            (Tôi không còn cô độc, lời mở đầu)
            Có thể coi đây là những dòng thơ cao ngạo của tuổi 20. Nhưng nhìn sâu hơn, không hẳn thế: đây là một tuyên ngôn nói lên tính cách tương phản trong tâm hồn Thanh Tâm Tuyền và cũng là cái tương phản chung của cả một thế hệ, một dân tộc: chưa thật hiểu thế nào là tự do. Sống trong đất đai của tôi, anh phải thần phục, nếu không, mời anh đi chơi chỗ khác. Tức là cái tự do của anh sẽ mất trong phần đất của tôi. Từ suy nghĩ đó mà miền Bắc chủ trương "giải phóng" miền Nam bằng sự độc tài Cộng Sản. Và miền Nam chủ trương tiêu diệt Cộng sản độc tài (nằm vùng), tranh đấu cho "tự do" trong một "Thế giới Tự do" dưới vòng kiềm tỏa của Mỹ.
Tôi không còn cô độc có những câu tương phản như thế: "tôi khắc tự do vào mỗi tâm hồn" (trang 63), có nghiã là tôi "bắt buộc" anh phải tự do, điều này trái với bản chất của tự do: Anh không bắt buộc tôi  tự do, là anh độc tài. Chỉ có tôi mới bắt buộc được tôi  phải tự do. Con người bị "kết án" phải tự do (Sartre), có nghiã là tôi bắt buộc tôi phải tự do, chứ anh không thể bắt buộc tôi tự do được.

 Đó là nghịch cảnh và cũng là thảm kịch chung của dân tộc Việt Nam: chưa hiểu ý nghiã sâu xa của tự do, chưa hiểu thế nào là tôn trọng tự do của người khác, cho nên cả hai bên bờ vĩ tuyến đều muốn "bắt" nhau thần phục "lý tưởng" của mình. Đó cũng chính là hình ảnh của người Việt, sau hiệp định Genève, hai bên có được đúng 300 ngày để "tự do" lựa chọn giới tuyến. Và sau khi đã lựa chọn rồi, anh phải "thần phục" vì anh đã "gia nhập lãnh thổ".
Tôi không còn cô độc bộc lộ hiện tình oái oăm, nhức nhối ấy của người Việt đôi bờ. Nhà thơ  chọn miền Nam, và ông đã "thần phục" những quy luật của lãnh thổ miền Nam. 
            Đọc thơ ông, sẽ thấy những cái tôi "vẽ chữ Tự Do mọi người cười ào ạt"(trang 62) đi cùng với những cái tôi "khắc Tự Do vào mỗi tâm hồn" (trang 63). Bởi Tự do, trong thời điểm ấy, vừa là thí điểm trào lộng, vừa là cái cớ để đàn áp tự do: Người Việt pha trộn hai thái cực ấy. Nếu loại trừ những cái tôi "khắc Tự Do vào mỗi tâm hồn" đi, thì ngọn lửa đấu tranh tiêu tán và tác phẩm (biểu hiệu sự tranh đấu cho tự do ở miền Nam) không có lý do tồn tại. Đó là mâu thuẫn sâu xa giữa tác phẩm và biểu tượng, giữa đấu tranh và lý tưởng tranh đấu, giữa hai cực và con người (không thể lựa chọn, không biết lựa chọn). Con người ở vị trí trung gian, không đen, không trắng. Con người chịu đựng và bắc cầu. Tôi không còn cô độcnhư cái cầu nổi bắc giữa hai cực Nam - Bắc đành hanh mà con người treo lủng lẳng trên đó. Tác  phẩm biểu hiện những nhận thức sai lầm về tự do của người Việt, trong thời điểm chia đôi đất nước: Không ai có thể bắt buộc ai phải tự do. Không ai có thể giải phóng người không thèm được giải phóng. Tác phẩm biểu hiện tinh thần nhược tiểu của một thời đại, con người chủ quan về mình: mình luôn luôn đúng và địch thủ phải sai. Tác phẩm biểu hiện sự chia rẽ, chiến tranh, bạo lực, đàn áp, hận thù, với cái nhìn chủ quan của người nhập cuộc, tranh đấu. Nó phản ánh một giai đoạn chủ quan của lịch sử mà mọi người "bắt buộc" phải nhập cuộc và tranh đấu dù cảm thấy cái phi lý của đấu tranh. Bởi Tự do là một thực thể không nắm bắt được: Con người không sở hữu Tự do. Con người là Tự do. Sự tranh đấu cho tự do, bắt nguồn từ bản thân: sống là tự bắt mình phải Tự do và phải tôn trọng Tự do của người khác. Khi anh bắt người khác phải tự do, hoặc khi anh đánh nhau để "giải phóng" cho người không thèm anh giải phóng, là anh đã xâm phạm Tự do của người khác. Từ vị trí "tranh đấu cho Tự do", đấu tranh cho "Giải phóng", anh biến thành kẻ chiếm lĩnh, và như thế, anh đã loại Tự do ra khỏi con đường tranh đấu của mình.
Tác phẩm Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền thể hiện những mâu thuẫn đó.

*


Cấu trúc thơ Thanh Tâm Tuyền

Hình và mộng
Chưa có nhà thơ Việt nam nào thành công trong nhiều "thể loại" thơ như thế, nghiã là Thanh Tâm Tuyền có thể viết một bài thơ bằng nhiều lối viết khác nhau, theo các cách tạo nhịp điệu khác nhau: khi thì tạo nhịp bằng vần (ẩn), khi dùng nhịp hình, nhịp âm, nhịp văn xuôi...
Hai yếu tố quan trọng tạo nên thơ ông là hình ảnh và mơ mộng. Thanh Tâm Tuyền thổ lộ:
            tôi sống thường trực bằng hình ảnh.
            bài thơ này tôi viết trong giấc mơ.
            (Hình ảnh - trang 40)
            Như vậy, bí quyết sáng tạo của ông là tạo hình trong giấc mơ (biện pháp siêu thực). Mơ đây là mơ trong vô thức, cái kho vô tận của con người, và là tiềm lực của sáng tạo. Từ mơ, trong mơ, dội ra những hình ảnh siêu thực:
            Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao
            mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
            bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới
            (Chim, trang 46)
            Ba câu thơ trên quy tụ tám hình ảnh độc đáo liên tiếp, loại hình chưa xuất hiện trong  thơ Việt trước đó: Đêm giao thừa thế kỷmưa rơi saomái sáng,đường nằm chiêm baobiển giận dỗibàn tay mâymắt trăngmôi nhiệt đới. Biện pháp siêu thực tận dụng đến triệt để, nghiã là tất cả những hình ảnh này đều được ghép bằng những yếu tố rất xa nhau, rất khác nhau, không có liên lạc gì với nhau: tại sao đêm giao thừa lại để cạnh thế kỷ? tại sao đang mưa lại có sao, sao rơi? v.v... đọc thơ Thanh Tâm Tuyền lần đầu, người ta không hiểu gì cả, hệt như đứng trước bức tranh siêu thực của Chagall: một cô dâu bay bổng trên trời, đúng là  tìm trên mây xa khơi thấy áo dài khăn cưới, như lời ca của Phạm Duy. Sau này, chúng ta quen hát Trịnh Công Sơn: "Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao, nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ..." tất nhiên là cũng không hiểu gì cả, nhưng cứ hát, mà không để ý là trước Sơn, đã có người nói như thế. Trịnh Công Sơn đến sau Thanh Tâm Tuyền. Thơ Trịnh bắt nguồn từ thơ Thanh Tâm Tuyền. Nếu không có những đêm giao thừa thế kỷ... của Tuyền thì chưa chắc đã có dài tay em mấy thủa mắt xanh xao... của Sơn. Nếu không có lệ đá xanh của Tuyền thì chưa chắc đã có dấu chân địa đàng của Sơn.
 Hai mươi tuổi, Tuyền là người dẫn đường, người tiên phong đem siêu thực vào Việt Nam một cách có hệ thống và đã tạo ra những câu thơ mới nhất, giầu hình ảnh nhất, trong thơ Việt.

Tính cách gián đoạn của đời sống

            Nhưng công của Thanh Tâm Tuyền không chỉ dừng lại ở hình ảnh. Cái mới thứ nhì mà ông đem vào thơ Việt, là dứt bỏ hình thức hoàn chỉnh, kín, của câu thơ truyền thống, của mô hình "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi", để đi đến hình thức mở, dang dở, và gián đoạn:
            Tôi buồn khóc như buồn nôn
            ngoài phố
            nắng thủy tinh
            (Phục sinh, trang 11)
Tuyền đã mang hội hoạ lập thể vào thơ. Ba câu thơ trên, nếu tinh ý chúng ta thấy ngay sự hiện diện của hội hoạ lâp thể, tức là có ba mô thức khác nhau: tôi buồn khóc như buồn nôn; ngoài phố; nắng thuỷ tinh; đã được cát gián và để cạnh nhau. Mô thức đầu: tôi buồn khóc như buồn nôn, biểu hiện trạng thái nội tâm; mô thức thứ nhì quay ra ngoài phố tức ngoại cảnh, và mô thức thứ ba, nắng thủy tinh, thuộc về thiên nhiên, môi trường. Để làm một câu thơ cổ điển hoặc thơ mới, thì người ta sẽ nối ba mô thức ấy với nhau thành một mệnh đề có ý nghiã, ví dụ:"Hôm nay trời nhẹ lên cao. Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"  (Huy Cận).
Ở đây, Thanh Tâm Tuyền cắt đứt tất cả các mối liên hệ "có nghiã" ấy, để câu thơ hiện ra dưới dạng tranh lập thể với ba mô thức khác nhau, không ăn nhập gì với nhau. Và đó cũng là cách lập hình của siêu thực.  
Phải nói thêm rằng, tính cách dang dở, dứt đoạn, này là tính cách chung của văn học nghệ thuật thế kỷ XX: Picasso "cắt" mặt các cô gái Avignon (Mesdemoiselles d'Avignon) ra làm nhiều mảnh, tung lên tranh, thể hiện những khuôn mặt đangchuyển động, với nhiều góc cạnh, kể cả khía cạnh nội tâm; để thay thế những bức chân dung cổ điển, hoàn mỹ, vẽ những  khuôn mặt im lìm - chết, không có trong thực tế. Dos Passos ghép những "mảng chuyện", thỉnh thoảng đưa ống kính caméra quẹt sang phía khác - để cho thời sự lọt vào, làm cho người đọc cảm nhận được môi trường sống sinh động trước mắt.
            Tóm lại, đời sống là những mảng đứt đoạn. Tư tưởng chúng ta cũng đứt khúc: đang nghĩ cái nọ, xọ sang cái kia. Văn chương cổ điển kể chuyện một mạch từ A đến Z: Anh A đang buồn, cô B, cô C đến an ủi, vỗ về, hết buồn. Sự thực cuộc đời không diễn biến theo trình tự thẳng tắp như thế. Mà khi "tôi buồn khóc như buồn nôn" (ý thức), tôi nhìn ra "ngoài phố" thì "nắng" vẫn "thủy tinh" (hình ảnh).  Tính cách đứt đoạn trong thơ, mà Thanh Tâm Tuyền gọi là nhịp điệu của hình ảnh, xen lẫn nhịp điệu của ý thức, chỉ là một lối diễn tả gần gụi với thực tại hơn: Thực tại luôn luôn là một chuỗi liên tục những đứt đoạn: ý thức xen lẫn hình ảnh, hình ảnh lọc qua ý thức. Vì vậy, trong thơ văn hiện đại, những gì được gọi là mới, là mở, đều có cấu trúc đứt đoạn, fragment.
 Bài Phạm Văn Thông của Quách Thoại là bài thơ có hình thức tự do, ca tụng tự do, kết án độc tài, nhưng "ý nghiã" vẫn  nằm trong cấu trúc liên tục của chuyện kể.
Bài Cánh đồng con ngựa chuyến tầu của Tô Thùy Yên, có nhịp điệu, có chuyển động cuốn theo hình ảnh, nhưng vẫn sắp xếp các diễn biến theo tình tự liên tục.
Tính cách đứt đoạn của đời sống, cho tới nay chỉ có hai nhà thơ tiên phong thực hiện trong hai chiều hướng khác nhau: Thanh Tâm Tuyền và Lê Đạt. Thanh Tâm Tuyền cắt đứt mạch liên tục bằng nghệ thuật hội hoạ. Lê Đạt độc lập hoá những "con chữ" bằng kỹ thuật thơ Đường.

Cái tôi xé hai: Thanh Tâm Tuyền

            Bài Phục sinh có thể coi như một thông điệp tư tưởng và nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền, đặt ra nhiều nghi vấn tiếp nhận. Phục sinh là tác phẩm toàn diện "mở" đầu tiên của thi ca Việt. Người đọc có thể bước vào Phục sinh từ bất cứ ngưỡng cửa nào.

Chúng ta thử cách tiếp nhận thứ nhất: Nhịp điệu hình ảnh gắn liền với nhịp điệu ý thức, chuyên chở nội dung tư tưởng: Cần hủy thể để tái sinh trong đời sống, trong sáng tạo. Hiện rõ tư tưởng hiện sinh: Mình trực diện với chính mình, mình tự bóc vỏ mình, để lột xác, tái sống. Hai chữ buồn nôn ngay dòng đầu gợi đến sự cộng tác hai cái tôi cách biệt: một Roquetin (rất Sartre) và một Tôi (rất Thanh Tâm Tuyền). Hai hữu thể cách nhau vạn dặm, cùng chung một hư vô, một nỗi đau, cùng chịu sự khảo hạch của ý thức, bắt buộc phải xét lại mọi nhận thức với tất cả giác quan của mình, và bỗng thấy vũ trụ xã hội, vũ trụ văn hóa, thẩy đều đổ vỡ, cần phải hủy diệt để tái sinh:
           
            Tôi buồn khóc như buồn nôn
            ngoài phố
            nắng thủy tinh
            tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
            thanh tâm tuyền
            buổi chiều - sao vỡ vào chuông giáo đường
            tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
            cho đứa nhỏ linh hồn
            sợ chó dữ
            con chó đói không màu
           
            tôi buồn chết như buồn ngủ
            dù tôi đang đứng trên bờ sông
            nước đen sâu thao thức
            tôi hét tên tôi cho nguôi giận
            thanh tâm tuyền
            đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
            em bé quàng khăn đỏ ơi
            này một con chó sói
            thứ chó sói lang thang
            tôi thèm giết tôi
            loài sát nhân muôn đời

            tôi gào tên tôi thảm thiết
            thanh tâm tuyền
            bóp cổ tôi chết gục
            để tôi được phục sinh
           
            từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
            nhân loại không tha thứ tội giết người
            bọn đao phủ quỳ gối
            giờ phục sinh
           
            tiếng kêu là kinh cầu
            những thế kỷ chờ đợi
           
            tôi thèm sống như thèm chết
            giữa hơi thở giao thoa
            ngực cháy lửa
            tôi gọi khẽ
            em
            hãy mở cửa trái tim
            tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
            trong sạch như một lần sự thật
            (Phục sinh, trang 11,12)

Nhưng tự hủy để tái sinh, chưa phải là tất cả "vấn đề" của bài thơ.

Bạn bèn thử cách tiếp cận bằng ngưỡng cửa thứ nhì: Trong khoảng tối nội tại, phóng ra những hình ảnh hỗn loạn, ghê gớm mà con người dấu kỹ trong tiềm thức và quên đi trong vô thức: Những tội ác, giết người, lang sói, ... của cái tôi được phanh phui, trần trụi trước ánh nắng thủy tinh, trước tia mắt băng trinh của em bé quàng khăn đỏ.
Cách thứ ba: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ: có một cái tôi hiện hữu (tôi gọi tên tôi) và một tôi vắng mặt (cho đỡ nhớ). Sự phân thân và phân tâm này vừa chứng minh sự xé đôi, sự đổ vỡ không cứu vãn được trong con người, vừa là nhận thức sâu xa về những mất mát, tứ tán của chính mình.
Cách thứ tư: Tôi hét tên tôi cho nguôi giận, vẫn có hai tôi. Một tôi đang hét và một tôi đang làm bậy (cho nguôi giận). Cái tôi nhận thức chạy xông vào vùng tiềm thức để tìm kiếm lục lọi cái tôi tội lỗi, trốn vào bóng tối, rồi quên đi trong vô thức của tâm hồn. Cái tôi vô tội bóp cổ cái tôi có tội, trở thành kẻ sát nhân. (Đây không chỉ là một hình ảnh siêu thực, mà còn cực thực của những người xử án hoặc hành án tử hình). Trong khi đó thì những hình ảnh tương phản của một thế giới khác: em bé quàng khăn đỏ, cận kề, vô tư, trong sáng, chưa một lần ngờ vực đến những mờ ám trong con người lang sói, ẩn trong các vùng sâu.
Và bạn có thể tiếp tục, các cách đọc thứ tư, thứ năm...

            Cuối cùng, nhà thơ cúi đầu trước tình yêu, tình yêu đốt cháy, tình yêu là cứu cánh, cứu rỗi, là em, trên tất cả, tình yêu là sự thật:
             em
            hãy mở cửa trái tim
            tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
            trong sạch như một lần sự thật

            Thế nhưng, tình yêu cũng chỉ là phương tiện hành động "thế giới tuyệt đối của Tình Ái bị phá vỡ, những thần tượng sụp đổ. Tình Ái cũng bị làm phương tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức". Thanh Tâm Tuyền viết như thế. Vậy không có cứu cánh, không còn cứu cánh, con người quay trở lại sự hủy diệt tròn (destruction circulaitre), vô tội - có tội cùng sát nhân, sát cánh, bên nhau, như nhau, một vòng tròn trong hư vô, gặp lại Nietzsche: Tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền nằm trong quỹ đạo nghi vấn, mâu thuẫn liên tục, hủy thể không ngừng, vấn đề luôn luôn đặt lại.



Thanh Tâm Tuyền và tình yêu

Dù tình yêu chỉ là phương tiện "khai quật ý thức", nhưng nhà thơ vẫn dành cho tình yêu những lời tha thiết nhất:

            Tôi biết những người khóc lẻ loi
            không nguôi một phút
            những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
            em biết không
            lệ là những viên đá xanh
            tim rũ rượi

            đôi khi anh muốn tin
            ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể
            mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
            đến ngày cuối
            đôi khi anh muốn tin
            ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
            mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
            nguồn sữa mật khởi đầu
            đôi khi anh muốn tin
            ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
            và bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
            vòng ân ái
            đôi khi anh muốn tin
            ôi những người khóc lẻ loi một mình
            đau đớn lệ là những viên đá xanh
            tim rũ rượi
(Lệ đá xanh, trang 60)
            Đối lập với trữ tình lãng mạn (tin tưởng và thần thánh hóa tình yêu), là thái độ hoài nghi: đôi khi anh muốn tin. Nhưng hoài nghi trong xác quyết qua những hình ảnh cực kỳ đớn đau: Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình,lệ là những viên đá xanh tim rũ rượi mà thi ca cổ điển và lãng mạn, với cấu trúc song song (liên kết những yếu tố giống nhau) không thể nối liền những chất vô cơ như đá với hữu cơ như nước mắt, trong cùng một sinh thể huyền nhiệm là trái tim con người.

            Anh xin em ngọn tóc cỏ cái hôn tím
            mắt chợt xẩm chiều
            bởi trôi qua những miền tâm sự viếng thăm
            có thể em chết trước khi anh kịp về
            mùa  lạnh gian phòng cũ
            không ai khép cửa sổ
            cúi xuống viền mi những bóng tối bên ngoài
            có thể rồi anh sẽ yêu người đàn bà thứ hai
            anh không chối
            nhưng mãi mãi em còn là đất dĩ vãng
            mà rễ tình cảm đòi bén gần
            và những viên gạch những lối xưa
            còn chiêm bao gót em mềm âu yếm
            ...
            vậy sao em lại ngủ
            ngủ trong lòng mộ trong nghĩa địa thân thể anh
            với áo cỏ may châm da thịt
            (Liên những bài thơ tình thời chia cách, trang 57).

            Sự tiếp cận của nhà thơ với tình yêu ở đây đã ra ngoài cõi sống, ngoài cõi biết: ngủ trong lòng mộ, trong nghĩa địa thân thể anh, với áo cỏ may châm da thịt, tạo bất ngờ, kinh ngạc, khủng hoảng, tuyệt đỉnh đớn đau, ra ngoài tầm với của nhiều người. Những hình ảnh mang trái phá của tình yêu, trong sáng tạo. Maurice Blanchot đã từng liên kết tình yêu, sự sống với cái chết như một guồng máy sinh động của cuộc đời, qua nhiều giai đoạn: Tình yêu là cơ nguyên của sự sống, trong một cuộc chiến cam go: Khi vượt tuyến vào vòng trứng, bao nhiêu tinh trùng đã bỏ mạng? Cuộc đời thoát thai từ chiến tranh, từ nhiều cái chết và tình yêu đưa đến hủy hoại trước khi tái tạo một sinh thể mới.
            Trường ca Đêm trong tập Liên đêm mặt trời tìm thấy gồm 10 đoản ca, mỗi đoản ca là một khúc giao hưởng giữa bóng tối và ánh sáng. Khúc một: chiến tranh và tình yêu. Khúc hai:  hạnh phúc, chân lý và lừa dối. Khúc ba: sa mạc và tự do. Khúc bốn: xiềng xích và lưu đầy. Khúc năm: bất lực và đói khát. Khúc sáu: Những người tình đã mất. Khúc bảy: con quạ trong văn chương. Khúc tám: Man trá và đồng loã. Khúc chín: Niềm cô độc đen. Khúc mười: Huỷ diệt. Toàn bộ mười đoản khúc trổi dậy như mười bản giao hưởng mà âm vang biến đổi tùy theo người nghe đứng ở phiá nào của cuộc sống. Giao hưởng giữa hội họa và âm nhạc, thơ mộng với ác mộng, ý thức với vô thức, tình yêu với tuyệt vọng, ngục tù với tự do... Dư âm  vọng xa, đớn đau khuyếc tán. Càng đi sâu vào lòng âm thanh, hình ảnh càng khốc liệt: Tội ác dần dần tái chiếm lãnh địa, tình yêu mắc bạo bệnh, thổ huyết, chết quằn quại bên một nhân loại lầm lì, sa đọa và cô độc.
 Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng về một sự đọc, một sự hiểu; bởi có nhiều cách đọc, mỗi cách   mở ra một cánh cửa, một sáng tác, một khám phá. Phải để cho âm thanh và hình ảnh cuốn đi, đừng tìm hiểu, trôi trong tình trạng loạn thần như người thơ, vào thế giới u uất của người thơ, một thế giới vô thức, chụp bằng con mắt điên loạn của ý thức:
           
1         
...Ở cuối đêm
em rũ tóc nói những lời mê sảng
những ám hiệu
của mặt biển đen không
tình yêu tuyệt vọng
anh xé tóc em cùng những cánh lá chết
mùa thu
gây thương tích nơi cườm tay
khóa chặt
anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
khuôn mặt vỡ tan
như cẩm thạch
như nước mắt
như muôn đời
...
3
...
Trong đầu là hư vô
Trong mắt là hoang đảo
Trên môi là thần chú
Trên tay là trống không
Cả đời là sa mạc
Cả tôi là tự do
....
5
.. Anh ôm ghì sự bất lực đói khát, mũi dao nhọn giữa lòng tin
Thân thể này không của anh cũng không của em
...Anh không bao giờ biết chảy nước mắt
Dù bao nhiêu đêm nay anh vẫn thầm bảo:
đêm là gì? Nếu không là những giòng lệ
Những giòng lệ không một màu không đau xót...

7
Những bài thơ tình không viết được
những hồn ma hoang đầu ngọn cây
Xác chết rữa nát
Trong kẹt rừng khô
Đêm thức dậy mở mắt mắt đã mù
Hai con sâu nằm trên chân mày đang khoét lỗ
Con quạ hôi hám mở lồng ngực bay lên
Mỏ ngậm quả tim đựng hình ảnh đời người
Đời người thản nhiên như tên gọi.
...
9
Một giọng trầm đêm
Niềm cô độc sâu
Nét nhạc xanh cung thương đen
Mi mắt chĩu mùa đông cũ
Cái chết bốc hơi
Tiếng kèn rách vô hình dáng
Người con gái áo đen xoã tóc ngất
Hai cánh tay dài quằn quại hai con trăn hiền lành
Không khí nhiễm độc
*
Đập vỡ
Quá khứ hỗn xược trên da trống
Ném mảnh chai lên mặt trời mù
Nói thầm nói thầm
Mưa rét mướt
....
Đập vỡ đập vỡ đập vỡ đập vỡ
Niềm cô độc sâu
Giọng trầm đêm hút.

10       
....Có ai gọi tên tôi tôi giữa phố, phố hoảng sợ cái tên lăn như một xác chết nhập hồn. [....] Anh không phải là một cái tên [...] Mỗi lần muốn gặp anh em chỉ việc chọc dao thẳng vào tim, máu sẽ chảy và anh tới theo con đường máu tinh khiết ấy. Anh sẽ uống những giọt máu thơm tho của tình yêu làm anh bất tử. [...]

Có ai gọi tên tôi giữa phố, ngay sau lưng phố cụt cái tên mọc hai cánh tay chới với. Tôi dừng lại rút khí giới, con dao của em, ...
Sao không ai gọi tôi nữa? Tôi đứng im đây, vực sâu trước mắt, cái tên sau lưng.  [....] Cái tên chết điếng. [...] Hóa ra tôi đâm tôi chết tốt. Cũng xong".

(Trích Đêm, trong tập Liên đêm mặt trời tìm thấy, trang 55-74)

            Con đường tìm bản thể (cái tôi) dẫn đến hủy thể. Hủy thể ở đây là tình yêu. Tình yêu  là cứu cánh, nhưng tình yêu còn đi đôi với tội ác, cái chết - Trong tình yêu có cái chết và tội ác, trong cái chết và tội ác có tình yêu. Khó có tác phẩm nào trình bầy được sự tương phản đến cực độ ấy trong con người. Người đọc loạn thần trước những hình ảnh cực kỳ đen và đẹp: Anh xé tóc em cùng những cánh lá chết, mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay khóa chặt, anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc khuôn mặt vỡ tan như cẩm thạch như nước mắt như muôn đời..,con quạ hôi hám mở lồng ngực bay lên,... và sau cùng hình ảnh Orphée tìm người yêu qua nhiều miền địa ngục và giết người yêu bằng tình yêu của mình: Khi Orphée ngoái lại, bánh xe hủy diệt luân hồi giữa tình yêu, tội ác, sự sống và sự chết lại vận hành, vận hành cho tới khi nào còn con người trên nhân thế, ngoài nhân thế.
*

Thanh Tâm Tuyền và mầu da.

            Người Việt vốn kỳ thị, gọi người Tàu là Chệt, người Ấn là Chà Và, người Ả Rập là Rệp, những dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời hơn họ. Sang Mỹ, họ khinh người Mễ, không thèm ngó tới người da đen. Nếu mới ở trong nước mới sang Pháp, bước vào métro, thế nào họ cũng cố tránh ngồi gần một người da đen; tựa như một đứa bé lần đầu tiên nhìn thấy người da đen, có thể nó sợ khóc ré lên, có thể nó lại gần sờ soạng xem da đen khác da (trắng) của nó như thế nào: tò mò mà thân thiện. Phản ứng của người Việt đối với người da đen thường không mấy khi thân thiện và ngây thơ như thế: họ có thành kiến. Người Việt lấy làm "tự hào": mình tuy "không bằng" da trắng, nhưng "còn hơn" Rệp, Mễ (da màu) và "hơn hẳn" da đen. Một niềm tự hào sai, bởi "mình" chẳng thua ai và cũng chẳng hơn ai: lột lớp da ngoài, bên trong xương, thịt, máu, hệt như nhau: cùng một màu.   
Thanh Tâm Tuyền là nhà thơ toàn diện, total, chữ của Curtius. Chỉ những nghệ sĩ toàn diện mới có khả năng nhấc dân tộc ra khỏi sự độc tôn, kỳ thị. Thanh Tâm Tuyền đi từ nỗi đau cá nhân để đạt đến nỗi đau nhân loại. Bằng cái đau nhỏ cấu xé giữa anh em trong nhà, đau chia đôi đất nước "nói thầm với nhau, dù vĩ tuyến"(bài Vĩ tuyến), bằng giọt lệ khóc chung các dân tộc bị xiềng xích "Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest", để đến với cái đau lớn: đau mầu da, đau thân phận nhược tiểu của con người:
           
Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những giòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lời rừng mãi trống không
Ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hờn xác thịt
Tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai
Tội rằng không quên chẳng thể được quên
Vì blues không xanh vì điệu blues đen
Trên mầu da nức nở
Trong hộp đêm
Bắt đầu chẩy máu thầm kín khóc cổ họng mình
Ngón tay cấu lấy ống kèn như một bùa thiêng
Chọn ngoài thể xác ngoài thương yêu ngoài dữ tợn
Chọn thế giới va chạm những loài kim réo gọi
Thời gian mềm
Không gặp thời gian
Không gian quay thành những vòng kỷ niệm
Rồi một buổi nào Blues  hiện về xanh
(ĐenLiên đêm mặt trời tìm thấy, trang 81-82).

            Đen bước vào hiện thực hiện sinh, dùng hiện sinh con người để phê phán xã hội: Nhà thơ không đứng ngoài để tả chân về một người nghệ sĩ da đen, ông đã nằm trong da, trong thịt, trong máu, trong nước mắt, trong tiếng kèn của người nghệ sĩ để phóng ra những âm thanh, những hình ảnh khốc liệt của một khúc hát đen, trong bầu trời đen, với những giòng nước mắt xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng, trên mầu da nức nở. Ở ngoài không thể làm được như thế, phải ở trong, sâu mới đi đến kiệt cùng, đến thế. Xác đáng ghê gớm về mặt hiện thực, cả bài thơ là một dòng tư tưởng trong trạng thái quặng mỏ, chưa đãi lọc, chưa có dấu vết kiểm duyệt của lý trí, những hình ảnh cứ mặc sức tuôn ra theo giòng máu, bắt người đọc phải nín thở trườn theo mạch thơ vì mỗi xuống hàng đều bắc cầu liên tục với câu trên, không ngừng đứt: Niềm đau hội tụ từ hồng tâm đen, tóe máu đen ra tứ phía, nhuộm đen vũ trụ, không gian, thời gian và âm nhạc. Đồng thời cũng từ hồng tâm huyết cầu này toát ra những hủy thể trường kỳ của sự sống: Xé nát thân thể, giọng của máu của tủy của hồn, tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai... toát ra những bất công mãn kiếp của những số phận: trần truồng tủi cực hờn xác thịt, quên chẳng thể được quên, chọn ngoài thể xác ngoài thương yêu ngoài dữ tợn, chọn thế giới kim châm ... toát ra tính chất bất kỳ, phi lý của mầu da, của người dân nhược tiểu không có quyền lựa chọn, và cuối cùng pha trộn với sự trốn chạy của thời gian và không gian làm nên một thứ hủy diệt tròn: không gì có thể giải quyết nổi.
            Nỗi đau đen không chỉ là nỗi đau của người nghệ sĩ kèn đồng đêm ấy, nó là nỗi đau của nhân loại, tiết ra từ xương, từ tủy, từ giòng máu đen khốn nạn trong mỗi chúng ta với những ác tâm, kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Chính dòng máu đen ghê gớm ấy đã xé nát thân thể, đã cào cấu huyết mạch những tâm hồn không được quyền chọn mầu da của mình. Dòng máu đen "vô tội" của mỗi người được dấu kín trong tiềm thức, giả đò quên đi trong vô thức, nhưng luôn luôn chẩy ngầm trong huyết quản mà chỉ những nghệ sĩ đích thực mới cả gan đào sâu, cắt mạch cho nó tóe ra trong địa ngục con người. Họ là tự do. Họ là sự thật.

Thụy Khuê
3/11/2006
Bài viết này nguyên là chương XII và XIII của cuốn Cấu trúc thơ (nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1995), chúng tôi đã sửa 
chữa và bổ sung



























(...)

(trích 1 phần từ blog phan nguyên)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét