Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

' vài bài đáng đọc trên blog nguyễn xuân hoàng+ nguyễn hưng quốc & các báo việt báo+ báo người việt

Phan Nhật Nam ra mắt sách: ‘Phận Người Vận Nước’ và ‘Chuyện Dọc Đường’

21 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 4144)

Blog / Nguyễn Xuân Hoàng

Không ai thấy những dòng sông cạn nước


image054
Nguyễn-Xuân Hoàng / Photo: LKT
10.10.2013


Sau bão số 10, miền Trung lại đối đầu với lũ lụt


Suốt mấy tuần qua, tin tức về bão lụt miền Trung bị tin về cái chết của tướng Võ Nguyên Giáp đè nén. Các bản tin về bão lụt miền Trung đi tin các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế đang đối diện với những cơn lũ quét mạnh mẽ sắp tràn xuống những khu vực hạ nguồn sau khi cơn bão rút đi. Mưa tích nước trên thượng nguồn các con sông lớn sẽ tràn bất ngờ gây lũ quét và đây là nguyên nhân gây thương vong và thiệt hại tài sản lớn cho người dân hơn chính cơn bão trực tiếp gây ra.

Lốc xoáy là mối nguy mà người dân rất sợ cũng đang có dấu hiện xuất hiện tại nhiều nơi. Nhà cửa và hoa màu thiệt hại lớn và đã có người bị thương do nhà tốc mái và cây đổ.

Tại Quảng Bình lốc xoáy đã làm cho ba người bị thương và những chiếc ghe đậu tránh bão tại các nơi an toàn trên sông Nhật Lệ đã bị hư hỏng nặng.

Tại phường Phú Hải thành phố Đồng Hới có 95% nhà cửa bị hư hỏng nặng và làm cho 7 người bị thương khi lốc xoáy và gió giật tràn qua.

Theo tin một đài phát thanh nước ngoài, một tuần lễ đã qua sau trận bão số 10, tên quốc tế Wutip, thổi vào một số tỉnh miền Trung Việt Nam. Tỉnh Quảng Bình là nơi tâm bão số 10 đi qua nên phải gánh chịu những tổn thất nhiều nhất.Theo số liệu thiệt hại khoảng 8,069 tỷ; trước mắt tỉnh đã chi ra 19 tỷ cho các địa phương để khắc phục theo chế độ, chính sách qui định. Cơ bản đến nay đang tiếp tục khắc phục.

Thiệt hại về nhà cửa hầu như 90% đều tốc mái, tài sản thiệt hại nhiều nhất là cây cao su. Ở đó người dân đầu tư rất lớn vào cây cao su. Đợt bão vừa rồi người ta mất trắng phải phá đi trồng lại. Thống kê lại thì khoảng 70 tỷ. Người dân đầu tư hầu hết vay vốn, và được bảy năm gần thu hoạch thì bão làm gãy đổ hết.

Linh mục Nguyễn Văn Vinh, phụ trách Caritas giáo phận Vinh nói về thiệt hại tại một số vùng trong tỉnh Nghệ An không phải do bão số 10 trực tiếp gây nên mà do việc xả lũ của đập thủy điện đối với dân chúng tại huyện Quỳnh Lưu:

Người ta xả nước ồ ạt giữa ban đêm mà dân không được báo trước, nên những vùng lũ đến phải bỏ của chạy lấy người thôi. Thiệt hại rất lớn lao vì chẳng hạn như hồ tôm, có gia đình hồ tôm cả mẫu. Họ không có vốn nên khi đầu tư phải vay mượn đổ vào đó và nay mất đi tất cả. Mà không phải chỉ hồ tôm mà hoa màu ngoài đồng cũng hư hỏng nhiều. Đồ trong nhà kể cả đồ điện tử, gạo thóc mà nhiều gia đình nông dân cất trữ trong nhiều tháng cũng bị hư nếu như không bị hư thì bị ngâm nước. Sau trận lụt trời lại không nắng nhiều nên phơi phong không bảo đảm. Điều đó ảnh hưởng về lâu về dài.

Thiệt hại về nhà cửa hầu như 90% đều tốc mái, tài sản thiệt hại nhiều nhất là cây cao su. Ở đó người dân đầu tư rất lớn vào cây cao su. Đợt bão vừa rồi người ta mất trắng phải phá đi trồng lại

Miền Trung 1999


Tôi nhớ tháng 12, 1999, một bản tin từ trong nước cho biết hậu quả lũ lụt dữ dội hơn nhiều: Huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là nơi lãnh chịu hậu quả lũ lụt nặng nhất.

"Bên cầu Sông Le (bị sụp vì lũ,) trên Quốc Lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Hàm Tân xe hơi nối đuôi nhau dài dằng dặc tắc nghẽn hàng cây số. Bên chân cầu Sông Le, một chiếc xe đò 30 chỗ ngồi bị lũ cuốn trôi xuống ruộng. Trên lộ 51 vào Hàm Tân, một đoạn đường nhựa dài 200m đi ngang thôn 1 xã Tân Xuân bị sạt lỡ mất nửa bên. Mấy căn nhà gạch kiên cố bên bờ con sông nhỏ bị nước cuốn trôi giờ chỉ còn lại cái nền trơ trọi. Dân thôn 1 bất ngờ vì nước lũ lên nhanh quá. Sáng 29 tháng Bảy, những gia đình ở ven sông thấy nước mấp mé thềm nhà, cứ nghĩ tí nữa sẽ rút, nhưng đến 11 giờ trưa nước đã ngập cao đến hai thước. Nhiều nhà và hàng chục người bị nước cuốn trôi. Hai vợ chồng cụ Phạm Rí, trên 80 tuổi, bị trôi giữa dòng nước, may bám được vào ngọn cây, chờ người đến cứu. .. Trong hai ngày 29 và 30 tháng Bảy, toàn bộ thị trấn La Gi (Bình Thuận) chìm trong biển nước. Đến sáng 31 tháng Bảy nước mới rút để lại một thị trấn toàn một màu đen bùn đất, không còn một giọt nước để nấu ăn tắm giặt...

Thời gian đó có thể nói, hầu hết các quốc gia châu Á bị chìm trong biển nước vì cuồng phong và mưa lũ. Trung quốc, Ấn Độ là những nơi bị nặng nhất, nhưng Bangladesh, Việt Nam, Nepal, Campuchia, Thái Lan, Philippines, bán đảo Triều Tiên cũng không tránh khỏi bị thiệt hại.

Những cơn mưa dầm, hậu quả của hiện tượng thời tiết La Nina đã gây ra nạn lụt thảm thiết châu Á. Đây là hiện tượng thời tiết ngược lại và tiếp nối El Nino. Nếu El Nino nóng gây hạn hán thì La Nina lạnh và làm mưa nhiều. Ở Trung quốc 1 triệu 800 ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất và 66 triệu người sống trong lưu vực sông Dương tử đang bị đe dọa trực tiếp vì nạn lụt. Ở Việt Nam, mặc dù nạn lụt đã tràn đến đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bình Thuận ở phía nam Trung phần cũng đã có 36 người chết vì lụt.

Nhưng oái ăm thay, tại Hoa Kỳ, El Nino đã làm cho cả nước hạn hán. Hạn hán trầm trọng đến nỗi Thống đốc Maryland ra thông báo nếu ai tưới nước cho cỏ hay rửa xe tại Maryland trong mùa hạn hán này sẽ bị phạt sáu tháng tù và 1,000 đô la. Phải làm như vậy, ông nói, bởi vì "không ai thấy được các dòng sông đang bị khô cạn như thế nào?" Delaware, Pennsylvania, New Jersey, West Virginia, ... cũng đã ra những thông cáo tương tự. Những vườn cỏ và cây cối đang héo dần ở vài vùng nổi tiếng trên toàn quốc, như từ khu Central Park ở thành phố New York cho đến vùng đất đầy cỏ của National Mall ở Washington D.C. Lượng mưa tại sân bay quốc tế Baltimore, Washington thấp hơn lượng nước bình thường trong 12 tháng qua. Các hồ chứa nước nhân tạo ở thành phố Baltimore hiện đang chứa khoảng 41 tỷ gallons thấp hơn mức năng suất, đến nỗi Thống đốc Glendening cũng phải yêu cầu thành phố bắt đầu rút khoảng 137 triệu gallons nước mỗi ngày từ sông Susquehana. Và con sông này, chính nó, cũng đã bị cạn đi hai phần ba do hạn hán. Có nghĩa là lượng nước này cũng chỉ đủ đáp ứng cho những nhà hàng, khách sạn ở Maryland , và những vòi nước công cộng trong công viên sẽ ngưng hoạt động cho đến khi bớt hạn.

Thiên nhiên và con người


Từ những cơn mưa đẹp đẽ làm thành kỷ niệm trong những tác phẩm điện ảnh, thi ca và tiểu thuyết đến những trận cuồng phong mưa lũ ngập trời ngập đất lôi cuốn bao nhiêu sinh mạng, nhà cửa vườn tược, hoa màu, thuyền bè,... tôi nhận ra thiên nhiên cũng như con người, cái vẻ đẹp bao giờ cũng chứa đựng trong nó một nghịch lý: sự tàn bạo.

không ai thấy những dòng sông khô cạn
trong lồng ngực chỉ còn thoi thóp thở của tôi
không ai thấy những ngôi nhà chìm trong biển nước
trên mảnh đất miền trung khô cằn nghèo khó của quê hương tôi
không ai thấy những lời nói ngọt ngào 
chứa đầy những nọc độc rắn rít của một người tưởng là bạn tôi!
....
không ai thấy ánh sáng của những ngọn đèn hàng ngàn watts
vẫn không soi chiếu nỗi đau bóng tối trong trái tim tôi
không ai thấy con dao bén ngót nằm giữa đôi môi quyến rũ của em
không ai thấy nỗi buồn chán dưới những khuôn mặt trẻ thơ
không ai thấy tôi yêu em như cuồng phong mưa lũ
không ai thấy tôi nhớ em đến cạn nước những dòng sông
không ai thấy
không thấy ai
....
Tôi đã sống ít hơn là tôi đã chết. 
Tôi đã yêu ít hơn là tôi trái tim tôi đã có. 
Tôi không nhìn thấy những dòng sông đang khô cạn trong lồng ngực tôi.. 

Có phải chúng ta đang sống trong một thời đại của những nghịch lý?


Thi ca và cách mạng, Yêu và ghét, ánh sáng và bóng tối, trắng và đen, dịu dàng và tàn bạo, ... đôi khi không nằm ở hai phía, mà chỉ nằm chung một bầu trời, một mái nhà. Càng ngày đời sống càng cho thấy rõ những điều nghịch lý đang ở với chúng ta. Chúng ta không muốn sống và chúng ta rất sợ chết. Chúng ta sẵn sàng ra đi và chúng ta rất muốn ở lại. Chúng ta là những sinh vật trí tuệ và sống bằng bản năng. Chúng ta đòi hỏi sự kính trọng và chúng ta ban phát những lời khinh bỉ.

Chúng ta có những tòa nhà cao hơn to hơn, 
nhưng chỗ ở cho trái tim lại nhỏ hẹp hơn
Chúng ta có những xa lộ rộng hơn, 
nhưng quan điểm hẹp hòi hơn
Chúng ta có nhiều của cải hơn, 
nhưng hưởng thụ ít hơn
Chúng ta có nhiều tiện nghi hơn, 
nhưng có ít thời gian hơn
Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn, 
nhưng kém ý thức hơn
Chúng ta có nhiều thuốc men hơn, 
nhưng có ít sức khỏe hơn
Chúng ta uống quá nhiều, hút quá mức, chi quá lố, 
cười quá ít, lái xe quá nhanh, 
giận quá mau, thức quá muộn, dậy quá mệt, 
đọc quá ít, xem tivi quá nhiều.
Chúng ta tăng số của cải, 
nhưng lại giảm giá trị của mình
Chúng ta nói quá nhiều, yêu quá ít, ghét quá thường
Chúng ta học cách kiếm sống chứ không phải xây dựng cuộc sống
Chúng ta chỉ biết chồng chất mỗi năm vào cuộc đời 
chứ không biết bổ sung cuộc đời vào mỗi năm.
Chúng ta đã đi lên mặt trăng và quay trở về, 
nhưng lại cảm thấy phiền hà khi băng qua đường 
gặp người hàng xóm mới đến
Chúng ta đã làm những việc to hơn 
chứ không phải tốt hơn
Chúng ta làm trong sạch không khí 
nhưng lại gây ô nhiễm tâm hồn
Chúng ta đập vỡ được hạt nguyên tử 
nhưng không phá bỏ nỗi thành kiến
Chúng ta viết nhiều hơn, 
nhưng học ít hơn
Chúng ta dự tính nhiều hơn, 
nhưng thực hiện ít hơn
Chúng ta chỉ biết vội vã mà không biết chờ đợi
Chúng ta có nhiều thức ăn hơn, 
nhưng vẫn không giảm bớt được những cơn đói
Chúng ta có nhiều máy điện toán hơn 
nhưng ít liên lạc hơn
Chúng ta có nhiều ngôi nhà sang trọng hơn, 
nhưng có nhiều tổ ấm tan vỡ hơn *

Một dân tộc thi sĩ


Chúng ta vẫn thường nói mỗi người Việt Nam là một thi sĩ. Cứ nhìn những tờ báo Việt ngữ, tờ nào cũng có những trang thơ. Những người cùng khổ làm thơ, những người bệnh tật làm thơ, những tiểu thư làm thơ và cả những người khỏe mạnh hạnh phúc cũng có thơ. Thơ hiện diện khắp nơi trong đời sống chúng ta. Đến nỗi những nhà làm chính trị - những thi sĩ hạng C của mọi thời đại - cũng trừng phạt chúng ta bằng những bài thơ ... dở. Thi ca là thực phẩm của một dân tộc hiền lành và rất không sợ chiến tranh.

Nhưng cách đây không lâu – năm 1999 - tình cờ đọc một bài viết trên tờ Los Angeles Times tôi giật mình thấy những điều suy nghĩ lâu nay của mình về chuyện thơ thẩn cần phải điều chỉnh lại. Một nhà thơ nổi tiếng của Nicaragua, Jose Colonel Ultrecho có lần tuyên bố: "Nếu không ai tìm được lời chứng minh nào khác thì phải nói mỗi người Nicaragua là một thi sĩ." Thậm chí, để chào bạn bè, người Nicaragua còn lớn tiếng gọi nhau là "thi sĩ". Những ngày thứ Bảy, người Nicaragua tìm đọc những bài thơ in trong các phụ trang văn chương hàng tuần. Cuối tuần họ kéo nhau đến tiệm La Casa de los Mejia Godoy nghe anh em nhà Carlos và Luis Enrique đọc thơ và hát những bài ca - trong số có nhiều bài là thơ phổ nhạc. Steven White, giáo sư ngôn ngữ tại Đại học St. Lawrence ở Canton, tiểu bang New York, cho rằng: "Tại Nicaragua, thi ca dở không thể nào tha thứ được." (Juanita Darling, Los Angeles Times)

"Thơ, chính là tất cả những gì đã và vẫn đoàn kết được đất nước Nicaragua sau 20 năm cách mạng, chống cách mạng và thối nát." Juanita Darling đã viết như vậy.

Như vậy, trên trái đất này đâu phải chỉ có một dân tộc Việt Nam yêu thơ, đâu phải cứ nói đến Việt Nam là nói đến những nhà thi sĩ. Thế giới có vô số điều kỳ lạ. Những điều mới mẻ nhiều khi thật ra đã quá cũ, những khám phá tưởng là độc đáo đôi khi cũng chỉ là một sự lập lại. Chỉ có tình yêu là luôn luôn cũ rất mới, xưa rất nay, xa rất gần, mù quáng rất sáng suốt. Nó là hòa bình và chiến tranh. Nó là yêu thương và thù hận. Nó là có gì trong khi không có gì. Nó là mẹ của mọi điều xấu xa và tốt đẹp. Nó là cùng cực của phi lý và mâu thuẩn. Nó là sống và chết... Nó là nghịch lý.

* Thu lượm từ trên internet


++++++++++++++++++

Blog / Nguyễn Hưng Quốc

Giải Nobel văn chương năm 2013 dành cho…truyện ngắn : nhà văn Canada Alice Munro.


VOA 15.10.2013


Giải Nobel văn chương năm nay – trị giá khoảng 1,30 triệu Mỹ kim - được trao cho Alice Munro, nhà văn Canada. Điều đó vừa bất ngờ vừa không có gì đáng… ngạc nhiên.

Bất ngờ vì trước khi kết quả được công bố, hầu như phần lớn những người quan tâm đến văn học trên thế giới đều tiên đoán giải Nobel năm nay sẽ lọt vào tay hoặc là Haruki Murakami, nhà văn Nhật, hoặc là Joyce Carol Oates, nhà văn Mỹ. Cũng có một số người hy vọng Alice Munro sẽ thắng, nhưng số này khá ít ỏi.

Hơn nữa, bất ngờ còn vì hình như từ lâu người Canada đã mất hy vọng vào giải Nobel văn chương. Nhớ, năm ngoái, trên tờ Huffington Post, Peter Worthington, đồng sáng lập viên tờ Toronto Sun, đã bày tỏ sự tuyệt vọng của mình đối với giải Nobel văn chương. Ông cho biết Canada đã đoạt được nhiều giải Nobel về y khoa, vật lý, hóa học, tâm lý học và hòa bình nhưng chưa bao giờ nhận được giải Nobel nào về văn chương trong khi phần lớn các quốc gia nói tiếng Anh khác đều có. Mỹ: nhiều. Anh: cũng nhiều. Ireland: cũng nhiều. Ngay cả Úc cũng có được một người: Patrick White (1973). Trong khi đó, Canada: trắng tay. Mấy tháng trước khi giải Nobel văn chương năm 2012 được công bố, đối diện với câu hỏi: liệu lần này Canada có may mắn hơn, Worthington thẳng thắn trả lời: Không. Nhất định là không.

Tuy nhiên, khi giải Nobel năm nay được trao cho Alice Munro, hầu như mọi người lại cho điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.

Thứ nhất, người ta đã biết những sự tiên đoán trước giải Nobel thường… sai. Ví dụ, năm 2012, tiên đoán: Haruki Murakami; người đoạn giải: Mạc Ngôn; năm 2011, tiên đoán: Adonis, người đoạt giải: Tomas Transtromer; năm 2010, tiên đoán: Tomas Transtromer, người đoạt giải: Mario Vargas Llosa; năm 2009, tiên đoán: Amos Oz, người đoạt giải: Herta Muller; năm 2008, tiên đoán: Claudio Magris và Adonis, người đoạt giải: Jean-Marie Gustave Le Clézio; năm 2007, tiên đoán: Philip Roth, người đoạt giải: Doris Lessing; năm 2005, tiên đoán: Adonis, người đoạt giải: Harold Pinter; năm 2004, tiên đoán: Adonis, người đoạt giải: Elfriede Jelinek, v.v.. Trong hơn một thập niên vừa qua, hầu như chỉ có một lần duy nhất, sự tiên đoán chính xác, đó là vào năm 2006, khi cả người được tiên đoán và người đoạt giải là một: Orhan Pamuk, người Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, sau khi nghe giải Nobel văn chương năm nay được công bố, hầu như mọi người đều đồng ý. Giới cầm bút đồng ý. Giới phê bình đồng ý. Đa số độc giả cũng đồng ý. Hiếm khi nào sự đồng ý lại cao đến như vậy. Người ta biết văn chương của Alice Munro ít có những cách tân đáng kể về phương diện kỹ thuật, nhưng dù vậy, bà cũng vẫn được xem là một trong những nhà văn lớn nhất của thời đại. Lớn về phương diện ngôn ngữ với một phong cách diễn tả vừa giản dị vừa độc đáo. Lớn về phương diện tư tưởng: qua những câu chuyện có vẻ bình thường, thậm chí tầm thường, của các phụ nữ lao động sống ở miền quê – thường là vùng Southern Ontario, Alice Munro lột tả những chuyển biến vừa tinh tế vừa phức tạp trong tâm lý cũng như trong quan hệ giữa con người với nhau, từ đó, làm cho cuộc sống hiện ra dưới một góc cạnh khác hẳn, đầy những bí ẩn và nghịch lý, rất hiếm khi được nhận biết.

Sự đồng thuận trên, thật ra, không có ý nghĩa gì về phương diện văn học hay mỹ học. Trong bài “Ba loại nhà văn” viết sau giải Nobel văn chương năm 2012, nhà văn Phạm Thị Hoài có một ý kiến rất sâu sắc và thú vị: “Tác gia văn chương, chung quy có ba loại. Loại dành cho đồng nghiệp, tác gia của tác giả. Loại dành cho công chúng, tác gia của độc giả. Và loại dành riêng cho sự tự mê hoặc của những tác giả tự phong.” Loại thứ ba, nhiều như cỏ, không đáng bận tâm. Nên chỉ còn hai loại. Loại thứ nhất, kiểu như James Joyce, Kafka, Nabokov, Borges… là những tài năng đặc biệt, có những cách tân đặc biệt, vô cùng hiếm hoi và không thể thay thế được: Không có họ, bản đồ văn học thế giới sẽ khác hẳn. Loại thứ hai, đông hơn, từ Balzac đến Dostoevsky, Sartre, George Orwell, Murakami, v.v.. là những người có tài, tuy nhiên tầm cỡ tài năng của họ thay đổi tùy theo “khí hậu và môi trường văn hóa”. Theo Phạm Thị Hoài, ai trong số này được chọn lựa để trao giải Nobel cũng đều “xứng đáng như nhau”.

Sự đồng ý hay không đồng ý về người được nhận giải thưởng, do đó, gắn liền với các yếu tố xã hội, văn hóa và tâm lý hơn là thuần túy nghệ thuật. Riêng trong trường hợp của Alice Munro, có lẽ có hai lý do chính: Một, Alice Munro viết tiếng Anh, một ngôn ngữ được xem là “quốc tế”, do đó, đã có một lượng độc giả thật lớn, có lẽ lớn hơn rất nhiều so những nhà văn từng đoạt giải Nobel trong mấy năm vừa qua (chỉ riêng tại Mỹ, số sách bà bán được trước khi giải Nobel được công bố đã trên một triệu cuốn). Hai, xuất phát từ tự ái của những người nói tiếng Anh, cả tác giả lẫn độc giả: sau nhiều năm (!), giải Nobel văn chương lại lọt vào tay một người cầm bút viết tiếng Anh.

Nói “nhiều năm”, nhưng thật ra, chỉ có năm năm, từ năm 2008 đến 2012. Nhưng với người nói tiếng Anh, năm năm đã là lâu. Nên lưu ý là từ năm 1901 đến 2012, trong số những người đoạt giải Nobel, tính theo ngôn ngữ, tiếng Anh chiếm vị trí cao nhất, với 26 người. Tiếng Pháp và tiếng Đức, cùng đứng hạng thứ hai, chỉ có một nửa: mỗi ngôn ngữ có 13 người. Tính một cách tỉ mỉ hơn, Pháp cao hơn Đức một chút: 13 người rưỡi. Rưỡi, vì Samuel Beckett, người đoạt giải Nobel văn chương năm 1969, vừa viết bằng tiếng Anh vừa viết bằng tiếng Pháp.

Dư luận không những đồng thuận về sự đúng đắn trong quyết định trao giải Nobel văn chương cho Alice Munro mà còn đồng thuận hơn ở ý nghĩa của việc trao giải lần này.

Thứ nhất, đó là giải Nobel văn chương đầu tiên dành cho Canada (không kể Saul Bellow, giải Nobel văn chương năm 1976, sinh tại Canada nhưng sang sống ở Mỹ từ năm lên 9, vào quốc tịch Mỹ và được xem là nhà văn Mỹ). Nhiều người cho đó là một sự công nhận cần thiết dù khá muộn màng: Canada có những cây bút tầm cỡ quốc tế, như Margaret Atwood hay Michael Ondaatje (người gốc Sri Lanka), từ lâu được xem là xứng đáng được giải Nobel.

Thứ hai, Alice Munro là nhà văn nữ thứ 13 được trao giải Nobel về văn chương, sau Selma Lagerlof, người Thụy Điển (1909), Grazia Deledda, người Ý (1926), Sigrid Undset, người Na Uy (1928), Pearl S. Buck, người Mỹ (1938), Gabriela Mistral, người Chile (1945), Nelly Sachs, người Thụy Điển (1966), Nadine Gordimer, người Nam Phi (1991), Toni Morrison, người Mỹ (1993), Wislawa Szymborska, người Ba Lan (1996), Elfriede Jelinek, người Áo (2004), Doris Lessing, người Anh (2007), Herta Muller, người Romania viết tiếng Đức (2009).

Ngoài việc viết lách, hầu hết các nhà văn nữ vừa kể đều có nghề nghiệp ổn định (phần lớn là dạy học; có người, như Selma Lagerlof, dạy trung học; có người, như Pearl S. Buck, Gabriela Mistral, Nadine Gordimer, và Toni Morrison, dạy đại học, hoặc là các nhà hoạt động chính trị và xã hội, như Nadine Gordimer, Elfriede Jelinek, Doris Lessing…), riêng Alice Munro thì chủ yếu là một người nội trợ. Lập gia đình từ năm 20 tuổi, có con đầu lòng từ năm 21, thoạt đầu, bà giúp chồng trong việc điều hành một tiệm sách, sau, phần lớn thời gian dành cho việc nuôi con và chăm sóc nhà cửa. Bà viết văn những lúc con cái đi học hoặc đi ngủ. Bàn viết của bà được đặt ở một góc phòng ăn, cạnh bếp, nơi bà có thể chạy đến làm việc giữa hai bữa ăn.

Thứ ba, quan trọng hơn, Alice Munro hầu như là người duy nhất chỉ chuyên về truyện ngắn được trao giải Noel văn chương. 14 cuốn sách của bà là 14 tập truyện ngắn (cuốn Lives of Girls and Women, xuất bản lần đầu năm 1971, thỉnh thoảng được xem là cuốn tiểu thuyết, thật ra, là một chùm truyện ngắn liên kết với nhau).

Theo lời tiết lộ của Munro, trong một số cuộc phỏng vấn, không phải bà không muốn viết tiểu thuyết. Cũng giống mọi người cầm bút khác, một trong những giấc mơ đầu tiên và lớn nhất trong đời bà là viết tiểu thuyết. Nhưng cuối cùng bà lại viết truyện ngắn. Chỉ viết truyện ngắn. Lý do chính là thời gian. Lúc thực sự đi vào con đường sáng tác, bà có ba con nhỏ phải nuôi và một gia đình phải chăm sóc. Thời ấy lại chưa có máy giặt, máy sấy: Công việc nội trợ lại càng mất nhiều thì giờ. Bà chỉ có thể viết trong những quãng thời gian ít ỏi giữa hai công việc. Trung bình bà thường mất khoảng bảy, tám tháng để hoàn tất một truyện ngắn.

Dĩ nhiên, sự chọn lựa miễn cưỡng ấy không có gì đáng tiếc. Ở thể loại ấy, bà được đánh giá là Chekhov của Canada. Khi quyết định trao giải thưởng Nobel văn chương cho Munro năm nay, Ban giám khảo cũng nhấn mạnh vào khía cạnh ấy khi tuyên dương bà như một “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”. Thật ngắn gọn.

Sự ngắn gọn ấy cho thấy hai đặc điểm quan trọng trong giải Nobel văn chương năm nay.

Thứ nhất, người ta không chú ý nhiều đến nội dung. Trước, những lý do được nêu lên thường tập trung vào hiện thực hay tư tưởng, vào ý nghĩa chính trị, xã hội hoặc triết học (ví dụ, với Mạc Ngôn, năm 2012, sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và truyện dân gian cũng như lịch sử; với Tomas Transtromer, bằng những hình ảnh cô đọng mở lối vào hiện thực; với Mario Vargas Llosa, mô tả những cấu trúc quyền lực; với Doris Lessing, phản ánh một nền văn minh bị phân hóa; với Orhan Pamuk, những sự va chạm giữa các nền văn hóa, v.v..). Hậu quả là phần lớn những người được trao giải đều là những người ít nhiều đều dấn thân hoặc, ít nhất, có lý tưởng chính trị hoặc xã hội rõ rệt. Alice Munro là một ngoại lệ: Bà được xem là tác giả ít có màu sắc chính trị nhất.

Thứ hai, về Alice Munro, bản tin báo chí của Viện Hàn Lâm Thụy Điển chỉ xoáy vào một điểm: nghệ thuật; trong nghệ thuật, chỉ xoáy vào một thể loại: truyện ngắn; và ở thể loại truyện ngắn, chỉ nêu lên một điểm: vị trí của Munro, một bậc thầy. Hết.

Chính vì thế, một số nhà bình luận cho giải Nobel năm nay không phải chỉ trao cho Alice Munro, cho Canada hay cho phụ nữ mà còn là một giải thưởng lớn trao cho truyện ngắn, một thể loại dường như bị hờ hững quá lâu, không chỉ bởi các nhà xuất bản và công chúng mà còn bởi giới phê bình và những người có thẩm quyền đánh giá văn học trong các giải thưởng lớn.

Tôi cho điều này rất có ý nghĩa đối với giới cầm bút Việt Nam hiện nay. Một mặt, sở trường của hầu hết các nhà văn của chúng ta dường như đều nằm ở truyện ngắn hơn là ở tiểu thuyết. Mặt khác, giống như Alice Munro hồi trẻ, hầu như ai cũng ôm ấp giấc mơ viết tiểu thuyết và xem truyện ngắn như những bài tập ngắn, với chúng, người ta chưa thực sự là nhà văn một cách nghiêm túc.

Xin lưu ý: Trước Alice Munro, trong thế kỷ 20, Jorge Luis Borges, người được xem là “bậc thầy của những bậc thầy” cả đời chỉ viết truyện ngắn.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc

(- nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.)

++++++++++++++++++

Nhà Xuất Bản Sống, Tuần Báo Sống và Nhà Văn Phan Nhật Nam Ra Mắt ‘Phận Người Vận Nước’ và ‘Chuyện Dọc Đường’


VIỆT BÁO (10/15/2013)


Westminster (Bình Sa)- - Trưa Thứ Bảy, 12 tháng 10 năm 2013, tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant khoảng 350 quan khách, thân hữu, một số qúy vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể, qúy văn thi hữu, các cơ quan truyền thông và đồng hương tham dự buổi ra mắt hai tác phẩm "Phận Người Vân Nước” và “Chuyện Dọc Đừờng" của người lính viết văn Phan Nhật Nam do Nhà xuất bản Sống và Tuần Báo Sống phát hành.

Mở đầu với phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm do Nhà Thơ Ngô Văn Quy điều khiển. Sau đó MC. Minh Phượng, xướng ngôn viên Radio Bolsa và Ông Nguyễn Khanh, Giám Đốc chương trình Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do đến từ Hoa Thịnh Đốn lên điều hợp chương trình, mở đầu các MC. cảm ơn sự hiện diện của tất cả mọi người và sau đó giới thiệu thành phần bảo trợ, tiếp theo Cô Khánh Hòa, Trưởng Ban Tổ Chức lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của qúy quan khách cùng đồng hương thân hữu, trong dịp này cô không quên cảm ơn những cơ sở cũng như thân hữu bảo trợ cho buổi ra mắt sách. Cô cũng đã cho biết cách đây hai năm, khi tuần báo Sống ra đời cô đã chọn ngày Quân Lực 19 tháng 6 để phát hành số báo đầu tiên. Mục tiêu của Sống là muốn bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tại quê người, chính vì lẽ đó nên nhóm chủ trương Sống đã can đảm đứng ra thành lập Nhà xuất bản Sống để xuất bản những tác phẩm nói lên những điều "bất bình tắc minh" trong đó có hai tác phẩm của người lính viết văn Phan Nhật Nam ra mắt cùng qúy vị hôm nay.

Được biết Nhà Xuất Bản Sống do cô Khánh Hòa, chủ nhiệm tuần náo Sống, làm giám đốc và Anh Vũ Đình Trọng, chủ bút tuần báo Sống kiêm Phụ Tá ấn loát, phát hành. Trong lúc này cựu Nghị Viên Tony Lâm, đại diện giám sát viên Janet Nguyễn lên trao bằng tưởng lệ cho Cô Khánh Hòa.

Chương trình tiếp tục với phần nói về tác phẩm, mở đầu với diễn giả kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa lên nói về tác phẩm: Phận Người Vân Nước, tiếp theo Ký Mục Gia Bùi Bảo Trúc  nói về tác phẩm: Chuyện Dọc Đừờng, cả hai diễn giả đều là những người quen biết và đã đọc qua những những tác phẩm mà Phan Nhật Nam đã viết trước đây.
(...)

Ri
êng về Diễn giả Trang Đài Glassey Trần Nguyễn, một người trẻ đã đọc những tác phẩm của Phan Nhật Nam cô đã lên trình bày về những cảm nghĩ của mình đối với Nhà văn Phan Nhật Nam qua những tác phẩm mà ông đã viết trước đây.

Tiếp tục chương trình Cô Khánh Hòa cùng Nhà Văn Phan Nhật Nam lên trao qùa tăng cho Ba Cựu Trung Tá Hạnh Nhơn Hội Trưởng Hội HO. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Qủa Phụ Việt Nam Cộng Hòa.

Nhà văn Phan Nhật Nam lên cảm ơn sự hiện diện của tất cả mọi người và sau đó Ban tổ chức mời mọi người cùng dùng bữa ăn trưa để thưởng thức chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ thân hữu trình diễn.

Nhà văn Phan Nhật Nam xuất thân khóa 18 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, đã xuất bản nhiều tác phẩm trong đó có "Mùa Hè Đỏ Lửa" rất được nhiều người đọc nhất là những người línhVNCH, ông là một trong những người đã ghi lại những hình ảnh can trường của người lính qua các chiến trường để bảo vệ nền tự do nhân bản, những chuyện ông viết là những điều mắt thấy, tai nghe...Trong lời tâm tình ông cho biết, ông rất vui là "thời buổi nầy mà cũng còn có người đọc sách" chính điều nầy đã giúp ông tiếp tục mà không cảm thấy cô đơn. Ông hy vọng rằng đây là những mẩu chuyện có thật để cho các thế hệ mai sau biết về những gì cha ông chúng đã làm cho quê hương, cho đất nước.

Đồng hương, chiến hữu muốn có sách của Phan Nhật Nam xin liên lạc về: (714) 531-5362 hoặc Emailtuanbaosong@gmail.com

+++++++++++++++

'Người lính viết văn' Phan Nhật Nam ra mắt sách

Saturday, October 12, 2013 7:05:18 PM
Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER (NV)
 – Buổi ra mắt sách lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy của “Người lính viết văn” Phan Nhật Nam, do Tuần Báo Sống và nhà xuất bản Sống tổ chức, thành công "ngoài mong đợi."

image055
-nhà văn Phan Nhật Nam chuẩn bị ký sách lưu niệm tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt) Nhà văn Phan Nhật Nam chuẩn bị ký sách lưu niệm tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

(hình ảnh: Linh Nguyễn/Người Việt)

Hai tác phẩm mới mang tên “Phận người vận nước” và “Chuyện dọc đường” được độc giả xếp hàng mua ủng hộ và đợi chữ ký lưu niệm của tác giả từ trước giờ khai mạc.
Sau phần nghi lễ chào quốc kỳ Mỹ-Việt và phút mặc niệm, với 4 cựu quân nhân mặc quân phục trắng Hải Quân do ông Ngô Văn Quy điều khiển, hai MC Minh Phượng của Radio Bolsa và ông Nguyễn Văn Khanh, giám đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, đến từ Washington DC, mở đầu buổi lễ.
Sân khấu được trang trí với phông là một bức tranh lớn, vẽ cảnh cắm cờ trên cổ thành Quảng Trị của chiến sĩ VNCH sau Tết Mậu Thân 1968. Phía trước bậc thang lên sân khấu là tấm vải dù xanh rằn ri, thùng đạn, nón sắt và súng M16 được trang trí ngoạn mục, đầy màu sắc lính.
“Minh Phượng nhìn những hình ảnh thân thương này gợi nhớ đến hai người anh là lính ngày xưa. Một người tử trận và một người ở tù cộng sản 12 năm, sau này được sang Mỹ đoàn tụ. Tâm tình của một người em út, một người mẹ và một người vợ lính lúc nào cũng không rời tâm trí của mình,” MC Minh Phượng chia sẻ khiến không khí chùng xuống khi người tham dự như bày tỏ sự đồng lòng, thương cảm.
Chị giới thiệu MC Nguyễn Văn Khanh, một giọng nói quen thuộc trong phần tin tức của đài Radio Bolsa.
“Tôi là người may mắn được đọc bản thảo của 'chú Nam' vì ông và bố tôi cùng phục vụ trong Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù. Khi ấy tôi còn là một cậu học sinh trung học. Tôi biết 'Người lính viết văn' Phan Nhật Nam từ đó!” MC Nguyễn Văn Khanh nói.
Chương trình gồm phần giới thiệu cô Khánh Hòa, chủ nhiệm tuần báo Sống và công bố phát hành hai tác phẩm mới của nhà văn Phan Nhật Nam.
“Sống Magazine ra mắt số đầu tiên vào ngày 19 Tháng Sáu, 2011 để khai trương như một sự chiến đấu mới, nối gót cha anh, trong một vùng đất mới,” cô Khánh Hòa phát biểu.
“Tháng Giêng 2013, chúng tôi thành lập nhà xuất bản Sống vì say mê và nặng lòng với nghiệp báo chí, duy trì những tác phẩm giá trị trước 1975 và ở hải ngoại. Hôm nay chúng tôi rất vui mừng ra mắt hai tác phẩm của 'người lính viết văn' Phan Nhật Nam,” cô nói thêm.
“Cám ơn nhà văn Phan Nhật Nam hy sinh cả thời gian khi tuổi đã xế chiều để viết nên hai tác phẩm này,” cô nói.

image056
(từ trái) - cựu trung tá [ VNCH]Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, đại diện Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa, nhận chi phiếu $1,000 do cô Khánh Hoàng (giữa), giám đốc điều hành Sống Magazine trao, bên cạnh là nhà văn Phan Nhật Nam

(hình: ảnh: Linh Nguyễn/Người Việt)

Nhà văn Phan Nhật Nam trong dịp này bày tỏ cảm tưởng.
“Mình 70 tuổi rồi, dù không viết được bao lâu nhưng vẫn phải viết. Tôi không ngờ hôm nay lại đông như thế,” nhà văn Phan Nhật Nam nói.
Ông kể những mốc thời gian đáng nhớ trong đời của mình.
“Ngày 20 Tháng Tám, 1964 là năm 21 tuổi, lần đầu tôi nhảy từ trực thăng xuống Bình Đại để lấy xác đồng đội. Tôi thấy cả xác những đứa trẻ 15, 16 tuổi. Việt cộng đây ư?”
“Tôi vẫn nhớ đến ngày hôm nay, hình ảnh cô Lai. Cô đưa tôi gói vàng. Tôi lắc đầu nói tiếng Trung pha giọng Bắc, sợ cô không hiểu. Cô bỗng dưng cởi áo ra. Tôi nói tôi không phải loại lính như thế! Rồi xuống hầm, tôi thấy hai ông bà già, chắp tay vái, sợ hãi!” ông kể và hình như nghẹn ngào.
“Rồi hình ảnh trên đường Trần Quang Khải sau 75, chúng tôi bị ném đá, chửi là ăn tiền của Mỹ, Ngụy!” giọng ông trở nên chua chát.
Ông kể rằng ngày 29 Tháng Ba, ông chứng kiến trên đường chạy từ Huế vào Đà Nẵng, người đàn bà bồng xác con, ngón chân bầm tím, chết từ khi nào. Cảnh người cha kéo xác con để trong bao trên sàn tàu Victoria.
Ngày 14 Tháng Chín, 1972 có 10 ngàn người trên 1 cây số, gồm 6 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến và 6 tiểu đoàn Nhảy Dù trong chiến dịch Lưu Phong, chỉ từ ngày 27 Tháng Bảy đến 14 Tháng Chín, 1972.
“Kết quả Đại Úy Thạch treo cờ trên cổ thành Quảng Trị!” ông sung sướng nở nụ cười, mắt nhìn tấm tranh phía sau lưng trong khi tiếng vỗ tay vang lên.
Ông cũng nhắc đến người binh nhì, biệt kích không có số quân, trong tù, hàng ngày anh hát bài “Bảo vệ làng thôn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” và sau đó cất tiếng hát “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi!”
“Chúng tôi là một thế hệ thất bại nhưng không thất vọng! Thế hệ trẻ sẽ tiếp nối,” ông chào tay kiểu lính và cám ơn mọi người.

image057
- nhà văn Phan Nhật Nam (trái) nhận bảng vinh danh do cựu Nghị Viên Tony Lâm, đại diện Giám Sát Viên Janet Nguyễn, trao tại buổi lễ ra mắt sách. 
(hình ảnh: Linh Nguyễn/Người Việt)


Trước đó, sau phần nghi lễ, MC Nguyễn Văn Khanh giới thiệu hai diễn giả mà anh xin gọi bằng “Anh”. Đó là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa và nhà văn, ký mục gia, Bùi Bảo Trúc.
“Tôi phải gọi hai vị này là 'Thầy' mới đúng vì sau những năm làm việc chung, đến nay tôi vẫn chưa làm được hết những gì tôi học được từ hai anh,” ông Khanh nói.
Diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa hài hước khi nói: “Quý vị không biết có phải là 'may mắn' hay không khi nghe hai ông Bắc Kỳ nói về một ông Trung Kỳ (Phan Nhật Nam). Mà lại nói về cái tôi, lại nói lạc đề và lại nói 'không bãi đáp'!”
Ông Nghĩa nói “cái tôi đáng ghét” không phải là “cái tôi của tôi” vì tôi nghĩ “cái tôi của tôi” không hề đáng ghét. Ông kể một kỷ niệm buồn khiến ông ân hận đã xé mất trang sách có chữ ký đề tặng của nhà văn Phan Nhật Nam trong một cuộc “kiểm kê văn hóa”. Ông ân hận dù khi nhận sách, ông vẫn không biết gì về tác giả. Ông liên tưởng đến một nhân vật người Do Thái trong cuốn sách “The Odessa File” của Frederick Forsyth xuất bản năm 1972. Nhân vật này được dựng thành phim năm 1974 nói lên nỗi ân hận khi biết hai giây đồng hồ trước, người đàn bà bị đẩy vào hỏa lò, lại chính là người vợ của ông.

Cũng vì thế mà ông nhận lời nhà văn Phan Nhật Nam để nói chuyện trong buổi ra mắt sách.

image058
-ông Nguyễn Xuân Nghĩa giới thiệu hai tác phẩm mới của Phan Nhật Nam.
 (hình ảnh: Linh Nguyễn/Người Việt)

 “Sau 14 năm, Phan Nhật Nam đi lính nhưng lại cầm bút viết như người điên và thấy chúng ta là người bất bình thường!” ông Nghĩa nói.

Nói về tác phẩm “Phận người vận nước” ông tự hỏi :
Tại sao những tác giả Việt Nam trẻ viết truyện “Mùi đu đủ xanh” lại không đóng thành phim? Trận Mậu Thân, bối cảnh sau 30 Tháng Tư, 1975; cái chết của ba vị tướng VNCH là điển hình của những anh hùng không được viết ra cho thế hệ sau học. Tương tự như chúng ta đã nằm lòng những gương anh hùng, như Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Võ Tánh, v.v...
“Những nét chấm phá, hồi ức, kết thúc với bài phỏng vấn cho thấy cả một khung cảnh đau thương của đất nước. Chúng ta không chào mừng một tác phẩm. Người chào mừng phải là Phan Nhật Nam. Mong con em chúng ta biết được sự thật. Không chỉ để vỗ tay mà chính lá phải phổ biến cuốn sách, để chúng hiểu được trong cuộc chiến, ai thắng ai. Kẻ chiến bại luôn có nhiều lý do để cắt nghĩa. Kẻ chiến thắng lại mau quên,” nhà kinh tế gia nói thêm.

Diễn giả thứ hai là nhà văn Bùi Bảo Trúc.
Ông nói bài nói chuyện của ông cũng sẽ nói về cái tôi, cũng lạc đề và 'nói không bãi đáp'.
Ông kể chuyện về một người đàn ông ra trường Trung học Phan Chu Trinh năm 1961. Gia nhập khóa 18 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Người đàn ông này không biết thắt cà vạt!
“Tại sao một chuyện thắt cà vạt mà không biết!” ông tỏ vẻ ngạc nhiên.
Nhà ký mục gia sau đó tiết lộ người đàn ông ấy là Phan Nhật Nam. Mười bốn năm lính chiến thì hết mặc áo trận, áo của binh phục Nhảy Dù, lại đến màu áo Biệt Động Quân. Sau đó ở tù cộng sản.
“Trong trại giam, cổ đeo gông, tay đeo còng, chân mang cùm. Quản chế ở Lái Thiêu. Thế thì thời giờ đâu mà nghĩ đến thắt cái ca vát nút Windsor hay Diplomat như tôi. Thât là vô lý, vô bổ, vô tích sự, vô cùng! Khi tôi giúp Phan Nhật Nam thắt cà vạt, tôi đã xin lỗi Phan Nhật Nam,” nhà văn Bùi Bảo Trúc nói.
Những năm gông trên cổ, cùm dưới chân, Phan Nhật Nam đã “sống” như thế, hay như một câu hát “ta đi qua nửa đời không có một ngày vui” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phan Nhật Nam sống gần hết cả cuộc đời “quá khổ”, nghĩa là đã làm những việc mà người khác không làm được, nhào nặn thành con người Phan Nhật Nam hôm nay.
“Phan Nhật Nam viết với cái nhìn của một người lính, nhưng chính xác hơn, chân thật hơn. Cái nhìn của một nhà văn khốn khổ. Sách của ông vẽ ra một không gian. Truyện về một người đàn bà 'Trại 5 Lam Sơn'. Những phụ nữ trong tác phẩm của ông mang đầy thương tích của chiến tranh, nhưng qua 20 tác phẩm, hình như Phan Nhật Nam vẫn viết chưa hết được.
“Chuyện dọc đường” là chuyện nên đọc, theo nhà văn Bùi Bảo Trúc.

image059
-ông Bùi Bảo Trúc trong phần nói chuyện về nhà văn Phan Nhật Nam và tác phẩm.

(hình ảnh: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau phần trình bày của hai diễn giả, cô Trang- Đài- Trần- Nguyễn, trình bày cái nhìn của một người trẻ.
Cô cho biết những nhận xét của cô về nhà văn Phan Nhật Nam là khách quan vì cô chưa hề gặp nhà văn này ở tòa soạn tuần báo Sống. Cô cho rằng nhà văn phan Nhật Nam là “gàn dở”.
“Tại sao lại cứ khăng khăng nói mình là lính. Ai cũng biết điều đó. Mà lính viết văn thì đã sao? Có luật nào cấm lính viết văn đâu. Ông nói 'người lính viết văn' để được ăn khách. Rằng ông là người lính trung thành,” cô Trang Đài nói.

“Ông còn là người 'cố chấp'. Cứ viết nên những gì mà người khác muốn quên. Ông cũng là người 'lẩm cẩm' đóng vai một thứ nam, đi tìm những cái chết của đồng đội,” cô nói.
“Tuy nhiên tôi tin tưởng dù khoảng cách thời gian, lịch sử, kinh nghiệm, bom đạn, gàn dở, cố chấp, lẩm cẩm, ông sẽ tiếp tục nói lên cho các thế hệ tương lai. Nhìn lại chính tôi, suốt 20 năm qua tôi cũng là người 'gàn dở' khi khởi xướng dự án 'Vietnamese American Project 'để dệt nên bức tranh của người di dân,” cô Trang Đài kết luận.
Ký giả Lý Kiến Trúc nói: “Buổi ra mắt sách vui và cảm động!”

Trước đó, cô Khánh Hoàng, giám đốc điều hành Sống Magazine trao tặng chi phiếu $1,000 cho cựu trung tá [VNCH] Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, đại diện Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa. Cựu Nghị Viên Tony Lâm, đại diện giám sát viên Janet Nguyễn, trao bằng tưởng lục cho nhà văn Phan Nhật Nam tại buổi ra mắt sách./

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ