Cô bước lên bậc thềm của hội trường. Từ bên này hành lang, cô có thể nhìn thấu suốt dọc cái hội trường nổi tiếng.
Trong ấy là hàng vài trăm con người đang ngồi với những chức danh định phận khác nhau, nhưng cùng chung một niềm kiêu hãnh: tên tuổi của họ ít nhiều đều được ghi danh, chí ít cũng là trên một tờ tạp chí địa phương hay một bản báo nho nhỏ nào đó giữa trùng trùng điệp điệp các loại báo chí phong phú bản địa.
Cô có thể nhìn thấy một ông già đang ngồi trên chiếc xe lăn, và được tôn vinh. Ông ngồi lọt thỏm giữa các gương mặt quan chức, chính khách, quay người lơ lơ nhìn ra tứ phía. Chiếc ghế ông ngồi được người ta bắt chéo hai ốc vít để giữ cho chắc không bị chạy hay bị di chuyển mỗi khi có tay phóng viên ảnh nào đó lỡ chạm vào. Chiếc ghế như chiếc ngai vàng giữ chặt ông trên mặt ngồi được trang trí bằng nhung màu đỏ sẫm. Tay ông đang túm chặt một bó hoa to đùng. Thậm chí mồ hôi đang túa ra trên gương mặt già nhăn nheo cũng bị mặc cho tuôn chảy vì hai tay ông già đang ôm chặt bó hoa tôn vinh, y như tự ông đưa tay mình ôm chặt cái gọng cùm lạnh lẽo. Ông cười cười với khắp anh em bạn bè, phô ra hàm lợi chỉ còn vài cái răng trắng bóng, nhinh nhỉnh lớp vôi thời gian.
Xung quanh ông là những gương mặt quan chức, nhưng đa phần là quan chức đã hưởng lương hưu, với tiêu chuẩn cả đời cao chót vót. Khi họ còn đương chức, không phải lúc nào cũng có thể tập trung đến những chốn như thế này được đông như vậy.
Họ nghỉ rồi thì đương nhiên tâm hồn trỗi dậy nỗi nhớ nhung mơ hồ một mạch chảy tinh thần mạnh mẽ, mà khi còn quá bận bịu với việc giang san, họ quên khuấy hoặc tạm thời cất vào ngăn kéo. Bây giờ họ không còn gì để bận bịu, không phải ra khỏi hang vào rừng săn bắn, không lo chính kiến bị những mũi tên độc bắn tỉa. Không lo gì ngoài sức khoẻ, và hoạch định lâu dài cho tương lai, cái tương lai vĩnh cửu được định dạng đầu tiên là một khối gỗ bọc lót sơn son rực rỡ, lung linh ánh nến tuôn chảy trong tầng tầng lớp lớp ximăng và đá quý.
Tương lai vĩnh viễn ấy đang chào đón họ phía trước, và vì thế mà họ thèm muốn được đắm mình trong cái thế giới đa linh của đám người ngồi dưới kia, cái đám người hỗn xược, luôn luôn hỗn xược và ngạo mạn, cái đám người luôn đọc được ra những bí ẩn của tạo hoá để chúng cùng ngạo nghễ, và chính vì thế mà cũng có thể cùng chịu chung số phận bị đẩy ra khỏi tầng lớp quan trọng cấp thiết của cuộc sống. Thế nhưng chúng chẳng hiểu, thậm chí la ó không chịu công nhận vị thế sau cuối của mình. Chúng dùng lời lẽ ngôn từ để công kích, ném ra đám đông những ý tưởng, xây dựng xã hội bằng những triết lý ngông cuồng và ngây thơ của mình.
Bây giờ khi đã ngồi tĩnh lặng để ngắm mặt trời mọc, rồi chờ cho tới khi nó lặn xuống phía chân núi xa mờ, mắt họ mờ lệ vì luyến tiếc. Đã lâu lắm rồi họ không được sương đêm tưới mát linh hồn, lâu lắm không được ngồi xoè với bạn nhìn mặt hồ xao động với những chú cá vô tư, miệng nốc từng vại bia, tay xoe xoe mấy củ lạc, lâu lắm không được nghe khúc hát huyền diệu của nắng nóng mưa nguồn. Hình như bên Tàu xưa có cái ông Trần Tử Ngang nào đó tức cảnh trên đài U Châu chỉ bốn câu thơ thôi mà để đời đời kiếp kiếp trần gian.
Ô, cái khối gỗ bọc lót sơn son rực rỡ, lung linh ánh nến tuôn chảy trong tầng tầng lớp lớp ximăng và đá quý kia đâu thể sánh được bằng một chữ trong cái "tức cảnh " ấy. Đi thôi, đi thôi, đến dự với cánh hỗn xược và ngạo mạn kia xem chúng dạo này ra sao. Để xem mình còn có thể vói tay lên cái lầu U Châu hay Cửu Trùng Đài nào nữa? Để xem biết đâu ta gặp được tri âm tri kỷ, hay đại loại một nàng nào đó tựa như nàng Đan Thiềm? (Nhân vật trong vở kịch nói "Vũ Như Tô" của Nguyễn Huy Tưởng - BT).
Cô ngồi tận góc ghế cuối cùng. Một chàng thi sĩ là fan hâm mộ nửa đời nửa đoạn của cô nhiều năm nay ném sang cho cô cái mẩu giấy chép Bài ca lên đài U Châu. Anh ngước nhìn cô với ánh mắt u uẩn, tựa như cô là người phải có trách nhiệm với niềm u uẩn ấy của anh.
"Ai người trước đã qua/ Ai người sau chưa đến/ Ngẫm trời đất vô cùng/ Một mình tuôn giọt lệ...".
Cô mỉm cười. Cô cũng ngạo mạn vì sự không tương xứng giữa những câu thơ và người chép thơ. Không biết anh ném bài thơ này vào tay bao nhiêu cô gái rồi? Một chàng thi sĩ mượn thơ truyền đời nhân loại để ép xác nỗi niềm.
Cô nhìn ông già đang được tôn vinh. Ông đáng được tôn vinh với những câu thơ bị người ta lột hết mớ ba mớ bảy để khoác vào linh hồn run rảy tội nghiệp đang khoả thân một tấm blu trắng của chiến dịch kế hoạch hoá gia đình phổ nhạc. Mặc dù vậy anh em chiến hữu vẫn tôn vinh ông nhờ những trường ca sâu thẳm mênh mông đầy bi tráng của cái cõi ông tận hưởng.
Cái cõi ấy xả láng giấc mơ của ông.
Chiếc điện thoại di động của cô rung nhẹ. Nó không đổ chuông vì cô đã tắt chế độ chuông. Cô mở máy.
Bên kia, giọng một người đàn ông sôi nổi:
- C.K đấy à? Chuyện anh nhờ em, em lưu ý nhé. Khi nào có thể đi được phôn cho anh chuẩn bị.
- Vâng.
Đấy là một đại uý công an.
Chàng thi sĩ liếc xéo xuống chỗ cô ngồi, nhắn cho cô cái tin da diết:
- Em ngồi đâu cũng có người săn lùng. Anh hâm mộ em. Dáng em rất đẹp...
Một tin nhắn nữa, không kém phần da diết:
- Em có bí quyết gì mà giữ được cái dáng người và sức vóc trẻ trung lâu bền như vậy?
Thêm một tin đầy ấn tượng:
- Em thuộc hàng bốn chuẩn mỹ nhân bên Tàu. Thứ nhất sắc diện hồng đào. Thứ hai eo mỏng, thứ ba chân dài...
Còn thứ tư? He he. Thằng cha ngu đần không kiếm đâu ra tiếp cái thứ sau để tán tỉnh. Ngay cả thơ hắn cũng dùng của người khác. Mà dùng cũng lộn xộn không vần, không màu mùi vị.
Một tin nhắn khủng bố bắn sang tiếp, tạo thành một chuỗi đạn xiên táo:
- Làm chết cả làng đàn ông...
Cô tắt máy. Nhìn lên phía ông già. Con nợ. Kẻ vô tình reo rắc niềm trắc ẩn.
***
Người đại uý công an đã kể cho cô nghe về một món nợ tinh thần mà ngày xưa anh đã lâm vào.
Hôm ấy anh đến nhà cô với bộ quân phục chỉnh tề, sao đại uý ngay ngắn trên hai cầu vai. Mưa xuân theo anh vào tận thềm nhà lặng lẽ của cô. Thi thoảng anh thích gặp cô để trò chuyện. Những câu chuyện về xã hội không đầu không cuối. Ban đầu của những cuộc thăm hỏi đó là nhiệm vụ "đi sâu đi sát quần chúng địa bàn" của công an phường. Về sau là những cuộc kiểm tra đột xuất những hộ gia đình bên cạnh có "vấn đề". Sau mỗi lần đấy, anh thường ghé vào uống chén trà, hỏi cô vài câu, nhắc cô cẩn thận khi sống ở địa bàn, rồi ra về.
Cô quyết định mua nhà ở khu vực này sau khi chia tay với người đàn ông mối tình đầu. Cô đi trên con đường được gá bằng những tấm bêtông nham nhở, giữa bao ánh mắt tò mò xung quanh cái xóm nhỏ nhếch nhác, lam lũ. Cái xóm nhỏ này không có tên, không có tổ dân phố, nằm lọt thỏm giữa thủ đô và nổi tiếng bởi những vụ hút hít buôn bán ma tuý, chứa chấp gái mại dâm.
Người đại uý công an đọc đi đọc lại cái tờ sơ yếu lý lịch cô khai làm tạm trú, nhìn tấm ảnh ba nhân bốn của cô, lại đọc kỹ cái tên cô, cái tên mà anh và nhiều người biết khi đọc báo đọc sách hay nghe đài, xem tivi, không hiểu người này có lý do gì lại quyết định nương thân ở một chốn đầy rẫy tệ nạn, eo óc và rác rưởi ấy? Hay đây là cách cô đi thực tế? Hay đó là số mạng bị buộc thử thách của cô?
Anh đã nói ngay ý nghĩ đó của mình khi gặp cô lần sau. Và cô cười. Cô không nói gì cả. Sau đấy anh cũng không hỏi gì nữa, và thường ghé thăm cô mỗi khi có thể.
Ban đêm khu xóm nhỏ chìm trong những hoạt động bí ẩn của một nhóm người trôi dạt đủ mọi phương trời về nương thân ở đây. Những tiếng xe máy đón gái đi đêm rồi trả gái về nhà trọ. Những cô gái xức nước hoa tẻ tiền, son phấn chứa đầy chất thuỷ ngân, bước ra khỏi nhà đi làm việc bằng cách nằm với đàn ông, quy đổi thời gian nằm đó thành những đồng tiền nhàu nhĩ. Những kẻ nghiện lảng vảng như dơi, tìm mọi cách để có tiền mua thuốc.
Công an khu vực hầu như không được ngủ nhà. Mấy người chia nhau túa ra khắp ngõ xóm. Nhìn thấy đám nghiện đang chích, họ hô to để đồng đội nghe tiếng, nhằm tránh những mũi tiêm cố tình chọc vào họ qua màn đêm đen đặc. Rồi vây bắt đưa về đồn, phân loại nghiện hay loại gây nghiện, xích tay những kẻ buôn bán cái thứ chất gây chết người và huỷ diệt tâm hồn hàng loạt những thế hệ thanh niên.
Hầu như ít khi những người công an khu vực được ngủ đêm cho trọn giấc. Anh cũng vậy.
Anh còn nhớ một đêm.
Đêm ấy đã xa lắm rồi. Khi anh còn là một cảnh sát mới ra trường. Tổ công tác của anh được lệnh đột kích một tụ điểm. Được biết đây là tụ điểm đã tồn tại nhiều năm nhưng do nó ẩn trong một trang trại của một nhân vật có tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ, một nhân vật mà ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh và bạn bè từng mê mẩn khi học đến những trích đoạn trong trường ca vĩ đại của ông.
Tổ công tác đã vào đến sân nhà rồi mà những chiếu ngồi sát phạt nhau không hay biết gì. Quang cảnh trong sảnh giữa ngôi nhà rộng trong trang trại lung linh đèn màu và sóng sánh những điệu ngọt thắm của liền em liền chị quan họ. Liền em mang áo tứ thân ghếch lên phím đàn, phơi cái liền em có giá gấp nhiều lần giọng ca ăn nước sông Cầu. Liền chị như những mụ Tú bà, núc ních ánh mắt moi tiền đàn ông, moi tiền liền em bất kể tiền gì. Những tấm thân ngọc ngà phơi lả lơi khúc hết duyên đi sớm về trưa một mình/ còn duyên ngồi tựa cột đình...
Đám người đang say sưa sát phạt, ôm ấp, ngạt hơi men và khói thuốc bàn đèn bỗng chốc tan tác, tán loạn. Anh được lệnh đi vào bên trong cùng vị chỉ huy. Căn phòng trong hôi sì khói thuốc phiện. Một người đàn ông đang nằm phê thuốc. Nhìn thấy sắc phục công an, ông ta khẽ nhổm người dậy, miệng lẩm bẩm: "đến lúc tới rồi đấy. Chỉ huy và anh cùng đứng sững lại. Hình như họ run rẩy. Hai cánh tay thõng xuống như có ma lực nào kéo lại. Người ấy. Ôi, người ấy. Một thời sân trường và trí tuệ tâm hồn học trò.
Sau này, anh mãi day dứt. Những day dứt trải dài căn nguyên của tuổi học trò và những vần thơ hùng tráng một thuở. Nhiều lần anh muốn tìm đến chỗ ông già, tự nhận mình là người cảnh sát trẻ năm xưa, xa xưa nữa là cậu học trò trường Chu Văn An mê thơ ông như mê những dòng sông thác ghềnh, và làm một việc cuối cùng với ông, đó là trả lại chiếc bàn đèn. Anh đã cất chiếc bàn đèn đó như một kỷ vật đau buồn.
Cô đồng ý sẽ chọn một ngày bình thường trong tháng để đi cùng anh tới nhà ông. Khi anh kể câu chuyện xưa cũ đó cho cô nghe, ông đang nằm liệt giường với hàng đống bệnh già. Anh dặn cô nhớ đừng kể chuyện này ra cho ai biết, nếu cấp trên của anh biết, anh có thể sẽ bị phê bình hoặc bị giáng chức. Anh cũng không thể đi tìm ông và đến nhà ông một mình. Chiếc bàn đèn năm ấy bị ném ra góc kho mốc meo, lẽ ra nó đã bị huỷ cùng nhiều thứ khác, nhưng không hiểu sao lại nằm lại và anh nhìn thấy nó. Anh nhặt nó về, đặt nằm trong một góc tủ nhà anh.
Khi nghe tin ông già đang bệnh gần chết, anh bỗng nhiên thấy day dứt, ý nghĩ không thể không gặp ông và trả lại cho ông cái thứ mà một cảnh sát như anh chẳng bao giờ muốn nó tồn tại cứ trở đi trở lại trong anh. Vẫn thường xảy ra những nghịch lý và nỗi niềm như vậy trên đời. Những nghịch lý xa lạ với pháp luật và những thiết chế.
***
Cô nhìn ông già đang lúc lắc trên chiếc xe lăn, ngồi giữa vòng hào quang được bện bằng những bậc "thiên hạ nhân, thiên hạ tài".
Mọi người tự hào đón ông đặt trên đầu những lối đi, ngay gần bục míc, tâm điểm của sự tôn vinh, hoá giải nỗi thống khổ mà bao nhiêu năm họ đặt lên mạng thơ của ông. Cả đời ông điêu đứng khổ sở vì cái tài nói quá đi trong khuôn khổ; cả đời ông tận hưởng niềm vinh quang trong lòng lớp lớp thế hệ; cả đời ông trôi đi với cả đống ngày vô nghĩa; cả đời ông được dệt bằng những vần ca, những vòng khói thuốc, những chuyện giăng hoa kết đèn bí ẩn đến tột cùng... Nhưng ông vẫn là một vầng hào quang.
Ông không biết rằng, dưới tít xa, tận đáy hội trường, nơi không có các vầng hào quang, một cô gái đang ngồi quyết định số phận chiếc bàn đèn của ông.
Cô tưởng tượng chiếc bàn đèn sẽ nằm trong một cái viện bảo tàng kỳ cục nhất thế giới, ở đó người ta thắp những cây nến tiễn đưa linh hồn, chiếc bàn đèn bị túm cổ xích chặt vào khối không gian vũ trụ. Và phía hào quang mặt trời là những gương mặt thiên thần nhang nhác người đại uý công an, nhang nhác chàng thi sĩ một thuở hào hùng... Không có vòng vây tôn vinh, không ngai, nom ông giản dị và ngạo nghễ.
Cô tính toán và sắp đặt thế này: Có thể chiếc bàn đèn ấy sẽ về lại tay chủ nhân của nó.
Cũng có thể cô sẽ thất hẹn với người đại uý công an.
Cô mở điện thoại. Chiếc điện thoại vô tình vô nghĩa rung lên:
- Em ơi, em là cái thể loại gì mà vật chết cả làng đàn ông?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét