Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

món quà của định mệnh / tự truyện trần thị bông giấy (nghìn thu mệnh bạc ( IX ) -- văn uyển publishing company, san josé 2015)

nghìn thu mệnh bạc (IX)
văn uyển publishing comapany
san jose 2015

                                     món quà của định mệnh
                                                           (tự truyện - bài 53)
                                                     trần thị bông giấy


                                                                   ví dầu trăng soải đồi tây
                                                                                  lòng ta trăng sáng soi đầy bãi đông ...
                                                                                   trăng treo ngược sốc sương mờ
                                                                                  người đi, để lại nửa tờ chiêm bao
                                                                                                           (thơ TNH)

duy Linh vẫn là người bạn duy nhất thường xuyên thăm tôi [vào] thời gian cô độc này.  Tôi tri ân tình bạn từ anh, nghĩ rằng ít  ra tôi cũng còn may mắn !
    Trong những buổi café tại phòng sách, những câu chuyện văn chương được đề cập.           Một lần anh nói,
    " Chị giống đứa con nít nhà giàu, được cha mẹ mua cho những món đồ chơi, nhiều đến độ chẳng còn biết chọn món nào để mà ưa thích . "
     Tôi đang ngẩn người ra chưa hiểu, thì anh đã tiếp, 
     " Những kinh nghiệm sống trong đời chị chính là những món đồ chơi mà bà mẹ Định mệnh đã ban.  Đó cũng là chất liệu ngày nay tạo nên vị thế một nhà văn cho chị. "
     Một lần khác, có mặt Lê Đô.   Khi Lê Đô hỏi tôi,
     " Đọc Nước chảy qua cầu từ đầu đến cuối, không bị nghẽn trên cách hành văn mà vẫn không trùng ý.  Tại sao chị làm được điều ấy?  Có thể nào chị dạy cho tôi cách viết văn như vậy?"
     Tôi thành thật đáp, 
     "  Khi viết là tôi phóng bút và phóng cả con người vào đó.  Nói đúng hơn, viết trong tâm thức của kẻ mộng du.  Làm sao tôi biết cách chỉ cho anh?  Anh nên hỏi Lê duy Linh thì hơn, chính tôi cũng nhiều lần vấn kế anh ấy."
    Khuôn mặt Lê Đô lộ vẻ kinh ngạc,
    " Vậy sao ? Không nhờ TTBG cũng là con người khiêm nhường quá ! "
    Tôi phá lên cười,
    " Tại anh chưa hiểu rõ tôi đó thôi.  Tôi rất kiêu hãnh trên nhiều mặt , nhưng riêng mặt văn chương nghệ thuật thì lại rất khiêm nhường.  Ví như Púshkin có công đề nghị các đề tài cho Gogol viết, thì tôi cũng sẽ không bao giờ chối rằng các đề tài của tôi, một phần là do Lê duy Linh gợi ý. "
    Lê duy Linh thản nhiên, 
    " Tôi giống như chị hàng xóm của chị BG, đứng bên này hàng rào, chỉ cho chị ấy biết kho tàng nào nằm bên dưới vùng đất thuộc khu nhà chị.  Chính chị BG đã đào xới kho tàng bằng tài năng của chị, chứ phải đâu tôi làm điều ấy. "
     Lê duy Linh tiếp,
     " Giao thiệp với chị BG, thấy tâm hồn chị rất sôi nổi, đời sống lại đầy những biến động dồn dập, vậy mà thật lạ, rằng sao trong tất cả, các tác phẩm; đặc biệt Nước chảy qua cầu, chị có giọng văn trầm tĩnh điềm đạm đến gần như dửng dưng trước mọi sự việc?"
     Tôi ngạc nhiên, 
     " Anh nói, tôi mới nhận ra.  Chính tôi cũng lạ lùng với những mâu thuẫn giữa con người và tác phẩm mình như thế.  Nhưng nếu phân tích,  có lẽ thế này: " Trong đời sống, sự tôi thèm muốn trên hết chính là tình yêu trầm lặng.  Nhưng bởi vì không tìm thấy điều ấy trên thực tế, nên tôi chạy tìm trong văn chương, tự tạo cho mình một thế giới an ổn qua văn chương. "

    Những cuộc trò chuyện giữa các người yêu chữ nghĩa thường có nhiều thú vị.
    Một buổi xế cuối tuần, trời rất lạnh, ngồi với nhau trước 2 ly café nóng trong phòng làm việc của tôi, gần đó [Trần San] Âu Cơ đang vùi đầu đọc sách.  Lê duy Linh đột nhiên bày tỏ,
    " Nếu sau này lấy vợ mà sinh con gái, bài học đầu tiên và cần thiết nhất, tôi sẽ dạy cho con tôi chính là chịu đựng sự cô đơn."
     Anh không giải thích chiều sâu ý nghĩa câu nói, nhưng tôi hiểu.  Tôi gật đầu,
     " Tôi đồng ý với anh điều đó.  Người phụ nữ từ căn bản vôn yếu đuối trước những chông gai ; và, thường hay vấp ngã.  Nếu không có sự trui rèn chịu đựng, gặp nghịch cảnh, nhất là nghịch cảnh phải chống trả sự cô đơn, sự sa lầy; hẳn là kinh khủng hơn so với sự sa lầy xảy ra cho đàn ông."
    Tôi tâm sự,
     " Có một cơn mơ cứ tái đi tái lại nhiều lần trong giấc ngủ tôi.  Tôi mơ thấy mình đang đi trên đường dốc lài lài, giữa khuya vắng vẻ. Đột nhiên 2 chân cứ vụt mà chạy, lúc đầu chậm, sau nhanh dẫn đến như không thể ngừng lại.  Khi ấy, tôi nghe rất ngộp thở, cứ mong nhìn thấy ai hay một cái rào cản nào chắn ngang con đường đang chạy.  Tỉnh dậy, vô cùng sợ hãi, tâm trạng như bị hụt chân rơi xuống một cái hố thật sâu. "
    Lê duy Linh kêu lên, 
    " Đời sống hiện tại của chị chính là cơn mơ như thế .  Chị làm việc như một người đang chạy trên con đường dốc, lại là những việc làm cô đơn. "
    Rồi anh kể, bảo với tôi rằng : trong vòng bạn hữu, nếu có ai không hành xử giống như ý chị, chị sẽ không giao thiệp với người ta nữa. "
    Tôi đâm khó chịu,
    " Tất cả mọi người đều thế, cứ gì tôi?  Tuy nhiên ở tôi, có lẽ điều này dứt khoát hơn.  Ví dụ, tôi chủ trương, trong tình vợ chồng và tình bạn, phải đặt để lòng chung thủy tuyệt đối; nhưng thiên hạ lại cứ thích phản bội, lừa lọc nhau.  Hẳn nhiên tôi không buộc kẻ khác hành xử giống tôi; nhưng, tại sao tôi lại phải tiếp tục giao thiệp với những người như thế ?"
    Tôi thẳng thắn, 
     " Cuộc đời quá ngắn.  Giai đoạn này tôi không được quyền ôm đồm tất cả mọi điều mình muốn trong một lúc.  Tôi buộc phải chọn theo thứ tự ưu tiên .  Cái thời mỗi đêm cùng bạn bè đi uống café nói chuyện tầm phào đã xa rồi, từ lâu lắm.  Bây giờ, sự làm việc hữu ích cho nhiều người; với tôi, cần thiết hơn một giao thiệp chỉ riêng tôi và người bạn tôi thụ hưởng niềm vui.  Đó có lẽ là lý do lớn nhất khiến tôi không có bạn, "
    Lê duy Linh lắc đầu,
     " Không phải là chị không có bạn, mà là không muốn có bạn.  Nhiều người lâm vào sự cô đơn, vì chẳng ai thèm giao thiệp với họ.  Còn sự cô đơn của chị nẩy sinh từ điểm, rất nhiều người muốn giao thiệp với chị, nhưng chị lại muốn chối từ; đẩy họ ra xa. "
Anh nói thêm,
    " Đôi khi nghĩ về chị, tôi thấy thật kinh khủng.  Những biến động cứ không ngừng đưa đến trong đời sống.  Nếu là tôi, dẫu được Thượng đế ban cho một tài năng mà phải trải qua những thống khổ như chị từng gánh chịu; chắc tôi sẽ không dám nhận. "
    Một buổi Lê duy Linh hỏi,
    " Uống rượu uống café nhiều lần tại nhà chị,  tôi nghiệm thấy một điều : khi có mặt TNH, [chồng cũ của TTBG] chị thường im lặng.  Không có mặt TNH như thời gian này, chị tỏ ra cởi mở hơn.  Vậy xin thành thật hỏi, chị thích điều nào trong 2 điều :không có mặt TNH trong các cuộc họp mặt bạn bè của chị.?"
     Dù vẫn quen cái lối 'méo mó nghề nghiệp' của Lê duy Linh; nhưng với câu hỏi này, tôi có hơi khựng một chút.  Lượt soát nhanh trong óc, quả tình có điều ấy thật.  Thời gian này chỉ còn mỗi Lê duy Linh tới uống café, uống rượu ; thỉnh thoảng có Lê Đô và Nguyễn văn Hóa đến thăm, trò chuyện đôi câu; nhưng, tôi lại thấy lòng bình an hơn, so với 7 năm cũ, biết bao bạn bè dập dìu đàn đúm.
     Tôi gật đầu,
     " Tôi nhận đúng như anh nói; dạo về sau, trước mặt TNH , tôi không còn cảm thấy thoải mái, trong các cuộc họp mặt bạn bè nữa.  Có lẽ vì những cái gì tôi đã lỡ nghe, lỡ biết về anh ấy; trong câu chuyện tan vỡ vừa rồi, làm cản ngăn tất cả hứng thú trong tôi; khiến tôi có [xu] hướng tự rút vào nội tâm.  Nhưng với câu hỏi của anh, rất thành thật tôi đáp : 'Trong các cuộc chơi chung, tôi vẫn thích có mặt TNH'.  Lý do, chỉ v tôi không muốn hành động lén lút bất cứ điều gì hết.  Trong đời sống 7 năm qua với TNH; tôi có thể làm việc một mình, suy nghĩ một mình, chịu đựng đau khổ một mình -- nhưng còn các cuộc chơi và những niềm vui, bao giờ tôi cũng muốn chia sẻ cùng người hôn phối của tôi. " 
     Nét mặt Lê duy Linh ra vẻ ngạc nhiên,
     " Chị có thể cho biết điều ấy do đâu mà ra ?"
    Tôi cười,
     " Anh đúng là nhà tâm lý học; lú nào cũng ưa đặt ra một những câu hỏi.  Chẳng từ đâu cả; mà chỉ là tôn trọng theo một nguyên tắc do chính tôi đặt để : ' Ngày nào TNH còn là chồng tôi, ngày ấy tôi còn không muốn khiến anh ấy phải buồn, vì bất cứ tai tiếng tình cảm nào phía riêng tôi.  Nếu có phải bỏ nhau, tôi sẽ bỏ trong thẳng thắn; mà, không bất cứ người đàn ông nào có đủ khả năng là nguyên nhân gây nên xa cách.'  TNH có thể và từng đã làm khổ tôi; vì sự lăng nhăng tình cảm riêng, nhưng còn tôi thì tuyệt đối không bao giờ cho phép mình làm điều ấy.
    Và, tôi khẳng định,
     " Cá tính chai lì, dám hành xử nhiều chuyện kẻ khác không dám; nhưng với những việc không đáng, thì lại không bao giờ thích phí thì giờ để dấn thân vọ ích.  Một trong những điều không đáng trong đời sống tôi, chính là sự 'để tâm hồn đi hoang' , theo lối nói của TNH trước kia.
    Tôi còn nói thêm,
     " Anh biết tôi là một nghệ sĩ; vậy thì, sự rung động tâm tư tất có thể xảy ra một lúc nào chứ ?  Ví dụ, đôi khi gặp người đàn ông có những điểm hơn chồng mình , về tài năng, cá chất; tôi cũng nghe lòng so sánh.  Nhưng tất cả những điều này chỉ thoáng qua; và, tan biến dễ dàng trước ý thức đạo đức, trách nhiệm và lương tâm trong chính mình."
    Tôi cười, tiếp,  
     " Cuộc đời lúc nào cũng có sẵn những cạm bẫy lôi cuốn con người.  Con người lại chỉ là những sinh vật yếu đuối, luôn gặp những hoàn cảnh xô đẩy để phải phạm tội.   Vậy theo tôi; có một cách hay hơn hết để mình tránh khỏi phạm tội -- đó là đừng nên tự mình tạo ra những cơ hội đến gần với sự phạm tội.  Đã biết trước mặt có một cái hố cho mình sụp bước; thì, nên rẽ sang hướng khác.  Còn như lỡ sụp rồi, phải tìm cách bò lên, đừng để lún sâu hơn."
    Rồi, tôi kết luận,
     " Con người ta hơn kém nhau ở cái đạo đức và lý trí; chứ, không ở tài năng hay dục vọng.  Càng trong cơn hữu sự, đạo đức và lý trí càng phải được sử dụng nhạy bén hơn."
[]

  Cali, tháng 4/ 1996
  TRẦN THỊ BÔNG GIẤY

                                                 (tr. 153- 156 -  NGHÌN THU MỆNH BẠC  (IX) 



                                                     nước chảy qua cầu / trần thị bông giấy
                                                          bản anh ngữ river of time by trần thy hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét