Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

trước ngã 3 lịch sử / trọng lang- trần tán cửu : source: Tronglang.com

                          TRỌNG LANG [ i.e. Trần Tán Cửu 1906- 1986 saigon]
                                                                                         (ảnh: Internet)




Trước nba lịch s
 TRỌNG LANG- TRẦN TÁN CỬU 


Chapter 1 


Cũng như khi viết phóng sự, hay là như một anh kép độc thoại, tôi lại xưng …” tôi”, để nói đến … tôi.

Cái “tôi” thật ra, chỉ là một đặc quyền của kẻ nào chưa đi dến cùng thẳm kiếp sống của mình. Kẻ nào không cần biết đến cái tôi là gì nữa, kẻ ấy đã thoát ra ngoài cánh cửa lớn của tri giác, để có thể vượt lên đến những gì không thể lên tới được.

Tôi chỉ là người, tôi chỉ là Anh. Anh và tôi sống lang thang trong cùng thẳm một “chốc lát không bờ bến”, chưa thấy cả ảo ảnh một bờ bến, mà chỉ vật vờ như những vật vô chủ, giữa những vật vô chủ giống nhau, giữa ánh Trời không thay đổi.

Tôi nói đến “tôi” là tôi sử dụng cái đặc quyền của những kẻ chưa đi đến cùng thẵm kiếp sống của mình vậy.

TRỌNG LANG-TTC





Ð O Ạ N  M Ộ T


CHUẨN BỊ LÊN ÐƯỜNG


Tôi vốn là con đẻ của phong kiến, nhưng lại là con tinh thần của Cách Mạng. Nói ra nghe kỳ lắm, nhưng sự thật, nó là như vậy. Ông thân tôi đậu phó bảng, đội mũ cánh chuồn, mà lại là bạn đồng chí của cụ Phan Bội Châu. Lúc thầy tôi đi dự Hội Chợ ở Pháp về , thì từ quan đi diễn thuyết và viết hịch cho Ðông Kinh Nghĩa Thục. Các cụ có lần kể chuyện về Ðông Kinh Nghĩa Thục, đã đọc cho tôi nghe câu: “Thằng Bình viết hịch, thằng Châu tuyên truyền”. Ðó là câu các cụ làm ra để phân công cho nhau, tức là thầy tôi là Trần-Tán Bình thì giữ việc viết hình, và cụ Phan Bội Châu thì phụ trách công tác tuyên truyền.

Cái hịch đầu tiên của thầy tôi là bài ca “Á Tế Á”, có lần nó đã được các Cụ cho khắc vào bia đá, rồi đem đặt trong ngõ Gia Ngư Hà Nội, làm cho cả phố bị bố ráp mạnh. Phong trào tan vỡ, thầy tôi bị Tây buộc ra làm huấn đạo để lần mò làm đến Tuần Phủ rồi mới về hưu để tự xưng là “Thoái nô Trần-Tán Bình”. Thầy tôi đã tự nhận là một nguời: thân “Chết không có hẹn, xanh vùi cỏ, Sống cũng như thừa, nhọ góp vai”. (câu đối này đã được khắc vào nhà mồ thầy tôi). Thân như thế, mà tâm hồn lại là tâm hồn cách mạng chống Thực dân. Thầy tôi là hai người gồm lại, sống với hai số phận luôn luôn chống đối nhau.

Tôi cũng vậy. Tôi làm công chức, như các anh Nhất Linh, Tú Mỡ, Ðỗ Ðức Thu, rồi viết báo chống bất lương, bất công, chống Tây đã sáng tạo ra “công chức” !

Năm 1924, trước cảnh đốc học Lomberger đánh đập anh Minh (sau là dược sĩ) giữa sân Trường Bưởi, đang giờ học của giáo sư Nho, tôi đã nhảy lên bàn, vừa khóc vừa lạy thầy, vừa hét “Ðả đảo Lomberger”. Tôi “hân hạnh” được sở Mật thám Tây ghi tên vào sổ đen cùng với anh Chương (tức bác sĩ Phạm Hữu Chương) và anh Bùi Ngọc Ái. Hình ảnh Tây đánh ta đã ghi sâu vào óc tôi, máu ông cha bắt đầu sôi lên trong huyết quản. Tôi là “phong kiến” mà khinh … phong kiến. Tôi đi làm với Tây ở Phủ Toàn Quyền mà lại ghét Tây thực dân.

Ðời con người tôi như thế, thì tất nhiên chỉ là một cuộc “nội loạn” thường xuyên, trong đó cái lố bịch đáng ghét và cái cao điệu đáng yêu đánh nhau bằng thích. Tôi may mắn được sống “hai thân phận”: thân phận làm người Annamite, và thân phận làm con của Tổ Quốc.

Sự xung đột đau thương của hai thân phận ấy, nếu theo văn hào Hugo, thì đúng là tất cả cái chất nghệ thuật vậy.

Chất nghệ thuật ấy, như một uẩn ức cần phải được …” xả hơi”. Năm 1930, nhân gặp anh Trần văn Hựu (sau này vào làng Tây, vào học Dược, rồi hai muơi năm sau, về làm đổng Lý Văn phòng bộ Thông tin), anh Lộc bí danh là La cà Lộc, lúc nào cũng la cà ngoài phố, khi ăn thì môi dưới trễ xuống la cà trên món ăn, như anh ngửi bằng … môi. Chúng tôi họp với Học Hải, chủ bút nhật báo Ðông Phương của ông Mai Du Lân để kết thành nhóm “Ðập Lọ Cổ”. Lọ Cổ là những người cổ hủ, viết văn sai lệch, đại để như ông Chủ nhiệm. Ông này đã từng tự tay viết một bài hô hào giúp lụt, dưới cái tít 4 cột: “Con tạo điêu linh, nhà nông thiệt thòi”.

Chúng tôi dùng lối văn mới, ngắn và gọn, hết sức tránh dùng chữ nho, để khỏi lỗi lầm như … cái lầm cho ông trời là điêu linh (tức là héo rụng theo nghĩa đen, và là suy bại, theo nghĩa bóng).

Nhưng mới viết được mười truyện ngắn dưới muc “Tấn Tuồng Ðời”, thì anh Học Hải mắc bệnh lao phổi rồi mất.

Anh Hựu vào làng Tây chơi, để đi lính Tây, ngành pháo thủ.

Tôi quay về học võ Tàu (theo môn phái cụ Ba Cát), chuẩn bị xác thịt để phòng khi cần đến vũ lực.

Trong chờ đợi, năm 1932, chủ nhiệm báo Bắc Kỳ Thể Thao, là ông Nghiêm Xuân Huyến, tự Voi Ðen, có tài nấu thịt chó, mời tôi cộng tác. Tôi mở mục “Ðấm đá để hộ thân”, cùng với anh Quyển, có khi cả với anh Uyển (cả hai hiện ở Saigon) tự đứng trong các thế đánh và gỡ, để anh chủ nhiệm, cũng là chủ hiệu ảnh Huyến Photo hàng Quạt, chụp rồi đăng lên báo với lời dẫn giải.

Làm việc “võ Ba Tầu” ấy, chúng tôi được thù lao bằng tiệc thịt chó!

Ngoài ra, nhân còn là Trưởng ban võ Hồng Mao (*) trong Tổng Cuộc Thể Thao Bắc Kỳ, tôi đại diện báo Bắc Kỳ Thể Thao tổ chức cuộc đua xe đạp cho các tay đua xe đạp ba kỳ, như Bổng của Bắc Kỳ, Còn của miền Nam, đi xin cúp, viết tường thuật. Theo cái đà vận động ấy, sau tôi viết luôn về thể thao túc cầu cho tờ Ngọ Báo nữa. Cũng theo đà ấy, tôi sáng tác được một hài kịch 5 màn, có Tú Mỡ thủ vai chính, công diễn tại nhà Hát Tây Hà Nội.
---
- boxing.(Bt)

Kịch đề “Thể thao vì tình” tả một anh đại nhược trong nước “tiểu nhược”. Anh ta tin rằng ai muốn khỏe, thì cứ tiêm vài mũi thuốc bổ Tây là thành lực sĩ liền.

Trên đây, tôi tả sơ lược, những bước đi dò đường chập chững, trước cổng ngõ làng văn, làng báo, những bước do dòng máu nhà, do cái khiếu tự nhiên soi sáng và dẫn dắt.

Tôi chần chờ đợi đến năm tôi bắt đầu… sống thực, bước sang giai đoạn tam thập nhi lập. Trong óc tôi, mấy câu thơ của gia nghiêm trong bài ca Á Tế Á, luôn luôn bật hình đỏ như máu:

“ Cũng có lúc bầm gan tím ruột
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra,
Cùng xương cùng thịt cùng da
Cùng hòn máu đỏ con nhà Lạc Long
Thế mà chịu trong vòng trói buộc
Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than
Than ôi ! Bách Việt hà san
Thông minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa
Hồn mê mẩn, tỉnh chưa, chưa tỉnh
Anh em ta phải tính sao đây …”

Từng tiếng như tiếng trống trận, tùng tùng thúc dục, như tiếng kẻng, thức tỉnh cơn mơ.

Rồi cái tin 13 Liệt sĩ bị Tây sát hại trên đoạn đầu đài.

Và hoàn cảnh xã hội. Ðời sống xã hội thảm hại qúa và đòi hỏi gắt gao một rung động của trái tim biết …” nghĩ”, và “hành động”, rung động mở nguồn cho một cuộc thay đổi lớn lao cần phải có. Cờ Lý Tưởng đang bị hạ xuống. Những kẻ có “nguyện vọng đi … xuống”, gây ra phong trào “thăng tiến cặn bã”, và trương cao lá cờ của mục nát với màu sắc vàng mã của văn bằng, chức tước, mũ cánh chuồn, của bài ngà nô lệ, của bồi bếp Tây.

Trong khi đó, tôi tìm thấy trong cống rãnh, trong sọt rác, cái món danh dự của con người. Danh dự của những ông quan, sung sướng như Vua mà đi quì gối xin được thăng chức làm … “đầy tớ”. Danh dự của các bà, các cô, phải có cổ cánh lắm mới được đi cổng sau vào ngủ với cụ Lớn Tây.

Chung quanh tôi, còn có biết bao kẻ khốn nạn, nhục nhã, như kẻ chỉ còn một cách sống là bán trôn nuôi miệng, có khi còn là nhiều miệng của cả cha mẹ, con cái; kẻ đau khổ như những vợ lẽ, nàng hầu, như những đứa trẻ thiếu cơm, thiếu áo, thiếu cả cha nữa, ê trề như những dân làng chạy, dân ăn mày. Những kẻ đó biết nhục, biết đau khổ mà vẫn đành đau khổ, những kẻ đó ở vào cái tình trạng muốn chết, mà thiếu tiền mua độc dược. Khi kiếm được tí tiền mua độc dược, thì lại nghĩ đến cơm. Rồi đi ăn cơm đã, nhiên hậu sẽ hay.

Tôi chỉ nhìn là thấy họ, chỉ đi là gặp họ ngay. Họ không cho tôi chút thời giờ để nghĩ đến Trời, Ðất và cõi âm. Họ có đủ những gì phi thường làm tôi chỉ nghĩ đến họ, trên nguyên hình của họ. Nghĩ đến họ và viết về họ.

Có ba thể văn cho tôi chọn: thơ, tiểu thuyết và kịch. Thơ là siêu hình của trái tim, tiểu thuyết là siêu hình của trí tuệ, kịch là siêu hình của ý chí. Tôi không muốn dùng thơ để thi vị hóa họ. Với thể tiểu thuyết vốn là giả tạo, bên cạnh những kẻ đau khổ kia, có thể là trí tuệ lại đẻ thêm ra nhiều kẻ khốn nạn khác.

Kịch tác gia sáng tác như Thượng đế, tất nhiên sẽ sáng tác ra những nhân vật mới, có thể còn khốn nạn hơn nhân vật hiện có. Tôi thấy tôi không thể ngâm nga bên đống rác, không nên bóp méo nhân loại và cũng không nên sáng tác thêm ra nhiều đống rác khác.

Những kẻ khốn nạn của cống rãnh Hà Nội, của cái 'lò mục dân' (chỗ nuôi người như nuôi súc vật), đủ rồi, đủ quá rồi, cho một ngòi bút viết bằng mực máu, bằng tình thương, chứ không viết bằng “nghệ thuật”. Tôi sẽ gần họ, đi sâu vào đời sống của họ.

Họ là những người xấu số được đời nhìn bằng đôi mắt trắng. Xã hội “sạch sẽ”, lúc nào cũng cố làm ra vẻ “sạch sẽ”, một thứ sạch sẽ che đậy những gì xã hội không muốn cho ai biết, một thứ sạch sẽ phũ phàng, thô bỉ, sạch sẽ đã gián tiếp và vô tình đẻ ra nhiều cái bẩn thỉu, trong đó có những người của cống rãnh.

Xã hội cũng có để ý đến người cống rãnh đấy, nhưng xã h?i tay này bịt mũi, tay kia cầm que vớt họ ra ngoài bùn cống rãnh, như vớt một cái rác. Xã hội hành động nhân danh cái “sạch sẽ xã hội”, nhưng chỉ đổi “ chỗ nằm” cho rác rưởi mà thôi.

Tôi cần đem ngòi bút đến gần những người của cống rãnh, chắc chắn họ sẽ không từ chối cái nhìn xanh xanh của tình thương, soi đường bùng ra cho những gì còn sót lại trong cùng óc, thâm tâm họ.

Làm được việc ấy, có lẽ chỉ có người viết phóng sự. Vì phóng sự viết đúng và thật. Ðúng: là hoàn cảnh không thay đổi. Thật: là con người nguyên hình với óc tim cởi mở.

Và tôi đã nguyện với tôi, chỉ chuyên về phóng sự mà thôi.
(còn tiếp)

TRỌNG LANG -TTC



(trích lại từ GIAO BLOG.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét