Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

tâm sự về đổi mới thơ/ của một nhà thơ [ở] thế hệ chiến tranh -- nguyễn trọng tạo/ nguồn: tạp chi` sông hương (huế)

TÂM SV ĐỔI MỚI T CỦA MỘT NT[ở]THẾ HCHIẾN TRANH / nguyễn trọng tạo









1.Tuổi trẻ

một thế hệ nhà thơ trên dưới 30 tuổi trở về Hà Nội sau chiến tranh thống nhất đất nước tham gia Trại sáng tác văn học quân đội trước khi bước vào [trường] Đại học Viết văn Nguyễn Du. (khóa 1)

Lúc đó nhà thơ Hữu Thỉnh 34 tuổi, Nguyễn đức Mậu và tôi chưa đến 30 tuổi.

Nói tuổi để thấy rằng, tuổi trẻ luôn háo hức khám phá, sáng tạo, đi tìm cái mới cho thơ. Khi ấy chúng tôi đã nghĩ, phải thoát khỏi 'dàn đồng ca thơ', và ngoài thơ ngắn, chúng tôi viết trường ca, một thể loại mà chính chúng tôi phải mày mò tìm hiểu từ những người đi trước và từ lịch sử trường ca của dân tộc và phương Tây.


 Kết quả là 3 trường ca viết về chiến tranh, chiêm nghiệm về chiến tranh, nhìn lại cuộc chiến tranh đã ra đời từ Trại sáng tác văn học quân đội. Đó là Đường tới thành phố / Hữu Thỉnh+ Sư đoàn/ Nguyễn đức Mậu+ Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc) của tôi. Cả 3 trường ca này cùng với Những người đi tới biển / Thanh Thảo đều được phát hành trên vạn bản; và được độc giả cả nước hào hứng đón nhận. Thời đó, chúng tôi luôn nói với nhau 'phải đổi mới thơ', nghĩa là đổi mới về cách nhìn, đổi mới về thi pháp…

Tôi khởi xướng 'thơ đời thường'; để thoát khỏi dòng thơ tụng ca tràn ngập trước đó bằng bài thơ Thành phố của đời thường, và khi đi lên Cao Bằng viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17 tháng 2 năm 1979 thật oanh liệt và đau thương, khi đi ngược dòng người gồng gánh trẻ con chạy giặc, tôi nghĩ đến sứ mệnh của 'thơ đời thường' và đã viết như một tuyên ngôn cho thơ mình:


                                    Thơ bây giờ không phải ở trên cao
                                     Bay lượn màu mè như bóng thả
                                     Để mỏi mắt em nhìn càng xa lạ
                                     Lúc quay về mưa nắng chẳng gì che
                                     Thơ bây giờ cho em trong mồ hôi/
                                     Trong tàn lửa chiến tranh chưa chịu tắt
                                     Áo đoàn quân cũng là màu áo mặc
                                     Của những câu thơ gan góc xẻ chiến hào
                                      Em nghỉ ngơi sau mỗi giờ làm việc
                                     Thơ đứng ngồi bên cạnh, dáng cao cao.

 nghĩa là thơ phải luôn đứng về phía thân phận con người, chia sẻ với con người. Và có lẽ đỉnh điểm trong dòng 'thơ đời thường' của tôi là bài Tản mạn thời tôi sống. 


2. “Tản mạn thời tôi sống” - Đổi mới không dễ 

Những năm 80s thế kỷ trước, đời sống đã có nhiều khó khăn, thất vọng và hoài nghi. Bài Tản mạn thời tôi sống là một cách nhìn khác: một sự nhận thức lại đời sống hiện thực của đất nước, một cách nhìn đưa người đọc đến với sự thật+ những tâm sự ngổn ngang, không ít hoang mang thời bấy giờ. Bài thơ nói hộ cho nhiều người đương thời những tâm sự và bức xúc mà không dễ nói, thậm chí không được nói. Trong bài thơ cũng có nhiều yếu tố mới mẻ về giọng điệu, nhất là chất liệu thơ. Ở đây người ta không thấy giọng tụng ca hào sảng, người ta thấy giọng tâm tình, một tâm sự về thế cuộc. Còn chất liệu thơ thì gắn với đời thường, với hiện thực bừa bộn của những năm 80 thế kỷ trước, với tinh thần:

                                        Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng
                                         Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi
                                        Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
                                         Câu trả lời thật không dễ dàng chi! ...

Đúng là vào một đêm hè tại Vân Hồ (Hà Nội), tôi đã viết xong bài thơ Tản mạn thời tôi sống ;vào lúc 1 giờ sáng. Viết xong, đọc lại thấy mình bị ớn lạnh. Tôi gọi nhà thơ Nguyễn Hoa ở cùng phòng dậy pha trà và đọc cho Nguyễn Hoa nghe để xem bạn nói gì. Nguyễn Hoa nghe xong, im lặng đến nổi da gà. Một lát sau mới nhận xét là bài thơ gây chấn động mạnh cho anh, một bài thơ mà anh chưa từng thấy trong thơ hiện tại, nhưng anh sợ khó được đăng lên báo. Một tuần sau, trong cuộc họp lớp nhà văn quân đội tại Vân Hồ do nhà văn Nguyễn trọng Oánh, tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội chủ trì -- tôi đã đọc bài thơ này, và ông Oánh cũng khẳng định là không thể in trên tạp chí của ông. Mấy tháng sau, trong một cuộc gặp gỡ 3 nhà báo nước ngoài (Việt kiều) tại báo Văn nghệ; tôi đã đọc bài thơ này thay cho câu trả lời mà họ đặt ra: 'các nhà văn Việt Nam có né tránh sự thật hay không?' .  Bài thơ đã được mọi người vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt, và nhà văn Nguyễn Tuân gật gật đầu, tự tay rót cho tôi một chén rượu. Ba nhà báo nước ngoài xin tôi bài thơ để đăng báo. Tôi tặng họ, nhưng cẩn thận đề nghị họ để báo trong nước in trước. 


Quả thực sau đó một tuần, bài thơ được in trang trọng trên báo Văn nghệ . (số 38 ra ngày 19/9/1981). Nhà thơ Hoàng minh Châu, trực ban biên tập lúc đó, hào hứng nói với tôi là bài thơ rất được bạn đọc yêu thích, báo vừa ra đã bán hết, nhiều người đến tòa soạn hỏi mua báo nhưng không còn báo để bán. Quả là đúng như vậy, bài thơ được truyền đi nhanh chóng vào cả các trường đại học, nhiều người chép tay lưu giữ, học thuộc dù nó khá dài - gần 80 câu.

 Bỗng tôi rất bất ngờ khi ghé tòa soạn báo Quân đội nhân dân thấy bài thơ của tôi trên tờ báo Văn nghệ đó bị gạch chân bằng mực đỏ nhiều câu với những dấu chấm hỏi, chấm than bên cạnh. Vậy là bài thơ 'có vấn đề'. Tôi ghé tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà văn Nguyễn trọng Oánh lạnh lùng trách tôi: 'Đã bảo đừng in, ông lại cứ in; bây giờ biết làm sao?'.

 Tôi ngơ ngác trở về Vân Hồ. Nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó làlLớp trưởng kiêm bí thư chi bộ lớp nhà văn chúng tôi ở Trường Viết văn Nguyễn Du nói với tôi là bài Tản mạn thời tôi sống 'có vấn đề nghiêm trọng'  Hữu Thỉnh khẳng định:

 “ông viết: "Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng/  Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá" -- là ông đã phủ nhận thần tượng, còn nói gì nữa”. 

Và trong một cuộc họp nội bộ, người ta đã chỉ trích bài thơ tôi để quy tội bài thơ 'dễ bị địch lợi dụng' -- đến nỗi người trung thực như Nguyễn Hoa bạn tôi không thể chịu nổi, đã phát biểu trong cuộc họp

: “Nếu đồng chí Tạo có tội phải vào tù, tôi là bạn, tôi sẽ đưa cơm đến nhà tù cho đồng chí ấy. Nhưng đồng chí Tạo không có tội. Đồng chí ấy chỉ nói lên một sự thật đau đớn mà thôi”.

 Trong khi đó, báo Văn nghệ bỗng đăng một bài nhìn lại thơ trên báo nhà, và tự phê là đã cho đăng bài thơ của tôi, “một tác giả đang được bạn đọc yêu thích mà lại có biểu hiện lệch lạc, non tay”

Cách tự phê bình như vậy trái với thái độ hào hứng ban đầu, như là để chuẩn bị nhận lỗi với sự phê bình của trên sắp tới. Tôi nghe nhiều thông tin là sẽ 'đánh' bài thơ Tản mạn thời tôi sống.

 Để tự vệ, tôi ngồi viết vào sổ tay 'Bức thư gửi Bộ Chính trị và ông Lê đức Thọ” dài 10 trang, chứng minh tôi là một nhà thơ quân đội yêu nước và chỉ nói lên sự thật dù là sự thật đau đớn, nhưng cả dân tộc phải vượt qua như một quy luật tất yếu. Nhưng bức thư đã không phải gửi đi. Nghe đồn là Liên Xô đã dịch và in bài thơ Tản mạn thời tôi sống --[ khiến] trong nước đã dừng lại việc định 'đánh' bài thơ này. Chả là hồi đó, hai nước vừa ký hiệp định Việt - Xô. Nhưng rồi Quân đội vẫn không để tôi yên ở Hà Nội. Có ý kiến cho rằng, nếu để Nguyễn trọng Tạo ở lại Tổng cục chính trị, nhỡ nó lại làm một bài Tản mạn ... nữa thì sao? Thế là tôi được điều động đi nhận nhiệm vụ mới: Trở lại Cục chính trị Quân khu Bốn.

5 năm sau, đến thời kỳ 'Đổi mới' ; bài thơ của tôi được in lại, được phát trên đài, và năm 1987 chính báo Văn nghệ đã đăng bài của Phạm quang Long nhận định rằng: “Dòng văn học Đổi mới đã được khơi nguồn từ nhiều năm trước Đổi mới, với bài thơ Tản mạn thời tôi sống của Nguyễn trọng Tạo”


Có thể nói, bài thơ đó là một sự kiện nguy hiểm suýt chết người đối với tôi.

 Và quả thật, tôi đã phải xa Hà Nội trọn 15 năm mới quay lại được. Thời gian ấy bằng thời gian lưu lạc của Thúy Kiều trong kiệt tác của Nguyễn Du. 

Bây giờ nhắc lại chuyện này, tôi vẫn còn thấy ớn lạnh. Nhưng đọc lại bài thơ, tôi càng thấy tin ở sự anh minh của công chúng, và tin ở mình hơn: 

                                      Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
                                      Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến



3.  Đổi mới theo xu hướng phương Tây và xu hướng phương Đông 

Sau 1975 ngoài sự nôn nóng đổi mới về thi pháp, tôi là người muốn đổi mới ngay về tư tưởng trong thơ, tất nhiên không phải theo cách áp đặt, anh muốn tư tưởng là có tư tưởng. Từ cuối những năm 70, thơ tôi đã động chạm đến rất nhiều thứ. Khi chủ trương 'thơ đời thường', tôi đã có độ lùi để xem lại giá trị của cái tháp nước: “Có thể cái tháp nước rất gần/ Khi anh mở vòi nước ra, gặp nước” -- còn nếu anh mở vòi nước ra mà không có nước thì nó chẳng có ý nghĩa gì, nó không phải là cái tháp nước.

 Cũng như cả một cơ chế bên trên, chỉ có ý nghĩa khi nó thiết thực với cuộc sống của cộng đồng mà nó đại diện. 

Tư tưởng này cũng là sự hợp lý, biện chứng thôi, nhưng từ lâu chúng ta đã quá quen một lối nhìn xuôi chiều, bây giờ nhìn ngược lại mới tạo ra được cách nghĩ mới, tư tưởng mới. Đến Tản mạn thời tôi sống, tôi đã đặt những vấn đề thời đại: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ câu trả lời thật không dễ dàng chi”.

Lúc ấy người ta cứ tưởng đã trả lời được hết thảy các câu hỏi của cuộc sống, nhưng câu thơ của tôi xuất hiện, đã lật lại vấn đề hoàn toàn khác. Đến bài Nhịp điệu Tây nguyên 1983, tôi lại kêu gọi sự phá vỡ khuôn khổ gò bó con người: “Ta thoát khỏi ta - như đứa trẻ thoát áo quần quá chật”... Đến tập ..Thư trên máy chữ... là cả một sự trăn trở về quan niệm nghệ thuật để nêu ra tư tưởng phản kháng với loại nghệ thuật mơn trớn sự giả dối một cách mạnh mẽ: “rồi một ngày giả dối sẽ nổ tung - bởi những hạt-sự-thật... và khi ấy những câu hỏi bây giờ - được thay thế bằng những câu hỏi khác”.

 đấy là thời thơ tôi không chỉ là cái nhà quê mà còn muốn đưa một đời sống hiện đại, một quan niệm hiện đại vào thơ, vì chúng ta đang sống ở thời hiện đại với tâm linh nhà quê.

 Thời ấy làm như vậy cũng là một sự tìm tòi đầy can đảm. Bởi thơ không chỉ thay đổi hình thức cho hiện đại mà chính tư tưởng của nó cũng phải hiện đại, phải rất mới.

Đổi mới hình thức thơ thì có kiểu đổi mới theo phương Tây, cũng có kiểu đổi mới theo phương Đông. Những đòi hỏi về cách tân hình thức thơ đeo đẳng trong tôi, mọi cánh cửa đều mở rộng cho sự tìm tòi.Thời kỳ đầu tôi đổi mới thơ theo kiểu phương Tây. Nhưng từ 1990 thì khác, tôi đã có sự 'nhận thức lại': phải làm mới thơ bằng tư duy phương Đông và ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

Đồng dao cho người lớn là kết quả của sự tìm tòi đổi mới thơ theo truyền thống phương Đông. Đó là thời tôi ở Huế, tự nhiên trong không gian khói sương của tâm thức Huế, thơ tôi có sự chuyển lớn, ngôn ngữ mờ nhòe đi rất nhiều, dù tư tưởng vẫn quyết liệt như trước, nhưng chạm tới bản chất hơn: 'có câu trả lời biến thành câu hỏi'. Thơ giai đoạn này có vẻ thiền hơn, nó hướng tới những trạng thái sống huyền bí và xa xăm. Và tôi cũng bắt đầu quan tâm tới vấn đề tình dục là một vấn đề rất lớn và rất tế nhị của thơ. Tôi viết về vấn đề này thường kín đáo kiểu phương Đông như: “anh nín thở đến tột cùng máu ứa - cột lửa phun nham thạch phì nhiêu - rồi chết lịm trong vỗ về mơn trớn - mười ngón dài thon của gió chiều”, chứ không viết rõ ràng hay thô ráp như lớp trẻ sau này. 


Có thể nói thế này, nếu người ta nhìn Huế như một kinh thành ánh sáng, thì tôi nhìn nó trong sự bí ẩn của bóng tối. Tôi nhìn từ phía bóng tối, nên thơ tôi thường chứa đựng tinh thần phản kháng, đôi khi xa lạ với dòng thơ chung. Vì thế mà nhà thơ Vũ Cao đã có một nhận định có vẻ như khích lệ cho thơ tôi:
 “Thơ anh không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại… Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút của anh thoải mái nói những điều không phải dễ nói ra”.

Có thể do tôi yêu thích những nhà thơ trẻ nên dễ sống hòa nhập với cái trẻ, cái mới. Có thể do tôi đã lấy nhịp đồng dao 4 chữ của trẻ con để làm nên nhịp đồng dao 8 chữ cho người lớn nên giọng thơ cũng trẻ ra. Và quả thật Đồng dao cho người lớn cũng đã tạo được một hiệu ứng đáng kể cho cảm hứng thơ ca của một số đồng nghiệp đương thời. Cái giọng đồng dao mới này đã tạo nên một ấn tượng mới cho thơ tôi như một sự tìm tòi đổi mới theo xu hướng phương Đông mà tôi luôn trăn trở và tâm đắc:


                                        Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
                                        Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
                                        Có thương có nhớ có khóc có cười
                                        Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi. 


4Nhìn lại 30 năm Đổi mới 

Xã hội đổi mới; thì Văn học nghệ thuật không thể đứng yên. Đã làm thơ thì chả ai muốn thơ mình mãi dẫm chân tại chỗ. Làm thơ là đi về phía trước, đi cùng thời đại, thậm chí đi trước thời đại. Nhưng theo tâm lý học sáng tạo thì không phải người nào cũng có sức sáng tạo vĩnh cửu cả, có người mạnh thời đầu, có người mạnh thời giữa, có rất ít người mạnh cả đời, họa chỉ có người đó là thiên tài. Nhưng tuổi trẻ bao giờ cũng để cho xã hội gửi vào đó niềm hi vọng to lớn nhất. Đổi mới cũng như những đợt sóng, hết đợt này đến đợt khác trong biển đời dào dạt. Như nhà thơ Nguyễn khắc Thạch từng viết về sóng:“Biết nửa vời tan vỡ vẫn dâng lên”, đó cũng là ý chí, là lòng can đảm của những con người dám sáng tạo ra cái mới cho xã hội.

Nhìn lại 30 năm Đổi mới, Thơ có thành tựu của nó. Điều đó không thể phủ nhận. Tuy nhiên, một số tác giả có nguy cơ hạ thấp tính thẩm mỹ trong thơ, một số khác quá sa đà vào con đường rắc rối, bí hiểm, lại có số khác nhân danh đổi mới; nhưng thực ra không nắm vững căn bản, chưa thoát được tính hiếu kỳ, háo danh.


 Vì thế, thơ đổi mới hiện nay đang bừa bộn, đứng trên nhiều ngả đường và không ít sai lầm, thậm chí có xu hướng nhầm lẫn, đánh mất vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt. Và cũng nên tránh những ngộ nhận không đáng có. Cứ tưởng mình đã chạy được mấy km mỗi ngày, thực ra là chỉ đang chạy trên chiếc máy tập thể dục đặt cố định ở một chỗ đâu đó mà thôi.

Nhưng chúng ta vẫn phải tin, thơ vẫn đang chuyển động, đang thoát hiểm khỏi sự bế tắc; để mở ra với thế giới rộng lớn.



(nguồn: tạp chí Sông Hương 7-2016/  trích lại từ Blog LêngọcTrác)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét