CÓ PHẢI X.Y. THÁI DỊCH
LÝ ĐÔNG A LÀ TÁC GIẢ
"KHUYẾT DANH" CỦA
THI PHẨM "VÔ ĐỀ"?
trần thị bông giấy [ i.e. trần thị thu vân 1950- ] -- (ảnh: Internet)
trần nghi hoàng [ 1949- ] -- (ảnh: Internet)
(Nguyên thủy bài được viết ngày April 29/1992 và được đăng trên tạp chí Văn Uyển Số Mùa Hè 1992 do TNH và TTBG chủ trương. */ TÌM THẤY LẠI ngày Dec. 3/2011, thứ Bảy, sau gần 19 năm bị vùi quên trong hộc tủ đầy những sáng tác dang dở mới, cũ của TTBG)
***
Lời mở đầu.
Khoảng đầu năm 1992, một công án văn học do ông Việt Viêm Tử Lê Tư Vinh ở Washington DC đưa ra với câu hỏi: "Có phải X.Y. Thái Dịch Lý Đông A là tác giả chính thực của Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, thi phẩm cực kỳ chống đối, miệt thị CSVN, xuất xứ từ trong nước, được bí mật gửi ra và ấn hành ở hải ngoại; được dịch ra nhiều thứ tiếng, từng đoạt nhiều phần thưởng thi ca quốc tế và nhất là nằm trong danh sách vài tác phẩm VN được đề nghị giải Nobel --với một nhân vật mang tên Nguyễn Chí Thiện?"
Công án vừa đưa ra, lập tức đã làm động não nhiều người, trong số có Trần Nghi Hoàng & TTBG, hai người chủ trương Tạp chí Văn Uyển định kỳ phát hành tại San Jose California. Gọi là công án, bởi vấn đề còn phải được nhiều người bỏ nhiều tâm sức để làm cho sáng tỏ. Nên bài viết này chỉ bao gồm những phân tích và suy luận của riêng chúng tôi; và dù rằng đã cố tình lập luận từ cái nhìn trên một căn bản chủ quan do tư liệu và hiểu biết riêng, nhưng sự nghiên cứu và thảo luận từ tất cả mọi người với những quan điểm dị đồng vẫn là điều vô cùng cần thiết.
Bài viết sẽ được chia thành hai phần;
Phần 1: Sơ lược về thân thế của Thái Dịch Lý Đông A và Nguyễn Chí Thiện, so sánh xem cuộc đời của “tác giả” nào mới là thích hợp cho việc sáng tác Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, theo quan niệm “Tác phẩm ẩn chứa con người tác giả”; trong thơ phải có hình bóng quá khứ, hiện tại và ước vọng tương lai của tác giả, đặc biệt là với một thi phẩm nặng tính chất đấu tranh, chuyên chở tư tưởng cách mạng như Tiếng Vọng Từ Đáy Ngục.
Từ kết luận ở phần 1, sẽ bước qua phần 2.
Phần 2: So sánh một số điểm trùng lập của tư tưởng cũng như ngôn ngữ, khẩu khí trong thơ giữa hai tác phẩm Đạo Trường Ngâm (Lý Đông A) và Tiếng Vọng Từ Đáy Vực (Nguyễn Chí Thiện). Đồng thời cống hiến đôi ba ẩn ngữ “chung” đã may mắn tìm ra từ hai thi phẩm. Ngôn ngữ, khẩu khí và tư tưởng của một tác phẩm là những điểm then chốt nói lên về tác giả. Ẩn ngữ là cõi cất giấu những bí mật của tư tưởng tác giả. Do bởi cái “truyền đạt” của tác phẩm phải xuất phát từ cái “biết” của tác giả, “Tri” và “Hành” phải hợp nhất từ tác giả và tác phẩm.
Xét ra công việc của Phần 2 rất phức tạp khó khăn, đòi hỏi nhiều công phu và ngày giờ. Chắc chắn, dưới dạng bài viết cho khuôn khổ một tập san không thể nào cáng đáng nổi, mà phải là một cuốn sách vài trăm trang may ra mới giải tỏa được toàn bộ vấn đề, dù chỉ đơn thuần là vấn đề trong khía cạnh văn học thôi.
[Theo sự tìm biết của chúng tôi, Đạo Trường Ngâm của XY Thái Dịch Lý Đông A còn ẩn giấu những quẻ Dịch thiên biến vạn hóa mà chúng tôi chưa có khả năng luận giải. Mong rằng sẽ có những bậc trí giả chuyên môn trong lãnh vực này cùng tiếp sức một tay.]
Vì thế, xin quý độc giả hiểu rằng bài viết này chỉ là công việc sơ khởi của một tiếng chuông kêu gọi sự quan tâm. Mọi kết luận phải được phát biểu sau những suy ngẫm, nghiên cứu kỹ lưỡng công phu; và đó là việc của tất cả mọi người.
Bây giờ, thử đi vào thân thế cuộc đời của Nguyễn Chí Thiện và cụ Lý Đông A.
nguyễn chí thiện [ 1939- 2012 california ] was a Vietnamese born American dissident activist and poet who spent a total twenty-seven year in prison by tha Hanoi communist regime and both North vietnam and post-1975 Vietnam." -- Wikipedia
PHẦN I:
TÌM HIỂU THÂN THẾ - TIỂU SỬ.
A. NGUYỄN CHÍ THIỆN.
Tiểu sử Nguyễn Chí Thiện cho đến nay vẫn còn là một chắp vá tuy không mơ hồ nhưng rất phức tạp.
Theo một bài viết ký tên Minh Thi (đăng trong phụ lục trang đặc biệt về tác giả Khuyết Danh, báo Người Việt số 32 ra ngày Nov. 24/1980) thì:
“Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1937 tại Hải Phòng Bắc Việt, khoảng cuối năm 1978 được tạm phóng thích, ngụ tại số 36 đường Nhà Ga, Hải Phòng. Thiện bị chuyển từ trại cải tạo II Yên Bái tới trại Phong Quang cách Lào Kay 30km vào đầu năm 1966 suốt tới năm 1978 (11 năm tù). Nguyễn Chí Thiện, Minh Thi, Phùng Cung (nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ở Bắc) bị giam chung với chính trị phạm và biệt kích miền Nam…
(Tội nghiệp! CSVN mà lại thiếu nhà tù! Nghe đâu gần đây CSVN lại “phải giam” Nguyễn Chí Thiện chung với Bác sĩ Bùi Duy Tâm nữa?!)
“Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cao 1m70, lưng hơi khòm, ria mép màu nâu hung hung, mắt trái hơi lé, ông xuất thân ở gia đình công chức, cha mẹ đã mất, còn một bà chị ở Hà Nội. Ông thông suốt Anh, Pháp ngữ, Hán văn, ưa thích thơ Đường, ông học hết tú tài Pháp (Bac). Tính ông cương trực ngang tàng, đầy khí phách kẻ sĩ, ham uống trà đậm, nên bạn bè tặng danh hiệu là Nguyễn Chí Chát (chua chát, cay cú). Ông bị ho lao nặng nên đến ở toán đan lát trong tù. Đa số bài thơ sáng tác trong tù, thuộc lòng và chỉ chép lại cất giấu khi được tạm phóng thích. Hai ba lần tìm tàu người ngoại quốc nhờ chuyển tập thơ ra ngoài bị thất bại. Sau cùng tập thơ được tác giả trao tay một nhà ngoại giao Anh quốc, và một nhân viên đài BBC người Việt: Đỗ Doãn Quy, rồi chuyển giao cho ông Châu Kim Ngân đưa qua Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, ở bài viết đăng trên tờ Người Việt ngày 4 tháng 4 năm 1992 vừa qua, ông Bùi Duy Tâm nhất định là Nguyễn Chí Thiện sinh năm Ất Hợi 1935 tại phố Hàng Bột, Hà Nội.
Theo Cơ Quan Ân Xá Quốc Tế thì Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1932.
Bà Ginetta Sagan, giám đốc cơ quan Aurora Foundation cho rằng Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1933.
Và theo tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong khi xuất bản Tiếng Vọng Từ Đáy Vực dưới tựa đề “Bản Chúc Thư Của Một Người VN” thì Nguyễn Chí Thiện lại “bị” sinh năm 1938!
Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể vững chắc nào để kết luận về một “nhà thơ Nguyễn Chí Thiện”. Biết đâu, nhân vật Nguyễn Chí Thiện lại không là một “cú lừa” có sách lược của CSVN?
*
* *
[Thực sự cho đến bây giờ, tháng 12/2011, 19 năm sau khi bài viết trên chào đời, và “nhân vật” Nguyễn Chí Thiện (của bài viết) cũng được nhà nước CSVN cho đi Pháp định cư, thân thế trở nên “nổi tiếng”, thì TTBG được rất nhiều bạn quen có "máu mặt" trong giới văn nghệ hải ngoại xác định: “biết Nguyễn Chí Thiện -- ở Pháp bây giờ-- từng ở tù CS nhiều năm”. Nhưng khi được hỏi “Có từngở tù chung trại với Nguyễn Chí Thiện không?” thì TẤT CẢ đều lắc đầu, bảo “Chỉ nghe kể lại.”
Vậy e rằng các con người như Minh Thi, Bùi Duy Tâm, cũng “Chỉ nghe kể lại” khi đưa ra tiểu sử Nguyễn Chí Thiện? Hơn nữa, các bài thơ Nguyễn Chí Thiện (này) làm ra ở ngoại quốc cho thấy từ khẩu khí đến chữ dùng HOÀN TOÀN KHÁC với các bài in trong tập Thơ Vô Đề (hay còn gọi Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, Hoa Địa Ngục, Bản Chúc Thư Của Một Người VN của tác giả Khuyết Danh. ]
*
* *
B. X.Y. THÁI DỊCH LÝ ĐÔNG A.
Tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm Canh Thân --1920. Cụ từng thi rớt Tiểu học Pháp, nhưng đột nhiên năm 14 tuổi, được “linh quang nhập thể” và trở thành một bậc “huyền đồng”. (Ở đây, chúng tôi sẽ không đi vào những khía cạnh siêu nhiên bởi bài viết chỉ nhằm mục đích thuần về mặt văn học).
Từ đó, cụ Lý bắt đầu viết sách dựng chủ thuyết, lập đảng Duy Dân và làm cách mạng chống Pháp, chống Việt Minh CS.
Năm 1945, đảng Duy Dân tan vỡ ở Nga My, một số đảng viên khoảng 4, 5 người bị CS giết chết.
Năm 1946, vụ nổi dậy của Duy Dân ở tỉnh Hòa Bình miền Bắc (Chợ Bờ Suốt Rút) lại thất bại; gần 400 đảng viên bị thảm sát. Có tin là Thái Dịch Lý Đông A cũng chết trong vụ Hòa Bình này, nhưng chẳng bất cứ ai có thể chứng minh được là thấy tận mắt cái chết hoặc xác của Cụ Lý. Tuy nhiên một bà lão gốc người Mường nay đã trên trăm tuổi (trước 1975 vợ chồng bà ở Bàn Cờ Sàigòn và đã trên 90 tuổi), vẫn còn sống và đang có mặt tại hải ngoại, kể lại:
“Sau vụ Hòa Bình, cậu Lý lẩn trốn về ẩn ở nhà tôi trên miền thượng du Bắc Việt khoảng một tháng. Sau đó cậu Lý bỏ đi. Lúc từ biệt chia tay trước khi xuống đò, cậu có tặng cho chồng tôi cái áo blouson”.
Chồng bà cụ mất, chiếc áo blouson còn để lại cho bà giữ đến nay.
Không ít người vẫn tin rằng Cụ Lý còn sống và vẫn bí mật hoạt động từ nhiều năm qua và --một trong những dấu tích đã được phát hiện về Cụ chính là thi phẩm Tiếng Vọng Từ Đáy Vực.
Về Cụ Lý Đông A, có nhiều giai thoại chung quanh Cụ. Như chuyện lúc hoạt động ở Hà Nội, Cụ trọ trong một gia đình nọ (năm ấy còn dưới 20), hai vợ chồng trong gia đình này gọi là Cậu Đông. Họ kể rằng:
“Cậu Đông không bao giờ tắm mà chỉ hay ngồi trùm kín trong một cái chăn màu đen, rồi xông bằng trầm hương!...”
Có thể vào một dịp khác, chúng tôi sẽ có bài viết riêng về những giai thoại này. Bây giờ, từ thân thế và cuộc đời của Thái Dịch Lý Đông A và Nguyễn Chí Thiện vừa trình dẫn, thiết nghĩ đã tương đối sẵn sàng cho công việc so tìm Tiếng Vọng Từ Đáy Vực để xem ai thích hạp và đúng kích thước là tác giả của tác phẩm này?
*
* *
Theo nhận xét riêng, bài Đồng Lầy là một trong những bài thơ rất quan trọng của tập Tiếng Vọng Từ Đáy Vực (TVTĐV), cũng như bài Đạo Trường Ngâm là một trong những bài thơ quan trọng nhất trong tác phẩm Đạo Trường Ngâm (ĐTN) của cụ Lý Đông A.
Những câu mở đầu cả hai bài đều để tự giới thiệu về tác giả.
Hãy đọc Đồng Lầy trước:
Ngày ấy, tuy xa mà như còn đấy
Tuổi hai mươi, tuổi bước vào đời
Hồn lộng ca, gió thổi chơi vơi
Bốn phía bao la chỉ thấy
Chân mây, rộng mới tuyệt vời!
Ngất ngây, làm sao ngờ tới
Bùn đọng hồ ao mạn dưới phục chờ!
Tuổi hai mươi tuổi của không ngờ.
(...)
Nhưng rồi một sớm đầu thu mùa thu trở lại
Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại
Ngỡ cờ sao rực rỡ
Tô thắm màu xứ sở yêu thương
Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường
Hung bạo phá bờ kim cổ
Tiếng mối giường rung đổ chuyển non sông. (...)
(TVTĐV tr. 1, câu 1-20)
Có phải tác giả bài thơ đã tự giới thiệu mình là một thanh niên ở lứa tuổi hai mươi (tức là từ 20 đến 29) vào thời khoảng cuộc “cách mạng cướp chính quyền mùa thu 1945” của Việt Minh? Cờ sao rực rỡ cắm vào mùa thu thì chắc chắn là mùa thu này, không sai đi đâu được.
Nhưng rồi một sớm đầu mùa thu trở lại
Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại
Ngỡ cờ sao rực rỡ
Tô thắm màu xứ sở yêu thương
Nếu lấy một năm nào đó trong số “nhiều năm sinh khác nhau” của Nguyễn Chí Thiện, ví dụ1938 mà Văn Nghệ Tiền Phong đưa ra, thì lúc “mùa thu 1945”, Nguyễn Chí Thiện chỉ mới 8 tuổi ta (tức là dôi ra một tuổi)! Điều này hoàn toàn trái ngược với đoạn thơ vừa dẫn của chính tác giả (?).
Và nếu chọn 1932 của Cơ Quan Ân Xá Quốc Tế đưa ra là năm sinh khả dĩ làm cho Nguyễn Chí Thiện “già nhất”, thì vào “biến cố mùa thu 1945”, Nguyễn Chí Thiện cũng chỉ mới 14 tuổi ta và điều đó cũng vẫn không phù hợp với
Nhưng rồi một sớm đầu mùa thu trở lại
Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại
Ngỡ cờ sao rực rỡ… (!!!???)
Như vậy, dù sinh vào năm nào trong các năm sinh mà ông “đã có” thì Nguyễn Chí Thiện rõ ràng vẫn là một cậu bé “gần mười” hoặc cao lắm là một thiếu niên “mười mấy” tuổi vào mùa thu 1945.
Dĩ nhiên chúng tôi không “cho rằng” một cậu bé 8 tuổi hoặc một thiếu niên 14 tuổi là không thể yêu nước và biết suy nghĩ. Lý Đông A bắt đầu viết sách dựng chủ thuyết rồi lập đảng cách mạng từ năm 14 tuổi mà! Tuy nhiên… “Trong tác phẩm đã có ẩn chứa con người tác giả”, nhất là một tác phẩm đấu tranh, thì điều vừa đưa cũng cần nên áp dụng cho thi phẩm TVTĐV.
*
* *
Còn XY Thái Dịch Lý Đông A?
Chúng ta đều biết Cụ Lý sinh năm 1920. Vậy khi “Việt Minh cộng sản cướp chính quyền mùa thu 1945” thì cụ khoảng 25, 26 tuổi. Đúng là
“Nhưng rồi một sớm đầu thu mùa thu trở lại
Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại
Ngỡ cờ sao rực rỡ…”
Hơn nữa trong bài Đồng Lầy (TVTĐV), tác giả khuyết danh có nói về cái quá khứ “viết sách, lập đảng cách mạng” của mình rất rõ ràng:
“Ôi tiếc thương bao mùa lúa vun trồng
Một mùa thu nước lũ
Trở thành bùn nước mênh mông
Lớp lớp sóng hồng man dại”.
(TVTĐV, Tiếng Vọng…, Đồng Lầy, tr. 1, câu 23-26)
“Bao mùa lúa vun trồng” trong đoạn thơ trên chắc chắn phải là công việc của một người viết sách, dựng chủ thuyết, làm cách mạng, làm chuyện quốc gia dân tộc, bấy giờ bị "trở thành bùn nước mênh mông" nên tác giả khuyết danh mới phải "tiếc thương..."
Thân thế và cuộc đời Nguyễn Chí Thiện KHÔNG cho thấy ông đã bỏ công “vun trồng bao mùa lúa”. Suốt đời Nguyễn Chí Thiện chỉ đi dạy học, ở tù và làm thơ (như các tiểu sử mà độc giả hải ngoại “được” cho biết).
Hơn nữa, như sau nếu bước qua lãnh vực Dịch Lý (theo cuốn Kinh Dịch, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Nghệ 1991), chúng ta lại thấy tác giả Đạo Trường Ngâm rõ ràng đã tự giới thiệu danh tính con người mình như sau:
“Một vòng không đáy, đáy sinh người
Ngoảnh lại trông đi mấy việt khơi
Thường vậy vô danh văng vẳng
Mà nay hữu thực bời bời”.
(ĐTN, Đạo Trường Ngâm).
“Một vòng không đáy” đây có phải là cái “black hole” của vũ trụ, hay là cái “vòng không lộng mối” của biến dịch?
Với ba chữ “đáy sinh người” thì có phải “Người” ở đây chỉ về “bậc huyền đồng” duy nhất, là Thái Dịch Lý Đông A?
Rồi ở hai câu:
“Thường vậy vô danh văng vẳng,
Mà nay hữu thực bời bời”: có phải tác giả đồng lúc nói về cái hiện tại của mình, lại cũng vừa tiên tri về cái khổ lụy phải ẩn tàng giấu tên hoán tuổi suốt năm mươi năm để rồi tái sinh với một TÁC PHẨM VÔ ĐỀ và TÁC GIẢ KHUYẾT DANH trong hiện tại?
Hãy đọc trong TVTĐV:
“(…) Hồn lộng cao gió thổi chơi vơi (…)
Bùn đọng hồ ao cạn dưới phục chờ”.
(TVTĐV, Đồng Lầy, tr. 1, câu 3 và 7).
Như đã nói, nếu nhìn bằng Dịch Lý thì phần này cũng là để giới thiệu tính danh thân thế tác giả Khuyết Danh.. Thường các bậc đại hào kiệt hay dùng tên hiệu để biểu lộ chí khí, hoài bão của mình.
“Hồn lộng cao” là quẻ Thiên Trạch Lý.
“Bùn đọng hồ ao mạn dưới” là quẻ Địa Thiên Thái.
Ở đây, xin cả gan giải nghĩa về tên hiệu X.Y. Thái Dịch Lý Đông A vì hai quẻ trên là hai quẻ nằm trong tên hiệu của Cụ. Tuy nhiên chúng tôi rất áy náy và mong mỏi có một bậc tri thức lão thành tinh suốt Dịch Lý sẽ giảng giải về hai quẻ này một cách thông thái và uyên bác hơn, để chúng tôi có dịp học hỏi. Hơn nữa, chúng tôi sẽ xin thảo luận về hai quẻ rất đại cương, không đi sâu vào các hào từ, lý do vì giới hạn ở kiến thức về Dịch của chúng tôi và đồng thời giới hạn của số trang cho bài viết này.
X.Y.: Tung, Hoành. Là thông suốt dọc vũ trụ, là đã qua bậc Trí để đến Tuệ.
Thái: Thái là quẻ Địa Thiên Thái.
Quẻ này tiếp theo sau quẻ Thiên Trạch Lý.
Dịch là biến dịch, là sự tuần hoàn chuyển động.
Lý Đông A lấy quẻ Thiên Trạch Lý làm họ.
Lý là lễ, là có trật tự, là yên ổn.
1/ Trong quẻ Thiên Trạch Lý (Kinh Dịch, NXB Văn Nghệ Hoa Kỳ 1991), học giả Nguyễn Hiến Lê viết:
-- Thoán từ: "Lý hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh”; tức là giẫm trên đuôi cọp mà cọp không cắn, hanh thông.
-- Giảng: “Trên là dương cương, là Càn, là Trời; dưới là âm nhu, là Đoái, là chằm. Vậy là trên dưới phân minh lại hợp lẽ âm dương, tức là lễ, là lý. Có tính âm nhu, vui vẻ đi theo sau dương cương thì người đi trước mình dữ như cọp, cũng tỏ ra hiền từ với mình, cho nên bảo rằng giẫm lên đuôi cọp mà cọp không cắn. Ba chữ “lý hổ vĩ” chính nghĩa là giẫm lên đuôi cọp, chỉ nên hiểu là đi theo sau cọp, lấy sự nhu thuận vui vẻ mà ứng phó với sự cương cường.”
-- Thoán truyện bàn thêm: Hào 5 quẻ này là dương mà trung, chính, xứng với ngôi chí tôn, chẳng có tệ bệnh gì cả mà lại được quang minh.
-- Đại tượng truyện bảo trên dưới phân minh (có tài đức ở trên, kém tài đức ở dưới) như vậy lòng dân mới không hoang mang (định dân chí), không có sự tranh giành.
2/ Tiếp sau quẻ Thiên Trạch Lý làquẻ Địa Thiên Thái, có nghĩa trời đất giao hòa làm nên mùa xuân miên viễn (vạn xuân).
(Cũng trong Kinh Dịch, tr. 234,-235, nói về quẻ Địa Thiên Thái, Nguyễn Hiến Lê đã viết):
-- Trên là Khôn (đất), dưới là Càn (trời).
Lý là lễ, có trật tự trên dưới phân minh, như vậy thì yên ổn.. Lý cũng có nghĩa là Giẫm, là giày dép, đi giày thì được yên ổn. Vì vậy sau quẻ (Thiên Trạch) Lý, tiếp tới là quẻ (Địa Thiên) Thái. Thái nghĩa là yêu thích, thông thuận.
-- Thoán từ: Tiểu vãng đại lai, cát, hanh.
-- Dịch nghĩa: Thái lá cái nhỏ (âm) đi. cái lớn (dương) lại, tốt, hanh thông.
-- Giảng: Trong quẻ Lý, Càn là trời, cương. Đoái là chằm, nhu. Trên dưới phân minh, hợp lẽ âm dương, tốt.
Trong quẻ Thái, Càn không nên hiểu là trời vì nếu hiểu như vậy thì trời ở dưới đất, không còn trên dưới phân minh nữa, xấu. Chỉ nên hiểu "Càn là khí dương, Khôn là khí âm"; khí dương ở dưới, có tính cách thăng mà giao tiếp với âm; khí âm ở trên có tính cách giao tiếp với khí dương”; hai khí giao hòa, mọi vật được yên ổn, thỏa thích.
3/ Và cũng trong Kinh Dịch, tr. 235, học giả Nguyễn Hiến Lê thêm những lời giảng của cụ Phan Bội Châu nói về quẻ Địa Thiên Thái (trong sách Chu Dịch) như sau:
“Nguyên thuần âm là quẻ Khôn, là âm thịnh chi cực, cực thì phải tiêu, nhân đó một nét dương thay vào dưới, hào 1 của Khôn, thành ra quẻ Phục, Phục là một dương mới sinh.
Dương sinh đến hào thứ hai thì thành quẻ Lâm, thế là dương đã lớn thêm dần dần. Khí dương sinh đến hào thứ 3 thì thành quẻ Thái, trên là Khôn dưới là Càn.
Khôn là âm nhu, là tiểu nhân; Càn là quân tử. Quẻ Thái là tượng đạo tiểu nhân đương tiêu mòn, đạo quân tử đương lớn mạnh, hai bên ngang nhau cho nên gọi là Thái.”
Thoán từ bàn thêm: “Thái là lúc cái nhỏ đi, cái lớn trở lại (…), là trời đất giao cảm mà muôn vật thông, trên dưới giao cảm mà chí hướng như nhau. Trong (nội quái ) là dương, ngoài (ngoại quái) là âm. Trong mạnh mà ngoài thuận; trong quân tử mà ngoài tiểu nhân, đạo quân tử thì lớn lên mà đạo tiểu nhân thì tiêu lần.”
Hào từ: Sơ cửu: Bạt mao nhự, dĩ kỳ vị, chinh cát.
Dịch nghĩa: hào 1 dương: Nhổ rể cỏ mao mà được cả đám, tiến lên thì tốt.
Giảng: Hào này là người có tài, còn ở vị thấp nhưng cặp với hào 2 ở trên, như có nhóm đồng chí dắt díu nhau tiến lên, để gánh việc thiên hạ, cho nên việc làm dễ có kết quả như nhổ rể cỏ mao, nhổ một cọng mà được cả đám.
4/ Đông A tức là Đông Á. Ý nói sau khi đem hòa bình cho đất nước rồi sẽ đưa đất nước lên tới vinh quang sáng ngời trong trời Đông Á (Đông Nam Á Châu).
Vậy căn cứ vào những điểm đã nêu ở trên (và các lý luận so sánh, dẫn giải ở phần sau) thì có thể TẠM kết luận tác phẩm Vô Đề của tác giả Khuyết Danh chính là tác phẩm HẬU ĐAO TRƯỜNG NGÂM của X.Y. Thái Dịch Lý Đông A.
*
* *
PHẦN II:
PHÂN TÍCH & SO SÁNH TÁC PHẨM.
Đọc tác phẩm Tiếng Vọng Từ Đáy Vực (NXB Thời Tập 1980) của tác giả Nguyễn Chí Thiện, rồi đọc những tác phẩm của X.Y. Thái Dịch Lý Đông A (Đạo Trường Ngâm, NXB Nhân Chủ Học xã; vàHuyết Hoa, Vạn Thắng thư cục xuất bản), người ta không thể không ghi nhận sự giống nhau một cách độc đáo về chữ, câu, thi vận và luôn cả khẩu khí, tư tưởng trong ba tác phẩm.
Phần này sẽ được chia các vấn đề thành từng mục riêng để độc giả dễ dàng nhận định sự việc.
I. SỰ TRÙNG HỢP VỀ CHỮ VÀ CÂU.
A. Trước tiên xin đơn cử bài Đồng Lầy (TVTĐV tr. 1). Có thể gọi đây là một bản cáo trạng về những tội ác của CSVN đối với quốc gia dân tộc, vừa là một bài Hịch kêu gọi con Rồng cháu Lạc đứng lên đánh dẹp một chính quyền hại dân hủy nước.
Ở phần I, chúng tôi đã trích dẫn hai đoạn ngắn trong bài Đồng Lầy để đưa ra chứng minh về thân thế, tên tuổi cũng như hoài bão và công cuộc hoạt động cách mạng của tác giả Lý Đông A. Bây giờ xin thử điểm thêm những trùng hợp về ngôn ngữ thi ca giữa bài Đồng Lầy với các bài trong hai tác phẩm Huyết Hoa và Đạo Trường Ngâm (của Lý Đông A).
1a. Trong Đồng Lầy (TVTĐV) có những câu:
“Đáng thương giữa chốn bùn lầy
Sậy úa laugầy lạc loài thảm hại”
(tr. 2, dòng 24-25)
1b. thì trong Huyết Hoa của cụ Lý Đông A cũng có thể tìm thấy:
“Cành laudễ mọc và dễ sống trên đồng lầy”
(Huyết Hoa, Lý Tưởng, tr. 103, dòng 16).
2a. Với đoạn dưới trong TVTĐV::
“Vũng lầy man mọi hôi tanh.
Ma quỷ rình canh nghiệt ngã
Rau cháo cầm hơi mồ hôi tầm tã
Bọn sậy lau đã chán cả chờ trông
Hầu cam phận sống trong bùn xám
Đời càng u ám
Quỷ vương càng đình đám liên hồi”
(TVTĐV, Đồng Lầy, tr. 3, dòng 33-39)
2b. ta thấy các từ ngữ như “vũng lầy, hôi tanh, ma quỷ, mồ hôi, sậy lau, bùn xám, u ám, quỷ vương” đều là những chữ được tìm ra rất dễ dàng trong tập Huyết Hoa của cụ Lý Đông A.
3a. Đồng Lầy (TVTĐV) ở trang 4, dòng 33-36, viết:
“Muỗi nhởn nhơ từng đàn vang động
Những con cưng của ngừng đọng tối tăm
Chúng trưởng sinh trong đêm tối nhiều năm
Nên chúng tưởng màn đen là ánh sáng.”
3b. Thì trong tập Huyết Hoa, tác giả Lý Đông A cũng viết:
“… Phải phá tan màn tối ra cho ánh sáng hơi thoảng chiếu vào phát nhiệt cho loài người khỏităm tối, cho hoa quỳ từ dưới thối ra, mục nát, bùn lầy, hôi tanh, đượm hơi sương mai và không khí sáng mà nở lên trái quả tươi màu…” (Huyết Hoa, Muses, tr. 35, dòng 10-15).
3c. Thêm một đoạn khác cũng trong tập Huyết Hoa:
“… Thống trị ví như màn đen, chăng lên bao phủ hết cả cho đen tối. Ở dưới cái màn đen đó chỉ có những mùi hôi tanh, xương máu, mồ hôiđẫm với lệ và tất cả những cái hư nát. Loài người cần ánh sáng và thanh thoảng đó…” (Huyết Hoa, Sương Mai, tr. 26, dòng 14-19)
4a. Hai câu trong TVTĐV:
“Nếu tôi đổ mồ hôi
Mồ hôi sẽ hòa máu phổi”
(Đồng Lầy, tr. 4, dòng 1-2)
4b. nếu đem so sánh với câu sau trong Đạo Trường Ngâm:
“Bằng mồ hôi, máu lệ chảy đời đời”
(Nam Thi Tháo, tr. 20, câu 2)
thì tưởng chẳng khác nhau mấy trong cách dùng chữ và cả ý tứ thơ.
5a. Ở trang 10 của bài Đồng Lầy (TVTĐV) có đoạn:
“Có những con người giả đui điếc thầm câm
Song rất thính và nhìn xa rất tốt
Đã thấy rõ ngày đồng lầy mai một
Con rắn hồng dù lột xác cũng không
Thoát khỏi luới trời lồng lộng mênh mông
Lẽ cùng thông huyền bí vô chừng
Giờ phút lâm chung quỷ yêu làm sao ngờ nổi…”
5b. thì cũng tư tưởng và ngôn ngữ này, trong Đạo Trường Ngâm, chúng ta sẽ đọc và cảm được với những câu:
“… Tai không nghe, nghe thấu tới từng mây
Mắt không trông, trông suốt đến ngàn tây
Hồn tái sinh
Bằng ngẫm nghĩ
Sống cả nghìn năm những phút này…”
(ĐTN, Địch Lộng Dư Âm, tr. 69, câu 7-12)
6a. Hai câu khác của bài Đồng Lầy:
“Nếu chúng ta quyết định một con đường
Con đường máu, con đường giải thoát” (tr. 11, dòng 4-5)
6b. đâu có sai biệt chút nào với câu:
“Không đổ máu, tuyệt không mong xoay chuyển được thời đại” mà tác giả Lý Đông A đã viết trong Huyết Hoa (bài Công Việc, tr. 125, dòng 22-23)?
7a. Khi đọc câu:
“Lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa”
(TVTĐV, Đồng Lầy, tr. 11, dòng 22)
7b. làm sao ta không liên tưởng tới câu:
“Lấy máu đào rửa sạch máu yêu ma” trong Đạo Trường Ngâm (bài Xuân Tráng Sĩ, tr. 38, dòng 8) cho được?
8a. Và nếu đem so sánh:
“Còn chúng ta phải lấy xác làm bè
Lấy máu trút ra tạo thành sóng nước”
(TVTĐV, Đồng Lầy, tr. 11, dòng 21-22)
8b. với câu:
“Hãy làm cho giống Việt lại đoàn viên
Quê nước ở trong đáy dòng sông máu”
(ĐTN, bài Thi Nhiệt, tr. 54, dòng 11-12)
9a. Hoặc những câu:
“Chớp xé trời đen báo hiệu lũ quân thù
Giở hủy thể
Tôi mong một tiếng gì như tiếng ầm vang của bể”
(TVTĐV, Đồng Lầy, tr. 12, dòng 6-8)
9b. với những câu:
“Hỡi còn nhà Lạc Âu nước Trăm Việt
Hãy đứng dậy vung gươm, khoa nửa triệt
Nổi mây mù sấm sét gió mưa tan
Cả vũ trụ hét lên ca kỳ tuyệt.”
(ĐTN, Lưỡi Gươm Việt, tr. 42, dòng 12-16)
10a. hay bốn câu:
“Trong hào quang dữ dội hiển linh
Muôn ầm ầm chấn động trời thinh (…)
Sẽ trào dâng như sóng gầm thác đổ
Bọn quỷ yêu sẽ tới ngày tận số.”
(TVTĐV, Đồng Lầy, tr. 12, dòng 21-22 và 28-29)
10b. với hai câu:
“Tiếng vang vang như thần kêu quỷ hét
Trời ngập ngập như quân khiêu tướng thét”
(ĐTN, Chính Khí Việt, tr. 35, dòng 9-10)
thì hẳn có lẽ khó ai phủ nhận được sự trùng hợp độc đáo cả về tư tưởng lẫn ngôn ngữ của hai tác giả Nguyễn Chí Thiện (nếu là thật) và XY Thái Dịch Lý Đông A.
*
* *
B. Ngoài ra, nếu đọc kỹ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều từ ngữ đặc ngữ mà Thái Dịch Lý Đông A hay dùng trong Huyết Hoa hoặc Đạo Trường Ngâm (đồng lầy, sài lang, yêu ma, quỷ thần, tanh tưởi…), cũng như rất nhiều câu mà cả từ lẫn ý đều không sai biệt mấy nếu đem so với các bài trong hai tác phẩm vừa kể.
Xin đơn cử vài ví dụ:
1a. --“Từ muôn ngàn tàn lụi không tên
Sẽ bừng nở một trời hoa lạ quý.”
(TVTĐV, Đừng Sợ, tr. 94, câu 7-8)
1b. -- “Lùn lụi khi lá rụng
Ngùn ngụt lúc mầm phô.”
(ĐTN, Xuân Thu Ngâm, tr. 45, câu 1-2)
2a. -- “Trăng lấp ló qua hàng cây gió thổi”
(TVTĐV, Tình Mơ, tr. 120, câu 16)
2b. -- “Thắm hàng cây lấp ló những ven tường”
(ĐTN, Thi Nhiệt, tr. 54, câu 3).
3a. -- “Đêm bão giật, lửa loè muôn tiếng sét
Nổ đùng đùng như đánh phá sơn lâm
Nước từ trời cao đổ xuống ầm ầm
Cả rừng núi lồng lên gầm quát thét”.
(TVTĐV, Những Ghi Chép Vụn Vặt, tr. 137, dòng 5-8).
3b. -- “Tiếng vang vang như thần kêu quỷ hét
Trời ngập ngập như quân khiêu tuớng thét”
(ĐTN, Chính Khí Việt, tr. 35, dòng 9-10)
3c. --“Nổi mây mùa sấm sét gió mưa ran
Cả vũ trụ thét lên ca kỳ tuyệt.”
(ĐTN, Thi Nhiệt, tr. 42, dòng 15-16)
4a. -- “Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương tàn"
(TVTĐV, Sẽ Có Một Ngày, trang 88, câu 12).
4b. -- "Hãy làm cho giống Việt lại đoàn viên"
(ĐTN , Thi Nhiệt, tr. 54, câu 11).
5a. -- "Bao oán thù kiếp trước hãy quên mau"
(TVTĐV, Khi Na Tra, tr. 100, dòng 17).
5b. -- "Ngoảnh trông kiếp trước dạ tần ngần"
(ĐTN, Bạch Sơn Hành, tr. 82 dòng 8).
6a. -- "Quản chi phàm thế những lời chua cay"
(TVTĐV, Tôi Nằm Trên, tr. 114 câu 4).
6b. -- "Cao thấp khen chê miệng chẳng mòn...
Thành bại ngoài tai xá kể chi"
(ĐTN, Thăng Long Điếu, tr. 60 dòng 4 và 16).
7a.-- "Rừng líu lo chim, trời hồng gió thổi"
(TVTĐV, Những Ghi Chép Vụn Vặt, phần 118, tr. 140, dòng 21).
7b.---- "Đàn chim rừng ríu rít"
(ĐTN, Chiến Sĩ Tư, tr. 57 dòng 15).
8a. -- "Cùng với muôn loài, ta sinh ra và lớn lên trong không gian man rợ"
(TVTĐV, bài Cây, tr. 20 câu 1).
8b. -- "Chàng thiếu niên chí thành, hành chữ vương.
Sinh ra đời gặp lúc đại nhiễu nhương"
(ĐTN, Tự Hào, tr. 23, câu 1-2).
9a. -- "Rừng hoang tịch mịch chiều sâu thẳm"
(TVTĐV, Cây Mọc Tùm Lum, tr. 39, câu 5).
9b. -- "Một tấc báu trong hang rừng tịch mịch"
(ĐTN, Lục Niên Thành, tr. 58, câu 7).
10a. -- "Vòm mây trắng bay về nơi ước mộng"
(TVTĐV, Có Những Chiều, tr. 77, câu 12).
10b. -- "Những tầng mây trắng bay đùa sao mà xúc cảm thế!... Mây trắng bay trên trời không còn ngâm mãi ở lòng người, còn ngâm mãi ở đời sống người, ngâm mãi trong thâm đáy của dòng đời nay đã in bóng xuống nước, mây bay nước chảy nhưng mà nước còn mãi tâm tình mây..."
(Huyết Hoa, Bạch Vân, tr. 52-53).
11a. -- "Giống như kẻ ù lòa mơ ánh sáng"
(TVTĐV, Giống Như Kẻ, tr. 98, câu 1".
11b. -- "Người mù tự thấy mình cũng có mục tiêu trong đời, người mù kém cỏi và tàng tật hơn hết nhưng mà bao giờ cũng hy vọng ánh sáng của nắng, người đó không được thấy bằng mắt, nhưng mà trông thấy bằng lòng..."
(Huyết Hoa, Quán Tưởng, tr. 30, dòng 9-14).
12a. -- "Trái tim tôi khởi thủy ngàn dâu
Rồi nó hóa biển sâu dào dạt
Giờ nó chỉ là nơi cồn cát
Mà dã tràng thôi việc đã từ lâu."
(TVTĐV, Trái Tim Tôi, tr. 16, dòng 19-22).
12b. -- "Người ta cũng như con dã tràng se cát biển Đông, nhọc lòng mà không công cán như thế, nhưng mà là có công lớn lao vì loài người còn nhớ mãi công cán của mỗi con dã tràng ấy".
(Huyết Hoa, Trường Hận, tr. 50, dòng 6-10).
II. ẨN NGỮ.
Trong tập thơ TVTĐV đã thấy có dùng rất nhiều ẩn ngữ, một nét đặc thù vẫn tìm ra trong văn thơ X.Y. Thái Dịch Lý Đông A:
1. "Ai trái tim lân mẫn vạn dân gian."
(TVTĐV, Vì Ấu Trĩ, tr. 31, câu 24).
Lân mẫn có nghĩa là yêu thương.
2. "Một cành cây gẫy tiếng khô khan.
Mùi hăng gỗ mục bay từng quãng
" (TVTĐV, Thời Tiết Tàn Thu, tr. 94, dòng 14-15).
"Cây gẫy, gỗ mục" ám chỉ nhân sinh, non nước tiêu điều.
3. "Hai cực vực trời tiếp cận trong tôi." (TVTĐV, Những Ghi Chép Vụn Vặt, phần 33, tr. 128, dòng 5).
"Hai cực" có nghĩa là Thủy Hỏa, Âm Dương.
III. KHÍ THƠ.
Khí thơ (hay khí văn) là máu huyết và trí não của văn nhân thi sĩ, được kết tụ và tuôn ra đầu ngòi viết. Cổ nhân bảo "Văn là người". Văn làm sao thì người y như vậy. Ở đây, nếu xét theo tiểu sử mà ông Minh Thi đưa ra và chúng tôi đã trình bày ở phần đầu, thì Nguyễn Chí Thiện là một thi sĩ bị CSVN giam tù nhiều năm, cuộc đời nghèo khó bệnh hoạn, tương lai không ánh sáng. Vậy mà trong tác phẩm TVTĐV, nói về khí thơ, phải ghi nhận một điều rõ rệt rằng đây không chỉ là khí thơ của một thi sĩ thuần túy, mà còn là của một người hoạt động cách mạng, tâm tư chứa đầy hoài bão lớn.
Nếu phân tích, chúng ta sẽ thấy những bài thơ được viết ra trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1970 đã nói lên rõ rệt nỗi buồn tả tơi của tác giả, nhưng trong nỗi buồn ấy đã không thấy có sự tuyệt vọng, mà chính còn là kỳ vọng, quyết định được cả đến cái tương lai của đời mình.
Và các bài thơ trong giai đoạn từ 1971 đến 1977 lại biểu thị mạnh mẽ ý chí kiên quyết và tâm trạng phấn khởi của một con người đầy nghị lực trước cái chủ đích của cuộc đời mình.
Nếu đem so sánh, chúng ta hẳn sẽ thấy mức độ bi hùng của những bài thơ trong giai đoạn sau (1971-1977) với những ý và lời trong tác phẩm Đạo Trường Ngâm thì không khác chút nào cả.
1. GIAI ĐOẠN 1957-1970: Những bài thơ với những câu khẳng quyết về tương lai mà một người tù, nhất là người tù trong chế độ CS, khó lòng có được:
a/ "Tôi xiết rên, quằn quại tự tìm đường.
Dù có phải bồi thường bằng xương thịt
Tôi không thể an tâm nằm hít
Mùi bàn đen tanh tưởi khiếp kinh (...)
(...) Dù quỷ yêu bắt được quẳng vạc dầu
Tôi vẫn sẽ lao đầu không hối hận."
(TVTĐV, Đồng Lầy, 1969, tr. 8-9).
b/ "Nếu tất cả những tâm hồn rên xiết
Không cúi đầu cam chịu sống đau thương
Nếu chúng ta quyết định một con đường
Con đường máu, con đường giải thoát."
(TVTĐV, Đồng Lầy, 1969, tr. 11)
c/ "Tôi vẫn nguyện cầu
Vẫn sống và tin
Bình minh tới, bình minh sẽ tới."
(TVTĐV, Đồng Lầy, 1969, tr. 12).
d/ "Mà óc tim tôi vẫn thấy đẹp lạ lùng."
(TVTĐV, Như Mũi Tên, 1968, tr. 13).
e/ "Trái tim tôi...
Mơ võng lọng kiệu cờ như nước chảy
Trái tim tôi...
chờ mong nước lũ mưa ngâu.
Để có thể trào dâng muôn đợt sóng."
(TVTĐV, Trái Tim Tôi, 1965, tr. 16).
f/ "Ta mong mãi một bình minh dữ dội
Đẩy ngày này về ác mộng xa xôi.
Ta muốn thấy mùa hoa
Ta muốn hái ngàn hoa."
(TVTĐV, Thời Gian Hỡi, 1960, tr. 25).
g/ "Biết đường chỉ thế thôi
Nhưng lửa sống hồn tôi
Làm sao tôi dập nổi."
(TVTĐV, Đêm Ngày Nghe, 1965, tr. 25).
h/ "Tôi đã sống và còn sẽ sống...
Một đôi khi cuộc sống chậu lồng
Có làm tôi phát tởm- phát buồn nôn
Thời tôi đem trộn nó với rượu cồn
Rồi nốc tuột để làm trôi nó xuống."
(TVTĐV, Tôi Đã Sống, 1961, tr. 53).
2. GIAI ĐOẠN 1971-1977: Những bài thơ nói lên tâm trạng quyết liệt của một người biết đã àm gì và rồi sẽ phải làm gì:
a/ "Những võ sĩ tài ba tuyệt đích
Để luyện rèn đau đớn nề chi
Hóa thân thành bị cát vô tri
Để sau đó hóa thành vô địch."
(TVTĐV, Những Võ Sĩ, 1971, tr. 17)
b/ "Thoạt khởi đầu là tư tưởng sống
Sẽ có ngày tạo những kỳ cộng."
(TVTĐV, Từ Tư Tưởng, 1971, tr. 18).
c/ "Trong đêm cùng vùng nhiệt đới bao la
Trái lửa của ta sẽ bùng lên vạn ánh."
(TVTĐV, bài Cây, 1974, tr. 21).
d/ "Trái đất rồi đây chỉ có những ngai vàng
Cho những kẻ nhô lên từ trái tim vĩ đại."
(TVTĐV, bài Núi, 1973, tr. 20).
e/ "Ta dám sống và ta dám nghĩ
Chuyện dám làm, dám chết lẽ đâu không
Ta sẽ dành cho sự thành công
Bảo bối cuối cùng: Mạng sống".
(TVTĐV, Đất Thảm, 1976, tr. 30)
f/ "Ta vẫn còn đây" (...)
"Ta vẫn sống và không hề lẫn lú" (...)
"Khúc khải hoàn ta sẽ sống thiên thu."
(TVTĐV, Cuộc Chiến Đấu Này, 1975, tr. 41).
g/ "Ai người ôm ấp chờ trông
Tất nhiên phải sống" (...)
"Để dánh kẻ thù tôi không được hèn nhu
Để thắng kẻ thù tôi phải sống ngàn thu."
(TVTĐV, Nếu Ai Hỏi, 1976, tr. 51-52)
h/ "Đừng sợ cái cực kỳ man rợ
Dù nó đương thịnh thời rông rỡ nơi nơi" (...)
"Từ muôn ngàn tàn lụi không tên
Sẽ bùng nở một trời hoa lạ quí."
(TVTĐV, Đừng Sợ, 1975, tr. 94).
IV. THI VẬN.
Nói về thi vận, chúng tôi nhận thấy các bài thơ trong cả hai tập TVTĐV và ĐTN đều không nệ vào luật bằng, trắc của thể thơ Đường. Trong Đạo Trường Ngâm, XY Thái Dịch Lý Đông A thường dùng nhiều âm "trắc", làm cho cái khí thơ ngang ngang, mang phong vị của những bài Hành hay những bài Tráng Sĩ Ca. Điều này cũng được tìm thấy dễ dàng trong các bài của tập TVTĐV. Ngoài ra, trong cả hai tập đều có những bài độc vận âm trắc rất đặc biệt cả về từ lẫn ý.
Xin đưa vài ví dụ so sánh:
1a. -- "Một ngày mai chiến sĩ
Một văn minh hùng vĩ
Một triết học đẩy nên
Nghĩa Duy Dân đồng chí".
(ĐTN, Chiến Sĩ Tư, tr. 57).
1b. "Lãnh tụ béo nục
Dân đen gầy rục
Lao động hùng ục
Họp hành liên tục."
(TVTĐV, Lãnh Tụ, tr. 64).
2a. -- "Nhấp chén rượu mài dao giận chém đá
Tấc cô thần nghiệt tử chẳng ai chia
Buổi Âu phong Á vũ vẫn còn mê
Chưa thức dậy cùng ta tuyết quốc sĩ?"
(ĐTN, Quốc Sĩ, tr. 47).
2b .--"Có những con người giả đui điếc thầm câm
Song rất thính và nhìn xa rất tốt
Đã thấy rõ ngày đồng lầy mai một
Con rắn hồng dù lột xác cũng không
Thoát khỏi lưới trời lồng lộng mênh mông..."
(TVTĐV, Đồn g Lầy, tr. 10)
3a. --"Chính khí Việt suốt đất trời bàng bạc
Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc
Gió thê thê quất dậy hồn phục hưng
Gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc."
(ĐTN, Chính Khí Việt, tr. 37).
3b. --"Thơ của tôi không phải là thơ
Mà là tiếng cuộc đời nức nở...
Tiếng của nhà giam ngòm đen khép mở...
Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ
Tiếng răng lạnh đập vào nhau khổ sở
Tiếng bất lực trước muôn ngàn sụp lở
Toàn tiếng của cuộc đời sống đỏ
Và chết thôi cũng dở, phải đâu thơ?
(TVTĐV, Thơ Của Tôi, tr. 29).
V. KHẨU KHÍ, TƯ TƯỞNG.
Trong một tác phẩm văn học, đặc biệt thi ca, quan trọng nhất có lẽ là khẩu khí và tư tưởng của tác giả ẩn chứa trong đó. Càng những tác phẩm mang tính chất "Văn dĩ tải đạo", điều này càng đáng lưu tâm hơn nữa.
Tập thơ TVTĐV kể từ ngày xuất hiện, đã có không biết bao nhiêu bài viết ca ngợi chữ nghĩa cũng như tư tưởng chống CS cao độ của tác giả Nguyễn Chí Thiện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không làm lại cái công việc ca ngợi ấy, nhưng với chủ đích tìm hiểu và xác định thêm cho đúng (hay không) cái giả thuyết XY Thái Dịch Lý Đông A là tác giả thật của TVTĐV, thiết nghĩ sự phân tích khẩu khí và tư tưởng của tác giả ẩn tàng trong thi ca cũng là một điều không thể thiếu.
Xin hãy đọc bài Trái Tim Tôi (TVTĐV, tr. 15-16), một bài thơ làm theo thể Tự Do, gồm 33 câu.
1.Trái tim tôi câu chuyện triền miên
2. Chỉ em nhỏ hiểu và yêu thích.
3. Em không hiểu được cái thâm trầm xúc tích
4. Nhưng hồn em hiểu được cái thần tiên.
5. Trái tim tôi, bút nghiên và ống quyển
6. Của anh đồ thi cử vô duyên
7. Vất nằm yên trong xó bụi tre dầy
8. Mơ võng lọng kiệu cờ như nước chảy
9. Trái tim tôi quả ớt nồng cay
10. Mà mấy kẻ quen mùi ngon ngọt
11. Dám tò mò mon men nhấm nhót
12. Thò lưởi vào đã phải rụt ra ngay
13. Trái tim tôi quán nghèo gió lọt
14. Chỉ dừng chân kẻ lỡ độ đường
15. Giữa đêm dầy lạnh lẽo hơi sương
16. Kẻ lỡ độ sẽ tìm ở đó
17. Chút lửa ấm ngọn đèn dầu vặn nỏ
18. Trái tim tôi, lòng thung nệm cỏ
19. Sẵn sàng đỡ kẻ rủi ro
20. Từ đỉnh non cao coii đời là nhỏ
21. Xẩy chân lộn ngã thình lình
22. Trái tim tôi tòa lâu đài cổ kính
23. Đứng âm thầm soi bóng nước lung linh
24. Vài kẻ qua hiểu giá trị, cúi đầu
25. Song kết cục không một người muốn tậu.
26. Trái tim tôi khởi thủy ngàn dâu
27. Rồi nó hóa biển sâu dào dạt
28. Giờ nó chỉ là nơi cồn cát
29. Mà dã tràng thôi việc đã từ lâu.
30. Trái tim tôi đồng trũng nước sâu
31. Nó chờ mong nước lũ mưa ngâu
32. Để có thể trào dâng muôn đợt sóng
33. Và sóng kia, những sóng bạc đầu."
Giờ đây xin thử phân tích từng câu thơ:
-- Câu 1: "Trái tim tôi câu chuyện triền miên"
Một người ở tù, nhất là tù dưới chế độ CS, với những lao động tạp dịch nặng nề, những kiểm thảo học tập liên miên, rồi lại đói ăn khát uống, bệnh hoạn không ngớt, thử hỏi làm sao còn sức khỏe và thì giờ thảnh thơ để suy tư nghĩ ngợi? Vậy "câu chuyện triền miên" là thế nào? Có phải là câu chuyện của một con người hoạt động cách mạng, đầu óc không phút giây nào ngưng nghĩ đến việc hưng suy của đất nước chăng?
-- Câu 2: "Chỉ em nhỏ hiểu và yêu thích."
Em nhỏ ở đây ám chỉ những người trẻ tuổi đang hăng hái tham gia vào công cuộc tìm đường cứu nước. Còn "đám người lớn" thì "hỏng" cả rồi!
-- Câu 3: "Em không hiểu được cái thâm trầm xúc tích
-- Câu 4: "Nhưng hồn em hiểu được cái thần tiên."
"Hiểu được cái thần tiên" ví như cảm chiêu được một vấn đề thần bí mà không cần phân tích bằng lý trí, chỉ biết cảm nhận bằng con tim. Lòng ái quốc nơi những người trẻ tuổi cũng được nhìn như thế.
-- Câu 5: "Trái tim tôi, bút nghiên và ống quyển".
-- Câu 6: "Của anh đồ thi cử vô duyên."
Trở lại quãng lịch sử đất nước từ khi nổ tiếng súng 19/12/1946, nhiều tỉnh Bắc Việt rơi vào tình trạng "kháng chiến tiêu thổ", nhà đất ruộng nương bị đốt cháy cào bừa lên hết, tất cả trường lớp đều đóng cửa, sách vở bị tiêu hủy. Bắt đầu từ 1951, ở Hà Nội , học đường mới được mở trở lại nhưng chương trình giáo dục theo lối Pháp hoàn toàn bị giải thể).
Vậy, theo như hai lý lịch đã trình bày ở phần I: Nguyễn Chí Thiện (chào đời năm 1937; năm 1946 mới chỉ 9 tuổi, và năm 1951, 14 tuổi, học hết Tú Tài Pháp --Bac Francaise--, thông suốt Anh, Pháp và Hán ngữ) và XY Thái Dịch Lý Đông A sinh năm Canh Thân --1920--, thi trượt Tiểu học Pháp) thì sáu chữ "Anh đồ thi cử vô duyên" ở câu trên ứng dụng vào ai mới hợp lý?
-- Câu 7: "Vất nằm yên trong xó bụi tre dầy"
Kẻ đại trí thấu triệt mọi lẽ trong trời đất vậy mà có dùng được đâu cái hiểu biết của mình!
-- Câu 8: "Mơ võng lọng kiệu cờ như nước chảy"
Ngày xưa kẻ sĩ thi đỗ, dẫu có đến Trạng Nguyên chăng nữa thì khi vinh quy về làng cũng chỉ được vua ban thánh chỉ và võng lọng ngựa xe, chứ làm gì có được "kiệu cờ như nước chảy"? Xin hỏi, đây là khẩu khí và hoài bão của một bậc đế vương, một con người hoạt động cách mạng, hay là của một thi sĩ thuần túy?
-- Câu 9: "Trái tim tôi quả ớt nồng cay"
-- Câu 10: "Mà mấy kẻ quen mùi ngon ngọt"
-- Câu 11: "Dám tò mò mon men nhấm nhót"
-- Câu 12: "Thò lưởi vào đã phải rụt ra ngay".
Hành trình làm cách mạng cứu nước thường rất chông gai hiểm hóc, không phải ai cũng có thể nhúng bước. Hạng khoa bảng có muốn mon men nhập cuộc thì cũng đến rút ra ngay vì không chịu nổi gai góc hiểm nguy.
-- Câu 13: "Trái tim tôi quán nghèo gió lọt"
-- Câu 14: "Chỉ dừng chân kẻ lỡ độ đường"
-- Câu 15: "Giữa đêm dầy lạnh lẽo hơi sương"
-- Câu 16: "Kẻ lỡ độ sẽ tìm ở đó"
-- Câu 17: "Chút lửa ấm ngọn đèn dầu vặn nhỏ"
Ngọn lửa cách mạng trong trái tim người ái quốc được ví như ngọn đèn dầu vặn nhỏ bấc tim --âm ỉ không tắt-- trong một chiếc quán nghèo trơ trọi (ví như hình ảnh quê hương tan tác thời kỳ đó). Dẫu vậy, chiếc quán này lúc nào cũng mở rộng cửa đối với những kẻ lỡ độ đường, những con người thất bại trong công cuộc cứu nước, cứu dân.
-- Câu 18: "Trái tim tôi, lòng thung nệm cỏ"
-- Câu 19: "Sẵn sàng đỡ kẻ rủi ro"
-- Câu 20: "Từ đỉnh non cao coi đời là nhỏ"
-- Câu 21: "Xẩy chân lộn ngã thình lình"
Tấm lòng của con người suốt đời suy tư đến quốc gia dân tộc thì rất bao la nhân ái, đầy tâm tình thương yêu (chứ không tàn nhẫn) đối với tất cả mọi người, ngay với kẻ địch. "Đỉnh non cao" ở đây có phải ám chỉ những người CSVN với cái "đỉnh cao trí tuệ" của họ?
-- Câu 22: "Trái tim tôi tòa lâu đài cổ kính"
-- Câu 23: "Đứng âm thầm soi bóng nước lung linh"
--Câu 24: "Vài kẻ qua hiểu giá trị, cúi đầu"
-- Câu 25: "Song kết cục không một người muốn tậu."
Tâm tư và tài trí của con người hoạt động cách mạng rất lớn lao quí báu. Cái tâm và cái tài kia dẫu đã từng có lúc được đem ra thi thố với đời nhưng vì không gặp thời nên thất bại và bị ngay những kẻ thân cận nhất với mình lánh xa, từ bỏ. Bốn câu này có phải nói lên nỗi lòng tác giả Lý Đông A, đảng trưởng đảng Duy Dân, kể từ sau cuộc thát bại Hòa Bình năm 1946 đã bị biết bao đảng viên Duy Dân từ cấp cao đến ấp thấp quay mặt nguyền rủa?
-- Câu 26: "Trái tim tôi khởi thủy ngàn dâu"
-- Câu 27: "Rồi nó hóa biển sâu dào dạt"
-- Câu 28: "Giờ nó chỉ là nơi cồn cát"
-- Câu 29: "Mà dã tràng thôi việc đã từ lâu."
Kẻ hoạt động cách mạng tự ví mình có tấm lòng yêu nước sâu như biển cả, nhưng bởi vì không đắc thời nên đành rút lại âm thầm, giống như cái cồn cát trơ trọi không còn những con dã tràng ngoi lên ngoi xuống. "Dã tràng thôi việc" có phải là tâm sự tác giả Lý Đông A khi mà cái mục đích cách mạng (ví như viên ngọc đã đánh rơi của con dã tràng) dẫu vẫn còn đâu đó (dưới biển sâu) nhưng bởi thời cơ không đắc mà từ lâu đành thúc thủ chịu trận?
-- Câu 30: "Trái tim tôi đồng trũng nước sâu"
-- Câu 31: "Nó chờ mong nước lũ mưa ngâu"
-- Câu 32: "Để có thể trào dâng muôn đợt sóng"
-- Câu 33: "Và sóng kia, những sóng bạc đầu."
Dẫu thất bại để phải thúc thủ đợi thời nhưng trong tâm tư con người hoạt động cách mạng, hoài bão cứu nước vẫn cứ mãi lớn lao, thăm thẳm. Kẻ ấy luôn luôn chờ mong một ngày thế cuộc xoay vần, hoa thái bình nở ra trên đất nước để cái tài cái trí của mình có cơ thi thố, giống như muôn ngàn đợt sóng bạc đầu không lúc nào ngừng dâng trào trên biển cả mênh mông.
*
* *
KẾT LUẬN:
Văn học là của muôn đời. Công án văn học cũng là công án của muôn người. Chu Tử nói:"Văn là việc gốc chứ không phải việc ngọn." Văn đã là "việc gốc" thì tác giả sáng tạo ra cái "Văn" ấy chính là người làm ra "Cái gốc". Cho nên không thể để hình dạng và thân danh người "làm ra cái gốc" bị sai lệch, mơ hồ.
Tác phẩm Vô Đề của tác giả Khuyết Danh là gốc đạo, rõ ràng:
"Tác giả vô danh là gốc đạo
Noãn bào trăm họ ấy giềng người
Đáy dòng nước băng băng chảy mãi
Chớp bể mưa nguồn nào có ngơi."
(ĐTN, bài Đạo Trường Ngâm, tr. 11, dòng 6-8)
Một khám phá “khó tin nhưng có thật” là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực “chứa đựng tất cả những tư tưởng Lý Đông A” trong các tác phẩm Huyết Hoa, Chu Tri Lục của cụ Lý. v.v.. Đặc biệt hơi thơ, ngôn ngữ thơ và ngay cả tư tưởng thơ của Tiếng Vọng Từ Đáy Vực so với Đạo Trường Ngâm (của nhà cách mạng Lý Đông A) cũng chỉ là MỘT.
Tập thơ Vô Đề lâu nay được cho mang những cái tên khác nhau, nào là Hoa Địa Ngục, nàoBản Chúc Thư Của Một Người VN... Trong bài viết này, chúng tôi đã tạm chọn tên bản in đầu tiên (TVTĐV) để dẫn, thay vì gọi là tập thơ Vô Đề. Nhưng tác giả, người làm ra cái gốc, nay rõ ràng chẳng phải là một ông Nguyễn Chí Thiện nào đó, mà chính là XY Thái Dịch Lý Đông A trong nhận định riêng tôi.
Trần Thị Bông Giấy.
San Jose, April 29/1992.
[]
*/ PHẦN PHỤ CHÚ:
Để rộng đường dư luận, tôi (TTBG) xin thêm vào cuối bài viết một câu chuyện nhỏ được đăng trong tác phẩm Một Truyện Dài Không Có Tên của TTBG (NXB Văn Uyển 1994) như sau:
"KHI NHÀ VĂN “CHƠI BẨN”
(Tâm Bút)
San Jose. Tháng 6/1994. Một đêm...
10 giờ rưỡi đêm, tiếng chuông điện thoại reo vang. Trần Nghi Hoàng nhấc máy trò chuyện. Cuộc điện đàm kéo dài khoảng 15 phút. Gác máy xong, TNH nói với tôi:
"Bùi Bảo Trúc từ Washington DC gọi sang, cảm ơn em vì bài viết về Nguyễn Hữu Hiệu. Ông ấy bảo, câu chuyện này ông ấy bị hàm oan đã mười mấy năm, ít người biết. Vậy mà không ngờ hôm nay lại vô tình có người giải oan cho ông."
bùi bảo trúc [ 1944- 2012 usa ]-- (ảnh: Internet)
và kể:
"Sáng nay đi kiếm Nguyễn Bá Trạc để hỏi cách nuôi cây Bonsai, bố gặp luôn cả Bùi Bảo Trúc và Phạm Quốc Bảo khi ấy đang đi cùng Nguyễn Bá Trạc. Cả đám kéo vào quán Dalat uống café. Đó là lần đầu tiên bố đối diện Bùi Bảo Trúc, còn Phạm Quốc Bảo đã gặp vài lần rồi. Bùi Bảo Trúc khoảng ngoài 50, dáng cao lớn khỏe mạnh, nước da trắng trẻo, đeo kính trắng, cặp mắt tinh anh, nói giọng Bắc ấm áp, nét mặt trông rất trí thức. Ngồi trò chuyện một hồi, bố tặng mỗi người một quyển Văn Uyển mới phát hành, xong từ giã về trước. Bố quên bẵng là trong số báo ấy có bài của em viết về Nguyễn Hữu Hiệu, nhắc đến tên Bùi Bảo Trúc."
TNH [Trần Nghi Hoàng] tiếp:
"Lúc nãy điện thoại cho bố, ông ta bảo vừa về đến nhà; trên chuyến bay từ San Francisco tới Washington DC, đọc bài Tâm Bút của TTBG đăng trong Văn Uyển viết về việc "anh em Viên Linh & Nguyễn Hữu Hiệu ăn cắp tập thơ Vô Đề từ tay ông ta", nên điện thoại qua cảm ơn em."
Và thêm:
"Tuy nhiên, ông ta có nói rằng, những nét chính trong bài viết thì đúng hết, chỉ có vài chi tiết nhỏ về địa điểm là sai thôi."
Tôi vụt nói:
"Sao bố không hỏi xin ông ấy sửa lại giùm những chi tiết nào sai lạc?"
TNH gật đầu:
"Bố quên mất điều ấy."
Xong, TNH điện thoại trở lại ngay cho Bùi Bảo Trúc:
"Nhà tôi sắp in cuốn Một Truyện Dài Không Có Tên tập I, trong có bài viết về Nguyễn Hữu Hiệu. Đây là loạt bài về ‘sự thật’ nên cô ấy rất mong tìm tòi dữ kiện cho chính xác. Vậy xin anh vui lòng điều chỉnh giùm những điểm sai trong câu chuyện mà anh là một trong những nhân vật chính, nên biết rất rõ."
Thế là câu chuyện "tập thơ Vô Đề" được Bùi Bảo Trúc kể lại tường tận qua điện thoại như sau:
Năm 1979, Bùi Bảo Trúc khi ấy đang hợp tác với tờ bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong của Nguyễn Thanh Hoàng ở DC, phụ trách mục "Nghĩ Quẩn". Có một tập thơ vô đề của một người nào đó thảy vào tòa đại sứ Anh ở Hà Nội, được Bộ Ngoại Giao Anh mang ra, gửi một bản cho một người tên Quý, nhân viên của đài BBC. Ông Quý có giao tình với Nguyễn Thanh Hoàng nên mới nhờ một người tên Châu Kim Nhân mang từ Luân Đôn sang Mỹ, trao cho Nguyễn Thanh Hoàng để nhờ phổ biến.
Nguyễn Thanh Hoàng được tập thơ, lại giao cho Bùi Bảo Trúc đọc và viết bài giới thiệu, chuẩn bị việc xuất bản. Đọc xong, Bùi Bảo Trúc rất thích thú, từ DC điện thoại qua California khoe với Phạm Duy (trong một đêm Phạm Duy đang chuyện trò với Đỗ Ngọc Yến).
Sau lại điện thoại khoe với Nguyễn Hữu Hiệu -cũng đang ở DC. (Cả hai Bùi Bảo Trúc và Nguyễn Hữu Hiệu là bạn với nhau thời Trung học). Hiệu nghe Bùi Bảo Trúc đọc vài bài trong điện thoại, mê quá, bèn mời Bùi Bảo Trúc mang đến nhà Hiệu để cùng thưởng thức. Thời gian đó, Hiệu mới từ Việt Nam vượt biên qua Mỹ sau khi đi học tập cải tạo Cộng Sản hai năm.
Bởi vì Nguyễn Hữu Hiệu luôn luôn khoe với Bùi Bảo Trúc rằng có quen biết nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc, nên hôm ấy, Bùi Bảo Trúc bằng lòng đem tập thơ đến nhà Hiệu với dụng ý hỏi Hiệu xem tác giả là ai.
Lúc tìm đến căn phố của Nguyễn Hữu Hiệu trên đường Lee Highway, Bùi Bảo Trúc đã thấy có mặt Đào Mộng Nam và Nguyễn Thượng Sơn ở đó rồi. Cả nhóm cùng đọc vài bài trong tập thơ.
Được một lát, Nguyễn Hữu Hiệu xin vào phòng trong gọi điện thoại cho người quen bên Anh và Thụy Sĩ. Anh ta cố tình nói lớn để những người phòng ngoài nghe rõ là đang thảo luận với người đầu dây bên kia về tập thơ. Xong trở ra, Hiệu tuyên bố rằng chắc chắn sẽ tìm được tên tác giả trong vài ngày nữa. Bùi Bảo Trúc trong lòng rất mừng.
Khi Bùi Bảo Trúc giã từ để đi làm (ca khuya), Hiệu đề nghị Bùi Bảo Trúc để tập thơ lại cho anh ta mượn đọc một đêm, sáng mai trả. Bùi Bảo Trúc nhận.
Bảy giờ sáng hôm sau, Hiệu vẫn đàng hoàng trao trả tập thơ cho Bùi Bảo Trúc. Dè đâu, đêm hôm trước, Hiệu đã mang đi photocopy hết cả tập rồi. Sau đó, Hiệu cùng anh mình là nhà thơ Viên Linh, đang làm việc cho một nhà in, âm thầm xúc tiến việc xuất bản tập thơ mà Bùi Bảo Trúc vẫn chưa nghi ngờ gì cả.
Thời gian đó, Bùi Bảo Trúc vừa đi học vừa đi làm nên rất bận. Nguyễn Thanh Hoàng phong phanh biết chuyện anh em nhà Hiệu sắp in tập thơ, điện thoại qua tìm Bùi Bảo Trúc, nhưng mãi vẫn không liên lạc được. Tình ngay mà lý lại gian, vì vậy sau khi quyển Tiếng Vọng Từ Đáy Vực của tác giả Nguyễn Chí Thiện, do nhóm Viên Linh, Nguyễn Hữu Hiệu và Đào Mộng Nam in xong, Văn Nghệ Tiền Phong nghĩ rằng có bàn tay Bùi Bảo Trúc chủ động nhúng vô, nên đoạn giao với Bùi Bảo Trúc từ khi ấy.
Chuyện chơi bẩn của Hiệu sờ sờ như thế, vậy mà –theo lời Bùi Bảo Trúc- Hiệu vẫn "mặt dày mày dạn, lân la đến tôi mượn sách, coi như không hề có gì xảy ra trước đó, lại còn đi đến đâu cũng tự hào tuyên bố như chính anh ta là người có công hiểu được giá trị và đưa tập thơ của Nguyễn Chí Thiện ra ánh sáng!’”
Kể xong câu chuyện, TNH nói rõ thêm:
"Theo lời Bùi Bảo Trúc thì sự sai lạc chỉ là ở chi tiết địa điểm. Trong bài viết của em (bố [Trần Nghi Hoàng xung hô với vợ) được Đào Mộng Nam thuật lại), thì địa điểm ‘chơi bẩn’ của Hiệu xảy ra tại quán café; còn qua lời kể Bùi Bảo Trúc, điều này xảy ra tại chính ngay nhà Hiệu. Nhưng nhờ vậy mà bố tìm thêm được một điều gian trá khác: chính Đào Mộng Nam cũng có nhúng tay vô âm mưu chơi bẩn này của anh em Nguyễn Hữu Hiệu & Viên Linh.
Theo lời Bùi Bảo Trúc thì đêm ở nhà Hiệu, có cả Đào Mộng Nam. Sau đó cũng chính Đào Mộng Nam rủ rê bố cùng về lo phát động phong trào Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, mà bố từ chối. Nội bộ cuối cùng tan rã sao đó, Đào Mộng Nam bực tức Hiệu, mò về thăm bố, kể cho bố và Trần Minh Quang nghe tất cả mọi ngõ ngách, chỉ trừ chi tiết duy nhất là địa điểm, hắn cố tình làm cho sai lạc để tránh né cho chính hắn cái tiếng ‘cùng chơi bẩn’ của mình."
Và TNH nhận xét:
"Mục đích phơi bày sự thật xuyên qua các bài viết trong tác phẩm Một Truyện Dài Không Có Tên của em tuy có tạo ra rất nhiều kẻ thù, nhưng vô hình chung mà nó cũng làm được điều tốt cho kẻ khác. Ví dụ như sự ‘tình cờ giải oan’ cho Bùi Bảo Trúc. Trong điện thoại, ông ta cứ nói mãi lời cảm ơn em."
(...)
Trần Thị Bông Giấy
(San Jose, Cali. Tháng 6/1994)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét