Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

một bài thơ đáng nhớ NHƯ THƯƠNG:" Tháng Giêng gần kề "-- T.Vấn & Bạn Hữu



                                                 
   
                                          THÁNG GIÊNG GẦN KỀ
                                    thơ NHƯ THƯƠNG



                                    Tiễn em -- đôi mắt có đuôi
                                    Tiễn em tháng cũ trên đồi nghiêng nghiêng
                                    Tiễn anh lên núi tu Thiền
                                    Ai bàn tay vẫy ngoài hiên lạnh đầy
                                    Tiễn tình lẽo đẽo phương mây
                                     Xé tờ lịch đã đong đầy chiêm bao
                                    Ơi em, son đỏ ngọt ngào
                                    Lạ chưa -- cái liếc lao đao tim mình
                                    Tiễn hàng cây đứng si tình
                                    Quên mùa qua vội, quên nghìn mây bay
                                    Nắng reo trong gió heo may
                                    Cám ơn tình một vòng tay -- đã về
                                    Tháng Giêng tôi đã gần kề
                                     Sẽ một năm nữa đam mê với tình ...


                                     NHƯ THƯƠNG
                                     (ngày cuối năm, tháng Chạp 2017.)


    
                                     Như Thương [ 1956-    ]        -- ảnh;  saigonhradio.com/ 




                                               -------------------------
                                                trích từ t-van.net/  
                                               -------------------------

"NGÀY CUỐI NĂM 2017, Ở SAIGON" / thế phong -- DEC 31, 2017.





                             'NGÀY CUI NĂM 2017, Ở SAIGON'
                                                                     thế phong


Thanh Chương    [1939-       ]  (bên phải) chụp chung
với   Hoàng Vũ  Đông Sơn [1939- 2014 saigon.]
(tư liệu ảnh: tp)



                               - thư gửi từ Santa Barbara CA  . DEC 13 1017, đến tp. HCM 25-12- 2017, mãi  tới trưa 31/ 12/ 2017 mới
                                      phát đến tay người nhận.  Vậy ra, bưu chính Hoa Kỳ còn chậm hơn 'rùa bưu điện Saigon' rồi! - lời  Đỗ Mạnh Tường.
                                                                          -  ảnh trên: người nhận thư là Đỗ Mạnh  Tường)  --   

                                                                                                   (photo by KHÊ, his wife.)

                                                                                                                                      

31/ 17/ 2017/ 21h 10 PM

Tới ngày Giáng sinh cuối năm, đã  gần 20 năm nay; tôi nhận greeting card của Thanh Chương từ Moorpark gửi  đi . Ngày 14/ 12 Nô-En qua đi rồi, cho tới mấy ngày sau tôi bồn chồn lạ; không biết lý do. Có thể bạn tôi đi nằm bệnh viện,  đau nặng, không thể mở Ipad đọc; hoặc viết thư cho bạn bè. Hay là,"Chúa ơi, anh ta đã  về với ... rồi sao?" -- tôi nói với vợ tôi  vậy.Và  lòng thầm nghĩ, 'phải lên nhà bố mẹ vợ chàng, ở cuối đường Cách Mạng Tháng 8; đối diện hồ bơi Cộng Hòa Ngã 4 Bẩy
Hiền,thì sẽ nắm  được  tin tức chính  xác về chàng ? Tuy nhiên,lại lần khân chưa đi; thì trưa nay, mở khoá vào nhà; ngay sân trước, đã nhìn thấy greeting card của Thanh Chương rồi.

 Lòng tôi mừng húm!

Thanh Chương, tác giả Tình buồn nhớ mãi, thì tập xuất bản ở Hoa Kỳ cả  chục năm nay;  tên thật Trần quang TiNH (tên trong căn cước quân nhân Không lực VNCH) được thay bằng Trần Thanh Chương.  Khi còn ở lính Kq với nhau ở Tân sơn nhất; anh nhắc tôi : " tôi tên là TNH, không phải TiNH."

Anh chàng binh nhì Cáo Bá Minh, tuy lãng tai chút đỉnh, bỗng cười hô hố : "Thì ông chẳng TiNH thông là gì, chứ có chịu 'yên TNH' đâu?".

Anh im lặng, tôi biết là anh không vui, nhớ lại ngày cấm trại "100 phần trăm, đêm nay anh không về đâu?"-- ấy là vào dịp bầu cử tổng thống VNCH, liên danh Nguyễn Văn Thiệu + Nguyễn Cao Kỳ; lính Không quân bị cấm trại 100%.

  Tụi tôi là lính  , ai nấy đều phải ngủ trại--  bỗng có một đêm, một tay đại úy Kq  mới chuyển về Tân sơn nhất làm sĩ quan trực. Đại úy ra lệnh cho một binh nhì Kq:
" Ê mày,  tao buồn ngủ  rồi, đi chăng màn, lẹ lên!" 

Tay"binh bớp" Kq không phải tay vừa gì, "đốp' lại:
 "Không quân không giống bộ binh mấy cha đâu; thằng nào, từ sĩ quan tới "binh bớp", thằng nào ngủ thì đi chăng mùng lấy mà ngủ,  cha nội ơi!" 

 Cả bọn cười ồ, đầu têu là tên trung sĩ Tường cười lớn hô hố, anh em cười theo; trong số đó có binh nhì Cao Bá Minh.   Tay đại úy này  là quận trưởng quận Nhà Bè, mới được chuyển về  bộ tư lệnh Không quân ở Tân sơn nhất; thân với tay tham mưu phó  khối CTCT Kq chúng tôi, 'ngài' đại tá Võ Dinh.

Ít lâu sau, một buổi sáng vào trại, tôi rủ Cao bá Minh đi 'cà-phê, cà-pháo', thì Minh lắc đầu," ông ơi . tôi bị Sếp Khải ' tống đi' Không đoàn 41 ở Đà Nẵng rồi!" 

 Tôi vẫn khoác tay anh,  lôi đi; chúng tôi tới quán Sáu Lợi ở khu Gia binh, tôi  bảo anh,"  không sao đâu, đâu cũng vào đấy thôi-"và ông ơi,tôi biết  nguyên do rồi; chỉ tại tiếng cười vỡ toang ròn rã của ông , phụ họa với "lời bình của tay "binh bớp" không chịu chăng màn cho đại úy "í mà ".

  Sau đó, tôi  viết  thư nhờ anh cầm tay khi ra ngoài đó, để  gửi vị  trưởng khối CTCT Không đoàn 41: "trông cậy vào ông đấy,có  cặp mắt xanh đối với bạn tôi, tay  binh bớp kiêm  họa sĩ CBM, thưa trung tá thi nhân " .

Thiếu tá Bùi Hoàng Khải trưởng phòng Kế hoạch+ Chính huấn cũng là sếp tôi, rất được đại tá Võ Dinh tin dụng. (sau thăng chuẩn tướng, tham mưu trưởng bộ tư lệnh Kq VNCH, tới  30/4/1975.)  Còn  tay thiếu úy Kq chánh văn phòng đại tá là trưởng nam của vị đại uý lục quân mới chuyển sang Không quân, có dáng  'cao ráo, đẹp trai ,ăn nói lưu loát; gọi 'ông TINH là chú ruột'.

Tôi không được biết mặt vợ thiếu úy Trần quang Tuyến,  chánh văn phòng đại tá -- nhưng tôi biết cô là  con gái của  ông em ruột bố của  người tình bậc chị văn chương rất thân với tôi;   VÕ THỊ DIỆU VIÊN 1924-    bút danh LINH BẢO rất xinh đẹp (dưới mắt tôi); thì' sắc vóc cô vợ tay thiếu úy chánh văn phòng kia cũng  không  mấy kém? )

                                                        linh bảo [ i.e. võ thị diệu viên 1926-   ] 
                                                          -- courtesy photo of Đinh Thạch Bích [1932-  ]



                                           cựu chuẩn tướng Võ Dinh [ 1929- 17/ 06/ 2017  usa]
                                                                                                        (ảnh chụp trên YouTube VN)

                                                             " sau thăng chuẩn tướng, tham mưu trưởng bộ tư lệnh Không quân VNC, tới  30/ 04/ 1975."



                                                                                                  Cao Bá Minh [ 1942-      ]  -- (ảnh: Internet)
                                  " Cao Bá Minh từ một airman VNAF ( Không lực VNCH) trở thành họa sĩ tầm cỡ thế giới"-- lời Đường Bá Bổn



                                                                        ***


Ông Thanh Chương ơi, 

'  rồi cái ngày chúng ta bị cấm trại 100% , đúng vào 'mùa hè đỏ lửa 1972', anh và trung sĩ văn nhân thi sĩ  Hồ Phong[ i.e. Kiều Văn Bảng 1936-    ], đồng tác giả thi tập 'Cỏ Cháy' , ( Saigon, 1972) . Hình như  là Cao  Bá Minh vẽ bìa, phải không? Bây giờ  anh còn gặp" họa sĩ  tầm cỡ quốc tế ấy ở Mỹ ' không ? 

Ở Saigon bây giờ,  trong những cựu Kq ở sân bay Tân sơn nhất;  tôi chỉ còn  trao đổi e-mail, tin đi, tin lại;  với tác giả Khải Triều, cựu thượng sĩ Kq' 'không phi hành (phân biệt với Kq phi hành là phi công+ nhân viên phi hành đoàn.)  

Thi nhân  Khải Triều, do T.Vấn &  Bạn Hữu xuất bản , có tựa THƠ KHẢI TRIỀU (tuyển thơ 1963- 2016) . Có những câu viết từ năm 1963, ở Saigon:

                                 Tôi chắp tay cầu xin Thượng Đế
                                 Cho tôi trở lại nguyên bàn tay
                                 để tôi khắc lên đá bài thơ của 'người ôm mặt khóc'
                                 Tôi chắp tay cầu xin Thượng Đế
                                 cho tôi trở lại nguyên hình bàn chân
                                để tôi mang những phiến đá đi về dâng Thượng Đế
                                               NGƯỜI ÔM MẶT KHÓC, SAIGON 1963)
                                 
Khải Triều [ i.e. Nguyễn Văn Tuy 1936-     ]
(ảnh: X../ Saigon 03/ 01/ 2018)
                                                   Khải Triều cách đây trên 50 năm     
           (ảnh: TP chụp , khi  Khải Triều đến thăm TP, ở trọ tại  nhà ông Phạm Quang Huyến --Ngã 4 B3y Hiền cuối năm 1963.)


-  tập thơ 'Người ôm mặt khóc", tôi viết vào đề, và Đại Nam Văn Hiến xuất  bản ở Saigon năm 1963, trước ngày nội các tổng thống Ngô Đình Diệm sụp đổ-- và khi ấy,  tôi chưa là  Cơ Đốc Nhân / Tin lành (Christian); nhưng tôi  đã rất tán thưởng thơ  Khải Triều "ôm mặt khóc với Chúa rất diệu kỳ"

Bây giờ tới thơ Trần Ngọc Tự,cũng là cựu Kq' không phi hành', với thi tập 'Những dòng  chữ từ năm tháng/ Ngọc Tự' (Tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu, 2016.)-- với lời giới thiệu của Trương Văn Vấn ( T.Vấn), người chủ trương  'Tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu":

"Tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu vừa cho xuất bản thi tập 'Những dòng chữ từ năm tháng/ Ngọc Tự'
(2016). Cựu sĩ quan CTCT Bộ tư lệnh Không quân VNCH. Sau khi học tập tới 2 lần, tác giả cùng gia đình sang định cư ở Houston (Texas) từ 2006. ..."

riêng tôi  thì rất 'khoái chí bài thơ   'như thế' / ngọc tự  -- ( không viết chữ hoa/ bdc) giống hệt tác giả hoài đồng vọng ,[nguyễn đức quỳnh 1909- 1974 saigon] với tâm bút ai có qua cầu' (không viết chữ hoa/  bdc-- nxb quan điểm, saigon 1957.) 


                                                                 như thế

                                                                thơ ngọc tự


như thế      tôi đã trở thành     gã đui mù     què quặt    câm điếc
ừ thì     thôi vậy      cũng là      điều hay
không còn  phải     nhìn thấy    những quay cuồng    múa may
nhiều quá    các vai diễn    ngô nghê     dở ẹc
không còn    phải nghe     những lời huênh hoang    rỗng tuếch
đám đông     hoan hô     đả đảo    vọng cuồng
không còn     phải     dè chừng     thứ     danh từ     độc dược
hết thảy     đều là     xảo ngữ     ngoa ngôn
của    rất nhiều    những nhân danh     mạo nhận
khi     mỗi ngày     nơi sân khấu đời     vẫn luôn có    những kẻ     sắm được
                                                                                      vai tuồng     lận đận
vừa khoác lên người     mảnh      long bào     phục trang
đã vội     mộng tưởng    hão huyền     về một ngày     rực rỡ     đăng quang
có thêm     được chăng    nỗi buồn     nào     tội nghiệp
chắc rồi     không phải     thốt lời     nghẹn ngào     cay đắng    mà     từ biệt
vì      sự thất vọng     này    bạn hữu     anh em
từ     một thời    khoảng nào      qua đi     và     bây giờ    thinh lặng
chừng như      cái gã què quặt    tôi    cũng     thật     là     chết tiệt
sẽ ngồi     lại mãi     mà thôi     nơi góc khuất     con đường
chẳng     cần thiết     nhận dạng     và     điểm danh     từng con người 
                                                           vẫn còn     đang    vội vã     đi qua 
cũng     một hành trình     hoang tưởng
như thế     tôi đã      khi không     trở thành     kẻ mất trí    tồi tệ     vất vưởng
làm sao     còn có thể    than thân    hát nghêu ngao     hoài    cái bản    tình ca 
                                                                             cũ mèm ấy      thật dễ thương
mà     vội quá     chưa kịp thêm     một lời cuối     chiều nay     nhớ lại
ừ      thì      thôi vậy     cũng là      điều hay
như     kẻ     đã bị phụ tình     bắt đầu    nhàm chán      nhau     từ đây
chẳng     còn đâu    nỗi      xao xuyến     nào    của một thời   bồi hồi     bỡ ngỡ
và    như thế      tôi     đã ở     trong vô cùng    òa vỡ
của      vô cảm    và    vô ưu
cho     dù     cứ phải ôm     giữ lấy     tận cùng    nỗi     cô đơn    cô độc
nhưng     sẽ     lại là     một thứ     hạnh phúc     có thật
này     tôi (*)

  ngọc tự
------
* xin lỗi tác giả:   đọc thơ tác giả, người biên tập khoái chí, đã tự ngắt chữ thành từng cụm. ( to kick a word with a smooth movement.)
     (TP)




 bạn ta Thanh Chương ơi, 

- chuyện chót  kể , đây là nói về  một tác phẩm của tôi, của 'thằng Đường Bá Bổn [đảo chữ Đường BỐN BẢ.]

( " bả = " theo  giọng điệu nói của người  Nam Bộ--  như học giả Nguyễn Hiến Lê từng tra vấn tôi: "'tại sao anh dùng bút danh  Đường Bá Bổn, để  viết bài lên án Hoàng Trọng Miên "đạo văn " Lược khảo về thần thoại/ Nguyễn Đổng Chi" (Hà Nội) thành "Việt Nam Văn Học Toàn Thư/ Hoàng Trọng Miên"; mà tay này  vẫn được Giải văn chương tổng thống Ngô Đình Diệm.?"
Nhớ mang máng,  đã trả lời :" Anh và ông Giản Chi[ Nguyễn Hữu Văn, từng viết sách bàn về lịch sử triết học Trung Hoa; hẳn là không quên có một vị có tên Đường Bá Hổ tự Dần ( bàn tay có 6  ngón) ; thì chẳng khác gì " cái thằng Đường Bá Bổn  tôi đây,  ngón tay cái ở  bàn tay  phải, cũng  có 6 ngón. " .  Tuy không" rủng rỉnh xu hào" như bậc tiền bối  Đường Bá Hổ ; thì  Đường bá Bổn cũng đã rất  'rủng rỉnh  ĐỜN BÀ' ,  thưa anh Nguyễn Hiến Lê! )

- đó là  nói về chuyện thi tập ASIAN MORNING WESTERN MUSIC & OTHER POEMS. Preface by Lloyd Fernando ( Dai Nam Văn Hiến Books,  Saigon  1971)-- thì  nay được rao bán  ở  trang BOOKS SEARCH RESULTS FOR DAI NAM VAN HIEN BOOKS/  Bibipolis-- , với giá 25.000 Mỹ Kim/ per USED.-- mà giá bìa vào năm 1971 chỉ là 2 USD, thì phải? (*)

- cũng cần nói thêm về dịch giả + người viết tựa  tập thơ này: đó là giáo sư  Đàm Xuân Cận,  từng dạy Anh văn ở RAAF School (Australia), Trường Trung học Chuyên khoa Gia Long và giáo sư  Lloyd Fernando,  trưởng khoa Khoa Anh ngữ Đại học Malaysia, chủ bút tạp chí TENGGARA góp công  ra sao nhé.

 Anh Đàm Xuân  Cận không chỉ bỏ công sức dịch, còn bỏ tiền in ấn, mua giấy stencil, giấy in  duplicateur , cả  máy chữ; để tôi  hì hục đêm ngày đánh stencil in sách rô nê- ô những bản dịch anh ngữ; xuất bản chỉ được hàng trăm cuốn , gửi bán ở nhà sách  sách Portail trên đường Tự Do, cũng như khách sạn Continental , nơi có nhiều khách ngoại quốc có mặt --  và,  vị chủ bút TENGGARA, Lloyd Fernando có lời bình về  dịch giả X.H. [ Đàm Xuân Cận], như sau:


                                                          X.H.   [ i.e. Dam Xuan Can [ 1939-   ]
                                                             (hiện sống và viết ở Cabramatta/ Sydney/ Australia -- ảnh : Đàm Xuân Cận cung cấp.)


" THE  poems reprinted here are taken from a mimeographed collectionof poetry by the Vietnamese poet, Thêphong, [ Thê Phong] entitled Vietnam:the sky under fire and flames, published in Saigon in may 1967.  The collection was obtained for TENGGARA by the young Indonesian writer, Bur Rasuanto, who was on a visit there recently.
     Thêphong was born in 1932 at Nghia Lo, Yen Bai, and spent his childhood in the northernmost of Vietnam  He took part in the resistance at an early age and has been a farmer soldier, school teacher and editor, besides writing  stories poetry and critiques X.H., [ Dam Xuan Can in presenting his translation of Thêphong's poems are particularly difficult to translate, and I have no illusion whatever about my command of English.  I trust that one day a poet of talent will revise this version nd do more justice to the original." Readers are bound to feel that X.H. does not do himself justice. "

LLOYD  FERNANDO




-   God's Bless !

THẾ PHONG
 Saigon , O giờ, 40 ngày 1/ 1/ 2018








                                                         LLOYD FERNANDO  [ 1926- 2008]
                                                                           Born:   May 31, 1926, Sri Lanka
                                                                           Died:    Feb.  28, 2008, Kuala Lumpur, Malaysia
                                                                           Books:  Scorpion Orchid, Green is the Colour,
                                                                                       "New women" in the late Victorian novel,
                                                                                       Lloyd Fernando: A Collection of this life...
                                                                            Education:   University of Malaya, University of London,
                                                                                        University of Leeds
                                                                                                --   Wikipedia

                                               


-----------------------------------------------------------------------------------------

 (*) 

Asian Morning western music and other
poems.  Preface by  Lloyd Fernando


The Phong



Saigon: Dai Nam Van Hien Books, 1971.  First edtion sim 8vo, 
pp    46; unopened; title page printed in red and black;
original white pictorial wrappers, generally fine.  Translated 
by Dam Xuan Can.       more



250. 00    USD                                                                              BUY DIRECT
                                  


                                       Rulon-Miiler Books



St.Paul, MN
800- 441 -0076

                                                






250.000   USD                       BUY DIRECT

Rulon-Miller Books


St. Paul  MN
800 -441  -0076




                                                                                      --------------------------------------------------------------------                                                                                                                                                                       bài tu chỉnh: thêm hình ảnh
                                                                                      ( Jan.,  03  2018 ) 
                                                                                       =========================================

'Khái Hưng- Trần Khánh Giư : " Nỗi Buồn Người Trí Thức Trong Cuộc Đời Đầy Bạn Lực, Xương Máu"/ Nguyên Vũ [ i.e. Vũ Ngự Chiêu 1943- ] -- https://hopluu.net/


'Khái Hưng- Trần Khánh Giư (1896- 1947?] "Nỗi Buồn Người Trí Thức Trong Cuộc Đời Đầy bạo Lực, Xương Máu" 


NGUYÊN VŨ
[i.e.  Vũ Ngự Chiêu 1943-   ]


whopluu104_final3-05_0_300x145_1

Khái Hưng gốc làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương–nơi chính quyền Bảo hộ Pháp từng dùng bom đạn san bằng sau cuộc khởi nghĩa mùa Xuân năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ]. Thân phụ là Trần Mỹ, Tuần phủ Phú Thọ [Thái Bình?]. Trong số 4 anh em, Trần Tiêu cũng đi vào đường văn bút, tác giả Con Trâu. Nhạc phụ ông, Lê Văn Đinh, từng nắm Tổng đốc Bắc Ninh. Theo học chương trình Pháp tại Lycée Albert Sarraut Hà Nội, ông bỏ ngang việc học sau năm Đệ Nhất (ban Cổ điển). Dạy học tại trường tư thục Thăng Long.
Khái Hưng khởi nghiệp bằng đường báo chí, từ khoảng năm 1930. Tác phẩm đầu tay là Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), nhưng tiểu thuyết nhiều người đọc nhất là Nửa Chừng Xuân (1934), từng được dùng làm tài liệu giáo khoa Việt văn tại miền Nam. Đây là chuyện tình đầy lãng mạn giữa Lộc, con một quan huyện, và Mai, một thiếu nữ xinh đẹp, tài đức, nhưng cha chỉ đậu Tú tài, không bước được vào hàng"danh gia, thế phiệt." Trước sự chống đối của mẹ, Lộc thuê người làm đám cưới giả với Mai, và hai người sinh hạ được một trai. Khi biết sự thực, mẹ Lộc hết sức chống đối, bày kế ly gián, rồi thuyết phục Lộc cưới một người vợ chính thức con quan. Ít lâu sau, biết được mưu kế của mẹ, Lộc đề nghị Mai mang con theo mình đến một nơi thật xa, sống bên nhau đến trọn đời. Mai từ chối, khuyên Lộc nên trở lại với gia đình, dù vẫn còn thương yêu Lộc, vì như thế mới giúp mối tình giữa hai người cao thượng hơn. Lộc chẳng còn biện pháp nào khác, nhưng tự hứa sẽ dành phần đời còn lại để phục vụ xã hội.
Trong những tác phẩm kế tiếp như Trống Mái (1936), Cái Ve (1936) cùng những tuyển truyện ngắn Giọc đường gió bụi (1936), Tiếng Suối Reo (1937), Đồng Xu (1939), Đợi chờ (1939), tiểu thuyết Thoát Ly(1936), Thừa Tự (1940), Hạnh (1940), hay ba tác phẩm viết chung với Nhất Linh trong năm 1934-1935–Anh Phải Sống, Gánh Hàng Hoa, Đời Mưa Gió–Khái Hưng tiếp tục khai thác sự tương phản giữa"cựu và tân," "gia đình với cá nhân," "thị dân và nông dân," "thượng lưu với cùng đinh," "học thức với vô học," v.. v... Đây là những vấn nạn đối đãi của xã hội Việt trong thập niên 1930, giữa tiến trình toàn cầu hóa, trong khuôn khổ "khai hóa thuộc địa" của Pháp và sự đe dọa của những lượn sóng thần ý thức hệ–từ quân phiệt Đức-Nhật, tới vô sản quốc tế–đang xâm nhập, phá vỡ và cải biến Việt Nam "cổ truyền."
Trên bối cảnh này, giới thanh niên nam nữ của tiểu thuyết và truyện ngắn Khái Hưng hướng về mục tiêu tự trau luyện tinh thần và thể chất, tham gia cải cách xã hội, và nếu cần, gia nhập một tổ chức bí mật nào đó. Từ Tiêu Sơn Tráng Sĩ (dã sử tiểu thuyết) tới Giọc đường gió bụi, v.. v... Khái Hưng phản ánh những tư tưởng "cách mạng lãng mạn" tương tự như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1908 [1906]-1963) trong Đôi Bạn (1937). (1)
So với giấc mộng "phi Cao đẳng bất thành phu phụ" giai đoạn này, nhân vật tiểu thuyết Khái Hưng quả thực lãng mạn, không tưởng. Nhưng so với phong trào "thoát ly" của Đảng CSĐD–tiêu biểu bằng Nguyễn Thị Vịnh (Minh Khai) trốn qua Trung Hoa "kết hôn với kách mệnh," Nguyễn Thị Thập bỏ chồng con lên Sài Gòn hoạt động–hay Cô Giang, cô Bắc của VNQDĐ, nhân vật nữ của Khái Hưng chưa bước đủ những bước dấn thân cần thiết. Và, đã hẳn, với những người chủ trương nam nữ bình quyền, giải phóng phụ nữ [feminists] khó thể chấp nhận cảnh Nửa Chừng Xuân, thắt bụng nuôi con. Ngay trong giới người Việt tị nạn, những nhân vật Khái Hưng đã quá lỗi thời. Không thiếu cảnh vợ bảo trợ chồng, nhưng ngay buổi tái ngộ ở phi trường, nhẹ nhàng thông báo đã có người trăm năm mới. Người Việt ở California, chưa quên việc một bà vợ hiền thục một thời, ngay sau khi được chồng bảo trợ qua Mỹ, đột ngột bỏ rơi người tình đầu đời đã thoái hóa thành anh chồng vô tư cách. Dù đã ba bốn mặt con, người thiếu phụ không hẳn đã nuốt nước mắt lấy một người Mỹ để dạy chồng cũ bài học "trả thù dân tộc."
Sự ngưỡng mộ của độc giả dành cho Khái Hưng ở thập niên 1930 chứng tỏ ông đã phần nào nắm giữ được tâm lý thị dân thượng lưu miền Bắc. Dù khó thể tránh khỏi những phiền toái với chính thế giới thượng lưu xuất thân của ông. Điều đáng ghi nhận khác là thái độ ôn hòa của Khái Hưng khi tiếp cận các vấn nạn xã hội-kinh tế của thời ông. Nhân vật của Khái Hưng tỉnh táo đối mặt hầu giải quyết vấn đề. Khác với tính chất bi kịch của Tố Tâm, hay cay sót, châm biếm của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, v.. v...
Viết về Khái Hưng không thể không nhắc đến Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Dù cách biệt nhau một thập niên về tuổi tác, hai người có những liên hệ vượt ngoài làng văn, làng báo. Trước hết do họ cùng dạy tại trường Thăng Long, và trong ban biên tập Phong Hóa (bộ mới, số 14 ngày 22/9/1932), rồi Ngày Nay(30/1/1936). Đầu năm 1933, Nhất Linh lập ra Tự Lực Văn Đoàn, nòng cốt có Khái Hưng, Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo, Tứ Ly), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), rồi thêm Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Vũ Đình Liên, v.. v... Sau đó, tổ chức nhóm Ánh Sáng (thêm Dương Đức Hiền, Nguyễn Cao Luyện, v.. v...). Một số trí thức trẻ, kể cả Vũ Đình Hoè, giữ liên hệ thân hữu, dù không gia nhập, vì mến "tính trung thực và lòng thành yêu nước" của Nhất Linh. (2)
Từ khoảng năm 1939-1940, nhóm Tự Lực Văn Đoàn ngả về khuynh hướng thân Nhật. Môi giới có thể là Lý Đông A, Vũ Đình Dy. Và, cuối cùng, tổ chức thành đảng Đại Việt Dân Chính do Nguyễn Tường Tam làm Tổng thư ký. Người ta không biết nhiều về chủ thuyết của Đảng này. Cán bộ vỏn vẹn ít chục người, phần lớn cư trú ở các thành thị, nhất là Hà Nội. Nó mới chỉ có tính cách một nhóm chính trị, với những quan điểm tương đồng, hơn một đảng cách mạng. Đây là đặc tính chung của hầu hết đảng phái Việt Nam trong thập niên 1930-1940–tức sự thiếu vắng một tổ chức chặt chẽ, một lực lượng vũ trang, và thế tựa quần chúng. Tháng 10/1940, dưới áp lực Mật Thám Pháp, Nhất Linh phải nhờ Đại tá Koike trong Đoàn Kiểm Soát Quân Sự Nhật đưa qua Quảng Châu (Canton, hay Guangzhou). Sau một thời gian tá túc với nhóm Kiến Quốc Quân của Hoàng Lương và Lương Văn Ý, Nhất Linh liên hệ đến vụ ám sát Trần Phước An (Shibata, hay Trần Hy Thánh) ngày 22/7/1943, nên trốn qua Quảng Tây còn do chính phủ Tưởng Giới Thạch kiểm soát.(3)
Bị bắt giam cùng vài thuộc hạ vì tình nghi làm gián điệp cho Nhật, nhưng sau đó được Nguyễn Hải Thần đưa vào Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Cách hay Đồng Minh Hội), cánh tay phụ lực của Đệ tứ quân khu Trung Hoa Dân Quốc trong kế hoạch "Hoa quân nhập Việt." Cuối năm 1944, sau khi Nhật chiếm Liễu Châu (11/11/1944), Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Nông Kính Du và Trần Báo lưu lạc qua Côn Minh hay Quí Châu. Nhất Linh tới Vân Nam, tham gia chi nhánh VNQDĐ của Hồng Khanh-Kế Tổ, dưới sự chỉ huy và trợ giúp của Trung Hoa Quốc Dân Đảng.(4)
Theo Vũ Đình Hoè, cuối năm 1940, đầu 1941, Nguyễn Tường Tam cùng Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí, v.. v... mời Hoè gia nhập Đại Việt Duy Dân, có khuynh hướng thân Nhật. (5) Chi tiết này cần tìm hiểu thêm. Theo giới hoạt động chính trị Việt, Đại Việt Duy Dân Đảng do Lý Đông A, bí danh của Nguyễn Hữu Thanh, thành lập. Lý Đông A, một thành viên Tự Lực Văn Đoàn(?), gia nhập Phục Quốc của Cường Để, rất thân cận với Hoàng Lương, cố Vấn của Kiến Quốc Quân tại vùng Lạng Sơn. Sau khi Trần Trung Lập nổi dậy vào mùa Thu 1940, nhưng thất bại, bị Pháp xử tử ngày 28/12/1940, Đông A lập Duy Dân ở Trung Hoa, nhưng không mấy ai rõ chi tiết về hoạt động của Đảng này. Về lý thuyết, chỉ có vài luận lý rất đại cương với khẩu hiệu "lấy dân làm gốc." Cuối năm 1944, Đông A về nước, bắt đầu tuyên truyền trong giới sinh viên, học sinh. Hai cộng sự viên đắc lực là Lê Quang Luật và Nghiêm Xuân Hồng. Theo Luật, Luật cũng như Hồng gia nhập tổ chức thuần vì tình bạn. Ngày 1/9/1945, Việt Minh vây đánh một căn cứ ĐVDD ở Nga My, Xích Thổ, thuộc Gia Viễn, Ninh Bình, giết 8, bắt 26. Năm 1946, VM tàn sát Đông A và ĐVDD ở Hoà Bình vì "mưu đảo chính." Chỉ còn 3 cán bộ là Luật, Hồng và Phạm Xuân Ninh, tức Nguyễn Đức Chinh, Giám đốc Thể Thao và Thanh Niên Bắc Việt năm 1947. Hồng thiên về Phật giáo, và Luật, giáo dân Ki-tô, Bí thư cho Giám mục Lê Hữu Từ. (6)
Cách nào đi nữa, tổ chức của Nguyễn Tường Tam chính thức mang tên Đại Việt Dân Chính. Khái Hưng gia nhập, nhưng theo một lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã, Khái Hưng thân với Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) hơn Nhất Linh. Ngày 15/9/1941, khi đại quân Nhật tiến vào Đông Dương, mật thám vây bắt nhóm Tường Long, Khái Hưng, Gia Trí đưa lên an trí ở Vụ Bản, Sơn La. Nhiều lãnh tụ không Cộng Sản như Trương Tử Anh cũng bị an trí tại đây. (7) Năm 1943, vì lý do sức khoẻ, Khái Hưng được đưa về quản thúc ở Hà Nội.
Cuối năm 1944, đầu 1945, để chuẩn bị chiến dịch Mago (sau đổi thành Meigo, 9-10/3/1945), Nhật khuyến khích các tổ chức tôn giáo, thanh niên Việt đoàn ngũ hóa, chuẩn bị giành độc lập từ tay Pháp. Một số trí thức và cựu quan lại được tập họp ở Sài Gòn, lập ra Ủy Ban Kiến Quốc do Ngô Đình Diệm và Nguyễn Xuân Chữ cầm đầu. Ủy ban này có nhiệm vụ của một nội các tương lai dưới quyền Cường Để. Một số nhân vật nổi danh khác–như Trần Trọng Kim, Trần Văn Ân, v.. v... hay Tráng Liệt, Tráng Cử con Cường Để–được đưa qua Chiêu Nam Đảo (Singapore) hoặc Thái Lan. Nhưng đầu năm 1945, quan Tướng Nhật đổi ý, muốn giữ Bảo Đại tại vị. Diệm và Chữ bị loại bỏ. Trọng Kim, đang tị nạn ở Bangkok được đưa về làm Tổng lý Nội các đầu tiên trong khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á từ tháng 4 đến tháng 8/1945. (8)
Tại Hà Nội, từ tháng 2/1945, Nhật cũng tổ chức các đoàn thể Việt vào kế hoạch lật đổ chính quyền Jean Decoux (1940-1945). Lực lượng thanh niên được chọn làm xung kích. Về chính trị, Nhật qui tụ hầu hết những khuôn mặt nổi danh nhất miền Bắc vào Đại Việt Quốc Gia Liên Minh. Gồm có nhóm Đại Việt Quốc Xã (Nguyễn Xuân Tiếu), Đại Việt Dân Chính (Nguyễn Tường Long), Đại Việt Quốc Dân Đảng (Trương Tử Anh), VNQDĐ (Ngô Thúc Địch, Bùi Như Uyên, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống), Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Xuân Dương tức Lạc Long. Ngày Chủ Nhật, 11/3/1945, báo Tin Mới đăng "Tuyên Cáo" của ĐVQGLM. Lúc 17G00 cùng ngày–sau khi Bảo Đại tuyên bố độc lập, hủy bỏ Hoà ước 1884 và hứa hợp tác toàn diện với Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á–ĐVQGLM ra mắt tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm dưới tên Đại Việt Quốc Gia Cách Mệnh Ủy Viên Hội. Tuyên bố thành lập Ủy Hội Hành Chính Lâm Thời (vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày), sau đổi thành Ủy Ban Chính Trị Bắc Kỳ. Nhưng sáu ngày sau, 19/3, Ủy Hội Hành Chính Lâm Thời ra "Tuyên Cáo Quốc Dân" tự giải tán vì "nhân lúc giao thời đã ra đảm nhận mấy công việc cần cấp như trật tự, cứu tế, v.. v... Nay tình thế đã tạm yên, chúng tôi tự thấy nhiệm vụ đã hết, xin tuyên bố giải tán, để nhường các ngài có thực tài, thực đức ra cáng đáng những công việc quan hệ hơn."
Lý do chính là sự thay đổi chính sách Đông Dương của Nhật. Toàn quyền Nhật quyết định trực trị ở Hà Nội và Sài Gòn. Tới tháng 4/1945, chính phủ Trần Trọng Kim mới được phép cử Phan Kế Toại, cựu Tuần phủ Thái Bình, làm Khâm sai Bắc Kỳ.
Ngày 5/5/1945, Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách, Khái Hưng xuất bản tuần báo Ngày Nay: Kỷ Nguyên Mới. Khái Hưng phụ trách mục Tiếng Vang.
Trung tuần tháng 5/1945, Khái Hưng có tên trong Tân Việt Nam Đảng, chính thức thành lập ngày 16/5, "để đoàn kết chặt chẽ dân tộc VN và củng cố nền độc lập của Tổ quốc." Gồm nhiều nhân vật thành danh như Đào Duy Anh, Phan Anh, Đỗ Đức Dục, Ngô Thúc Địch, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hoè, Ngô Tử Hạ, Ngụy Như Kontum, Vũ Đình Liên, Phan Huy Quát, Ngô Bích San, Hoàng Phạm Trấn (Nhượng Tống), Bùi Như Uyên, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm. Theo báo Thanh Nghị, Tổng thư ký ban vận động thành lập là Vũ Đình Hoè. Ngày 2/6/1945, chi bộ số 1, ở Thuận Hóa ra mắt, với Tôn Quang Phiệt làm Bí thư. Sau đó, Phiệt làm Tổng thư ký của Tân Việt Nam. Ngày 22/7/1945, tự động giải tán. (9) Vai trò Khái Hưng không rõ ràng. Ông chuyên về báo chí, tuyên tuyền hơn tham gia tranh đấu bằng võ lực với phe Việt Minh–tức mặt trận thống nhất ngoại vi của Đảng CSĐD, với một "đảng" mới được Cộng Sản khai sinh từ giữa năm 1944 là Dân Chủ, cùng các hội truyền bá quốc ngữ, nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc, v.. v... (10)
Thời gian này, trước viễn ảnh bại trận của Nhật, có những nỗ lực móc nối giữa nội địa và Hoa Nam. Ngày 12/4/1945, Y sĩ Nguyễn Tiến Hỷ (Phan Châm, 1916-1992), bạn học Trương Tử Anh, dẫn một phái đoàn qua Trung Hoa. Y sĩ Hỷ cùng Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam đạt thỏa ước lập ra Quốc Dân Đảng hay Việt Quốc–sử dụng chiêu bài VNQDĐ ở hải ngoại để xin THDQ giúp đỡ, trong khi tại nội địa tiếp tục dùng tên Đại Việt. Phái đoàn Y sĩ Hỷ, Tường Tam và Hồng Khanh được Trung Hoa Quốc Dân Đảng khoản đãi nồng nhiệt ở Trùng Khánh.
Việt Minh thế lực cũng ngày một gia tăng. Lợi dụng nạn đói lan tràn ở miền Bắc, cán bộ Việt Minh tổ chức những cuộc đánh phá kho thóc, nêu cao uy tín trong dân chúng. Các toán vũ trang tuyên truyền và ám sát đoàn–dưới sự chỉ huy của cán bộ từng được tình báo Bri-tên huấn luyện như Lê Giản (Giám đốc Công An Trung Ương), Hoàng Đình Rong, Dương Công Hoạt (Bí thư Cao Bằng), Pallat Nguyễn Văn Minh (cựu Bí thư Bắc Kỳ), Nguyễn Văn Ngọc (Giám đốc Công An Trung Bộ), Vũ Văn Địch (Cục trưởng tình báo quân đội), Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), v.. v...– hoạt động hầu như công khai ở Hà Nội và các vùng ven thị trấn. Chu Văn Tấn và Võ Nguyên Giáp thành lập an toàn khu ở vùng Tuyên Quang-Bắc Kạn, trải tới Cao Bằng. Tháng 5/1945, sau khi nhận lời hợp tác với tình báo Mỹ, Hồ di chuyển từ Pác Bó xuống Kim Lộng, Tuyên Quang. Toán Con Nai [Deer Team] của Thiếu tá Allison K. Thomas từng nhảy dù xuống Kim Lộng, giúp huấn luyện khoảng 100 "bộ đội Việt-Mỹ" và cứu Hồ thoát khỏi cơn bệnh mười chết một sống. Thomas còn hành xử như Ban Ngoại Giao của Hồ, chuyển ra ngoài lập trường kháng Nhật và tranh đấu cho độc lập của Việt Minh. Việc cơ quan tình báo Mỹ và Trung Hoa chấp thuận sử dụng Việt Minh để thu thập tin tình báo về Nhật còn tạo cho Việt Minh sức mạnh tinh thần và một vũ khí tuyên truyền sắc bén.(11)
Tháng 8/1945, sau khi Nhật đầu hàng, nhóm Trương Tử Anh mưu cướp chính quyền Hà Nội, nhưng không thành công. Ngày 18-19/8, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội. Chỉ trong vòng 10 ngày kế tiếp, hầu hết các tỉnh đã ngả theo Việt Minh. Ngày 25/8, Bảo Đại chấp thuận thoái vị. Ngày 2/9/1945, Hồ tuyên bố độc lập ở Hà Nội. Trong giai đoạn mà Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ mệnh danh là "cắt tiết, mổ bụng" này, khó thể kể xiết những thủ đoạn Việt Minh nhằm trung lập hóa và tiêu diệt đối thủ, thực hay giả. Cán bộ CS bắt chước rất thành thạo các thủ thuật của thực dân Pháp, đó là vu cáo nạn nhân của họ bằng những tội hình sự như trộm cắp, hiếp dâm, hay gây rối loạn trật tự công cộng. Khi được chất vấn, Trần Huy Liệu thản nhiên trả lời báo chí: tất cả những người bị bắt giữ đều nguy hại cho chính quyền. Năm ngày sau, HCM ký sắc lệnh cho phép bắt giữ và cô lập bất cứ ai nguy hiểm cho chế độ. (12)
Thực tế, HCM và thuộc hạ quan tâm đặc biệt đến VNQDĐ và Đại Việt. Giáp cho lệnh tấn công một số căn cứ Đại Việt ở Phúc Yên và Sơn Tây. Ba ngày sau lời hiệu triệu đoàn kết, Giáp ký sắc lệnh giải tán Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng vàĐại Việt QDĐ, hiệu lực từ ngày 5/9/1945. Ngày 12/9, Giáp đặt ra ngoài vòng pháp luật Việt Nam Thanh Niên Ái Quốc Hội của Võ Văn Cầm tại Hà Đông, và Thanh Niên Hưng Quốc của Lê Ngọc Vũ. Thanh trừng diễn ra khắp ba kỳ. Hầu hết chính khách tên tuổi bị tắm máu, với tội danh chung chung là "Việt Gian, phản động." Trường Chinh, Tổng thư ký Đảng CSĐD không dấu ác tính của mình qua những bài báo trên Cờ Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng CSĐD. "Nhân tài quí thật," Trường Chinh viết, nhưng nếu cần cũng phải thẳng tay triệt hạ đi, đó mới là đại đoàn kết thực sự.(13)
Ngoài ra, Ban Thường vụ Đảng CS qui nạp thêm vào Việt Nam Dân Chủ Đảng, một số trí thức trung lập, đặc biệt là nhóm Thanh Nghị. Khả năng và uy tín của nhóm luật gia này được khai thác tối đa trong lãnh vực dân vận, đặc biệt là hai cơ quan ngôn luận Độc Lập và La République. Vũ Đình Hoè và Dương Đức Hiền cũng được chia hai ghế trong chính phủ lâm thời đầu tiên.
Nghị quyết Hội nghị toàn quốc Đảng CSĐD (14-15/8/1945) ngày 15/8, ngoài việc vận động các giới và đảng phái thành lập "bạn Việt Minh," "Quan trường yêu nước," "Việt Nam viên chức cứu quốc hội," còn có ý tái lập VNQDĐ với những cán bộ đã theo Cộng Sản và giúp đỡ Việt Nam Dân Chủ Đảng. Ngày 18/8, Dương Đức Hiền thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng ở Hà Nội với Trần Đình Long làm Cố vấn. Cán bộ CS còn móc nối Phan Kế Toại, qua con Toản, Phan Tư Nghĩa, và Phan Anh, qua Phan Mỹ. Kế hoạch tái lập VNQDĐ chưa kịp thực hiện thì quốc quân Trung Hoa đã nhập Việt, mang theo hai cánh tiền tiêu VNQDĐ từ Vân Nam, và Việt Cách từ Liễu Châu (Quảng Tây). (14)
Cuộc tranh chấp quyền lực chưa ngã ngũ. Về số lượng, phe chống Cộng rất đông đảo. Lực lượng Việt Cách của Vũ Kim Thành từng tấn công Móng Cái trong mùa Hè 1945. Những đơn vị tiền tiêu Việt Cách tiến sát biên giới, dưới quyền chỉ huy của Bồ Xuân Luật, Trương Trung Phụng. Khoảng 2,000 VNQDĐ cũng ở sát biên giới Lào Cai và Hà Giang.
Mặc dù sau này tài liệu tuyên truyền Pháp và CSVN trình diện quốc quân Trung Hoa dưới góc cạnh xấu xí nhất–như tai hại hơn bom nguyên tử–ở thời điểm này, hơn 150,000 quốc quân Trung Hoa phần nào giúp một số cán bộ Đại Việt và VNQDĐ thoát cảnh cắt tiết, mổ bụng, hay "mò tôm" trong tay những kẻ kiêu hãnh lấy sự giết người làm thành tích cách mạng. Phe chống Cộng–nhờ thế tựa quốc quân TH–tăng gia hoạt động. Họ không chỉ chống Cộng mà còn chống cả Pháp. Tháng 9/1945, Hoàng Đạo tái tổ chức Đại Việt Dân Chính, xuất bản Việt Nam Thời Báo. Tháng 2/1946, Đại Việt hợp nhất với VNQDĐ, được giao tổ chức chiến khu Vĩnh Yên (Khu 3).
Những cuộc bạo động và công kích trên báo chí giữa Việt Minh và liên minh VNQDĐ-Đồng Minh Hội diễn ra hàng ngày. Tại Hà Nội, phe VNQDĐ-Đồng Minh Hội thành lập được khu tự trị tại vùng Quan-Thánh/Ngũ Xã, mở trận chiến tuyên truyền chống Việt Minh, tố cáo gốc Cộng Sản của Hồ cùng các tay chân thân tín. Khái Hưng và các chiến hữu sử dụng vũ khí sở hữu–tức ngòi bút và lương tâm mình–không ngừng đả kích, mỉa mai các lãnh tụ Cộng Sản. Nhân Tết Trung Thu, báo Trẻ Em [Bình Minh], từng viết về tuổi ấu thơ ưa ném sấu, chèo me, đánh đinh, đánh đáo của HCM. Hai tờViệt Nam và Đồng Minh nhấn mạnh đặc tính Vẹm tức giảo hoạt, dối trá viết tắt từ tên Việt Minh [VM]. Dưới bút hiệu "Chàng Lẩn Thẩn," Khái Hưng viết những bài phiếm luận trên Việt Nam (9/1945) khiến cán bộ CS và thành phần "hoe hoe" thân Việt Minh không khỏi nhức đầu. Các toán cảm tử VNQDĐ cũng chống lại chiến dịch khủng bố của Việt Minh bằng cách ám sát "Ba" [Đại úy Nguyễn Văn] Viên, một "đảng viên" phản bội, mưu sát Bồ Xuân Luật, bắt cóc Trương Trung Phụng, một lãnh tụ Đồng Minh Hội. Có lần, VNQDĐ còn bắt cóc được Võ Nguyên Giáp. Trần Đình Long bị bắt cóc rồi thủ tiêu đầu năm 1946. (15)
Phe Việt Minh, qua các tờ Cứu Quốc và Độc Lập ra sức phản công. Nhưng như trong bất cứ cuộc mưu bá đồ vương nào, luật kẻ mạnh thống trị. Quân đội Việt Minh thiện chiến hơn Việt Quốc hay Việt Cách. Cán bộ Việt Minh kiểm soát hầu hết nông thôn và khu vực ven tỉnh thị. Đáng sợ hơn nữa, Hồ là một lãnh tụ kinh nghiệm về chính trị và ngoại giao. Lên cầm quyền khi ngân quĩ hầu như trống rỗng, cán bộ CS các cấp hô hào và ép buộc dân chúng "đóng góp" vàng bạc qua Quĩ Độc Lập, hay các Tuần lễ Vàng, Tuần lễ Văn Hóa, v.. v... để tiêu dùng và hối lộ quan tướng Trung Hoa, nhất là Lư Hán, Tiêu Văn, Chu Phúc Thành, v.. v.... Cuối năm 1949, Lê Văn Hiến còn giữ được số vàng lấy từ cung điện Nguyễn và các cuộc thu góp trong năm 1945-1946, nấu thành vàng ròng, chuẩn bị cho một đợt "ngoại giao hối lộ" khác.
Đối diện viễn tượng có thể bị tiêu diệt trong tay Quốc quân Trung Hoa, từ tháng 11/1945, Hồ bắt đầu mềm dẻo hơn. Hành động độc đáo nhất của Hồ là giải tán Đảng CSĐD–một quyết định đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Theo Cờ Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng CSĐD, Ban Chấp hành trung ương Đảng họp ngày 5/11/1945, "nghị quyết tự động giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương từ ngày 11/11/1945. Những tín đồ của Chủ nghĩa CS muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư [Marxist] ở Đông Dương." Trường Chinh–người chống đối việc giải tán Đảng–được cử làm Tổng Thư ký. (16)
Động cơ của việc giải tán Đảng CSĐD thường được biết như tránh bị quốc quân Trung Hoa tiêu diệt, giải tỏa sự nghi ngờ của dư luận quốc tế, đặc biệt là Liên bang Mỹ, và "đoàn kết tinh thành" với các phe nhóm để bảo vệ độc lập, tự do. Hoàng Tùng (Trần Thọ)–cựu Bí thư Hải Phòng, rồi chánh văn phòng của Trường Chinh, Tổng biên tập báo Nhân Dân–cho rằng Đảng CSĐD chỉ muốn "đánh lừa" phe tư sản; nhưng địch không bị lừa, mà chính "phe ta" (Nga và CS Pháp) nghi ngờ, nên không ủng hộ VNDCCH trong giai đoạn 1946-1949. Nếu tin được Linh mục/Cao ủy d’Argenlieu, chiều ngày 22/2/1946, Maurice Thorez từng khuyến khích Cao Ủy Đông Dương: "Quốc kỳ của chúng ta trên hết! Vậy nếu cần đánh, cứ đánh, nện cho nặng vào." (17) Theo một cựu nhân viên ngoại giao Hungary, mùa Thu 1950, Thorez tuyên bố cuộc cách mạng 1945 của HCM đi ngược với chính sách của Stalin: Stalin muốn Đảng CS Pháp cướp chính quyền trước, và tuyên bố cho VN độc lập sau. Stalin không tin tưởng Hồ: Hợp tác quá lộ liễu với tình báo Bri-tên và OSS Mỹ, giải tán Đảng CSĐD, không tham khảo ý kiến Stalin. (18) Tình báo Pháp cũng ghi nhận quyết định giải tán Đảng CSĐD của Hồ tạo nên sự bất mãn và nghi ngờ của Văn phòng Ban Phương Đông [Dalburo] Thượng Hải, đưa đến những cáo buộc như "bán mình cho đế quốc," "phản bội" dân tộc Việt Nam và giai cấp công nhân vào mùa Hè 1946. Vẫn theo tình báo Pháp, tháng 9/1946, Dalburo Thượng Hải còn gửi phái đoàn bí mật qua Hà Nội để điều tra về quyết định rất "phản động" trên. (19)
Nhưng để hiểu rõ hơn quyết định lịch sử này, không thể không xét lại kinh nghiệm cá nhân của HCM trước ngày lên cầm quyền. Sự tiếp cận với chủ thuyết Cộng Sản của HCM, cần nhấn mạnh, không do sự quyến rũ hay thâm sâu của Marxist-Leninism–một hình thái Nga hóa sơ khởi thuyết Karl Marx–mà ngày đó HCM chưa nghiên cứu kỹ lưỡng. Hồ đã đến với Đảng Cộng Sản Pháp và rồi Đệ Tam QTCS từ năm 1921-1924 phần lớn vì thời điểm này chỉ có Mat-cơ-va bày tỏ thiện cảm với các nước bị Tây phương xâm chiếm, gọi chung là các nước thuộc địa hay bán thuộc địa. Hồ nhiều hơn một lần, khẳng định điểm này.
Dĩ nhiên, chủ nghĩa Cộng Sản tự nó có sức quyến rũ của một thứ giả tôn giáo (pseudo-religion), chẳng xa lạ với Đông phương: đó là lấy tài sản phi nghĩa của tham quan, ô lại, hay cường hào, ác bá (kẻ giàu có, gian ác), chia cho đám đông đói khổ. Những anh hùng/tướng cướp phổ thông trong dân gian tại Trung Hoa hay Việt Nam là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (Thủy Hử), Nguyễn Nhạc hay Đơn Hùng Tín. Và viễn tượng của một xã hội cộng sản, đại đồng–ở đó mỗi người hưởng theo nhu cầu, làm theo khả năng; nhà nước tức guồng máy thư lại tự tan biến đi [withering away]mà Marx hay Engels hoang tưởng đã từng hiện hữu trong các xã hội nguyên thủy, dù chẳng hề hoặc chưa được chứng nghiệm–mang sức quyến rũ chẳng kém gì cõi thiên đường sau khi chết của các tôn giáo Đông Tây. (20)
Nhưng vào đường hoạt động, HCM dần dần khám phá ra sự thực phũ phàng ở hậu trường sân khấu. Quốc gia nào cũng có quyền lợi tư riêng ẩn dấu sau những chiêu bài truyền đơn, khẩu hiệu đẹp đẽ. Việc khai tử bí danh Nguyễn Ái Quốc tại Mat-scơ-va vào mùa Hè 1932 (và dưới chính ngòi bút của Thống đốc Hong Kong ngày 19/1/1933, vì "ho lao và nghiện thuốc phiện")–tám năm ăn không ngồi rồi, chẳng được giao nhiệm vụ nào vì đã lầm lỗi khai sinh Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 6/1/1930–viết nên những tài liệu bị chính đồng chí mình tại Đại học Phương Đông chỉ trích là nặng tinh thần cải lương quốc gia, đầu cơ–không được ra công khai với những vợ con cách mạng, v.. v...– lời tuyên bố tâm đắc của Hồ, "Tôi thuộc Đảng Việt Nam," lý lịch tự khai "Đảng Quốc Gia" khi công bố danh sách chính phủ lâm thời vào ngày 2/9/1945, hay tranh cử Quốc Hội năm 1946, cần được hiểu dưới ánh sáng lịch sử khách quan hơn lý luận giáo điều hay những lời nguyền rủa, chỉ trích đầy xúc động.
Quyết định giải tán QTCS của Josef V. Stalin năm 1943 cũng ảnh hưởng trên quyết định của Hồ. Từ ngày này, vì lý do sinh tồn, Hồ nghiên cứu Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên và hệ thống chính trị dân chủ Mỹ. Không chỉ dịch tác phẩm của Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch qua Việt ngữ cho cán bộ học tập, Hồ dùng ngay câu mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ để bắt đầu Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 của mình. Ngày 13/9/1946, Hồ còn khẳng định với nhân viên ngoại giao Mỹ tại Paris mình không phải là Cộng Sản. Và tại Hội trường Nhà Hát lớn Hà Nội ngày 3/11/1946, Hồ thêm một lần nhấn mạnh câu "Tôi thuộc Đảng Việt Nam." Nhưng tình báo Mỹ vẫn tin Hồ là tay Cộng Sản lão luyện, và Đông Dương không có vị thế chiến lược cao nên chính phủ Harry Truman (1945-1953) quyết định"hands-off" (không can thiệp). (21) D’Argenlieu và cơ quan tuyên truyền Pháp không ngừng khoét sâu sự nghi ngờ của Mỹ hay Trung Hoa về gốc gác QTCS của Hồ. Thảm kịch Việt Nam trong hạ bán thế kỷ XX phần nào khởi phát từ những thành kiến [perceptions] trên.
Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, kết luận khả tín là Hồ chỉ "tả khuynh" và tìm đến nước Nga xin cầu viện đánh thực dân Pháp giành độc lập hơn thành tâm tin tưởng ở thuyết Marxist-Lennism hay Stalinism. Điều đó không có nghĩa Hồ không bị ảnh hưởng bởi lý luận duy vật biện chứng và phương cách tổ chức một đảng chính trị, cùng kiểu mẫu chính quyền Liên Sô Nga.
Dưới áp lực Trung Hoa và Pháp, Hồ còn phải dàn xếp với các tổ chức thân Trung Hoa, chống Cộng, để thành lập một chính phủ liên hiệp. Sau khi Hồ tuyên bố giải tán Đảng CSĐD, từ ngày 24/11/1945, Tiêu Văn áp lực ba phe Việt Minh, Việt Cách và VNQDĐ ngồi lại thành lập chính phủ Liên hiệp, và bầu cử Quốc Hội để ký Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946, giúp quốc quân Trung Hoa an tâm nhường miền Bắc vĩ tuyến 16 cho Pháp. Dù các đơn vị Phục Quốc trên thực tế chiếm đóng một số địa điểm ở duyên hải vào cuối tháng 2/1946, HCM vẫn triệu tập Quốc Hội, công bố chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến ngày 2/3/1946. (22) Để chứng tỏ tinh thần đoàn kết của mình, HCM còn yêu cầu Quốc Hội nghiên cứu và biểu quyết việc lựa chọn một quốc kỳ khác. (23)
Vì lý do nào đó, Khái Hưng không được cử làm đại biểu Quốc Hội năm 1946, trong khi cả ba anh em Nguyễn Tường Tam, Tường Long, Tường Bách đều được tặng ghế.
Phần vì tình trạng lụt lội, Nguyễn Tường Tam về tới Hà Nội ngày 12/1/1946, vừa là lãnh tụ Đại Việt Dân Chính, vừa là VNQDĐ. Định xuất bản báo Dân Chính, nhưng rồi trở thành Chủ bút báo Đồng Minh của Việt Cách. Ngày 21/2, Tường Tam làm Ủy viên Ngoại giao của VNQDĐ. Vì áp lực Trung Hoa, Tường Tam miễn cưỡng nhận chức Bộ trưởng Ngoại Giao, tháp tùng HCM ra Vịnh Hạ Long gặp d’Argenlieu và tham dự Hội nghị trù bị Đà Lạt. Nhưng sau khi HCM lên đường qua Pháp, Tường Tam lại "mất tích." (24)
Phần Nguyễn Tường Long phụ trách tổ chức các chiến khu Vĩnh Yên, Yên Bái, Lào Cai dưới quyền Vũ Hồng Khanh. Nhưng sau ngày quân Trung Hoa triệt thoái, tình thế phe chống Cộng ngày một tuyệt vọng. Từ tháng 6/1946, Việt Minh thanh toán dần các căn cứ VNQDĐ. Trong hồi ký gần cuối đời, Y sĩ Nguyễn Tường Bách ghi nhận:
Tôi gặp anh Lê, người cầm đầu Bộ chỉ huy [chiến khu 3 tại Vĩnh Yên] lúc đó. Sau bữa cơm rau dưa thanh đạm với anh em, chúng tôi đi dạo trong thành phố và ra cả ngoài thị trấn nhưng không thể đi xa được nhiều vì chung quanh làng mạc đều do Việt Minh kiểm soát. Có cách nào để phát triển ra vùng nông thôn? Anh Lê cũng chịu bó tay vì không có người biết cách tuyên truyền nông dân. Mà dùng võ lực thì chỉ có vài chục tay súng. Muốn giữ vững thị trấn cũng đủ hụt hơn rồi. Tất cả anh em, kể cả đảng viên và các anh em khác, không quá vài trăm người. Về tài chánh lại quá eo hẹp. Quân đội chủ yếu do đám lính khố xanh cũ hợp thành. . .( 25)
Tháng 7/1946, Nguyễn Tường Long phải rút lên Yên Bái. Ít lâu sau, chạy qua Côn Minh, sau vụ thảm sát cán bộ huấn luyện Nhật của trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ở gần Hồ Kiều, cây cầu biên giới qua Hà Khẩu (Vân Nam). (26)
Trong khi đó, với sự tiếp tay của Huỳnh Thúc Kháng và Vũ Trọng Khánh, Việt Minh phát động hàng loạt những cuộc thanh trừng phe chống Cộng. Giáp còn mở những phiên tòa hình sự, xét xử các đối thủ chính trị qua những tội danh tưởng tượng như trộm cắp, hiếp dâm. Ngay tại Hà Nội, số phận cán bộ VNQDĐ không kịp thoát thân cực kỳ bi thảm, thường được biết như "vụ án Ôn Như Hầu." Những người cầm đầu công an Việt Minh–kể cả Bùi Đức Minh–vu cáo VNQDĐ mưu toan bắt tay Pháp làm đảo chính đúng ngày Quốc Khánh Pháp (14/7/1946). Sau đó, trong hai ngày 12-13/7, tấn công vào các trụ sở VNQDĐ khắp nơi, đặc biệt là trụ sở số 7 Ôn Như Hầu [nay là Nguyễn Gia Thiều], bắt giữ Dân biểu Phan Kích Nam, rồi ngụy tạo ra vũ khí, dụng cụ tra tấn và "7 tử thi" để bôi nhọ Việt Quốc đã bắt cóc, giết người, cướp của. Ngày 16/7, Thúc Kháng họp báo, bênh vực việc làm của Giáp và Việt Minh, đả kích VNQDĐ nặng nề.(27)
Cuối tháng 10/1946, tại phiên họp Quốc Hội thứ hai, Tiến sĩ Kháng phái biểu "Lỗi tại tôi," nhưng không nói thêm được điều gì. Cù Huy Cận đại diện Bộ Nội Vụ tuyên bố: Các đại biểu VNQDĐ như Lê Ninh, Hoàng Ngọc Bách, Phan Kích Nam, Vũ Đình Tri trực hay gián tiếp nhúng tay vào những vụ tống tiền như vụ án Ôn Như Hầu. Bùi Vĩnh Liên ghi tên định hỏi về việc 6 đảng viên QDĐ bị bắt, nhưng cuối cùng cũng đổi đề tài. (28)
Phần Khái Hưng, chẳng hiểu tại sao không xuất ngoại. Sau ngày 19/12/1946, Việt Minh lại phát động đợt thanh trừng mới, vì anh em Nguyễn Tường Tam ở Hoa Nam đang vận động thành lập một chính phủ chống Cộng. Tại miền Trung, Việt Minh bắt giữ một số lớn cán bộ VNQDĐ như Phan Trung Thuyết (Liên Hiệp Quốc Dân), Trần Thanh Mại, Ngô Han (?), Bửu Viêm, Nguyễn Khoa Phong v.. v... Võ Như Nguyện và Nguyễn Đôn Duyến chạy thoát. Bửu Hiệp [Hạp?] cùng Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Du, Tôn Thất Tu (?),Nguyễn Đôn Duyến và Võ Như Nguyện hoạt động dưới chiêu bài VNQDĐ. Nguyện ra Hà Nội nhưng không liên lạc đựợc với Tường Tam. Tại Lào Cai, các khóa sinh trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn bị vây hãm, tấn công liên tục, phải vượt qua biên giới. (29)
Rất ít thông tin khả tín về những ngày cuối đời Khái Hưng được bạch hóa. Có tin từ Hà Nội về Nam Định, Khái Hưng bị VM bắt giam tại Liên Khu III (Lạc Quần, Trực Ninh). Rồi thủ tiêu ở bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường cuối năm 1946 hay 1947. (30)
Cái chết bi thảm, uẩn ức của người trí thức và văn nghệ sĩ Khái Hưng mới chỉ là nửa sự thực lịch sử trong cuộc Tam Thập Niên Chiến (1945-1975). Ở phía đối diện–tức phe Quốc Gia hay Cộng Hòa–cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Biết bao người chết tối tăm từ Thừa Phủ tới Côn Đảo, từ các trung tâm thẩm vấn Mật Thám Pháp tới Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Ngọn lửa sinh đăng cúng dường Phật pháp của Thượng tọa Quảng Đức (11/6/1963) chỉ là một bằng chứng của bạo lực "cách mạng Nhân Vị." Cái chết tự nguyện của Nhất Linh ngày 8/7/1963–không chấp nhận cho thứ công lý Ki-tô Trung cổ của chế độ Ngô Đình Diệm (1954-1963) xét xử mình–là một chứng từ khác. Trong di chúc, Nhất Linh viết:
"Đời tôi có lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng Sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do." (31)
Bản di chúc của người đã dâng trọn đời mình cho đất nước–cũng một nhà văn tài hoa, cựu thủ lĩnh Tự Lực Văn Đoàn–hiệu nghiệm như lời tiên tri. Cái chết trong lòng Thiết Vận Xa của Diệm-Nhu sáng ngày 2/11/1963, cuộc hành hình Cẩn trong khám Chí Hòa ngày 9/5/1964, hay cái chết điên loạn của Thục năm 1984 tại Missouri, chỉ là hậu quả những tội ác chiến tranh và diệt chủng (theo công pháp quốc tế) của họ Ngô. Nhưng còn đó, nỗi cay đắng, chua sót của giới trí thức một quốc gia nhược tiểu đang bị chao đảo, rúng động từ rễ gốc bởi hai trào lưu ý thức hệ Tây phương–đen và đỏ–cùng cơn điên cuồng tập thể của bầy âm binh chịu phù phép trong tay áo những phù thủy, trên sạn đạo đi tìm tự do, dân chủ và một tương lai đáng sống hơn cho dân tộc mình.

Nguyên Vũ
Houston, mùa Đông 2008-2009

----------------
Phụ Chú:

1. Tài liệu Việt ghi Nguyễn Tường Tam sinh năm 1905, về nước năm 1930 hay 1931, và dạy học tại trường Thăng Long. Theo ông Nguyễn Tường Thiết, trên căn cước thiết lập năm 1951, sau khi thân phụ ông từ TH trở về, ghi ngày sinh 1/2/1906. (Phỏng vấn ngày 5/1/2009). Bản tiểu sử do an ninh Pháp lập năm 1946, ghi Tường Tam sinh ngày 1/2/1908 tại Cẩm Giàng, Hải Dương, du học tại Pháp từ 1930 tới 1936, đậu Cử nhân Vật lý. Về nước, làm Lục sự Toà án Hà Nội. Chủ trương Tự lực Văn đoàn. Năm 1940, bỏ việc, làm báo và xuất bản. Thành lập Đại Việt Dân Chính;CAOM (Aix), GGI, 14 PA [Hồ sơ Decoux], c. 2. Đáng lưu ý là tài liệu Pháp trong năm 1946 về các lãnh đạo Việt, vì lý do nào đó, có nhiều hoang tưởng. Võ Nguyên Giáp, chẳng hạn, được phong làm Khoa trưởng trường Luật Hà Nội năm 1937, từng qua Nga huấn luyện trong thời gian 1939-1940, rồi gặp Hồ ở Trung Hoa, gia nhập Việt Minh, về nước năm 1944; Amiral Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine, 1945-1947 (Paris: Albin Michel, 1985), tr. 254 (dẫn tin tình báo ngày 11/4/1946). Võ Giáp tốt nghiệp năm thứ hai luật [chương trình 3 năm].
2. Vũ Đình Hoè, Hồi ký Vũ Đình Hoè (Hà Nội: 2004), 63-64, 692. Xem thêm nhận xét về sự đổi mới văn chương, thời trang phụ nữ và tranh hoạt kê (Lý Toét-Xã Xệ) của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong Nguyễn Xuân Chữ, Hồi Ký (Houston: Văn Hóa, 1996), tr. 210-212.
3. Trần Phước An (1898-1943) sinh vào khoảng từ 1895 tới 1898 tại Tường Lộc, Vĩnh Long. 1906, du học Nhật trong phong trào Đông Độ. 29/11/1933, tham dự Đại Hội thanh niên (Seinen Kyodan) do Nhật bảo trợ với tư cách đại diện An-Nam; CAOM (Aix), Amiraux [GGI], 42469. 1937-1943, sĩ quan trong quân đội Hoàng Gia Nhật. 1939, trung ủy Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội [Phục Quốc]. 12/8/1940, được Cường Để ủy lập Kiến Quốc Quân, với sự phụ tá của Trần Trung Lập và Hoàng Lương; Cuộc đời cách mạng Cường Để, 1957:134. Tháng 9/1940, Kiến Quốc Quân tiến vào Lạng Sơn. 10/1940, cùng Koike giúp Tường Tam thoát qua Quảng Châu. 6/10/1941, Bộ trưởng Thuộc Địa Charles Platon yêu cầu Bộ Ngoại giao phản đối Nhật về những hành động của An. 22/7/1943, bị ám sát ở Quảng Châu. Tường Tam tự nhận sai người giết An; CAOM (Aix), GGI, 7F29 (2), tr.1.
4. Theo Lê Tùng Sơn, Hồ đưa ra ý kết nạp Nhất Linh với hy vọng lôi kéo nhóm Tự Lực Văn Đoàn; Nhật ký một chặng đường (Hà Nội: 1978), tr. 140.
5. Vũ Đình Hoè, 2004:63-64, 692. Theo Giáo sư Hoè, đầu năm 1941, ông nhắn tin cho Nhất Linh là chỉ chú tâm vào báo Thanh Nghị, không chính trị.
6. Cứu Quốc [CQ], 12/9/1945; SHAT (Vincennes), 10H. Các cán bộ Duy Dân thường hoạt động bí mật. Vì thế không thiếu người mạo xưng là đảng viên Duy Dân, kể cả một cựu Trưởng ty Công An Nam Định, từng bị cách chức vì bắt các tăng ni Phật giáo làm tình trong khi tra tấn lấy khẩu cung năm 1952. (Theo tài liệu gia đình Nhất Linh, "Duy Dân" là một học thuyết chống Cộng của một nhóm năm người, do Lý Đông A mang vào nội địa, để thành lập một Mặt trận chống Cộng)
7. Trương Tử Anh (1917-1946) sinh tại Tuy Hòa, Phú Yên. Còn có tên khác là Trương Khán. Con Trương Bội Hoàng và Nguyễn Thị Miên. Năm 1940, học sinh tư thục ở Hà Nội. Thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng. Ngày 4/10/1941, bị Pháp bắt, đưa đi tập trung. Tháng 7/1942, được phóng thích, quản thúc ở miền Trung. Tháng 1/1943, trốn ra Bắc. Ngày 21/7/1944, Thống sứ Bắc Kỳ cho lệnh bắt, Tử Anh tuyệt thực phản đối. Nhật lại can thiệp, phải trả tự do. Ngày 2/9/1944, trốn khỏi nhà thương René Robin (Hà Nội). Tháng 3/1945, tái xuất hiện ở Hà Nội; CAOM (Aix), GGI, 7F 29.
8. Thông Tin, "Loại tranh đấu" số 11, ngày Chủ Nhật, 10/6/1945, đăng hình Vũ Văn An, Vũ Đình Dy, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Chữ và Lê Toàn, với lời chú thích họ thuộc "Ủy Ban Kiến Quốc," "lập nên để gánh vác việc kiến thiết nước Việt Nam mới;" Vũ Ngự Chiêu, Phía bên kia cuộc cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8/1945) (Houston: Văn Hóa, 1996).
9. Tin Mới, 9/6/1945; Sài Gòn, 12/6/1945; Tin Tức, 30/7/1945; Hải Phòng, 31/7/1945; L’Opinion-Impartial, 1/8/1945.
10. Dân Chủ Đảng do Dương Đức Hiền, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên, làm Tổng thư ký. Giống như Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam sau này, Hiền chỉ giữ vai "phỗng đá," nhận lệnh ra công khai ngày 30/6/1944. Chủ chốt là Pehznef Trần Đình Long (1904-1946), từ Nga về năm 1931, được Văn phòng Đông Dương của Ban Phương Đông Quốc Tế Cộng Sản dự trù sẽ thay Lê Hồng Phong nếu có chuyện bất trắc. "Báo cáo của LHP tại Đại Hội VII QTCS (15/1/1935);" Lê Hồng Phong, 2002: 685 [685-697], & "Thư ngày 7/2/1932, Vera I. Vasilyeva gửi Litvinov [LHP];" LHP, 2002:742-743. Cuối thập niên 1930, tham gia mặt trận báo chí ở miền Bắc. Thực sự nắm Đảng Dân Chủ từ tháng 8/1945. Nhân vật tích cực khác là Hoàng Minh Chính, Thư ký Đảng Đoàn Thanh Niên, Lê Trọng Nghĩa (Đoàn Xuân Tín), cán bộ tình báo. Do đề cử của những ngưới này, Hoè và Hiền được đại diện Đảng Dân Chủ trong chính phủ lâm thời ngày 28/8/1945; Độc Lập, 4/9/1945; Vũ Đình Hoè, 2004:718, 795, 797-798. Đầu năm 1946, Long bị Việt Cách giết; Lê Tùng Sơn, 1978:186; Anatoli A. Sokolov, Quốc Tế Cộng Sản và Việt Nam, bản dịch Đào Tuấn (Hà Nội: CTQG, 1999), tr. 269-270.
11. Lê Tùng Sơn, 1978:110-112 [Mỹ thả 2 đợt, gần 80,000 truyền đơn của Việt Minh xuống Hà Nội, Huế và Việt Bắc]; René Defourneaux, "Secret Encounter with Ho Chi Minh;" Look (NY), 8/9/1966, tr. 32-33; Robert Sharplen, The Lost Revolution (NY: Harper & Row, 1965), tr. 30; Báo cáo ngày 22/8/1945, William J. Donovan gửi Byrnes; Bộ Quốc Phòng, US-Vietnam Relations, 1947-1967 (Washington, DC: GPO, 1971), Bk I, C 58-59, 67; The Pentagon Papers (Gravel), vol. I, pp. 17, 20, 50, 51; Lê Giản, "The Story of An Exile;" Vietnam Courrier, 1980:17-20; US Congress. Senate. Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972 (Washington: GPO, 1973), tr. 249; Charles Fenn, Ho Chi Minh: A Biographical Introduction(New York: 1973), 71-75, 76-7, 78, 81; Archimedes L. Patti, Why Viet-Nam? Prelude to America’s Albatros (Berkeley, Cal.: Univ of California Press, 1980), tr. 29-30, 46, 50, 51; 31; Tonnesson,Vietnamese Revolution, 238, 337 (quoted USNA ngày 19/3/1945); Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại (Houston: Văn Hóa, 1993,1997), II, 1993:356; David G. Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power (Berkeley, Cal.: Univ. of California Press, 1995), tr. 227-229, 241, 282-285, 288-291, 304n33, 476-479, 482-490, 498-501, 538-539; Raymond P. Girard, "City Man Helped to Train Guerillas of Ho Chi Minh;" Evening Gazette (Worcester, MA), 14 & 15/5/1968; dẫn trong Marr, 1995:209n189; Phùng Thế Tài, Bác Hồ những kỷ niệm không quên (Hà Nội: QĐND, 2002), tr. 57-63, 82-87;.
12. Cứu Quốc [CQ], 12/9/1945; Cờ Giải Phóng, số 18, 20/9/1945; Dân Chủ (Hai Phòng), 20/9/1945; Nguyễn Xuân Chữ, 1996:278, 280, 284-289; Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng (Sài Gòn: 1971), tr. 254-255; Trần Huy Liệu, Tài liệu nghiên cứu Cách Mạng Tháng Tám, 3 tập (Hà Nội: 1956), I:34-38; Marr, 1995:chương 8 [539ff].
13. SL số 8, CQ, 9/9/1945; SL số 30 ngày 5/9/1945; Dân Chủ (Hải Phòng), 19/9/1945; Cờ Giải Phóng(Hà Nội), số 21, 30/9/1945; Nguyễn Xuân Chữ, 1996:294-304;
14. Văn Kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], 7:1940-1945, (Hà Nội: CTQG, 2000), tr. 431-433.
15. Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử (Québec, Canada: NNCSĐ, 1981), tr. 80-83; Vũ Đình Hoè, 2004:750-812.
16. CGP (Hà Nội), số 33, 18/11/1945. Năm 2000, Đảng CSVN sửa lại là BCH Đảng họp ngày 11/11/1945, quyết nghị tự giải tán, thành lập "Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương;" VKĐTT, 8:1945-1947, 2000:19-20.
17. D’Argenlieu, Chronique, 1985:168.
18. János Radványi, Delusion and Reality: Gambit, Hoaxes, & Diplomatic One-Upmanship in Vietnam(South Bend, Indiana: Gateway, 1978), tr. 4-5, 20, 269n1; Theo Nikita S. Khrushchev, Stalin rất lạnh nhạt với Hồ trước 1950; Khrushchev Remembers, trans. and ed. by Strobe Talbott (Boston: 1970), tr. 482.
19. République francaise, S.D.E.C.E., "Notice technique de contre-espionnage: Extrême-Orient, Les services spéciaux sovietiques en Extrême-Orient" (20 mai 1947); Annexe II," tr. 12; CAOM [Aix], INF, c. 138-139, d. 1245.
20. V. I. Lenin, State and Revolution (New York: International Publishers, 1974), tr. 15-20.
21. TTLTQG 3 (Hà Nội), QH, HS 1; "Đường Kách Mệnh" (1929), VKĐTT, 1:1924-1930, 2000:13-82; Marr, 1981:131n, 374-376; Idem., 1995:289n191; Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, I-A: 1939-1946,(1996); Idem., "Báo Tiếng Dân: Vài tư liệu mới;" Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 86 (Xuân Bính Tuất, 2006), tr. 25-26, 28; William J. Duiker, Ho Chi Minh (New York: 2000), tr. 618ns13,15. Tuy nhiên, theo cựu Thiếu tá OSS Thomas, trong bữa tiệc chia tay ở Hà Nội, Hồ nhìn nhận mình là Cộng Sản; Wesley Fishel (ed), Vietnam: Anatomy of a Conflict (Itasca, IL, 1968), tr. 7; Về việc khai tử Nguyễn Ái Quốc, xem "Biographie de Ho Chi Minh (1949);" CAOM (Aix), GGI, 19 PA, c. 4, d. 62.
22. La République (Hà Nội), 10/3/1946; DPSG, Rapport mensuel, Déc 1945 (7/1/1946); CAOM (Aix), Conseiller Politique [CP], c. 125; "Tình hình và chủ trương, ngày 3/31946;" VKĐTT, 8:1945-1947,2000:42-43. Ngày 2/3/1946, 70 đại biểu VNQDĐ và Việt Cách mới được chính thức giới thiệu ; TTLTQG 3 (Hà Nội), Kho QH, HS 1; Quốc Hội Việt Nam, Lịch sử QHVN, 2 vols, (Hà Nội: 2000), I:369-372. Theo Võ Nguyên Giáp, Hồ đã bàn về việc thành lập chính phủ Liên Hiệp với Tiêu Văn; vì các đảng phái chống đối; Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên, Hữu Mai viết, tái bản lần thứ 5 (Hà Nội: QĐND, 1974, 2001), 1974:142-144, 149-50; 2001: 129-131, 136-137; Nguyễn Tường Bách, 1981:80-87.
23. Báo cáo của Nguyễn Văn Tố và HCM trả lời chất vấn; TTLTQG 3 (Hà Nội), Kho QH, HS 5. Năm năm sau, trong báo cáo chính trị tại Đại hội kỳ II Đảng CSVN (11-19/2/1951), Hồ giải thích việc giải tán Đảng CSĐD là một trong những biện pháp đau đớn–để cứu vãn tình thế. Đảng tự giải tán (rút vào bí mật) là đúng. Dẫn lời Lênin: "Nếu có lợi cho cách mạng, thì dù thỏa hiệp với bọn kẻ cướp, chúng ta cũng thoả hiệp;" VKĐTT, Tập 12:1951, 2001:22 [12-39].
24. Chính Đạo, "Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946," Hợp Lưu, số 88, 4-5/2006, tr. 95-148.
25. Nguyễn Tường Bách, 1981:91-92.
26. Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 2002), I:121-151. Ngày 15/6/1946, quân TH rút khỏi Hà Nội. Tháng 10/1948, từ Quảng Châu, Tường Long cùng Hồng Khanh qua Nam Ninh nối kết THQDĐ. 1948, chết trên chuyến xe lửa Hong Kong-Quảng Châu; CAOM (Aix), Gougal [GGI], 7F 29; Hứa Bảo Liên, Nguyễn Tường Bách và Tôi (Westminster: 2005), tr. 109-112.
27. VKĐTT, tập 8:1945-1947, 2001:104; Võ Nguyên Giáp, KTNQ, 2001:256-257, 258-259.
28. TTLTQG 3 (Hà Nội), QH, HS 4: Khoá họp thứ hai của QH nước VNDCCH tại thủ đô Hà Nội (từ 28/10 đến 9/11 năm 1946). [56 trang. Sao lục lại ngày 1/4/1954] Tả có 83 người (14 Mac-xít, 24 xã hội, 45 dân chủ); Đứng giữa có 170 người (80 Việt Minh, 90 vô đảng phái); Cánh hữu có 37 người (17 Việt Cách, 20 QDĐ) [tr. 5] Đại diện QDĐ: Phạm Gia Độ; Việt Cách: Nguyễn Cao Hách; Dân Chủ: Lê Trọng Nghĩa.
29. CAOM (Aix), INF, c. 138-139/d. 1245; L’Humanité (Paris), 29 & 30/12/1946; Phạm Văn Liễu, I, 2002:153-156, 192-201.
30. Trịnh Văn Thanh, Thành ngữ điển tích, Danh nhân từ điển (Sài Gòn: 1966), I:577-578. Ông Nguyễn Tường Triệu, con nuôi Khái Hưng, tiết lộ "papa" mất tích sau Tết Đinh Hợi (22/1/1947).
31. TTLTQG II (TP/HCM), Kho Phủ Tổng thống Đệ I Cộng Hòa [PTT/Đ1CH], HS 8500. Nhất Linh nhập viện lúc 17G45 ngày 7/7/1963, khi Diệm đưa ông ra tòa Mặt Trận xét xử vụ đảo chính hụt ngày 11/11/1960. Chết tại bệnh viện Grall lúc 10G10 hôm sau, 8/7; Điện văn số 1252 ngày 8/7/1963, BNV gửi Đổng lý VP/BT tại PTT. Theo Ban Giảo nghiệm của Tổng Nha CSQG, trong máu của Nhất Linh có chất độc "Véronal." Ngày 13/7/1963, đám tang cử hành trọng thể. Linh cữu đưa từ nhà thương Grall tới chùaXá Lợi, làm lễ cầu hồn, rồi tiến về nghĩa trang Giác Minh (Gò Vấp) của Thượng Tọa Trí Dũng. Hàng ngàn học sinh, sinh viên tham dự. (HS 8500) Kể từ ngày này, học sinh, sinh viên bắt đầu tham gia những cuộc tranh đấu chống Diệm.



(phụ chú : NGUYÊN VŨ.)

                                                               Nguyên Vũ : [i.e. Vũ Ngự Chiêu 1943-   ]
                                                                           còn ký bút danh CHÍNH ĐẠO ...
                                                                                  (ảnh: Internet)



                                                                          ------------------------------------
                                                                                  trích từ hopluu.net/ 
                                                                          ------------------------------------