bài 5 : thế phong với những tiếng cười ngạo nghễ ...
điệu muá cuối cùng của con thiên nga (văn uyển, san jose 2005)
THẾ PHONG VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI NGẠO NGHỄ
TRẦN THỊ BÔNG GIẤY
(Bài 5)
Giới văn nghệ dù ở đâu, vẫn có kẻ tốt người xấu, kẻ đứng thẳng mình, kẻ khom lưng cúi rạp ngay từ bậc thềm thấp nhất của con đường danh vọng.
Thì với Thế Phong, sẽ khó có ai nhìn ra được anh với thứ tình cảm bị giấu kín , dưới cái mặt nạ châm chọc, đầy tiếng cười ngạo nghễ. (đâu ai muốn mất thì giờ để đi tìm "con người thật" trong anh?). Vì vậy mà anh cô đơn. Nhưng nỗi cô đơn của anh không mang tính đồng dạng như của Văn Quang, bác Lê hữu Mục, hay nhiều nhà văn khác. (ở những người này, nỗi cô đơn thường bị chìm khuất đi, trong cái chung của một dòng đám đông hòa nhập).
Như một vì sao đứng riêng một góc trời, hay như "cánh chim họa mi đậu dưới chân đèo Bạch Mã", anh đã tự "cất lên tiếng hót anh hùng", qua những bài ca "chua chát não nề", như để "tự xỉ vả", như để "nguyền rủa một xã hội, một chế độ, một thế hệ." . Tiếng hót này có nhiều người nghe, nhưng không mấy ai cảm được cái hay của nó. Vì thế mà dập vùi, mà xua đuổi ... để cuối cùng giọng chim trở nên khan tiếng; trong những lần gào thết cô đơn.
Đó là "nỗi đau" trong tâm hồn một nhà văn.
Nỗi đau này của anh, nếu đem so sánh với nỗi đau của bác Lê hữu Mục (như trong bài viết về bác, tôi đã đề cập) và của tôi khi bước chân vào văn nghiệp; thì, đầu có phần giống; và cũng thật là khác. Hãy thử tưởng tượng một hàng ngang 3 người; anh đứng giữa, thì vấn đề sẽ rõ.
Phía bên trái là bác Lê hữu Mục; và một nửa con người anh. Điểm tương đồng giữa cả 2 là "sự ưa thích tìm đến với đám đông văn nghệ". "Nỗi đau"trong mỗi người đã được tạo thành từ 2 cái nhìn; và gây nên 2 kết quả khác biệt:
Lê hữu Mục [1925- ] -- (hiện sống + viết ở Canada)
- tiến sĩ Văn chương Đại Học (Saigon 1970)
- cao học Văn chương Đại Học (Dalat 1960)
- cử nhân văn chương Pháp (Đại Học Hà Nội 1950)
- tác giả nhiều sách giáo khoa, biên khảo ...
(courtesy of Cỏ Thơm Magazine/ USA)
1) Anh, phẫn nộ theo những điều giả dối (trên sự giao thiệp), những nông cạn( trên sự suy nghĩ) của đám đông văn nghệ, đâm thành muốn đạp đổ tất cả,
2) bác Lê hữu Mục: dẫu vẫn nhìn thấy mọi nỗi như anh, nhưng hiền hòa nhẫn nhục hơn, nên không tỏ thái độ phản kháng; thà rằng "tiếp tục tự lừa mình" hơn là "quay lưng hẳn với đám đông".
3) Phía bên phải là tôi; và nửa con người còn lại của anh:
1) Điểm giống nhau: giữa cả 2 là có cùng cái nhìn phẫn nộ đối với đám đông văn nghệ; và sự phô bày sự phẫn nộ này ra trên chữ nghĩa. Kết quả là sự tẩy chay, thù ghét xảy đến cho những đứa con tinh thần mỗi người đã cấu tạo.
2) Điểm khác chính là anh vẫn tiếp tục lăn vào đám đông với thái độ cũ; còn tôi, thì hoàn toàn quay lưng lại với đám đông. Vì thế mà tôi "đỡ khổ" hơn anh; và dòng văn chương tôi vẫn không bị biến thành mỉa mai, cay đắng!
Trần thị Bông Giấy [1950- ] -- [ảnh: MPK)
"... chưa lần nào tôi bắt gặp nụ cười tươi như thế của TTBG, ngoài bãi biển Nha Trang năm 2003.
-- sau khi Nàng đã trao đổi cái "tình tang" với X... -- thì chẳng bao lâu, nụ cười tươi kia tan nhanh như bọt biển vỗ vào bờ. Bèn nhớ ngay câu "Immondices pour les deux âmes qui s'unissent" của Frederick Nietzsche." -- lời bình TP.)
***
Cũng nhờ cái điểm tương đồng giữa 2 con người có cùng cái "nghiệp" như nhau, mà thoát biết nhau; cả anh lẫn tôi đều đã bắt đúng ngay 'cái mạch" cô đơn của mỗi phía. Những al1 thư trao đổi cũng là lời chân thành giữa 2 người bạn có cùng cảnh ngộ. Những dòng chữ im lìm; nhưng có sức mạnh chia sẻ bằng vạn lần các cuộc thù tạc với đám đông văn nghệ giả dối chung quanh.
Nhận thư Thế Phong
Sài gòn, thứ sáu 19/11/ 2004 ((:56PM)
BGiấy ơi,
Thế là lại sắp đến Noel, vì mới đây nghe Khánh Ly ca khúc hát Giáng Sinh về Dalat; lại nhớ một khoảng thời gian quá vãng xa lắc lư, trở về với hiện tại. Và lại nhớ đến mẹ con BGiấy, với những ngày đêm ở Dalat vào mùa hè năm 2000. Dạo này tôi có công việc làm phụ mới; phụ việc với nhà tôi trông nom cháu nội gái cho bố mẹ nó đi làm. Mượn người làm thì đến người thứ 2 cũng không xong. Người thứ nhất quê ở Quảng Bình có trách nhiệm, lại phải về quê săn sóc chồng ốm-- còn người thứ 2 quê ở Cai Lậy, lãng mạn kiểu miền Nam bộ; chỉ làm tròn được 1 tháng thấy nhớ nhà , trở về với sông nước Tiền Giang.
Vài hàng thăm BGiấy và cả nhà.
Thế Phong.
[]
Thư gửi Thế Phong
Cali 20/11/04 (8.10 AM)
Anh Thế Phong thân,
Nhắc đến Noel lại càng buồn da diết, vì một mùa Noel mơ ước về Việt Nam (và Dalat) sẽ không bao giờ còn trở về với BGiấy. Bên này lá vàng rơi rụng đầy sân. Nhìn lá mà ngẫm lại cuộc đời mình, sao thấy trống vắng hoang liêu quá. Trước mặt chừng như có một tấm màn đêm bao phủ, khi nghĩ về tương lai sắp đến.
Nhiều đêm không ngủ được, nghĩ đến anh và [Hòang Vũ] Đông Sơn, thấy các anh còn may mắn hơn BGiấy rất nhiều; ở chỗ còn có người để chia sẻ, từ chuyện lớn là nhà cửa, đến chuyện nhỏ là ... giữ cháu nội!
Năm tới đây(1005), BGiấy không định viết gì mới; ngoài chuyện ngồi sắp xếp lại tất cả các bài vở cũ, đánh máy vào một cái Laptop mới mua; dự định nằm xuống vĩnh viễn; Âu Cơ còn biết đường mà truy tầm các tác phẩm của mẹ nó.
Đọc và viết lại các bài 'Tài Hoa Mệnh Bạc' cất giữ vào trong máy, mới thấy rằng cuộc đời những người nghệ sĩ đều có điểm giống nhau là SỰ CÔ ĐƠN.
Đọc Modigliani và Emily Bronte viết năm 1993, BGiấy không ngờ rằng khi suy nghĩ về họ, BGiấy đang ở vào một hoàn cảnh chồng con đầm ấm, hạnh phúc thừa mứa, tiền bạc dư dả; vậy mà sao có lại có thể thông cảm được sự nghèo khó, nỗi cô đơn tuyệt vọng của họ một cách sâu sắc; để biến thành chữ nghĩa? Hay phải chăng viết về họ (ở thời điểm đó) là BGiấy cũng đã tự viết về mình (ở thời điểm này) mà không hay?
Cám ơn anh đã gửi NCQC [Nước Chảy Qua Cầu] đến các bạn miền Bắc. Lời ngợi khen của họ (và của độc giả) trên chữ nghĩa mình, là niềm an ủi duy nhất cho cuộc đời cô quạnh của BGiấy. Đó là sự thật rằng chỉ 'Văn chương' mới hiểu và chia sẻ được cùng BGiấy mọi nỗi thống khổ, như muôn thuở.
Bây giờ cứ cúi đầu ngồi viết, chấp nhận làm kiếp tằm nhả tơ cho đến chết, do bởi điều nhận định; chỉ 'Văn Chương' mới là người tình, người'Chồng' và 'Người Bạn'thật sự yêu thương BGiấy, hơn tất cả mọi con người hiện hữu ở thế gian. Và cũng chỉ 'Văn Chương' mới giúp BGiấy quên được những ngày giờ triền miên suy nghĩ theo nỗi khủng hoảng về đủ thứ hiện nay thôi.
Hè năm tới không biết có về được Việt Nam không? Tất cả hãy để Thượng Đế định đoạt. Dù sao vẫn rất nhớ Việt Nam và nhất là nhớ đặc biệt anh và anh [Hòang Vũ] Đông Sơn. Nhớ mái nhà nho nhỏ ấm cúng của anh Đông Sơn, nhớ những chuyến xe khuya Saigon-Dalat, có anh em mình hiện diện. Nhớ tất cả ... Nhưng thôi, sẽ dùng tất cả đó, để ghi xuống thành văn chương.
Thân ái,
TTBG
[]
Nhận thư Thế Phong.
Sài gòn, Chủ nhật 23 tháng 1 năm 2005.
Thân gửi BGiấy,
Những ngày cuối năm ta ở Sàigòn, sáng và đêm lạnh; đi uống 'café 'một mình (đôi khi cũng có [Hòang Vũ] Đông Sơn ngồi bên bờ Thanh Đa, nỗi buồn mông lung dấy lên, khiến nhớ đủ điều. Nào là chuyện mình, chuyện bạn bè, chuyện văn nghệ, chuyện đời ... trăm thứ; thật là "vạn vật mâu thuẫn" -- và nếu không như vậy, thì chẳng còn gì là sự sống đời này.
Hoặc, nói theo kiểu Lão Tử "bất ngôn chi giáo", hẳn là được an ủi; vì chỉ có bản thân mình là hiểu mình cặn kẽ, bỏ qua mọi lời khuyên can, chỉ giáo ( vì những lời ấy không giải quyết cho bản thân, bởi thế mới gọi là'bất ngôn chi giáo"). Phải hiểu cặn kẽ được tâm linh bản thân (không ai ngoài mình hiểu thấu); nên có nhờ cậy giải tỏa ẩn ức nỗi niềm, ước muốn cho thân phận mình, thì chỉ có mình thôi.
Tự pha 'café' uống, đi photocopy' Hồi Ký Ngoài Văn Chương' để đọc lại ( bởi lẽ đã đóng thành tập với các cuốn khác nữa, không thể cầm đọc) thấy thương bản thân; lại nhớ đến bạn bè không còn gặp nữa( có kẻ đã qua đời, có kẻ ở xa tận chân trời). Ấy vậy, mà tối thứ bẩy (22/01/2005) sang tới suốt sáng chủ nhật (23/01) mới đọc xong, thật thú vị; càng hơn nữa một mình nghe dĩa Ánh Tuyết hát nhạc Đoàn Chuẩn & Từ Linh, cũng lại tuyệt vời! (...)
À quên, có bạn Vũ Ngự Chiêu [Nguyên Vũ] từ Mỹ vể nhắn đến gặp; tôi không đến dự buổi uống rượu do bạn ấy mời, ở quán Phổ Chiêu (Gò Vấp); chủ quán là nhà văn Cung Tích Biền đồng mời. ("Anh ơi! có Nguyên Vũ về, mời anh đến gặp anh em; có cả Nguyễn Thụy Long và Hồ Nam. Anh đi tắc-xi đến, có người trả tiền. "Cũng chỉ lắc đấu cảm ơn, đáp lễ: " Ông ơi, đi cà phê, cà pháo, rượu chè; thì phải có hứng. Tôi bây giờ không còn hứng; đành xin lỗi quý vị vậy, kể cả 'thằng bạn ở xa' về..."
Bèn lục cuốn 'River of Time' để đọc tiếp; mở sách ra, sách BGiấy tặng, đề "Sài gòn, July 5/ 2004", lại nhớ đến quán chả cá Lã Vọng. Còn anh chàng Văn Quang thì đã trở về Lộc Ninh; bạn ấy đã mua đất, làm nhà ở trên ấy; gửi thư điện tử báo là "Tao không còn muốn về Sàigòn."
Chỉ còn 2 tuần nữa tới ngày 9 tháng 2/2005; là ngày mồng một tết Ất Dậu. Gửi lời chúc bác, BGiấy và Âu Cơ, Vân San một muà xuân tha hương.(nhưng đầm ấm) ở tít phía bên kia trái địa cầu.
Thế Phong.
Hồi Ký Ngoài Văn Chương/ Thế Phong
(bìa: họa sĩ Khánh Trường)
(nxb Đồng Văn+ Văn Nghệ in ấn, phát hành ở Hoa Kỳ năm 1994.)
Thư gửi Thế Phong.
Cali, Dec. 7/04
Anh Thế Phong ơi,
Hôm Dec 2/1004, BGiấy có nhờ một người quen mang sách về Sàigòn cho anh. Không biết anh đã nhận được chưa?
Bên này BGiấy vừa trở lại phi trường làm việc nên rất bận, một ngày tiêu pha cho đủ thứ chuyện: vừa lao động tinh thần, vừa lao động thân xác hết 20 giờ. Không còn thì giờ để thở!
Trời Cali mưa gió tơi bời, lại càng làm cho lòng thêm ảo não. Mỗi bận nhìn những chiếc lá vàng bay bời trong gió, lòng cứ thấy cô liêu; tự nhủ' đời mình có khác nào chiếc lá giữa dòng kia, chẳng biết bay về đâu?'
BGiấy thăm Sài gòn; và cầu chúc tất cả các bạn hữu được ấm áp trong mùa Noel 2004.
Thân ái
TTBG.
[]
(ảnh TTBG cung cấp)
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét