HUỲNH HỮU ỦY
HOÀI NIỆM
HỌC GIẢ THÁI VĂN KIỂM (1922-2015)
học giả Thái Văn Kiểm
Hạ tuần tháng 2 năm 2017 này, cây bút lão thành Thái văn Kiểm qua đời vừa đúng hai năm. Sau gần nửa đời người sống nơi đất khách, những ngày tuổi già xế bóng, ông tìm về quê cũ rồi yên nghỉ mãi mãi nơi đây.
Ông là một khuôn mặt quen thuộc đối với văn giới, học giới, với những người đọc sách có chú tâm về nền văn hóa dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua. Nhà Việt Nam học xấp xỉ tuổi bách niên chia tay với mọi người, nhìn chung quanh chúng ta chỉ còn nhận ra vài khuôn mặt hiếm hoi danh vọng khác cũng ở lớp tuổi ấy, có thể kể đến Vũ quốc Thúc, Đoàn Thêm, Trần ngọc Ninh, Trần văn Khê*, Lê thành Khôi. Nhỏ tuổi hơn một chút là Nguyễn thế Anh, Hà văn Tấn… Hy vọng còn vài nhân vật khác mà tôi không kịp nhớ ra.
Sinh năm 1922 ở Huế, bên bờ hồ Tịnh Tâm (1), một địa danh đặc biệt của cố đô, chính quán làng Bao La, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Thời tuổi trẻ, học trường Phú Xuân, trường Quốc Học, rồi được bổ nhiệm tham tá Tòa Khâm. Năm 1952, giám đốc Nha Thông tin Trung Việt, trực thuộc Hội đồng Chấp chính Trung Phần. Năm 1953, làm tỉnh trưởng Khánh Hòa, rồi tỉnh trưởng Ninh Thuận. Sau năm 1954, chuyển về bộ Giáo Dục, phó giám đốc Nha Văn Hóa, chủ bút Văn Hóa nguyệt san, chủ biên Văn Hóa Tùng Thư. Năm 1963, giám đốc đài Phát Thanh Sài Gòn; vài năm sau chuyển qua ngành ngoại giao, tùy viên văn hóa các sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở Tunis (Tunisie), Dakar (Sénégal), Kinshara (Congo). Sau biến cố 1975, trở lại Pháp và định cư ở Paris, làm việc ở thư viện Trường Cao đẳng Kiến trúc (L’Ecole Nationale Supérieure d’Architecture de Paris) đến năm 1987 mới về hưu. Một đời người nhiều biến chuyển, đi nhiều, sống nhiều, từ trong nước ra đến hải ngoại, tất cả đều thuận lợi cho một người hiếu học, ham thích làm việc, suốt đời đọc và viết, quan sát và ghi chép, và đã để lại nhiều dấu vết quí giá.
Cộng tác với nhiều diễn đàn văn hóa, bài viết của ông xuất hiện trên Văn Hóa Nguyệt San, Luận Đàm của Tổng hội Giáo chức, Đại Học (Huế), Tập san Sử Địa, nguyệt san Lành Mạnh ở Huế, Bách Khoa, Sáng Dội Miền Nam, Đời Mới, France-Asie, Sud-Est Asie, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises.
Hai tác phẩm của ông thường được nhắc đến nhiều là Cố Đô Huế (Văn Hóa Tùng Thư, 1960) và Đất Việt Trời Nam (Nguồn Sống, Sài Gòn, 1960). Cũng nên kể đến mấy quyển khác nữa là Việt Nam Nhân Vật Chí Vựng Biên, soạn chung với Hồ Đắc Hàm (Văn Hóa Tùng Thư, 1962), Chỉ Nam Về Viện Bảo Tàng Quốc Gia Việt Nam, soạn chung với Trương Bá Phát (Bộ Văn Hóa Giáo dục và Thanh Niên xb, 1974). Cuối thập niên 90 cho đến năm 2005, tập hợp các bài viết sau thời điểm 1975 và xuất bản:
- Việt Nam Tinh Hoa, Mõ Làng, Hoa Kỳ, 1997
- Việt Nam Gấm Hoa, Làng Văn, Canada, 1997
- Việt Nam Anh Hoa, Làng Văn, 2000
- Việt Nam Thăng Hoa, Làng Văn, 2005
Ông ký nhiều bút danh có lẽ là tùy cảm hứng của từng lúc, những Việt Điểu, Tân Việt Điểu, Hương Giang Tư Mã, Bao La Cư Sĩ, những bút hiệu chứa đựng tâm tình và nỗi lòng với đất nước, với quê hương, xứ sở. Ngày trước cụ Phan bội Châu ký bút hiệu Sào Nam thì kẻ hậu sinh ký bút danh Việt Điểu, cũng chỉ là chứa chất nỗi hoài cảm Chim Việt đậu Cành Nam. Lãng Nhân thì quý cái bút hiệu Bao La Cư Sĩ vì “nếu chỉ thấy hai chữ Bao La người ta có thể cho là khiếm trang, là tự phụ. Nhưng nếu biết đó cũng là tên nơi quê hương, thì cái bao la về kiến thức lại lồng vào chữ đồng nội của nước nhà, còn gì thân mật mến yêu hơn!” (2)
Đã nhắc đến Bao La thì cũng nên biết qua một chút về làng Bao La. Là làng quê chính quán của Việt Điểu Thái Văn Kiểm. Làng Bao La nằm ở phía bắc sông Bồ, cách Huế 30 cây số, nổi tiếng về nghề đan lát, hầu hết dân làng sống về đan thúng mủng, quai gióng, nong, trẹt, rổ, rá, dần, sàng… Làng Bao La phát về quan võ, trong khi đó làng Bác Vọng phát về quan văn, nên có câu phong dao ở Huế:
Bao La những ba đô thống
Bác Vọng võng lọng nghênh ngang
Thân phụ học giả Thái văn Kiểm là vị đô thống thứ ba trong các đô thống của làng Bao La, giữ chức đô thống trải qua 3 triều vua sau cùng nhà Nguyễn (3).
TẤM LÒNG VỚI ĐẤT NƯỚC VÀ CON ĐƯỜNG HỌC THUẬT
Việt Điểu chào đời rồi trưởng thành giữa một thời kỳ tao loạn đặc biệt của đất nước. Tang thương vì mất nước vào tay giặc Pháp, nhưng may mắn vì xứ sở có cơ hội thay da đổi thịt, để bước vào một thời kỳ mới của lịch sử hiện đại. Nửa phong kiến nửa thuộc địa chưa hẳn đã là xấu hoàn toàn, vì có thể lấy ngay ví dụ cụ thể là trường hợp Thái văn Kiểm, nương theo cơn gió lốc thời đại thổi tràn qua trên đất đai truyền thống, ông dẫm chân được trên cả hai nền văn hóa Đông-Tây. Giữ lấy tâm hồn trầm mặc phương đông, nhưng lại tiếp thu được phương pháp khoa học mới của phương Tây, làm vững chắc tri thức bản thân, góp phần canh tân và giữ gìn đất nước, để làm nhiệm vụ một người trí thức mới của thời đại.
Đọc được chữ Hán, thông thạo chữ Pháp, ông sử dụng những nguồn tài liệu cơ bản cũng như đặc biệt của một nhà nghiên cứu, với cách nhìn phân tích và tổng hợp rất chặt chẽ. Tham khảo thư tịch Quốc Sử Quán, Trường Viễn Đông Bác Cổ (l’ École Francaise d’Extrême-Orient), Hội Đô Thành Hiếu Cổ (Association des Amis du Vieux Huế), Hội Nghiên Cứu Cổ Học Đông Dương (Société des Etudes Indochinoises), cả tài liệu của Tòa Khâm. Ông còn quan sát, lắng nghe và ghi chép từ các cuộc điền dã trong những vùng đất ông nắm vững nhiều lợi thế để thực hiện. Ông đã tiến hành những nghiên cứu lịch sử, truyền thống, phong tục rất khoa học và nhất quán, với tấm lòng của một người yêu nước nồng nàn, với tín lý “văn dĩ tải đạo” để chỉ ra tinh hoa của dân tộc mà suốt đời ông theo đuổi.
Trong lời phi lộ mở đầu sách Đất Việt Trời Nam, bút giả họ Thái viết:
“Tôi đã không tự dối lòng khi tin chắc rằng động cơ duy nhất đã thúc đẩy tôi viết những trang sau đây là tình thương đất nước bao la và tha thiết của một trai thời loạn, đã trưởng thành trong cơn khói lửa. Bạn cùng tôi hôm nay sẽ thông cảm lập trường đó và chúng ta rất lấy làm hãnh diện là con dân một nước có một nền văn hiến cổ kính, một dân tộc đã từng nối liền ba con sông lớn nhất Á Đông là: Dương-Tử, Hồng-Hà và Cửu-Long-Giang. Bao nhiêu tinh ba của dân tộc, bấy nhiêu màu sắc huy hoàng của xứ sở, bạn cùng tôi sẽ ôn lại trong quyển “Đất Việt Trời Nam” là nhịp cầu thông cảm với đồng bào toàn quốc và cũng là chút lòng thành dâng lên Tổ Quốc mến yêu.”
Mấy dòng trên được viết khi tác giả đang ở độ trung niên, vừa đúng 38 tuổi. Tôi ghi thêm ở đây mục lục sách Đất Việt Trời Nam, tức là tựa đề một số khảo luận viết trong vòng 10 năm trước khi được tập họp lại để ấn hành thành sách, và được sắp xếp dưới 7 đề mục lớn:
I. NON SÔNG GẤM VÓC
1. Non nước miền Nam
2. Theo dấu hai bà Ngọc Vạn và Ngọc Khoa
3. An Giang xưa và nay
4. Sử học Việt Nam qua các thời đại
5. Địa lý học Việt Nam qua các thời đại
II. VĂN HIẾN CHI BANG
1 .Hai bài văn tế cá sấu.
2. Theo dấu Từ Thức
3. Thế kỷ Lê Thánh Tôn
4. Tìm hiểu Truyện Kiều
5. Hàn Mặc Tử
6. Ảnh hưởng Chiêm Thành
7. Hiện tình văn hóa Việt Nam
III. THUẦN PHONG MỸ TỤC
1. Luận về tài và đức
2. Nguyên ủy các tiết lễ Việt Nam
3. Ý nghĩa và cổ tục ngày Tết Nguyên Đán
4. Gốc tích cổ tục và nghề nghiệp Việt Nam
5. Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại
6. Giáo lý nhà Phật và thời đại nguyên tử
IV. SƠN HÀO HẢI VỊ
1. Bát trân
2. Khai thác yến sào
3. Ngậm ngải tìm trầm
4. Tung cánh chim
5. Loan phụng hòa minh
6. Sâm và nhân sâm
7. Suối nước nóng ở Việt Nam
V. DANH LAM THẮNG CẢNH
1. Động Phong Nha
2. Cây Đa bến Cộ
3. Huế muôn thuở
4. Lăng tẩm Huế
5. Hai mươi thắng cảnh thần kinh
6. Sự tích đức bà Thiên Y A Na
7. Đà Lạt tươi thắm
8. Saigon xưa và nay
9. Hương sắc miền Trung
VI. HÒA GIÓ BỐN PHƯƠNG
1. Huyền Trân về Chiêm Quốc
2. Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Tây Phương
3. Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Thái Lan
4. Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Miến Điện
5. Người Mỹ đầu tiên tới Việt Nam
6. Phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Mỹ quốc đến Việt Nam
7. Người Việt đầu tiên đã tới nước Mỹ
VII. CẢNH CŨ NGƯỜI XƯA
1. Đồng Hới, Đồng Hà, Ngũ Quảng, Đồng Nai
2. Du xuân Thuận Hóa
3. Những đặc tính của nền văn minh Việt Nam
4. Từ Trần tộc Từ đến Khải tường Tự
5. Từ lăng nhà Hồ Thủ Đức đến miếu họ Phạm Gò Công
6. Việt Nam trên đường giải phóng
7. Nước Đức trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân
8. Liệt nữ Nam Việt: Bà Từ Dũ
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một chút nữa về cách nhìn tổng thể của học giả Thái văn Kiểm khi gợi ý cho họa sĩ Duy Liêm trình bày bìa sách Đất Việt Trời Nam. Nền bìa là bốn chữ viết theo lối cổ tự Việt Thổ Nam Thiên= Đất Việt Trời Nam, trên tấm nền ấy nổi bật lên hình ảnh bản đồ Việt Nam toàn vẹn từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, và hình chim bạch trĩ, linh điểu của nước Việt Thường, ở phía nam Giao Chỉ, theo một điển tích có chép trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên:
“Đời Chu Thành Vương, năm Tân Mão thứ 6 (1110 trước công nguyên), ở phía nam Giao Chỉ có nước Việt Thường, qua ba lần thông dịch tiếng nói, đến dâng chim trĩ trắng… Sứ giả không nhớ đường về, nên Chu Công cho họ năm chiếc xe chỉ-nam; sứ giả ngồi trên những chiếc xe ấy, do đường bờ bể Phù Nam, Lâm Ấp, đi một năm thì về đến nước họ.”
Đó là tài liệu lịch sử, địa lý, văn hóa, khoa học và ngoại giao xưa nhất có liên quan đến Đất Việt Trời Nam. (4)
Xem qua bìa sách Đất Việt Trời Nam, rất cũ mà cũng rất mới, cổ kính mà hiện đại, đọc mấy lời phi lộ và nhìn vào bảng mục lục sách, người đọc dễ nhận ra ngay con đường tác giả chọn lựa. Đó là sự chọn lựa một định mệnh để dấn thân trên đường đời, từ khởi điểm cho đến kết thúc.
Ánh sáng của tình yêu đất nước luôn soi rạng ông, đã dẫn ông đi qua nhiều chặng đường. Tấm lòng là nền tảng, được hỗ trợ bằng một phương pháp khảo sát vững chắc, và đã đạt được những thành tựu tốt đẹp. Đi đâu cũng đọc, đi đâu cũng viết, thấy hay thấy lạ thì suy gẫm và ghi chép. Đọc lại các bậc thầy lớn của dân tộc như Nguyễn Trãi, Lê quý Đôn, Phan Huy Chú, chúng ta thấy các sĩ phu tiền bối này dường như đã vạch ra con đường ấy, và hậu sinh hiếu học cũng không thể vượt khỏi cách thức này. Thái văn Kiểm, người học trò thời nay đã bước theo những dấu chân ấy của người xưa.
Xem qua những vấn đề nhà nghiên cứu Thái văn Kiểm trình bày, chúng ta thấy rõ ông không những là một học giả hàn lâm truyền thống mà còn là một nhà khảo cứu của thời đại; cách khảo sát vấn đề rất mới, mở rộng trong nhiều lãnh vực liên ngành, từ lịch sử, văn học, địa lý, thực vật học, thiên văn, dân tộc học, dân tộc âm nhạc học, văn hóa đối chiếu, tôn giáo đối chiếu...
Thời kỳ ở Huế là lúc ông tích lũy làm việc, thực hiện được một công trình tổng hợp hoàn chỉnh nhất xưa nay về nền văn hóa Huế, có đủ sức mạnh và hấp dẫn cả hai phương diện sâu và rộng. Sách Cố Đô Huế: Lịch sử-Cổ tích-Thắng cảnh là nền tảng cho việc nghiên cứu về Huế, đã trở thành kinh điển trong lĩnh vực này. Năm 1953-1954, thời kỳ làm tỉnh trưởng, mà mới cách đó vài năm còn gọi là tuần phủ, ở Khánh Hòa và Ninh Thuận, vùng đất vẫn có tiếng “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận,” nơi mà ngày nay còn đậm đặc nhiều dấu vết của một dân tộc và một nền văn minh một thời rất rực rỡ nhưng nay đã suy tàn, ông có nhiều ghi chép hữu ích về lịch sử, phong tục và âm nhạc Chàm, cũng như tương quan giữa hai nước Việt-Champa.
Nhắc đến thời kỳ ông Thái văn Kiểm làm tỉnh trưởng Khánh Hòa và NinhThuận, chúng tôi muốn nói thêm một khía cạnh đặc biệt của ông.
Ngoài việc nghiên cứu, viết lách, là công việc suốt đời theo đuổi, ông cũng là một nhà quản trị hành chánh có nhiều cá tính, nói đúng hơn là một quan đầu tỉnh cần mẫn, ưu dân, gần gũi với mọi người.
Một nhân chứng là thiếu tướng Đỗ Mậu cho biết nhiều điều về ông. Lúc ông làm tỉnh trưởng Khánh Hòa - Ninh Thuận, thiếu tướng Đỗ Mậu là chỉ huy trưởng khu chiến Phan Rang, tức là vùng lãnh thổ Ninh Thuận và một phần Bình Thuận. Hai ông Thái và Mậu, một quan văn một quan võ đang phối hợp cùng nhau để cai quản vùng này. Đỗ Mậu quan sát hành vi của ông Thái hằng ngày, cho chúng ta biết tỉnh trưởng Thái văn Kiểm ít khi ngồi ở văn phòng, mà thường đi đứng khắp các xóm làng, đi thăm nhân dân khắp nơi để nắm vững tình hình. Dựa trên nền tảng 'nhân trị', ông Thái văn Kiểm chủ trương không dùng luật lệ, hình phạt để trị dân. Đó là nguyên tắc để ông giáo hóa, dìu dắt nhân dân về mọi mặt từ tôn giáo,chính trị, đến kinh tế, xã hội. Tiếp xúc với đồng bào, ông thường nhắc đến những chuyện xưa tích cũ, lời lẽ của thánh hiền, cái hay cái đẹp của cổ nhân để giảng giải, ví von, hướng mọi người đến cái thiện, cái mỹ. Khi ông Thái văn Kiểm rời nhiệm sở của vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận - Nha Trang, về Sài Gòn nhận công việc mới, nhiều người cảm phục ông không cầm được nước mắt trong buổi tiễn đưa.(5)
Ông Thái Văn Kiểm còn một điều đáng quý nữa, là rất cởi mở, không phải chỉ đóng khung mình trong những định kiến cũ kỹ, hẹp hòi. Có thể nghiêm trang bàn luận về văn chương Nguyễn Trãi, Nguyễn bỉnh Khiêm,Nguyễn Khuyến nhưng vẫn có thể đi sâu vào cái mênh mông kỳ bí trong thơ Hàn Mặc Tử, hay nói về nỗi lòng thời đại của âm nhạc Phạm Duy. Có thể tao nhã nói về một cành hoa lê trắng mong manh trong khu vườn Từ Thức, nhưng cũng rất nghiêm chỉnh bàn luận về cây Nam Sâm, cây Trầm Hương, về tổ chim yến hay cây rau muống.
MẤY DẤU VẾT ĐẶC BIỆT Ở NƯỚC NGOÀI
Năm 1985, sau hơn 10 năm xa cách, tôi trở về Huế thăm lại gia đình. Vào dịp này, tôi được xem một bức thư của học giả Thái Văn Kiểm gửicho một cố tri ở Huế. Thư nói nhiều về nỗi nhớ nhà nhớ nước. Hàng ngày, từ căn phòng của ông nhìn xuống dòng sông Seine, nhìn những chiếc du thuyền bateaux mouches, ông nhớ đến sông Hương ở quê cũ ngày nào. Nhớ những đêm trăng, ánh trăng chiếu dãi qua những khu vườn lưa thưa ở Huế. Và biết bao nhiêu là thứ khác nữa. Ông cũng báo tin là ông đã vác lều chõng trở lại vào trường thi Đình, sau này tôi được biết là năm 1981 ông đậu tiến sĩ Đông-Phương-Học ở Paris (Docteur ès-lettres Orientaliste), luận án “Parémiologie Vietnamienne: Monographie des proverbes Vietnamiens” là một chuyên khảo về tục ngữ, cách ngôn Việt Nam. Đọc bức thư của ông Thái Văn Kiểm viết cũng đã lâu rồi, như vậy là đã hơn 30 năm, nên tôi không còn nhớ rõ chi tiết, nhưng nếu tôi không nhầm thì ông cũng cho biết luận án này cũng là một nghiên cứu đối chiếu giữa tục ngữ, ca dao, phong dao, đồng dao Việt Nam với văn chương bình dân Âu Châu.
Năm 1989, ông có thêm bằng tiến sĩ văn chương, nghiên cứu đặc biệt về từ ngữ Việt Nam, được xếp vào loại nghiên cứu Viễn Đông (Étude extrême-orientale): Langue et lexicographie Vietnamiennes (L’Oeuvre lexicographique des missionaires et Vietnamisants francais et des lettrés vietnamiens) (6). Công trình này chú ý đến phương diện từ điển học, với sự hình thành chữ quốc ngữ trong một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Từ khởi điểm là nhu cầu tiếp xúc và truyền đạo, chữ Quốc ngữ đã dần dà hình thành, được ghi âm, được La-tinh hóa. Mục tiêu riêng của các giáo sĩ phương Tây đã được đúc kết thành công trình nền tảng nhất,để sáng tạo nên chữ Quốc ngữ trong nửa đầu thế kỷ 17, là cuốn Tự Điển An-Nam-Bồ-Đào-Nha-La tinh của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ấn hành tại Roma năm 1651. Nhiều thế hệ giáo sĩ, và rồi góp phần hoàn thiện là các văn nhân, học giả Việt Nam. Ngày nay chúng ta có một kho tàng từ điển học, ngôn ngữ học, nói chung là một kho tàng Tiếng Việt phong phú biết chừng nào.
Để thấy được chiều dày của vấn đề, có thể nhắc lại vài tên tuổi qua các công trình từ điển học tiếng Việt.
Alexandre de Rhodes (1591-1660), người thừa kế những bước chân đi trước của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, đặc biệt đáng kể là Francisco de Pina (1585-1625), Gaspar do Amaral (1592-1645), và Antonio Barbosa (1594-1647) với công lao định chế tiếng Việt a-b-c vào thời phôi thai.
Một công trình nền tảng khác vào thế kỷ XVIII là Tự Điển An Nam-LaTinh của Pigneau de Béhaine (1742-1799) khởi thảo năm 1772 đượcJean-Louis Taberd hiệu đính, xuất bản năm 1838 ở Ấn Độ.
Hiển nhiên, hai tảng đá vững chắc dựng được nền móng cho toà nhàngôn ngữ Việt chính là Tự Điển An-Nam-Bồ-Đào-Nha-La tinh(Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandrede Rhodes tức A-Lịch-Sơn-Đắc-Lộ và Tự Điển An Nam-La Tinh(Dictionarium Anamitico-Latinum) của Pigneau de Béhaine tức Bá Đa Lộc.
Rồi về sau này, có thể kể đến J.F.M. Génibrel, Gustave Hue, Eugène Gouin. Góp phần vào sự phát triển vững chắc và hoàn thiện chữ quốc ngữ như ngày nay, các học giả, văn nhân Việt Nam với các tên tuổi như Pétrus Ký, Paulus Huình tịnh Của, Đào duy Anh, Đào đăng Vỹ, Đào văn Tập, Lê văn Đức, Lê ngọc Trụ...
Có thể nói chữ quốc ngữ là thành tựu của một quá trình tiếp biến văn hóa, một sản phẩm của sự gặp gỡ Đông Tây, nảy sinh giữa một tình cảnh hết sức đặc biệt của đất nước. Luận án của tiến sĩ Thái văn Kiểm là một đúc kết rất đầy đủ về vấn đề này.
Ngoài hai công trình đặc khảo về tục ngữ Việt Nam và từ điển học tiếng Việt vừa đề cập ở trên, tác phẩm đặc sắc của nhà văn, nhà học giả Thái văn Kiểm, tôi nghĩ là đẹp, chứa đựng nhiều nội dung và tâm hồn chan chứa của ông, thì phải kể đến Au Pays du Nénuphar, được giải nhấtCosmos, 1977 ở Montréal, Canada. Ông mang đến chia sẻ với phương Tây cả một nền văn hóa từ phương Đông, mặc dù không còn xa lạ nữa,nhưng mãi mãi vẫn là bí mật. Hồ sen của thời thơ ấu thoang thoảng hương thơm suốt đời ông. Vào mùa hoa nở rộ, mặt hồ như tấm thảmgấm mênh mông rực rỡ; rồi những bông hoa súng rực rỡ mà vẫn kín đáo trên mặt nước giữa chiều hè. Một nền văn minh nhiệt đới ở vùng Đông Nam Á đã ghi được những dấu ấn đặc biệt. Đất nước chúng ta có lúc đã là một đóa sen giữa bão tố nhưng rồi vẫn bám rễ được vào bùn lầy tục lụy mà tỏa hương thơm nhẹ nhàng sâu đậm.
Qua những cổ tích và truyền kỳ, cây bút Thái văn Kiểm đã gợi nên được vài nét đẹp riêng của nền văn minh tâm cảm Việt Nam với thế giới bên ngoài.
CHÚT KỶ NIỆM VỚI NHÀ HỌC GIẢ
bìa sách Cố Đô Huế
bìa sau cuốn 'Đất Việt Trời Nam'
Năm 1963, do một cơ duyên đặc biệt tôi được ông Thái văn Kiểm gửi tặng hai quyển sách Cố Đô Huế và Đất Việt Trời Nam; cùng với hai quyển sách có một bức thư dặn dò vài điều rất chí tình của một bậc trưởng thượng.
thủ bút của ông Thái văn Kiểm
Hai quyển sách này đã gắn bó với đời tôi một cách khá kỳ lạ. Sau năm 1975, đi cải tạo, tôi không giữ được, nhưng cũng thật là lạ, sau đó tôi đã tìm lại được trên một kệ sách ngoài đường phố. Và nếu tính từ 1963, tức là lúc tôi còn là một thiếu niên 17 tuổi, cho đến nay đã là một ông già vừa ngoài 70, hai quyển sách luôn luôn đi cùng với tôi vậy là đúng 54 năm. Nay thì chúng đang đứng trên kệ sách trong phòng viết của tôi, ngày nào tôi cũng nhìn thấy và vẫn sử dụng khi cần. Hai quyển sách ấy dường như lúc nào cũng muốn nhắn gửi với tôi lời dặn dò của nhà học giả tiền bối, và lúc nào tôi cũng có cảm giác nợ nần ông một điều gì chưa trả được. Cảm giác ấy là tín niệm, phải làm một điều gì đó có ích như nhà học giả đã làm, phải luôn luôn có quyết tâm giữ gìn và bảo vệ bản sắc và tinh hoa muôn đời của dân tộc.
Đi ra nước ngoài đã hơn 20 năm, đáng lẽ tôi phải sớm tìm cách liên lạc với ông, cảm ơn ông với tư cách một người đã trưởng thành và đang cố gắng đi theo những lời dặn dò của ông. Nhưng tôi đã chần chờ, đó là sai lầm của tôi như biết bao nhiêu sai lầm tôi vẫn vấp váp trong đời. Nay thì không còn cơ hội liên lạc với ông nữa. Học giả Thái văn Kiểm sinh ngày 10.2.1922 tại Huế, qua đời ngày 21.2. 2015 tại Sài Gòn, an táng tại Bình Dương, sống ở đời còn 7 năm nữa là đầy một thế kỷ.
Huỳnh hữu Ủy
(viết khi được tin ông Thái Văn Kiểm qua đời năm 2015. Sửa chữa lại đầu năm 2017)
CHÚ THÍCH
(1) Hồ Tịnh Tâm ở vào khoảng giữa Thành Nội Huế, thuộc địa phận phường Trung Hậu. Nguyên tại đây có đoạn sông chảy qua, vua Gia Long cho chận ngang, rồi đào rộng ra làm hồ. Vua Minh Mạng vào năm 1838 cho xây điện, lâu, các, tạ trên khu đất như cù lao giữa hồ, đặt tên hồ là Tịnh Tâm. Hồ Tịnh Tâm có vòng tường chu vi 354 trượng 6 thước (1418m40) bao quanh, có hồ sen thơm ngát vào mùa hoa bừng nở; hồ rộng mênh mông, có thể bơi thuyền thưởng hoa, câu cá, hay hưởng cảnh trăng thanh gió mát. Vua Thiệu Trị liệt hồ này vào hàng thứ ba trong số 20 thắng cảnh trên đất kinh thành, và có bài thơ vịnh gọi tên là “Tịnh Hồ Hạ hứng.” Xin chép lại dưới đây bản dịch nghĩa của bài thơ này:
Chơi hồ Tịnh Tâm mùa hạ
Hồ nước trong trắng trông thấy khoảng khoát
Dưới nước chiếu bóng hiên nhà và có những sao ngân hà lấp loáng
Bên hồ có lầu đài, cây hoa như cảnh trường sinh vậy
Chính nơi tịch mịch ngồi suy nghĩ việc trời đất non sông và bốn biển
Khí trời mát mẻ không cần dùng quạt của Vũ Vương để che mặt trời
Thi ca ngâm vịnh mường tượng như vua Thuấn gảy đàn cầm mà hát Khúc Nam Phong
Do tính tình nhân trí phát động không hạn lượng
Nên cùng cỏ cây cảnh vật này chung vui giao cảm
(Cf. Thái Văn Kiểm, Cố Đô Huế, Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn, 1960 trang 114 và 129)
2) Lãng Nhân, Nhớ Nơi Kỳ Ngộ, Zieleks, Texas, 1997 trang 207
(3) Quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của học giả Thái Văn Kiểm, vậy nhưng tôi không biết dữ kiện thân phụ ông Thái là đô thống trải qua ba triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn. Gần đây đọc một bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ở Huế mới được biết. Xin xem thêm: Nguyễn Đắc Xuân, “Mừng được gặp học giả Thái Văn Kiểm giữa Trời Nam Đất Việt” Gác Thọ Lộc, 5-9-2012.
(4) Đất Việt Trời Nam, Nguồn Sống, Sài Gòn 1960 trang 604.
(5) CF. Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, Nxb Văn Nghệ, California, 1993, trang 84-85.
(6) Francois Guillemot, “Danh Sách Các Luận Án Về Việt Học Tại Pháp (1884- 2006)”, Dòng Sử Việt, California, số 3, tháng 4-6, 2007, trang 126.
*- bài này viết để tưởng niệm học giả Thái Văn Kiểm khi ông Thái vừa qua đời, lúc bấy giờ nhà nhạc học Trần Văn Khê vẫn còn khỏe mạnh, nhưng 4 tháng sau thì giáo sư Trần cũng theo chân ông Thái mà đi vào nơi thiên cổ. Sửa chữa lại bài viết này đầu năm 2017, chúng tôi vẫn giữ nguyên tên Trần Văn Khê chứ không xóa bỏ đi. (H.H.U.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét