Monday, 18 April 2016
Nguyễn Bình Phương [1965- ]
Nguyễn Bình Phương
(1965 Thái Nguyên - ....)
nhà văn, nhà thơ
Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên.
Tốt nghiệp khóa 4 trường Viết văn Nguyễn Du, ra trường chuyển về đoàn kịch quân đội, và sau đó là Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Nguyễn Bình Phương bắt đầu viết văn từ năm 1986 với tâp trường ca Khách Của Trần Gian. Là nhà văn quân đội, cấp bậc Thượng tá, Nguyễn Bình Phương âm thầm sáng tác và cho đến nay đã ra mắt tám tiểu thuyết và năm tập thơ, những tác phẩm đã từng gây xôn xao dư luận, thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc và giới sáng tác, phê bình. Nguyễn Bình Phương còn được xem là nhà văn tiêu biểu của văn chương đương đại Việt Nam.
Hiện là Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhà văn.
“Nhà văn là kẻ viết không giống ai và sống như mọi người”.
NBP
Đi
Nguyễn Bình Phương
Những hàng cây lập lờ bồng bênh. Đôi ba căn nhà hư ảo, ma quái rải rác trong bóng tối ngai ngái. Trăng đứng giữa trời, tròn vạnh nhưng không toả rạng. Chỉ một ánh trăng duy nhất chiếu thẳng xuống đất làm thành con đường vàng nhạt, mỏng, sắc, vẩn những hạt bụi li ti. Người lính lầm lũi đi trên vệt sáng đó, chiếc ba lô sau lưng anh rộp lên như cái bướu khổng lồ, khẩu AK khoác chéo, nòng súng hờ hững nhô khỏi vai phải. Dáng người lính xương xương, đôi mày rậm đổ bóng xuống hốc mắt thành một quầng tối ảm đạm.
-Hai nhăm... ba mươi... ba mươi bẩy.
Người lính sải những bước dài, một bước chắc nịch xen một bước chênh vênh, cả người anh in sững trong vệt sáng vàng nhạt.
-Năm sáu... sáu mốt...
-Mình!
Tiếng gọi yếu ớt thoảng bên tai. Người lính dừng chân ngó quanh. Bốn bề vắng ngắt. Rìa đường, trong bóng tối, vài ba gốc cây đổ chỏng chơ. Một tảng đá hình chữ nhật nằm ép sát mé trái, nó giống chiếc quan tài khổng lồ. Người lính đánh mắt nhìn đôi bướm trắng, chúng bay theo anh từ lâu, bốn cái cánh chờn vờn thoắt ẩn thoắt hiện tựa bốn mảnh giấy vụn quấn quýt trong gió. Người lính nhíu mày, mấy nếp nhăn cựa quậy xô đẩy trên cái trán ngắn choằn của anh. Kỷ niệm chầm chậm rẽ lớp sương mờ hiện về:
-Mình thích không?
-Thích!
-Tìm cho em cái cặp tóc, nó rơi đâu đây thôi. Mai mấy giờ mình đi?
-Họ bảo tập trung trên huyện lúc bẩy rưỡi. Chán thật. Cặp của mình đây này. ở nhà chu đáo với mẹ một tý. Năm nay mẹ yếu lắm rồi đấy.
-Vâng. Mình đừng quên em đấy nhé.
-Quên thế chó nào được. Tôi sẽ về, nhất định sẽ về với mình. Tôi chỉ đi hai nghìn linh chín bước thôi.
-Không, hai nghìn linh tám cơ.
-Thì hai nghìn linh tám. Đúng hai nghìn linh tám, không hơn không kém, còn lại mặc kệ...
-Mình muốn nữa không?
-Có.
-Sao mình khoẻ thế!
Người lính mấp máy môi, anh sốc lại ba lô khiến chúng kêu leng keng. Không gian rì rào, cái rì rào thiêng liêng nơi sự sống không có mặt. Đôi bướm trắng bay ra từ gốc cây đổ, chúng lượn sát mép vệt sáng sau đó dấn lên rồi lại chìm vào bóng tối thăm thẳm.
-Ba trăm tám mốt, ba trăm tám hai... Bốn trăm... bốn trăm linh tư...
Người lính nhẩm đếm, anh cảm giác ai đó đang đi sau nhặt những con số của mình. Lại một tiếng thở dài. Ngày xưa cả thị trấn mắc bệnh thở dài, vừa hát vừa thở dài, vừa hôn nhau vừa thở dài... Mẹ ngồi bên bậu cửa nhìn đăm đăm ra đường, trên ban thờ, bố trẻ măng nhìn mẹ. Sau đó tất cả biến mất, chỉ còn lại tiếng thở não nề bất tận.
-Hai nghìn linh một... hai nghìn linh bốn, hai nghìn linh năm...
Người lính nhắm mắt khi nhận ra không khí ngả lạnh.
-Hai nghìn linh sáu...
Người lính rùng mình, anh mở choàng mắt và thấy mình đứng dưới chiếc cổng hình bán nguyệt. Chiếc cổng bằng đá xám liền khối, uy nghiêm, chắc nịch, hai cánh của nó trong suốt gợn mấy vết mờ. Hơi nước phả ra nghi ngút. Người lính hít hơi dài.
-Hai nghìn linh bẩy.
Anh mạnh dạn dấn bước đi xuyên qua cánh cửa sang bên kia. Nòng súng có một lực cản nhẹ. Trước mặt người lính là khoảng mênh mông màu nâu nhạt. Tít xa, cuối tầm mắt, loé lên vài ba tia sáng lấp lánh chỉ nhỏ bằng hạt cát. Người lính bần thần ngoái cổ, con đường anh vừa đi qua đã biến mất, ở đó chỉ còn một vệt mờ đang lịm tắt để lộ ra miệng vực đen ngòm.
-Mình!
Tiếng gọi bị cản bởi lớp cửa nhỏ dần nhỏ dần cùng đôi bướm. Bốn cái cánh lảo đảo rơi theo chiều nghiêng. Người lính thở hắt, đầu anh loãng ra sau đó trở nên nhẹ nhõm tinh khôi.
Người lính bước và đếm lại từ đầu:
-Một, hai, ba, bốn...
Những bước chân bây giờ y hệt lúc đầu, nó nhẹ nhàng, châng lâng.
-Mười tám... hai mốt...
Người lính không biết khi vượt qua vòm cổng, anh đã bước sang bên kia mặt trăng, ở đấy vĩnh viễn chỉ có hai nghìn linh bẩy bước.
Tác phẩm
1
2
Vào cõi
Nxb Thanh niên, 1991
3
Những đứa trẻ chết già
Nxb Văn học, 1994
4
Người đi vắng
Nxb Văn học, 1999
5
Trí nhớ suy tàn
Nxb Thanh niên, 2000
Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, độc thoại chiếm một tỉ lệ cao. Đó là những ý nghĩ chồng chéo dằng dặc giữa thực và mộng mị, sự chắp nối những ám ảnh, sợ hãi và giấc mơ,... Nhà văn dường như không có ý can thiệp, phân tích tâm lí nhân vật mà chỉ "kể" về diễn biến tâm lí của nhân vật. Trong Trí nhớ suy tàn, đó là dòng độc thoại miên man của “em” với những câu văn trong veo. Như tiếng chuông gõ. Giàu chất thơ. Tuy thế, nhân vật của Nguyễn Bình Phương thơ trong cõi vô thức, kí ức bao nhiêu thì lại khốc liệt bất nhẫn bấy nhiêu trong hiện thực. Khi nhân vật được "thả" ra cõi thực, ngôn từ trở nên thô nhám, nhiều khi tục tĩu. Đọc Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Ngồi, thấy những từ thông tục, từ tục (mà nhân vật dùng) xuất hiện với tần số cao và có xu hướng ngày càng công nhiên. "Chuẩn mực tính" của ngôn từ văn học truyền thống bị phá vỡ. Có lẽ, với lối hành văn dùng từ như thế, Nguyễn Bình Phương muốn khai thác triệt để những ưu thế của thể tiểu thuyết để thể hiện sự hỗn tạp của cuộc đời. Anh muốn chất liệu ngôn từ phải được khai thác bình đẳng trên cùng một mặt sân giá trị. Ranh giới giữa tính đặc tuyển và tính thông tục ở đây bị cố ý làm mờ. Tuy nhiên, nếu cực đoan hơn nữa, sự cách tân theo lối này có thể đi quá “giới hạn văn chương” theo cách nhìn của nhiều bạn đọc Việt Nam (một kiểu bạn đọc khá “bảo thủ”!). Diễn tả thế giới vô thức, văn chương Nguyễn Bình Phương không bị rối rắm. Có thể coi đây là những trang viết giàu chất thơ nhất của anh, thể hiện sinh động những vùng “hiện thực mờ”, vùng khuất lấp và cả sự thánh thiện trong cõi sâu thẳm mịt mù của con người. ở đây, ngôn từ của người làm thơ đã giúp ích cho anh rất nhiều.
Phùng Gia Thế
6
Thoạt kỳ thuỷ
Nxb Hội Nhà văn, 2004
Thoạt kỳ thủy là một bài thơ dài đẫm máu và nước mắt, đẫm tang thương, đầy huyễn mộng, viết về hành trình của một cộng đồng, dù đã nửa phần điên loạn, vẫn không biết mình đang đi dần đến toàn phần điên loạn. Khởi đi từ cá nhân một đứa trẻ, lọt lòng mẹ vô tội, đến trưởng thành máu mê, tự diệt. Thoạt kỳ thủy là hậu quả việc trồng người trong môi trường thường trực kích động chiến tranh. Là chuyện nhỡn tiền nhân quả. Là thế giới con người trong vòng u mê, tử khí. Thoạt kỳ thủy khởi tố những cách dìu dắt trẻ thơ về những con đường chém giết, là hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu những nguy cơ của mảnh trần gian lấy bạo lực và dốt nát làm cẩm nang giáo dục con người.
7
Ngồi
Nxb Đà Nẵng 2006, Nxb trẻ tái bản 2013
8
Xe lên xe xuống
Nxb Diễn Đàn Thế kỷ 2012 (Hoa Kỳ)
Ðây là cuốn tiểu thuyết được Phương viết xong năm 2010 nhưng bị các nhà xuất bản trong nước từ chối in ấn và nó được xuất bản ở Mỹ dưới cái tên “Xe lên xe xuống”. Mãi đến năm 2014 nó mới được nhà xuất bản Trẻ chấp nhận. Ngay lập tức “Mình và họ” nhận được hoan nghênh hưởng ứng của giới văn chương và độc giả. Có thể nói về tư tưởng và nghệ thuật đây là cuốn sách đỉnh cao của Nguyễn Bình Phương. Anh lấy nguyên cớ trận chiến biên giới với Trung Quốc năm 1979, 1984 để chuyển tải một thế giới con người Việt hiện đại, đa dạng và sinh động. Những con người dần mất đi cảm xúc trước các vấn đề cuộc sống kể cả cái ác. “Mình và họ” được Hội Nhà văn Hà Nội bỏ phiếu tuyệt đối trao giải thưởng thường niên. Cũng rất khác biệt ở cuốn tiểu thuyết này khi nó được bạn đọc ở Mỹ tán thưởng, điều rất khó chấp nhận khi tác giả là một sĩ quan quân đội và thường thì rất ít tác phẩm trong nước được độc giả ở Mỹ chào đón.
(theo Vietnam.net)
8'
Mình và họ
Nxb Trẻ 2014
(...)
(...)
-------------------------------
trích từ blog phan nguyên
--------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét