Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 - HUỲNH ÁI TÔNG sưu tầm và giới thiệu NHÀ VĂN TRẦN HOÀI THƯ





Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực ở thành phố Nha Trang, có một thời gian sống trong cô nhi viện Hòn Chồng Bết -lê-hem. Sau đoàn tụ với thân phụ mới theo học Quốc Học Huế, đại học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư trường trung học Trần Cao Vân tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập lại vào Quảng Nam).

Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ  tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 bộ binh trong 4 năm. Sau đó về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV trong 2 năm. Ông đã từng bị thương 3 lần.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, đi học tập cải tạo hơn 4 năm.

Năm 1980 Trần Hoài Thư vượt biển, định cư tại Mỹ, sống ở nhiều nơi khác nhau và cuối cùng về sống ở tiểu bang New Jersey. Khi sang đến Mỹ, ông đi học trở lại, tốt nghiệp Cử Nhân Điện Toán và Cao Học Toán Ứng Dung. Ông được nhận vào làm cho công ty AT&T và sau đó chuyển sang làm cho công ty điện toán IBM. Chức vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu là Project Leader.

Khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơđăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa, còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức... 

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông cùng Phạm Văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản và nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Cho đến nay, phần lớn các tạp chí văn học dạng báo giấy ở Mỹ đã đóng cửa nhưng Thư Quán Bản Thảo vẫn tồn tại và đã phát hành đến số 75. Tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM của nhà xuất bản Thư Ấn Quán đã sưu tầm và in lại hàng trăm tác phẩm giá trị, đáng kể nhất là bộ THƠ MIỀN NAM gồm 5 tập với tổng cộng khoảng 3500 trang và bộ VĂN MIỀN NAM 4 tập với tổng cộng khoảng 2400 trang. 

Tác phẩm đã xuất bản:

- Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang (tập truyện, 1968),
- Những Vì Sao Vĩnh Biệt  tập truyện, 1970),
- Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi (tập truyện, 1971),
- Một Nơi  Nào Để Nhớ (tập truyện, 1974)
- Ra Biển Gọi Thầm (tập truyện, 1995),
- Ban Mê Thut Ngày Đầu Ngày Cuối (tập truyện, 1997),
- Về Hướng Mặt Trời Lặn (tập truyện, 1998),
- Thơ Trần Hoài Thư (thơ, 1998),
- Mặc Niệm Chiến Tranh (tùy bút, 2002)
- Thủ Đức Gọi Ta Về (hồi ức, 2003).
- Ở một nơi trên Trường Sơn (tập truyện, 2004)
- Ngày Vàng (thơ, 2005)
- Ô cửa (thơ, 2006)
- Quán (thơ , 2007)
- Xa xứ ( thơ, 2008)
- Tản mạn văn chương tập I (2009)


c
Chân dung Trần Hoài Thư - dinhcuong (2014)


Trích văn:

CHIẾN TRANH

Suốt cả một buổi trưa hai thằng chúng tôi mắc nạn không thể bò xuống đồi. Tư bị đạn trúng bả vai và chân. Còn tôi thì bị lựu đạn làm bể cả bắp đùi.

Lúc này mạnh ai nấy thoát. Bởi ai cũng biết rằng nếu ở lại thì chết bởi những họng súng đang săn mồi từ cao điểm. Rõ ràng đây là một cuộc thí quân. Họ ra lệnh chúng tôi phải chiếm đồi với M16, và lựu đạn, trong khi địch ẩn núp trong những hang kiên cố, với lợi thế là thấy rõ chúng tôi, còn chúng tôi thì như những kẻ đui mù. Họ không hiểu chiến trường chó má này vì họ ở trên trời hay ở đàng sau. Họ làm sao hiểu chúng tôi làm sao có đủ khứu giác của lũ chó săn để có thể đánh hơi địch hay có đôi mắt thần để biết địch đang làm gì. Chúng tôi chỉ biết tuân lệnh, không cần biết địch đã dọn sẵn mâm, chờ chúng tôi có mặt là đại liên hai bên sườn nả xuống như mưa để cả bọn ngã nhào lăn lộn đủ kiểu mà bị thương mà chết. Tư ơi! Thế nào cũng có quân tiếp  viện. Tôi đã  cố an ủi thằng bạn trung đội trưởng trung đội bốn. Nhưng Tư cứ một chặp lại rên rỉ. Cả hai chân tao, bụng tao bị trúng đạn. Trời ơi, tao đau quá. Tao chịu không nổi. Cho tao một viên đạn. Tao van mày hãy bắn tao đi. Nó van tôi, van một thằng bạn cùng sống chết với nó. Tôi thì bất lực. Lúc này chẳng cầu khẩn ai. Tổng Thống, Đại Tướng, Trung Tướng, Mặt Trời hay đại bàng. Họ thì ở xa quá. Chỉ có chăng là mặt trời và những đám mây trắng bình thản trôi qua trên bầu trời. Chỉ có chăng là một nỗi im lặng khủng khiếp. Và giữa lúc đó, tôi chỉ biết cầu nguyện. Tôi đọc mà không cần biết mình đọc để làm gì. Nam Mô Quan Thế âm Cứu Khổ Cứu Nạn. Lạy Trời Lạy Phật. Lạy Chúa Quyền Năng. Tôi đã bất lực rồi. Tôi khinh mạn tôn giáo và những gì siêu hình. Nhưng bây giờ, rõ ràng, tôi đã bị thua cuộc.

Tư là chuẩn úy, có mặt tại đơn vị này gần một năm. Hắn sắp cưới vợ. Người hôn thê là cô giáo trường quận. Hắn cứ nhắc hoài nàng, và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cùng ngày vui của hắn. Có ở trong một đơn vị tác chiến, mới hiểu được tình nghĩa giữa những người trong cuộc với nhau. Phía chúng tôi sẽ đại diện nhà trai mà đại diện là những ông thượng sĩ, trung sĩ nhất già của đơn vị. Hắn làm sao biết lần xuống núi này là lần mạt vận... Cả một đơn vị chịu trận. Cứ thế chúng tôi không còn chỗ nào bấu víu. Bởi địch quá mưu mô xảo quyệt. Họ đợi khi chúng tôi đến giữa bãi đất trống, họ mới nổ súng.

Bây giờ hắn thều thào, tiếng mất tiếng còn:

- Minh, mày hãy nghe tao nói. Mày phải tìm cách rời khỏi chỗ này... Thế nào bọn chó má này sẽ xuống đây lục soát...Nghe lời tao, hãy tìm cách rời đây... Rồi hắn khóc:

- Nếu mày có gặp Thanh Mai, nói với nàng hãy quên tao..

Tôi nhìn hắn, nghẹn ngào. Bên cạnh hắn là xác người lính truyền tin. Chiếc máy với ống liên hợp nằm trơ vơ trên đất, tiếng máy vẫn sôi rè rè. Nó gần như trong tầm tay nhưng chúng tôi thì vô vọng. Tôi van lơn hắn:

- Tư, mày không hề gì đâu. Thế nào cũng có quân tiếp viện.

- ĐM, quân tiếp viện. Đến nước này mà mày còn nói đến quân tiếp viện. Này Minh, trong quân đội mày là khoá đàn anh của tao... Nhưng mày là bạn tao.

- Phải tao là bạn mày.

- Mày hãy nghe tao nói. Mày là nhà văn. Tao là độc giả của
mày. Mày phải sống. Mày nghe rõ chưa. Mày phải sống để mà viết lại...

Rồi hắn gào lớn:

- Phải viết lại cảnh này. Thằng Trí, thằng Luông đang nằm cạnh tao đây cũng cần mày. Thằng Trí cõng tao, rồi chết vì tao... Mày hãy nói cho mọi người biết về những cái chết chó má như thế này. Chết mà không được bắn một viên đạn như thế này...

- Tư. Tao xin nghe mày. Tôi đau đớn nói.

- Tao dẫu sống cũng vô ích. Hai chân tao, ngực tao, ruột tao... Chỉ còn cái đầu tao là không trúng đạn... Rồi hắn la. Không, hắn mắng tôi.

- Sao lại không chịu chạy. Mày hèn à.  Diều hâu mà hèn à.

Rõ ràng, hắn thách tôi. Tôi muốn nghẹn ở cổ họng. Phải, tao không hèn đâu. Và tôi nhắm mắt, cố cầm cơn đau, trườn về phía sau. Đạn lại sủi bọt. Tôi chỉ còn cách vực sâu khoảng chừng hai thước. Một viên đạn xướt qua bả vai tôi. Máu dầm cả cánh tay áo. Tôi nhào đại xuống vực thẩm. Tôi té nhào giữa những bụi gai nhọn. Nhưng tôi quên hết cơn đau nhức. Chỉ có chăng là bắp đùi bị tê buốt vô cùng tận. Máu càng thấm cả một ống quần. Hai tay tôi lại cố vạch bụi. Và tôi lại vồ cả những bãi phân người ghê tởm. Thì ra nơi này là chỗ cầu tiêu của địch. Tôi cứ bò, rồi trườn. Lúc này, tôi chỉ nghĩ đến bản thân mình.  Càng xa càng tốt. Đau cũng không bằng nỗi sợ hãi. Chính nỗi sợ đã bắt tôi quên  hai cùi chỏ trầy trụa máu, và cả khúc chân như thể bị liệt đến nơi. Tôi cứ men con suối khô mà xuống. Những hòn đá cứ tiếp tục lăn theo. Và hai bàn tay tôi nhớp nháp phẩn màu đen đặc. Ruồi nhặng giật mình bay lên tán loạn. Nhưng tôi không cần để ý.

*
 Ngày hôm sau, quân tiếp viện mới lên lấy lại xác những người mắc kẹt. Tư bị bom xăng làm cháy thui như heo bị nướng. Những xác bây giờ không còn hình dạng nữa sau hàng trăm quả đạn từ căn cứ rót xuống ngọn đồi. Địch chết vì đạn hơi ngạt. Còn ta thì bị nướng thiêu vì bom lửa. Tóc cháy quăn. Hai hàm răng trắng hếu. Những đường kẻ như háng, hay cổ bị nứt thành từng lằn, mở vàng như sáp ong. Có xác thịt da căng ra như quả bóng. Có xác như thể một thân cây bị cháy đen.

Chúng tôi phải cực khổ để nhận diện những người tử trận. Lúc này người ta mới thấy giá trị của con người còn thua cả con chó bị xe cán.

*
Từ quân y viện, tôi chống gậy trở về đồi với cả một con tim tan nát.Có lẽ từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ chạm trán cùng những điều quá sức tưởng tượng như thế này. Có lẽ tôi chưa bao giờ chuẩn bị để đối phó với cảnh huống của một đơn vị tan hàng. Bởi trước đến bây giờ đơn vị tôi chỉ biết thắng chứ chưa bao giờ biết thua.

Từ dưới cổng Sư đoàn tôi gọi điện thoại lên hậu cứ. Trung sĩ nhất Phú, hạ sĩ quan hậu cứ, lái xe dodge xuống đồi đón tôi. Anh ta mừng rỡ như bắt được vàng:

- Thân nhân lên đồi nhiều lắm. Họ làm tôi muốn khùng. Có ông đỡ gánh nặng cho tôi.

- Tại sao?

- Họ đòi mạng chồng con họ. Họ nằm vạ trên sân. Này ông, ông phải đề phòng. Coi chừng họ xé xác ông ra đấy.

- Còn thiếu úy Mận ?
- Ông sợ quá nên cũng chạy luôn

Xe lên đồi. Người lính gác bắt súng chào. Tôi chào lại. Nắng lóa trên mái tôn doanh trại. Tôi nói với Phú anh dừng xe xa văn phòng đại đội một tí để tôi có thể lẻn vào phòng tôi. Mở cửa ra. Chiếc rương bằng ván của Trinh, người lính ô đô của tôi, nằm đấy. Nhưng chủ của nó đã đi mất, mất mà không bao giờ trở lại. Tôi thì thào một mình tôi nghe: Trinh ơi, vĩnh biệt em. Tôi đứng yên lặng. Căn phòng tối mờ. Mới hôm nào, cửa sổ lúc nào cũng mở ra, và nắng rọi vào phòng tươi thắm. Mới hôm nào tiếng nói chuyện hoặc cãi nhau ồn ào từ câu lạc bộ vọng về cũng như tiếng kẻng khua liên hồi cho một cuộc tập họp lên đường và Trinh vào phòng hỏi tôi ông thầy cần gì em mang theo. Và phòng cạnh là phòng của chuẩn úy Tư. Hết rồi những buổi hai thằng đèo honda xuống chợ quận. Hết rồi những lần ngồi nhậu, hắn cứ luôn luôn chối cụng ly với chúng tôi. Và cũng hết rồi cơn mơ của hắn về một người vợ hiền, một ngôi nhà dưới đồi, trong cư xá sĩ quan. Trời ơi, khi con người đang bước vào giây phút cuối cùng, tất cả cuộc đời hắn còn lại trong những câu trối trăn. Hắn trối trăn tôi phải nhớ lại cái cảnh cả một nửa đại đội nằm xếp hàng mà chết. Vâng, Tư ơi, tao nhớ lắm, nhớ không bao giờ quên, nhớ mày nhờ tao nói với người vợ sắp cưới là hãy quên mày, nhớ lần mày mắng tao đồ hèn không dám bỏ chạy thoát thân. Nhớ cả cảnh thằng Tánh vất thằng Hường xuống đất rồi nói như khóc: Tao không thể cõng mày được nữa. Tao bị trúng đạn rồi. Mày hãy tha lỗi cho tao. Nhớ đến chiếc máy truyền tin vô chủ. Nhớ đến một mặt trời đổ xuống  cả khối nham thạch...Và tự nhiên hai lỗ tai tôi bỗng dưng đau nhức không thể tả. Hình như có cả muôn ngàn âm thanh nhức buốt như đóng nện vào màn nhỉ.

Có tiếng gõ cửa. Giọng của trung sĩ nhất Phú:

- Thiếu úy tôi có thể vào được không?
- Vào đi.
- Có vợ chưa cưới của chuẩn úy Tư cần gặp thiếu úy.

Trời ơi, có ở trong hoàn cảnh này, mới tha lỗi cho nỗi mềm yếu của tôi. Tôi cố gắng không để lộ đôi mắt ràn rụa nhưng cớ sao tôi lại ôm mặt. Không phải tôi hận. Cũng không phải tôi đau. Những trạng thái tình cảm đã lắng rồi. Nhưng tôi không can đảm để phải kể cho một người về một người. Mà phải nói gì? Nói về một cái chết anh hùng chăng? Nói về những lời trối trăn chăng? Nói về cảnh một người bị thương khắp tay chân, thân thể, quên cả mình để dục tôi phải nhớ mà viết. Để cho nàng phải hãnh diện có người chồng sắp cưới hy sinh vì tổ quốc. Tôi không phải là lãnh tụ, hay chuyên gia tâm lý chiến. Cái đau khổ này. Nỗi mất mát này là có thật. Còn những mỹ từ kia thì xa vời. Nói ra lúc này thì quá bất nhẫn.

Tôi bật đèn phòng. Người vợ chưa cưới của Tư, đôi mắt quầng thâm, mái tóc ôm cả bờ vai bất hạnh trong bộ đồ đen, đã đến bên giường rồi ôm lấy chiếc gối mà áp mặt vào. Bên cạnh đầu giường là chiếc bàn có tấm hình chụp Tư và nàng lộng trong khung. Nàng  khóc ấm ức. Khóc tức tưởi. Tôi và Phú đứng bất động. Trời ơi, tôi phải làm gì. Tôi không quen với cảnh đau khổ. Tôi sợ nước mắt của người khác. Tôi muốn biến khỏi nơi này lập tức:

Tiếng nói của nàng như kể lể, xoáy tận tim tôi:

"Anh hứa với em là anh sẽ xin phép để lo cho đám cưới, sao anh lại không xin phép? Anh ơi, hôm nay, em mang cho anh cuốn sách mà anh ưa thích"

Nàng nói như một người bị mộng du. Tôi chỉ biết cúi đầu. Phú nói thầm bên tai tôi: Tôi nói lính dọn mấy đồ đạc của chuẩn úy Tư nghe. Tôi gật đầu. Nhưng khi Phú vừa mới mở cửa ra ngoài, thì thêm một người đàn bà bồng con chạy vào phòng. Chị là vợ của Trinh. Chị vất con xuống đất, rồi níu lấy chân tôi. Thằng bé khóc ré lên cùng với tiếng kể lể của chị:

"Thiếu úy ơi, thiếu úy tại sao không giữ gìn chồng em để ảnh phải chết thảm như vầy hả thiếu úy. Anh ơi, sao anh lại bỏ mẹ con em. Anh chết gì mà thảm quá hở anh"

Chị rống lên. Thằng bé cũng khóc thét. Tôi mất hết bình tĩnh. Bây giờ tôi có ý nghĩ là làm loạn. Tôi điên khùng chụp súng chạy ra ngoài, nhắm phía ngọn đồi chó đẻ và bắn cuồng điên....-/-

Trần Hoài Thư trả lời phỏng vấn của Châu Hải Châu đăng tải trên tạp chí Sóng:

 “… Tôi không có tham vọng trở thành một nhà văn. Tôi chỉ thật sự viết văn khi 20 tuổi và viết tùy hứng. Ngày tôi ở Thám Kích, tôi kê giấy trên gò mả, viết dưới ánh trăng, hay trùm poncho viết trong ánh đèn pin quân đội. Đọc lại những bài viết của mình trước đây đôi khi tôi phải lạnh mình. Thú thật tôi không thể ngờ tôi là kẻ sống sót để viết  những dòng trả lời này. Qua Mỹ, tôi vừa làm, vừa học, vừa viết. Cũng tùy hứng. Tuy nhiên ngòi bút trở nên thận trọng hơn. Cái kinh nghiệm đớn đau của đất nước là một bài học cho người cầm bút phải không anh ?”
(tạp chí Sóng, số 73 tháng 6 năm 1988)

Mai Thảo viết về Trần Hoài Thư:

"… Phía tôi nhìn thấy cho Trần Hoài Thư là cái phía của những người trẻ tuổi đặt sống thành suy nghĩ, tự thành trong cô đơn một đời, xuôi chảy thuận dòng theo đồng hành và thế hệ, nhưng vẫn bảo toàn nghiêm mật được cá nhân mình. Vì biết sống và viết cách nào cũng phải bắt nguồn từ đó."

trần hoài thư
(Văn số 197 ngày 1-3-1972)


nguồn tham khảo:
luanhoan.net
blog Phạm Cao Hoàng
[]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét