Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

đọc thêm (3) : " một cuốn sách cho TẠ TỴ [ " Tạ Tỵ Dấu Ấn Sáng Tạo "/ Nguyễn Quốc Định " ] -- nguồn: báo Doanh Nhân +

 

Một cuốn sách cho họa sĩ Tạ Tỵ

Tạ Tỵ, dấu ấn sáng tạo là tên một cuốn sách vừa được phát hành tại Hà Nội do tiến sĩ Nguyễn Quốc Định biên soạn (NXB Hội Nhà Văn). Sách dày 190 trang, khổ 20 x 25cm với nhiều tranh in màu và đen trắng. Đây là công trình đầu tiên về một tác giả lớn của hội họa Việt Nam hiện đại, đặc biệt là một họa sĩ sống và sáng tác chủ yếu tại Sài Gòn.

Sách dõi theo hành trình sáng tác của Tạ Tỵ từ thời kỳ đầu tiên của ông (1938-1950), đến các thời kỳ Lập thể tại miền Bắc (1950-1953) và tại Sài Gòn (1953-1956), cuối cùng là thời kỳ chuyển giao từ Lập thể sang Trừu tượng trong tranh ông (1956-1961). Đi cùng là những ghi chép, nhận định về hội họa và về kỹ thuật hội họa của Tạ Tỵ từ những trước tác của ông, từ những tư liệu riêng, thư viết tay và đánh máy của ông gửi cho bạn bè, các nhà sưu tập tranh ông…

Sách Tạ Tỵ, dấu ấn sáng tạo
- sách Tạ Tỵ ," Dấu ấn sáng tạo"

Có một mảng tranh của Tạ Tỵ rất quen thuộc với người sống ở miền Nam trước 1975, đó là loạt tranh sơn dầu và ký họa được ông vẽ đầu những năm 1960, thể hiện chân dung và những nét tính cách tiêu biểu của khoảng 50 văn nghệ sĩ Sài Gòn và miền Nam mà ông quen biết, yêu mến như Vũ Hoàng Chương, Đái Đức Tuấn (TCHYA), Vi Huyền Đắc, Dương Thiệu Tước, Võ Hồng, Sơn Nam, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Trịnh Công Sơn…


Năm 1951, Tạ Tỵ triển lãm tranh tại Hà Nội, trong số đó có bức tranh sơn dầu được đặt tên Cô đơn (67 x 54,5cm), đến tháng 4-2000 bức Cô đơn được nhà Sotheby’s ở Singapore đưa lên sàn đấu giá và bán được với giá 19.550 đôla Singapore. Catalogue đấu giá của Sotheby’s đã nhận định: “Cô đơn là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Lập thể của Tạ Tỵ.

Thuyền bên sông (1962, tranh sơn dầu thuộc sưu tập tư nhân tại Pháp)
Thuyền bên sông (1962, tranh sơn dầu thuộc sưu tập "  tư nhân tại Pháp " )

Tác giả sử dụng tài tình những màu sắc mạnh mẽ, đặt nhân vật vào ngay trung tâm bức tranh bằng những hình kỷ hà, chẳng hạn xử lý mái tóc không tuân theo luật đăng đối, đường nét mạnh bạo của chiếc cổ và sự sắp xếp của khăn quàng thành những mặt cắt của một hình kim cương… Tất cả bố cục này tạo thành một bức tranh Lập thể độc đáo”.


Có một sự kiện khó quên liên quan đến Tạ Tỵ là khi Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm có tên “Những bức tranh từ châu Âu trở về” cách đây gần tròn ba năm mà hầu hết là tranh giả mạo các bậc thầy hội họa Việt Nam, duy có một bức tranh thật – sáng tác của họa sĩ Thành Chương thì lại được ký tên Tạ Tỵ!

Cất cánh - tranh Lập thể kích thước lớn của Tạ Tỵ hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
Cất cánh – tranh Lập thể kích thước lớn của Tạ Tỵ hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

Tạ Tỵ tên thật là Tạ Văn Tỵ, sinh ngày 3-5-1921 tại Hà Nội. Ông thành danh khá sớm khi còn là một sinh viên. Năm 1943, Tạ Tỵ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và cũng năm này, bức Mùa hè của ông đoạt một giải thưởng của Salon Unique.

Năm 1946, Tạ Tỵ đã tham gia kháng chiến chống Pháp và là người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên trong Liên khu 3. Tháng 5-1950, Tạ Tỵ trở về Hà Nội vẽ tranh và sáng tác văn học. Năm 1951, ông triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội. Sau 1954, ông vào Nam, sống ở Sài Gòn, từng là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa. Năm 1956, ông triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1961, ông triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng. Sau 1975, ông định cư tại Mỹ, đến 2003 trở về Việt Nam và qua đời năm 2004, hưởng thọ 83 tuổi.

Được coi là họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ tranh Lập thể, Tạ Tỵ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm hội họa, khá nhiều trong số đó thuộc về các bộ sưu tập tư nhân ở nước ngoài. Ngoài ra, ông đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, truyện dài, tạp văn, nhận định văn học và một tập thơ.


đăng bởi  NGÃ VĂN 


===============



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ