Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

những năm cuối đời trần huyền trân / bài: hoàng tấn


                    những năm cuối đời trần huyền trân *
                                            hồi ký văn học : hoàng tấn


              - ...bài thơ ' uống rượu với tản đà ' , sáng tác tại nhà tản ...
                 in sai ...  ?    nay hoàng tấn  chép lại nguyên  văn ... 
          - ... thầy, cô sẽ bình  ... để dạy văn... giảng cho học  sinh ...
          -  ...trần kim bị kim trần  đâm... đau quá  ... !


            Những năm cuối đời, Trần Huyền Trân  mắc phải một bệnh nan y .   Cơn bệnh quái ác đã dày vò Trần một cách khốc liệt, khiến anh vô cùng đau đớn, quằn quại trên giường bệnh.    Để tránh di căn, đầu tiên, phải cắt bỏ một chân.   Vẫn không khỏi, chân kia bị cắt nốt.   Cuối cùng, sắp bước vào tuổi quốc lão, anh qua đời, để bao thương tiếc cho gia đình, bè bạn thân quen, cũng như độc giả mến mộ.
            Nhưng  đó,  chỉ là cái đau thể xác, còn cái đau tâm hồn cũng quằn quại không kém.   Đó là bài vở, thơ văn của anh bị người ta cắt xén, xóa bỏ tùy tiện ngay cả lúc còn sinh thời.   Còn nhớ, cuối những năm 1950, ở Hànội, đầu thập kỷ 60; mỗi lần gặp nhau - khi thì tại nhà anh bên Nam Đồng, khi ở nhà tôi, trên gác Duy Liên ; hoặc khi ở cơ quan - trao đổi công tác, anh thường than phiền về nỗi  đau này - nỗi đau mà Nguyễn Tuân  thường diễn tả" người ta cắt bỏ ruột gan tôi".   Nỗi đau  trong tâm hồn là như thế đó !   Những năm cuối thập kỷ 50, tạm biệt Nàng Thơ, anh quay sang  hoạt động sân khấu, sở trường là bộ môn chèo;  những vở chèo  được   Đoàn chèo trung ương , Đoàn chèo Hànội , cũng như  các đoàn ở nhiều địa phương dàn dựng, đều được các vị thức giả, cũng như người một điệu, am hiểu sành sỏi chèo tán thưởng nồng nhiệt.   Trước hết, anh biết cách tân bộ  môn này , cách tân mà  không phá vỡ âm hưởng truyền thống chèo.   Hơn nữa , là nhà thơTrần Huyền Trân, với bút pháp điêu luyện, đã đưa vào chèo, rất hợp lý, không khiên cưỡng.   Những vở  chèo  do anh sáng tác, dù với tích cũ tuồng xưa, hoặc đề tài   hiện đại đều đậm chất văn học.
             Còn nhớ,  có lần ở Đài phát thanh Tiếng nói Việtnam, anh vào phòng làm việc của tôi, đưa ra văn bản hoạt cảnh chèo: Đất ngọc trời châu - rồi phân bua - ( nói như mếu) : " Ông xem cái đoạn ' Sử bằng' , tôi viết thế này mà bị gạch bỏ, và đây nữa,  trổ một của điệu  Chinh Phu cũng bị cắt xén .." . Ngưng  một lát,  dò xem thái độ tôi ra sao, Trần Huyền Trân  , chỉ vào một đoạn khác bị sửa, anh tiếp :"... Đây , đây, tôi viết ' sống hiên ngang không chịu cúi đầu ,' bị sửa  ' để xây đất nước mạnh, giàu'  - thì đúng là tôi  bi falsifier ... ( bị tráo của giả ).."
             Lúc này tôi công tác ở bộ môn khác, không thể can thiệp được,  đành nhìn anh bằng ánh mắt cảm thông.   Đấy là nói về hát chèo, còn về thơ Trần Huyền Trân  cũng vậy, người ta in sai khá nhiều.   Do in sai, nên những người về sau trích dẫn  lại cũng sai theo , rồi đem ra bình cũng sai nốt !
              Dưới đây tôi xin trích dẫn  một bài thơ hay của Trần Huyền Trân  mà người ta đã in sai, sai rất tùy tiện .    Bài thơ này Trần Huyền Trân sáng  tác tại nhà của Tản Đà ở Ngã Tư Sở ( Hànội ), ngay trên chiếu rượu , (  trước  khoảng 1 năm Tản Đà qua đời )  bài thơ có tựa đề  UỐNG RƯỢU VỚI TẢN ĐÀ .  Khi in ra, người ta sửa  VỚI TẢN ĐÀ  , và đầu đề UỐNG RƯỢU , lại ghép bài thứ  2 ( NHỚ NHAU )   để in tiếp.   Riêng cách sắp xếp như vậy, đã là điều bất hợp lý, câu thứ 2 Trần Huyền Trân viết :

                                            Be này đã cạn hết rồi còn đâu ?!
            thì bị sửa :
                                            Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu ?!
           câu thứ 5, tác giả viết :
                                            Say đâu lòng chửa được đầy
           thì bị sửa :
                                            Tôi say, thưa, trẻ chưa đầy
           câu thứ 10, tác giả viết :
                                            Tôi bừng sớm dậy, cụ nương bóng chiều
          thì bị sửa ( đảo từ )    :
                                            Tôi bùng dậy sớm ...
        ( ô hay, sớm dậy vói dậy sớm, nghĩa hoàn toàn khác xa nhau chứ !)

           cặp lục bát, thứ 11 và 12, tác giả viết :
                                                 Gió sương tóc cụ đã nhiều
                                         Lòng tôi nặng chứa  bao nhiêu khối tình
        ( gió sương được đồi thành gió mưa , Nặng chứa thành  gánh nặng )

            tiếp, cặp lục bát 13 và 14, nguyên bản:
                                               Mắt trong, môi thắm đầu xanh
                                           Đời tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
            thì được phục chế  thành  :
                                           Huống tôi mái tóc đang xanh
            và đời tôi sửa thành  vâng tôi .. rõ ràng là giảm hẳn ' cái thần' của 2 câu thơ .

             còn tiếp , ở cặp lục bát  khác :
                                                Có gì đắm đuối say mê
                                         Lòng chưa tê tái, chưa tê tái đời
            2 câu này vừa hàm súc vừa đượm chút cáy đắng tê tái,  lại biến thành :

                                             Với đời một thoáng say mê
                                        Còn hơn đi chán về chê suông đời                                      
             hãy còn  :
                                           Rót đi, rót, rót đi thôi
                                       Rót cho t6i cả năm mươi tuổi đầu
              in sai :
                                      Rót cho cả mấy mươi tuổi đầu  
                               
   Lúc này, Tản Đà   tiên sinh  sắp bước sang tuổi 50, thì ' năm mươi tuổi đầu' vừa chân thật, vừa chính xác.  Năm mưoi đã biến thành  mấy mươi , vừa vô duyên vừa mơ hồ !
         Bài thơ  UỐNG RƯỢU  VỚI TẢN ĐÀ  do Trúc Khanh thủ bút, viết bằng mực tàu, rất chân phương, trên khổ giấy lớn 0,70 x 1m, 20 , được treo nhiều ở Lan Chi Viên  **( Saigon)  trước  Cách mạng
Tháng 8.  Do đó, chúng tôi  thuộc.  Những sai sót vừa lượm ra, căn cứ theo nguyên  bản đáng tin cậy ấy, có tự thuở xa xưa .
           Thiết nghĩ, chỉ với một bài thơ đã để ngần ấy sai sót ; nếu chỉ căn cứ vào  đấy,  không hiểu các bình luận gia sẽ bình như thế nào đây ?   Và nếu  có ngay bài thơấy được in vào sách giáo khoa,  thì khônghiểu các thầy, cô dạy văn, giảng giải với học sinh của mình ra sao ?
           Không đành  tâm  để một bài thơ hay bị tam sao thất bản, tôi xin phép  được chép lại bài thơ nói trên  ( đúng nguyên bản ) :
 
                                                  UỐNG RƯỢU VỚI TẢN ĐÀ 
                                               bài  thơ  chính thức của  Trần Huyền Trân

                                                Cụ hâm rượu nữa đi thôi 
                                                Be này đã cạn hết rồi còn đâu ?
                                                Rồi lên ta uống với nhau
                                                Rót đau lòng ấy vào đau lòng này 
                                                Say đâu, lòng chưa được đầy
                                               Cái  đau nhân thế  thì say nỗi gì !  
                                               Đường xa ư Cụ, quản chi
                                               Đi gần hạnh phúc là đi xa đường .
                                               Tôi  là nắng, Cụ là sương 
                                               Tôi bừng sớm dậy, Cụ nương bóng chiều
                                               Gió sương tóc cụ đã nhiều
                                               Lòng còn nặng chứa bao nhiêu khối tình ? 
                                               Mắt trong môi thắm đầu xanh
                                               Đời tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
                                               Có gì đắm đuối say mê 
                                               Lòng chưa tê tái chưa tê tái đời
                                               Rót đi, rót, rót đi thôi
                                               Rót cho tôi cả năm mươi tuổi đầu
                                               Nguồn đau cứ rót cho nhau
                                               Lời say sưa mới là câu chân tình .

                                                                               Ngã Tư Sở, 1938
                                                                      TRẦN HUYỀN TRÂN

                 Khi tôi viết xong những dòng coi như kết thúc bài   này, nữ thi sĩ Hạc Đính ( phu nhân Trần Huyền Trân)  nhân có dịp vào Sài Gòn, bà nhờ  ông Đinh Song Bạt dẫn lại thăm  tôi.   Qua bao nhiêu thập kỷ,  nữ sĩ vẫn giữ được dáng dấp thanh tao, khi thủ vai Thị Lộ trong vở Lệ Chi Viên  ở Nhà  hát lớn Hànội   từ trước CMT8 . Chị Hạc Đính kể lại cho nghe , quá trình đau yếu cho đến khi qua đời của Trần Huyền Trân.  Chị còn đọc cho nghe 3 bài thơ cuối cùng của anh sáng tác khi năm trên giường bệnh. ( ...) 
                Nhân nói về sai sót  khi in lại bài thơ  UỐNG RƯỢU VỚI TẢN ĐÀ, giáo sư Đinh Song Bạt ...   chỉ ra  thêm sai sót  nữa, tỷ như trong bài Tiễn biệt, nhà thơ viết :
                           
                                                Tiễn nhau chẳng tiễn dặm dài
                                               Một đuôi mắt ướt mấy trời núi sông

                  đó là 2 câu thơ hay  trong kho tàng văn học Việtnam, vậy mà họ in sai :
                                             Một đuôi  CON  mắt ướt  trời núi sông

                  thì thật thô thiển .  Hoặc trong bài MƯỜI NĂM , nguyên văn :
                                           
                                              Con chim bạc má bay rồi
                   thành :
                                                Con chim bạc má GIÀ rồi
               thì  thật đau cho Trần Huyền  Trân !
               Chị Hạc Đính  tiếp lời :  " Như thế vẫn chưa đau bằng 2 câu : "

                                               Có đàn con trẻ leo nheo
                                           Có dăm món nợ eo sèo bên tai 

              đây là 2 câu tả cảnh nhà Tản Đà, thuật ngữ  leo nheo  được sửa thàn nheo nheo .   Thật chẳng ra sao ?   Leo nheo đầy hình ảnh   , nói lên sự nhếc nhác, nghèo khổ.  Còn nheo nheo  thì chẳng có nghĩa  gì ?
              Lại như câu :
                                          Nhện  giăng giá mốc một vài đường tơ 
             sửa thành :      
                                          Nhện giăng giá BỤI  ...
           còn nhiều sai sót, kể ra không xiết !

            Tiễn khách ra về, tới hành lang, nữ lão nghệ sĩ Hạc Đính  quay lại nói với theo :
               - Trần Kim   bị  kim trần đâm đau quá !
            Câu nói chơi chữ thật hóm ! vì tên thật Trần Huyền TrânTrần Kim mà !
                  []

                                                                               Cư xá Thanh Đa, mùa nắng 1991
                                                                                                    HOÀNG TẤN 

   ------
   *      tựa  bàicủa  tác giả : TRẤN HUYỀN TRÂN.
   **    nhà trọ , nơi ở    HOÀNG  TẤN tại xóm Nancy,  khoảng 1948 -  
            nay là  góc ngã 4 Trần hưng Đạo + Nguyễn Văn Cừ, quận 5 ).
            (  BT chú thích )

nguồn:  NGƯỜI XƯA MÌNH  NHỚ / HOÀNG TẤN
                Nxb Đồng Nai 2001 ,  tr.  98- 105.
                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét