Sửa văn Vũ Bằng hay lỗi vì một dấu ngoặc kép?
Cuốn "Miếng ngon Hà Nội" của nhà văn Vũ Bằng được Nhà xuất bản Dân Trí ở Việt Nam liên kết Nhà sách Minh Thắng thuộc công ty TNHH Văn hóa Minh Tân tái bản hồi tháng 3 vừa bị cấm phát hành vì có in nội dung sai lệch so với bản gửi duyệt xuất bản.
Khác với những bản in trước đó, cuốn sách được tái bản nói trên ngoài nội dung của tác phẩm nguyên bản lần này còn có thêm phần phụ lục, gồm 9 trang, được ghi là "Các báo phê bình "Miếng ngon Hà Nội" Kỳ xuất bản thứ nhất" và chính trong phần phụ lục này xuất hiện nội dung sai lệch nói trên.
Theo ảnh chụp bản thảo nộp và được Nhà xuất bản Dân Trí duyệt, ở trang 213, trong bài phê bình được ghi là đăng trên báo năm 1957, đoạn được cho có nội dung đúng, đã được đặt trong ngoặc kép khiến người đọc hiểu đây vẫn là trích dẫn câu viết của tác giả Vũ Bằng: "Tôi ao mơ một ngày đất nước thanh bình và thống nhất; toàn dân sát cánh với nhau ăn mừng Đại Nhật bằng một bữa tiệc vĩ đại có đủ hết cả những miếng ngon Hà Nội."
Nhưng khi ra sách, phần Phụ lục ở cuốn sách tái bản này, đoạn đó được in với nội dung có khác so với bản được duyệt, đồng thời lại không để trong ngoặc kép như sau: "Tôi ao ước một ngày kia miền Bắc được giải thoát khỏi nanh vuốt Cộng sản, quốc gia trở lại thanh bình và thống nhất; toàn dân sát cánh với nhau ăn mừng Đại Nhật bằng một bữa tiệc vĩ đại có đủ những miếng ngon Hà Nội, bên cạnh các miếng ăn thuần túy khác của Sài Gòn và Huế."
Khi để ngoài ngoặc kép như vậy thì đoạn này rõ ràng không còn là trích dẫn tác phẩm của Vũ Bằng nữa, mà là lời bình của tác giả bài báo viết năm 1957 này.
Phía Công ty TNHH văn hóa Minh Tân, Nhà sách Minh Thắng, giám đốc công ty được báo chí trích thuật giải thích "có thể do khi đem in, đã chuyển nhầm bản chưa biên tập và duyệt, vì trên máy tính có lưu nhiều bản qua các lần sửa khác nhau".
Nhà xuất bản Dân Trí được biết đã có công văn giải trình gửi đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Xuất bản In và Phát Hành, Cơ quan A87 Bộ Công an, trong đó ghi rõ họ có đủ "hồ sơ biên tập và lưu bản thảo do Công ty TNHH văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng đem đến. Nhưng đến khi sách ra, Công ty TNHH văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng đã tự sửa thành nội dung phản động".
Theo báo chí trong nước, hiện Công ty TNHH văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng đã nhận trách nhiệm về việc in nội dung sai phạm nói trên và Nhà xuất bản Dân trí đã không cho phép phát hành cuốn sách này.
Trước vụ việc này, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Văn Giá, người đã có nghiên cứu về Vũ Bằng chia sẻ với BBC Tiếng Việt ba điểm đáng lưu ý.
Điểm đầu tiên ông Văn Giá cho biết là trong tất cả những trước tác của Vũ Bằng đã công bố, ông đã đọc hết vì là người làm về Vũ Bằng, và ông tin rằng không có những thái độ chống cộng sản một cách trực tiếp như lời dư luận đang quy cho Vũ Bằng nói.
Về mặt phong cách và tinh thần thái độ chung của Vũ Bằng, nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá nói:
"Vì Vũ Bằng không phải là người thích thú chính quyền cả hai phía, cụ lựa chọn con đường trung lập, cho nên trong tất cả những tác phẩm của cụ, cụ rất khôn, không bao giờ đối đầu trực tiếp với chính quyền, không bao giờ gọi là chính quyền nọ, chính quyền kia, mà cụ đứng trên lập trường dân tộc."Đấy là căn cứ đầu tiên để khẳng định những lời như vậy thấy khác với phong cách và lối viết của Vũ Bằng, khác thái độ chung của Vũ Bằng, vì ông là người phải sống dưới cả hai chế độ. Sau này ông còn tìm đường quay trở về chung sống với chế độ cộng sản. Đây là về mặt phong cách và tinh thần thái độ chung của Vũ Bằng."
Về mặt xuất bản, nhà nghiên cứu cho biết quan điểm của ông là: "Nếu đã lựa chọn những văn bản gốc của người ta, đã chấp nhận in thì phải in trung thực. Những chỗ nào có vấn đề gì liên quan tới cái nhìn, quan điểm, rồi cách đánh giá, đụng chạm ngày hôm nay thì phải có chú thích bên dưới, chứ không tùy tiện cắt của người ta được.
"Đây là cái ở Việt Nam vi phạm rất nghiêm trọng. Anh
đã sử dụng thì anh phải hoàn toàn trung thực, nếu không sử dụng thì thôi, trung thực ở chỗ có thể có chú thích bên dưới, chứ không thể nào cắt xén, thêm bớt, xuyên tạc," ông nói.
đã sử dụng thì anh phải hoàn toàn trung thực, nếu không sử dụng thì thôi, trung thực ở chỗ có thể có chú thích bên dưới, chứ không thể nào cắt xén, thêm bớt, xuyên tạc," ông nói.
Ông nêu ví dụ với tác phẩm đầu tiên của Vũ Bằng được in lại ở Việt Nam hồi những năm 1980, cuốn "Bốn mươi năm nói láo" nhưng đã bị đổi thành "40 năm làm báo".
"Thay đổi một cách trắng trợn như vậy và sách còn bị bỏ bớt hơn chục trang. Đó là cách làm rất luộm thuộm, và thậm chí bị chính trị hóa rất nghiêm trọng. Cho nên đã sử dụng tài liệu gốc là phải trung thực, phải nguyên vẹn và có chú thích," ông Văn Giá nói.
Ông cũng cho biết nay sẽ phải có một so sánh đối chiếu rất kỹ lưỡng: đối chiếu giữa bản in vừa rồi với bản in gốc năm 1960, và đối chiếu nữa cần làm là các bài viết bình luận của các tác giả khác về Vũ Bằng được ghi là có trước năm 1960.
"Một mặt thử xem có đúng bài báo ra vào thời gian đó không, có bị sửa chữa xuyên tạc hay bị thay đổi so với bản gốc hay không, hay là đổ cho Vũ Bằng với một động cơ gì chăng. Tuy nhiên hiện nay việc này chưa làm được và chưa có đủ dữ kiện,"
Nhân nói tới vấn đề xuất bản ở Việt Nam, nhà phê bình nói thêm không ít những trường hợp "vì những lý do gì đó mà khi in ấn và xuất bản, những người biên tập thò bút vào sửa chữa rất tùy tiện, làm sai lệch bản gốc".
Trò chuyện với BBC Tiếng Việt, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng trong vấn đề xuất bản, đối với những tác phẩm và tác giả nổi tiếng, khi tái bản cần phải rất thận trọng.
Ông nói thêm công tác xử lý văn bản gốc tại Việt Nam còn yếu kém.
"Việt Nam nay đã bắt đầu chú ý tới văn bản gốc. Càng với nhà văn và tác phẩm nổi tiếng, tiếp cận được với văn bản gốc thì càng tốt," nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói. []
------------------------------
trích từ BBC tiếng Việt
------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét