CHUYỆN TÌNH CỦA tác giả 'em đi chùa hương/ NGUYỄN NHƯỢC PHÁP'
NGUYỄN VỸ
tranh minh họa in kèm bài ( không đề tên tác giả)
chân dung mỹ nữ Hàng Đẫy Đỗ Thị Bính (sinh năm 1915 ) khiến bao người si mê một thời
Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ tài hoa mệnh yểu. Tập thơ Ngày xưa (1935) tuy ngắn nhưng những tác phẩm trong đó, nhất là bài Đi chơi chùa Hương lại sống mãi trong lòng người yêu thơ.
Nguyễn Nhược Pháp là con của nhà báo tiền phong Nguyễn văn Vĩnh, ( con bà 2) quán làng Phượng vũ, huyện Thường tín, tỉnh Hà đông, sinh năm 1914 và tạ thế năm 1938 lúc đang là sinh viên trường Luật và sự nghiệp thi ca đang lên với tập thơ Ngày xưa và Người học vẽ (kịch vui,1936.) Cuộc đời đoản mệnh của thi nhân có ghi lại hai mối tình, một mối tình câm và một thiên hận tình như một người bạn thân của nhà thơ là Nguyễn Vỹ kể lại trong một thiên hồi ký có tên là Văn thi sĩ tiền chiến.
Nguyễn Vỹ (1912-1971) là một thi nhân nổi danh trong phong trào thơ mới trước 1945, và từng đề xướng trường thơ Bạch nga. Ông cũng là một nhà báo kỳ cựu từng cộng tác với nhiều tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp ở Hà nội và chủ trương tờ Phổ thông ở Sài gòn sau 1945.
Nguyễn Vỹ viết nhiểu thể loại từ tiểu thuyết, nghị luận chính trị, hồi ký tới làm thơ nhưng hậu thế biết ông nhiều hơn cả là một thi sĩ cải cách.
Nhân dịp lễ tình nhân 2016, chúng ta thử đọc lại câu chuyện tình tuyệt vọng có thực sau đây của Nguyễn Nhược Pháp để suy nghĩ câu hỏi của cổ nhân “Chữ tình là chữ chi chi/ Dầu chi chi cũng chi chi với tình” mà đã khiến người ta sống chết bên nhau!
[Xin mời nghe] Nguyễn Vỹ kể lại 'Tình tuyệt vọng của tác giả Chùa Hương/ Nguyễn nhược Pháp'
giới thiệu
:
Nguyễn nhược Pháp 1914-1938
“Tôi [Nguyễn Vỹ] không quên được tập thơ 'Ngày xưa' của anh xuất bản trong trường hợp hơi lý thú. Nhược Pháp không có thi cảm nồng nhiệt và thấm thía như Huy Thông, cũng không có thi tứ dồi dào bao quát như Huy Thông. Anh chỉ ưa cái gì phảng phất nhẹ nhàng thôi. Cho nên anh chỉ làm những bài thơ phơn phớt bề ngoài. Chính anh cũng đã bảo với tôi: Thơ của moa “superficielle” (Có bề mặt, không có bề sâu).
Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày Xưa, có một lai lịch kì thú không ngờ…
Chuyến đi chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô có mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến Rừng Mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường đá gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát…”. Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: “Nam Mô cứu khổ cứu nạn…” rồi cô im. Đôi má đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa? Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc.
Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lén chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến Chùa Ngoài, rồi lên đến Chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ấy ngủ trong Chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là “Cô gái chùa Hương”. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với cô gái quê để làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng thơ ngây, y như cô gái chùa Hương hôm ấy…
Một tháng sau, quyển thơ Ngày Xưa trong đó có bài Chùa Hương ra đời.”
Câu chuyện tình thứ hai bi thảm hơn liên quan đến Nhược Pháp là câu chuyện Nàng tiên áo đen sau đây:
“Trên chuyến xe lửa Hà Nội – Yên Bái, Mộng Sơn đưa ra một lời nhận xét mà nàng tưởng là đúng:
– Bọn mình đi có hai chàng thi sĩ, một chàng thì muốn cười mà không cười, một chàng thì muốn nói mà không nói.
Sơn Tiên chêm vào:
– Chỉ có ba đứa mình là cười nói lung tung thiên!
“Ba đứa mình” là Sơn Tiên, cô Thanh Tú, và một cô… gì nữa, tôi quên tên. Cả ba đều ở bộ Biên tập tuần báo Việt Nữ.
Lúc ở ga xe lửa Hà Nội, chúng tôi đã đồng ý lên Yên Bái chơi ba ngày. Ai có chuyện riêng thì cứ đi riêng. Sơn Tiên nhứt định tận hưởng cuộc du lịch trong ba ngày, tôi thì muốn tách riêng ra một ngày có chuyện riêng của tôi. Nguyễn Nhược Pháp thì làm kỵ mã hầu cạnh cô Thanh Tú và cô gái gì tôi quên tên. Chương trình đi chơi là trèo lên mấy ngọn núi Yên Bái, bơi thuyền trên bến Âu Lâu, dạo chơi xem các ngoại ô thành phố, và một vài di tích lịch sử…
Lúc mới ngồi trên xe lửa, đứa nào cũng vui vẻ cả, chuyện trò ríu rít như một đoàn học sinh được đi nghỉ Pâques ở xa.
Nhưng qua khỏi Việt Trì, nghe Sơn Tiên phê bình, Nguyễn Nhược Pháp kề tai tôi khẽ hỏi:
– Cậu suy tính gì mà bộ mặt trầm ngâm thế?
– Tôi đang có một ý nghĩ ở trong đầu.
Nhược Pháp mỉm cười:
– Tôi thì đang có một ý nghĩ trong con mắt.
Tôi ngước lên ngó vào mắt hắn. Hắn bảo:
– Cậu ngó ngay nơi dãy ghế đối diện kìa.
Tôi ngó sang dãy ghế đối diện:
– Cô áo xanh?
– Không.
– Cô áo trắng?
– Không.
– Cô áo đen?
Nguyễn Nhược Pháp mím chặt môi… Mặt cậu đỏ bừng. Rõ thật một chàng trai nhút nhát.
Hai đứa tôi nói rất khẽ, rồi bỗng nhiên im bẵng.
Mộng Sơn vỗ vai tôi:
– Anh với anh Nhược Pháp nói gì mà bí mật thế?
Tôi mỉm cười quay lại nàng:
– Đã biết là chuyện bí mật sao em còn hỏi?
– Em hỏi cho hết bí mật.
– Không có gì bí mật cả.
– Thì em không hỏi gì cả.
Hai đứa nhìn nhau cười. Chiều tối tàu đến Yên Bái, Nguyễn Nhược Pháp khẽ bấm tay tôi. Tôi ngó cô Áo Đen vừa bước xuống sân ga. Anh chàng nhìn theo, mím chặt môi.
Cô Áo Đen đã ngồi xe kéo chạy xa, thật xa, biến trong sương hôm tỏa khắp các nẻo đường.
Chúng tôi đi bộ về nhà thầy me cô Thanh Tú…
Hai đứa tôi nằm riêng một phòng, chắc giấc ngủ sẽ ngon lắm sau một ngày đi xe lửa. Tôi thì buồn ngủ quá rồi. Vừa đặt lưng xuống nệm nhắm mắt ngủ liền. Nguyễn Nhược Pháp còn rầm rì bên tai tôi:
– Cậu có thấy Cô áo Đen đẹp không? Cậu nói thật đi.
Tôi nghe văng vẳng câu hỏi, ráng trả lời:
– Đẹp.
– Đẹp lắm chứ?
– Hả?… Ừ… đẹp lắm.
– Đẹp lắm như thế nào? Cậu tả hình dung lại cho tôi xem có đúng không nào?
– Hả?… Đẹp lắm hả?
– Cậu đã ngủ rồi à?
– Chưa.
– Chưa, thì cậu cho tôi biết cậu thấy cô Áo Đen đẹp như thế nào?
– Cô… Áo Đen… hả?
– Ừ.
– Ừ… thì… tôi đã bảo là cô ấy đẹp lắm rồi… cậu còn hỏi mãi.
– Đôi mắt nàng như hai ngôi sao ấy nhỉ!… Nước da trắng mịn… như ngà… Cái mũi Ai Cập như mũi Cléopâtre… Khuôn mặt Tây Thi… Cái thân hình… Ồ, cái thân hình…. Vỹ à!… Vỹ!… Vỹ ơi!…
– Hả?
– Cậu ngủ rồi ư?
– Hả?
– Có phải không, cậu? Cái thân hình uyển chuyển của nàng… với những đường cong… diễm tuyệt nhỉ! Còn bộ ngực… Ô… là… là! Moa chưa thấy cô thiếu nữ nào có bộ ngực đẹp lạ đẹp lùng đến thế:… Vỹ ơi!… Vỹ!… Cậu có thấy cô nào có bộ ngực đặc biệt như thế không?… Vỹ!… Vỹ ơi!… toa ngủ rồi ư?
– Hả? Cái gì?
– Cái bộ ngực của nàng…
– Bộ ngực của ai?
– Của nàng tiên Ao Đen ấy mà! Toa thấy cô thiếu nữ nào có bộ ngực… thiêng liêng và… và…
– Coi chừng kẻo bộ ngực giả đấy nhé! Thôi ngủ với chứ!
– Bộ ngực vĩ đại… vĩ đại…
– Hả? Sao cậu cứ gọi tên tôi mãi thế?
– Moa bảo bộ ngực vĩ đại…
– Ồ, cậu cứ lấy cái tên của tôi dán lên bộ ngực của người ta! Cậu có cho tôi ngủ không thì cậu bảo?
– Ồ, Đức Thượng đế thật là tài tình!… Làm sao mà bàn tay của ngài nắn được cái bộ ngực… cái bộ ngực vĩ đại đến thế! Vĩ đại kinh khủng!
Tôi biết từ lâu rằng Nguyễn Nhược Pháp không yêu cô Thanh Tú, Thanh Tú thì yêu Nguyễn Nhược Pháp gần như say mê. Chính Thanh Tú tổ chức cuộc du hành này để được mời Nhược Pháp lên nhà cô. Vả lại ông cụ của cô với ông Nguyễn Văn Vĩnh lại là đôi bạn thân, và ông cụ cũng muốn gả Thanh Tú cho con trai ông Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng Nhược Pháp đã bảo khẽ với tôi nhiều lần:
– Thanh Tú không có ngực, làm sao tôi yêu được, hở giời?
– Thế ra tình yêu ở trên ngực à? Tôi hỏi.
– Nhưng chính ở trên bộ ngực ấy ta mới sờ được tình yêu chứ, không đúng ư?
Tôi kính trọng quan điểm của Nguyễn Nhược Pháp về ái tình, và làm thinh, không cãi lại. Hôm nay đi Yên Bái, tôi hiểu rõ vì lẽ gì Nguyễn Nhược Pháp tình cờ trông thấy cô Áo Đen không quen biết, đã say như điếu đổ.
Đêm nay chàng hùng biện khác thường chung quanh đề tài “Bộ ngực vĩ đại” của “Nàng Tiên Áo Đen”. Và cả đêm chàng cứ mơ tưởng đến bộ ngực vĩ đại của Nàng Tiên Áo Đen.
Ba ngày ở Yên Bái, không gặp Nàng Tiên Áo Đen. Nguyễn Nhược Pháp nhìn thấy mọi vật đều đen tối. Tôi hái một bông chuối đỏ tươi đẹp mọc ở sườn núi, đưa chàng. Chàng vứt xuống rãnh sâu.
Sơn Tiên kéo tôi đi riêng, khẽ hỏi:
– Sao Nhược Pháp cáu kỉnh thế, anh?
– Tại Thanh Tú sáng nay mặc áo đen quần đen.
– Em không hiểu.
– Nếu được gặp một cô khác mặc áo đen quần đen, hắn sẽ tưng bừng rực rỡ ngay!
– Ai thế?
– Cái bí mật mà em hỏi anh hôm kia trên tàu lửa.
– Thế mà hôm kia anh bảo không có gì bí mật cả.
– Hôm nay cái bí mật ấy mới thật là bí mật.
– Bí mật gì, hả anh?
– Nàng Tiên Áo Đen.
– Là ai?
– Bí mật.
– Ở đâu?
– Bí mật.
– Mà sao? Có gì lạ?
– Bí mật…
Trên chuyến xe lửa Yên Bái – Hà Nội hôm trở về, Nguyễn Nhược Pháp mím chặt môi, mặt đỏ hơn bông chuối rừng. Chàng chợt thấy ở toa bên kia không ngờ có cô Áo Đen hôm nọ. Cô ngồi với chiếc vali con để bên cạnh, mặc áo đen quần đen.
Từ Yên Bái đến Hà Nội, cô chỉ liếc ngó Nguyễn Nhược Pháp một lần. Nhược Pháp đứng đắn và rụt rè, vẫn ngồi yên một chỗ. Chàng chỉ lẩm bẩm bên tai tôi: – Vỹ đại! Xuống ga Hà Nội, bỗng dưng Nhược Pháp biến đi đàng nào mất.
Một tháng sau, tôi gặp cậu trước cửa trường Cao đẳng. Cậu mím môi để cười, rồi ấp úng hỏi:
– Toa còn nhớ Nàng Tiên Áo Đen trên chuyến tàu Yên Bái?
– Quên rồi.
– Không thể tưởng tượng được?
– Cái gì không thể tưởng tượng được? Bộ ngực của Nàng Tiên Áo Đen?
Nhược Pháp mím chặt môi cười, rồi nhảy lên xe máy phóng đi. Tôi còn nhớ gương mặt của anh chàng rực rỡ, có vẻ yêu đời lắm.
Nguyễn Nhược Pháp đeo đuổi Nàng Tiên Áo Đen hơn một năm. Hắn thú thật hết với tôi tất cả, những khó nhọc, kiên nhẫn, say sưa, tìm cho được chỗ ở của nàng và làm quen với nàng, rồi thân với nàng. Con một của một gia đình trưởng giả, giàu sang ở Hà Nội. Năm ấy nàng 22 tuổi, nét mặt rất hiền lành, cử chỉ ngôn ngữ rất dịu dàng thùy mị.
Nhưng cũng rất lạnh lùng, nàng cương quyết từ chối tình yêu nồng nàn của Thi sĩ. Tuy nhiên, nàng vẫn thích thơ và phục tư cách cao thượng của chàng. Trừ Nguyễn Nhược Pháp ra mà lòng nhẫn nại trung kiên phi thường và tình yêu chân thật, say mê, đã rung cảm được trái tim của nàng, nàng không còn muốn quen biết một người đàn ông nào khác nữa. Với tất cả các bạn trai trẻ ngắm nghé nàng, nàng tỏ vẻ hờ hững kiêu căng. Trên gương mặt kiều diễm vô cùng phúc hậu của nàng, lạ thay, không bao giờ có một nụ cười đon đả. Gương mặt hoàn toàn bí mật mà chính Nguyễn Nhược Pháp cũng không khám phá được một phần nào. Tuy là người duy nhất được quen thân với nàng, nhưng mối tình của chàng cũng gần như tuyệt vọng.
Hai năm qua, một hôm chàng Thi sĩ mới biết yêu lần đầu tiên, và yêu say mê đắm đuối làm sao, quì bên chân nàng để van xin một lời hứa hẹn. Nàng lặng lẽ nhìn chàng, rồi gục đầu xuống vai chàng, thổn thức khóc:
– Anh tha lỗi cho em… Em không thể yêu anh được.
– Tại sao thế? Tôi không xứng đáng với cô ư?
– Không phải thế, anh ạ… Anh tha lỗi cho em…
– Thế thì tại sao?… Tại sao…?
Nàng nấc lên một tiếng, ngã xỉu vào tay chàng, và khóc nức nở…
Chàng rầm rì như người mất trí:
– Tôi sẽ tự tử mất thôi! Tôi không thể sống được trong tình trạng này.
Cô gái Áo Đen ngẩng mặt nhìn chàng. Cả hai người đều ràn rụa nước mắt:
– Em van lạy anh!… Chúng ta không nên gặp nhau nữa.
Nàng bỏ chạy vào buồng, đóng cửa lại…
Giao chìa khóa cửa phòng tôi cho Nguyễn Nhược Pháp, tôi bảo:
– Cậu đừng làm chuyện gì dại dột nhé.
Nguyễn Nhược Pháp mím môi, cười:
– Cậu cứ tin tôi.
Tôi hơi ngạc nhiên. Nguyễn Nhược Pháp là người con trai nhút nhát nhất ở Hà Nội, e lệ như con gái mười tám, nhưng tình yêu đã biến đổi hẳn con người cô đơn ấy. Anh đã viết thư mời Nàng Tiên Áo Đen đến nơi căn phòng riêng của tôi mà hôm nay tôi nhường cho anh làm nơi hẹn hò.
Nhà thi sĩ đau khổ quyết định một lần cuối cùng xin cưới mỹ nữ Áo Đen làm vợ. Trái lại với sự lo ngại ngày trước, nay Nguyễn Nhược Pháp vui mừng tin tưởng sẽ thành công.
Ngồi ghế, nàng bảo:
– Em nhận lời đến đây, để cảm tạ anh đã yêu em, đã thành thật yêu em… Anh là tình yêu đầu tiên của em, và tình yêu duy nhứt, vô cùng cảm động… Nhưng anh ạ, em van anh… em khẩn khoản anh một lần cuối cùng… anh đừng yêu em nữa…
– Tại sao thế?
– Em lạy anh… đừng hỏi em tại sao.
– Anh muốn hiểu lý do…
– Không bao giờ em nói được.
– Em có tâm sự gì khuất khúc… sao không cho anh biết?
– Anh chỉ nên biết rằng chúng ta không thể yêu nhau được. Và từ nay chúng ta không thể gặp nhau nữa. Em đến đây hôm nay… để vĩnh biệt anh.
Nàng đứng dậy. Nguyễn Nhược Pháp vẫn ngồi lặng lẽ cúi mặt xuống bàn lẩm bẩm một mình:
– Anh không thể nào sống được nữa… nếu không có em…
– Em cũng thế, anh ạ…
– Nếu thế thì tại sao…
– Tại vì không thể được, anh ạ… Thôi, em chào anh… Vĩnh biệt anh!
Nàng Áo Đen chạy vụt ra ngoài đường, nước mắt chảy ràn rụa…
Đọc báo thấy một thiếu nữ mặc áo đen quần đen tự tử trên Hồ Trúc Bạch, xác được vớt chở vào nhà thương Phủ Doãn, Nguyễn Nhược Pháp chạy đến tôi, mặt mày xanh nhợt. Anh kéo tôi đến bịnh viện, tại đây tôi có quen thân với một nữ y tá.
Cô bạn đưa Nhược Pháp vào nhà xác để nhận mặt. Lúc ra, chàng khóc:
– Chính nàng… Nàng đẹp hơn bao giờ… Tội nghiệp nàng tiên Áo Đen… Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao nàng từ chối hạnh phúc và đời sống…? Tại sao nàng tự tử?… Tại sao?
Cô y tá khẽ bảo:
– Lúc mới đem vào đây, chúng tôi đã khám nghiệm thi thể. Chính cô ấy đã nhảy xuống nước tự tử, không bị thương tích gì khả nghi. Nhưng có điều khác thường… là… cô không phải hoàn toàn một… người phụ nữ.
Nguyễn Nhược Pháp mím chặt môi, trố đôi mắt kinh ngạc ngó nữ y tá. Chàng càng không hiểu. Cô bạn kéo riêng tôi ra xa, bỏ nhỏ:
– Trường hợp người con gái như thế danh từ thông thường gọi là ái nam ái nữ… Cái chỗ mà đáng lẽ tự nhiên phải là… cơ quan của giống cái, thì cô ấy chỉ có… một cái lỗ tròn, to bằng đầu chiếc đũa…
Tôi kéo Nguyễn Nhược Pháp ra về.
Đi đường tôi nói lại cho anh nghe sự khám phá kỳ dị của cô nữ y tá.
Nguyễn Nhược Pháp mím môi, im lặng. Nét mặt cậu ngơ ngác như bị tiếng sét đánh bên tai.
Mấy tháng sau, anh chết. Nguyễn Nhược Pháp chết vì bịnh thương hàn.
Buổi chiều hôm trước, tôi có đến thăm anh trên giường bịnh. Trong phòng chỉ có anh với tôi. Nhược Pháp nóng nực, đôi mắt đỏ ngầu. Anh nắm bàn tay tôi, khẽ bảo:
– Vĩnh biệt anh… anh Vỹ… Anh đừng buồn… Tôi vui vẻ… đi về thế giới bên kia… để gặp… Nàng Tiên… Áo Đen…
Nguyễn Nhược Pháp mím chặt môi lần cuối cùng.
Đám ma Nguyễn Nhược Pháp đi âm thầm, lặng lẽ, một buổi chiều mưa phùn, lạnh thấu xương. Tôi khóc thật nhiều.”
NGUYỄN VỸ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét