Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013
nhớ nơi kỳ ngộ / lãng nhân 4
nhớ nơi kỳ ngộ : *
vũ bằng, nguyễn tuân, á-nam- trần tuấn khải , phạm quỳnh
bài viết : lãng nhân
----
* BT lược bỏ một số tác giả: Việt -An -Thôn- Nữ, Ngẫu -Trì Trịnh- đình- Rư , Nguyễn văn Luận,
Dương mậu Ngọc ...
VŨ BẰNG
Chính tên Vũ đặng Bằng , một thanh niên nhà giàu, học giỏi - học sinh trường
Lycée [ Albert Sarraut ] - đã đậu xong tú tài 1, rồi bỏ ngang gia nhập giới nghệ sĩ giang hồ. Anh đến gặp chúng tôi vào lúc[ báo ] Đông Tây vừa khuếch trương, đổi ra nhật báo và dọn lại phố 12 phố Nhà Thờ, trong 1 căn nhà mới xây rộng rãi, ngăn nắp, thích hợp với nhu cầu mới.
Vũ [ Bằng ] đưa tôi 1 bài phiếm luận anh mới sáng tác. Đọc, thấy có những nhận xét dí dỏm, nằm trong lời lẽ nhiều phần còn quá tây, đầy vang bóng nơi trường Pháp , tôi đề nghị riêng 1 mục cho Vũ Bằng, gọi là Bút mới. Mục này sau độc giả thanh niên hưởng ứng rất nhiều, vì ý và lời đều mới mẻ, hấp dẫn. Sau đó, Vũ Bằng viết cho nhiều báo, như
Phổ thông, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tia sáng, Vịt đực ... nổi tiếng 1 thời.
Khi đất nước chia đôi, Vũ [ Bằng ]vào Nam, kiên quyết giải trừ ma túy và tiếp tục viết báo, viết sách. Những tác phẩm của Vũ, như Bốn mươi năm nói láo, ôn lại quãng đời làm báo, tuy nổi chìm trong thanh bạch; nhưng, thích thú khi mua kinh nghiệm, có phần bằng giá rất đau. Lại như Miếng ngon Hànội và Thương nhớ mười hai viết bằng ngọn bút vô cùng truyền cảm, khiến người đọc phải thẫn thờ khiến tiếc thương vị đặc thù, và cảnh sắc thơ mộng nơi văn vật.
Vũ [ Bằng ] tạ thế ngày 7 thang 4 năm 1984 tại Sài thành .
Ngoài trợ bút họ Vũ [ Bằng ] [ báo ] Đông Tây còn được sự giúp sức các phóng viên các nơi, như : Lê sĩ Ngữ ở Yên Bái, Hoàng trọng Miên ở Huế ... Đặc biệt là phóng viên ở Thanh Hóa [ là ] Nguyễn Tuân, và ở Nam Định ,Nguyễn văn Luận. []
NGUYỄN TUÂN
Khi được thư Nguyễn [ Tuân ] muốn có thẻ phóng viên , tôi đáp ứng ngay và sau đó nhận được bài phỏng vấn ông Nguyễn bá Trác, bấy giờ làm tổng đốc Thanh Hóa. Ai cũng biết đường sự nguyên là người cách mạng hồi chánh, được sở Liêm phóng Đông
Dương * cho làm báo Nam Phong ( phần chữ Hán ), rồi lại bổ vào ngạch quan lại, leo lên đến tột bực tỉnh đường. Như thế, nói tới ông làm gì nữa: chê thì kiểm duyệt sẽ gạch bỏ, mà không lẽ khen ? Bài Nguyễn Tuân vừa khen, vừa chê một cách khéo léo, ai đọc lách, củng hiểu là chê nhiều hơn khen. Ngộ nhất là chính ông Trác lấy làm vừa ý, gửi lời cảm ơn Nguyễn Tuân, cũng như đã có lần cảm ơn cụ Bảng Nông Sơn * * về 4 câu tập Kiều :
----
* sở Mật tham Đông Dương .
** tức Bảng Mộng.
(BT)
Những từ lạc bước bước ra
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Rầy xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ?
Những khi Nguyễn Tuân có dịp ra Hànội, tôi thường kéo đi thưởng thức chim quay như ý anh thích. Khi chim bưng ra, anh tợp 1 hơi Mai quế lộ, rồi cầm dao dĩa cắt bỏ thịt da, chỉ nhâm nhi mấy cái xương chân, xương cánh mà thôi. Ấy, anh hay có cử chỉ khác thường như thế, cho nên khi viết văn cũng vậy, anh ưa tìm tòi những cái lắt léo mới lấy làm thú vị.
Sau này, anh kẹt lại Hànội, hay là nhất định ở lại ; vì vốn là người thiên tả. Nhưng rồi theo hẳn CS, không biết có còn tâm phục nữa không ? Hay là cũng khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào "! ...
Nguyễn Tuân tạ thế ngày 28 tháng 7 năm 1987 tại Hànội, thọ 77 tuổi. []
TRẦN TUẤN KHẢI
Bút hiệu Á Nam . Một nhà thơ dùi mài kinh sử mà chỉ đậu khoá sinh, nhưng có sở đắc về thơ Nôm. Đã xuất bản 2 tập thơ Duyên nợ phù sinh và Bút quan hoài rất được tán thưởng.
Anh Khóa sống trong cảnh tanh bạch dưới 1 mái nhà tranh trong ấp Thái Hà, lúc nào cũng nhã nhặn áo the thâm, khăn xếp, giầy Gia Định, giọng bình văn ấm cúng; đôi khi điểm tiếng tơ nảy trên đàn nguyệt; khiến cho mấy cô thôn nữ trong vùng những lúc canh khuya cầm lòng chẳng đậu.
Anh Khóa nổi tiếng nhất về những bài hát ái quốc:
' Anh Khoá ơi, trông bốn phương non nước những mông mênh, trời Âu, bể Á, một chiếc thuyền tình anh biết ghé nơi nao ?
Em thương anh cũng bậc anh hào, ngang trời dọc đất, dễ anh nào đả chịu thua ai ?
Anh Khóa ơi, trời cao cao mà bể lại sâu, hỏi rằng trời bể có thấu nổi nhau chăng là ?
Còn non sông, em còn quyết chí đợi chờ, tàu bay tàu lặn, đến bấy giờ ta sẽ lại gặp nhau ...'
Bài này được bí mật truyền tai cho những đám hát xẩm để nghêu ngao nơi các bến tàu thủy, hàng ngày nhắc nhở lòng yêu nước trong đám đông hành khách bình dân.
Sau khi chia tay ở báo Đông Tây, tôi ít có dịp gặp lại Á Nam.
Đường đời xô đẩy , mãi 20 năm sau, lánh nạn ... , chúng tôi [ di cư ] lại ngộ nhau ở Saigon. Bấy giờ, Á Nam đã ngoài 60, nhưng còn tráng kiện. Các bạn làng văn có lòng mến yêu, nhất là các bạn người Nam còn tỏ ra ngưỡng mộ chí khí, họp nhau đến thăm và tặng 1 khoản tiền không nhỏ để chi dụng, vì biết là 1 nhà nho thanh bần.
Thế rồi đến tháng tư đen.
Giữa lúc nhốn nháo, cả triệu đồng bào bị tù đày cùm kẹp, và triệu người xấp ngửa xô nhau ra biển, đến đỗi mấy trăm ngàn vùi thân bụng cá, thì báo đăng bài [ Á- Nam Trần tuấn Khải ] sau đây :
đổi kiếp đời
Á-NAM -TRẦN TUẤN KHẢI
Cuối xuân Ất mão ( 1975) tiếng súng cuối cùng Saigon - Chợ-lớn đã tắt, ngọn cờ giải phóng tung bay khắp miền Nam, nước Việtnam ta hoàn sạch vết quân xâm lược. Những quân tay sai bán nước đều cao bay xa chạy. Tác giả tuổi ngoài 80 này được trông thấy cái cảnh huy hoàng rực rỡ của cả dân tộc Việtnam, trút hết nỗi uất hờn sâu thẳm trong bấy nhiêu lâu, thực chẳng khác gì tái sinh sang viết mấy vần sau đây để góp vui cùng bạn lòng trong cõi :
Hơn tám mươi năm lộn kiếp đây
Tuổi đời : lên một, tính từ nay !
Cơm no đoàn kết mau khôn lớn
Nước sạch xâm lăng khỏi quấy rầy
Độc lập đi về nhiều chuyện thú.
Tự do ăn học lắm tài hay
Nhờ ơn cách mạng bồi thêm thọ
Hương mãi non sông đất nước này .
----
* có bản chép : ' Hưởng mãi non sông đất nước này ' (BT).
VIẾT TẠI XÓM LAO CỘNG NGÀY XUÂN ẤT MÃO
1975 Á-NAM - TRẦN-TUẤN-KHẢI
Tôi [ Lãng Nhân ] bàng hoàng, không ngờ lại thấy thái độ này ở người bạn cũ, tự hỏi :
' thế này thì năm [ 19 ] 54 lặn lội vào miền Quốc gia làm gì thế nhỉ ? Sau nghe, ông
[ Trần Tuấn Khải ] * được cấp lương dưỡng lão , lại được chữa chạy trong bệnh viên Vì Dân ** như 1 nhân viên cao cấp, cho đến lúc từ trần vào mùa xuân 1983, thọ 90 tuổi.
Tôi ngậm ngùi nhớ lại câu ông viết mà tôi thường nhắc tới :
' Hai vai thân thế, một gánh giang sơn
cuộc văn chương dẫu đến khi tàn ma dại
ngọn bút quan hoài biết bao giờ cho ráo mực ! '
Thì nay quả có như vậy: bút nào ráo được mực trước: ' bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương ! '. []
-----
* cùng trường hợp, ông Giàn-Chi - Nguyễn hữu Văn ( viết sách chung với ông Nguyễn hiến Lê ) được Giải văn chương toàn quốc ( VNCH ) cũng được hưởng 300 ngàn Vnđ hàng tháng, theo sự đề nghị của ông Trần bạch Đằng .
** nay Bệnh viện Thống nhất.
( BT chú thích )
PHẠM QUỲNH
Sinh năm Nhâm thìn 1892, từ bé theo học chương trình Pháp Việt rất thông minh và chăm chỉ dùi mài. 17 tuổi đã tốt nghiệp trường Thông ngôn, được bổ làm thư ký trường Viễn đông Bác cổ. Năm 1908 dính líu vào vụ Đông kinh nghĩa thục bị giữ ở sở Cảnh sát, song được tha vì còn vị thanh niên và viết lời hối lỗi tha tha thiết bằng những câu tiếng Pháp rất uyển chuyển. Lời này được Louis Marty, giám đốc sở Mật thám Đông Dương tán thưởng, xin cho lên phủ toàn quyền giúp việc trong sở Mật thám về phần Pháp văn, còn về phần Hán văn đã có ông Nguyễn bá Trác, một nhà nho cách mạng ở Tàu về đầu thú. Đến năm 1917, Pháp đang lo lắng về cuộc Âu chiến, Marty nghĩ cách mua chuộc lòng dân , đứng ra sáng lập tạp chí Nam Phong, giao Phạm Quỳnh chủ bút phần Việt văn, [ Nguyễn ] Bá Trác chuyên về chữ Hán, mục đích là lấy văn hóa và tiền lương tháng để chiêu dụ và nuôi những nhà nho hồi chánh. Lương to dành cho 2 chủ chốt , tất nhiên [như vậy rồi! ]
Nhờ những bài biên khảo về danh nhân nước Pháp, nhờ tài diễn thuyết hùng hồn, ông
[ Phạm] Quỳnh sớm nổi danh, nhưng vì kiêu ngạo, hay nhếch mép một nụ cười khinh bỉ, nên bị diễu là học phiệt.
Hồi 1931, ông viết về chủ trương chính trị của mình trong bài nhan đề Lập hiến cho nước Nam, 5 chữ[ kia] thật hỗn xược ! Do đó, báo Annam Nouveau của ông [ Nguyễn
văn ] Vĩnh ra đời. Để trả lời, nhân dịp tổng tra thuộc địa Paul Reynaud qua kinh lý, trong lời chào mừng ở hội Khai Trí, ông [ Phạm ] Quỳnh mạnh dạn : ' xin cho chúng tôi một tổ quốc ' , có ý diễu ông[ Nguyễn văn ] Vĩnh làm mất quê hương.
Hai bên đương đối lập, bỗng ký giả Pierre Mille sang quan sát tình hình trong nước, đến phỏng vấn ông [ Phạm ] Quỳnh về vấn đề thanh niên, ông Quỳnh mạt sát họ đủ điều, nhất là tội óc rỗng và mất gốc. Bài báo đăng trên tờ France-Indochine gây sôi nổi trong giới thanh niên , nhất là đám sinh viên cao đẳng, họ đùng đùng nổi giận, đi tìm ông Quỳnh để cho 1 bài học. Thì, họ gặp ngay ông lúc vừa ở nhà in Lê văn Phúc bước ra, sắp trèo lên chiếc xe nhà bóng loáng, bèn hô lên ' thằng hót Tây ! thằng hót Tây ' và xô tới định hành hung, thì ông lùi được vào nhà in, đóng xập cửa lại, thoát thân.
Dịp này, Hoàng tích Chu viết mấy số liền trên Đông Tây tán dương hành vi của sinh viên, cổ võ thanh niên tỏ bày chính kiến và tuyên dương tinh thần dân chủ của các nước tiên tiến.
Chừng 2 tháng sau, chúng tôi nhận được giấy báo: Đông Tây bị rút giấy xuất bản. Chúng tôi điều đình với ông Phùng văn Lang, khai thác tờ Thời báo mà ông có giấy phép chưa áp dụng. Thì cũng được hơn 1 tháng là bị đóng cửa.
Hoàng tích Chu chán nản không hoạt động gì nữa, định nghỉ ngơi ít lâu, chờ lúc thuận tiện sẽ tái xuất giang hồ, tiếc thay, bị ngả bệnh, nằm y viện liên miên 4, 5 tháng, đến 29 Tết lìa trần, thọ 33 tuổi.
Từ năm 1932 trở đi, ông[ Nguyễn văn ] Vĩnh bị nhà Đông Dương ngân hàng đòi nợ ráo riết, cơ sở công nghiệp cũng như nhà cửa bị tịch thu, phải sống lao đao trong thiếu thốn. Năm 1935, ông phiêu lưu sang Lào, với ý định tìm mỏ vàng, theo sự mách bảo và hợp tác của ông Clementi, trước kia làm chủ nhiệm tờ báo Argus chuyên đả kích nhà cầm quyền.
Cuối năm 1936, ông [ Nguyễn văn ] Vĩnh bị sốt rét rừng, tạ thế ở Tchépone, linh thân đưa về Hànội quàn tại trụ sở hội Tam Điểm, dân chúng đến viếng rất đông, khi đám đưa về táng ở làng, công chúng tiễn đưa 1 hàng dài ít thấy .
Còn ông Phạm Quỳnh ?
Ông Phạm Quỳnh hái được toàn thắng>
Năm 1933, Bảo Đại hồi loan.
Để chuẩn bị cho vụ này được thập phần hoàn hảo, người ta đã khéo làm cho ông
[ Nguyễn văn ] Vĩnh kiệt quệ và thanh trừng báo chí quốc văn.
Và ông [ Phạm ] Quỳnh đi Huế, làm tham tri, rồi thượng thư. Ông Quỳnh vốn là người văn học không màng danh lợi. Song thời thế đưa đẩy, chẳng mấy chốc ông đã làm chủ gần hết dãy [ nhà ] số lẻ và một căn bên số chẵn hàng Da, Hànội.
Rồi ông làm tổng thư ký hội Khai trí tiến đức do ông Hoàng trọng Phu đứng hội trưởng. Hội này thu hút rất nhiều phần quan lại và thân hào, thế lực lớn đối với chính quyền Pháp, chính khách và đại hiến Pháp được tiếp đón và tiễn đưa đều tại hội trường này. Bốn chữ tên hội, chuyển ra tiếng Pháp là Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites , viết tắt là A.F.I.M.A., có người Pháp đả diễu là Association des Fumistes Intrigants et Mendiants Annamites. ( hội những người bịp bợm, mưu mẹo & hành khất ).
Được lòng ông Hoàng [ trọng Phu ] , ông Quỳnh mua đất làm nhà nơi ấp Thái hà để ngày Tết đến lạy mừng cụ Quận, và đến khi Pháp rục rịch tính việc đưa Bảo Đại về nước, toàn quyền Pasquier hay đến ấp bàn bạc với ông Hoàng [ trọng Phu ] và ông Nguyễn năng Quốc, cùng ... ông [ Phạm ] Quỳnh. Huấn lệnh cho ngân hàng, cho phòng báo chí xuất phát từ đây.
Tham tri, Thượng thư cũng từ đây.
Khi ông [ Phạm ] Quỳnh đội mũ cánh chuồn, ông Trịnh đình Rư, bút hiệu Ngẫu Trì, có thơ mừng :
Tin mới đồn vang khắp Bắc kỳ
Thượng chi * rầy đã hoá Tham tri
Rõ nhà họ Phạm dư hồng phúc
Thật mệnh anh Quỳnh có tử vi
Kính trắng sẽ thôi làng báo chí
Bài vàng nay dựa đám quyền uy
Công gào lập hiến, ừ, không uổng
Trực chỉ như ai có ích gì!
NGẪU TRÌ bút hiệu TRỊNH ĐÌNH RƯ **
--------
* không thấy Lãng Nhân hoặc Trinh đình Rư chú thích . (BT)
** Biên Tập thêm vào.
*** [ ...] chữ của B.T.
Có người lên tiếng mắng mỏ cái diều giấy :
Tung hoành đừng tưởng gặp hồi may
Có biết vì đâu sáng tạo mày ?
Thân phận chắc chỉ tờ giấy bản
Tơ duyên chừng cậy sợi dây đay
Mà toan ngất ngưởng trời mây ấy
Lại chực vo ve đất nước này
Lên lắm, ông cho rồi có lúc
Một cơn mưa nhỏ biết nhau ngay ...
Có người lại nói : 'Dù sao ông Phạm Quỳnh cũng có công lớn với nước, trong việc bảo tồn và khuếch trương văn hoá dân tộc.'
Xin thưa :' Khi có người có tiền nuôi mình, nuôi báo, nuôi những người trợ bút, dám chắc việc bảo tồn và khuếch trương ấy không phải chỉ một mình ông Quỳnh làm được mà thôi ! Lương ông hồi đó 600 đồng một tháng, to hơn lương thượng thư.'
Danh ngôn của ông [ Phạm ] Quỳnh là :' Truyện Kiều' còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn '. Ngày nay, truyện kiều vẫn đó, tiếng ta còn đây, nhưng nước ta đã mất ! Là tại làm sao ?'
Nếu không có những người như ' Phạm tiên sinh ' đứng ra giúp cho ngọai bang, có lẽ nước ta chưa đến nỗi nào ?! ... '
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét