một người lính nói về thế hệ mình
<Bog lengoctrac.com>
một anh lính [mặt trận...]
nói về thế hệ mình
thơ : thanh thảo
thanh thảo [i.e hồ thành công 1946 - ]
ảnh: Internet)
ngày chúng tôi đi,
các toa tàu mở toang cửa
không có gì che giấu nữa
những thằng lính trẻ măng
quân phục xúng xính
chen bám ở bậc toa
như chồi như nụ
con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ
và dài muốn đứt hơi
hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ
thế hệ chúng tôi
hiệu còi ấy là một tuyên bố
*
một thế hệ ngày đều đụng trận
mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82
vẫn thường vác trên vai
một thế hệ thức nhiều hơn ngủ
xoay trần đào công sự
xoay trần trong ý nghĩ
đi con đường người trước đã đi
bằng rất nhiều lối mới
những cái tên trên cây rừng khắc vội
những chữ N chữ T vạch ở các bình-tông
ba-lô đừng một bộ áo quần
và gói mắm cùng nắm cơm nho nhỏ
bếp dã chiến cháy dọc bờ suối đi
treo tòn ten mấy ống cóng canh chua
nấu lá giang và mắm ruốc
tất cả những gì chúng tôi có được
đều trải cho nhau
trải ra đất
thật tình
với quân thù --chi đến tối đa
với bè bạn -- phải chơi hết mình
nếu chỉ nhìn chúng tôi đen hơn
nhìn cái vóc dạn dày trước tuổi
đến vết chai trên bàn tay, chưa đủ
cũng chưa đủ nếu chỉ tính cuộc đời
bằng những chiến công
*
ôi trảng dầu những chiếc lá khô cong
mỗi bước chân rì rầm tiếng nói
đêm hành quân qua nhiều đống lửa
bùng tự nhiên ngay giữa lối mòn
thế hệ chúng tôi mưa quất bốn bề
giữa Tháp Mười không mái lá nương che
nước đã giật phải đẩy xuống băng trấp
lúc ấy chân trời là lưng người đi trước
vụt lóe lên qua ánh chớp màn mưa
thế hệ chúng tôi trắng từng đêm lội nước
sình bết từ chân bết đến đầu
nếu giọng nói có nhiều khi ngang dọc
nếu cái nhìn có lắm phen gai góc
và ngọn lửa chịu sình là lửa thực
đã bùng lên
dám cháy tận sức mình
*
nhủ điều chi ơi tiếng quốc đêm sương
kêu da diết suốt mùa mưa nước nổi
lá nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay
đất nước ngấm vào ta,đơn sơ
như Tháp Mười không điểm trang
đầy im lặng
trên tất cả tình yêu
tình yêu này đi thẳng
đến mỗi đời ta
bếp chất những ngôn từ
tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ
đến Mỹ long 2 đứa nằm lộ đất
trải dưới trời 1 tấm ni-lông
nơi khi chiều B 52 bửa 3 đợt
nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết
nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của mình
'chừng nào thật hòa bình
ra lộ 4 trải ni-lông 1 đêm cho thỏa thích'
thằng bạn tôi đăm đăm
nhìn ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước
đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được
chứa đầy 1 hố bom và 1 ngôi sao (*)
---
* đoạn thơ viết về chuyến: tôi và anh bạn Phạm quang Nghị
phải chịu nhịn đói đúng 3 ngày trên lộ đất Mỹ long,
Đồng tháp Mười ( còn gọi là "lô đất Trần lệ Xuân " ( ... )
( chú thích: THANH THẢO)
cơn lốc xoáy trên nóc rừng nguyên thủy
tiếng hú dài trong những bóng cây
đàn dơi chấp chới bay
trảng tranh hừng hực nắng
chúng tôi qua cái khắc nghiệt mùa khô
qua mùa mưa mưa dai dẳng
võng mắc cột trăm đêm ướt sũng
xuồng vượt sông dưới pháo súng nhạt nhòa
đôi lúc ngẩn người một ráng đỏ chiều xa
quên đời mình thêm tuổi
chân dép lốp đạp mòn trăm ngọn núi
mà không hề rợp bóng tương lai
*
những trận đánh ập về trong trí nhớ
pháo chụp nổ ngang trời từng bựng khói
nhịp tim đập dồn lần xuất kích đầu tiên
bình-tông cạn khô trên nóc hầm nồng khét
những vỏ đồ hộp lăn lóc
cái im lặng ù tai giữa 2 đợt bom
một tiếng gà bất chợt
bên bờ kênh hoang tàn
thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm
không dựa dẫm những hào quang có sẵn
lòng vô tư như gió chướng tong lành
nhứ sức trời ngày nắng tự nhiên xanh
*
đoàn xuồng chuyển quân bơi rậm kênh Bằng lăng
buổi chiều pháo bắn
những cây bình bát gục ngã
hoàng hôn đôi bờ như máu chảy
trắng đồng kênh xác xáng đặc lều bều
tôi bỗng thấy mặt mình trên mặt nước
mặt nước trôi những dề xăng đặc
mặt nước trôi những trái bình bát
mặt nước trôi quê hương không còn nguyên vẹn
và tôi thấy
trôi qua mặt mình bao nhiêu gương mặt
những bạn bè quen những bạn bè chưa gặp trẻ măng
loang loáng theo con nước
trôi về những đồng sâu
hun hút buổi chiều
đó là những người quen trước
không phải trước 20 năm
đó là những người quen sau
không phải sau 20 năm
mùa xuân buổi chiều ấy
trên những dòng kênh ấy
pháo bắn và nước chảy
thế hệ chúng tôi --
nhìn rất rõ --
mặt mình. (*)
[]
1973
thanh thảo
-----
* " ... mà sau này khi bài thơ đã in bình thường ở Việt nam trong các tuyển tập thơ
[ thời ở Cục R bị cấm]-- rồi được dịch ra anh ngữ, xuất bản tại Mỹ ... --
thì 'nó' mới có thể sống đời binh thường của một bài thơ ..."
(chú thích: THANH THẢO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét