(những mẩu rời thương nhớ / hvđông sơn
văn uyển 2015)
NHỮNG MẨU RỜI THƯƠNG NHỚ / HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
(nxb Văn Uyển, San Jose/ Calif. 2015] (sách do nhà văn Trần thị Bông Giấy thục hiện; in với số
lượng rất hạn chế ;chỉ để tặng vào dịp ngày giỗ
đầu cố văn nhân thi sĩ Hoàng Vũ Đông Sơn)
[i.e. Hoàng ngọc Ấn 1939 -- 12/9/ 2014 Saigon]
trái qua: điêu khắc gia Phạm văn Hạng+ Thế Phong
+Hoàng Vũ Đông Sơn+ Trần thị Bông Giấy.
(ảnh chụp tại Dalat 1997)
tự ái dân tộc
phiếm luận hoàng vũ đông sơn
Có lẽ trong cõi người ta ở dưới gầm trời này; chỉ có Việt nam là tự ái dân tộc cao nhất, cao vòi vọi. Bằng vào Việt sử, nhà nhạc sĩ Trịnh công Sơn viết:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây ...
Cũng nhờ cái khoản tự ái cao ngút trời ấy; mà một trăm năm, một ngàn năm; hoặc, hơn thế nữa; con Rồng cháu Tiên vẫn có sức quật khởi, làm cho quân ác ôn xâm lược phải te tua cuốn gói 'nhữ đẳng hành khan thủ bại hư'.
Thế mà cái ông thuyết minh viên ở Bangkok đã 'chọc quê' một nhóm trí thức Việt nam; trong 'tua' du lịch Thái Lan mới kỳ quái chứ.
Sao vây cà? Thì chuyện đầu cua tai ếch như thế này:
Mấy anh giáo 'hòn', giáo 'cục' có công giảng dạy giỏi xấp xỉ cỡ ưu tú; nên được nhà trường tưởng thưởng cho đi du lịch tận nước Thái Lan. Trong 'tua' này, đoàn đi thăm 'Bảo tàng chiến dịch anh hùng Thái Lan' [có] từ thuở xa xưa cho đến bây giờ. Cuối cùng, đoàn đến gian trưng bày khí cụ chiến tranh; gươm đao dáo mác và súng đạn. Thuyết minh viên từng chắc là quen miệng tụng ca; ông ta thuộc bài, thao thao mở máy:
"Đây là cung tên, dáo mác, mã tấu và súng thần công ... của quân đội Thái Lan giúp Nguyễn- phúc Ánh đánh tây Sơn nhiều trận lẫy lừng. Đây là súng đạn quân đội Thái Lan sử dụng khi giúp Nguyễn văn Thiệu giữ yên bờ cõi."
Nghe ngứa tai, tê tái, rồi nóng mặt; ông thầy giáo dạy Văn mới hỏi lại cho ra lẽ:
"Này anh! Anh có nhớ trận Rạch Gầm nước anh ngày đó gọi là Tiêm La [Xiêm La] đã thua lớn, đã mất bao nhiêu chiến thuyền+ bao binh tướng chìm xuống biển; không ?"
"Thưa tôi không biết. Trong tài liệu để thuyết minh không có khoản đó."
"Thế đầu thập niên '70s thế kỷ trước; quân Thái Lan sang tham chiến ở Việt nam, Sư đoàn Mãng Xà Vương của nhà anh đã đánh thắng trận nào? Nếu ngon như thế; sao phải sử dụng cả Rắn, Rết; để bảo vệ các chiến hào?"
"Chúng tôi có súng đạn chiến lợi phẩm+ các vũ khí; chiến sĩ chúng tôi đã sử dụng ở chiến trường cũ mèm đây làm bằng chứng."
"Các loại gươm đao dáo mác xưa+ súng đạn trưng bày này ở Việt nam; ngư dân ở Rạch Gầm vướng chài lưới rất nhiều. Còn súng đạn cỡ này; thì người lớn làm ruộng rẫy hốt cả đống, bán ve chai. Có báu gì đâu cái loại vũ khí Mỹ đã phế thải."
"Xin lỗi quý khách, tôi ... thấy quý khách Việt nam cũng có nhiều đoàn đến đây coi; mà không thấy ai nói gì. Họ còn chụp hình và mua quà lưu niệm nữa kìa."
"Cái đó là quyền của họ. Còn mấy người chúng tôi khác..."
Chuyện khẩu thiệt vô bằng; nghe qua rồi bỏ, nhưng 'nó' cũng nói nên tí tự ái dân tộc của mấy anh văn nhược. Các anh xứng đáng là thầy dạy của con trẻ Việt nam.
Tự ái dân tộc mà phải 'quại' nhau bằng mã tấu+ bom mìn; thì Việt nam ta có khối:
Ngàn năm hai nửa địa cầu
Anh hùng thiên hạ đếm đầu ngón tay
Việt nam khói lửa hôm nay
Vừa ra khỏi ngõ gặp ngay 'anh hùng'
(Ca dao mới của tỉnh Quảng Bình)
Còn tức anh ách như đầy hơi; phải lại quả nhau bằng lời nói+ chữ nghĩa cũng nhiều không kể xiết. Chỉ xin đơn cử:
1. Ông trưởng phái bộ của bộ ngoại giao Thiên quốc sang công cán. Dọc đường ông thấy một cô bán quán ngồ ngộ, nên ghé vào ăn uống; rồi buông lời nham nhở, để cùng cười hô hố với nhau:
"An Nam nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh" -- (An Nam, một tấc đất không biết bao nhiêu người cày).
Cô chủ quán chẳng cần nghĩ ngợi đáp liền:
"Bắc quốc đại trượng phu giai do tử đồ xuất" -- (Bắc quốc, các trượng phu đều chui ở chỗ ấy mà ra).
Truyền thuyết rằng vế 'đối' là của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn thị Điểm.
2. Khâm sứ Pháp ở Trung- kỳ/ Huế giỏi chữ Nho; ông ta ở Tàu nhiều năm. Khi sang Việt nam thụ chức, lại rất sính chơi câu đối. Ông ta vào điện Thái Hòa yết kiến vua Duy Tân; thấy vua còn bé quá mà dám coi 'mình' chẳng ra cái thể thống gì; nên y tức lắm. Đến khi được yết kiến, sau những lời lẽ công vụ+ xã giao; y đưa ra một vế 'xuất' hung hăng, đầy vẻ hăm dọa:
"Rút ruột vua tam phân thiên hạ."
Vua DuyTân đã không thèm sợ hãi; mà còn đối lại. Rằng:
"Chặt đầu Tây tứ hải vị gia."
Ai biết chữ Nho rồi; khỏi nói. Ai không biết; cứ lật bất kỳ cuốn từ điển Việt-Nho [Hán], Hán-Việt để tra 4 chữ: Vương=Tam, Tây= Tứ, để thấy nó khác nhau thế nào. Đôi câu đối này thuộc loại chiết tự.
"Rút ruột vua tam phân thiên hạ
Chặt đầu tây tứ hải vị gia"
Nếu tự điển cũng chưa làm thỏa mãn ; thì cứ túm áo mấy ông bà cử nhân văn chương ở gần; là họ giải tỏa cho.
Trở lại chuyện nay; thành phố tôi đang sống ở, vẫn phát động phong trào. Nào là: 'Năm du lịch, Xanh- Sạch-Đẹp' [để] chào mừng Sea Games 22. Nhưng đường phố thì ông bà nào cũng có quyền đào, bới. Đào thì cấp nước, thóat nước; bới thì điện chiếu sáng, điện thọai. Còn cư dân thì xơi lới thoải mái. Ngoài đường phố; thì nhốt cột điện trong sân trong nhà; vỉa hè trước cửa nhà là đương nhiên của ta, ta không xài thì cho mướn; kiểu bán vịt trời vẫn có 'ối' tiền. Công an, cảnh sát đến thì chạy; rồi đâu vào đấy. Các ngõ hẻm đều có bảng xanh chữ trắng đề chữ : Hẻm ... Lộ giới 4 m nay còn 2 m. Còn 2 m hay 1m 50, hoặc dưới nữa; là do hàng quán bán buôn bán lẻ... Ở chung cư hay cư xá thì khoảng trống trước nhà là của những nhà tầng trệt; họ nhốt luôn cống thoát nước công cộng ở trong nhà. Trên lầu, tất cả làm 'chuồng cu' bằng sắt thép lên không gian, đủ kiểu cách+ màu sắc.
Trên đài VTV ở Hà nôi còn có cả một nhóm kiến trúc sư chào hàng bằng đủ kiểu cọ, mẫu mã chuồng cu -- và giá cả lắp đặt để tiếp thị. (!)
Thủ đô đã vậy; thì các thành phố trực thuộc có 'ăn theo', cũng chẳng lấy chi làm lạ; khi cư xá xuống cấp nghiêng đổ lại than, lại rên sao?
Chỉ tội các kiến trúc sư vẽ các đồ án, các kỹ sư thực hiện đồ án, các công nhân xây dựng xong công trình được nghiệm thu. Có dịp đi qua, nhìn lại công trình của mình, thấy nó biến dạng; nó bầy hầy ngay tức thì. Người 'nhà' đã thấy gai mắt, thấy chướng làm sao ấy; huống chi du khách ngoại quốc.
Tự ái dân tộc bây giờ là điều trở nên quý hiếm lạ lùng. Tôi có chị bạn cũ một lần tương ngộ trên đường phố. Vào tránh nắng ở cái bàn ngoài hàng hiên một quán ven đường; chúng tôi hỏi thăm nhau về gia cảnh và sinh hoạt bây giờ. Chị ta cho biết mới ở Nga về, đi thăm con gái là nàng dâu nước bạn. Sang Nga làm bà ngoại 6 tháng mới về.
Tôi hỏi đùa: "Nga nhà quê hay Nga thành phố?'
Chị trả lời đầy tự hãnh: "Nga thành phố. Thủ đô Mátxcơva đàng hoàng. Nó cưỡi xe 'Mẹc-sa-đì' [Mercedes], ở biệt thự với đầy đủ phương tiện sống."
"Thế thì mừng cho bà có con rể là công dân một đại quốc. Biết đâu, mai kia mốt nọ, cháu ngoại bà làm thủ tướng, tổng thống Nga; thì vinh hạnh cho nhà, cho nước lắm. Việt nam ta d94 có 2 anh rể là Mỹ+ Úc qua 'mần' đại sứ rồi đấy. Biết đâu con rể một ngày đẹp trời qua đây, với chức danh đại sứ, là bà 'vớ bẫm; chứ chẳng chơi'."
"Thôi đi ông lỡm! Cả đời mới gặp nhau vài lần. Sao không nói chuyện tử tế với nhau."
"Tôi toàn nói chuyện tử tế, sao lại lên cơn 'nâng cao quan điểm' bất tử vậy cà? Nghe đồn con cái ông bà đều thành đạt hết trơn. Sao không ở bên đó vài mươi niên cho sướng cái đời. Bao giờ sắp 'đi ô-tô bương',
[qua đời] hãy về có hơn không? Vội vàng chi ..."
"Muốn ở thì được quá đi ấy chứ. 'Một mẹ già bằng 3 con ở' mà lại. Nhưng bực bỏ mẹ nên phải về."
"Cả hai vợ chồng cùng đi, còn 'bực' với 'bõ' cái khổ gỉ?"
"Thế mà bực đấy."
"Sao?"
'Thằng cha ấy chê thuốc lá Nga nhạt phèo, rượu tì thua xa rượu đế Việt nam; nên kỳ cạch chế tác cái điếu cày; rồi đi kiếm thuốc lào đem về kéo sòng sọc; hôi hám khiến con rể nó chịu không thấu, mặt sưng mày sỉa. Còn mình đi phố với con gái, gặp người bản xứ; nó hỏi mình là người Hàn quốc hay Nhật quốc ?"
"Thế bà trả lời Hàn hay là Nhật?"
" ... trả lời là Việt nam, chúng nó không chịu tin."
"Thế có chi là bực nào?"
"Bực vì con gái nó lườm nó nguýt. Nó bảo: "Má cứ gật gật, làm như người Nhật, người Hàn; cho chúng nó đỡ khinh. lần sau, má không được như thế nữa."
"Sao bà không chiều theo ý con gái?"
"Chiều là chiều thế nào! Nhật, Hàn hay cả Nga nữa; không có ăn cắp vặt, không buôn lậu, không tham nũng; chắc."
"Thì lão Bà phải biết:'Kinh đô cũng có thằng rồ/ Man di cũng có sinh đồ trạng nguyên.'
"Đã biết như vậy, sao cu cậu lại còn vờ vĩnh hỏi han, cho người ta bực mình thêm. 'Bỏ đi Tám', cái kiểu nhà quê,"Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm."
Nhưng vì sao mà họ lại nhìn lầm, trông gà hoá quốc như vậy? Tôi đoan chắc mẹ con bà lại 'đầm đìa liễu giọt sương huê', không mặc áo dài chứ gì?"
"Đúng thế."
"Đúng thế rồi còn than van gì nữa, đã lùn tì, chân đi vòng kiềng; như dân du mục, lại nung núc một đống thịt di chuyển; trong khi đất nước còn nghèo khổ, gọi cho đẹp là 'đang phát triển'."
"Vớ vẩn!"
" Không đúng thế hay sao?"
"Xin lỗi người đàn bà Việt nam cao quý!"
Chúng tôi đang đấu hót; thì một bọn 'Tây ba-lô' bước váo quán. Anh chị nào cũng đeo ba-lô ngược. Nhìn
họ, tôi nói:
"Bà còn nhớ ngày bà mới vào giải phóng cho chúng tôi ở Sàigòn, bà có kể cho anh chị em cũ nghe chuyện mấy 'Mấy Chiến Sĩ Gái Bê Quay', rồi cười nắc nẻ không?"
"Quên rồi! Chuyện nào thế nhỉ?"
"Chuyện: 'Ba lô đằng sau là ba-lô của Nhà nước. Ba-lô đằng trước là ba-lô của Nhà em."
"Đồ khỉ gió , cái ông này nhớ dai."
"Thế mấy anh đực kia không phải là cá ngựa, tức 'Hải Mã Ông'; sao lại đeo ba lô ngược?"
"Ờ nhỉ! Sao vậy cà?"
"Đeo đằng sau sợ bị rạch, quơ hết mất đồ trong ba-lô. 'Tả hữu tiền hậu dực' cho các đấng DiệuThủ là các ông bà, anh chị, cô cậu Cái Bang; họ có đẳng cấp cỡ trưởng lão cả; Vây hãm, xé lẻ đoàn người du lịch theo chỉ đạo của Diệu Thủ. Cười cợt với các con mồi bằng ngôn ngữ ngoại, cứ như là các ả Me Mỹ ngày xưa. Cũng 'Ô-kê Sa-lem', 'nô Sịt-ta-oe, cũng i,ét' như máy!"
"Thế thì đón khách du lịch thế quái nào được. Chả lẽ an ninh xã hội ta bết quá; hay sao?"
"Cái đó phải hỏi những người có trách nhiệm. Mà bà không đọc báo, nghe tin tức ở đài truyền hình sao/ Chắc là mải mê hạnh phúc, mải mê hãnh diện; nên không thèm nghe, biết; chứ gì?"
"Mình về hưu rồi. Mũ ni che tai. Chỉ đọc báo 'Sức khỏe & Đời sống' thôi."
" Quốc thể đâu? Tự ái dân tộc đâu? Thế thì, không được 'một ly ông cụ' nào. Tự ái của người trí thức, là 'Phù thế giáo một vài câu thanh nghị'. Chí ngủ như thế là không ngửi được."
"Ai người ta cho ngửi nữa mà ham."
"Có cho cũng chẳng thèm."
Nghe như tiếng dế kêu nhỏ xíu. Chị bạn tôi móc từ trong bóp ra cái điện thoại cầm tay be bé, xinh xinh; hét gầm gừ vào tai ai đó mấy tiếng ngắn gọn.
Chúng tôi chia tay; cũng như các lần đã chia tay, chả hẹn tái ngộ bao giờ. Quán cà-phê nhạc bên kia đường có giọng Khánh Ly vang vọng:
"Tưởng người đã đi. Không ngờ vẫn quanh đây."
Câu chuyện ruồi bu là cây táo trồng ở phương Đông; 'thì' trái ngọt; mang sang phương Tây 'thì' trái chua là ngụy biện; để ứng phó tình thế cho đỡ 'quê' của cái ông Án Anh, tướng quốc nước Tề đi sứ nước Sở ở bên Tàu ngày xa xưa; nghe vẫn nhức tai lắm. Đành rằng có cÁi vụ thổ nhưỡng; nhưng ví người với cây, với thú; thì 'ẹ' quá! Nấc thang thế gái của chị bạn tôi cũng chỉ ở vào loại 'thường thường bậc trung'; mà đã 'thu vén cá nhân', thì trách gì những người khác.
Phải chăng cụ đồ Nguyễn đình Chiểu đã đi, là cụ mang theo tất cả 'Lễ,Nghĩa, Liêm, Sỉ' của Việt nam xuống tuyền đài.
Tư cách tên quân giữ ngựa của vua Lê chiêu Thống chả bao giờ còn thấy nữa . []
hoàng vũ đông sơn
Thanh Đa, 26.10. 2003
(tr. 280- 284 NHỮNG MẨU RỜI THƯƠNG NHỚ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét