Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013
một mình một ngựa / nguyên sa / 12
một mình một ngựa /
phê bình ấn tượng 12
nguyên sa
Thân gởi...,
Nhà phê bình, như đã nói trong thư trước , thường là người phiêu du nhiều nhất, đã đi qua, đã dừng lại, nhìn ngắm những núi cao, những biển lớn, những đảo san hô, những sa mạc nắng cháy của thế giới văn nghệ. Nó có cái nhìn chạy từ chân trời đến chân trời.
Sự am hiểu kiến thức của nó nhìn từ dưới lên trên là nhìn từ núi trái sang biển bên phải. Có khi đặt chân đến một thị trấn mới, khi đứng trước cuốn sách còn thơm mùi giấy mới; nó mới biết, mới thấy được vùng đất mới khác những nơi đã đi qua ra làm sao. Góc phố này có hoa kỳ lạ, có cỏ dị thường. Bầu trời này có những hành tinh chưa chiếu sáng một quê hương nào khác. Và cũng đã nói rồi, kiến thức cần thiết rộng lớn đến như thế vẫn còn chưa đủ. Nhà phê bình còn phải có một lối thưởng ngoạn riêng biệt, phải có một lối nhìn ngắm chẳng giống ai, phải có một nhãn quan văn nghệ độc đáo. Nó phải biết yêu mến tác phẩm nghệ thuật bằng cái tình yêu chỉ riêng nó có. Phê bình; với các nhà phê bình xứng danh: phải là một sự sáng tạo thực sự. Sáng tạo ra cái lối nhìn ngắm tác phẩm. Song tạo ra cái tiêu chuẩn phê bình văn nghệ riêng biệt. Lịch sử phê binh văn học thế giới đã để lại cho ta một số đáng kể những tay sành điệu ấy.
Lần này, chúng ta tim đến thăm viếng những nhà phê bình được gọi là thuộc phái ấn tượng. Ta sẽ dừng lại trong khu vườn của Sainte Beuve; nhấp một chén trà với Anatole France, với Jules Lemai^tre, đọc một đoạn văn với André Gide, với Alain.
Câu hỏi lớn đột hiện, khi đứng trước tác phẩm: các anh đã biết, căn cứ vào đâu mà anh biết được rằng tác phẩm này có giá trị hay không ? Câu hỏi ghê gớm lắm. Với nhà phê bình có ý thức: nó là sự đập phá chẳng để yên, nó là sự dằn vặt chẳng cho ngủ, nó là sự thắc mắc không nguôi.
Nó cất tiếng dõng dạc: anh lấy cái thước nào để đo, anh lấy cái cân nào để cân, mà anh dám bảo rằng câu thơ này là ngọc quý, đoạn văn kia là vàng mười.
Nhà phê bình ấn tượng là người trả lời : tại vì chúng tôi cảm thấy như thế. Thơ này là ngọc quý, bởi vì chúng tôi cảm thấy nó là ngọc quý. Văn kia là vàng mười, bởi vì chúng tôi cảm thấy nó là vàng mười. Tác phẩm hay, tác phẩm tốt, chính là tác phẩm làm cho chúng tôi khoái. Chúng tôi yêu mến nó, chính vì những xúc động ghê gớm mà nó đã mang lại cho chúng tôi. Vì nhà phê bình tốt là người biết kể lại những phiêu lưu của tâm hồn nó qua cái thế giới kỳ diệu của tác phẩm.
Cái lối nhìn ngắm tác phẩm này cũng đáng yêu lắm.
Được vào một thế giới lạ lùng, du khách thường gồm có 2 loại . Các anh du khách này bước vào viếng thăm tòa lâu đài cổ kính với tập tài liệu sử học trên tay. Du khách kia bước vào một vườn hoa quý với cuốn sổ lớn ghi chép kỹ lưỡng tên khoa học của từng loại thảo mộc, ghi chép kỹ lưỡng những hóa tính, dược tính của từng ngọn cỏ, gốc cây. Trong lâu đài, mỗi khi nhìn ngắm một pho tượng,mỗi khi chiêm ngưỡng những vết chạm trổ trên mỗi vách tường, mỗi bệ đá, khi quan sát mỗi gian phòng ngủ, mỗi phòng đọc sách xưa cũ, du khách lại mở ra tập tài liệu sử học để so sánh, đã đối chiếu. Rồi nó cặm cụi ghi chép những tương đồng và những dị biệt giữa sự vật quan sát được
[ ghi chép] vào sách vở mang theo. Người thăm viếng khu vườn hoa cỏ kia cũng so sánh và đối chiếu, cũng ghi chép nghiêm chỉnh.
Tay phê bình ấn tượng nhìn những du khách kỹ lưỡng đó và cất tiếng nói không . Tôi không thể làm như thế được. Và nó đã không làm như thế.
Nó nói với tôi không cần sổ sách, tài liệu. Tôi không cần những tờ phiếu sắp xếp một cách khoa học. Hành trang để bước vào tòa lâu đài cổ kính này, để đến chiêm ngưỡng vườn hoa tươi trẻ và thơm ngát kia là tâm hồn tôi. Tâm hồn đó, có thể mang ít nhiều dấu vết của những nơi thăm viếng cũ, những kỷ niệm mến yêu; nhưng nhất định không bị gò bó bởi những phương pháp khoa học, những hệ thống cứng rắn. Với hành trang duy nhất là tâm hồn đó, tôi dừng lại ở đây, ở đó. Đứng trước pho tượng này, làn ngực phì nhiêu làm tôi ngất ngây, thì tôi phiêu du vào đó. Nếu đôi chân dài, đôi tay trắng muốt muốn dắt tôi tới một thế giới đam mê kỳ diệu, tôi sẽ theo đôi tay đó, đôi chân đó mà đi.
Trong vườn hoa, tôi sẽ thở những hơi dài để cất kỹ vào trong từng phế nang hương
thơm của mỗi loại hoa lạ, sẽ nhin chẳng muốn rời mỗi mầu sắc, mỗi cánh hoa. Với chất thạch cao, nào nhà điêu khắc đã hoàn thành bức tượng, với sự vận chuyển nào, chất nhựa đã được đưa từ gốc rễ lên một cánh hoa, quan tâm làm gì những chuyện đó. Chúng không làm cho tôi thở hương thơm ngây ngất hơn. Trái lại, đó là những vướng víu làm tê liệt sự thưởng ngoạn .
Tôi chỉ muốn làm người thưởng ngoạn. Một người thưởng ngoạn sành điệu. Cốt yếu phải là sự thưởng ngoạn. Những đất đai đã thăm viếng, những kiến thức đã thâu lượm được, cũng cốt hỗ trợ ho thưởng ngoạn được tăng cường. Chớ nhất định tôi không làm nhà khoa học ngắm hoa với những dụng cụ khoa học. Vì như thế, sự khoan khoái còn gì.
Tôi cảm thấy gì, rung động như thế nào, sự say mê, khi thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật, đã tràn ngập xâm chiếm tâm hồn này ra làm sao, tôi sẽ ghi lại. Đó là phê bình văn nghệ . Đó là cảm tương chủ quan, cái ấn tượng của chủ thể, khi tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, cái phản ứng cá nhân.
Như thế, ít ra tôi thành thật, tôi không làm dáng, tôi không đánh bạc lận và hơn nữa, còn thu được một mối lợi; là không bỏ quên sự khoái trá thưởng ngoạn trong khi làm việc phê bình.
Chứ còn gì nữa. Anh kia ra cái điều làm việc khoa học. Nó tìm kiếm, nào là cuộc đời tác giả, nào là khung cảnh xã hội, nào lá phiếu này, nào tài liệu nọ. Nó bị những cái gọi là ngoại vi tác phẩm, những cái bám vào tác phẩm thu hút và ngăn chặn, nên không còn biết rung động , khoái trá hồn nhiên trong sự tiếp xúc tác phẩm. Giống hệt như một bác sĩ y khoa, vì méo mó nghề nghiệp; khi, cầm tay người đẹp, chi còn nhìn thấy sự cấu tạo, hệ thống thần kinh hay hình thể của xương cốt. Còn gì là thẩm mỹ. Còn cái vấn đề chủ quan , vốn dĩ nó đã tương đối lắm.
Bao giờ phê binh chăng là ngắm nhìn tác phẩm qua cái lăng kính của chủ thể. Khách quan bao giờ chẳng là khách quan một cách chủ quan. Cho nên khỏi cần đánh bạc lận nữa. Tôi nói rõ là tôi chủ quan. Đằng nào cũng chủ quan rồi. Cái căn phần làm sao thắng được. Công nhiên nhận lấy nó, it ra còn thành thật. Và sau cùng, đặt trọng tâm vào cái khoái cảm chủ quan, cái cảm tương của chính mình trong việc tiếp xúc với tác phẩm, tôi sẽ vứt bỏ được cái vẻ long trọng của nhà phê bình. Tôi sẽ không đánh mất sự hưởng thụ thú vị của người đọc. Các anh nghĩ sao ?
Chúng ta nghĩ thế nào ? Giá trị của phê bình ấn tượng ra làm sao ? Thư sau, ta sẽ cùng nhau đi vào vấn đề này. Bây giờ, chi ghi nhận rõ ràng : phê bình luôn luôn là sáng tạo. Sáng tạo cái nhãn quan riêng biệt, sáng tạo lối nhìn ngắm và yêu mến tác phẩm của riêng mình. Phê bình ấn tượng đã có chỗ đứng trong lịch sử văn chương, chỗ đứng của đại thụ, chứ không phải của tầm gửi, chính vì nó là sự sáng tạo đích thực.
Trước khi chấm dứt thư này, xin phép giải tỏa một thắc mắc. Nhiều người chờ đợi sự giáo dục bọn sa-đích văn nghệ. cái việc đó rồi sẽ tới. cái tính tôi nó kỳ lắm. Không thích bị nhìn, ngắm, xô đẩy. Sự chú ý ghê gớm, sự hoan hô, đả đảo củ nhiều người tốt lắm, nhưng tội nghiệp cho bọn sa-đích. Và cũng làm cho sự trong sáng bình thản văn nghệ bay mất. Chúng ta hãy gọi sự bình thản trở về.
Rồi sẽ tiếp tục cuộc chơi .
Hẹn thư sau,
nguyên sa
( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân văn xuất bản, Saigon 1970 - tr. 66 - 71 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét