Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

về văn nhân, thi sĩ nhã ca 1939- ] -- blog phan nguyên

Monday, 18 November 2013


Nhã Ca [1939-   ]


















Nhã Ca

tên thật: Trần Thị Thu Vân
(1939 - .........) Huế
nhà văn, nhà thơ, nhà báo







Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh trưởng ở Huế.
 Vào Sài gòn sống và viết văn từ 1960.

Trong vòng 15 năm (1960 - 1975), Nhã Ca đã cho xuất bản thành sách 36 tác phẩm gồm các thể loại bút ký, thơ, tiểu thuyết. 
Nhiều tác phẩm đã được trao giải thưởng và dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh. 
Đạo diễn Hà Thúc Cần đã dựng một phần Giải Khăn Sô Cho Huế và Đêm Nghe Tiếng Đại Bácthành phim Đất KhổCô Hippy Lạc Loài cũng được chuyển thể thành phim Hoa Mới Nở  với Đạo diễn Lê Dân.
Sau biến cố 30/04/1975 Nhã Ca bị bắt giam hai năm về tội "biệt kích văn háo". 
Nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế Nhã Ca và chồng là Nhà thơ Trần Dạ Từ đã sang tỵ nạn tại Thụy Điển, sau đó định cư tại California, Hoa Kỳ.












Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tựa sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét 
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ 
12/6/2017
 








Còn một lần hay hai ba lần nữa
Hòn đá xanh lăn về phía mặt trời
Cây trái cũ kiếp sau này có nhớ
Những mặt trời tan vỡ kín trong tôi

Nhã Ca














Tác phẩm đã xuất bản













Thơ














1
Nhã Ca mới

Nxb Ngôn Ngữ 1964

Giải thưởng Thi Ca Toàn Quốc 
(Việt Nam Cộng Hòa) 1965

Tựa: Nguyên Sa
Bạt: Dương Nghiễm Mậu
Phụ bản: Duy Thanh, Nguyễn Trung, Cù Nguyễn

http://vietmessenger.com/books/?title=nhacamoi






2
Thơ Nhã Ca


Vietbook tái bản 
Tủ sách Thương Yêu xuất bản lần đầu năm 1972


Nguyên Sa đề tựa 
http://vietmessenger.com/books/?title=thonhaca
























Văn









3
5
Bóng Tối Thời Con Gái
 1967















6
Khi Bước Xuống 
1967






7
Người Tình Ngoài Mặt Trận 
Nxb Kim Anh 1967






8
Sống Một Ngày 
1967






9
Xuân Thì 
1967






10
Những Giọt Nắng Vàng 
1968















11
Đoàn Nữ Binh Mùa Thu

1969
















12
Giải Khăn Sô Cho Huế 

Hồi Ký
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Quốc gia 1970
Nxb Đất Lành in lần đầu tại Sài Gòn 1969















Bản dịch tiếng Anh “Giải Khăn Xô Cho Huế” của Nhã Ca



Giới thiệu sách mới



Tác phẩm “Giải Khăn Xô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca đã ra mắt lần đầu tiên vào năm 1969 tại Việt nam. Năm 1970, tác phẩm này được Giải thưởng Văn học Việt nam. Và vào năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 40 năm vụ Thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế (1968 – 2008), tác phẩm cũng lại được tái bản tại hải ngọai.



Vào tháng 8 năm 2014 vừa qua, bản dịch Anh ngữ lần đầu tiên do dịch giả Olga Dror thực hiện đã được ra mắt với công chúng. Và vào ngày 25 tháng Hai năm 2015, tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror sẽ cùng có mặt trong buổi Giới thiệu bản dịch Anh ngữ này tại Thư viện Doe Library thuộc Đại học Berkeley, California.



Xin ghi chi tiết về tác phẩm này như sau:
Mourning Headband For Hue
by Nhã Ca
An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968
Translated and with an Introduction by Olga Dror
Indiana University Press – 2014
Sách dày 378 trang, giấy trắng, khổ chữ 12, bìa cứng
Đối với phần đông độc giả người Việt, thì tôi nghĩ khỏi cần ghi lại chi tiết cuốn sách này bởi lẽ ai ai thì cũng đều có dịp đọc trực tiếp qua nguyên tác rồi. Do đó, trong bài giới thiệu này, tôi sẽ trình bày một số điểm nổi bật trong ấn bản tiếng Anh – đặc biệt là bài Giới thiệu ở đầu cuốn sách dài đến trên 50 trang với rất nhiều chi tiết độc đáo của dịch giả Olga Dror.

I – Sơ lược về tiểu sử dịch giả Olga Dror.

Olga Dror sinh trưởng tại thành phố Leningrad, Liên Xô trong một gia đình gốc Do Thái. Bà chọn học về Ngôn ngữ và Văn hóa Việt nam, đã có văn bằng Cao Học về Đông phương học tại trường Đại học Quốc gia Leningrad năm 1987. Sau đó theo học chuyên sâu tại Viện Ngôn ngữ thuộc Hàn lâm viện Khoa học tại Moscow. Bà làm việc cho bộ phận phát thanh về Việt nam của Đài Phát Thanh Moscow.

Năm 1990, Olga di cư về Do Thái. Tại đây bà học thêm về môn Bang giao Quốc tế tại Đại học Hebrew. Sau đó bà làm việc cho Bộ Ngọai giao Do Thái tại sứ quán Do thái ở thủ đô Riga, nước Latvia.

Qua Mỹ, bà tiếp tục nghiên cứu về Việt nam và năm 2003 đậu thêm văn bằng Tiến sĩ tại Đại học Cornell. Hiện Olga Dror là Giáo sư Phụ tá giảng dậy về Lịch sử tại Đại học Texas A&M, Texas. Phu quân của bà là Giáo sư Keith Taylor người Mỹ dậy học ở Đại học Cornell và cũng là một học giả nổi tiếng chuyên về Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.

Olga Dror còn là tác giả cuốn sách viết về Công chúa Liễu Hạnh có nhan đề “Cult, Culture and Authority : Princess Liễu Hạnh in Vietnamese History” được nhà xuất bản Đại học Hawaii ấn hành năm 2007. Và bà còn là người biên tập cho hai cuốn sách về Tôn giáo ở Việt nam và Trung quốc. Hiện bà đang nghiên cứu về vấn đề giáo dục giới trẻ ở cả hai miền Bắc và Nam Việt nam trong giai đọan chiến tranh 1965 – 1975.

Nhân tiện cũng xin ghi vài dòng về nhà xuất bản Đại học Indiana, là nơi có một tủ sách chuyên xuất bản những tác phẩm nghiên cứu về chiến tranh Việt nam. Và vào năm 2012 cơ sở này cũng đã cho ấn hành cuốn Hồi ký viết trực tiếp bằng Anh ngữ của tác giả Nguyễn Công Luận với nhan đề là : “Nationalist in the Vietnam Wars : Memoirs of a Victim Turned Soldier”. Olga Dror cũng đã viết bài điểm sách bằng tiếng Anh khá chi tiết về cuốn này và chính tôi người viết bài này cũng đã có dịp giới thiệu sách với bạn đọc người Việt trước đây nữa.

II – Đánh giá của giới nghiên cứu và nhà báo về tác phẩm.

Các giáo sư Trần Huy Bích, Nguyễn Ngọc Bích cũng như nhà báo Phan Tấn Hải đều đánh giá cao công trình chuyển ngữ rất công phu do Olga Dror thực hiện về cuốn Giải Khăn Sô cho Huế từ nguyên tác tiếng Việt qua tiếng Anh.

Gs Trần Huy Bích viết : “Đây là một cuốn sách giá trị, một trong những tác phẩm xuất sắc và đắc ý nhất của nhà văn/nhà thơ Nhã Ca. Dịch giả Olga Dror là một học giả người Nga, rất uyên bác và rất giỏi tiếng Việt …”

Nha sĩ Cao Minh Hưng viết : “Một cuốn sách mà quý vị phụ huynh nên mua cho các cháu sinh ra và lớn lên ở hải ngọai đọc để hiểu thêm về sự thật của Tết Mậu Thân 1968 …”

Nhà báo Đinh Từ Bích Thúy trên báo Damau.org và nhà báo Ngọc Lan trên báo Người Việt đều đã viết bài giới thiệu rất đày đủ về tác phẩm này – kể cả phần phỏng vấn tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror.

Nhà báo Phan Tấn Hải thì nói : “Bài giới thiệu của Olga Dror viết rất kỹ, đề cập đến nhiều khía cạnh của vấn đề với sự thận trọng và tinh thần trách nhiệm mà không ai có thể bắt bẻ chê trách vào đâu được…”

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thì nói: “Chúng ta cần phải cho dịch ra ngọai ngữ thật nhiều cuốn sách và tài liệu quan trọng như thế này – để mà có thể đi sâu vào dòng chính của văn học thế giới…”

Các đại học và nhà xuất bản ngọai quốc đều lên tiếng đánh giá cao và khen ngợi tác giả và dịch giả của tác phẩm này – như mọi người chúng ta đều có thể dễ dàng tìm đọc trên Internet.

III – Tóm lược mấy ý chính trong bài Giới thiệu của dịch giả Olga Dror.

Với tinh thần trách nhiệm và lối làm việc nghiêm túc của một học giả, Olga Dror đã viết bài Giới thiệu nhan đề là:

“Translator’s Introduction” dài đến 50 trang với nhiều chi tiết thật đáng chú ý. Xin ghi ra mấy điểm chính yếu như sau.


1 – Trong thời gian sinh sống và học tập ở Liên Xô, Olga đã không hề được biết đến văn học của miền Nam Việt nam. Mà chỉ sau này, khi qua Mỹ bà mới có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ hơn về sinh họat văn hóa tại miền Nam. Và bà đã khởi sự công trình dịch thuật tác phẩm Giải Khăn Sô cho Huế trong gần 2 năm với sự trao đổi thường xuyên với tác giả Nhã Ca – tất cả email hay thư từ, điện thọai giữa hai người đều sử dụng tiếng Việt.

Sẵn biết đến những ký ức đau đớn của ông bà cha mẹ và thân nhân phải chịu đựng trong suốt thời kỳ thành phố Leningrad bị quân Đức bao vây phong tỏa hồi thế chiến thứ hai, nên Olga dễ có sự đồng cảm với nỗi đau thương thống khổ của người dân Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 – mà tác giả Nhã Ca đã mô tả thật rành mạch cảm động trong tác phẩm. Vì thế mà Olga đã ra công tìm hiểu chi tiết về bối cảnh văn hóa xã hội liên hệ đến cuộc chiến và đặc biệt về biến cố Tết Mậu Thân – mà chính quyền cộng sản Xô Viết không bao giờ đưa ra một thông tin nào cho người dân được biết đến.

2 – Olga đặc biệt nhấn mạnh đến tiếng nói của người dân vốn vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân trực tiếp của hận thù bạo lực trong cuộc chiến phức tạp ở Việt nam. Đây không phải đơn giản là cuộc chiến tranh do người Mỹ hòan tòan chủ động, mà chủ yếu đó là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Bà đã tham khảo bao nhiêu sách báo và tài liệu liên quan đến cuộc chiến và còn trưng dẫn lối giải thích của một số tác giả cho là chính mấy trăm cán bộ địa phương của phe cộng sản mới là thủ phạm chính yếu đã ra tay sát hại mấy ngàn người thường dân vô tội của Huế trong mấy ngày đầu họ chiếm giữ được thành phố này.

Trong bài Giới thiệu, Olga đã phân tích rành mạch về nhiều khía cạnh, lối nhìn của hai phía đối nghịch đối với biến cố Tết Mậu Thân ở Huế – kể cả trong công luận ở Mỹ cũng như ở Liên Xô và cả ở nước Nga hiện nay. Để trả lời cho luận điệu thiên vị của một số học giả tại nước Nga hiện nay mà vẫn còn một mực đơn phương kết án sự tàn bạo của Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968, Olga nói rằng : “Chúng ta cần ghi thêm cả sự tàn ác trong vụ Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế nữa. Như vậy mới là khách quan, không thiên vị đối với một bên nào trong cuộc chiến tranh này…” Và cũng vói sự thận trọng của người nghiên cứu lịch sử và văn hóa, bà tránh đưa ra những kết luận vội vã vì nhu cầu chính trị nhất thời hay do thiên kiến phát sinh từ một quan điểm ý thức hệ nào đó.

3 – Olga dành đến 7 trang trong bài Giới thiệu để nói về lập luận của hai người mà dân Huế coi là dính líu nặng nề nhất trong vụ sát hại thường dân – đó là Hòang Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân mà hiện vẫn còn sống tại Huế. Bà trích dẫn những sách báo do hai người này viết, cũng như phát biểu của họ trong những cuộc phỏng vấn của các đài phát thanh, truyền hình ngọai quốc. Qua những trích dẫn chi tiết này, người đọc dễ dàng nhận ra cái lối chối tội quanh co, tiền hậu bất nhất của hai nhân vật mà nhiều người ở Huế coi là một thứ “đồ tể với bàn tay nhuốm đày máu” trong vụ Tết Mậu Thân vậy. Tuy thế, Olga cũng vẫn thận trọng và tế nhị ghi lại rằng mình không có ý định xác quyết về vai trò của hai người này trong vụ thảm sát đó.
Olga cũng dành đến 2 trang để thuật lại bài nhan đề “Huế Xuân 68” của Đại tá Lê Minh là một vị chỉ huy trong cuộc đánh chiếm Huế năm 1968, bài viết được đăng vào năm 1988 nhân kỷ niệm lần thứ 20 chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Trong phần kết luận, ông Minh kêu gọi :”Cần phải minh oan cho các gia đình và con cháu của những người đã chết trong hòan cảnh đó…”\

IV – Tóm lược.

Nói chung bản dịch tiếng Anh do Olga Dror thực hiện với tinh thần trách nhiệm và sự thận trọng của một học giả uyên bác – rõ ràng là một đóng góp quan trọng để giúp cho công chúng trên thế giới hiểu biết thấu đáo hơn về những nỗi thống khổ đày đọa mà người dân Việt nam phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh tàn khốc cách nay đã trên 40 năm.

Nhân dịp kỷ niệm năm thứ 47 vụ Thảm sát Tết Mậu Thân (1968 – 2015) người viết xin trân trọng giới thiệu tác phẩm quý giá này đến với bạn đọc – đặc biệt với các gia đình có người thân là những nạn nhân bị sát hại tức tưởi hồi đó với lời nguyện cầu cho hương linh của người quá cố luôn được an nhiên thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng./

Costa Mesa California, Tháng Hai 2015
















13
Một Mai Khi Hòa Bình
1969
















14


15
Phượng Hoàng 
1969







16
Tình Ca Cho Huế Đổ Nát 
1969
http://vietmessenger.com/books/?title=tinhcachohuedonat








17
Dạ Khúc Bên Kia Phố 
1970







18
Tình Ca Trong Lửa Đỏ 
1970






19
Đời Ca Hát 
1971















20
Mùa Hè Rực Rỡ 

1971

















21
Lăn Về Phía Mặt Trời
Nxb Sống Mới 1971
















22
Mộng Ngoài Cửa Lớp 

1972


















23
Trưa Áo Trắng
1972
















24
Trăng Mười Sáu  

1972






25
Tuổi Hồng Vỗ Cánh 

1973














26
Tòa Binh-Đinh Bỏ Không
Nxb Đồng Nai 1973
















27
Đám Táng Cá Voi 

nxb Đồng Nai 1973
















28
Cô Hippy Lạc Loài

 
1973
Đạo diễn Lê Dân chuyển thể thành phim Hoa Mới Nở 














29
Bước Khẽ Tới Người Thương 

Truyện dài, Tủ sách trăng mười sáu 1974
http://www.dactrung.com/NoiDung.aspx?m=tr&id=6721


















30
Yêu Một Người Viết Văn 

1974






31
Bầy Phượng Vỹ Khác Thường

1974
















32
Cổng Trường Vôi Tím 

In lần đầu tại Sài Gòn 1974

http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nvnnnvn31n343tq83a3q3m3237nvn

















33
Ngày Thơ, Tình Thơ 
Tủ sách trăng mười sáu  
Sài Gòn 1974

Sách xuất bản tại hải ngoại 








Nhã Ca 
Giải Khăn Sô Cho Huế
Họa sĩ Chóe minh họa 






















35
Hoa Phượng Đừng Đỏ Nữa

Truyện dài, nxb Thương Yêu 1989
http://4phuong.net/ebook/68582222/183238577/mot-mo.html














36
Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng
Sài Gòn Cười Một Mình
Nxb Thương Yêu 1990















38
Đường Tự Do Sài Gòn

Nxb Việt Báo 2006





























Nguyễn Trung vẽ Nhã ca






CHÂN DUNG BIỆT KÍCH
Nhã Ca







Hôm nào? Chẳng thể nhớ nổi. Khoảng bốn giờ chiều. Nguyễn Trung tới.

“Vân. Về sao không lại đằng tao, mầy?

“Biết về, sao mày không chịu vác mặt tới. Còn hỏi.”

“Hơ. Con già mồm. Không lại là gì đây. Mày đang nói chuyện với ai vậy?”

“Với thằng chó. Tao tưởng mày ngán, hết dám lại.”

“A. Cũng ngán tí ti. Chúng nó biểu thằng Từ với mày là Xê I A . Hắn ra sao rồi?”

“Sao với trăng gì. Còn tù dài dài.”

“Lên nhà cũ ở Gia Định, tưởng tiêu hết rồi chớ. Bữa qua, gặp thằng Nghiễm, mới biết mẹ con mày ở đây. Tao có quà cho mày. Hết xẩy.”

“Quà gì đâu?”

“Từ từ. Lạ thiệt. Thằng chồng mày tên Từ mà mày thì nóng nẩy. Có đế không đã?”

“Đưa quà ra đã mới có rượu.”

“Từ từ. Rượu đã.”

Đành phải kiếm cho Trung một xị. Trong bạn bè của Từ, Trung thân với tôi nhất. Hai đứa quen mày tao chi tớ từ nhỏ.

“Nghe bọn bay bị bắt, chẳng biết sống chết ra sao. Tao phải làm cho xong.”

“Xong cái gì?”

“Cái tranh. Có croquis của mày từ hồi còn ở Ngô Tùng Châu. Đẹp hết xẩy. Nhưng phải mướn xích lô, mới chở cho mày được. Tao đi xe đạp một mình, làm sao cầm.”

Có vài ly đế, chuyện cũ bắt đầu ấm. Trung kể:

“Bữa lang thang gần khu nhà cũ của bọn bay, tao gặp Nguyễn Đức Sơn. Nó mặc áo đà, đầu cạo nhẵn bong. Coi gồ ghê lắm. Nghe đâu trên núi vừa hạ san. Nhìn cái đầu trọc lóc, nhớ mày với nồi cá kho hồi ở Trương Minh Giảng, tao buồn cười quá.”

“Có duyên dữ. Bọn tao thì ngồi tù. Còn mày thì cười.”

“Bộ mày với thằng Từ không cười à.”

Cũng phải cười thật. Nguyễn Đức Sơn, hồi trẻ ký là Sao TrênRừng, cùng đăng thơ trên các tạp chí Hiện Đại, Thế kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ thời sáu mươi. Anh có tài lạ: Ngồi yên, hai tai nhúc nhích rồi phe phẩy như hai con bướm. Thấy tôi phục quá, có lần anh còn dọa có thể vận công cho tóc dựng đứng lên được. Thơ Sơn cũng như người, nhiều bất ngờ kỳ dị.

Năm 1961, có hồi Trung thất tình, về khu cầu Trương Minh Giảng ở với vợ chồng tôi. Hai đứa đi làm, Trung ở nhà rầu rĩ, thường phụ tá tôi chợ búa, nấu nướng. Có khi còn trổ tài một mình, chế được nhiềumón ăn lạ. Thấy Nguyễn Đức Sơn giang hồ, than đói,

Từ kêu Sơn mỗi ngày tới bữa, đạp xe đến nhà cùng ăn.

Được vài tháng vui vẻ, bỗng thấy Nguyễn Đức Sơn biến mất. Một mảnh giấy quăng vô cửa:

“Gửi mấy đứa khốn nạn. Tao biết thừa rồi. Chúng mày có nồi cá kho. Thấy tao tới, giấu biệt đi không dám mang ra ăn. Chúng mày giấu cá kho để tế mồ mả cha ông nhà chúng mày.”

Ba đứa nhìn nét chữ nguệch ngoạc của anh bạn, ngơ ngác một lát rồi phá ra cười. Thư được đọc đi đọc lại, đứa nào cũng thuộc lòng. Bao nhiêu năm sau, giờ này nhắc lại, cũng vẫn còn cười được.

Dạo ấy, trưa đi làm về, tôi phải ba chân bốn cẳng ghé chợ Trương Minh Giảng, mua tí rau, tí cá. Cá đang kho trên bếp chưa kịp chín, đã phải ăn cơm trước cho kịp đi làm. Thấy mùi cá kho mà không được ăn, thi sĩ nổi ngay cơn lôi đình, bỏ quách Saigon lên giang hồ trên núi.

Ít năm sau, nhận được thư Sơn gởi từ Blao. Không nói chuyện cá kho nữa, Thi sĩ đòi gửi ngay thơ lên cho anh để anh viết lại văn học sử.Đọc những bài thơ Nguyễn Đức Sơn sau này, chúng tôi biết anh đã vợ con đề huề. Có thơ điên vì mẹ cằn nhằn vợ, vợ cằn nhằn mẹ. Lại có thơ thiền:

Sáng mênh mông 
Ta đi dạo 
Giữa vườn hồng 
Ồ bông 
Ồ mộng 
Ồ không.

Trung kể thêm về Nguyễn Đức Sơn:

“Bọn bay đi tù. Nó cũng đi tù vậy. Nghe kể, nó để vợ con đâu trên núi, một mình hạ san tìm lương thực. Coi bộ vó kỳ dị quá, bọn công an bắt nó khai hai ba lần. Có lần đánh gẫy cả xương sườn. May mà bắt chán nó lại thả.”

Tội nghiệp. Đã biết lên non cạo đầu rồi, thi sĩ còn hạ san làm gì, đến nỗi bị công an đánh gẫy cả xương sườn. Những năm sau này, nghe đâu Nguyễn Đức Sơn còn mang vợ con giấu hết vô hang núi, sống như người thái cổ, không tiếp xúc với đồng loại nữa.

Rượu ngấm. Trung bốc:

“Mày dám ngồi sau xe đạp không, tao chở. Về đằng tao lấy tranh.”

“Mày dám chở là tao dám ngồi. Xê I A mà sợ gì xe đạp.”

Xe cà tàng. Trung vừa thở vừa đạp. Vợ chồng Trung ở Đa kao. Đoạn đường đủ dài để nhớ bao nhiêu chuyện.

Anh chàng họa sĩ Nam kỳ dễ thương của chúng tôi, không dè lại mang thân làm rể một danh gia Bắc kỳ. Anh em nhà vợ đều tài hoa xuấtchúng, học giỏi, hát hay, có người là cầm thủ nổi tiếng thế giới. Ông nhạc quá cố là nhân vật lừng lẫy một cõi, có thái ấp riêng, triều thần binh tướng riêng, từng làm nghiêng ngả thời cuộc Bắc Hà, cho tới khi bị cộng sản ám sát chết.

Năm 1975, cả nhà vợ di tản. Riêng Trung lắc đầu. Lĩnh Mai bấm bụng ở lại theo chồng, tiếp tục lãnh biết bao cơ cực.

Sau này, có bạn hữu đóng sẵn tầu, kêu Trung cho vượt biên ké, anh vẫn tiếp tục lắc. Hỏi. Trung cười:

“Tao từng là người vượt biên đầu tiên ở Việt Nam. Bây giờ chán rồi. Thời thế không ăn nhậu gì đến tao, Tao khoái cởi trần, đi ra đi vô ở Saigon, khổ cực mấy cũng chịu.”

Quả có chuyện ấy. Sau vụ Nguyễn Đức Sơn nổi giận lên núi, năm 1962, tới phiên Trung nổi máu phiêu lưu:

“Thôi, hai đứa bây ở lại mà sanh con đẻ cái. Tao chán đất này rồi. Không chừng sẽ có tin tao từ Paris.”

Vậy là biến. Trung cùng hai họa sĩ khác, hình như cùng họ Nguyễn, rủ nhau vượt biên đường bộ sang Cao Mên, chắc mẩm sẽ lê la tới Paris như Chagal, người họa sĩ Nga lưu vong mà Trung vốn yêu thích.

Paris đâu chả thấy. Cuộc vượt biên trái mùa (so với thời cả nước vượt biên sau 1975, sớm sơ sơ mất có….mười lăm năm), nghe đâu chỉ đưa ba chàng họa sĩ phiêu lưu tới được mấy nhà tù nào đó bên xứ chùa Tháp.

Ba năm sau, nhà Ngô đổ, chiến tranh lan rộng, Trung trở lại Sài Gòn. Thời thất tình đã qua. Bên cạnh Trung lúc này là một tiểu thư áo trắng kiều diễm, sắc sảo.

Vô nhà, bồng cháu Sớm Mai hai tuổi trên tay, Trung chửi:

“Con mẹ mày. Ở đâu ra mà có mày lẹ vậy. Hơ. Hơ. Con ạ cô Lĩnh Mai đi. Nào. Giỏi.”

Cô Lĩnh Mai áo trắng leo tuốt lên cây trứng gà trong sân nhà hái trái.

Năm sau, đám cưới thân mật ở trụ sở sinh họat thanh niên trong khuôn viên đại học văn khoa cũ.

Từ 1958, trong đám bạn bè đua đòi văn chương, Trung vừa vẽ, vừa viết những bài phê bình hội họa cho tạp chí Sáng Tạo, rồi Văn Nghệ.Các bậc trưởng thượng Nguyễn Đức Quỳnh, Thái Tuấn, … coi tranh Trung, đều bảo đây là tài ba khác thường.

Vượt biên hụt trở về, một mảnh giấy tờ tùy thân cũng không có, vợ chồng Trung đã trải qua những năm khó khăn suốt thời chiến. Nhưng sơn dầu Nguyễn Trung được coi như một tiêu biểu cho thế hệ hội họa mới mẻ, tài ba ở miền Nam. Chính thế hệ ấy cũng công nhận điều này. Trung trở thành chủ tịch hội họa sĩ trẻ, rồi đựơc nhìn nhận là bậc thầy ở cao đẳng mỹ thuật, ngôi trường mà anh đã bỏ ngang thời trẻ.

Ít lâu sau ngày cộng sản vô Sài Gòn, các chuyên gia sưu tập mỹthuật Nga, Đông Âu, rồi Bắc Âu ngả nón trước sơn dầu Nguyễn Trung. Nghe kể viện bảo tàng quân đội Nga ở Moscou nhất định phải có bằng được tranh Nguyễn Trung. Hội mỹ thuật rồi bảo tàng nhà nước bổn xứ noi gương. Tính Trung vốn nhỏ nhẹ, chẳng bao giờ chú ý đến thời thế, lại quen sống thanh bần, không làm ai xốn mắt. Có lẽ nhờ vậy, anh chàng chủ tịch hội họa sĩ miền Nam thoát được cái nhãn xê i a.

Cô Lĩnh Mai áo trắng ngày nào, lỡ chọn phải ông chồng nghệ sỹ, đã thành một bà vợ tần tảo, vất vả. Thấy Trung ì ạch chở được tôi về tới nhà, Mai cười:

“A. Đây rồi. Bà biệt kích văn hóa. Em trông chị mãi. Lên gác ngay.Ông ấy hì hục với cái portrait của chị mấy tuần lễ đấy. Hết xẩy. Ai thấy cũng lé mắt.”

Trên căn gác gỗ ọp ẹp, bụi bậm, bức tranh dựng giữa đống chai, hũ sơn cọ ngổn ngang. Tôi đó sao, con mụ tóc tay tơi tả, chân tay xù xì ngồi bó gối chịu trận?

Trung bật ngọn đèn, chiếu vào tranh, cằn nhằn:

“Hết cha nó vải bố. Phải hy sinh cái tranh cũ, vẽ phủ lên. Mầu lại thiếu, dầu cá cũng cạn. Chất sơn vì vậy không mịn màng được, lại hóa ra hay. Trịnh Công Sơn ngắm hoài. Hắn kêu dữ. Không biết tranh dữ hay mày dữ. Thật chỉ thiếu cái bê rê xanh là y chang biệt kích. À Sơn hắn lại mày chưa?”

“Có ghé thăm. Hôm kia.”

Biệt kích văn hóa là tên một cuốn sách do Trần Văn Giầu, Vũ Hạnh, Lữ Phương…viết về mười tác giả miền Nam. Trong sách này, nữ biệt kích duy nhất là tôi, được xếp hàng thứ sáu. Những người khác là Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Doãn Quốc Sỹ, Nhất Hạnh, Võ Phiến, Duyên Anh…

Lĩnh Mai giúp chồng trải giấy gói báo chân dung biệt kích.

“Nữa.” Trung tiếp tục kể. “Sau khi bọn mày bị bắt, có bữa tao đang ngồi vẽ mày, Mai Thảo ghé qua. Lâu lắm rồi không gặp lại. Nghe nói bọn nó vẫn đang lùng bắt chả gắt lắm. E khó thoát quá.”

Cả năm rồi. Vẫn tiếp tục lùng bắt. Đúng là Mai Thảo chưa sa lưới. Cuối năm, ngày ngắn. Trời chập choạng tối. Trung lại ì ạch đạp xe, chở dùm cả người lẫn tranh về tận nhà.

….

Anh chị Hoàng Anh Tuấn và Toàn mang tới một bạn trẻ người Pháp, tùy viên tòa lãnh sự.

Thời trước, chúng tôi có một bộ sưu tập nhỏ, gồm tranh của Trung và bạn hữu. Nhà cửa tan tác, tranh Trung chỉ còn sót ba tấm, thêm chân dung biệt kích vừa xách về là bốn. Cả bọn xem tranh.

Cùng tên với một danh họa Pháp, Bernard khoái sơn dầu. Chị Tuấn nói chàng ta có một bộ sưu tập tranh Việt Nam khá đồ sộ, hẹn cùng lại coi.

Cả bọn kéo lại nhà Bernard. Tất cả tranh được hạ xuống từ trước, úp mặt vô tường. Gia chủ dí dỏm giải thích với chị Tuấn:

“Coi tranh Nguyễn Trung ở nhà bà Nhã Ca rồi, ngượng lắm, không thể khoe bộ sưu tập này được. Thay vì tranh, xin mời coi tủ rượu.”

Có thể chính là do Bernard, tranh “Chân dung biệt kích” ngày càng nổi tiếng, nhiều khách ngoại giao tới yêu cầu cho coi.

Hoàng, tay buôn đồ cổ và tranh dẫn đầu khu Tự Do, mấy lần tới nằn nì chị để cho em, giá đề nghị 500 rồi 1,000 đôla. Số tiền này, thời điểm ấy là cả một gia tài. Nguyễn Trung trở lại, chửi thề:

“Đù má. Được quá. Tao với mày chia hai.”

Ngồi thêm một lát, cả hai cùng lắc đầu:

“Không thể để mất tranh này được. Dứt khoát. Giữ.”

Trung lấy sơn, viết nguệch ngọac bên góc trái tấm tranh: “Chân dung Nhã Ca, 20.4.76.” Khoảng ngày này, tôi đang nằm trong cát sô sở công an thành phố.

Anh chàng Bernard trẻ tuổi dễ thương thường lui tới, chở cả bọn trẻ con về nhà riêng ở khu biệt thự Pháp, đường Phan Thanh Giản, đùa nghịch trong hồ bơi, hoặc tới nhà chúng tôi đàn hát om xòm với chị em Sớm Mai. Công an tức thì ập vô nhà, hạ lệnh không được tiếp xúc với ngọai quốc. Xe riêng Bernard bị chận xét khi chở lũ nhỏ. Chàng trẻ tuổi máu nóng, cự lại dữ dội, suýt thành to chuyện.

Vẫn không tởn, Bernard bảo Sớm Mai:

“Mẹ cấm cửa, mới sợ. Chúng nó không cấm được tao.”

Thay vì vô nhà, Bernard kéo bọn nhỏ ngồi ngay trên thềm nhà ở vỉa hè, ăn uống cười giỡn.

Chỉ ít lâu sau, Bernard được lệnh phải rời khỏi Việt Nam.





NHÃ CA 


















Tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài 





Les Canons Tonnent La Nuit

Đêm Nghe Tiếng Đại Bác
 Liêu Trương chuyển ngữ sang tiếng Pháp
Nxb Philippe Picquier 















The Short Timers
Đoàn Nữ Binh Mùa Thu
Barry Hilton dịch sang tiếng Anh




























Phim
Land of Sorrows

Đất Khổ 1973

Đạo diễn: Hà Thúc Cần

Diễn viên chính: 
Trịnh Công Sơn, Bích Hợp,Vân Quỳnh, Lưu Nguyễn Đạt,
Kim Cương, Lê Thương

Với sự có mặt của 
 Sơn Nam, Vũ Thành An,
Thành Lộc (khi mới 8 tuổi)


Phim dựa theo truyện Đêm Nghe Tiếng Đại Bác và Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca












Xem phim















Trịnh Công Sơn, Vân Quỳnh, Bích Hợp, Hà Thúc Cần (đội mũ), sau lưng là Xuân Hà và Lưu Nguyễn Đạt
Lê Thương (đứng, trong vai linh mục), đứng kế là Kim Cương (vai bà mẹ điên) 











Nghỉ trưa
Quốc Tuấn (quay phim), Trịnh Công Sơn, Trần Lê Nguyễn, Nhã Ca, Minh Trang, Lê Trọng Nguyễn, ....... và Hà Thúc Cần (đội mũ đen)





Đinh Từ Bích Thúy nói về lịch sử phim Đất Khổ
http://www.tcs-home.org/ban-be/articles/dat-kho/view




























Duy Thanh ký họa



















Tham khảo thêm về tác giả Nhã Ca








Du Tử Lê 

viết về Nhã Ca





Nhã Ca, một xuất hiện rực rỡ của văn học miền Nam

http://www.saungon.net/dutule/?itemid=52



Nhã Ca, khả năng bật sáng những ngọn đèn tâm thức

http://www.saungon.net/dutule/?itemid=53



Nhã Ca, nhà văn nữ nói "không" vời dục tính
http://www.saungon.net/dutule/?itemid=54



Nhân cách văn chương và, nhân cách đời thường, Nhã Ca


Đặng Tiến

Nữ tính trong ngôn ngữ Nhả Ca



Người đàn bà trong thơ là một huyền thoại: thơ trong người đàn bà là một huyền thoại khác. Thơ của người đàn bà là huyền thoại của huyền thoại, là thơ của thơ. Cách đây đúng năm năm, cũng vào mùa này, Nhã Ca đến với người đọc một cách bất ngờ, nhẹ nhàng như người đẹp trong tranh. Người ta nghe không gian xôn xao trong cái chớp mắt trầm buồn đến mênh mông của người con gái Huế:

Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ

(Hiện Đại số tháng 4/1960)

Người ta nghe ngân vang chân trời xanh trong tiếng hát một loài chim từ thiên thu bay đến. Một cánh chim vành khuyên vượt mông mênh, ngậm tình người bay đi tìm vĩnh cữu. Nhã Ca đã đậu lại giữa những hoài nghi, e dè, ngộ nhận của trần gian.

Và thoạt tiên, người ta yêu thơ Nhã Ca vì đó là thơ một người con gái. Năm năm sau, khi tập thơ Nhã Ca Mới ra đời, người đọc mới biết yêu thơ Nhã Ca vì thơ Nhã Ca hay.

Những bài thơ đầu tiên của Nhã Ca đã là thơ của một người đàn bà nhiều hơn là của một người con gái, đã là thơ của

Những nàng tiên đến tuổi giã thiên đường

Lời nói đầu tiên mang u uất của lời nói cuối cùng, một lối nói giận hờn, chua xót:

Thôi trả cho giòng sông tối đen
Trả cho người đó nỗi ưu phiền
Còn đây chút tủi hờn thơ dại
Rồi cũng xa vời trong lãng quên

Tại sao lại trả? Có trả vì có trao, có trao thì mới trả. Đó là niềm u ẩn một đời con gái vừa ăn năn, vừa hờn giận:

Tôi trót dại tin lời trao tất cả
Đâu biết người mang nửa dạ yêu tinh

Trao cho ai và trả cho ai? Trao trả cho người, chữ người phiếm chỉ, vô danh, chữ người lạnh lùng hờn tủi, chữ người sần sùi của lãng quên, chữ người nhầy nhụa của ký ức:

Tên người ư, đã trở về bóng tối
Tôi đã vô tri giữa tháng năm dài
Và mỗi bận có một người nhắc lại
Tôi cố tìm nhưng chẳng nhớ tên ai

Nhưng người không tên trong bóng tối cũng thừa biết đó chỉ là lời giận dỗi, đó chỉ là tiếng nói tự ái của đàn bà, một lối dối lòng cho dịu bớt thương đau.

Kinh nghiệm mất mát ray rứt đó khiến người đàn bà giận hờn khôn khuây. Giận là khi có lý do, hờn la không có lý do hay lý do không chính đáng, hay lý do chính đáng mà không nói được nên lời, không giãi bày được với lương tâm. Và từ những ê ẩm của thể xác, những ăn năn, gậm nhấm của tuổi thơ, Nhã Ca ý thức sự mong manh, vô nghĩa của thân phận đàn bà bước một bước qua hết thời con gái. Rồi cũng từ bước đó, Nhã Ca biết sự bất lực của đàn bà, biết quyền năng nữ sắc chỉ là quyền năng của một dụng cụ.

Tự do đối với người đàn bà chỉ giới hạn trong thể xác, và trong một phút giây nào đó của một thể xác.

Tôi sống tự do trong thân thể mình.

Rồi người đàn bà tự mỉa mai những đớn đau ê chề, những hèn mọn của số phận:

như tiếng nước no hơi
hò reo trong bình thủy

Niềm bí mật chất chứa trong mỗi người đàn bà không nói lênđược thành lời vì tính cách phi lý, vô nghĩa của nó. Đó là một sự thật nằm ngoài lý luận và sáng suốt, ngoài sự kiểm soát của ngôn ngữ, đó chỉ là một sự thật trong một lúc nào đó:

Hiểu gì đâu cho cam
Mình tôi sao chịu nổi?

Người đàn bà chuyển bí mật đó vào cái bào thai:

Nghe đó anh, con đầy tiếng nói
Sự thật kìa, con nói đi con
Nói đi con, nói dùm mẹ với…

Hãy nói giùm người phụ nữ muôn đời sự thật ê chề, rách nát của bản năng. Hãy hiểu giùm người đàn bà muôn thu những bóng tối trong tiềm thức. Tiềm thức thể hiện bằng những biểu tượng. Một biểu tượng hay nói cho giản dị hơn, một hình ảnh là phản ảnh trong ngôn ngữ của một bản năng vô thức. Và chỉ những hình ảnh bị lạm dụng thành những biểu tượng đó mới hé mở bóng tối của tiềm thức. Ví dụ biểu tượng mặt trời trong thơ Nhã Ca. Tập thơ bắt đầu bằng một vừng rạng đông

Chớ nhìn tôi bởi vì tôi đen
Mặt trời đã nạm cháy tôi (Salomon, Cựu Ước)

và kết thúc cũng bằng tia lửa thái dương

Mặt trời mọc, mọc rồi, mọc rồi
Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc

Thái dương là biểu tượng của nam tính, cũng như Thái âm- mặt trăng- là biểu tượng của nữ tính trong tiềm thức của nhân loại từ thời thượng cổ. Từ bà Huyện Thanh Quan, Hồ xuân Hương đến Nhã Ca, ta thấy nhiều ánh nắng, như một khao khát như một đòi hỏi nam tính

Hòn đá xanh lăn về phía mặt trời
Cây trái cũ kiếp sau này có nhớ
Những mặt trời tan vỡ kín trong tôi

Mặt trời là khối lửa rực rỡ, chói lọi, tượng trưng cho quyền lực, chủ động, lý trí sáng suốt, sự bền vững, điều hòa của nam tính. Trái lại trăng khi tròn khi khuyết, khi có khi không, chỉ sáng bằng ánh sáng thụ động của mặt trời phản chiếu, lại xuất hiện đúng với chu kỳ kinh nguyệt của đàn bà, là tượng trưng cho nữ tính. Trong thần thoại tất cả các nước, hình ảnh của vầng Thái dương, Logos và vầng Thái âm, Eros đều có một giá trị biểu tượng giống nhau.

Một sinh vật hiện diện một cách vừa thường xuyên vừa bất ngờ trong Nhã Ca là Ngựa qua lời thú nhận bầy ngựa dạy nàng hung hãn. Hung hãn vì chẳng những là ngựa thường mà có khi là ngựa vằn nữa:

Rồi đêm ôm chiếc bóng ngựa vằn
Co bốn vó sãi đều hết năm

Ngựa biểu hiệu những bản năng cuồng nhiệt của thể xác, chuyên chở những đòi hỏi đen tối nhất, khó kiềm hãm nhất, như những bản năng của nữ giới. Ngựa cuối cùng còn là biểu tượng của người mẹ, như con ngựa thành Troie.

Trong thơ Nhã Ca, bạn của Ngựa là con Rắn

Con rắn hồi sinh nỗi buồn đen trườn mình
Trong khu vườn nước mắt và tội ác.

Rắn là biểu tượng những cám dỗ của tội lỗi, rắn thuộc về cõi âm sống về đêm, trong các hang hốc nên gần với nữ tính, tượng trưng chodục vọng như truyện Thanh Xà Bạch Xà trong cổ tích Á Đông, chuyệnrắn lừa gạt Eve phạm trái cấm trong vườn Địa đàng.

Tra vấn những biểu tượng trong thơ Nhã Ca, nhất là những biểu tượng nói lên chiều sâu thăm thẳm trong đêm tối của người đàn bà, là cốt để tìm thấy đằng sau giá trị nghệ thuật thuần túy, còn có một thực chất nữ tính sâu xa trong tiềm thức của tác giả. Cái giá trị của thi ca không phải ở cái nội dung vô thức đó, nhưng sự thành thật sự chân chính sẽ bảo đảm cho giá trị vĩnh cửu trong ngôn ngữ của nàng.

Những hình ảnh khác như khu vườn, người điên khua thanh la… đều rất phong phú. Chúng tôi chỉ xét qua vài hình ảnh mở rộng tâm hồn Nhã Ca. Như hình ảnh cây cối. Ba bài thơ đầu tiên đăng trên Hiện Đại, những bài thơ tiên khởi giới thiệu Nhã Ca, bắt đầu bằng những con đường râm mát.

Đường xa sầu tiếp với cây chiều…
Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây…
Tôi làm con gái
Buồn như lá cây…

Cây tượng trưng cho tình mẫu tử, cho khả năng sinh sản. Trongtiếng La tinh hầu hết những danh từ chỉ cây cối đều là giống cái. Đọc thơ Nhã Ca luôn luôn bắt gặp hình ảnh của người mẹ, khi hiền từ, khi sôi nổi, khi đồng hóa với con người, khi lại tách rời. Hình ảnh ấy linh động và cảm động, tạo sự trìu mến quấn quít giữa các dòng chữ. Hình ảnh cây cối cũng có một địa vị đặc biệt trong thơ Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan. Cũng như những hình ảnh đèo, dốc.

Xe đi hút lũng than đèo
Rừng thưa dốc lạnh hơi chiều rút qua

Dốc trái với bằng, là độ nghiêng của nội giới, từ hình ảnh tới tâm linh, dốc là khuynh hướng: dốc đòi hỏi con người phải chọn lựa hoặc lên hoặc xuống không thể lưng chừng. Cả lên lẫn xuống đều khó khăn đối với người đàn bà, họa hoằn lắm mới có một Võ Tắc Thiênhay một Quan Âm Thị Kính. Trong mỗi người đàn bà đều có một QuanÂm và một Võ Hậu tương tranh, bước lên một bước là Thiên Thần- dù chỉ là thiên thần xó bếp, bước xuống một bước là cầm thú- dù là cầm thú chính chuyên.

Đèo là điểm tương giao giữa hai chiều dốc, bên này là lên, bên kia là xuống: vị trí chọn lựa đó ngắn ngủi, và quyết định, không mấy khi dễ dàng. Một người đàn bà chỉ có hai quả hồng, hoặc ngọt hoặc chát; “quả ngọt phần chồng” là chính chuyên, ngược lại là bất chính. Và chọn lựa, nói là tự do, kỳ thật là nô lệ, nô lệ một nửa của mình. Một khi lỡ chọn thì “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”. Nói là muốn trèo, kỳ thật là phải trèo, hoặc trèo lên, hoặc trèo xuống. Cái dốc đạo lý, cái dốc tâm lý, cái dốc sinh lý, lại bao nhiều đèo dọc đèo ngang, bao nhiêu thầm kín người đàn bà đều trải phơi ra đó.

Đem những thầm kín linh cảm được trong thơ một người đàn bà mà giải thích, thì những thầm kín không còn thầm kín kia sẽ mất hết nữ tính quyến rũ. Thực chất sống động của thơ Nhã Ca sẽ phải đứng yên như tượng; tiếng nói Nhã Ca có thể cứng lạnh vì bị mất hết tương giao. Trong khi đó, thật ra, ngôn ngữ của nàng là một tiềm năng sung mãn trườn mình như rắn. Nói đến thơ, cuối cùng phải nói đến tiềm năng đó.

Vì nghệ thuật không phải là cái mà nghệ thuật diễn tả hay có thể diễn tả. Thơ không phải là những ý tưởng cũng không phải những khuynh hướng trong tiềm thức. Thơ trước hết là thơ. Và thơ gọi được là thơ không còn là thơ nữa. Những cái không gọi được là thơ thì không bao giờ có thể gọi được là thơ.

Cái gọi được là thơ trong Nhã Ca, trước hết là một không gian

Sân chiều chao nhẹ dăm tờ lá
Và khói sương về cuộn cánh song

Buổi chiều xa xưa ở đây không còn hiu hắt như trong Huy Cận hay đằm thắm như trong Xuân Diệu. Buổi chiều chao nhẹ, chao thật nhẹ như trong Nhất Linh. Những buổi chiều mịn màng, óng ả, mềm mại, dìu dặt đặc biệt trong thơ Nhã Ca mới có. Cũng như đêm của người đàn bà nồng thơm da thịt, chập chờn giữa êm dịu của hư vô và đê mê của cảm giác:

Hơi thở mùi hương nụ cười bóng lá
Đêm bao dung đêm hiền hòa mới lạ
Đêm ngửa bàn tay đêm động làn môi
Đêm dịu dàng đêm ngọt giấc mơ tôi
Đêm trên núi cao đêm trong hồn nhỏ
Đêm thơm nồng nàn mùi hương trí nhớ

Thơ Nhã Ca dày ải trần gian vào biên giới hư ảo của đê mê, thơ Nhã Ca là trầm luân trên từng sợi lông tơ, là thiên thu xóa nhòa trongchớp mắt. Đọc Nhã Ca là linh cảm cả hư không, trong từng thớ thịt, lẫn thể xác trong từng ý niệm vu vơ. Thơ Nhã Ca vừa mời gọi, vừa ôm ấp vừa quyến luyến. Thơ Nhã Ca là lối làm quen ở phút giã từ, là lúc vụt quên khi vừa sực nhớ. Vẻ đẹp Nhã Ca thật như một giấc chiêm bao, và giả như con sông Hoàng Hà từ trời xanh đổ về biển cả:

Ai về đó mà thơm hồn lụa bạch
Cổ chim xanh còn quấn quít tơ vàng

Thơ Nhã Ca sẽ dựng lên một thần thoại về người con gái Huế, vời vợi hương thơm và quấn quít tơ vàng.

Đêm trần gian, Nhã Ca đã nối dài vào Thiên đường và Địa ngục. Ở một phút nào đó, thần thoại đã tự hủy. Nàng tiên vươn mình lên khỏi mặt nước, để lộ nguyên hình nửa người nửa cá, nửa Thiên thần nửa Thú tính. Người đàn bà khắc khoải, bé mọn, đêm co người trăm năm. Co người để tạo một ảo giác, để che dấu một nhu cầu gần gũi, đó là lối gạt gẫm bản thân để dỗ mình vào giấc ngủ. Simone de Beauvoir tâm sự: “Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà.” Trở thành hay không là nhờ, là do, là tại, là bởi, là vì một người khác, một người khác phái:

Rồi náo nức lãng quên vào kỷ niệm
Một mình tôi nằm sát sự tối đen.

Nằm một mình mà vẫn đòi nằm sát. Nằm sát, dù chỉ nằm sát sự tối đen, vẫn còn hơn là nằm co. Một sự vong thân cần thiết: đàn bà có vong thân mới thành đàn bà, có tha hóa mới đạt tới yếu tính. Thúy Kiều có bán mình mới thành được Thúy Kiều và nói như Nguyễn Văn Trung “đàn bà chỉ là đàn bà khi được người khác công nhận”. Người đàn bà đẹp đến đâu, dù đẹp đến cùng cũng là những “ả tố nga” đẹp bằng mặt trăng, “đẹp như trăng” nghĩa là đẹp nhờ ánh sáng của một tinh cầu khác.

Người đàn bà, cái bản thể do ngoại, tại ngoại và hướng ngoại đó, cái être par autrui, en autrui, pour autrui đó, ý thức sự lệ thuộc của mình. Khi được si mê thì mang một thiên đường trên những ngón chân

Ta gần em mê từng ngón bàn chân
Mắt nhắm lại cho lòng nguôi gió bão
(thơ Đinh Hùng)

và mang định mệnh nhân loại trong cái nhìn, nụ cười hay chiều cao của sống mũi như nàng Cléopâtre, hay từng nếp nhăn trên khuôn mặt như Tây Thi, định đoạt tính mệnh của một người bằng những cử chỉ vạn năng vô nghĩa

Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay
(thơ Đinh Hùng)

Thực chất đàn bà là thế. Nhưng đàn bà thích sống trong huyền thoại nhiều hơn là thực chất: huyền thoại tâm hồn, trinh tiết, chung thủy v.v… để có cái ảo giác về giá trị và tự do. Kỳ thật, đó chỉ là những giá trị giả tạo do đàn ông bịa ra để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình. Chung thủy là chung thủy vì một người đã qua, trinh tiết cho một người chưa đến. Người đàn bà vạn năng sẽ chỉ biết quyến rũ mà không biết si mê, chỉ có trong huyền thoại, vì người đàn bà đó là người cá! Cái can đảm của Nhã Ca là biết phá tung những huyền thoại đó:

Mùa mưa lũ với lời hứa của chàng
Vết bẩn trên mũi giầy
Bàn chân em yêu quí
Lòng tủi hờn hay mặt tối tăm
Linh hồn em một hòn đá nhỏ

Người đàn bà bị bao vây muôn trùng vì một lời hứa, người đàn bà vô nghĩa như một vết bẩn, biết rằng linh hồn mình không quí bằng một ngón chân! Và người đàn bà đó can đảm hơn nữa khi chấp nhận những nhu cầu tầm thường của thể xác, can đảm trườn mình như rắn:

Và đôi mắt uống hình nhau đã chật
Tay nâng tay thương nhớ nuối trong lời
Đêm buồn sương làm mắt ướt xa xôi
Và giá lạnh bao nhiêu lời tình tự
…Anh cũng nâng em lên bằng cái nhìn gạch ngói
bằng hơi thở mềm còn quấn quít bên nhau

Thái độ nằm co, nằm sát, nằm chật để giết chết những đêm buồn, những giá lạnh, những xa xôi, lời thì thầm đòi hỏi quấn quít, nâng em lên tạo nên cái thực chất đàn bà vừa sống sượng vừa cám dỗ, khiêm tốn một cách cao quí, tội lỗi một cách trong sạch, tầm thường đến cảm động.

Thái độ của Nhã Ca là muốn im lặng ra ngoài huyền thoại để đi tìm thực chất. Ra ngoài cái thiên hạ nói về mình, cái thiên hạ đồn đãi về mình để nghe những lời tự thú của lương tri và tiềm thức. Nhã Ca tự thương lấy thân phận, thấy rõ giới hạn chật hẹp của tự do trong thân thể mình, Nhã Ca bằng lòng sống cam phận nhỏ, chấp nhận mùi vị của tình yêu ngọt ngào như một vết thương. Nhã Ca từ một cô gái thơ ngây, bé bỏng khi về tay nhỏ che trời rét cho đến người mẹ hiền muối mặt trong ăn năn, im lặng nghe buổi trưa của cuộc đời lăn chậm:

Đã khô rồi nhựa trong cây
Mẹ nghe củi mục trôi đầy giấc con.

Nhã Ca từ cô gái đến người mẹ, vẫn dẫm lên lối đi tiền định của kiếp đàn bà. Lời tự tình nhẫn nhục đến thê thiết của Nhã Ca như buốt lạnh lương tâm người đọc. Qua một kỹ thuật ngôn ngữ già dặn, những cơ cấu âm thanh và hình ảnh vững chắc và uyển chuyển, người đọc còn tìm thấy thân phận chua chát, ê ẩm của người đàn bà, cái nguồn gốc tủi hờn của nhân loại. Tôi muốn kết thúc cuộc hành trình vào tâm hồn người đàn bà bằng một hình ảnh mượn của Nhã Ca, hình ảnh một loài rong

Em như loài rong
Xanh mướt niềm ăn năn

Tôi thấy trước mắt một thảm xanh hiền hòa, tự tin và tự chủ. Niềm tin bé mọn, chua xót, vẫn còn chờ đợi, vẫn còn xanh mướt. Buổi Thanh-minh của nàng Thúy, cỏ non vẫn còn gợn đến chân trời.

Em như loài rong
Trôi mãi niềm ăn năn.

Tôi thấy cánh rong của tôi bị giòng nước cuốn đi. Cánh rong thụ động, mất hết tự chủ, cố cưỡng lại với cuồng lưu. Thụ động nhưng vẫn gắng gượng tự chủ: Phận bèo bao quản nước sa, nàng Thúy thở dài.

Trôi và trôi mãi. Trôi mãi mười lăm năm mới đến Tiền-đường:

Tôi như loài rong
Chìm dưới vùng ăn năn

Tôi không còn thấy loài rong của tôi nữa. Loài rong yếu đuối mong manh, đã thất bại, đã buông xuôi, đã nhắm mắt, đã thua, đã chìm. Ngọn triều non bạc trùng trùng… Lịch sử, một cánh rong cũng là định mệnh của loài rong, đã xanh, đã trôi và đã chìm. Con đường nàng Thúy đã đi qua là con đường thiên thu của người phụ nữ muôn đời. Từ kinh nghiệm bản thân, từ linh tính, từ suy gẫm, Nhã Ca đã dùng tương quan ngôn ngữ để hé mở chiều sâu thăm thẳm của thân phận đàn bà. Trong hành lang thăm thẳm đó, chúng ta đã bắt gặp khuôn mặt của người tình, người vợ và người mẹ. Từ một thân phận phôi pha con người sẽ chua xót nghĩ đến thân phận của chính mình, của lứa đôi, và nghĩ đến hình ảnh của Thai Mẫu nhân loại, một Magna Dea thiên sứ nắm hết định mệnh loài người.

ĐẶNG TIẾN

(Đà Lạt, 10-5- 65)

* trích báo VĂN số 35 ngày 1 tháng 6 năm 1965. 



















Nhã Ca và dư luận



Nhà văn nữ có số tác quyền lớn nhất

” ….Từ lâu nay, chúng ta đã nói nhiều tới việc trao đổi văn hóa, giới thiệu văn hóa Việt Nam với ngoại quốc. Nhưng mãi tới nay, mới có một tác phẩm văn chuơng Việt Nam hiện đại đuợc chọn dịch và xuất bản bên Mỹ. Cũng mãi tới nay, mới có một dịch giả nguời Mỹ thông thạo tiếng Việt, để dịch một tác phẩm Việt Nam trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Anh ngữ. Hợp đồng xuất bản giữa Nhã Ca và ông Barry Hilton hôm nay, vì vậy, phải đuợc coi là bước khởi đầu quan trọng cho việc giới thiệu văn chương Việt Nam với thế giới “.
Trên đây là lời Linh Mục Thanh Lãng, chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam; tuyên bố trong buổi lễ ký hợp đồng phiên dịch và xuất bản tác phẩm Nhã Ca tại Hoa Kỳ, do Trung Tâm Văn Bút bảo trợ tổ chức hôm chủ nhật 13/09 vừa qua.
Cũng cùng một quan điểm như linh mục Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Ông Đỗ Văn Rở, Phụ tá Tổng trưởng Giáo Dục và Thanh Niên đặc trách Văn hóa, khi đến chủ tạo buổi lễ ký kết và tâm sự là ông đã phải hy sinh việc chủ tạo một buổi lễ quan trọng khác được tổ chức cùng ngày, để tới đây chia vui với văn giới ” .
Tác phẩm được phiên dịch và xuất bản tại Hoa Kỳ là một chuyện dài vừa hoàn thành của Nhã ca, có tựa đề là “The Short Timers” và dịch giả người Mỹ ông Barry Hilton, khi tuyên bố thành thạo bằng tiếng Việt với quan khách trong buổi lễ, đã ca ngợi tác phẩm này là “một bi kỳ cổ điển, có giá trị tiêu biểu cho một giai đoạn đặc biệt của hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Hợp đồng xuất cảng văn chương sang Hoa Kỳ kể trên, đã khiến Nhã Ca trở thành tác giả được chú ý nhất trong thời gian vừa qua . Tin tức về buổi lễ ký kết hợp đồng xuất bản đã được loan báo đầy đủ cả trong và ngoài nước. Nhật báo The New York Times, tờ báo lớn nhất tại Hoa Kỳ, đã cho các phái viên ở Sài Gòn tiếp xúc với Nhã Ca để thực hiện một cuộc phỏng vấn đặc biệt. Tại các nhà sách, những tác phẩm mới của Nhã Ca như Hiền như mực tím, Yêu một người viết văn…. số báo tăng vọt hẳn lên.
Sau đây, là phần đặc ký của chúng tôi về nhà văn nữ đang làm sôi nổi dư luận này, do Đặng Tường Vi phỏng vấn và trình bầy.

Nhã Ca, Nhà Thơ Nữ

Tác giã hơn 30 cuốn sách đã xuất bản, hai lần được trao tặng giải thưởng văn chương tòan quốc (VNCH), một về thi ca năm 1965, một về văn xuôi năm 1966. Nhã Ca là một trong vài ba tác giả được đọc và biết đến nhiều nhất suốt mười năm qua tại Việt Nam.
Sinh năm 1936. tại Huế, khởi viết ngay từ thuở còn là nữ sinh Trung Học trường Đồng Khánh, những bài thơ, truyện ngắn đầu tay của Nhã Ca đã xuất hiện trên các tuần báo ở Saigon từ năm 1957, với tên thật Trần thị Thu Vân. Tuy nhiên, phải ba năm sau đó, bút hiệu Nhã Ca mới chính thức có cơ hội xuất hiện.
Vào giữa năm 1960, nhà thơ Nguyên Sa cùng một số bạn hữu cho xuất bản tạp chí văn nghệ Hiện Đại. Ngay trong số ra mắt, tạp chí này đã dành hẳn mấy trang để giới thiệu một loạt thơ của một cô gái Huế mang bút hiệu Nhã ca. Cũng ngay trong lời giới thiệu, người chủ trương Hiện Đại đã xác nhận không một chút ngần ngại: Đây là một thi tài đặc biệt.
Sự xác nhận của nhà thơ Nguyên Sa đã được chứng minh ngay những năm sau đó . Tập thơ đầu tay của Nhã ca đọat giải thi ca toàn quốc. Nhà phê bình Đặng Tiến viết trên báo văn:
“Vẻ đẹp Nhã ca thật như một giấc chiêm bao, và giả như con sông Hoàng Hà từ trời cao đổ về biển cả. Thơ Nhã Ca sẽ dựng lên một thần thoại về người con gái Huế….”
Nhà thơ Bùi Giáng, trong cuốn Đi vào cỏi thơ, khi đề cập tới thơ Nhã ca cũng đã viết: “Thơ nghe như giọng tiên nữ xuống khép nép xin vào hội hè trần gian. Lời thơ xô ùa tới trùng trùng điệp điệp như ngọn triều đại hải”.
Nhà báo Phan Lạc Phúc, nguyên chủ bút nhật báo Tiền Tuyến, người đựơc các nhà văn, nhà thơ coi là “mắt xanh của văn giới”; vì sự thưỡng ngoạn văn chương tinh tế của ông, khi đề cập tới Nhã Ca, đã dùng tiếng “đệ nhất nữ thi sĩ”, thay vì gọi bà là “nhà văn nữ hàng đầu như ngôn ngữ của ấy tạp chí và mấy nhà xuất bản.
Cho tới nay, cuốn “Thơ Nhã Ca” vẫn là một trong những thi tập đựoc tái bản và có số in rất nhiều.

Nhã Ca, Tên Một Giải Thưởng Luận Án Tiến Sỹ.

Trên những đặc san cuối năm do Đại Học Y Khoa Huế xuất bản, trong phần tin tức, thường có loan báo ” luận án tiến sỹ y khoa đoạt giải thưởng Nhã Ca ” hàng năm. Đây là một giải thưởng được thiết lập từ năm 1969 và do chính nữ văn sỹ Nhã Ca bỏa trợ. Khoản tiền dùng cho giải thưởng này chính là tác quyền cuốn ” Giải khăn sô cho Huế “một bút kỳ nổi tiếng của nhà văn nữ này, viết về biến cố Mật Thân tại Huế.
Ngày 23 tháng chạp năm Mùi ( 1967) đang sống ở Sàigòn, Nhã Ca nhận được điện tín của gia đình từ Huế gọi về chịu tang thân phụ của bà vừa từ trần. Bảy ngày sau, cuộc tổng công kích tết Mật Thân bùng nổ, và nhà văn nữ này, ngoài cái tang gia đình, đã phải chịu cái tang chung cho cả thành phố bị tàn phá.
Những điều tai nghe mắt thấy trong hơn hai tháng lưu lạc trong biến cố tết Mậu Thân tại Huế được Nhã Ca viết lại thành tác phẩm “Giải khăn sô cho Huế”và toàn bộ tác quyền đầu tiên của cuốn sách nổi tiếng nàyđược dành tặng cho Huế. Một phần góp vào việc cho trường nữ trung học Đồng Khánh. Một phần được trao tặng cho Đại Học Y Khoa Huế, và vị khoa trưởng y khoa thời đó là bác sỹ Bùi Duy Tâm đã dùng khoản tiền này để thiết lập một giải thưởng mệnh danh là “giải thưởng Nhã Ca” dành cho luận án tiến sỹ y khoa xuất sắc nhất hàng năm.

Độc Giả Nhã Ca

Trên nhật báo Chính Luận, trong một bài liệt kê các khoản chi tiêu cần thiết để đối chiếu với số lương tháng ít ỏi, một nữ giáo chức đã ghi: sách Nhã Ca. Như vậy trong những món ăn tinh thần của một lớp người, sách Nhã Ca đã được kể vào loại nhu cầu cần thiết và bền bỉ.
Tại các trường Trung Học, nhất là những trường nữ, một số lớn tác phẩm Nhã Ca đã trở thành một đề tài thuyết trình thường xuyên của học sinh
Một số văn phẩm của Nhã Ca cũng được chọn làm đề tài cho một số luận án ra trường của các sinh viên văn khoa Saigon, Huế, Đà Lạt.
Ngoài số độc giả đông đảo là giáo chức, sinh viên học sinh, Nhã Ca cũng được đọc nhiều trong giới binh sĩ. Trên mục tìm bạn bốn phương của tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, có lần đã đăng một lời rao tìm bạn bốn phương của tuần báo Tiền Phong đăng một lời rao tìm bạn nguyên văn như sau: ” Lính tiền tuyến muốn tìm những cô bạn gái trong trắng, tươi vui như hình ảnh cô bé Vành Khuyên trong truyện Trưa Áo Trắng… “Trưa Áo Trắng” là tên một cuốn tiểu thuyết của Nhã Ca mới xuất bản năm ngoái, viết về một đám nữ sinh chơi vũ cầu buổi trưa bên hông trường nữ trung học Gia Long.
Trả lời một câu hỏi của người phỏng vấn, Nhã Ca xác nhận: “Nếu không nghĩ tới độc giả, chắc chắn tôi đã không viết văn làm gì. Tôi vẫn thường tự nhủ, bạn đọc của tôi đã phải bỏ những đồng tiền xương máu của họ ra đổi lấy từng cuốn sách. Vậy bổn phận của mình là phải viết cho xứng đáng với sự hy sinh ấy. Vậy chắc chắn sẽ chả bao giờ tôi có thể trở thành loại nhà văn tự cho mình là lớn đến độ tuyên bố là viết mà không thèm đếm xỉa đến độc giả”.

Tác Phẩm Nhã Ca Và Điện Ảnh
Một số tiểu thuyết Nhã Ca đã được đưa lên màn ảnh. Hãng phim Việt của Đạo diễn Hà Thúc Cần đã dựng một phần” Giải Khăn Sô cho Huế ” thành phim Đất Khổ. Hãng Lidac, với đạo diễn Lê Dân, đã đưa cuoốn tiểu thuyết Cô Híp Py lạc loài lên thành phim Hoa mới nở. Hai cuốn tiểu thuyết khác của Nhã Ca, Đoàn nữ binh mùa thu và Tình ca trong khói lửa đỏ, cũng đã được hãng Phim Việt mua bản quyền.
Tài tử kiêm đạo diễn Lê Quỳnh, trong một cuộc phỏng vấn trên báo Kịch Ảnh, tuyên bố cuốn ” Tình ca trong lửa đo cuả Nhã Ca là tác phẩm đã làm ông xúc động nhất trong đời, và việc bị hãng Phim Việt dành trước mất truyện này là điều làm ông ân hận nhất.
Tình Ca Trong Lửa Đỏ là câu chuyện một cán binh Bắc Việt tham dự cuộc tổng công kích Mậu Thân, lưu lạc vào cố đô Huế. Rồi giữa cảnh khói lửa của Cố Đô, chàng trẻ thuộc lớp nguời “sinh Bắc tử Nam” mê say một cô gái Huế, cho đến khi chết trên miệng hố cá nhân.

Đồng Nhã Ca – Barry Hilton

“Trong lúc giới kinh doanh đang chạy ngược chạy xuôi với những giao kèo, xuất cảng sản phẩm Việt Nam ra ngoại quốc, một hợp đồng phiên dịch và xuất bản tác phẩm Việt Nam tại Hoa Kỳ đã được chính thức ký kết, giữa nũ văn sỹ Nhã Ca và một dịch giả người Mỹ, ông Barry Hilton.
Một bản tin loan báo về buổi lễ hợp đồng xuất bản sách tại Hoa Kỳ của Nhã Ca trên một nhật báo, đã được mở đầu như vậy. Theo sự tiếp xúc giữa chúng tôi với nhà văn nữ này, hợp đồng xuất bản kể tên đã diễn tiến như sau:
Vào đầu năm 1973, dịch giả Hoa Kỳ, ông Barry Hilton tiếp xúc với Nhã Ca, và tác phẩm được dự định dịch sang Anh nhũ là cuốn “Đoàn nữ binh mùa thu” viết về sự đổi thay của một xóm nhỏ Việt Nam vào thời người Mỹ đổ quân vào xứ này.
Tuy nhiên, theo Nhã Ca, vì nhận thấy chưa hài lòng với cuốn chuyện cũ này, bà đã thỏa thuận viết hẳn lại một tác phẩm mới cuốn “Vi ơi, Bước tới” để ông Barry Hilton dịch sang Anh ngữ.
Vi, là tên một thiếu nữ Việt Nam, lớn lên vào những năm cuối cùng của thập niên sáu mươi, khi chiến tranh khốc liệc, kéo theo việc người Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Sự xuất hiện của người Mỹ, cùng với những ảnh hưởng vật chất do họ mang lại, đã làm đảo lộn mọi nếp sống, gây thảm kịch trong nhiều gia đénh Việt Nam. Cô gái Việt Nam tên Vi, gánh chiịu những thảm kịch này, nhưng cuối cùng, nhờ lòng tin và tình yêu, đã đủ sức hướng về tương lai để bước tới.
Tên Anh ngữ của tác phẩm này là The Short Times, có nghĩa là những kẻ sống trong một giai đoạn tạm bợ, chờ thay đổi. Bản Anh ngữ này hiện đã hoàn tất và đã được dịch giả, ông Barry Hilton mang theo về Hoa Kỳ để sửa soạn ấn hành. Theo dự định , The Short Times, sẽ là một cuốn sách dầy khoảng 400 trang, in giấy trắng, bìa cứng, phát hành tại Hoa Kỳ vào khoảng cuối năm nay.
Theo hợp đồng được ký hôm 23/09 tiền tác quyền bản Anh ngữ sẽ là mười phần trăm, tính trên giá bán và tổng số in đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Phần tác quyền này được chia đôi giữa tác giả và dịch giả, Nhã Ca cho biết: “Vì bản in lần đầu số in giới hạn, số nhuận bút chúng tôi dự trù nhận được sẽ vào khoảng 2000 mỹ kim ( một triệu bạc Việt Nam) Nếu ấn bản này thành công, sách được in vào loại phổ thông, in nhiều, bìa mỏng, giá rẻ, khoản tác quyền mới có hy vọng lớn hơn “.
-Được biết, ông Barry Hilton là một người chủ trương một tủ sách chuyên về Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sau cuốn The Short Times, tủ sách này sẽ còn tiếp tục phiên dịch và xuất bản thêm nhiều tác phẩm văn chương VN khác. Trong hợp đồng ký kết hôm 23/9, Nhã Ca và các bạn hữu của bà trong tổ hợp xuất bản Hải Âu cũng được ủy nhiệm việc giới thiệu những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam khác, để tủ sách Glade Publication tiếp tục việc phiên dịch và xuất bản tại Hoa Kỳ.

Đời Sống Hiện Tại
Kết hôn với nhà thơ Trần dạ Từ. Năm con. Không hưởng ứng vụ “kế hoach hóa gia đình” vì ông xã còn muốn tiếp tục đẻ thêm sáu bảy đứa nữa.
Viết văn đối với nhà văn nữ này, không còn là một công việc tùy hứng mà là một việc làm đều đặn hàng ngày. Với một máy đánh chữ, hai cây bút chì để gõ thay ngón tay. Nhã Ca cho biết bà viết đều đặn mỗi ngày khoảng chừng bốn giờ đồng hồ. Những giờ khác dành cho việc đọc sách, săn sóc con cái. Nghe người phỏng vấn ngạc nhiên về số lượng sách đến ba bốn chục cuốn đã xuất bản của bà, Nhã Ca giải thích: “Chỉ là sự đều đặn . Mỗi ngày vài ba trang đánh máy, cô thử nhân lên coi, mỗi năm gần một ngàn trang. Mười năm rồi , chưa tới mười ngàn trang sách , đâu phải là một số lượng ghê gớm gì”.
Được hỏi về ngừơi bạn đường cùng nghề ảnh hửơng tới văn chương cuả bà ra sao? Nhã Ca cười: “Ngoài việc làm thơ, có thời ổng sống nhờ nghề cắt sửa tin tức cho các nhật báo. Lời khuyên tôi thường phải nghe và áp dụng hàng ngày của ổng là xóa bỏ những chữ thừa, đoạn thừa. Đó có lẽ là sự giúp đỡ lớn nhất”.

Một Số Câu Hỏi và Đáp

- Tiền bản quyền cao nhất cho cuốn nào?
- Giải Khăn Sô Cho Huế . Khoảng trên một triệu bạc, vừa do việc xuất bản , vừa do việc làm phim.
- Tác phẩm ưng ý nhất.
- Tập thơ Nhã Ca, bộ truyện dài Đám Tang Cá Voi. Gần đây nhất : một loạt truyện dài viết cho tuổi mới lớn: Bầy Phượng Vĩ Khác Thường, Ngày Đôi Ta Mới Lớn, Bé Yêu,Bước Khẽ Tới Người Thương, Ngày Thơ Tình Thơ…
- Dự tính hiện nay của bà?
- Đang sưu tập những chi tiết cần thiết để hoàn tất một bộ tiểu thuyết dài: Thương Nhớ Chiến Tranh, viết với khung cảnh từ 1954 đến một năm nào đó sắp tới.
- Kỷ niệm đắng cay trong đời cầm bút?
- Chỉ còn nhớ những kỷ niệm cảm động: trở lại trường cũ, cúi đầu với cô giáo cũ, ngồi quây quần với các em lớp sau.

Nguồn: Việt Nam Thư Quán





















Nguyễn Xuân Hoàng:

Nhã Ca cái viết ra mới thực sự quan trọng



Tôi không biết mình đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần những trang sách trong Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng của Nhã Ca. Những dòng chữ khô, lạnh, bén, sắc và ngắn như nhát dao đâm xoáy vào trái tim. Như một cái buá nện xuống một bàn tay đang bám vào vách đá chờ được kéo lên. Những dòng chữ “phẫn nộ” có thể làm những đôi mắt khô khốc phải ứa lệ. 

“Suốt buổi chiều, tôi ngồi với giỏ thăm. Xếp vào. Xếp ra. Nhìn. Rờ rịt. Anh còn mê man. Anh chưa nhìn thấy món ăn con thơ này. Dọn lên. Mắt mũi các con. Dọn lên. Tim gan các con. Dọn lên. Nước mắt các con, nước mắt Mẹ…. Tôi nằm xuống lúc nào không hay. Lúc tỉnh được dậy sau cơn mê mệt, giỏ thăm nuôi đổ, mấy gói cá muối bị xé rách, tung toé. Nơi lỗ cầu tiêu, lại nó, con chuột. Cặp mắt nhỏ như hai hạt đậu, tinh quái, thập thò. Ngày mấy? Tháng mấy? Còn hỏi làm gì nữa.” [1] 

Nhân vật “anh” là thi sĩ Trần Dạ Từ và các con thơ của anh chị. Và khung cảnh là một phòng kiên giam dành riêng cho một người. Điều gì đã khiến một Trần Thy Nhã Ca với “buồn như lá cây, hồn thơ dại, xanh xao tháng ngày, …” [2] phải viết ra những dòng chữ trần trụi lạnh lùng đến như thế? Câu trả lời đã rõ. Nhưng viết được như thế không phải là tưởng tượng của một nhà văn, và không chỉ là kinh nghiệm của một người đã trải nghiệm những nỗi đau đó. Viết được như thế có nghĩa là đã phải sống như thế. Và hơn là như thế! Bởi vì, có bao nhiêu người đã từng sống như thế để có đượcmột Nhã Ca như thế? Đó cũng là một câu hỏi đã có câu trả lời. 

Chị đã đi trên một con đường đầy gai nhọn, không tên gọi, không ngày tháng. Con đường máu và nước mắt. Con đường của một nỗi đau bị nén lại, một hạnh phúc bị chia cắt, bầm dập. Con đường mà ai đã đọc hồi ký của chị sẽ chảy nước mắt, nhưng chính những dòng chữ của chị chỉ là sự lặng câm. 

Phải là một người có ý chí mạnh mẽ mới có thể đứng vững được trước những sóng gió của cơn hồng thuỷ 30 tháng Tư, 1975 đổ ập xuống Sài Gòn. Mặc dù, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều người đã trụ được. Nhiều ngưòi đã đứng dậy được. Nhưng từ một thiếu nữ lớn lên ở Huế, thành phố trang nghiêm và khắt khe, …. Trần Thị Thu Vân đã làm những bước nhảy vọt lớn: từ Huế cổ kính nhảy vào Sài Gòn phóng khoáng, rồi nổi tiếng với những bài thơ, nổi tiếng hơn với Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, với Giải Khăn Sô Cho Huế và thình lình bị đẩy rơi từ một thể chế này xuống một thể chế khác như lao từ đỉnh cao xuống vực thẳm của một nỗi đau ngất, rát nhức như muối xát trên những vết thương còn tươi rói. Chị là người đi trên một sợi giây xiếc giữa sống và chết, một bên là cái sống mong manh và một bên là cái chết lúc nào cũng giang tay chờ đợi. Tất cả những gì chị có đều bị tước đoạt, trần trụi, trơ trọi, bức rời. Sau nhà tù nhỏ sẽ là nhà tù lớn: Một người đàn bà với đàn con thơ dại và hai bàn tay trắng đứng giữa chợ đời. 

Làm sao có thể viết được giữa một hoàn cảnh như thế? Phải đợi 16 năm sau, khi cả gia đình chị ra khỏi Việt Nam, Hồi Ký Không Ngày Tháng của Nhã Ca mới ra đời. Đây không phải chỉ là một ghi chép lẫn lộn thời gian và kỷ niệm. Hồi Ký đó là một tiếng nói mạnh mẽ của con người trước một thế giới bị tan rã, một tiếng chuông cảnh tỉnh của một vũ trụ bị mê đắm trong u minh. 

Bao lâu còn chiến tranh – bất cứ một cuộc chiến nhân danh chủ nghĩa nào – tiếng nói ấy cần phải được cất lên, tiếng chuông ấy cần phải được gióng lên, thông điệp ấy cần phải được lắng nghe. 

Người đọc biết Trần Thy Nhã Ca với “Bài Nhã Ca Thứ Nhất”, mở đầu cho một dòng thơ mới trong văn chương Việt Nam từ năm 1960. Nhưng thật ra trước đó, từ năm 1955, chị đã từng làm thơ học trò ký tên Thu Vân, đăng trên các tuần báo Văn Nghệ Học Sinh, Văn Nghệ Tiền Phong tại Saigon, chưa kể thơ thời bích báo tiểu học, trung học. Và trước đó nữa, từ năm 1954, khi mới 15 tuổi cô bé Thu Vân đã viết truyện dài đầu tiên có tựa là “Đường Một Chiều”. Đó là thời cuối trận chiến tranh Việt-Pháp. Chị nói: ‘Truyện được viết theo “đơn đặt hàng” của ông anh trong nhà, để đăng từng kỳ trong báo “Hồn Xuân”, tờ báo chép tay của một nhóm văn nghệ choai choai tại Nam Giao, Huế. Còn nhớ, người chủ trương nhóm báo Hồn Xuân là anh Tôn Thất Chi, người vẽ bìa số báo đầu tiên là ông anh Trần Văn Lễ. Sau đó có hiệp định Geneve ngưng chiến, chia đôi đất nước, rồi di cư, tập kết. Báo Hồn Xuân chỉ mới “xuất bản” được ba số thì đành tự “đình bản”. Truyện dài đầu tay “Đường Một Chiều” vĩnh viễn dang dở.” 

Giờ đây đọc lại thơ và truyện Nhã Ca của những năm Sáu Mươi, Sáu Mươi Tám, Nhã Ca của 1975 và môt Nhã Ca của 2005, người ta khám phá ra một khuôn mặt văn chương đã đi qua hạnh phúc và khổ đau, đi qua một tình yêu lớn, đi qua những thao thức và chờ đợi, đi qua những phút giây làm mẹ và trải nghiệm qua biết bao nỗi đau làm người. 

Nhã Ca kể lại báo chữ in đầu tiên của chị sau khi đã làm báo tường báo chép tay là tờ “Văn Nghệ Học Sinh”, do nhà báo Giang Tân làm Tổng Thư Ký. Chủ nhiệm, chủ bút là ông Lê Bá Thảng, chánh văn phòng của Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành. 

Thơ, tuỳ bút, truyện ngắn ký tên Thu Vân được liên tiếp chọn đăng. Những “tác giả” có bài đăng trong tờ báo “văn nghệ họcsinh” này về sau thành bạn nhau. Khởi đầu có Lê Đình Điểu (làm thơ tình với bút hiệu Y Dịch, viết khôi hài với bút hiệu Lê Ngông Nghênh), Nguyễn Thụy Long (viết truyện mộng mơ với bút hiệu Mặc Lan Giao). Tiếp theo, có Lê Tất Điều (viết truyện con nít thậtdễ thương với bút hiệu Ái Nhân); Dương Nghiễm Mậu (triết lý như một ông già với bút hiệu Hương Việt Hương); Đỗ Quí Toàn (làm thơ với bút hiệu Đỗ Quí), Viên Linh (thơ sáu chữ, thơ lục bát số một), Nguyễn Khắc Nhân (viết tuỳ bút giọng miền Trung với bút hiệu Thùy Nhân), Tô Tam Kiệt (thơ chiến đấu hùng dũng)... Thình lình, vào khoảng 1956, bỗng thấy Điểu và Long giới thiệu cho chàng thi sĩ Hoài Nam, người sau này sẽ là Trần Dạ Từ ... 

Trần Dạ Từ, tình yêu đầu tiên và sau cùng của chị. Chị nói: “Ừ, thì đó, chuyện giản dị vậy thôi. Hai đứa quen nhau qua tờ Văn Nghệ Học Sinh, do Lê Đình Điểu và Nguyễn Thụy Long giới thiệu. Tiếp theo, nhận cả ngàn bài thơ. Khác với các bạn viết văn làm thơ tài tử, Từ là “nhân vật toà soạn”, người trả lời hộp thư của toà báo. (Sau này mới biết, thật ra, thi sĩ chỉ là một anh nhóc bụi đời, các “văn hữu” nhóc tì họp đại hội với ông chủ nhiệm yêu cầu cho chàng việc làm, nhờ đó chàng là “thầy cò” sửa bài, kiêm biên tập viên duy nhất của tờ báo bên cạnh tổng thư ký Giang Tân). Bị cả ngàn bài thơ tấn công, cô bé 16 tuổi chịu không thấu. Sau hai năm viết thư, hai người trẻ tuổi gặp nhau lần đầu năm 1958. 

Trong Hồi Ký, Nhã Ca kể chuyện, mùng một Tết chàng từ Sàigòn ra Huế. Chị ngồi nghe tiếng còì tàu. Đã biết trước nhưng vẫn giật mình. Tàu hoả đang hú còi vào ga. Ghê quá, chị nghĩ, anh ta tới rồi đấy. Tàu từ Đà Nẵng ra đúng sáng mùng Một Tết. Chắc còn phải tìm đường, tìm nhà. Trước sau một giờ trưa, sẽ đi qua cổng. Bẩy giờ tối sẽ tới, sẽ gặp. Thư cuối năm, anh báo trước như vậy. 

"Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh? Anh vậy há? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát.” 

Buổi tối, Trần Dạ Từ bước vào nhà. Chưa mời, anh đã ngồi, Nhã Ca viết trong Hồi Ký. Người cha vặn cái radio bóng đèn cổ lỗ đầy tiếng kêu rồ rồ. Ông anh lớn trong nhà nhăn mặt, bỏ sang phòng bên. Chị ú ớ. “Những lá thư xuôi ngược cả năm Sàigòn-Huế-Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ngồi đó ốm nhom.” Sáng mùng hai tết, khi gặp lại anh trong... khách sạn, trên bàn có bài thơ “Thủa Làm Thơ Yêu Em”, ký tên Trần Dạ Từ. 

Thêm hai năm sau khi gặp nhau, chàng thi sĩ nhát như thỏ đế, vẫn không dám cầm tay người yêu. Vậy mà tình yêu của họ đã làm ồn thành phố Huế. Ồn đến nỗi, “nàng” phải đành bỏ chạy theo chàng. Vô tới Sài Gòn, một người bạn của Từ, Nguyễn Khắc Nhân, đứng tên ông anh, gửi chị vô nội trúù trường Đức Trí ở đường Võ Tánh. Xong thời nội trú, Nhã Ca trở về Huế ở một năm để làm lành với gia đình. Sau đó chị vào Sài Gòn, in thiệp cưới và năm 1962, sinh con đầu lòng là Sớm Mai. Tiếp theo, thêm một loạt 5 đứa nữa. Cậu út là Hưng Chấn, cuối 1974. Hưng Chấn là tên do bố mẹ đỡ đầu của cháu là anh chị Cung Tiến đặt cho để lấy hên. Chị nói, nhưng hên đâu chả biết, chỉ thấy mấy tháng sau là miền Nam sập tiệm, hai vợ chồng đi tù. 

Từ khi biết “chàng”, Nhã Ca bắt đầu viết nhiều hơn. Chàng không chỉ làm Văn Nghệ Học Sinh mà còn viết bài kiếm ăn ở các báo khác. Bài gửi cho chàng ở Văn Nghệ Học Sinh, bỗng thình lình thấy xuất hiện trên mục “Mỗi Ngày Một Truyện” của nhật báo Ngôn Luận, rồi nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong... vừa nhận báo vừa nhận cả nhuận bút. Biết mùi nhuận bút rồi, khó bỏ. Vậy là viết đêm viết ngày. Từ 1960, khi bỏ Huế vào Saigon với Trần Dạ Từ, bạn bè họp thành một bọn, mỗi tên tự chọn một bút hiệu chính thức và bắt đầu sống với nghề cầm bút. Từ 1960, 1961 gì đó, cùng lúc với việc Trần Dạ Từ làm nhật báo Dân Việt, các bạn của Từ -Nhã chủ trương tuần báo Ngàn Khơi, in ở nhà in Nguyễn Đình Vượng, số 39 đường Phạm Ngũ Lão. Năm 1963, ông Vượng ra báo “Văn”, yêu cầu chị góp bài. Năm 1964, bài viết cho Văn được in thành sách. Báo Văn và nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành truyện dài “Bóng Tối Thời Con Gái”. Nhà AnTiêm của Thanh Tuệ ấn hành tập truyện “Đêm Dậy Thì”. Sau đó là “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác” và cứ thế đi tới... 

Thế còn tập thơ “Nhã Ca Mới” và giải thưởng thi ca toàn quốc thì sao? Chị nói thơ “Nhã Ca Mới” do “Ngôn Ngữ” xuất bản, cũng đầu năm 1964. Ngân khoản in thơ lẫn tên nhà xuất bản đều do anh Nguyên Sa. Cuối năm ấy, Nhã Ca được giải thi ca toàn quốc 1965. Tiền lãnh giải dĩ nhiên không còn dấu vết. Huy hiệu giải thưởng là huy hiệu của nguyên thủ quốc gia nghe nói là bằng vàng – tương tự huy hiệu của Tổng Thống VNCH dành cho các giải thưởng về sau- chẳng nhớ đi đâu mất, có lẽ còn đâu đó trong... Sở Công An Thành Phố hoặc không chừng đã ra vỉa hè, bị nấu chẩy thành dăm ba “chỉ”, hay một hai “cây”... 

Trong các bài viết về thơ Nhã Ca, từ Bùi Giáng, Võ Phiến, Thi Vũ tới Huyền Không tức Hoà Thượng Mãn Giác... thường nhắc tới bài thơ “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Võ Phiến viết là trong lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có tiếng chuông nào vang dội khác thường tới mức ấy. Hỏi chị tại sao? Chị bật mí: “ Bài thơ in lần đầu trên tuần báo Ngàn Khơi, đầu năm 1963. Đó là thời điểm vừa xẩy ravụ biểu tình đẫm máu tại Đài Phát Thanh Huế và Phật Giáo bị chính quyền đàn áp. Tuần báo Ngàn Khơi do bọn này chủ trương bàn nhau phải cùng nhau viết cái gì đó. Dự tính có Nguyên Sa, Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Đỗ Quí Toàn, Nguyễn Thụy Long, Tú Kếu, Nguyễn Hữu Đông, Trần Dạ Từ... mỗi người sẽ cùng viết nhiều ít gì đó. Bìa offset do Đằng Giao trình bầy in trước 4 số đã ghi sẵn tựa đề chung là “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Tới ngày ra báo, Nhất Linh tự tử, rồi sư sãi bị bắt, Saigon giới nghiêm... Chỉ riêng bài thơ mang tên “Tiếng Chuông Thiên Mụ” được xuất hiện trên báo. Còn nhớ trong bài thơ có câu “Thức dậy cùng tan vỡ, thức dậy cùng lịch sử” đã được các bạn trong “Sở Kiểm Duyệt” nhẹ tay cho qua... Mọi bài viết khác không qua khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt, đành phổ biến cách khác. 

Trần Dạ Từ và các bạn của anh làm báo “Lửa” đánh máy quay roneo bằng cái máy chữ của anh Nguyên Sa cho, cả bọn xúm nhau vào phát hành chui... Trong việc phổ biến số báo “Lửa” ở các đại học thời đó có cả các nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Nhật Tiến. Sau đó, Trần Dạ Từ bị mật vụ nửa đêm bịt mắt dẫn đi mất tiêu, cả bọn trốn chui trốn nhủi... Đó cũng là lúc có bài “Thơ Sớm Mai”, sinh nhật năm đầu tiên của cháu.” 

Trả lời câu hỏi hiện nay chị đang viết gì? Nhã Ca nói: “Truyện ngắn, đang lo viết cho báo tết. Truyện dài, đang sắp xếp, sửa chữa bộ “Đường Tự Do Saigon”. Truyện đã viết liên tục hơn 10 năm trên Việt Báo, mỗi ngày mỗi viết. Độc giả có lòng hỏi. Có nhà xuất bản muốn trả tiền để in. Nhìn lại, đếm chữ thấy đã có tới hơn 10,000 trang sách. Truyện viết từng ngày, muốn thành sách, phải sửa chữa, sắp xếp lại. Cả năm nay, chỉ mới xong 640 trang cho cuốn 1, hiện đã đưa thử lên internet... Việc xuất bản trọn bộ, chắc còn phải mất thêm ngày tháng. 

Về câu hỏi tác phẩm nào của chị được chị thích nhất, Nhã Ca trả lời có lẽ nhiều phần dành cho cuốn “Hồi Ký Một người Mất Ngày Tháng”. Đó là nói văn. Còn trong lòng, chị vẫn yêu và trân quí Thơ. Nhã Ca, tên tuổi ấy đã mang âm hưởng một bài thơ. 

Nói về kỷ niệm mà chị nhớ hoài là thời kỳ trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở Việt Nam, Nhã Ca kể có lần được theo xe tù đi thăm nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy ở trường Dược cũ tại Saigon, thấy sách của mình và bạn hữu được bầy dưới danh nghĩa “tội ác Mỹ Ngụy”. Đặc biệt, cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” được treo trang trọng. Đã đứng nghiêm cạnh Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn, Trần Việt Sơn... chào kính tác phẩm của mình và bạn hữu. 

Hỏi chị đang đọc gì? Nhã Ca cho biết hiện chị đang đọc Milarepa, thơ và truyện kể về thi sĩ và thầy tăng lớn của Tây Tạng. Còn tác giả ưa thích? Với chị đó là Thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo, Trần Dạ Từ, Đỗ Quí Toàn, Viên Linh, Tú Kếu... 

Còn truyện? Chị nhắc đến Thảo Trường, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thụy Long... 

Với câu hỏi liệu có thể nói đến một nền văn học hải ngoại không, Nhã Ca cho rằng “Một nền văn học hải ngoại?” chắc chỉ là câu hỏi nhất thời hoặc tạm thời. Dăm ba chục năm, vài ba trăm năm, rồi sẽ qua đi. Những cái đáng còn sẽ còn lại. Yếu tố nơi sinh sống trong nước hay ngoài nước của tác giả bất quá chỉ là những ghi chú, không phải là yếu tố để tác phẩm văn chương tồn tại. Văn học hay văn chương Việt Nam là đủ. Người viết ở đâu cũng được, dù trong hay ngoài nước. Viết trong hay viết ngoài nhà tù chẵng phải là yếu tố quyết định giá trị. Cái viết ra mới thực sự quan trọng.. 







[1] Nhã Ca, Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, tr. 61. Nxb Thương Yêu, 1991. 



[2] Bài Nhã Ca Thứ Nhất. 



































Nhã Ca & Trần Dạ Từ

















































Nhã Ca & Trần Dạ Từ















Nhà văn Nhã Ca, Dalai Lama, Nguyễn Hữu Nghĩa





























Hiện sống và làm việc tại Hoa Kỳ













MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.

           =========================






0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ