Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

vương tân thi sĩ cách mạng/ bài viết: nguyễn đăng thường ( london) -- gio-o.com/

hồ nam  [ i.e lê nguyên ngư  [ 1930- 2015 mỹ tho ] -- (ảnh: gio-o.com)
khởi sự viết văn từ Hà Nội vào thập niên '50 s. Bút hiệu đầu tiên ký Hồ Nam- Bích Hữu, sau là Vương Tân , Bùi Viết Tân, Hồ Nam, Lê Tây Sơn , Lão Hủ , và rất nhiều bút hiệu khác nữa  ....


Vương Tâ
t
hi sĩ cách mng
nguyễn đăng thường


Nghe tin anh vừa chết
Buổi chiều đầy hoang liêu
Ngày mai tôi phát vãng
Thương nhớ nhau còn nhíều

Nhà thơ Vương Tân đã ra đi. Bốn câu thơ trên, đoạn thơ trên, hay "khổ" thơ trên, nếu độc giả thích cách gọi này hơn, không do tôi viết, mà do chính bàn tay, ngòi bút Vương Tân viết ra, để tưởng niệm ngày giỗ đầu một nhà thơ khác, một nhà thơ chết sớm hơn Vương Tân, một nhà thơ có cuộc đời hẩm hiu hơn Vương Tân, một nhà thơ bạn thân của Vương Tân, thi sĩ Quách Thoại.

Nhà thơ Vương Tân đã ra đi. Trong một tháng mùa đông cuối năm, trên mảnh đất quê hương, để trở về lòng đất quê hương, để trở thành cát bụi quê hương, nơi đó "đời bắt đầu tiếng súng / và thú dữ rình mò". Đời ông. Và đời những người khác. Những người của thế hệ ông. Cái thế hệ đó, và một, hai thế hệ tiếp, chào đời và lớn lên trong tiếng súng máu lửa chiến tranh tương tàn, nó như thế nào, chúng ta đều biết.

Tôi thật ngỡ ngàng, hoang mang và ngậm ngùi bởi cái chết bất ngờ của Vương Tân, một nhà thơ tôi yêu mến. Ông vừa xuất hiện trên Gió-O trong cuộc phỏng vấn do nhà văn chủ biên Lê Thị Huệ thực hiện, tôi đã nghĩ là chưa xong. Cái ngỡ ngàng thứ hai là tôi đinh ninh rằng Vương Tân đã ra hải ngoại, như Vũ Khắc Khoan, như Mai Thảo, như Nguyên Sa, như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Phạm Công Thiện, nghĩa là ông đã đặt chân lên miền đất tự do, như bạn hữu đồng thời với ông.

Sanh ra ở Hà Nội, thủ đô Miền Bắc, di tản vào Sài Gòn, thủ đô Miền Nam, trong năm 1950, khi đất nước bị chia đôî, Nam Bắc phân tranh, tất nhiên thơ Vương Tân đã phản ánh —  để tránh nói nó chính là — cuộc chiến tranh đó, và những hệ quả, ảnh hưởng của nó. Cuộc chiến tranh trường kỳ do miền Bắc gây ra, bám sát chủ nghĩa Mác-Lê đấu tranh giai cấp, cứu cánh biện minh cho phương tiện, dù đẫm máu ruột thịt, máu đồng loại. Máu nhuộm thắm màu cờ sao. Máu tuôn tràn trên cả một dân tộc. Và trên cả một nền văn học. Dòng sông Gianh chỉ chia đôi đất nước. Dòng Bến Hải chia cắt lãnh thổ, quê hương, giống nòi, đạo đức, tư duy, cảm xúc. Và nhiều, rất nhiều hơn nữa.

Nhà thơ Vương Tân và thế hệ ông, sanh ra và lớn lên như thế nào, chúng ta có thể đọc trong thơ, trong văn, trong phỏng vấn ông. Bài viết ngắn này, để tưởng niệm nhà thơ, tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn đọc đôi điều thô thiển, những cảm nghĩ riêng tư của tôi lúc thơ thẩn ngù ngờ, về thơ bốn chữ và thơ năm chữ của Vương Tân, tôi đã yêu ngay, khi tiếp cận lần đầu.

Lúc đó tôi là sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, mới bắt đầu đọc, và chỉ đọc thơ thôi, các nhà thơ Việt Nam đương thời và đương đại, ở Sài Gòn. Buổi sáng vào trường, cách nhà chừng vài chục mét và một ngả tư. Trưa, chiều bát phố, xi-nê, quán kem. Đi xi-nê ra — rạp Éden nơi đó thân mẫu tác giả Người tình và Người tình Đông Dương, Marguerite Duras, đánh đàn dương cầm đệm nhạc cho các xuất chiếu những cuốn phim câm — tôi mua một tạp chí văn nghệ, Sáng Tạo, hay Thế kỷ 20, không nhớ, vào quán kem ngồi đọc. Quán kem Mai Hương. Một quán kem của người Hà Nội Hải Phòng di tản. Nơi đầu đường Pasteur và đại lộ Lê Lợi. Đối diện một rạp chiếu bóng khác, rạp Casino Sài Gòn. Bài thơ năm chữ, có bốn đoạn:

Chiều

Tôi đi trong chiều mù khơi
Cuộc đời đang đổi mới
Người ta vừa giết nhau
Như thú dữ tranh mồi

Có đôi nhân tình nhỏ
Líu ríu bước đi quanh
Tôi nghĩ cuộc đời mình
Tôi nghĩ tôi bước nhanh

Chiều mờ sâu bóng tối
Mắt người yêu u buồn
Một hồi chuông nho nhỏ
Áo trắng bay mờ sương

Những người của ngày mai
Tưng bừng rời lớp học
Tôi đi và ngày đi
Bỗng dưng lòng muốn khóc

Chiều. Chiều bình an. Chiều quán kem. Chiều của đôi tình nhân nhỏ líu ríu bước đi quanh. Chiều Sài Gòn trời xanh mây trắng. Chiều Sài Gòn chim én liệng đầy trời. Thế nhưng, buồn thay, chiều vẫn có thể mờ sâu bóng tối. Buổi chiều trong thơ Vương Tân là buổi chiều Sài Gòn, buổi chiều của nhà thơ, buổi chiều của tôi, buổi chiều của mọi người lúc bấy giờ. Một buổi chiều có thật. Hiện thực nhưng thi vị. Bạn đọc có thể cười phì. Và nói: Ối a, chiều ở đâu ra mà nhiều thế. Hoan hô Vương Tân. Đả đảo Nguyễn Đăng Thường. Ha ha ha. Xin đa tạ.

Bài thơ Vương Tân, lúc đó, khiến tôi nghĩ tới một bài thơ khác, cũng thơ ngũ ngôn. Tới một buổi chiều khác, buổi chiều của một lữ khách thi nhân lãng mạng trên đường về, đã được phổ nhạc, hát và phát sóng ra rả cũng vào thời điểm đó:

Chiều

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khoây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây

Hồ Dzếnh, nhà thơ mới, thi nhân lãng mạn, tất nhiên ít hay nhiều tây học, tân thời, nhưng vẫn thói cũ khi làm thơ, vẫn "sầu vạn cổ chất trong hồn chiều nay" chẳng khác gì một Bà Huyện-qua-đèo-tới-phố-tức-cảnh-hoài-cổ-Thanh Quan. Thi sĩ Hồ Dzếnh, lữ khách nhớ nhà trên đường về thăm nhà thì cũng dễ hiểu thôi. Mặc dù cái nhớ lẽ ra phải xảy ra trước và thúc giục thi nhân trở về quê cũ. Trên đường về, sắp tới nhà, lẽ ra thi nhân phải vui, có chi mà lại buồn tơi bời hoa lá đến thế? Nhớ và buồn. Và chỉ nghĩ đến mình thôi. Nhớ, cộng với buồn, cộng với cái ta, khiến màu chiều khó làm khoây. Chàng ngồi nghỉ chân xơi buồn rồi đem sự buồn nản rả rời của mình ra nhân cách hóa vạn vật: "tiếng buồn vang trong mây, chim rừng quên cất cánh, gió say tình ngây ngây", kiểu người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cái buồn nhớ quê, cái buồn nhớ nhà là một đề tài cố hữu trong thơ ca, nên không biết đâu là thật, đâu là văn chương. Và tôi nhớ tới một bài thơ khác, cũng năm chữ, cũng mang tên Chiều, tôi đọc năm lên mười khi học lớp nhứt trường tỉnh, đã khiến tôi bùi ngùi. Đọc trước khi nghe ca khúc Chiều do nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc thơ Hồ Dzếnh.

Chiều

Lão ngồi bên cửa sổ
Trong nắng nhạt chiều thu
Còng lưng đan chiếc rổ
Mai bán lấy vài xu 

Bàn tay khô lẩy bẩy
Kéo mũi lạt tre vàng
Theo điệu buồn run rẩy
Trên làn môi khô khan 

Cho tới khi chiều tắt
Đôi ngọn lá vàng rơi
Vô tình qua trước mắt
Lão buông lạt trông trời

Từ lâu như thế mãi
Vẫn không nói không cười
Lão ngồi đan chậm rãi
Hy vọng của ngày mai

Tố Hữu, tác giả bài thơ, thi sĩ cách mạng — không phải cách mạng thơ mà cách mạng cộng sản — đã viết Chiều năm lên mười tám tuổi, tại Huế vào tháng Mười năm 1938. Cũng vào tháng đó của năm đó, kẻ viết bài này oa oa chào đời trên đất Cao Miên, một đất nước bé nhỏ, láng giềng và kẻ thù không đội chung trời với Việt Nam. Tôi nhớ, rằng hình như tôi có đọc, hay người thầy Pháp văn trung học đã giảng dạy cho học sinh một bài thơ của Victor Hugo tương tợ, mà lúc đó, hay về sau tôi đã nghĩ Tố Hữu chịu ảnh hưởng, nhưng tiếc thay không tìm lại được. Hay là trí nhớ đã phản bội tôi? Bài thơ Tố Hữu là một tuyệt tác nhỏ, như bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên, êm ái, truyền cảm, không chê được. Nó chỉ có bốn đoạn, nhưng đầy đủ hơn bài thơ Vương Tân cũng bốn đoạn tôi nghĩ cần có thêm một đoạn trước đoạn kết mới cân bằng. Tố Hữu lúc đó còn trẻ, còn thành thật, chưa là cái loa truyên truyền cho chế độ, chỉ bấm máy ghi lại những hình ảnh xót xa từ cuộc đời đen tối của những người khốn khổ. Vắn tắt cho dễ thấy, tôi có thể nói rằng hai bài thơ năm chữ của Tố Hữu và Hồ Dzếnh còn nằm trong khuôn khổ thơ cổ điển, vì chỉ chú trọng tới một đề tài và một nhân vật, còn nội tâm nếu ta muốn nói vậy. Bài Chiều của Vương Tân chí ít đa diện hơn. Và xin lỗi độc giả, tôi đã hơi bị thiếu công bằng khi trách Hồ Dzếnh đem cái buồn riêng của mình ra nhân cách hóa vạn vật, bỡi lẽ sự nhân cách hóa thường xảy ra trong thơ ca và không thiếu những ca khúc sử dụng nhân cách hóa, nhưng ít vị kỷ và có lý hơn, vì nghĩ tới một người khác, như trong bài Nụ cười sơn cước của Tô Hải, tôi rất thích:

Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi
Mây mờ buông xuống núi đồi
Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời
Cỏ cây hoa lá thương nhớ mãi người đi
Và dâng sầu lên mi mắt người về
Thơ thẩn đàn chim ngừng tiếng hót
Và mưa xuân đang tươi luống u sầu
Buồn cho dòng nước
Mờ xóa bóng chim uyên
Và gió chiều còn khóc thương
Mãi mối tình còn vấn vương...

Trở lại thơ Vương Tân. Vâng. Thiển nghĩ của tôi là bài Chiều của Vương Tân đã mở rộng cảm hứng ra thế giới bên ngoài với tầm nhìn đa dạng hơn. Và ai trong mỗi chúng ta, ngay cả bây giờ, chiến tranh đã chấm dứt, bốn mươi năm hòa bình, ở quốc nội cũng như ở hải ngoại, những kẻ tạm gọi là trí thức trăn trở, ai trong mỗi chúng ta bây giờ, khi nghĩ tới mệnh nước nổi trôi rồi tới thân phận bấp bênh của mình, đôi khi đang bước, mà không bỗng dưng lòng muốn khóc? Không cần phải là thi nhân. Dân tộc nhà thơ cũng là dân tộc mít ướt. Và hay cười. Để bù trừ. Khóc đã rồi cười. Cười bể bụng xong thì lại tỉ tê. Hai mặt của một đồng xu dân tộc tính. Dù lắm khi cười ra nước mắt. Và cũng chẳng thiếu những lúc khóc vì sung sướng. Nhưng xin tạm để qua một bên, hẹn gặp nhau ở một lần sau.

Tuổi trẻ trong thơ Vương Tân tất nhiên là hổng vui rồi. Tất nhiên là buồn nản. Tất nhiên là phản kháng. Như mọi tuổi trẻ khắp nơi trên thế giới. Chiến tranh hay không chiến tranh. Nó chỉ có khác nhau ở chỗ nhiều hơn, hay ít hơn mà thôi. Thế hệ trẻ phải khác thế trước, khác những thế hệ đàn anh.

Tuổi trẻ luôn luôn cần phản đối. Nhưng đòi hỏi quá nhiều như ở Mỹ tự do ngày nay, có thể đưa tới những hệ quả tai hại. Tuổi trẻ của Vương Tân ngày đó chúng mình, và tuổi trẻ không còn trẻ nữa của chúng ta hôm nay, tất nhiên có nhiều lý do hơn để đòi hỏi.
Tuổi trẻ trong thơ Vương Tân, hay tuổi trẻ Vương Tân cho gọn bớt, có khác chăng là ở chỗ nó rất thực tế. Nó không mơ mộng. Nó chấp nhận sự thật hiển nhiên dù đau khổ. Nhưng nó vẫn phẩn nộ. Nó không như tuối trẻ trong ca khúc phản chiến một chiều Giận hờn, ta thán nhiều hơn phẩn nộ. Giẫy đành đạch thay vì chấp nhận thực tế. Chiến tranh: "em chả". Hòa bình: "em đòi". Cho bằng được. Bất cứ giá nào.

Vương Tân thi sĩ, viết:

cuộc đời ôi bóng tối
buổi chiều đèn thành phố
người đi và tôi đi
chia ly không chờ đợi...

tôi đứng bơ vơ
vật lộn tương lai
buổi chiều về đâu
đời như giang hồ
và nặng vực sâu...

Cuộc đời ôi bóng tối. Chiều mờ sâu bóng tối. Đời nặng vực sâuBóng tối thật. Bóng tối của buổi chiều và bóng tối từ cuộc đời hố thẳm. Không phải bóng tối do giới trẻ hôm nay tự tạo ra, để làm thơ, cho thơ nó thêm bi đát. Và cái chết. Cái chết, nếu trong thơ Vương Tân có nhắc tới, thì đó là cái chết thiệt, không là cái chết treo ngược, treo ngang, chết dang tay trên thập giá thay vì bị xe tải cán, thi sĩ hôm nay hãnh diện mang ra trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Chỉ trước đó một ngày. Một tháng. Một năm. Một thập kỷ. Trước Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trước cuộc di tản thứ nhứt. Trước tiếng súng ngưng bắn. Cuộc đời là:

súng dí sau lưng
tôi nghe lời quát
quay về bên trái
khi tuổi hai mươi
quay về bên phải
lưỡi dao đâm mày...

như một bí tích
chúng nó đầy đường
vết lở quê hương
nghe đau da thịt
lịch sử bốn nghìn
tôi cầm trên tay
trang sách lật qua
không lời huyền bí...

chúng nó cầm dao
đâm vào trái tim
và nhìn máu chảy...

chúng nó cầm dao
âm mưu giết người
chúng nó cầm dao
dấu trong tay áo
lưỡi dao phản chủ
chặt đứt quá khứ
chẻ gẫy tương lai...

này một quả bom
và thằng dân ngu xuẩn
này giấc mơ tiên
những ảo tưởng cách mạng
nước không thừa để uống...

bên phải hay bên trái
những trận tuyến chúng bây
này đồ quân ngu xuẩn
mày nói nữa đi xem
này mũi súng sau lưng
này con dao dấu lén
số phận đã quyết định...

lúa ruộng tao vừa chín
cây vườn đang trổ bông
sao chúng mày chia bán
hỡi lũ quỷ cầm dao
con chó ngao miệng toác
địa ngục và thiên đàng...

tao sinh ra làm ngưới
tao phải sống ở đây
cho vườn cây sinh trái
và đập tan chúng bây
như đập loài thú dữ...

Và ngay sau đó, giữa những năm 1954-1961, cuộc đời vẫn là:

con đường mìn chông ấy...

quả bong bóng đứt giây
bay ra ngoài tầm mắt
con tầu đen lầm lũi
đứt giây thắng chạy hoài...


chiếc xe lô hỏng máy
lao mạnh vượt qua đèo...

bão táp nước biển dâng
chiếc thuyền nan nát mục...

Để cuối cùng:

cuộc chạy đua mất hút
chiếc tầu mệt đứt hơi...

nhưng hôm nay hôm nay
bọn sát nhân còn đó
khí giới cứng trong tay
nhắm đâm vào tuổi trẻ
những số phận hẩm hiu..

mặt trời không của bây
chúng nó bảo như thế
và chia cắt thịt da
chúng nó hét ầm ỹ
rồi cắt cổ chúng ta...

Vương Tân, chàng tuổi trẻ Vương Tân, chàng thi sĩ Vương Tân, là:

người học trò lớp ba 
bước vào đời bỡ ngỡ
chấp chới như hồn ma
đêm khuya nhà đóng cửa...

vào thời điểm đó, "đêm ngày vật tương lai". Nhà thơ trẻ của chúng ta lúc đó cũng là "người võ sĩ luống tuổi / nghe thân thể hắt hiu", một thanh niên già trước tuổi vì thời cuộc. Thuộc giới trẻ trí thức tiểu tư sản thành phố, mà cuộc cách mạng cộng sản muốn tiêu diệt tận gốc. Bởi vì nó có tiếng nói. Tiếng nói tự do. Tiếng nói đấu tranh. Tiếng nói xây nhân loại. Và nó dám mở miệng.

Dù bàn tay nó cầm bút, không cầm cày, không cầm búa, không lao độngchưa cầm súng. Dù cho "hai bàn tay xương khô", "hai bàn tay trống trơn", nhưng là "hai bàn tay vung lên" trước "những họng súng đưa ra", trước những "đồ giết người bốn phía". Ở cuối "hai cánh tay hoang mang". Nơi đầu "những cánh tay mãi đen".  "Những cánh tay để trần". "Những cánh tay gầy guộc". "Những cánh tay dài ngoằng".

Nghĩa là tuổi trẻ đó, tuổi trẻ trong thơ Vương Tân, mà cũng là tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ, có hai bàn tay và hai cánh tay vô dụng, dư thừa. "Năm tháng tay mọc dài" và "dơ (giơ) mãi đôi cánh tay", "đôi cánh tay hoang mang", và có khi từ "vực sâu dơ (giơ) tay với" để "đôi bàn tay chới với" "ôm trời" hay "ôm cuộc đời". Nhưng than ôi, "mẩu trời màu xanh" thì "trống vắng". Cuộc đời thì "trống trơn", "cô liêu", "hoang vu", quạnh hiu". Người thanh niên

thắp mãi ngọn đèn chai
niềm hi vọng chưa tắt
buổi chiều sao mới mọc
những bước chân đi dài...

nhưng qua những "năm tháng nhuốm hoàng hôn", chung cuộc thì

đã ba ngày trông đợi
áo cơm đời vắng teo...
hi vọng cuối đổ xuống
cuộc đời cũng ngã theo
chiếc xe lô hỏng máy
lao mạnh vượt qua đèo...

và gã thanh niên, người thi sĩ có khi phải

con đường nhỏ bùn lầy
chiếc cầu gỗ lung lay
bước trở về đau khổ
nhịn đói chờ ngày mai...

"Tuổi trẻ cất tiếng kêu" chỉ "nghe đạn nổ rền ngày tháng" và "những nín thinh vời theo". Tuổi trẻ là

sự sống và muối chát
nhà tranh đàn chó con...


tuổi trẻ ôi tuổi trẻ
bờ mương đàn cá lốc...

Cô đơn, muộn phiền, chán nản, tuổi trẻ đôi khi cũng có những phản ứng tức giận điên rồ của kẻ gần tuyệt vọng muốn trả thù. Nhưng trả thù ai?

tôi đã nói nhiều
nhưng buồn quá lắm
sa mạc tiếng kêu
lời mình ngu xuẩn

tôi cởi áo ra
phơi trần xương ngực
và hét thật to
những lời láo xược...

tôi cầm lưỡi dao sắc
bước xuống hè phố đông
ném cái nhìn ngơ ngác
lên ngọn chuông giáo đường...
Khi nguôi giận, lúc thoải mái, người thanh niên thi sĩ hồi ức lại


Ngày xưa
bốn người con gái
bốn ông thầy tu
hai chiếc ghế dài
vườn cây không nắng
tôi đứng bơ vơ
vật lộn tương lai
buổi chiều về đâu
đời như giang hồ
và nặng vực sâu
chân chồn mắt đỏ
thoáng bóng ngày xưa
hoa hồng vườn nhỏ

Xưa nhưng không cũ. Xưa nhưng không nguyễn nhược pháp hoài cổ. Xưa nhưng rất jacques prévert hiện đại liệt kê đếm nhẩm. Nói thiệt, kẻ viết bài này này không thích hoa trong thơ nhưng rất yêu cái bông hồng trong vườn nhỏ đó. Tuyệt vời.

Thiên nhiên cũng không muốn dự vào chuyện con người:

khoảng hư không huyền bí
những hoài hoài nín câm...

cây vông mùa nắng lửa
trổ đầy hoa dửng dưng...

và con chim tha rác
đi làm tổ phương xa...

Hay là:

nước chảy đầu trống trơn
những ngọn núi vươn cao
con đường quay chóng mặt
gió cuốn đuổi theo mau
nửa đêm trời rét mướt
bước trở về bâng khuâng
xóm đen hoài mưa tuyết
mùa thu không heo may...

Tình yêu không xây lâu đài tình ái. Tình yêu không dựng túp lều lý tưởng. Tình yêu không như trái phá con tim mù lòa. Tình yêu là "cùng khốn", "lạnh buốt", "buốt ngực":

nằm im trên sườn đá
mối tình con ốc hoang...

chúng mình bơ vơ
bệnh gan vàng vọt
khuôn mặt xanh xao
tình yêu xa cách
như mây trời bay...

tình yêu là thế
một lần cho đi
hai đứa chia rẽ
sầu như mặt trời
những tháng mùa đông...

gió vàng bãi cát
lạc đà lênh đênh
tình yêu xa cách
như mây trời bay
chúng ta tìm đuổi
bóng nhau hoài hoài...

buổi sáng đầy cơn sốt
nắng vàng nắng vàng run
một mình tôi nằm khóc
thương nhớ em không cùng...

Tình yêu thiệt. Đau khổ thiệt. Không phải thứ tình yêu đau khổ lãng mạn, thú đau thương tự tạo, thi sĩ thơ thẩn mộng mơ thấy gái là híp mắt, yêu, yêu, yêu. Yêu đại yêu càng, yêu quàng yêu xiêng, yêu ngang yêu ngửa, yêu đắm yêu đuối, kiểu... "yêu là chết trong lòng một ít / vì mấy khi yêu mà chắc được yêu". Tội nghiệp.

Tuy thế, tình yêu trong thơ Vương Tân, đôi lúc cũng thăng hoa khi "có đôi nhân tình nhỏ / líu ríu bước đi quanh", khiến cho "cuộc đời như mến yêu / đôi lứa như vừa lớn", để:

mùa đông mặc áo rét
có lửa ấm tình yêu...

Đôi mắt người con gái, khi xuất hiện, nó không to đen, ngây thơ ngơ ngác con nai vàng, như trong thơ lãng mạn, trong ca khúc nhạc vàng "đường dài hun hút / cho mắt thêm sâu" thay vì cho... chưn thêm mỏi:

đôi mắt to chết đuối
hai con mắt sẫm mầu
em cười hàm răng khuyết...

này bức thư xa
người tình cách trở
cơn đói đứng rình
mắt hoa nắng úa

này chiếc đầu to
hai tay dài ngoằng
này con mắt sáng
trũng sâu đêm hoang...

yêu bắt đầu đau khổ
và nguyền rủa thật to...


Tà áo cô gái không đem lại sự mát mẻ cho thi nhân trên quảng đường trưa nắng gắt, bởi vì

tà áo trắng em đỏ
những vết tích chiến tranh...   

Nó — tà áo — cững không "tím buồn ngẩn ngơ, khóc trong chiều gió mưa, khóc thương hình bóng xưa". Nó phun khói, tà áo. Nó vàng vì trời gió, tà áo. Nó — tà áo — nếu có bay thì không để "mở khép niềm tâm sự", mà chỉ bởi thời tiết và sương gió của cuộc đời vô vọng âm thầm:

tà áo vàng trời gió
áo trắng bay mù sương...

Trong thơ Vương Tân tất nhiên cũng có những trạng từ quen thuộc thường thấy trong thơ ca lãng mạn, như "lênh đênh", "mông mênh", "hoang vu", nhưng trong bối cảnh hiện thực:

những cánh tay hoang vu...

đầu đường căn nhà lá
tiếng cãi lộn lênh đênh
cuối đường tiệm nước "trệt"
bài vọng cổ mông mênh

Câu thơ Vương Tân là những câu chữ, câu nói đời thường rút ra từ đời thường trong cuộc sống hàng ngày. Không cầu kỳ. Không hoa mỹ. Không tu từ. Đọc lên ai nghe cũng hiểu. Nhiều câu thơ, nhiều hình ảnh tái xuất hiện một cách hồn nhiên, bình thản như những chuyện vặt vãnh xảy ra mối ngày:

chiếc máy nước bốn vòi
đứng tỉ tê khóc than
cây vong mùa nắng lửa
trổ những hoa dửng dưng...

cuộc đời người đi trốn
thời gian những giảo hình
ngoài sông gió lồng lộn
buổi tối buồn đau tim...

Hai bàn tay, hai cánh tay moc dài theo năm tháng, ngoài việc cầm bút làm thơ, thì hoàn toàn vô dụng. Đôi chân thi sĩ tất nhiên hữu ích hơn. Chí ít là để bước "loanh quanh" trong thành phố. Bước dài rồi bước ngắn. Bước nhanh rồi bước chậm. Bước tới rồi bước  lui. Mỗi ngày. Cả ngày. Từ xóm nghèo ra trung tâm thành phố hoa lệ rồi lại bước trở về "căn gác nhỏ ngu ngơ", nghĩa là:

tôi đi và trở lại
con đường vẫn trống trơn
như thượng đế hôm nay
đi tìm nơi ẩn trốn...

Bước lòng vòng tới lui trong cuộc đời "trống trơn thời gian trắng" vì hòn ngọc viễn đông lúc đó chỉ còn lấp lánh trong ánh đèn mờ, ánh đèn vàng hiu hắt, thành phố hoa lệ thực ra, nếu không là ao tù, thì cũng là một khu vườn bỏ hoang có rào kẽm bao quanh. Vương Tân mở lòng:

một mình trên gác nhỏ
thành phố như người mù
tiếng hát ai cô quạnh
ngõ hẹp đêm bơ vơ...

khúc nhạc buồn Chopin
nằm im nghe đêm vắng
sự nín câm tròng chành
nôn mửa cuộc đời hoang...

và không buồn không khóc
núi rừng gây rét mướt
chủ nhật phố đông người
ở đây đèn điện tắt...

Điện tắt xảy ra thường xuyên trong các xóm bình dân sau lưng thành phố Sài Gòn thời đó. Đời là một cuộc hành trình trên "con tầu lắc" mà:

từng ga và từng ga
những đổi thay bé nhỏ
lữ hành không cảm súc
tôi buồn như tuổi thơ...

Nếu bỏ thành phố lên rừng "tìm bản ngã" như "thượng đế hôm nay đi tìm nơi ẩn trốn" thì:

lên rừng tìm bản ngã
nước sông chảy dưới cầu
người đi và người đến
tháng ngày chật đớn đau...

Thành phố như người mù. Đôi chân trai tráng khoẻ mạnh, có chút tự do, nhưng để bước đi đâu, để bước tới đâu, với cái túi rỗng vô duyên không tiền? Do vậy, ta ít thấy rượu bia, thuốc lá, cà phê trong thơ Vương Tân như trong thơ hôm nay. Tiếc thay, thơ hôm nay ô nhiểm bởi rượu, khói thuốc, những tách cà phê đậm đặc, những kích thích tố để có thể làm thơ hay để trám chỗ khi người làm thơ không có, không còn gì để nói, đáng nói nữa. Có tiền thì mới dám bước vô quán. Thời đó chưa có cà phê bụi, chưa có nhiều quán nhậu bình dân như trong nước bây giờ. Dẫu sao, Vương Tân không cần những thứ đó để làm thơ.

Thơ bốn chữ, thơ năm chữ của Vương Tân có những hình ảnh lập lại, những câu thơ gần giống nhau, tất nhiên phản ánh cuộc đời ít đổi thay, tuổi thanh xuân hoang vắng, hoang vu, cô liêu, trống trơn, hụt hơi, lộn ngược, buồn chán đều đều từng bước, ngày nào cũng như ngày nào. Hôm qua như hôm nay như ngày mai. Cuộc đời nhà thơ trống vắng nhưng giấc mơ thì "dài ác mộng". Thơ Vương Tân tợ những bức tranh ít màu, thâm chí chỉ hai sắc, xám và đen, như trong tranh Bernard Buffet, sau thế chiến thứ hai. Thêm vào đó, người đọc thơ bốn chữ, năm chữ Vương Tân cũng có thể nghĩ rằng họ đang xem một bức tranh xã hội, một bức tranh nho nhỏ, sử dụng kỷ thuật tranh cắt dán, ghép chung những hình ảnh, những cụm từ, có thể thiếu liền lạc theo lôgic, thậm chí đối nghịch nhau, nhưng đã tạo ra được một nội dung ý nghĩa, bất ngờ:

lũ trẻ con ồn ào...
những sợi tóc rối tung...
chiếc cây khô trơ cành..
căn nhà gạch đổ nát...
tôi nghe mãi inh tai...
tiếng xe đầy buổi sáng...
những nỗi buồn góp lại...
trong mắt em hoang mang...
anh khoanh tay trước ngực...
nghe tiếng hét inh tai...
máu chảy đỏ hai vai...
nỗi hờn Budapest...

dưới mái hiên tình cờ
mắt ai buồn cô quạnh
bữa cơm chiều ngóng đợi
trời mưa trời mưa nhanh...

Mái hiên, đôi mắt, cô đơn, bữa cơm, trời mưa, ghép chung nhau, cho độc giả thấy trong nháy mắt một cảnh tượng, một suy tưởng, một không khí, một không gian, vừa hiện thực vừa thi vị, thơ mộng nếu ta muốn. Tất nhiên mái hiên phải ở trung tâm thành phố, bữa cơm chiều ở ngoại ô, hay một nơi xa trung tâm, trong một xóm nghèo "đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em" như trong một ca khúc của Phạm Duy.

Thơ ba chữ, bốn chữ quá ngắn. Bảy chữ, tám chữ có thể quá dài. Lục bát mười bốn chữ lê thê, đều đều. Thơ một chữ tôi chưa thấy nhưng người làm thơ vẫn có thể thử nghiệm. Thơ hai chữ cũng hiếm. Nhưng Apollinaire đã kết thúc một bải thơ của ông với sáu câu thơ hai âm tiết, nghĩa là hai chữ:

Lá vàng
Dưới chân
Con tàu
Đang chạy
Cuộc đời
Đang trôi

Cung Trầm Tưởng thời du sinh ở Paris đã lồng bốn câu thơ hai chữ khá xinh vào giữa một câu thơ tự do và hai câu lục bát:

Ngày tàn theo bánh xe lăn về viễn phố
Em ơi
Sương rơi
Ngoài song
Đêm hạ
Ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma
Tiếng chân gõ nhịp người xa vắng người...

Thơ năm chữ không quá ngắn không quá dài, dễ nhớ, dễ sử dụng như một thứ tốc ký, nhựt ký, để ghi chép bất cứ thứ gì. Tôi đang sử dụng thơ ngũ ngôn để làm thơ bất tận. Tự trào và ngạo đời. Ghi lại những cảm nghĩ lúc chung cuộc cho vào một thùng rác không đáy, bất tận, đem ra sân chơi chung, ném vào bãi rác thơ công cộng. Để kẻ nào đó muốn tiết kiệm, muốn giảm ô nhiểm thì tái chế. Hay để ai đó thấy có cái nào còn xài được thì lượm lên... ngâm nga chơi. Nhân dịp xin ghi ra đây một trích đoạn cống hiến độc giả:


Người thợ bốn mùa

người thợ và con trai
làm nhiều nhưng ít nói
không cám ơn chào hỏi
không phạm điều gì trái

nhưng tôi thấy ngại e
vì quen thói xã giao
vì được gia đình giáo
dục cám ơn từ bé

tôi boa thằng con trai
mười bốn tuổi cao lớn
hai mươi bảng để xài
nó nhận không cám ơn

bố nó cũng lấy tiền
đút ngay vô túi liền
ko một tiếng thanh kiều
thì cũng chẳng khó hiểu

vì đã phải kiếm sống
từ năm lên mười sáu
làm đủ việc lao động
rồi học thêm nghề sau

anh bấm chuông xin rửa
cái sân trước đóng rêu
xanh cho nó khỏi rệu
tiền công anh kèn cựa

rồi anh lại xin tráng
cho mưa thoát khỏi tràn
thấy cha con anh dễ
thương nên tôi ô kê

dù chẳng có bao nhiêu
tiền công hơi bị nhiều
tiền bạc tôi không thiếu
nợ ai nên cứ tiêu

anh ở tỉnh windsor
có cái lâu đài cổ
trong một căn nhà nhỏ
sáu mạng không đủ chỗ

lâu đài cổ nổi tiếng
tôi đã từng xem ảnh
dập dìu du khách viếng
là của nữ hoàng anh

ngồi bên cái mug trà
hai chúng tôi chuyện trò
tôi hỏi chuyện cho vui
nghe xong thì bùi ngùi

anh hẹn sẽ trở lại
đầu tháng giêng xén rào
máng sối anh sẽ cào
thêm vài chuyện lai rai

cháu tôi ở paris
tiền bạc nó khinh bỉ
nó là con bác sĩ
thiếu hụt chưa từng bị

chủ nhựt là ngày mai
mười ba tháng mười hai
tôi thích số mười ba
vì tôi khác thiên hạ

tui đọc thơ bùi giáng
không thích và không nhiều
nhưng mà lại rất nhiễu
đặc biệt từ giúi bàng

khùng điên đã khiến cho
thơ bùi giáng thế đó
hay thơ ca khiến cho
ông điên khùng thế đó

loạn điên đã khiến cho
tranh van gogh như vậy
hay hội họa khiến cho
ông điên loạn như vậy

bất tận đã khiến cho
thơ mi như cứt chó
hay thơ thẩn khiến cho
mi trở thành cậu chó

chuyện nhỏ nhưng mà to
hay chuyện to thành nhỏ
văn nghệ không là trò
hề để mi chỉ trỏ

cái trứng và con gà
xoay tròn vòng lẩn quẩn
suy nghĩ mệt chết cha
ai biểu mày thơ thẩn...

Wao! Đúng là thơ khổ tai độc giả... bất tận.

Có một bài thơ Vương Tân bốn chữ tôi rất thích. Về một câu chuyện tình, dù tôi không mấy thích thơ tình. Bài thơ bốn chữ của Vương Tân kể lại một câu chuyện tình tất nhiên không vui, để tránh nói đau khổ, của thời tuổi trẻ, có vẻ thành thật, gây buồn lâng lâng, nên tôi thích. Bài thơ mang tên sài gòn đà lạt và tình yêu, mà tôi nghĩ có thể bớt chữ "và" để trở thành "sài gòn đà lạt tình yêu" dễ thương hơn chăng? Từ "và" trong trường hợp này thiển nghĩ nó chia cách hơn cộng thêm. Không phân ra nhiều đoạn, bài thơ gồm hai phần khá dài. Tôi chỉ chép lại phần một. Các câu thơ tiếp nối như trên một chuyến xe sài gòn đà lạt đi tìm thời gian đã mất, một cuộc hành trình, hay đúng hơn, một cuộc hành hương trở về chốn cũ, trở lại quá khứ:

Trên ghế băng này
Bẩy năm xa cách
Ôi khoảng thời gian
Mưa rơi giá buốt
Tôi lại gặp em
Mắt buồn hơn trước
Nắng xế bên thềm
Tội chưa cứu chuộc
Tình yêu là thế
Một lần cho đi
Hai đứa chia rẽ
Sầu như mặt trời
Những tháng mùa đông
Chiến trường súng nổ
Anh bước trở về
Không một vết thương
Công viên ngày ấy
Lá đổi thay vàng
Ghế đá năm cũ
Mòn dấu thời gian
Giang hồ bốn phía
Anh thêm dại khờ
Đi rồi không đến
Chúng mình bơ vơ
Bệnh gan vàng vọt
Khuôn mặt xanh xao
Anh ôm năm tháng
Nỗi buồn tình yêu
Đường lên Đà Lạt
Mùa xuân hoa đào
Trời cao ngơ ngác
Ngày tàn trôi mau...

Thi sĩ Vương Tân không là người đầu tiên hay là kẻ cuối cùng làm thơ bốn chữ, năm chữ. Trước ông, đã có vài bài thơ năm chữ rất hay, đã trở thành kinh điển, đã đi vào văn học sử. Vương Tân không âm nhạc bằng một Lưu Trọng Lư của Tiếng thu. Vương Tân không nghẹn ngào bằng một Vũ Đình Liên của Ông đồ. Vương Tân không vần vè nhí nhảnh điêu luyện bằng một Nguyễn Nhược Pháp của Chùa Hương. Tô Thùy Yên, thi sĩ đồng thời và có thể từng là bạn của Vương Tân có bài thơ năm chữ Đêm qua Bắc Vàm Cống tuyệt vời. Trần Dạ Từ có dăm bài ngũ ngôn khá hay tuy không có gì thật đặc sắc để người viết nói tới. Nhã Ca khởi sự thi nghiệp với bài thơ bốn chữ Tôi làm con gái đã làm nên tên tuổi của bà. Tới đây tôi xin mở ra một cái ngoặc nhỏ: Bài Chiều vừa cổ điển vừa xã hội, vì "không nói không cười", Tố Hữu viết năm 1938 ở Huế trong thời khởi điểm thơ ca lãng mạn, một năm trước nhưng tất nhiên đã bị "Tiếng thu" du dương ồn ào của Lưu Trọng Lư viết năm 1939 ở Hà Nội hay xuất hiện ở Hà Nội, che phủ.  Nhưng Vương Tân là Vương Tân, và đó là cái hay, để tránh nói là độc đáo. Nhưng đó lại là cái rủi cho độc giả ở đây nha. Vì nếu thơ năm chữ Vương Tân mà giống thơ năm chữ các bậc tiền bối, hay chỉ hao hao giống thôi, quí bạn đã khỏi bị mất thì giờ quí báu bỏ ra đọc những cái nhảm nhí trong bài viết này.

Tất nhiên cũng đã có những ca khúc nổi tiếng, tuyệt vời, với lời ca năm chữ như Mộng ban đầuQuê emTiễn emEm ra đi mùa thu, vân vân. Thơ năm chữ Vương Tân sử dụng ngôn ngữ đời thường không bóng bẩy, không hoa lá cành, không tiếng chim ca. Vâng. Không thể phổ nhạc cho "tiếng máy xe nổ", "tiếng cãi lộn lênh đênh", "tiếng đạn nổ rền ngày tháng". Mặc dầu trong thơ Vương Tân đôi khi cũng có những hình ảnh, những cảnh thơ mộng, như trong Gặp gỡ, một bài thơ tình chả giống ai:

Hai người cúi nhìn nhau
Trời mưa mây xuống thấp
Hàng cây tung tóc rối
Những mắt cười vồ vập

Những linh hồn phiêu liêu
Bờ sông và cá nhỏ
Cuộc đời như mến yêu
Tan nụ cười thú dữ

Đường nhựa bóng sạch trơn
Đôi lứa như vừa lớn
Những cánh tay dài ngoằng
Ôi dịu hiền cơn sóng

Hai người đứng bâng khuâng
Đôi hàng cây khiêu vũ
Chiếc màn mưa thưa mỏng
Nghe chiều ngút sương mù

Tình yêu cất cánh bay
Chuông giáo đường réo gọi
Chiếc xe ngừng chờ đợi
Một con tầu nhổ neo

Cây tung tóc rối, cây khiêu vũ, mắt cười vồ vập, nụ cười thú dữ, chỉ vì có hai kẻ vừa gặp gỡ nhau. Tôi vẫn còn nhớ buổi chiều khi người bạn đời và tôi gặp nhau trong hành lang Éden nơi có rạp xi-nê cùng tên đã đi vào văn học sử nhờ truyện và kịch của nhà văn Marguerite Duras. Buổi gặp gỡ giữa chúng tôi trong hành lang thương mại có những tiệm vàng, đồng hồ, mỹ phẩm, hàng hiệu Paris, tiệm sách Mỹ, tất nhiên không thơ mộng như trong thơ Vương Tân có những hình ảnh bất ngờ, dữ tợn, mà dễ thương biết mấy. Tình yêu cất cánh bay như trong tranh Chagall bị tiếng chuông réo gọi bay trở về. Nhưng một chiếc xe đổ lại, chờ đôi trẻ mới gặp nhau bước lên. Một con tàu nhổ neo mang theo niềm hy vọng mới của tình yêu, bởi tình yêu. Tình yêu "làm thay đổi cả thiên nhiên", như một nhà thơ khác đã nói. Hay là thiên nhiên vẫn như cũ, nhưng được nhìn bằng một cặp mắt khác, đôi mắt của thi nhân?

Tôi còn nhớ trong một bài viết nhưng không nhớ tên, đăng trên tờ Nhịp cầu bên Đức, một trong vài tờ báo tiếng Việt hiếm hoi ở hải ngoại đầu thập niên 80, còn đánh máy và thêm dấu bằng tay, chủ nhiệm kiêm nhà văn nữ Đoàn Minh Phượng đã ví thơ năm chữ Vương Tân với những xâu chuỗi hoa lài vài cô gái đứng bán bên lề đường trước cửa nhà ga Sài Gòn trước 75, cho những người lái xe gắn máy chạy qua lại. Và tôi còn nhớ năm đầu tiên khi mới về Chu Văn An, thầy trẻ hơn trò theo lời ông hiệu trưởng, trong giờ ra chơi, một học sinh lớp đệ nhứt cho tôi biết ở trường Gia Long hay Trưng Vương có "Hội ái thơ Vương Tân" hay "Hội ái hữu thơ Vương Tân" của các cô nữ sinh. Tôi cũng còn nhớ cậu học trò này nhưng vẫn không nhớ tên, là em của nhà thơ Phạm Nguyên Vũ, lúc đó du học Úc, có mấy bài thơ tự do, tôi thích, đăng trên tờ Sáng Tạo bộ cũ.

Các ca khúc Vương Tân thời trẻ ông đã nghe, và đã xuất hiện trong thơ ông, đều là Âu Mỹ, nhạc jazz, hay ca khúc miền viễn tây trên đồng cỏ bao la. Chúng không du dương quyến rũ. Cô ca sĩ da đen hát các bài blues "rẫy chết tiếng hát còn trên môi". Những tiếng hát, nếu khi nghe không "dửng dưng",  thì nó khiến con ngựa chạy lồng lên, và nhà thơ "khùng trong điệu nhạc":

con ngựa chạy lồng lên
giữa đàn bò ngu xuẩn
anh khùng trong điệu nhạc
và bắt đầu gây hấn

Bài thơ Ở lại, ghi ngày giỗ đầu Quách Thoại, tôi có thể để nguyên và sử dụng lại để đưa tiễn và tưởng niệm Vương Tân:

Nghe tin anh vừa chết
Buổi chiều đầy hoang liêu
Ngày mai tôi phát vãng
Thương nhớ nhau còn nhíều

Anh đi ôi cô độc
Trần gian vắng quá rồi
Buồn đau nên tôi khóc
Mưa rơi và lệ rơi

Cùng tham gia lịch sử
Chiều nay thiếu một người
Cùng mơ làm thi sĩ
Mỗi kẻ một phương trời

Không nghĩ mình gạch ngói
Tôi thấy buồn xa xôi
Cúi đầu đi đau đớn
Anh ơi thiếu nhiều rồi

Người lữ hành cô độc
Là anh hay là tôi
Trùng dương mênh mông sóng
Ôi cô liêu cuộc đời

Đớn đau nhiều quá lắm
Đêm tối sắp đến nơi
Tôi khóc và im lặng
Nhớ nhau có thế thôî

Gác xưa ai còn nữa
Hai đứa hai phương trời
Chia nhau thay lịch sử
Vắng anh nhiều mây trôi

Tôi vô cùng thích những câu thơ khách quan, không bình luận, không mô tả với một tính từ, ghi lại hai dữ kiện kết nối nhau bằng từ "và", giản dị nhưng tuyệt mỹ:

bờ sông và cá nhỏ...
mái hiên và hè phố...
tường gỗ và mái tôn...
nắng run và giấc ngủ...
sự sống và muối chát....
tôi khóc và im lặng...
người đi và tôi đi...
từng ga và từng ga...
rừng cây và chuyến đi...
người đi và người đến...
tôi đi và ngày đi...
địa ngục và thiên đàng...
mưa rơi và lệ rơi...

Và kỹ thuật lập đi lập lại các từ để diễn tả dung lượng rất đặc biệt Vương Tân:

nhưng hôm nay hôm nay...
mây bay mây bay nhiều...
trời mưa trời mưa nhanh...
nắng vàng nắng vàng run...

Theo thiển ý của tôi, thi sĩ Vương Tân, vô tình hay cố ý, hay may mắn ngẫu nhiên lúc sáng tạo, đã biến một thể thơ cũ trở thành hiện đại, thời sự, tân kỳ. Do vậy mà với tôi, thi sĩ Vương Tân hay thơ bốn chữ, năm chữ của ông đã cách mạng thơ.

Vương Tân đã ra đi. Chuyến xe chở ông đi tất nhiên không là chiếc xe lô hỏng máy, đứt giây thắng, lao mạnh vượt qua đèo. Nó cũng không là chuyến tầu chạy xuyên Việt, toa súc vật kín mít, những họng súng đưa ra, đồ giết người bốn phía. Nó hiển nhiên phải là chiếc xe, con tàu, hay trực thăng đưa thẳng ông lên thiên đường, hay cõi vĩnh hằng, nơi đang có một cuộc đời mới, vĩnh cữu, chờ đón. Ở Luân Đôn phố cổ, phố sương mù, bây giờ là mùa đông. Trời se lạnh. Hay giá buốt, tùy hôm. Bầu trời xám ngắt, trống vắng, tất nhiên không có nhiều mây trôi. Nhưng tôi vẫn có thể, qua khung cửa sổ bên hông bàn viết, nhìn lên bầu trời thênh thang xám, hình dung ra một chàng Vương Tân thi sĩ hai mươi tuổi và thấy những câu thơ năm chữ bằng sương khói bay lượn do phi cơ nhả ra. Dù sau, ở trên ấy, nếu Vương Tân có nhìn xuống cuộc đời hôm nay, nếu ông có vòng tay ra ôm lại cuộc đời dương thế của ông thời trẻ tuổi để khiêu vũ, thì tôi mong rằng ông sẽ không bước những bước ngắn, ngập ngừng, xoay người qua lại, của bản tango cuối cùng, mà ông sẽ quay những vòng valse luân vũ khúc mênh mông chan hòa những "mối tình bên bờ thành Vienne", trong một khổ thơ lên đường, kết thúc, rất valse luân vũ, ông đã viết sau cuộc xâm lấn Hungary bởi đại bác chiến xa Nga trong bài thơ mang tựa đề Em:

mùa này nước sông xanh
giòng Danube chắc buồn
anh nghe lại bản nhạc
và khoác áo lên đường

Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, chứng nhân tham gia lịch sử Vương Tân đã ra đi trong tiếng nhạc êm ái của một dòng sông huyền thoại mãi mãi xanh.

Cám ơn quí bạn, quí vị.

London, cuối năm 2015 - đầu năm 2016.
nguyễn đăng thường


                     Nguyễn đăng Thường  [1938-   ]  [ảnh thời trẻ]
Sinh tại Battambang/ Cambodge vì thân phụ chống Pháp, tranh cãi với [thượng thư] Phạm Quỳnh ở Hà Nội, nên bị thuyên chuyển.  Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khóa thứ nhất ( 1961), ban Pháp văn. ... Thích viết, ... nhưng không có ước vọng trở thành nhà văn.  Có một bài thơ (hoặc là một bài' Nhật ký tập thể) [được] đăng trên tạp chí Trình Bày .[Thế Nguyên, chủ nhiệm). ra ngày 01/ 09/ 1970.  Tiếp tục đóng góp cho Trình Bày cho tới khi rời Việt Nam sang Campuchia (1973); rồi sang Pháp (1974).  Ra hải ngoại, có văn thơ đăng trên các bào mạng. ... Tác phẩm: Nguyễn Đăng Thường, Thơ ( thơ, thơ dịch, Trình bày xuất bản, Saigon 1971) --  Dịch phẩm Pablo Neruda/ 20 bài thơ tình + một bài thơ tuyệt vọng (Trình Bày hải ngoại 1989) -- Blaise Cendras/ Văn xuôi của chuyến xe lửa Tây-bá-lợi-á & cô bé Jehanne de France(sau đổi tựa 'Văn xuôi đường tàu xuyên T6ay-bá-lợi-á & cô bé Jehanne de France' (Trình Bày hải ngoại, 1989) -- Jacques Prevert/ Paroles ( dịch chung với Diễm Châu, (Trình Bày hải ngoại, 1993) -- Samuel Beckett/ Tưởng niệm đã chết hãy tưởng tượng ( Trình Bày, 1996) -- Linda Lê/ Tiếng nói ( nxb Văn, 2013)  -- Thơ +Truyện Nguyễn Đăng Thường ( nhà xb Giọt Sương Hoa in vi tính theo dạng  hủ công nghệ. (theo tienve.org) ...
-- gio-o.com

-------------------
© gio-o.com 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét