Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

CÂU ĐỐI TẾT / hoang vũ đông sơn [1939- saigon 2014] -- newvietart.com (france)

CÂU ĐỐI TẾT







Nhu cầu thiết yếu của ngày tết Nguyên đán ở mọi gia đình Việtnam đều phải có:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Những di sản tinh thần của 'Thuở thanh bình ba trăm năm cũ' ấy đã tàn lụi thành tro thành bụi theo dấu binh lửa mỗi khi cuộc chiến xảy ra trên quê hương trong cảnh:

Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
(Hòang Cầm)

Nhưng khi bình yên trở lại; thịt mỡ dưa hành cây nêu tràng pháo bánh chưng không thiếu ở những người cần cù lao động. Duy chỉ có câu đối đỏ là nhiêu khê đấy. Nếu mua tại đầu đường cuối chợ của những người viết thuê. Dù người đó là một ông Đồ đã không còn học trò để dạy cũng thường quá, sáo quá và giống nhau quá như sản xuất đại trà vậy.

Thầy Vũ Đình Liên cực tả thảm cảnh của ông Đồ ủ rũ trước gió đông:

Giấy đỏ buồn không thấm
Mực  đọng trong nghiên sầu

Cái thuở người ta hô hào Âu hóa để 'sớm rượu sâm banh tối sữa bò' ở nơi thị tứ của một thiểu số người đã làm thầy Vũ buồn thay cho các ông Đồ.

Buồn thay cho rừng Nho tàn rụng!

Buồn thay cho cái học đã đào luyện cho Tổ Quốc Việt Nam được những mẫu người kỳ tuyệt như  Nguyễn thiện Thuật, Phan đình Phùng, Phan bội Châu, Nguyễn  đình Chiểu ...

Nếu thầy Vũ biết đó chỉ là điều tiên khởi cho những thảm trạng ngày nay: cháu con Việtnam gần như không còn biết đến hay có biết đến nhưng không tha thiết mấy với nét đẹp từ muôn đời của dân tộc mà ông cha đã dày công vun đắp. Đó mới là cái buồn cho câu đối.

Người Việtnam thuần túy không thể thay bánh chưng bằng bánh Tây (bánh mì), thay dưa hành bằng ca- la- thầu. (xu hào muối).

Cũng vẫn có một thiểu số người do số phận dun dủi mà gặp may hoặc cố bon chen để 'ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật' có thể quen. Còn quảng đại quần chúng nếu bắt buôc phải sống phải ăn, phải ở thét rồi cũng ngấy vì không hạp với thể tạng người Việt Nam.

Xuân về tết đến mà tai không nghe:

Đì đẹt ngoài sân tràng pháp chuột
Eo sèo trên vách bức tranh gà

Mắt không nhìn thấy cây nêu ở ngoài sân, trong nhà tại bàn thờ tổ tiên thiếu mâm ngũ quả, thiếu ba nén hương trầm tỏa khói, thiếu đôi câu đối đỏ thì xuân và tết mất hết cả ý nghĩa.

Màu đỏ giấy hồng điều của câu đối như đem hồng vận đến cho gia đình. Những chữ dùng trong icâu đố, nếu là của các đại gia văn học cỡ trạng nguyên, bảng Nhãn, thám hoa, nghè, cống ban; hoặc, tặng cho gia chủ thì coi như đã “bồng được ông Phúc vào nhà”. Chữ nghĩa trong hai vế của câu đối mâu qua thuẫn lại, uẩn tàng chí khí, nỗi thiết tha vươn tới tương lai hay mong ngóng một sự tốt lành của người chơi câu đối.

Riêng câu đối tết, vẻ trang trọng của ngày Nguyên đán; khiến cho các bậc d nho phải băn khoăn tự hỏi: viết thế nào cho hay cho đẹp. Chúng ta hãy nghe băn khoăn của Trần tế Xương trước và sau khi chấp bút:

Nhập thế cục bất khả vô văn tư
Chẳng hay ho cũng phải nghĩ  một bài
Huống chi mình đã đỗ Tú tài
Ngày Tết đến cũng phải một hai Câu đối
đối rằng:

Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế  thượng chi phong lưu, giang hồ  khí cốt.
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi bà  rằng: ”Dốt hay hay
- Rằng hay thì  thật là hay
Chẳng hay sao lại  đỗ ngay Tú tài
Xưa nay em vẫn chịu Ngài”

Lúc công chưa thành, danh chưa toại Nguyễn công Trứ vẫn phây- phây:

Chiều ba mươi nợ  hỏi tít mù,
Co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say túy lúy,
Giơ  tay bồng ông Phúc vào nhà.

trái lại [với] Trần tế Xương hướng ngoại :

Đào tiên đã chín hay chưa, bác mẹ em già,
Chắp cánh bay lên xin một quả,
Đối Tết không hay cũng dán, bà con ai biết,
Dừng chân  đứng lại ngắm vài câu.

Không khí trước thềm xuân thềm tết như thúc hối người ta phải tích cực làm việc. Một tay mã thượng giang hồ, suy ra có thể là một nhà văn, nhà báo cố viết để có tiền chi dụng Tết ;nên khẩu khí hơi khác thường khi 'cảm Tết':

Tết có gì, cũng viết loài viết soài, cũng chữ hoài, dửng dưng với họ     ra điều học hiệc
Xuân thì chơi, nào Câu đối Câu điếc nào pháo phiếc, chán cho đời     những sự Tết tung.

Ở Việtnam xưa, ngày xuân ngày tết đến bái niên nha; trong phần quà cáp nếu có được đôi câu đối tặng nhau mới là chân quý. Hậu sinh tử đệ mừng các đấng phụ chấp phải dâng trước tết. Đó là lễ, là trật tự xã hội tự nguyện của người Việtnam xưa.

Trong Giai thoại làng Nho, cụ Lãng Nhân có kể lại câu chuyện:

 “Có bọn thuyền mành Nghệ Tĩnh tải gỗ ra bán trong vùng Hà đông Hà nam, hàng bán hết nhưng thu chưa đủ tiền, mà đã quá 24, 25 tháng Chạp rồi, đành ở lại ăn Tết tại bến sông Đáy; ngay tỉnh Hà nam. Bọn chủ thuyền đều là tay có học, sính văn tự, nghe tiếng quan án Chu chân đại khoa, văn hay chữ tốt, bèn rủ nhau gom tiền mua mấy vuông vóc điều, biện cân trà và nén bạc, vào xin đôi câu đối để treo tết lấy khước. Sẵn bút quan án viết luôn:

Vọng Xuân, Xuân khả  liên, lĩnh thụ trùng già  thiên lý mục,

Quan án dừng bút nghĩ: Hỏng! hỏng lắm! Câu văn thoạt nghe thấy hay. Nghĩ ra thì:

” Xuân đáng thương “rông” người ta lúc năm mới, thôi đành tìm cách đối vế sau để gỡ lại vậy.

Bỗng có lính hầu vào thưa:

- Bẩm có cụ tú Kim lũ xin vào vấn an.
Quan án mừng lắm, thân ra đón nắm cổ tay bạn, chưa kịp hàn huyên đã thuật chuyện câu đối nghĩ gở,  ân cần nói:
- May quá, còn vế dưới ngô huynh nghĩ sao cho khỏi sái, Nghệ- Tĩnh lắm tay hay chữ đấy nhé.

- Xin vâng, quan anh viết đi:

Bất qui, qui tiện  đắc, cô châu nhất hệ  cố viên tâm

câu đối trở nên tuyệt cú:

Vọng Xuân, Xuân khả  liên, lĩnh thụ trùng già  thiên lý mục,
Bất  qui, qui tiện đắc, cô châu nhất hệ cố viên tâm

nghĩa:

Ngóng Xuân, Xuân  đáng thương, cây núi kín che tầm mắt rộng,
Không về, về  hẳn được, con thuyền buộc chặt mối tình nhà "

Khi đang viết bài này có người khách lại thăm thấy tôi đang hí hoáy, người đó kêu lên:

 - Câu đối cổ hủ lạc hậu, xưa như trái đất. Có chi hấp dẫn bằng tranh sơn dầu của họa sĩ Y, tranh sơn mài của họa sĩ X ... bằng tranh điện ... văn minh tiên tiến bây giờ.

- Đúng vậy! Thú vui mỗi thời mỗi khác. Lịch sự mỗi thuở mỗi mùi.
- Đã gọi là văn thì phải a. Có hóa mới là văn. Ông còn mất thì giờ sưu tập thứ hủ lậu làm chi. Từ cuối thế kỷ trước, Tây Hồ -Phan chu Trinh đã lên án bằng bài gì hay lắm, tôi quên mất rồi.

- Chắc là bài Chí Thành Thông Thánh.

- Nếu ông còn nhớ đọc lên nghe chơi!

- Không nhớ toàn bài chỉ nhớ bốn câu.

- Bốn câu gì?
Vạn dân nô  lệ cường quyền hạ
Bát cổ  văn chương túy mộng chung
Trường thử  bách niên cam thóa mạ
Bất tri hà  nhật xuất lao lung

- Vậy, nghĩa 'nó' [là] thế nào?

- Nghĩa thì uyên áo vô cùng. Có bản dịch cũ
Muôn dân trói buộc vòng nô lệ
Tám vế  thơ văn giấc ngủ nồng
Chịu mãi suốt  đời người mắng nhiếc
Bao giờ  đến lúc hết cùm gông

- Ông đã biết và đọc như thế lại còn ...

- Thưa ông, ngay ở Trung hoa trước hay sau cách mạng Tân hợi, một danh nhân đã thét lớn: 'Khổng học nghiết phân chi học'. Có người dịch là: “Khổng học là cái học 'ăn cứt'. Nhưng Sào Nam- Phan bội Châu vẫn để lại cho chúng ta bộ Khổng học đăng đấy. Mong ông tìm đọc.

- Thì giờ đâu mà đọc với lại nhức nhức đầu lắm!

- Thế thì đừng dạy dỗ ngăn cản nhau nhé! Cùng có chung một nền văn hóa Nho giáo, thế mà quốc dân các nước Tàu, Nhật, Hàn; họ đọc vào chính văn chính bản của tiền nhân họ một cách thoải mái. Riêng Việt Nam ta trong khi tửu hậu trà dư đã nói: “Bây giờ cứ bịt hết phần tiếng Anh tiếng Pháp và Quốc ngữ trên một lon sữa bò rồi nhờ các ông cử Việt Hán đọc âm và giải nghĩa. Có ông tịt đấy!” Tôi nhất định không tin. Nhưng bây giờ thì tin.

- Do tôi mà ông tin?

- Đâu dám, ông dạy quá lời.

-Thế quan niệm của ông về chữ Nho và Nho học ở nước ta hiện tại thế nào?

- Tôi đâu có sức vóc và tài cán ấy để mà quan với niệm, niệm với quan. Chỉ thấy cái hụt hẫng chung cho tất cả người Việtnam muốn sớm đoạn tuyệt với cái học cũ từ hồi đầu thế kỷ này cơ. Tôi dốt mà.

- Lỗi ấy do ai ? Ai chịu trách nhiệm.

- Chẳng do ai. Chẳng ai phải chịu trách nhiệm.

 - Đấm bị bông à ?

- Làm gì có bị mà đấm!

- Chẳng qua cũng tại vua Hùng ...

- Đọc cho nghe bài viết

- Không được ! Chỉ vài câu chót để cám ơn ông ghé thăm xin đừng cười:

Thú  chơi tao nhã của cổ nhân đã trở thành nền nếp ở Việtnam ta từ muôn đời rồi. Thế mà Âu hóa rồi chiến tranh làm cho tiêu tán. Ngày nay mỗi khi đến bái niên ai vào dịp tết Nguyên đán mà được nhìn thấy đôi câu đối đỏ treo hoặc dán ở trước bàn thờ gia tiên hay chỗ ngồi chơi đều khiến chúng ta kính mến chủ nhân là người còn giữ được phong hóa.    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét