Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

MỘT NGƯỜI LÀM PHẢ RA ĐI / LỮ QUỐC VĂN viết.

                                      NGƯỜI LÀM PHẢ RA ĐI :
                     DÃ LAN-NGUYỄN ĐỨC DỤ: 1919-2002
                                      bài viết :  LỮ QUỐC VĂN.

I.- Tiễn biệt người làm phả.
      Tôi nhìn  khuôn mặt ông.   Nó không sáng hồng của kẻ còn mê đắm với cuộc đời mà trắng bạch.  Tôi nghĩ, sắc mặt đó dứt khoát giã từ những hư ảo.
      Đúng rồi! Ai cũng một lần sinh, một lần đi.   Vào đời như một khách lạ, bơ vơ triền miên trong hỉ nộ ái ố:
                                      Thảo nào khi mới chôn nhau
                                       Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra !
                                                       ( Cung oán )
      thì, chỉ có lúc phơi phới trở về, mới mang vẻ tiêu dao của một linh hồn đạt mệnh.  
      Nên, khi đứa con tôi sửa dung nhan ông, chiếc mũ phớt ngay ngắn trên bộ áo complet, chă hẳn để ông có một bộ dáng đẹp đẽ, thung dung đi về ngôi nhà của ngàn năm.
       Lúc đó là 1 giờ 50 của buổi trưa ngày thưa sáu 03.05.2002.  Tiếng mõ và tụng niệm vẫn trầm trầm chuẩn bị cho phút nhập quan.
       Tôi nhìn lên di ảnh.   Người ta thường nghĩ, người vừa mất, cái thần của chân dung vẫn còn đọng lại.   Có lẽ vậy, vì nếu không có  chiếc áo quan gỗ quý, sậm bóng đang chờ đón ông, hẳn tôi tin, ông đang bận bịu  gì đó ở trong phòng.   Những lần gặp gỡ, chuyện trò cùng ông, tất cả chỉ mới đây thôi.

1.- Lần đi thăm với Thế Phong.
      Giữa năm 2001, tôi cùng nhà văn Thế Phong lại thăm ông.   Thế Phong có mối thâm giao với Dã Lan.
      Trên  báo ' Thanh Niên' số 2 tháng 4. 1994, Thế Phong đã viết:" DÕI TÌM TÔNG TÍCH NGƯỜI XƯA' một công trình đồ sộ về gia phả của các danh nhân Việtnam" , Phong có mang theo máy hình và ông tiếp chúng tôi tại phòng khách dưới nhà.
       Khi ông chưa té xe, câu chuyện thường bắt đầu ở phòng làm việc trên lầu.
       Người ông gầy hơn, những sợi râu ngắn, bạc, bướng bỉnh.   Lúc đầu, ông chậm chạp, mệt mỏi.   Rồi những câu chuyện bông đùa cuốn hút ông, theo với nụ cười tươi, đôi mắt sáng.
       Tôi gợi chuyện:
       - Ông anh còn nhớ quán phở " Đừng gọi bác bằng anh không ?"
        Ông ngớ người:
       - Chú nói gì ?
       - Mười năm trước, anh và Thế Phong ghé tiệm phở trên đường Lê Quý Đôn.   Bà hàng thấy anh trẻ như Thế Phong nên đon đả.   Hai anh dùng phở gì ?
        Không ngờ anh đùng đùng nổi giận: " Con trai tôi còn hơn tuổi chị, sao chị dám gọi tôi bằng anh ?"
        Bà hàng hãi quá, vội vàng:" Thưa bác dùng gì ?"
        Nét mặt dãn ra, ông cười tự trách:
        - Ừ, lúc ấy anh hơi nặng lời!
        Tôi bàn thêm:
        - Bây giờ, anh thấy nằm, nó dễ chịu hơn.   Nên ngại đi.   Cứ nằm mãi, người nó xìu, ươn ra !  Anh phải bắt Thế Phong chở đi" thăm dân cho biết sự tình".  Gân cốt dẻo, lòng phởn phơ thì cứ là, khỏe hơn voi !
         Ông ngơ ngác :
         - Chú nói thăm ai ?
         Thiệt khổ, ông cứ mải mê với hình nhi thượng mà bỏ quên phần hình nhi hạ ! Tôi phải giải thích: nó là thế này, nó là thế kia...
          Bấy giờ, ông mới gật gù, nói một câu như gần, như xa:
          - Anh còn mạnh lắm !

2.- Chuyện trò với Ý Nhi.
         Gần Tết, tôi chở Ý Nhi trên chiếc 84 cà tàng lại thăm ông.   Nhà thơ nữ này rất tế nhị trong giao tiếp, đã mang theo một túi trái cây làm quà.
          Chuyện trò giữa người viết phả và làm thơ, chỉ quanh quẩn trong những thăm hỏi bình
thường mà ông tươi cười rạng rỡ.
          Lúc ra về, Ý Nhi nói với tôi:
          - Cụ còn minh mẫn lắm !

 3.- Hỏi tên Mai Anh.
       Một sáng tháng 2 năm 2002.  Mai Anh chở tôi  chạy lòng vòng.  Bạn bè quen thuộc tản lạc, nhiều lúc, chẳng còn biết tới đâu để  vài ba câu lăng nhăng rồi rủ nhau tạt vào một quán nhỏ.   Đột ngột tôi rủ Mai Anh:
       - Ghé thăm Dã Lan đi !
       Mai Anh đã gặp ông vài lần ở nhà tôi.   Lần gần nhất là năm 1966, năm tôi tổ chức lễ mừng thọ các bậc tôn trưởng.   Năm ấy, Dã Lan mới 78 mà hôm đó có nhiều bậc trên 80,  như : Vương Hồng Sển, Giản Chi, Thượng Sỹ, Võ An Ninh, Phạm Cao Củng, Mộng Tuyết...
        Trong câu chuyện bây giờ, Dã Lan hỏi tên người khách lần đầu tới thăm ông.   Mai Anh khéo nói, mỗi lúc ông một vui thêm.   Ông hỏi tên Mai Anh lần thứ hai với hứng thú:
       - Chuyện cũ 40 năm tôi còn nhớ như in!
       Nhớ cũ mà quên mới, ông hỏi   tính danh Mai Anh lần thứ tư.
       Tôi chợt có một chút se thắt!   Thanh vẫn trong, khí còn vững, nhưng cái thần bàng bạc mất rồi !
       Tôi nhìn ông lần cuối.   Tội cúi đầu tiễn biệt người anh cả con ông bác ruột.   Trong tiếng mõ tụng niệm, con cháu nức nở - người vợ chịu thương chịu khó của ông lả đi.   Có mặt người em út Nguyễn Hải Lộc từ Hà Nội vào.   Trưởng nam Nguyễn Đức Lân cũng từ nước Mỹ về kịp.   Rất nhiều họ hàng..
.
        Giờ Chính Mùi  ngày 21 tháng 3 Nhâm Ngọ tức 2 giờ 15 chiều thứ sáu 3.5.2002,
         Rồi sáng chủ nhật 5.5.2002, đúng 9 giờ, các chị em chúng tôi đủ mặt theo giờ hẹn.   Ngoài các lễ vật, còn khung kính có 4 chữ lớn:" Khói sóng- Hạc vàng" do Song Nguyên , em ruột Lữ Hồ phóng bút.  ( Hữu nghị, Song Nguyên chỉ tính gọn 450.000 Vnđ).
         Tôi giải thích  cho bà chị: " Chữ mượn của Tản Đà dịch Hoàng hạc lâu Thôi Hiệu. thấy cảnh đẹp, lại nhớ người  đã khuất ".
          Nhà thơ  Trần Nhật Thu cũng vừa đưa vòng hoa đến; cả nhà sử học Mặc Đường, người viết lời giới thiệu" Dõi tìm tông tích người xưa"...
          Đúng 6 giờ thứ hai  6.5.2002, lễ động quan.   Linh cữu đi từng bước chậm theo nhịp gõ lách cách.   Qua cửa, tới đầu ngõ, áo quan quay đầu.   Những người khiêng, nâng đầu cữu lên xuống ba lần : một cử chỉ tử biệt của người đi.
          Tôi gặp Thế Phong bên  Nguyễn Mạnh Đan, có cả chị Nghiêm Phái- Thư Linh và đông đủ chị em chúng tôi.   Họ hàng, bạn bè, hàng xóm.
           Hoàng Vũ Đông Sơn, Mai Anh và tôi dắt xe đi sau cùng.   Từ 5 giờ 45, vừa đến, chúng tôi đã gặp bác sĩ Ngô Gia Hy 88 tuổi đứng đón linh cữu.   Người gầy - thấp, ông đứng hơi nghiêng như một thân trúc.   Tình của người bạn già, thực cảm động !

           Xe đưa linh cữu về nơi an nghỉ  tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa.   Thế là, Dã Lan giã biệt cuộc đời ở tuổi thọ 84.   Ông đi lúc 1 giờ 05 ngày 3.5.2002. Đêm vừa qua giờ Tí.
           
   II.- Lược sử người lảm phả.
          Tên khai sinh: Nguyễn Đức Thu, húy Liêm.   Nguyên quán  làng Thượng Cốc, tổng hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
           Sinh ngày  6.9.1919 tức 13 tháng 7 năm Kỷ Mùi tại quê ngoại ở thôn Vĩnh Dụ, tổng Phương Điếm, huyện Gia Lộc.   Khi làm phả, ông ký Dã Lan là hàm ý tự hào về dòng họ khoa bảng.   Bởi  Lan là" vương giả hương" , biểu thị cho tiếng thơm của bậc tài danh: Nội tổ Nguyễn Đức Đản, đỗ cử nhân khoa canh Tí Thành thái thứ 12 ( 1900).   Tằng tổ Nguyễn  Đức Tú cử nhân khoa Đinh Mão Tự Đức thứ 20 ( 1867); Cao tổ Nguyễn Đức Nhượng, cử nhân tân khoa Nhâm dần Thiệu Trị thứ 2 ( 1842).
     " Quốc  triều Hương khoa lục" Cao Xuân Dục đều ghi ở mỗi họ tên dòng chữ: cha con cùng thi đậu . ( Bản dịch Nxb tp. Hồ Chí Minh  1993 ghi rõ: Cha Nguyễn Đức Tú nhưng in lầm Nhượng thành Vượng ).
       Còn Nguyễn Đức Dụ là họ gốc thêm mỹ danh bày tỏ tình yêu mến bên ngoại.   Có lẽ, ông thêm phần ngoại tộc trong gia phả là do tình cảm đó chăng ?
        Chính ông đã viết về bản thân như sau :
        " Giai lớn    là Nguyễn Đức Dụ, tính nóng nảy vô tâm.   Học hết bậc Tiểu học Pháp Việt thì nghỉ học.
          Tháng 3 năm 1943, thi đậu thư ký Sở Máy bay   Biên Hòa.   Tháng 9 xảy tác chiến Việt Pháp, lúc Tây đánh tới Thủ Đức thì ông về Bắc ( ngày 11.10.1945).
          Năm 1946 , kháng chiến toàn quôc bùng nổ, gia đình tản cư về Đoàn Xá ( làng Mũa)  Ninh Giang trồng rau, kéo lưới.
          Đầu năm 1950. mặt trận lan tràn, dân tình điêu tán, ông bà vượt Đường số 5 đi Liên khu 1 thì bị Tây bắt về Thành.
          Tháng 7 năm ấy, ông vào lính.
           Tháng 5.1952, mãn khó lớp Hạ sĩ quan Bính Động, trúng cách thăng Trung sĩ.
          Đầu tháng 3.1955, ông đưa  gia đình vào Nam.   
          Năm 1957, đắc cách thăng trung sĩ 1, tháng 7  ông xin giải ngũ sang làm ở Viện Đại học Sài Gòn .  ( trang 178-179 Nguyễn tộc thế phả- Dã Lan-Nguyễn Đức Dụ ).

III.- Việc làm gia phả dòng họ .
    1.- Một bản thân làm việc tích cực.
          Tâm niệm : " Hiện nay, con cháu họ nhà ta ở miền Nam cũng đông đảo, nên nghĩ rằng cần phải có một quyển gia phả duy nhất để cho đám hậu sinh biết giòng dõi gốc tích ông cha ".
( Nguyễn tộc thế phả - Dã Lan Nguyễn Đức Dụ ).
       Dã Lan bắt đầu thu thập các chứng ngôn, hình ảnh và tư liệu, kể từ năm 1959.   Sau mỗi  chiều tan sở vá các ngày nghỉ, ông đều đạp xe đạp đi gặp từng bậc cao  tuổi và các người trưởng thành trong họ để hỏi han mọi chuyện .
       Ông cũng từng lên Sở Hưu bổng hoặc ra Thư viện Quốc Gia lục Công báo để tìm các văn bản bổ nhiệm, hoặc khent hưởng có liên quan đến nhân sự trong phả.
        Ông làm việc đều đặn, tận tụy như một kiến tha mồi.

2.- Sự hỗ trợ của họ hàng.
      Người chú ruột là Nguyễn Đức Bổn ( tục goi ông Tư Bổn ) đưa Dã Lan  những di ảnh độc nhất.   Nguyễn Duy Linh,  trưởng nam của ông cũng bỏ tiền chụp  lại và rửa nhiều ảnh cho Dã Lan.
      Quí nhất là toàn bộ 5 tập di bút bằng chữ Hán: Nguyễn tộc phả ký, Trung thừa thế gia, Gia tiên quân văn chương, Ngọc phả, Kỵ điền ( do cụ Tằng tổ là tuần phủ  Nguyễn Đức Tú lưu giữ và ghi chép) cũng được người chú Nguyễn Như Cương ( con lớn  của người trai thứ 6 của cụ Tuần phủ- tục gọi cụ Thừa Sáu) vẫn giữ, trao cho Dã Lan.
      Người ông là Nguyễn Đức Đàm ( 1884-1963) con trai thứ cụ Tuần , hiệu Bút Phong, có nhiều bài hát nói được dẫn trong' Việt Nam ca trù biên khảo' đã phiên âm và dịch từ các tài liệu chữ Hán.
       Khi cụ mất, Dã Lan khóc:" Ông ơi, nhờ  có ông, cháu mới hoàn thành bộ phả, vì giòng họ mà ông vất vả công lao" ( tr. 179 Nguyễn tộc thế phả- Dã Lan Nguyễn Đức Dụ ).

       Sau hai năm sưu tập tư liệu mọi nguồn và sáu tháng biên soạn" lấy thân làm giấy, vắt óc  gạn tim làm mực trải qua sáu tuần trăng tròn khuyết soạn, nên bộ Nguyễn Tộc Thế phả ".
      ( Nguyễn tộc thế phả- Dã Lan-Nguyễn Đức  Dụ ). 
       Bản thảo  hoàn thành , thì một buổi  duyệt phả được Dã Lan tổ chức tại nhà ông vào ngày 9.7.1961:
 " Hội đồng gia tộc Nguyễn Đức đồng thanh tuyên bố công nhận".
      ( Quyết nghị kèm trong Nguyễn tộc thế phả- Dã Lan-Nguyễn Đức  Dụ ).
      Việc  in ronéo bộ sách  dày 273 trang, khổ 21x26, được hoàn thành sau 2 năm.
       Trong việc in ấn, người chú ruột - tục gọi ông Tư Bổn- có đưa Dã Lan 2.000 Vnđ.
       Nhiều năm trước, nhà văn Thế Phong có kể lại với Nguyễn Duy Linh ( anh ruột nhà văn Hoàng Khởi Phong- TP  ghi )   chi tiết đó  và Linh đã kể lại với người viết. 
         Buổi trưa ngày thứ sáu 17.5.2002, tôi   và Mai Anh ngồi ăn với Thế Phong tại  Nhà hàng Yesterday( 3.../   Nguyễn Đình  Chiểu, Quận 1) - bữa ăn do Thế Phong  khoản đãi.   Đáp câu hỏi của tôi, Thế Phong hỏi lại:" Người chú  là ông Tư Bổn phải không ?" và khẳng định: " Lúc còn khỏe, một lần vui chuyện, ông Dã Lan đã kể với Thế Phong:" Chỉ có ông Tư Bổn đưa 2000 Vnđ mà thôi"!".
         Trong việc  lập phả, cũng có những bất đồng về quan điểm: người muốn được viết phả theo chủ đích
' tốt phô ra, xấu xa đậy lại'- người muốn chỉ ghi tính danh , lược bỏ hết mọi chi tiết cá nhân...
          Nhưng Dã Lan-Nguyễn Đức Dụ kiên định với chủ ý , đoạn văn dưới đây cho thấy thái độ dứt khoát, mạnh mẽ của ông:
         "... nông nỗi  khó khăn lúc soạn phả, ví như có người muốn giấu cả danh tính chức phận; có nhà không muốn nhắc lại sự việc  cũ; thậm chí có người chỉ vì sự câu nệ cố chấp mà không chịu cho chép phần ký sự của mình vào gia phả... Nên hiểu rằng việc làm phả cũng như việc chép sử cần phải kê cứu tường tận, để cho đời sau có đích mà theo.   Xem như di bút của cụ Tuần nhà , thảo ra còn nói cả điều hay điều dở, thì thiết nghĩ, người đời nay cũng nên trông gương các cụ tự vấn mình mà lấy điều đó làm xấu hổ vậy..".
       ( Khái dẫn Nguyễn tộc thế phả- Dã Lan- Nguyễn Đức Dụ ).

     IV . Một quan niệm rất mới về phả. 
       Trước  Dã Lan   và nhiều gia đình Việtnam ở năm 2002    này, vẫn giữ một thái độ cẩn trọng về phả.   Gia phả là một di bút thiêng liêng, được các trưởng tộc mỗi đời ghi chép tiếp.   Đó là một bản viết tay duy nhất mà chỉ người trưởng tộc mới có quyền mở xem  vào những ngày giỡ , tết; hoặc do một nhu cầu tra cứu.
        Nhưng kể từ năm 1963, Dã Lan-Nguyễn Đức Dụ là người đầu tiên mở ra một quan niệm rất mới về gia phả.
        Không kể  những nét mới trong biên soạn ' thêm phần ngoại tộc, quê hương..'. Các chi tiết về trận đánh đồn Gia Lộc ( huyện gốc của dòng họ ) , đồn Kha Lý ( liên quan đến người em con bà cô ruột ) ... Dã Lan  đã thực hiện một canh tân sáng tạo.
        Gia phả  được in nhiều bản và chia làm 2 loại : Bìa bọc gấm và các lọai bìa khác.
         Mọi thứ bậc và trai, gái, nội, ngoại, đều có quêền nhận một bản , tùy loại- sau khi đã đóng mọi ấn phí.
         Rõ ràng, khởi đầu từ Dã Lan, gia phả đã vượt khỏi cái khung' kín cổng cao tường '  để được  phổ biến rộng rãi trong họ.   Và một lễ nhận phả đã được tổ chức trang trọng tại nhà ông vào ngày 27.10.1963.
        NGUYỄN ĐỨC TỘC PHẢ đã đước đón nhận  trân trọng và mỗi tấm hình lớn đã ghi lại cảnh tượng hoan hỉ đó.   ( Mẹ tôi  đã bế cả thằng cháu nội 2 tuổi đi dự ).

V. Con người và tác phẩm.
      Dã Lan kể với nhà thơ  Trần Nhật Thu :
      ".. Sau khi cuốn gia phả dòng họ tôi ra đời, nhiều người biết và tìm đến tôi trao đổi về ngành khoa học mới mẻ này".
( Văn hóa nguyệt san, số 1 tháng 1.1995).
       Bộ phà  đồ sộ của dòng họ đã chinh phục đến độ làm mê hoắc nhiều  dòng dõi danh tiếng.   Những người này đã đưa Gia phả của họ mình cho Dã Lan, dù ông có một đòi hỏi nghiêm khắc.  Phải là bản gốc.  ( nhưng thái độ của ông thật dễ thương, đáng cảm phục)" Tôi quý trọng tổ tiên tôi thế nào thì cũng quý trọng tổ tiên mọi người như vậy.   Ai cần tôi sẵn sàng giúp".
      (  bđd)
    Có một chuyện vui như thế này :
      Năm 1994, nhà văn Doãn Quốc Sỹ nhờ tôi chở đến  Dã Lan và đưa ông bản lược khảo về dòng họ Doãn, do chính anh soạn bằng quốc ngữ.
       Ít tháng sau, anh lại đến cùng tôi và xin lại.   Không ngờ, Dã Lan cự ngay:
     " Đã đưa sao còn đòi lại ?"
       Bản tính hiền  , Sỹ chỉ cười xòa và chịu nhận bản photocopy vừa sao về
       Trên đường, anh nói với tôi:
       - Của mình mà cụ lại mắng ?
       Tôi giải thích :
        - Trong nghiên cứu phả, Dã Lan chỉ làm việc với bản gốc!.


Năm 1969, tác phẩm in ronéo: Gia phả khảo luận và thực hành'  đước' Giải thưởng Khuyến khích văn học và Nghệ thuật Toàn quốc' do Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa Sài Gòn tổ chức.  
   ( Hoàng Vũ Đông Sơn tìm hộ chi tiết này và nhà văn Thế Phong, bạn thân thiết của  Dã Lan, tác giả nhiều bộ sách văn học: Lược sử văn nghệ VN - Nhà văn tiền chiến... rất quan tâm đến các sự kiện văn học, đã hơn một lần xác định:' Đó là giải khuyến khích không có thưởng hiện kim'. - Trong bữa ăn trưa ngày thứ sáu 17.5.2002 cả Thế Phong và Mai Anh cùng khẳng định như thế ! )
       
       Nhà văn học Nguyễn  Hiến Lê đã nhiệt liệt  tán thưởng tác giả:
  "... Để hết  thì giờ nghiên cứu  ngành gia phả, đã tự soạn một bộ  dày khoảng 500 trang, quay ronéo vài trăm bản, bán trong nước và gửi tặng thư viện vài nước lớn như: Pháp, Mỹ, Nhật... được học giả ngoại quôc khen là công phu...".
       ( tr. 507' Hồi ký Nguyễn Hiến Lê' nxb Văn học, 1993).

      Thế Phong kể lại chi tiết việc Dã Lan gửi tặng tác phẩm, với những biểu thị đầy cảm tính:
       "... Cách đây 21 năm, ấn bản đầu tiên in ronéo tác phẩm GIA PHẢ KHẢO LUẬN & THỰC HÀNH  của ông Dã Lan-Nguyễn Đức Dụ, đã được gửi tới 29 Trung tâm Văn hóa trên thế giới.   Giáo sư Nguyễn Đình Hòa , người   dịch mục lục tác phẩm này và gủi cho giáo sư Spencer J. Palmer của đại học Brigham Young University ( Mỹ).    Giáo sư người Mỹ này đã ghi nhận: Tọi cam đoan rằng tác phẩm này vô cùng quan trọng trong việc đóng góp vào nền gia phả học  Á châu..".   ( báo Thanh niên số 2, ngày 4.1.1994 - nguyên văn tiếng Anh:" This much I am sure of, that this volume is a very important addition to the Asia genelogical  Literature..".

       Kết quả thật tốt đẹp.  11 giờ ngày thứ  sáu 21.7.1972; Phái đoàn của Viện đại học Brigham Young Hoa Kỳ đến thăm một biên khảo gia Việtnam để tìm hiểu ngành gia phả học Vie65tnam.   Phái đoàn gồm 3 giáo sư Đại học và Trường phái đàon là Gs Spencer J. Palmer- phái đoàn được tác giả tặng 1 cuốn phả ký chữ Hán:" Trung thừa thế gia" của họ Nguyễn Đức"
         ( báo Chính luận ngày 24.7.1972.) .
         Sau ấn bản  ronéo thành công rực rỡ như thế, tác phẩm được xuất bản nắm 1961, tái bản 1973.   Rồi' 'Một lối chép gia phả thật đơn giản'  ( nxb Sóng, Saigon 1974).
           Do 2 công trình gây tiếng vang lớn, tên tác giả được đưa vào cuốn' WHO'S WHO IN VIETNAM'  / Việt Nam Thông Tấn Xã, Saigon xuất bản 1974.
         ( Dã Lan tặng phần  viết về Dã Lan ).

          Sau 1975, nxb Văn hóa thông tin cấp giấy phép' GIA PHẢ KHẢO LUẬN & THỰC HÀNH  ( 1992), nxb Mũi Cà Mau ấn hành MỘT LỐI CHÉP GIA PHẢ THẬT ĐƠN GIẢN'  ( 1993).
           Cả 2 tác phẩm do nhà thơ Trần  Nhật Thu biện tập, lo liệu mọi công việc in ấn, phát hành .

            Trong bài ' Phỏng vấn người Sài Gòn'  ( Nxb Trẻ, 1999)- Phan Hoàng viết:
           "... Biên khảo cổ học như ông mà chỉ giỏi tiếng Pháp, ít rành chữ Hán.   Làm sao bù đắp cho bất lợi ấy ?   Những lúc gặp khó khăn, ông phải tìm đến người bạn già giỏi hán học là giáo sư Lê Trí Viễn..."
          -  Không đúng! Người bạn đó là cụ Nguyễn Chí Viễn, nhà ở Đường Bàn Cờ- dịch chung cùng nhà giáo Trần Văn Từ, bộ' Liêu trai' , dịch' Tuyển tập Từ Trung Hoa Nhật Bản' - người viết bài này từng gặp dã lan từ nhà cụ đi ta, tay ôm chồng tư liệu dịch từ Hán văn. 

   VI. Một bài thơ gửi tặng muộn màng.
          Tôi  là  một ngơời viết lười biếng và sách vở phim hình lộn xộn tới mức rất khó tìm.
           Trước 1975, anh bạn thân, chuyên viên Chàm học  Nguyễn Khắc Ngữ, đã nhiều lần che:" thằng này hỏng !"
           Tự xét, thấy mình hỏng thật !   Cụ thể : năm 1994, tôi chở  Dã Lan-Nguyễn Đức Dụ lên đền đức Thánh Trần.   sau đó, lúc ngồi chung ở ngoài quán, có Sơn Nam, Trần Hồng Khương ( nhà thơ nữ, thứ nữ Á Nam-Trần Tuấn Khải- TP ghi ) - TÔI CHỢT NẢY Ý NGHĨ TINH NGHỊCH: ĐỜI TRẦN CÓ DÃ TƯỢNG GIỎI BƠI LẶN, NAY CÓ DÃ LAN LÀM PHẢ.    Phải làm bài thơ tếu trêu ông anh .
           Buổi tối làm xong, chep  vào một cuốn sổ, rồi mải vơ vẩn đâu đâu, quên hẳn! 
            Hôm tiễn biệt Dã Lan về, lục tìm bài thơ' Khóc bạn' / Phạm Quỳnh- thì thấy bài thơ  ý lộng, từ quấy !   Nhưng viết ra để một chút ngậm ngùi !    Con người thường xa nhau lúc  sống; mất mới hối tiếc! Quả là muộn rồi!
           Chép ra, như một gửi tặng muộn màng :
                         
                                  HỌ Dà CHÍN ĐỜI, CHÁU CỤ TƯỢNG
                                  PHƯỚC NHÀ , LINH KHÍ ĐANG THỜI VƯỢNG
                                  TAY BƠI, CHÂN ĐẠP NỔI DANH TRẦN
                                  RÂU VỂNH, TÓC CUA LỪNG TIẾNG THƯỢNG
                                  VỒ ẾCH THEO VOI ĐỦ NGÓN SẦN
                                  VUỐT HÙM MÓ NGỰA, THỪA TAY SƯỢNG
                                  PHONG LƯU LỊCH LÃM; ĐÁNG PHONG THẦN
                                  NỨC NỞ NGƯỜI KHEN; GIỎI NHẤT DƯỢNG !
                                       []
                                  LỮ QUỐC VĂN.

------
*  gửi kèm bài, tác giả  ghi:' Thân tặng Nhà văn Thế Phong" (8.6.2002)
     - với tôi, đây là : BÀI  DUY NHẤT VIẾT ĐẦY ĐỦ VỀ
    PHỔ TRẠNG DÃ LAN-NGUYỄN ĐỨC  DỤ. ( 1919-2002)". 
         (T.P.)                             
                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét