HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Đ Ấ T C Â M Đ Á N Í N
minh họa : dinhcuong
Giống chúng ta, những người nằm không ngay ngắn dưới này hầu như đã trải qua bao phiêu dạt mới tìm ra chỗ an nghỉ sau cùng. Khác với thây ma, chúng ta vẫn còn dật dờ chân bước, dời đổi truân chuyên. Họ có địa chỉ thường trú, tôi thì không, sống tạm bợ vất vưởng đó đây, ăn nhờ ở đậu.
Trước, hẳn chú chẳng phải là người coi ngó mộ phần trong nghĩa địa?
Không, tôi là lính chế độ cũ. Tôi bị lãnh đạn vào giờ thứ hai mươi lăm. Không ai xem tôi là thương phế binh, đời tôi tàn phế tự mùa xuân u ám ấy.
Trời nắng, mới sáng sớm đã chóng oi ả, bức bối. May mà quanh đây hiện diện thưa thớt bóng lá xanh. Không biết cây tên gì, thân trắng mốc, ốm o xo bại chẳng toả rộng vũng im râm. Chùm lá run từng hồi, đôi ba con chim sẻ kêu chiêm chiếp chuyền cành, sửa soạn bay. Tiếng chim nghe sắc nhọn giữa những ụ đất thấp cao, kêu là kêu vậy chứ chẳng mang gửi niềm vui nỗi buồn nào cả, chỉ khuấy động chút âm thanh cho đất đai đỡ trầm mặc. Người đi trước dẫn đường chân hơi cà thọt, vành mũ rách xơ vải bạc, vai gầy, thấy xương bả vai nhô ra sau áo thun bẩn màu.
Đừng trách tôi tò mò, tuồng như cô là Việt kiều?
Dạ, có đi kèm với chữ hồi hộp không chú?
Là sao? Tôi không hiểu. Tâm cảm của người đi thăm mộ? Cô xa xứ e đã bộn tháng năm?
Dạ, mười ba tuổi lúc đi, giờ về đã gần bốn chục rồi.
Thiệt sao, trông cô đâu khoảng chỉ ba mươi.
Ba mươi tuổi tôi đã tay bồng tay bế rồi, chú tin không?
Có mang các cháu về theo?
Chúng ở lại, đường quá xa xôi và cha chúng không ưa về thăm quê. Chẳng có nhu cầu.
Gió thảng hoặc tạt ngang, hiếm muộn, mang theo mùi hoa héo tàn rữa nát. Chút khói hương lẩn khuất trộn với mùi đất vỡ. Chúng góp lại, toả lan chất đặc thù. Kẻ khiếm thị đui mù nếu sử dụng khứu giác sẽ hít thở rồi nhìn nhận được bàn chân đang dẫm vào lãnh địa của người chết. Và đứa sáng mắt dẫu không ngó ra xương cốt bày biện vẫn cảm nhận cái gai gai như chạm phải những oan hồn đang cút bắt giữa lối đi hẹp trồng sánh đôi những mộ phần.
Tươm tất quá, xem chừng ở đây luôn có người chăm sóc hộ.
Thì những kẻ đi viếng thăm, họ nhờ vã tôi nhổ cỏ hốt rác quét dọn. Sẵn, tôi cũng xắn tay áo cho những chỗ hương đèn tàn lạnh chẳng có ai ngó ngàng. Cô sẽ khó chịu nếu nhìn thấy nơi thì thừa mứa lễ vật nơi thì xiêu vẹo hoang vu.
Cám ơn lòng tốt của chú. Nơi xiêu vẹo hoang vu nói rõ được một điều: Những đứa liên hệ còn sống kia là những kẻ bạc lòng, bất hieu…^'
Người đàn ông quay đầu. Mắt thiếu phụ đỏ, ứa ra một giọt nước , lặng lẽ, long lanh.
Hoàn cảnh. Cô nghĩ vậy sẽ thấy nguôi đi. Cũng do hoàn cảnh, tôi mới chôn đời mình chốn này. Dầu sao thì đây là thế giới an lành nhất.
Tôi nói điều không phải thì chú bỏ qua cho. Chú không sợ ma?
Cô nhìn con người tàn tạ của tôi đi. Tôi như thế này thì còn gì để sợ hãi một điều vớ vẩn nào khác! Điều khiến tôi ngán ngao là đôi khi phải chống chọi xua đuổi một bọn người, và có khi tôi đã thua cuộc.
Sợ người chứ ai lại đi sợ ma, phải không chú?
Bọn ấy là ma quỉ, yêu tinh thời đại đấy chứ. Chúng còn rất trẻ, đêm hôm tùng tam tụ tứ vào đây, đứa thì chích xi-kè, cặp thì cởi áo xống làm chuyện vợ chồng; chưa nói tới hạng người kinh khiếp hơn, mang cuốc xẻn đi đào xới những ngôi mộ mà chúng tin là có dấu chôn tư trang đồ vật quý giá. Thời buổi này xẩy ra lắm chuyện khó tin, so ra ma hiện hồn lên, mếu máo khóc, thì ngó dễ chịu hơn.
Người đàn ông đứng lại, cong lưng để dùng tay xoa bóp ở một bắp đùi, chỗ tóp teo thương tật. Khuôn mặt cố dấu những biểu cảm.
Phạm vi này là nơi có số tuổi già nhất, có nghĩa là họ qua đời đã lâu. Hy vọng cô tìm ra người muốn tìm.
Người đàn ông cởi mũ vải vày vò trong đôi tay để mặc cho cô Việt kiều ngần ngại đi dòm mặt từng tấm bia khắc vết nông tên tuổi của những căn phần rêu bám. Cô đi loanh quanh, cô đi lòng vòng. Tóc rối trước trán, mồ hôi đổ khiến khuôn mặt ấy trông mệt mỏi. Vành môi khô, da mặt tái xanh, và thoáng chốc chỉ còn trông rõ mái tóc đen lẩn lút sau một tảng xi-măng. Im lặng, bờ vai run, dáng xiêu đổ. Nắng như xô cô xuống, làm thành bóng đen gãy gập trên ngôi mộ. Người đàn ông đọc tên chủ nhân: Nguyễn thị Nghĩa Ân. Một chủ nhân cô quạnh chẳng bà con thân sơ hôm nay đỡ tủi có người ở xa về nhìn nhận. Ma…. Cô Việt kiều chỉ thốt có một chữ. Một chữ thôi mà cây lá xao xác cựa mình. Gió ngoài đường lộ khoắn bụi thổi vô, mắt cay để rồi mắt ướt chảy trôi bụi đường.
Cô rời quê hương năm cô mười ba. Mười ba tuổi mà thuận thảo với những ảnh hình xưa cũ. Khư khư giữ lấy để sau này có điều kiện thì trải lòng chứng minh. Mấy đứa già đầu e chẳng sánh bằng. Người đàn ông nói khi trao bó hương. Như quen việc, ông thắp cháy nó đều đặn, thoáng chốc. Mạ oi…+ Khói vật vã trên đầu nhang, như lòng ai đầy trắc ẩn. Người trông coi mộ phần quay lưng, bỏ người đàn bà ngồi lại với những tâm sự mà cô sẽ giải bày với kẻ khuất mặt. Âm dương luôn cách biệt, vọng ngôn sẽ trôi trên những thước đất lạnh, nhưng kỳ cục thay, người sống mãi tin tấm lòng mình sẽ được xương cốt cát bụi chứng giám. Họ an lòng với điều diệu kỳ nọ và như vậy, quanh ta vẫn còn đó những con người tử tế. Đôi lúc người ta phạm tội với tha nhân nhưng họ sẽ hoàn lương khi gục đầu thổn thức trước một mộ phần thân thuộc mong nhìn nhận chút lòng thành.
Ở chốn này thời gian hầu như ít lai vãng tới, ngày tháng năm chỉ là con số của quá khứ khắc ghi trên bia đá. Người ta chẳng quan ngại sao mới sáng đã trưa, chưa chiều đã tối mịt. Người đàn ông đôi khi cũng chẳng nhớ rõ số tuổi của mình. Điều ấy nào có gì hệ trọng? Ông chết bụi chết bờ chết dấm chết dúi thì cần quái gì một tấm bia ghi đủ ngày sinh ngày tử cầu chứng một thây ma vô danh bạc phận. Khi ông hút xong điếu thuốc thì cô Việt kiều trở ra. Áo quần bảnh bao đã nhăn nhàu, mặt hoa da phấn đã đôi phần hư hao. Cô ngó mông ra phía đường lớn, nắng gắt gao phía đó ùn đẩy với khói xe bụi mờ. Những tấm bia đứng án đã phần nào ngăn chận được thứ âm thanh vỡ bờ ngoài kia xô giạt vào. Thế giới an lành không chỉ nói riêng tới vùng đất của người chết hết múa may quay cuồng đâm thọc chém giết lẫn nhau, nó còn tượng trưng rõ là nó cách ly với thứ cảnh giới điên đầu chộn rộn bên ngoài đường ranh mong manh của cỏ dại với nhựa đường. Kẻ cắm cúi chạy xe máy có đội nón an toàn kia có thể sẽ lọt hố tử thần và đôi ba hôm sau khi hoàn tất xong mọi thủ tục kẻ ấy sẽ vào đây an nghỉ thực thụ. Gã đàn ông ngồi nhậu trong quán bia nọ đặt mắt nhìn đểu ai đó rồi ánh đao của đứa nực gà vung lên. Mang gã từ đời thường say xỉn qua bên này đường ăn nằm với dế giun xong một kiếp người vô vị.
Trước khi bước qua biên giới chia hai thế giới đối cực, cô Việt kiều dúi vào tay người đàn ông hai tờ giấy bạc 50. Tôi đi tay không vì chẳng hy vọng được nhìn ra chỗ mạ tôi nằm, xin chú mua giúp giùm tôi chút hoa quả bày ra cho đỡ lạnh lẽo. Mai mốt rồi tôi cũng trở lại viếng thăm. Người đàn ông không nói, nhìn lưng áo rịn ướt mồ hôi bước đi. Mang mỗi lúc một xa chút hương thơm kỳ lạ. Cũng là Việt kiều, nhưng cách trở về của họ đa phần chẳng giống bọn đàn ông. Họ “tử te”^' vạn lần cánh mày râu và người đàn ông chợt hiểu do đâu mà cô hỏi: Việt kiều có đi kèm với hồi hộp? Hồi hộp có phải là trạng thái bất an khi ta đối mặt với một con ma?
Có được một trăm đô, thứ hiện kim lớn lao mà suốt đời dẫu mộng mị ông chẳng tài nào nắm bắt, sở hữu được. Nó làm ông rối trí, trong đầu tự dưng phân liệt ra những danh mục cần thanh thoả cần tiêu pha. Dù sao, việc trước mắt là ông gọi một chiếc xe ôm biểu chở tới chợ và ôm về những thứ hoa quả tuyển chọn. Thấy lỏng lẻo, ông ghé hàng cơm bụi mua chén cơm trắng, đĩa thịt heo quay, muỗng đũa đủ bộ sậu tinh tươm.
Ông làm sạch một chu vi quanh mộ phần mà cô Việt kiều gọi là mạ. Ông bày hết những thứ ông vừa mua sắm rồi tự mình đứng nghiêm cẩn cúi đầu trước “căn nhà xiêu veo”.. Ông ngồi yên cho tới lúc nhang tàn. Cho tới lúc mây loãng tan về phía trời chiều. Ngày mai cô ấy sẽ trở lại, sẽ nhìn ngó để rồi nhìn nhận tiền cô trao chẳng phải rơi vào tay ác quỷ. Người ta không thể sống trong thế giới hồi hộp được, ít ra họ còn phát hiện một vài cá nhân hiền lương ẩn mặt quanh đây.
Hai ngày, ông cố lắng lòng chờ đợi cô Việt kiều xuất hiện. Ông dõi mắt ra cánh cổng sắt hoen rỉ không tài nào khép kín cổng nghĩa trang. Và nghĩa trang, tự thân nó, bất biến cái hoang vu cô quạnh ngàn đời. Những bông hoa đặt trước mồ bắt đầu tàn úa, chim chuột đã thay phiên tới dự phần đánh chén, thức ăn rơi vung vãi. Ông thu dọn vén quét. Và ông lại thắp nhang, thay chén nước mới.
Sang ngày thứ ba, cô Việt kiều xuất hiện, nhưng đớn đau thay, ảnh hình cô nằm khiêm nhường trên cột báo, trên đôi tay mãi run của người đàn ông tàn phế. Chỉ đôi ba dòng, chẳng có gì rườm lời như hầu hết những tin loan trong chuyên mục hình sự. Tóm tắt, nạn nhân Trần thị Như N. 40 tuổi. Việt kiều từ Mỹ về. Bị hiếp và giết trong khách sạn ở quận 3. Hành lý, vật dụng cá nhân bị lục lọi rơi vương vãi. Công an đang chính thức điều tra, giả định ban đầu do bị bọn tội phạm thuê ngụ phòng bên đã theo dõi và đi tới tình trạng cướp của giết nguời…
Người đàn ông đi khập khiểng ra trước nấm mồ của “Ma”.. Ông xé vuông
báo, phần có in gương mặt kẻ xấu số rồi đốt cháy nó. Ông muốn nói một vài lời cho “Ma”. nghe nhưng bất lực. Chỉ có đôi mắt, ngỡ đã khô cạn bỗng ứa từ tốn ra đôi hàng lệ. Từ 1975 đến giờ, lần đầu những giọt nước mắt lại tìm tới ông, nhoè nhoẹt. Ông gọi thầm tên N. Giọng sũng. N ơi N oi…
báo, phần có in gương mặt kẻ xấu số rồi đốt cháy nó. Ông muốn nói một vài lời cho “Ma”. nghe nhưng bất lực. Chỉ có đôi mắt, ngỡ đã khô cạn bỗng ứa từ tốn ra đôi hàng lệ. Từ 1975 đến giờ, lần đầu những giọt nước mắt lại tìm tới ông, nhoè nhoẹt. Ông gọi thầm tên N. Giọng sũng. N ơi N oi…
hồ đình nghiêm
tháng 4.2017
---
(trích từ blog phạm cao hoàng)
tháng 4.2017
---
(trích từ blog phạm cao hoàng)