Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

về hoa sĩ lê thị lựu [1911- 1988 france] -- blog phan nguyên

Friday, 14 June 2013

Lê thị Lựu (1911-1988)

















Lê thị Lựu

- sinh 19/01/1911 tại Bắc Ninh - mất 06/06/1988 tại Antibes, Pháp)
- còn ký  [THẠCH ẨN- LÊ THỊ LƯU]
- hưởng thọ 77 tuổi
- họa sĩ



















Cảm hoài



Xuân, hạ dồn thu chạy đến đông 
Bốn mùa thay đổi chóng như không. 
Vui sớm quanh vườn, vui với cảnh 
Thú chiều thơ thẩn, thú chờ mong. 
Mong cất cơn sầu, bôi mấy nét 
Nét nhòe hoen lệ, khó bề xong. 
Chuyện đời may rủi do tiền định, 
Hay dở thôi đành mặc hóa công. 

Tende 8-7-1983 
Thạch Ẩn- Lê Thị Lựu 




















Lê Thị Lựu được xem là nữ Họa sĩ đầu tiên của nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Thi đỗ và tốt nghiệp thủ khoa khóa 3 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. 
Bà còn làm thơ và cộng tác với các tạp chí nổi tiếng một thời: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới ... v.v
Năm 1940 bà theo chồng sang định cư và sống tại Pháp cho tới khi qua đời ... năm 1988.






































tác phẩm tiêu biểu



















































































Lê thị Lựu, 

ấn tượng hoàng hôn (1911-1988)

THUỴ KHUÊ







Viết được trung thực về một người không quen biết đã khó, nhưng viết về một họa sĩ thân thương quen thuộc trên 25 năm trời, hẳn là khó hơn: bao năm gần gũi họa sĩ Lê Thị Lựu, nhưng áng chừng đối với bà, việc cầm bút là lẽ tự nhiên, như cần ăn, cần thở, bà không bao giờ giảng cho tôi nghe những lý thuyết hay qui luật hội họa. Bức nào vẽ gần xong, vừa ý hay chưa vừa ý, bà chỉ vắn tắt: "Cháu trông có được không? Chỗ này còn phải sửa nữa v.v...". Dường như: ánh sáng ấy thì phải đi với màu sắc này. Lẽ tự nhiên là thế, như không có định luật, họa sĩ đạt được thành công trong niềm giao cảm giữa nhãn quan và tác phẩm.



Họa sĩ Lê Thị Lựu với tôi ngoài liên hệ gia đình, còn là một trong hai người đàn bà ở Pháp hiếm hoi mà tôi được gần cận và quý mến: Người thứ nhất là bà Nguyễn Hiến Lê, một người đã hy sinh hạnh phúc cá nhân cho sự nghiệp văn học của chồng và người thứ nhì, Lê Thị Lựu, người đàn bà tài sắc vẹn toàn với tất cả ý nghĩa đúng đắn và trung thực.



Những năm 32, 33, các báo phụ nữ đều nhắc tới người nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp thủ khoa trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1932. Ra trường nổi tiếng ngay khắp ba kỳ về tài cũng như về sắc. Sống tại Pháp từ năm 1940 nên thế hệ hiện nay, nhiều người không biết đến bà. Trong 56 năm sáng tác liên tục, Lê Thị Lựu vẽ không nhiều, tranh bà đã tản mát, lưu lạc, nếu muốn ước lượng, con số hai, ba trăm xem chừng gần gũi nhất.

Lê Thị Lựu thường đắn đo khi cầm bút, nhiều khi vẽ xong lại xóa đi, có bức vẽ đi vẽ lại trong mấy năm trời (Trần Anh Bên Suối, Kim Kiều Gặp Gỡ, Tam Ðại Ðồng Ðường...), có bức chỉ một buổi là xong, mà thông thường là những bức thành công, hoặc ít ra cũng tiêu biểu cho đường lối hội họa của bà (Dông Tố, Chân Dung Vợ Chồng Quê, Cảnh Honfleur, nhiều bức Sơn Nữ...) Phần lớn là tranh lụa, một số rất ít sơn dầu. Ðề tài nằm trong chữ thiếu: thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi...

Cùng thời với bà, tranh Nguyễn Phan Chánh mộc mạc, thôn dã, tranh Mai Thứ hồn nhiên, ngây ngô (naĩf), tranh Lê Phổ có tính cách trang trí, quang độ chan hòa, sắc độ rực rỡ, tranh Lê Thị Lựu êm dịu ánh sáng, nhẹ nhàng màu sắc, mềm mại nét bút. Thể hiện phái tính chăng? Chưa hẳn thế, vì trong các ký họa hay sơn dầu đôi khi cũng có những nét gân guốc như nam phái, trong tranh phong cảnh, bút và màu ảnh hưởng Cézanne. Năm 1940, mới qua Pháp nhận thấy đường lối của mình quá xưa đối với trường phái Paris (École de Paris), Lê Thị Lựu do dự và thất vọng, bà đi vào các phòng vẽ như Chaumière ở Montparnasse tìm lại nét bút, phác họa các người mẫu khỏa thân, rồi bà quay hẳn sang tranh lụa. 

*

Ban đầu vẽ theo kỹ thuật Trung Quốc nhưng màu sắc tươi hơn. Trong một thời kỳ rất ngắn, Lê Thị Lựu bị ảnh hưởng của Modigliani, sau cùng, bà chuyển hướng và tìm ra đường lối riêng biệt của mình. Tranh bà, tuy có phong cách ấn tượng nhưng thoát ly khỏi lề lối phương Tây, tạo "không khí" và bản chất Việt. Cũng như phái ấn tượng, bà dùng màu tươi, bật ánh sáng, lấy nhật quang làm nền rực rỡ cho tranh, nhưng bà không chối bỏ kỹ thuật cổ điển, dùng cả sáng lẫn tối, chuyển sắc độ dần dần: Thiếu Nữ Với Cây Ðàn Thập Lục vẽ năm 1970 là một trong những bức thành công nhất của bà: Bóng tối tứ phía bên nàng làm ta mường tượng đây là ban đêm, nhưng toàn thân thiếu nữ khoác ánh sáng, nguyệt quang chan hòa, tràn sang những đóa hồng thì thầm bên cạnh, một thứ ánh sáng bàng bạc, huyền ảo của một đêm trăng liêu trai. Nàng gẩy đàn dưới trăng, trong trăng, trên trăng, hay trăng là nàng? Không sao biết được. Bức này làm tôi liên tưởng tớiMademoiselle Grimpel au ruban rose (1880) của Renoir.

Kiều Gẩy Ðàn Tì Bà, một trong những bức tranh cuối cùng bà vẽ trước khi mất, vẫn dùng ánh sáng làm nền giao cảm, từ những màu xanh đậm, hồng đào, vàng mimosa, trên hoa cỏ, bà hạ dần sắc độ để lưu lại màu trắng mong manh trên áo nàng Kiều, với đôi mắt bồ câu đen hiu hắt sáng, gợi tiếng đàn trong, buốt, lạnh và buồn:

Trong như tiếng hạc bay qua 
Ðục như nước suối mới sa nửa vời.

Tranh Kim Kiều Gặp Gỡ (1975) thể hiện lối viễn họa (perspective): Dưới cầu, dòng suối thướt tha uốn khúc tới tận chân rừng. Con đường mòn chạy dọc theo dòng nước. Bóng sâu hút lặng thinh của con đường và âm thanh thầm thì, róc rách của dòng suối trò chuyện với nhau trên những đường cong (arabesque) mềm mại, gợi thanh, gợi hình, giao hòa nơi vô tận. Tất cả gieo ấn tượng gặp gỡ và chia ly: Ðường im nghe suối nói hộ người những xao xuyến, luyến lưu thuở ban đầu.

Tranh khỏa thân bà chỉ vẽ một bức; mà cũng đoan trang lắm. Bức Thiếu Nữ Tắm Hồ Sen (1970), dùng nền xanh non tươi mát lót thảm cỏ hoa, vài cánh sen phớt hồng trôi trên mặt nước, như ẩn như hiện. Người con gái ngồi nghiêng, tóc ươn ướt xõa, quay đầu lại, khăn lụa mỏng che một phần thân hình, úp mở, đợi chờ. Dường như cỏ hoa, mây, nước cũng muốn tắm chung với nàng, trong màu xanh bất tuyệt ấy. 
Người đẹp trong tranh Lê Thị Lựu có những mẫu mực lý tưởng, đúng như khuôn cổ điển: mặt trái xoan, cân đối theo tỉ lệ vàng(1). 
Bà ít vẽ cảnh, chỉ một vài bức bằng sơn dầu. Cảnh Honfleur dùng khối, tụ chồng lên nhau, gợi những căn nhà san sát, nét tựa Cézanne. Vẫn màu nhạt, êm dịu, từ những mảnh buồm đến sóng nước, tất cả hòa đồng trong sắc độ xanh, mát, tịnh, thanh và êm ái. 
Bức họa một em bé ngồi dưới trời dông. Ðôi mắt bé là cả một trời lo âu, thắc mắc. Họa sĩ không đặt tên cho bức tranh. Lần đầu tiên nhìn thấy tôi gọi là Dông Tố. Bà đồng ý. Bé đi lạc chăng? Bé đợi ai đây? Dông tố bên ngoài có cao bằng dông tố đang lên trong lòng bé? 
Dông Tố là một trong những bức hiếm hoi có màu sắc biểu hiện (expressionniste) Lê Thị Lựu sáng tác trong một chiều nhớ quê hương. 

*

Tranh Lê Thị Lựu màu vui nét sáng mà vẫn thoảng buồn, như một vết thương yêu đời: em bé hái hoa đồng biếu mẹ, thiếu nữ cõng em rong chơi trong rừng, thiếu phụ bồng con, ánh mắt hiền hòa âu yếm... có gì hòa bình, an lạc, êm như trong cõi mộng buồn (Ðào nguyên của tác giả chăng?). Ta cứ việc đi vào, chìm đắm trong bầu trời, trong ánh sáng, trong thanh sắc, trong yêu thương, trong hy vọng... không cần thắc mắc hỏi xem: bút thuật có thể hiện những rung động quằn quại nội tâm, cũng không cần biết nghệ sĩ có màng tới những ấm ức bên trong của tạo vật. 
Người nghệ sĩ ấy đã sống trong khoảng trời Việt Nam đầu thế kỷ và đã khuất ly đất nước vào những năm 40. Bà đem khí quyển tâm hồn, đem cái hoàng hôn buồn bã rất Hồ Dzếnh ấy nhuộm với vàng thu Paris. 
Tranh Lê Thị Lựu dan díu với một thiên đường Việt Nam tiền chiến, xa biệt, thời sơn nữ ca, một đêm trong rừng vắng, ẩm thêm sắc thái nghiêm đài về đất cũ của những người cách nước lâu ngày, có những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người như lời Hồ Dzếnh. Gần gụi với tâm tư chiều Hồ Dzếnh, tranh Lê Thị Lựu dấy lên trên nền năm tháng cũ một bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật; khiến cho ai đó, mỗi lần tìm đến tác phẩm Lê Thị Lựu, lại thấy vang lên những bâng khuâng gió nhớ về qua lá đầy.
Yên Cơ, tháng 7-1988

Chú thích 
(1) Tỷ lệ vàng: Luật cân xứng tỷ lệ của Hy Lạp do Vitruve đặt thành công thức: Khuôn mặt lý tưởng phải được chia thành bốn phần đều nhau: 
- Từ đỉnh đầu tới chân tóc, trước trán, 
- Từ chân tóc trước trán tới kẽ mắt, 
- Từ kẽ mắt đến đầu mũi, 
- Từ mũi đến cằm. 
(Phần cuối cùng này cũng chia làm ba phần nhỏ: miệng nằm giữa). 


Vài nét về cuộc đời họa sĩ Lê Thị Lựu 


Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19-1-1911 tại làng Thổ Khôi, tỉnh Bắc Ninh, mất ngày 6-6-1988 tại Antibes - Pháp. Tốt nghiệp khóa thứ ba trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1932. Ra trường, bà được bổ dạy liên tiếp các trường: Trường Bưởi, trường Hàng Bài (tiền thân của trường Trưng Vương), trường Làm Ren (École Dentellière), trường Hồng Bàng Hà Nội, trường Áo Tím (sau thành trường Gia Long) và trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh. 
Ngoài ra bà còn cộng tác với những tạp chí Ngày Nay, Phụ Nữ Tân Văn (của ông bà Nguyễn Ðức Nhuận), Ðàn Bà Mới (của nữ sĩ Thụy An), dưới bút hiệu Văn Ðỏ. Làm thơ (rất ít) ký bút hiệu Thạch Ẩn do một nhà sư đặt cho. 
Năm 1940 sang Pháp, định cư ở vùng Paris. 
Bà là thành viên của hội Union des Femmes Peintres et Sculpteurs của Pháp. 
Năm 1946, ở Paris, bà gia nhập phong trào chống thực dân, bị DST (mật thám Pháp) khám nhà nhiều lần. Giữ chức thủ quỹ cho hội Văn Hóa Liên Hiệp mãi đến ngày ký hiệp định Genève. Khi thấy Bắc Nam chiến tranh, bà ngưng hẳn mọi hoạt động Việt kiều.

Từ năm 1971 bà cùng chồng là kỹ sư kiêm họa sĩ Ngô Thế Tân về sống ẩn dật tại biệt thự An Trang, Spéracèdes (miền Nam nước Pháp) và tiếp tục sáng tác đến những ngày cuối đời.

xem tranh Lê Thị Lựu

nguồn: © 1991-1998 Thụy Khuê



































































































































































































































































































































































thơ 















Gửi gió


Muôn thương gửi gió về quê 
Gió ơi: Mang giúp chớ nề tốn công 
Xuyên rừng, vượt núi qua sông 
Muôn thương dù nặng gió đừng bỏ rơi.

Xa quê thêm chín năm rồi 
Gió đi, ngồi lại, lòng tôi thêm sầu 
Tính nhầm hay lỗi vì đâu 
Cờ đâm nước bí, vò đầu không ra.

Cúi nhìn sông nước gần xa 
Suối reo nhè nhẹ, lòng ta thêm sầu 
Ngửng lên mây trắng một mầu 
Bay theo tà gió, mây hầu quên ta.

Tiếc sao ta chẳng là mây 
Lên cao, níu gió, đợi đây đi liền 
Bao nhiêu tình nặng vô biên 
Buông dòng suối bạc, ném phiền nhẹ thênh.


 Tende 6-8-1984 
Thạch Ẩn - Lê thị Lựu





























Ðầu cá kho
Tặng bạn Mai Thứ


Xưa Thứ nghèo sơ nghèo sác 
Cơm cá muối vừng dưa chua 
Nay Thứ giầu không tưởng tượng 
Muối vừng cơm cá vẫn ưa

Tới chơi vừa hôm cô Lựu 
Kho cá bỏ đầu ném đi 
Nhặt lên Thứ còn mắng với 
Cô này ngu hơn giống gì

Ðầu kho vừa bùi vừa béo 
Không đầu còn gì là ngon 
Cá kho chỉ moa là thánh 
Bởi moa kho cá cả con.

Hãy lắng mà nghe cho rõ: 
Xì dầu, muối tiêu cho vừa 
Muốn ngon phải kho cho kỹ 
Ðừng quên riềng khô, nước dừa.

Cơm chín, cá dừ, quên khổ 
Rượu nồng dăm chén quên đau 
Tóc xanh vô bệnh không già 
Mặc xác chuyện đời với nhau

Và đây là lời ước nguyện 
Ðầu cá để dành từ sau 
Nếu moa chết trước, Lựu nhớ: 
Moa, cá một hố cùng nhau. 


 V
iết tại xóm Gentilly 
Paris 14-4-1967 
Thạch Ẩn- Lê Thị Lựu
































































nguồn: © 1991-1998 Thụy Khuê

































trở về




MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.

[]

-----------------------------------
trích từ blog phan nguyên
-------------------------------










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét