Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

...Bách khoa toàn thư: LLOYD FERNANDO ( 1926-2008) / THẾ PHONG giới thiệu.

    Lời dẫn:

       Năm 1968, tôi nhận được bức thư lạ từ Kuala Lumpur ( Malaysia), qua bưu điện Saigon.   Thư   chủ bút tạp chí TENGGARA  (  Đông Nam Á ) xin phép được trích đăng thơ " Vietnam under fire and flames" poems by Thế Phong -  translated by Đàm Xuân Cận .    Ý nghĩ đầu tiên, chắc đọc giả  ngoại  đã mua  tại Nhà sách Xuân Thu hoặc quầy  Tiếp tân  Khách sạn Continental  ( 2 nơi tôi ký gửi   sách  anh ngữ) .  Quả đúng vậy, Giáo sư  L.Fernando cho biết, đó là một văn sĩ trẻ  Indonesia mới  qua thăm Saigon mua  tập thơ này, sau đó gửi cho  ông.   Từ đấy,  chúng tôi biết nhau qua thư từ .   Tạp chí TENGGARA không chỉ đăng thơ dịch anh ngữ của tôi, còn đăng nhiều bài thơ  các thi nhân khác, như Hoàng Khởi Phong,  Tuệ Mai ( nữ), Văn Nguyên Dưỡng, Nguyễn Quốc Thái .  ( Mr. The Phong 
We would grateful if you would please distribute the 4 other copies of TENGGARA as indicated.     With the compliments of the Editorial Board TENGGARA .  Please acknowlege Receipt ).

       Rồi chính  giáo sư  Lloyd Fernando đã viết tựa tập thơ " Asian Morning, Western Music "  ( 4 , 5 bài thơ đã in trong TENGGARA, từ số 2 đến số  6 .   Tôi  sưu tập, in  ty-pô tại Saigon năm 1971, bìa Vị Ý .( không xin cấp phép và ở đây gửi lời cảm ơn nhà  báo Nguyên Minh , chủ bút tạp chí Ý THỨC  đã nhận in sách" lậu", kể cả không nhận tiền in ) .    Kỹ thuật in ở Saigon khi ấy chưa thể so sánh với kỹ thuật in ở Kuala Lumpur, giấy ruột là giấy báo, bìa in  typô lem nhem,  khiến người viết tựa không mấy hài lòng.   Tuy nhiên,  bài thơ  " What I choose in this mad World"  in  ngoài  bìa  báo TENGGARA số 6   ( 1971)  do họa sĩ  H.E. Sulaiman Esa trình bày , vẫn được in rất trang trọng,  tấm sketch do  họa sĩ Esa vẽ -  một tù nhân VC  bị xiềng đang chờ viên đạn   từ  khẩu súng lục  gí vào đầu - bên cạnh - bìa báo Times bị lật ngược, kể cả  định lý  toán học .   Họa sĩ  H.E. Sulaiman Esa ( Malyasia )  phản cảm trước thái  độ  một  tù  binh VC bị xiềng ,  2 tay bị bẻ quặt sau lừng   - và  đó là hình ảnh chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc Công An,  đang chĩa súng bắn vào đầu anh ta  vào Xuân  Mậu Thân, 1968. 
  
         Năm 2012,  tập thơ Asian Morning Western music tái bản, tôi dùng bìa  TENGGARA số 6 làm bìa tập thơ  - do Nguyễn Thị Minh  Hải  sử dụng kỹ thuật Photoshop đồ họa lại. ( nói thêm :  Nguyễn Thị Minh Hải ,  người trình bầy bìa TTKH, Nàng  là ai ?  Thế Nhật ( Thế Phong ) / Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội tái bản, 2001 ).
          Bạn đọc có thể  đọc tại < google / search / thephong writer >  gõ vào Thephong's poems .

    Giời thiệu cùng đọc giả Việtnam, đôi dòng về giáo sư Lloyd Fernando  -  tôi tóm tắt ý chính theo  tác giả bài báo, Mohammad Quayum , Trường Đại học quốc tế Hồi  Malaysia ( bản - dịch -máy của Google / search ) - tuy chưa hoàn hảo, cũng giúp biết sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp một tác gia đã viết tựa   Asian Morning, Western Music  poems by The Phong, translated from the vietnamese by Đàm Xuân Cận, Dai Nam Van Hien  Books , Saigon 1971.

                                                 Lloyd Fernando  ( 1926- 2008)
                                                 Sinh 1926, mất 2008, hoạt động văn hóa tại Malaysia.

          Ông sinh  năm 1926 tại Sri Lanka ( nước  Tích Lan ) năm 1926. năm 1938 đã theo gia đình rời khỏi nơi đây, đã qua Ấn Độ, rồi Nhật Bản.  Cha mất sớm , Fernando  lao vào đời sớm,  từng học thợ cơ khí lấy tiền giúp đỡ gia đình.
          Sau chiến tranh, ông Fernando  học xong  trung học ở Cambridge, năm 1955 vào đại học Singapore, tốt nghiệp tiếng Anh và triết học.   Năm 1960  giảng viên tại  Đaị học Malaya ở Kuala Lumpur , 4 năm sau  nhận  bắng tiến sĩ Đại học Leeds ( Anh quốc).
        Năm 1967,  ộng được bổ nhiệm Khoa trưởng Anh ngữ tại Đại học Malaya, chủ bút tạp chí TENGGARA cùng cộng sự viên - các giáo sư, văn , thi sĩ, như: giáo sư Ismail Hussein,  Syed Husin Ali, Wong Phui Nam, Shahrum Yub, Ho Peng Yoke, X. S.  Thani Nayagam, Lee Ko Kiang, R. Nara Yan Menon, và  Chen Voon  Fee trình bày bìa ( Cover  design) , và riêng bìa  TENGGARA số 6 do họa sĩ H.E. Sulaiman Esa  minh họa.

          Theo  Mohammad Quayum  , thì  Fernando còn là tác giả : "..tiểu  thuyết của ông " Scorpion Lan Hồ Điệp " ( 1976) " Lá màu xanh" ( 1993) vv...

          Lloyd Fernando qua  đời năm 2008. và có tên trong Bách khoa toàn thư.
       ( Citation: Quayum, Mohammad. " Lloyd Fernando". Các văn chương Encyclopedia.  12 tháng chín        năm 2009
        [ http:// www. litencyc.com/php/speople.php?rec=1510  ]    truy cập 6 tháng ba 2009.  Bài viết này là bản quyền đề  The Literary Encyclopedia.)

        Dưới đây là bài thơ WHAT I CHOOSE IN THIS MAD WORLD in  ngoài bìa TENGGARA số 6 , và trang 95 ( ruột) ..

                                          What I choose  in this mad World. 

                                                                                                  Translated by Dam Xuan Can

                      The Phong

                      I choose autumn, pine forest and sad sunshine;
                      I give up writing poetry
                                 and  will not torture myself anymore
                      Do me a favour, my solemn-faced  and wise vife.
                      Say to me,
                                 " Burn a fire!   Hang the mnosquito-net!"
                      I am  the voluntary slave who is fully contented.
                      Let us have a long sleep,
                                O wife, sons and daughter !
                     Tomorrow morning
                                we' ll wake up early
                                set out to grow vegetables.

                    Outside the hedge
                                near the farm gate
                    We'll put a board " Trespassers Will Be Prosecuted"
                    In all the languages of the world.[]
             
                     1964 
                   
 ( from TENGGARA   6 / 1971)                                    

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

THI CA & THI NHÂN: TÔ THÙY YÊN / CAO THẾ DUNG viết.

                                                        T Ô   T H U Ỳ   Y  Ê  N
                                                      bài viết :  CAO THẾ DUNG.

        Tên thực: Đinh thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gia Định. Động viên và
       hiện mang cấp bậc trung úy, phục vụ tại ngành Tâm lý chiến.
        Đã cộng tác với tạp chí" Sáng Tạo, Hiên Đại , Thế kỷ XX, Vấn Đề , Khởi Hành "...

       Đã xuất bản : Tô Thùy Yên / Thơ Tuyển  / tác giả tự xuất bản tại Saint Paul,
        Minnesota, Hoa Kỳ, 1995 * ( * BT chú thích sau ) .

        Trong nền thi ca Pháp, người ta yêu Rimbaud hơn là Verlaine.   Thế giới Rimbaud mênh mang những đường nét ruồng rẫy vượt lên mọi khuôn tước trong sự sống bồng bềnh như một du tử .   Rimbaud cũng là một vagabond, có khác hơn, là một vagabond văn nghệ.

         Từ lòng yêu dấu Rimbaud- chúng tôi đọc thơ Tô Thùy Yên.   Thơ TTYên hôm nay thể hiện rõ niềm đau trong cơn hằn thế kỷ và như sự sống trong thảng thốt, phung phá và bất cần.    Ông có hơi hướm  thơ Rimbaud  là lẽ dĩ nhiên , cả sự ruồng rẫy rất  thật Rimbaud nữa :
                                Xin hoàn trả cuộc đời tất cả gia tài
                                Tôi làm đưa con mất dậy đi hoang
                                Buộc phiến tâm hồn vào cổ cứng
                                Tôi gieo mình xuống đáy đau thương
                                Ẩn dật làm tinh như thủy quái
                                Không không ôm giữ khối u tình
                                Và mặc lòng kiêu như con vật đực
                               Cặp mắt xanh lồi hoen mãi lệ xanh.

TTYên hiện diện đầy đủ vóc dáng môt thi nhân có chân dung một con người chải chuốt trong cô đơn và tự dày vò mình vào cõi cô đơn.   Qua thơ TTYên, người ta sẽ chợt bắt gặp một  vóc dáng thật nghệ sĩ- một nghệ sĩ chìm đắm  trong suy tư cũng cô đơn cùng cơn đau thầm nhức mỏi:

                                tôi rảo bước về đinh mệnh
                                biển động kinh không ngớt
                                nóc nhà thờ hoảng hốt túa âm thanh
                                thiên hạ truy nã nhau
                               để mình khỏi lẩn lút
                               tôi làm con én cuối cùng trễ chuyến nam du
                               trên bức tượng đồng dửng dưng mùa lạnh tới
                               chiếc cầu thang mải miết
                               không dẫn đến nơi nào
                              cỏ mọn hoa hèn phải cháy rụi
                              cây ăn trái cần rộng đất đai
                              tôi mang khắp hình hài những vết bỏng
                              đi suốt hòang hôn không hỏi chào ai
                              tôi chọn nơi nhiều đau khổ làm quê hương
                              nhưng chẳng nhận đồng bào bất cứ kẻ nào
                              tôi điểm chỉ tôi trước Thượng Đế
                              nó cũng là do thói da đen
                             với dấu chàm nguyền rủa trên hồn không gột được
                             và tôi xử tử tôi
                             giữa ngõ tắt đưa về định mệnh
                                              (Tội trạng).

             Thơ TTYên đã từng vang vọng.    Vang vọng vì có sự mới lạ.   Thơ của ông chịu ảnh hưởng khá đậm đà thi ca Tây phương hiện đại.    Thực ra thi không phải một TTYên; đa số thi nhân bây giờ đều bị quyến rũ bởi những tư trào Tây phương bắt nguồn từ triết lý sưc mạnh của Nietzsche đến André Gide,  Malraux, Camus, Sartre... và đặc biệt trong thơ TTYên còn nghi ngút cơn bốc bừng của một tâm hồn W.Faaulkner cùng với tư tưởng nhập thể cùng  thái độ nhìn đời từ trong cuộc đời và nơi thân phận.
         
               Trên  khắp toàn cầu  - ngày nay cuộc đời đang bừng bốc ở một cao độ và dẫy nẩy trong liên tục những biến động.   Cho nên tư tưởng A. Malraux,  A.Camus...  đã có đất dụng võ trên địa hạt thi ca  và ngự trị trong mọi chiều hướng suy tư của lớp người làm văn học mới.   TTYên cũng chỉ là một trường hợp trong trăm ngàn trường hợp của một thế giới đi hoang  được nuôi dưỡng bằng đủ mọi thứ mà nó tình cờ bắt gặp:

                           Chúng tôi còn sống như mặt biển
                           Chúng tôi còn sống như trời mây
                           Bởi vì đã đi nên đã đến 
               Lời thơ ấy như một phát đoan cho thế khí mới:
                            Xin hô hào người đau nín thở
                            Xin hô hào người khóc vỡ người
               Lòng hy vọng cũng từ đó cháy ngút lên:
                            Xét vì trái tim là khí giới
                            Các anh các chị các em ơi
                            Chúng tôi đoạt lại nhiều hơi thở
                            Nào mặt trời đỏ của một ngày
                            Đoạt lại nào vòng hoa chiến thắng
                            Chúng tôi còn sống còn trong tay
         Thơ TTYên mang sự quảng diễn một thái độ quyết liệt của một con người trước cuộc đời.   Nhà thơ muốn lao thân vào đứng giữa cuộc đời để tham dự với đời và bước ra khỏi tháp ngà để đi thẳng vào cuộc sống, hành trình như một kẻ lãng du và cam chịu mọi đổ vỡ.   Thi nhân khi sáng tác đã đành là phải chấp nhận cô đơn để có một riêng mình trong bốn bức tường hiu quạnh.   Nhưng không thê tìm ra chất sống va khám phá chân thân, nếu tự thi nhân không dấn thân vào cuộc sống, nếu cứ giam hãm mãi trong tháp ngà kia.   Sứ mạng của thi nhân, nếu muốn dấn thân là phải Đi Sống- nhìn để thấy, nghe để cảm.   Qua thế giới thơ TTYên , thì xem như ông đã đồng ý và say mê vẽ một quan niệm văn chương, như thế dể cùng dấn thân, chấp nhận cơn đau thời đại; dù có phải chìm trong lấy lợm, nhưng ít nhất cũng vớt được những thanh cao.    Trên con đường đó, thơ TTYên- trước hết là sự quảng diễn thái độ kia để từ thái độ kia mà tìm vào cuộc đời, tìm cho ra thân thế:

                           Với một chân sa lầy tuyệt vọng
                           Chỉ còn một đeo đuổi tương lai
                           Tôi sống để quên, quên để sống
                           Chẳng thể đa mang tôi vốn tật nguyền.
          Cuộc đời đã như vậy thì nó vẫn như vậy, không thể gia giảm gì hơn.   Thân thế cũng không có gì khác sơn sự thế đó, nên đau khổ trở thành cần thiết.    Hạnh phúc hay bất hạnh cũng thế thôi.   Thành ra lẩn trốn đau khổ thì  liệu có ích gì ?   Từ đau khổ, con người có thể nhìn nhận ra sự hiện hữu của nó:

                           "... Đau khổ  như biển khơi trên mặt cuồng điên mà dưới đáy im lìm, anh chìm  xuống đó sâu thẳm, càng ngày anh càng lặng lẽ . " 
          Cái lặng lẽ  của nhà thơ  là dấu hiệu sự trưởng thành để nhìn ngắm cuộc sống.   Sự im lặng từ một tangt hương trước hố thẳm ảo vọng.   Và Hải Phận đó - Tang thương như kiếp người.   Im lặng và sự im lặng của đêm đen.   Người ta cuộn trốn trong sự im lặng kia- TTYên nhìn Hải Phận này như một biểu tượng của một thân thế lạc loài.   Cũng  một im lặng ấy, nhưng là sự cũng đành thể nhận sự đau khổ:

                               Như một con sò giữa vỏ
                              Chúng ta cuộn trốn trong tình yêu
                              Như đôi dã tràng không biết mỏi
                              Chúng ta khởi sự lại mối sấu
                                             Từng chút vỗ về từng chút một
                                              Em tạt vào anh rồi rút đi
                                              Thương tích chẳng lành chan muối sót
                                              Bào sâu thân đá nước tay ghì
                              Anh sống làm quen cùng cái chết
                              Liếm lấy mặn mà trên đau thương
                              Chìm mãi xuống em và mất tích
                              Như mặt trời rã trong nước loang
                                          Vị thần mun, hải đăng trơ trọi
                                          Trừng mỏi con mắt ngó không quen
                                           Em trở về em chờ biến đổi
                                           Trở về em như kim chỉ nam .
                                                          ( Hải Phận).
             TTYên có cái giọng thơ như vậy - như tiếng nói một người bộc trực.   Nó không dìu dặt như lời tình tự.   Nó cũng không ấp ủ những tươi mát... Nó như bước chân trên sỏi đá của một kẻ giã từ chính thân thế để đi hoang, rồi lại nương theo đau khổ mà trở về.   Thi điệu của ông không bồng bềnh mà vẫn như bồng bềnh trên nền xanh của mặt nước bão tố.   Đọc thơ ông, phần lớn ta có cảm tưởng như được nhìn ngắm những bông hồng tươi đặtv trên tấm áo xô- tấm áo của thời đại chúng ta.

              Cái thanh chất mới của TTYên không nằm trong nội dung tư tưởng mà ở tiết điệu trong thơ ông - tiết điệu ấy bắt nguồn từ sự va chạm ngôn ngữ.   Mà ngôn ngữ của ông, nếu đứng riêng thí khúc mắc, nặng tai-  nhưng trong toàn thể một bài, thì ngôn từ ấy lại đóng vai trò phối trí ( ordonnance ) thành nhạc cho thơ.    Dĩ nhiên, nhạc vô chủ âm - một thứ điệu kèn clairinette của Benny Goodmen  .   Ta có thể dẫn dụ qua bài  Một cánh đồng hoang - một con tàu- một con ngựa.
                Người đọc tự ăặt cảm quan của mình rồi hoà mình vào thanh khí mới bài thơ này theo cách toàn diện ,thì sẽ khám phá ra cái hay, theo chủ quan riêng để suy định, có nghĩa cùng tham dự cùng thi nhân.   Thực vậy, xem thơ bây giờ, cũng như ngắm tranh lập thể và vô thể - nó đòi hỏi người thưởng ngoạn nhiều cố gắng tham dự để cảm thông được  cái hay, vẻ đẹp qua cảm quan của mình.   Chúng tôi tìm vào thơ TTYên cũng một cách như  thế, và đã thấy chính mình được hài lòng với chính mình- khi cảm thông được nỗi cơ hàn dằn vặt- nỗi niềm cô đơn vô hạn qua một số bài thơ TTYên.   Xét kỹ hơn và hòa mình vào thế giới thơ TTYên, ai cũng nhận thấy ông có nhiều khám phá tình cờ và  bạo.   Thơ ông vừa xinh xắn, vừa hoang dại, lại có những tứ mới.   Cái xinh xắn trong thơ TTYên không phải  là cái xinh xắn  của Lưu Trọng Lư, hay diễm lệ như Huy Cận.   Ông mang nhiều hình ảnh phiếm du như Rimbaud, nên vẻ xinh xắn ở thơ ông lại thật đậm đà- như một chàng du tử ngỗ nghịch.   Đi vào thế giới thơ  TTYên, tự nhiên ta sẽ liên tưởng đến  quan niệm của Vercors : " khi cuộc đời đã là vô lý thì mọi hành vi của nó cũng vô nghĩa, chẳng một ích gì ?!" .  Vẫn theoVercors thì yêu nhau, ôm nhau, hoặc chém giết tàn nhẫn,  thì cũng thế vẫn thế...rồi cũng tan vào giữa huyền bí hư vô.   Và với TTYên, con người đeo đuổi cuộc sống chỉ là  một  chặng hành trình vô nghĩa, không khác hơn một chuyến tàu, một con ngựa, một đồng hoang- rối tất cả cũng tan vào hư vô một cách  phi lý nhất:

                      Trên cánh đồng hoang thuần một màu
                      Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
                      Tàu chạy mau và qua rất lâu
                      Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
                      Ngựa một tầu một tầu một tầu
          Một cánh đồng hoang - một con tàu - một con ngựa như một cuộc đời rất trơ trọi, cô đơn và như một tha nhân " tù tội chung thân"  giữa cuộc đời, giữa 4 bức tường vây hãm - TTYên trở nên một thứ ngựa vằn, qua bài Thi sĩ- ý tứ lạ như thế áày:

                         Vẫn cặp mắt phô trần
                        Không mang kính xậm
                        Vẫn thứ mực thông dụng
                        Không phải cường toan
                        Tôi giành giựt đổ máu với tôi
                        Từng chữ một.
          Cùng với xiết bao thanh khẩn:
                       Người ta lánh mặt tôi
                       Một thằng lươn lẹo
                       Bài thơ mất nửa linh hồn
                       Ngù ngờ ngôn ngữ ngổn ngang
                       Những hòn đá vụn
                       Đầy núi cực hình phải đập tan hoang
                       Tôi mộng du trên quả đất mòn
                       Nơi tôi vắng mặt
                       Để làm gì ý thức
                       Tôi van nài tôi hãy xót thương tôi...

         TTYên tự tạo cho thơ ông một ngôn từ đặc biệt, mang đủ yếu tính thơ cùng vẻ sắc riêng của nó.
         Thơ TTYên là thơ tự do mà ông vẫn giữ được hợp điệu âm vận ( harmonie de  vers)  song hành cùng hợp điệu xúc cảm ( harmonie des sens) - khiến người ta  trực cảm được ngay cái vẻ chân chất của thơ mà không cần lý giải.   Phần lớn thơ tự do bây giờ đều bị cái bệnh lập dị, bí hiểm hóa.   Thơ TTYên tất cũng không thể tránh  khỏi .  Mà ông còn thêm tật" sính" dùng tiếng Pháp.   Như một " Vie posthume" ( tên bài thơ)  - tên bài thơ như thế , sẽ làm tan loãng thực chất thơ, vì nó ngớ ngẩn.   Sự thật, ta có quyền " sính văn tây"- nhưng phải sử dụng nó đắc địa hơn, đúng  chỗ, thích hợp- mới có thể tránh được sự giả tạo.   Không có gì có thể làm mất giá trị của một bài thơ cho bằng  ngôn từ lập dị - mà lại quá tầm thường ( vulgaire).   Gần đây, ngơời ta vẫn phàn nàn - thơ hôm nay có cái tệ bệnh- nào  Budapest, nào  vie posthume, Nocturne... và đầy dẫy danh tử : " thành phố, đai lộ, đời 20 thế kỷ, màu đen, màu trắng... con mèo đi hoang,  cột đèn, nhà ga , công viên ...". Âu cũng là bệnh chung thời đại, nên ta không thể trách riêng TTYên.   Một số nhà thơ hôm nay còn thêm cái  " mốt mới" nói về Thuợng Đế-nói để mà nói cho có điều mà  nói - kỳ chung thì rất vô nghĩa.   Nhưng riêng TTYên -  Thượng Đế qua nhãn quan của ông thì không phải thuần chữ nghĩa - tuy có lần  mắc phải " hàm hồ":

                        Có đọc thuộc Thánh Thư
                        Linh hồn tôi vẫn vậy
                        Tôi vẫn không thể lụy
                        Dù đứng  trước hư vô
        Nó đậm đà, tuy có cái màu triết học mà lại như không triết lý:
                        Cuộc sống nhiễm lầm than
                        Thượng Đê điềm nhiên lạ
                       Tôi đành liều cười khan .
        Tin Thượng Đế thì còn gì hơn, vì  ai có  Đức Tin, kẻ ấy bình an- dù bình an kiểu cách nào cũng được.   Mà không tin Thượng Đế cũng được, vì  đó là quyền của mỗi người.   Nhưng phải nói lên cho thành thật với ý mình, với lòng mình'-  nếu không sẽ chỉ là sự làm dáng, hay đúng ra là chỉ sự hợm hĩnh với chính bản thân.   Đặc biệt, TTYen đã thành thực, nên mô tả  Thượng Đế rất khéo ở cách biểu lộ.   ( dù tôi không đồng ý với ông)  - dù Thượng Đế của TTYên đã chết- ai cũng biết Nietzsche đã phán "Thượng Đế đã chết "- kể cà André Gide, André  Malraux, Jean-Paul  Sartre... đều là những người dùng một  tay bóp chết Thượng Đế.   Cỏn Thượng Đế có chết hay không lại là vấn đề trong kịch bản LesMouches của Jean-Paul Sartre ( nói lên đầy đủ ý nghĩa của ông về Thượng Đế. rồi từ đó noi gương Nietzsche -  sau này các thi nhân hôm nay lấy làm hoan hỉ, như đã nhận ra rằng; " Thượng Đế có hay không sẽ không thành vấn đề, vì trước đau thương kiếp người thi Thượng Đế vẫn làm thinh và cũng không cần phải đặt ra vấn đế đó làm  gỉ ? ").
            Nhưng thực ra, quan niệm về Trời - bây giờ không cón là điều mới lạ.   Ở địa hạt thi ca- Nguyễn Du, Cao Bá Quát cũng đã từng nói về Trời, mỗi người đều có khả năng tự do rất phong phú để diễn đạt theo ý mình về Thượng Đế, và dĩ nhiên như vậy- TTYên có quan niệm riêng của ông.   Nhưng rất tiếc, Thượng Đế mà ông phủ nhận, tuy diễn đạt rất khéo léo- trong thơ ông chưa thể hiện được một giá trị tinh túy của riêng TTYên.   Xem ra, đa số thi nhân bây giờ đều " mê" đặt vấn đề lớn này rồi bỏ quên sự bé nhỏ của đời sống.  Thi nhân đã quên mất rằng: sự diễn đạt được những vụn vặt kia cũng đủ làm tròn sứ mạng- vì mỗi vụn vặt đều thể hiện trung thực từng góc cạnh con người, đời sống- và như thế cần gì đặt vấn đề to lớn hơn, khi vượt quá khả năng của mình.   Somerset Maugham từng mang những vụn vặt ấy để làm được sự nổi bật sống động và trung thực đời nên thiếu để làm chất liệu cho tác phẩm Of Human Bondage ( bản tiếng pháp ' Servitude humaine' do Mme E.R. Blanchet dịch).   Từ Of Human Bondage , S. Maugham đã tìm thấy chân thân, vì chính bản thân có bước vào cuộc đời thi mới có nỗi buồn thực.   Một phẫn nộ thực và một lòng trắc ẩn thực.   Maugham đi vào tuổi hoa niên bằng kinh nghiệm bản thân, kể cả nước mắt , hờn tủi - nên ông mới khám phá được thế giới muôn sắc, muôn hương của tâm hồn vả nhưng giá trị tiềm ẩn trong thấn xác.   Vì có sống mới có sáng tạo, có sống mới có va chạm quyết liệt, tích cực.   Nhờ va chạm quyết liệt, rồi sau văn thi nhân mới đạt được những pháu xuất tâần cung hiến cho nội dung phong phú tác phẩm.  

          TTYên chưa có sinh động của chất sống và rõ ràng là ông ham mê những  ưu tư quá vội- từ sự vội vàng ấy Yên trở thành lớn tiếng.   Duy có một điều, cái lớn tiếng của ông đều đáng yêu, là một điều đáng nói.   Hơn nữa, đặc điểm mỗi bài thơ có cái khéo léo làm cho người đọc nhìn thấy một vấn đề, dù là một vấn đề lớn tiếng.   Một khi yên trải rộng tâm tư qua xúc cảm thơ thánh khẩn, do đó mà nghệ thuật diễn đạt vừa thực, vừa cao, chan hòa ánh sáng mới của một tâm hồn vàng võ đa phiền, lại  say nồng:

                    Tôi thổ huyết cuồng mê như núi lửa
                    Thiêu hủy hình hài ấm ấp chất cô đơn
                    Rồi trời đất hừng đông như trứng vỡ
                    Tôi đã đầu thai thức dậy độ sơ sinh
                                              ( Kiếp khác ).
          Người ta bảo thơ TTYên có vẻ rất triết (?).   Thực ra,  giá trị triết học trong thi ca là một giá trị tự tại.   Khi TTYên muốn tạo cho mình cái màu mè của triết học, thì người ta lại thấy  cái màu mè triết học ấy chỉ là khuôn dáng mô phỏng qua lăng kính từ một số tư tưởng gia Tây Âu hiện đại mà thôi.
           Nếu ta không bận tâm về những phần mô phỏng sách vở để ' làm dáng' - thì thơ TTYên thật đáng yêu - vì nó  có một giá trị thơ.   Tôi nói là đáng yêu, vì thơ ông qua xúc cảm đã bộc phát chân tình bản thân.   Thơ ông vốn có hồn được chuyên chở bằng một kỹ thuật vững.  TTYên sẽ còn đi xa, bởi tâm hồn ông là một bản chất có đam mê nghệ thuật- tuy nhiên bước đi phải lệ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa.   Điều quan hệ, nếu muốn có' văn chương dấn thân' chẳng hạn - thì ông phải đích thân dấn mình vào cuộc - vì nhờ sự sống thì mới đủ chất liệu chín mùi cung cấp cho  sự cần thiết của thi nhân -  chất sống mới hồn nhiên kia  sẽ  được trải rộng qua sáng tác thơ ca.   Và chỉ cần như thế, thi ca của Yên sẽ nắm được giá trị của một tầm vóc lớn.   Élurad từng quan niệm:  ".. khi ta sống say sưa, sống với tất cả đam mê và cả niềm phẫn nộ, thì một lúc nào đó ngôn ngữ sẽ bật tung ra, từ vô thức, tiềm thức kia sẽ phản ảnh cuộc sống mà mình đã sống trải..."   Và lúc ấy, phần diễn đạt sẽ không thành vấn đề.   Nhờ cuộc sống phong phú mà nhà thơ có thể nắm kỹ thuật diễn đạt như một André Breton - kỹ thuật như phát hiện  như tình cờ, qua cơn say của thơ, để kết tụ thành nhịp điệu thơ qua ngôn ngữ, hình ảnh và cả tứ thơ nữa.
  ( Automatisme physique par laquelle on se propose d'exprimer soit verbalement, soit par écrit, soit de toute manière, le fonctionnement réel se la pensée).
       Con đường ấy, người viết tin rằng, đã đến rất gần TTYên.  Bởi thơ đã sẵn  bản sắc phóng túng, hoang hủy lại giàu có ngôn từ.   Thơ TTYên vốn  sẵn nỗi buồn nản thực, có niềm phẫn nộ thực, khát vọng từ trong đáy tâm hồn, qua sự dồn nén, giữa khuôn khổ chật hẹp của sự sống.   Cái gì đã đi qua nhà thơ Tô Thùy Yên ?   Là những Nietzsche, Rimbaud, Élurad, Aragon, Breton... Nếu nói như thi sĩ Jean Cayrol: " Je dis ce qui me passe par tête.."  - thì những điềuTô Thùy Yên nói qua ý thức bằng thi ca - là ý thức của mấy nhà văn học trên kia đã đi qua tư tưởng ông - nhưng nó đã được hòa vào thế giới riêng , và chỉ cần ngày, tháng... sẽ đồng hóa, cô đọng thành thể chất riêng của ông.   Thơ Tô Thùy Yên có thể ví như con ngựa rừng hoang, lại làm cho người đọc thưởng ngọan phải thân quý, trọng nể.   Thơ Tô Thùy Yên như mầu xanh lá cây rừng, qua cơn say người  lặn đèo, trèo dốc đá  cùng nỗi trơ trọi  kiếp người cộng  với niềm phẫn nộ không nguôi ! [] CTD.

( trích - Văn học hiện đại / Thi Ca & Thi Nhân / Cao Thế Dung -tr .209- 219)
        

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

BAN MAI PHONG VẤN THẾ PHONG

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

THẾ PHONG,
 VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI
CHUA CAY VÀ NGẠO NGHỄ
(Bài 7)


Thư gửi Thế Phong.
Cali, April 2/2005
Anh Thế Phong thân,
Bấy lâu BG làm việc túi bụi, tuy vậy trong lòng lúc nào cũng nhớ đến anh và Sàigòn, như nhớ những kỷ niệm yêu dấu đã trở thành quá khứ xa xăm.
Thời gian này BG thật sự vất vả, ngày ngủ tối đa chỉ được hai giờ, nhưng làm việc chiếm đến 22 tiếng. Buồn một nỗi là đang gặp một mụ manager rất đố kỵ BG. Có lẽ bà ta nghĩ rằng BG khó control hơn mấy đứa làm chung nên lúc nào cũng cứ thích ra oai. Lắm lúc đang làm việc, BG thấy quá tiếc thì giờ nên chỉ muốn quăng tất cả công việc mà bỏ đi về, ngồi vào bàn ngay! Chắc là đến lúc nào đó không chịu nổi hơn nữa sự khắc nghiệt của mụ ta, BG sẽ bỏ đi thật.
Hôm nay đi làm, mụ manager mập thù lù nhìn BG bằng ánh mắt thật ghét bỏ, nhưng BG lờ đi như không thấy. Mụ tìm cách sai bảo BG đủ điều, cái gì BG cũng vẫn tỉnh bơ thi hành không phản đối nên mụ càng tức thêm. Mụ này là người mới, không biết BG, chứ thực ra BG đã từng làm việc ở đó năm 2000-2002 nên gần như tất cả đám nhân viên phi trường San Jose ai cũng quen mặt, hoặc biết BG là nhà văn và giáo sư âm nhạc.
Kể anh nghe chuyện này:
Sau khi bỏ việc cái rụp để đáp chuyến bay đi VN mùa hè 2002, có đôi lần BG trở lại phi trường nhân đi New York hay Houston, Los Angeles dịp 2003-2004. Vừa qua khỏi trạm xét đã gặp chỗ làm cũ. Khi mình đi làm, mặc uniform tồi tệ không giống ai hết, chứ đi chơi thì rõ ràng là một nghệ sĩ, ăn vận đẹp đẽ. Vậy là cha con tụi làm chung ngạc nhiên và mừng rỡ lắm khi gặp lại BG.
Lúc biết ra BG đang qua New York (hay Houston) để giới thiệu sách mới, ông big boss đã hỏi BG: “Tôi vẫn ngạc nhiên rằng cô là một nhà văn và là một giáo sư âm nhạc, tại sao cô lại đến làm việc với chúng tôi ở đây?" BG cười: "Tại tôi cần tiền. Nhưng chắc ông không thể phủ nhận rằng tôi là một nhân viên giỏi?” Ông gật đầu: "Đúng, cô là nhân viên được nhiều giấy khen nhất, nhưng tôi không tin vì lý do tiền bạc mà cô đến đây với chúng tôi. Phải có cái gì khác?” Bấy giờ BG mới trả lời: “Phải. Có cái khác thật. Câu hỏi này, nhiều co-workers của tôi đã đưa ra, nhưng bây giờ với ông, tôi mới đáp. Ông biết tôi là một nhà văn thì điều cần thiết cho tác phẩm chính là tôi phải sống thật với hoàn cảnh mình muốn viết. Bấy lâu tôi đang dự trù viết về những người lao động và đời sống giới lao động ở Mỹ nên xin vào đây. Tôi phải thở, phải sống, phải làm việc cực nhọc y hệt như các nhân viên khác thì mới cảm nhận rõ được cái đau khổ của họ, chừng ấy giòng văn chương tôi mới linh động được.” Ông big boss kêu à một tiếng, vẻ đồng ý.
Khi BG nói câu ấy thì rõ ràng đã có phần “gáy” một chút vì nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ quay lại làm việc ở đây lần nữa. Nào dè bây giờ quay lại, người ta nhận liền vì là nhân viên cũ. Và BG được đặc biệt quý trọng từ các tay managers cấp cao.
Chỉ mỗi mụ Mễ này là người mới nên không biết BG là nhà văn, lại ghét BG vì BG ít khi chịu chào xếp hay giả lã đãi bôi cùng xếp, không bao giờ chuyện trò với mụ như cái đám Phi kia, nên mụ ra sức hành hạ BG. Có điều là bởi vì BG làm việc trong tư thế “sẵn sàng để bỏ đi” nên thấy công việc nhẹ tênh, các sự hành hạ hằng ngày của mụ chẳng thể nào lay động được tâm hồn BG.
“Người quân tử HÒA chứ không ĐỒNG với mọi người” như Khổng Tử nói, phải không anh?
Thân ái, TTBG.
[]

Thư gửi Thế Phong.
Cali, April 10/2005
Anh Thế Phong ơi,
Đến lúc nào thì cái chất “thép” trong con người BG cũng tan đi theo những nỗi cơ cực mà thôi. Nhưng, phải ráng và ráng hết sức vì sự sống của những người thân và sự sống của luôn các đứa con tinh thần của mình.
BG gửi kèm theo đây vài đoạn thư của bạn bè và độc giả, anh đọc cho vui. Trần Công Lân là một tay viết rất bén về chính trị, xã luận, ngày trước từng là một trong những staff writer của tờ Văn Uyển, là kỹ sư, hiện đang ở Virginia. Lưu Nhơn Nghĩa, Nguyễn Hy Minh, Lâm Vĩnh Thế, Hoàng Ngọc Nguyên, Vương Yên Cơ là những độc giả. Người Cali là tay viết thường xuyên cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong ngày trước của Nguyễn Thanh Hoàng.
Những thư loại này, BG nhận khá nhiều. Có lắm thư đọc rất thú vị, mang đầy tính văn chương. Âu đó cũng là một an ủi lớn cho cuộc đời viết lách hẩm hiu của BG anh nhỉ?

Thư Trần Công Lân (Virginia)
VA, May 29/2004
Chị Bông Giấy thân mến,
Rất xúc động khi đọc thư chị gửi Phan Ánh Hồng về cuốn River of Time. Mấy tuần trước có nói chuyện với Phan Ánh Hồng về việc chị ra tác phẩm mới, Con Tằm Đến Thác Vẫn Còn Vương Tơ. Biết rằng chị gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng không thể hình dung được những sự kiện như chị đã viết trong sách.
Gần đây, em đọc khá nhiều sách luận về Phật Giáo, cả Anh lẫn Việt ngữ. Và em tin vào định mệnh (nghiệp). Đây không phải định mệnh kiểu mấy ông bà già dọa con nít mà là dựa trên những kiến giải mới nhất khi Phật giáo Tây Tạng gặp gỡ khoa học Tây Phương. Chị, Phan Ánh Hồng và em có những con đường định mệnh khác nhau. Trên con đường của mỗi cái “tôi đi”, chúng ta đã gặp nhau. Bởi là nghiệp dĩ nên mỗi người phải gánh, nhưng chúng ta vẫn có thể chia xẻ với nhau.
Em ở Virginia được chứng kiến rất nhiều nhà văn “RẤT LỚN” thường xuyên ghé thủ đô Hoa Kỳ để ra mắt các tác phẩm, các công trình văn học “vĩ đại” của họ. Chẳng hạn như ông Võ Đình và các nhà văn học Việt Nam ở Pháp vừa ghé DC để thảo luận về tương lai Văn Học VN ở hải ngoại và tương lai tiếng Việt (!).
Mặt khác, các tổ chức hội đoàn chính trị vẫn kiên trì “hục hặc và loay hoay” để chống Cộng mỗi năm một lần vào ngày 30/4.
Gần 30 năm ở Hoa Kỳ, chúng ta chưa để lọt chút gì vào tai mắt của giòng sinh hoạt chính trên đất nước này. Những cuộc ra-vào Capitol Hill giống như lũ hề giúp vui cho tuồng dân chủ ở Hoa Kỳ.
Ai cũng bực mình Madame Lệ Lý với Heaven and Earth nhưng không ai làm gì cả! Kể luôn các nhà văn “RẤT LỚN” như Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến... Họ cố gắng “do something” để văn học Việt Nam được “đế quốc” để ý và giúp đỡ họ đi vào lịch sử. Tiếc thay “nghiệp dĩ” đã không cho họ thực hiện mơ ước.
Con đường của chị, dù chông gai đến đâu, cũng phải nhận thấy rằng có những đặc ân dành riêng cho chị. River of Time (NCQC) đã được người Mỹ nhìn ra rất sớm, nhưng với tính khiêm nhường của người Á Đông thì có lẽ rất lâu mới thấm vào tai mắt của người Việt Nam.
Nhưng với niềm tin vững chắc và mục đích phục vụ con người, đất nước và dân tộc Việt Nam mà không vì cá nhân, chúng ta sẽ phải tiếp tục, vì như chị đã nói, kiếp này trả không xong thì kiếp sau cũng tiếp tục trả mà thôi.
Ít nhất, bây giờ, trong tay em cũng có một cuốn sách viết về Việt Nam bằng Anh ngữ đủ tín nhiệm để giới thiệu với các bạn Hoa Kỳ và giới trẻ “không biết tiếng Việt” muốn biết về Việt Nam.
Cám ơn chị BG. Cho em gửi lời thăm Âu Cơ.
Trần Công Lân, VA.
[]

Thư của anh Lưu Nhơn Nghĩa, (độc giả ở Úc).
Sep. 25/2004 (9:04:44 PM)
Chị Bông Giấy thân,
Mừng chị và cháu Âu Cơ đã chọn đúng thế đứng của đời văn nghiệp, nhất là Âu Cơ, chịu khó nối tiếp thế hệ mình. Bao nhiêu khó khăn đang chờ trước mắt, trước kia, chị là cái bia của nhóm nghệ sĩ “đỉnh cao trí tuệ”, bây giờ chị sẽ là cái bia cho nhóm chính trị cũng thuộc nhóm “siêu trí tuệ”. Tôi khâm phục chị dám đứng ra với nhóm Giao Điểm, xem những khó khăn trước mắt có quật ngã chị nổi không.
Thân, Lưu Nhơn Nghĩa.
27/9/2004 (2:55 AM)
Chị BG thân mến,
Thấy các anh chị cùng hy sinh đóng góp việc quảng bá xây dựng chữ nghĩa, đường hướng mới mẻ, rất dễ gây shock cho quần chúng, vì quần chúng đã quen với lối suy nghĩ từ thời Trung Cổ, cá nhân tôi rất cảm phục.
Nhớ năm 1987, cuốn VN Máu Lửa Quê Hương Tôi của tác giả Hoành Linh không ai dám đọc, sợ “gây chia rẽ tôn giáo”, lúc đó là thời của những nhóm có độc quyền múa may chống Cộng, được mọi người xem là thời thượng, một cái “mode politi- que”, chụp mũ. Hát mãi cũng nhàm, nghe riết cũng chán, cuốn VNMLQHT bỗng trở thành phản ứng ngược. Bây giờ thì rõ ràng quá rồi.
Cũng vậy, các anh chị dần dần sẽ được người có trình độ hiểu.
Chị Bông Giấy là người duy nhất, can đảm, hay “điên điên” mới dám phơi bày cái thế giới elite bất khả xâm phạm trong gần 50 năm qua. Cái thế giới ấy được rất nhiều văn nghệ sĩ xem là đặc quyền của họ vì họ nắm cơ quan truyền thông, với cây viết trên tay, tha hồ cả vú lấp miệng em.
Tôi nhớ cụ Nguyễn Hiến Lê khi bình về Mai Thảo chỉ nói nhẹ nhàng: “Văn Mai Thảo làm dáng!” Vậy mà chị Bông Giấy dám hạ luôn cả “thiên tài Phạm Duy”, một cái bóng trùm thiên hạ từ 1945 đến giờ.
Chúng tôi ở xa, không có tài năng, nhưng cũng xin đóng góp quảng bá tư tưởng mới của quý anh chị. Còn liên lạc với quý anh chị nhiều.
Nghĩa (Australia).
[]

Thư của anh Lâm Vĩnh Thế (độc giả ở Toronto, Canada).
Wed 13 Oct 2004
Thưa chị Trần Thị Bông Giấy,
Đọc xong bài viết chị phê bình cuốn Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, đăng trên Giao Điểm, tôi tự thấy không cưỡng lại được, phải viết thư này cho chị. Thật sự tôi không biết tòa soạn có chuyển e-mail này đến chị không, và cũng không biết là nếu nhận được e-mail, chị có chịu khó trả lời cho tôi không, nhưng tôi vẫn cứ viết. Chị có biết tại sao? Tại vì tôi muốn cảm ơn chị đã làm một chuyện mà tôi cũng muốn làm từ lâu nhưng không được vì hai lý do chính:
1/ Tôi không cách nào đọc cho hết cuốn Đêm Giữa Ban Ngày bởi đọc “không nổi.” (Chị đừng nghĩ là tôi đã mua nó, không đâu, một người bạn thân ở Mỹ gửi qua biếu tôi. Chắc là anh ấy cũng đọc không hết nổi như tôi!)
2/ Thật sự tôi không có thì giờ –và chắc cũng không có khả năng luôn- để viết cho đàng hoàng kiểu như chị đã làm bài điểm sách đó. Tôi thật lòng cảm ơn chị và rất mong nhận được hồi âm của chị.
Lâm Vĩnh Thế, Canada.

Oct. 15/2004
Chị Bông Giấy,
Phải thành thật (với chính bản thân tôi) để nói rằng tôi rất cảm phục chị, không phải mới đây, sau khi đã trao đổi e-mail với chị, mà từ khá lâu rồi, sau khi đọc bài của chị viết về Phạm Duy. Chị biết không, từ lâu, rất lâu, trước cả 30/4/1975, tôi đã từng nói với bà xã tôi: nghe nhạc Phạm Duy thì OK quá, nhưng NHÌN và NGHE ông ấy nói chuyện thì MẤT HẾT CẢM TÌNH với cá nhân ông ấy.
Nhận xét của tôi hồi còn ở trong nước và trước 75 mà đã là như vậy, nói gì đến năm 2000 ở hải ngoại, khi ông ấy được ca tụng, đánh bóng quá xá.
Nhưng mà thôi, ông bà mình nói “có tài có tật” phải không chị?
Chị là người DUY NHẤT đã dám viết về Phạm Duy như vậy thì có khen chị can đảm cũng chỉ là thừa. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi nghĩ chị là một người cầm bút TRUNG THỰC, dám nói ra những gì mình nghĩ và cảm nhận.
Tôi hiện đang chuẩn bị nghỉ hưu vào hè 2006. Và tôi đã quyết định sẽ dành thì giờ sau khi nghỉ hưu để viết một cuốn sách về VNCH 1963-1967, giữa hai nền Cộng Hòa. Từ nhiều năm nay tôi cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu và viết lách về VNCH đăng trên các báo ở Hoa Kỳ và Canada (ngoài phạm vi nghiên cứu về Thư Viện Học là ngành chuyên môn thật sự của tôi). Tôi cũng đã chuẩn bị gom góp tài liệu, soạn dàn bài, và tìm nhà xuất bản (với một book proposal hấp dẫn để dụ khị các nhà xuất bản). Lý do:
1/ Tôi học Sử trước khi chuyển qua ngành Thư Viện Học nên vẫn còn cái chất Sử trong người.
2/ Đó là giai đoạn tôi đã trưởng thành và có đóng góp nên tương đối có một hiểu biết căn bản về chính trị và quân sự cũng như kinh tế xã hội của thời kỳ đó.
3/ Nhiều sách đã viết về giai đoạn đó, đặc biệt là các cuốn Hồi Ký của các tướng lãnh, nhưng đều viết không trung thực.
Tôi thật sự không biết có hoàn tất nổi cuốn sách đó không, nhưng cứ cố gắng tối đa xem sao.
Chúc chị và gia đình một cuối tuần vui vẻ.
Lâm Vĩnh Thế.
[]

Thư của anh Hoàng Ngọc Nguyên (độc giả ở Utah).
Utah, May 4/2005.
Thưa chị BG,
Tôi xin tự giới thiệu là Hoàng Ngọc Nguyên, hiện ở Salt Lake City, làm việc tại thư viện của trường UOU. Vì tò mò, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc Giao Điểm nhưng chỉ thực sự impressed với duy nhất một bút hiệu của chị, lý do đơn giản là trong những năm dài đảo điên ở Sàigòn đó, tôi là người tự nguyện rơi rớt lại, nên rất thấm những điều chị viết.
Tôi có biết và có đọc một số nhà văn nữ, nhưng phần lớn cảm hứng của họ là vay mượn, không sống thực và hay cường điệu về những “kinh nghiệm hư vô” của mình.
Riêng một số trích đoạn các tác phẩm của chị đăng trong Giao Điểm, tôi thấy rất thích thú với tính cách mạnh mẽ cùng những u uất lắng đọng trong cả văn phong lẫn nội dung những mẩu chuyện chị đã kể ra. Tôi cũng thích hai bài viết về Nguyễn Gia Kiểng và Vũ Thư Hiên. (Tôi từng làm việc chung với Nguyễn Gia Kiểng ở Bộ Kinh Tế hồi 30/4/1975); còn Vũ Thư Hiên (tôi người Quảng Trị, không chịu được sự điếu đóm của một số người Bắc Kỳ).
Vài hàng xin hỏi thăm chị, những tác phẩm của chị làm sao mà mua được? Chỉ vậy thôi, không dám làm phiền sự yên tĩnh của chị. (...)

Chị BG,
Sáng nay đọc lại các bài viết của chị, đọc lại bài Sức Mạnh Của Sự Cô Đơn của cháu Âu Cơ trên Giao Điểm, cùng lúc nghe bài Xóm Đêm mà ban hợp ca Thăng Long hát cũng đã hơn ba mươi năm qua, tôi bỗng cảm thấy như Nguyễn Tất Nhiên “đau lòng tôi muốn khóc”.
Ông Trời vẫn chọn lọc một số người để dành cho những thử thách rất siêu nhiên, may thay (để ta thấy mình hơn người) hay chẳng may thay (vì nỗi chịu đựng này chỉ thực sự một mình ta biết) mà mình lại được chọn vào cái elite đó.
Những truyện Tâm Bút của chị đọc mà nghe đến rợn tóc gáy cho sự cô đơn của con người trước những thử thách của Định Mệnh. Chuyện thì thực, không khí thì huyền hoặc, người đọc rất căng thẳng. I love the style.
Tôi không thuộc giới văn chương văn nghệ. Tôi vốn là công chức tương đối cao cấp khi còn tương đối nhỏ tuổi (vì học Cao học Hành chánh). Tôi lại vốn là nhà báo –bắt đầu là viết ngay cho tờ báo tiếng Anh --Saigon Post-- bởi lẽ “con nhà nghèo, chẳng may lấy vợ sớm” nên ra trường Dalat xong là phải đi làm ngay. Mà chị biết nhà báo và công chức thì chẳng bao giờ ưa nhau. Do đó tôi ghét tôi, ghét con người công chức và ghét cả con người làm báo trong tôi.
Tôi cũng tốt nghiệp kinh tế ở Oxford, vì vậy trong lãnh vực nghiên cứu kinh tế, tôi làm việc ngang hàng với Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Diệp sau năm 1975. Mà nghiên cứu thì cũng không có bạn bè gì.
Sau này có ông bạn thân là Douglas Pike, ở Berkeley, lôi cuốn tôi vào việc nghiên cứu chiến tranh Bắc VN và VN dưới chế độ CS, do đó, đối với giới đại học Mỹ, tôi lại là người nghiên cứu chính trị & sử VN và DNA đáng để ý.
Đại khái là background tôi lung tung; và cũng như chị, tôi vẫn tìm cách survive, vẫn có một niềm tự hào vô song về mình, và vẫn rất cô đơn bởi sự tuyệt vọng đi tìm một cái gì đó đã mất (à la recherche du Temps perdu)... Có lẽ mất ở Quảng Trị, mất ở Huế, mất ở Dalat, mất ở Sàigòn.
Bài thơ Như Tiếng Thở Dài của chị cũng làm cho tôi sợ. Có cảm tưởng mình đang racing against time.
Chị ít nhất còn cho chào đời được các tác phẩm. Tôi thì chỉ có những bài viết đóng bụi. Lịch sử được làm nên bởi con người, nhưng lịch sử cũng rất nhiều khi quay lưng với con người.
Viết cho người khác và nghe người khác nói đều có thể có tác dụng làm cho cuộc sống bỗng dưng có một chút nắng. Chúc chị và cháu một ngày cuối tuần vui.
Hoàng Ngọc Nguyên.
[]

Thư của Nguyễn Hy Minh (độc giả ở San Diego)
22/9/2004 (11:34 PM)
Thưa cô TTBG,
Tôi có nhiều bạn bè xuất thân trường Võ Bị nhiều khóa khác nhau, nhưng phần đông là khóa 24, 25, 26. Thấy rằng cô có cuốn lưu niệm của khóa 20 nên tôi nghĩ rằng biết đâu tôi sẽ tìm thấy một vài người quen trong đó, hoặc đọc được những tư liệu. Tôi cứ nghĩ đó là một tài liệu cô có thể gửi như một cái attachment qua email của cô, không ngờ lại là một cuốn sách lưu niệm.
Dù sao đi nữa, tôi cũng rất cám ơn cô theo sự sốt sắng trả lời và lòng tốt giúp đỡ.
Hơn thế nữa, tôi rất hân hạnh trong tình cờ mà biết được cô lại chính là nhà văn TTBG rất tiếng tăm với lối viết dễ thương và vô cùng giản dị. Đọc văn cô, tôi cứ tự giận mình rằng tại sao tôi cũng như cô, xuất thân từ Huế, lớn lên ở Sàigòn mà không được tài hoa như cô?
Một lần nữa xin cám ơn cô và thành thật chúc cô sẽ thành công rực rỡ hơn nữa trong sự nghiệp văn chương.
Xin chào cô. Hy Minh.
[]
TTtgb@aol.com wrote:
"San Jose, 24/9/2004 (7:28 PM)
Thưa chị Hy Minh,
Cám ơn chị đã có lời khen văn chương BG. Mỗi người một định mệnh. Biết đâu lại chẳng có kẻ (như BG) cũng thèm được như chị? Nghĩa là “không tài hoa” thì cuộc đời  đỡ bị “bạc mệnh”? Nếu đã đọc BG, chắc chị chẳng chút nào muốn “tài hoa” như BG đâu khi mà đổi lại, hai chữ Đau Khổ nó cứ quấn chặt lấy đời mình như một bóng ma. Rất tiếc không thể giúp gì được cho chị trong chuyện cuốn Lưu Niệm Võ Bị khóa 20. ...”

Nì, O BG! Đọc cái e-mail của O mà đâm ra sửng sốt. Úi chao! Chứ O kêu tui chi cái tên cắc cớ ri hè? Nguyễn tui, tự Hy Minh là đấng trượng phu mà cớ sao Thuyền Quyên bên nớ lại kêu là ả này ả nọ?
O BG,
Đọc Nước Chảy Qua Cầu của O bỗng thấy thân nam nhi của tui phải đối diện lại với những đau thương quá khứ. Đúng là thế hệ chúng tôi đã có trách nhiệm với các O (trong đó có cả O BG) bỗng một buổi sáng ngủ dậy thấy mình bỏ dở bao mộng đẹp của tuổi 20 để dập vùi theo những đổi thay của vận nước.
Nghĩ lại, mình cũng đã làm tròn mộng “Thét voi cửa Vị...” cho đến giờ cuối nhưng vẫn là một kẻ thua trận thì còn biết nói năng chi ngoài một lời tạ tội với các O?
Mặt khác, O BG cho tui xin lý giải đôi lời.
Tài hoa mệnh bạc ví chăng cũng là cái thú đau thương tự chọn mà hẳn trên đời dễ đã có được mấy người như O. Cho nên nếu ngày xưa đó Kinh Kha không vì vận nước mà tóc dựng ngược lên, bước qua sông Dịch “Tử địa biệt Yên Đan, Tráng sĩ phát xung quan...” thì bất quá Kinh Kha cũng chỉ là đứa thất phu nào có hơn gì Hy Minh tui? Cũng vậy, nếu Vương Chiêu Quân tài hoa ngày xưa không bị cống Hồ thì bất quá cũng chỉ là một cung nữ chết già trong chốn thâm cung, còn đâu khúc Thu Phong Oán “Thu mục thê thê, kỳ diệp huy hoàng...” cho ngàn sau còn tiếc nàng Lạc Nhạn? Hay Ngọc Hân Công Chúa...
Thế nên, nếu ngày xa xưa đó bỗng có một Hoàng Tử si tình cắc cớ đến ẳm được O Bông Giấy trong tuổi mộng mơ, rồi sau đó khiêng ra nước ngoài sống cuộc sống như mọi cuộc sống êm đềm nhưng ít thi vị khác thì há chăng nàng Bông Giấy đã được là chứng nhân của tang thương lịch sử? Há chăng nàng Bông Giấy có nhiều chất liệu sống động trong cuộc đời để trở thành nhà văn nữ của hôm nay mà người đời sau còn nghe những tự tình?
Thì phải chăng trong nỗi than oán vẫn nghe như ai đó có cái thú đau thương đầy sung sướng ẩn giấu? Phải chăng trong bất hạnh cũng có cái đại hạnh hiếm hoi?
Bỗng nhiên mà tức cảnh sinh tình rồi dám lẻo mép với một nhà văn thì quả là múa rìu qua mắt thợ!
Xin đại thứ, đại thứ!
Hy Minh, một độc giả.
[]

Thư của Thanh Vân (Người Cali).
Cali  11/11/03
BG thân mến,
Độ này mình đi làm việc nhiều quá, có hôm hơn 10 giờ tối mới về nhà. Nhận được e-mail và thư cùng tác phẩm mới của BG, mừng lắm. Đối với mình, BG là người có tài, truyện đọc một lần, đọc lần thứ hai thấy hay hơn và càng ngày càng thấy rõ cái tâm hồn mong manh của một cây bút được xem là có tài nhưng “insensible, sans coeur et sans pitié”. Càng đọc BG càng nhận thấy BG có trái tim thật mềm và cái “sans pitié” đó là cái sensibilité được cất giấu trong tim.
Mình luôn luôn mong chờ và háo hức đọc những giòng chữ của BG, đọc đi đọc lại vẫn không chán.
Thật đó BG ơi, ngày xưa chỉ có truyện của Nhã Ca là mình đọc vài lần chưa chán, bây giờ bà ấy viết kém đi thật nhiều, truyện mới cũng không muốn đọc nữa.
Chỉ còn các tác phẩm TTBG là vẫn để đầu giường, đọc hoài vẫn thấy bị quyến rũ (không nịnh BG đâu, sự thật là vậy).
Có một cuốn của Cronin (Le Chapelier et son château) cũng tạo được cho mình cảm giác đó; đọc đến sách gần sút cả ra vẫn đọc lại như thường, dù cuốn đó của Cronin không phải là cuốn hay nhất và hình như chỉ có cuốn đó (tác phẩm đầu tay của tác giả) và những tác phẩm của BG mới có một cái attirance với con tim của mình nên đọc hoài không chán.
Không biết nói sao cho BG hiểu nhưng cứ hãy biết rằng... mình rất ham và mê đọc sách BG.
Ngày hôm qua nhận được hình và tape nhạc của BG, cám ơn bạn nhiều. Nghe nhạc mà thương cho tiếng đàn tài hoa... Nhìn hình mà thương cho người bạn hồng nhan đa truân.
BG có nét mặt rất độc đáo nhưng cũng rất cô đơn. Tuy nhiên, sao cái ảnh chụp với M. thì quá tươi, hình như hai người rất hợp... Mình cũng chẳng biết bói toán, nhưng nhìn cái hình chụp chung thấy thật sáng, thật hài hòa (harmonieuse)…. Biết đâu Định Mệnh đã buông tha cho bạn, nửa đời sau sẽ tìm ra Hạnh Phúc?
Dù sao, cứ sống thật như BG đã sống rồi thì, với con tim trong sáng, bạn không tiếc gì với đời và đời sẽ không còn làm BG đau khổ nữa. Phải chăng mấy chục năm nay BG nhờ bị định mệnh nghiệt ngã mà đã thành công trên văn chương nghệ thuật.
Giờ thì... con đường đã có sẵn, hạnh phúc hay đau thương đâu có nghĩa chi với bạn phải không? Với BG, con người không bao giờ đầu hàng; đời vẫn đáng sống vì càng khó khăn thì BG càng thành công mà thôi. Cám ơn bạn đã cho đời sống đảo điên ngày nay ở hải ngoại những bài viết đầy yêu thương.
BG ơi, BG khổ bởi vì BG lý tưởng hóa cuộc đời quá, mà đời sống thì đầy dẫy những con người đầu óc ganh tị, terre à terre, còn BG lại chỉ mơ mộng và tìm yêu thương nơi sự cằn cỗi của thiên hạ. Mong rằng Âu Cơ lớn lên sẽ thừa hưởng được những kinh nghiệm mà BG đã mua quá đắt bằng cả một con tim tan vỡ. Mong thêm nữa là khổ đau sẽ vĩnh viễn rời xa BG để những ngày còn lại, BG sẽ có được cái “bonheur bien mérité”.
Có bài viết nào mới, có tâm sự nào vui buồn, BG chia xẻ với mình nhé. Chúc BG sáng tác nhiều.
Thương bạn thật nhiều.
Thanh Vân.
[]

Thư của V.Y.C. (độc giả ở Canada).
Sun, 10 Feb. 2005
(…)
Hôm nay xin chị cho phép em được viết “chị BG thương mến” nhé. Em muốn viết câu này lâu rồi, hơn 2 năm trước, sau khi đọc hết những tác phẩm của chị; nhưng sợ mình suồng sả quá nên không dám. (…) 
Không phải em chỉ thương chị như một nhân vật trong các tác phẩm của chị, mà thương chị như một người thân trong gia đình, một tình thương có thể sờ mó chứ không phải thoang thoảng chung chung.
Chị đã sống một cuộc đời bằng ba bốn cuộc đời của những người khác. Chị đã trải qua nhiều cuộc tình mà người khác chỉ mơ có một cũng không xong. Chị đã có những người bạn chí tình chí nghĩa. Chị đã được phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc em út, nuôi dạy con cái nên người... Cuộc sống chị đầy đủ quá, và trên hết, chị đã có một tài sản văn chương vô giá mà không phải ai cũng có.
Cuộc đời chị gặp nhiều đau khổ nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc, mấy ai có được. Gian truân hơn nàng Kiều của Nguyễn Du, trôi nổi hơn Clara của Pasternak, bất hạnh hơn Anna của Tolstoi... nhưng đã được thăng hoa, kết tụ bằng những tác phẩm để đời. 
Chị đã sống và dám sống, một mẫu người tài hoa hiếm hoi đã dám thách đố với những đố kỵ, ganh ghét để đứng vững trên đôi chân mình, ngạo nghễ nhìn đời, ngẩng cao đầu trước những nghịch cảnh của con Tạo cứ hay cắc cớ trêu ngươi. 
Hôm nay con sói cô đơn bỗng dưng thấm mệt, lòng chùng xuống, trái tim bơ vơ trống rỗng! Bởi vì suốt cả cuộc đời chị chỉ là một chuỗi dài cố gắng vươn lên để thoát khỏi định mệnh khắc nghiệt, mà thật thì tự trong sâu thẳm tâm tư, chị chỉ là một cô bé con hết sức cô đơn, cần nơi nương tựa. Một cô bé có cái tâm hồn mong manh, dễ vỡ; một cô bé dại khờ mong ước một bờ vai vững vàng để tựa vào những khi để tuôn những giòng nước mắt đau thương.
Được kết hợp bởi hai tố chất tưởng như đối lập đó mà chị đã trở thành nhà văn TTBG độc đáo, chứ không phải là nhà doanh nghiệp TTBG cứng cáp và thành công, hay tiểu thư, mệnh phụ TTBG thường có mặt trong các buổi văn nghệ từ thiện giúp đỡ người nghèo!
(…)
Em đọc những tác giả Việt Nam trước và sau 75, trong và ngoài nước, những tác giả ngoại quốc từ Đông sang Tây cũng nhiều, nhưng nhận thấy (không kể những cuốn hồi ký hay tự truyện), hình như không có ai như chị, nhà văn đã viết về chính con người mình như một nhân vật tiểu thuyết. Ngay như Orhan Pamuk viết "Istanbul" hay "My name is Red" cũng chỉ là những phác họa, ám chỉ, chứ không phải là "cái tôi" thật sự của ông. Bởi vì tác giả cũng chính là nhân vật trong những quyển tiểu thuyết loại ấy nên khi độc giả thương yêu hay ghét bỏ nhân vật trong truyện, họ cũng thương yêu hay ghét bỏ tác giả luôn! Và đó là lý do tại sao chị là nhà văn bị ghét bỏ cũng như được thương yêu nhiều như vậy!
Riêng em (mà em nghĩ cũng có rất nhiều độc giả cùng tâm trạng) không thương yêu hay ghét bỏ chị như những nhân vật trong các tác phẩm chị, mà em chỉ thương yêu, kính phục chị như một tác giả có tài, có văn phong thật độc đáo: nhà văn TTBG (không phải là Mây, Thu Vân, hay gì gì khác). Một tác giả chịu nhiều bất công nhất mà từ trước tới giờ em được biết. (Ngay như Hữu Loan hay Phùng Quán, Hoàng Cầm... tuy bị chế độ chà đạp, cuộc sống khốn khổ bần hàn, nhưng họ vẫn có chỗ đứng trong lòng bạn bè, đồng nghiệp. Không như chị, bị cô lập hoàn toàn). 
Đó là lý do tại sao em lại viết thư làm quen, tỏ thái độ ngưỡng phục của mình đối với chị; vì thú thật, em có cái tật là càng ngưỡng mộ người nào, em càng tránh xa người đó; càng yêu mến tài năng của ai, em càng tránh tiếp xúc với họ trên phương diện cá nhân!
Chị ơi, xin hãy cứ tin rằng vẫn còn có "những số đông thầm lặng", chẳng nói gì, chẳng hoan hô gì, mà chỉ im lặng thưởng thức những tác phẩm của các tác giả mà họ yêu mến. Vì họ quá thầm lặng nên chẳng ai biết rằng họ đang tồn tại, mà thực sự thì họ vẫn tồn tại. 
Và số độc giả yêu mến chị theo kiểu đó, em nghĩ        cũng không ít đâu.
Cầu chúc chị luôn vui mạnh. 
Em Y.C.
[]


THẾ PHONG,
 VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI
CHUA CAY VÀ NGẠO NGHỄ
(Bài 8)


Nhận thư Thế Phong.
Mon, 04 Apr 2005 07:47:26 +0000
Thân gửi BG,
Điều đầu tiên tôi lo lắng là có một phút nào BG có thể bị đột quỵ, giản dị là chỉ ngủ hai tiếng đồng hồ một ngày. Cho rằng BG có là con người thép thì cũng có lúc thần kinh và bộ máy sẽ bị tê liệt. Và cái mụ manager nào đó chẳng cần phải bực mình với BG nữa, vẫn bất chiến tự nhiên thành. Và cũng từ lúc đó, những đối thủ từ xưa đến nay chỉ lăm lăm cầm giáo chực đâm vào BG, sẽ vỗ tay và há hốc miệng cười theo nhịp với mụ manager.
Mong BG giữ gìn sức khỏe để còn chiến đấu lâu dài với văn nghiệp và đời sống rất một màu xám.
Thế Phong.
[]

Nhận thư Thế Phong
Mon, 04 Apr 2005 13:02:39 +0000
Thân gửi BG,
Tối thứ hai, đợi con út đi làm về chỉ cách mở attachment để đọc thư Trần Công Lân và các độc giả gửi BG. Có được người bạn như Trần Công Lân cũng là một may mắn hiếm hoi đó BG ạ. Còn anh Nguyễn Đắc Sơn thì khen dịch giả Trần Thy Hà thật tuyệt vời khi diễn dịch NCQC qua RIVER OF TIME. Quả là DÒNG THỜI GIAN đang trôi qua dòng nước chảy. Một điều tôi hy vọng là một ngày nào đó River of Time sẽ được một NXB Mỹ lưu ý tái bản thì sự phát hành thật rộng rãi khắp hoàn cầu là lẽ tất nhiên. Và tôi cũng vẫn hy vọng rằng có một bản NCQC được in tại VN để phổ biến cho độc giả trong nước.
Không biết BG có theo dõi mạng www.gio-o.com không? Hình như trên đó có một bài của Trần Mạnh Hảo trả lời với lời lẽ quy chụp, đao to búa lớn (nhưng chỉ để mò tép) thì phải?
BG làm việc gì thì làm nhưng nên tiết độ giữ gìn sức khỏe. Giả thiết BG không vui lòng với lời nhắc nhở ấy nhưng tôi vẫn không thể không nhắc, và có thể hai thư điện tử tuần trước đã làm BG mất vui? Chiều qua uống café với Đông Sơn ở quán bờ sông. Tất nhiên là trong câu chuyện lại chỉ nhắc đến mẹ con BG và Dalat.
Thế Phong.     
[]

Thư gửi Thế Phong
Cali 23/4/2005
Anh Thế Phong ơi,
Hai giờ rưỡi sáng thức giậy đi làm mà giờ này 11:30 khuya vẫn còn ngồi viết tác phẩm mới, Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga đến trang thứ 91, vì vậy mà nhận thư anh.
Cách đây mấy ngày BG cũng có nhận thư anh nhưng vì QUÁ BẬN nên không trả lời ngay được. BG không buồn phiền gì anh theo những lời nhắc nhủ giữ gìn sức khỏe, trái lại còn cám ơn anh nữa kìa. Nhưng trong giai đoạn này thì chưa nghỉ ngơi được, nên thôi.
Đọc thư anh, mới biết rằng anh chàng Giao Điểm có liên lạc với anh, phàn nàn về BG này kia. Anh biết, bên này, trên các website (trong có Giao Điểm) đang cùng nhau mở chiến dịch “tấn công TTBG” ráo riết, gọi BG là “Việt Cộng nằm vùng hải ngoại”. Tồi tệ hơn hết là việc rêu rao “BG vì theo tán tỉnh chủ nhiệm diễn đàn Giao Điểm không được nên quay lại chửi, gọi toàn thể giới văn nghệ hải ngoại và cả Giao Điểm là RÁC!”
Những cái như vậy, BG không hề đọc, mà được rất nhiều người quen cho biết và họ bảo BG phải lên tiếng!
Cái trò hàm oan trong chốn chữ nghĩa gió tanh mưa máu anh cũng đã quá quen, nên hiểu BG. Tuy vậy, BG vẫn chẳng bao giờ thèm quan tâm đến các cái chuyện chửi bới của thiên hạ trên những gì mình KHÔNG HỀ LÀM TRONG ĐỜI. Ông Phạm Duy chửi BG rất nặng trong một lá thư gửi bác Lê Ngộ Châu (mà anh đã biết), BG còn ne... pas! thay, huống hồ hạng tép riu chữ nghĩa. Mình tự biết mình là ai nên cứ bình chân như vại, đi làm việc nuôi mẹ nuôi con, đêm đêm lại sống kiếp tằm nhả tơ, chuẩn bị cho sự chào đời của tác phẩm mới. 
Riêng trong chỗ làm việc, ngoại trừ con mụ manager lùn tịt mập thù lù và xấu như ma, toàn thể các nhân viên cấp cao và thấp khác đều quý trọng BG. Có một cô manager người Tàu, rất tử tế với BG. Nên đáp lại lòng cô, BG tặng cô một bản River of Time. Một bữa BG nói với cô: “Cả đời tôi chưa bao giờ biết làm những công việc nặng nhọc như hiện tại.” Cô gật: “Tôi tin chứ vì đọc sách chị, biết chị có điều ấy thật. Và tôi vẫn tự hỏi tại sao một người ở vào giai cấp cao như chị lại có thể xuống làm việc với chúng tôi?” BG trả lời: “Tại tôi cần tiền.” Cô nói: “Tất cả mọi người đều cần tiền, không phải riêng chị. Nhưng những người ở vào hàng lớp như chị mà nếu phải lâm vào tình trạng hiện tại thì thường vẫn luôn tỏ ra kiêu hãnh cách biệt. Còn chị, chị hòa nhập với mọi người, vui vẻ với mọi người và được tất cả những người chung quanh mến yêu. Tôi phải nói, đôi lần nhìn chị làm việc cách say mê, tôi tưởng tượng giống như khi chị đang đánh đàn hay viết văn. Tôi rất cảm kích thái độ sống ấy của chị.” Lúc đó BG mới cười: “Vậy cô có biết sự khác biệt giữa tôi và những co-workers của tôi, hay là sự khác biệt của một nghệ sĩ với một người bình thường là thế nào không? Người nghệ sĩ có thể làm những gì người bình thường làm, nhưng người bình thường không thể thực hiện được những gì mà nghệ sĩ thực hiện.” Cô la lên: “Đúng! Đó cũng điêàu tôi nghĩ về chị!”

Thôi, ít hàng thăm anh, BG phải đi ngủ đây. Cho BG gửi lời chào tất cả. Rất có hy vọng mùa Noel năm nay (2005) hai mẹ con sẽ đưa bà cụ về VN ăn Tết.
Thân ái, TTBG.

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 11/05
Anh Thế Phong thân,
1/ Rất vui khi đọc lá thư anh kể về NCQC với những ca tụng của giới văn nghệ Sàigon, đặc biệt là sự in ấn và xuất bản của NXB Văn Nghệ Thành phố HCM. Đó là cái giá vinh dự BG nhận được từ chữ nghĩa của mình, một cái giá NHỜ ANH GÓP PHẦN RẤT LỚN mới có được. Dù sự việc diễn biến ra sao, BG vẫn mang ơn anh trên những điều này. Thực tình thì BG cũng chẳng chờ đợi gì trên nó cả, bởi hơn ai hết, tự biết số phận văn chương mình cũng giống như số phậïn cá nhân mình, nên chẳng lấy làm buồn nếu như nó cứ mãi bị trục lên trặc xuống. Có điều, hai vị Giám đốc và Phó giám đốc NXB Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh khen tác phẩm BẰNG LỜI cũng là một vinh dự cho nó rồi. Còn in ấn được hay không chỉ là do nó có duyên với độc giả trong nước hay không mà thôi.
 2/ BG hiện đã bỏ việc làm ở phi trường vì quá mệt, không còn thì giờø ngồi vào bàn viết. Nghĩ rằng cuộc đời ngắn ngủi, tại sao mình cứ phải vì miếng cơm manh áo mà vất vả, trong khi còn biết bao nhiêu chuyện đáng làm và cần phải làm trước khi nằm xuống? Tuy nhiên, BG vẫn thấy an tâm trong vấn đề thực tế đời sống vì luôn luôn tin tưởng Thượng Đế sẽ không bao giờ đẩy BG vào bước đường cùng. Đắng cay nghèo khổ như Dostoievski mà còn có ngõ thoát, phải không anh?
3/ Ngày 6/12/2005, BG và Âu Cơ sẽ đưa bà cụ về VN ăn Tết. Đó là ước muốn của cụ. Mình làm gì được cho mẹ mình ngay khi bà còn sống vẫn tốt hơn. Cả ba cái vé máy bay đã nằm trong túi. Như vậy, nếu không có gì bất ngờ xảy đến làm hỏng chuyến đi, BG sẽ được ăn Tết VN và chắc lần này sẽ ở lại Sàigòn nhiều thời gian hơn. Sẽ xin một cái góc trong nhà anh chị Đông Sơn làm chỗ trú dăm bữa, nhìn bà con đốt pháo đón giao thừa anh nhé.
4/ Hiện nay có nhiều thì giờ rảnh, BG lại vùi đầu vào bản thảo Dostoievski. Cuốn này kéo dài đã trên 10 năm, nay mới chính thức được làm việc với nó ở phần cuối. Nếu hoàn tất, sẽ gửi về cho anh đọc, chia xẻ với anh.
5/ Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga (hay còn gọi Tiếng Gõ Của Định Mệnh) viết đã gần xong thì lại bị bỏ dở, như chính số phận dở dang của nó từ nhiều năm trước. (Cuốn này được suy nghĩ từ năm 1999 chứ không phải bây giờ.) Âu là trong sự dang dở cũng có cái đẹp, đợi đến khi nào có cảm hứng nữa, BG sẽ ngồi làm việc trở lại với nó; hoặc muôn đời vùi chôn nó trong bóng tối cũng là điều bình thường thôi.
Thân ái, TTBG.
[]

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 26/2005
Anh Thế Phong ơi,
Bài viết về bác Lê Ngộ Châu và tạp chí Bách Khoa, trong có đề cập một đoạn dài về ông Võ Phiến, BG đã xong, gửi kèm theo đây bằng attachment cho anh đọc. BG nghĩ, thôi với ông Võ Phiến này, mình cho ông ta cái hân hạnh được nằm trong sách mình bấy nhiêu cũng đủ, chẳng cần nói thêm các cái râu ria làm chi cho phí giấy. BG có ít thì giờ quá, để dành làm chuyện xứng đáng hơn. Riêng bài về anh, BG chủ tâm viết về tình cảm và những kỷ niệm với anh trong các mùa hè VN vừa qua, thêm nữa, nhận định của cá nhân BG về con người anh thôi, anh nhé.
Thân ái,  TTBG.
[]

Nhận thư Thế Phong.
July 26/2005
Thân gửi BG,
1/ Tôi nghĩ việc BG chỉ nên viết về kỷ niệm và nhận xét của BG về Thằng Phải Gió “đôi khi tưởng mình ra chi mà thực chẳng ra chi thật” thì hơn. Đó là ý một câu trong Thánh Kinh thường trở lại với tôi mỗi lúc ngẫm về bản thân mình. Còn tác phẩm, cứ để đấy đã nhé!
2/ Sáng nay trong buổi điểm tâm tại Tân Định, đọc cho Lê Duyên và Hoàng Vũ Đông Sơn nghe bài BG viết về bác Lê Ngộ Châu, mọi người đều khen BG viết “độc”. Lê Duyên nói: “BG viết rất hay, có quan điểm, lời văn sâu sắc, hay hơn cả VC là khác!” (câu này nên phổ biến hẹp). Còn HVĐSơn thì nhắc lại lời của Tạ Tỵ nói về BG hai ngày trước khi chết (nói không ra hơi): “BG viết ác lắm!” rồi mới chịu qua đời!... (Chữ  “Ác” của Tạ Tỵ dùng là “Ác liệt” chứ không là độc ác, hung ác.)
3/ Sao BG viết nhanh đến vậy được nhỉ? Nhanh mà lại rất interesting mới đáng nói chứ. Nhưng cứ vẫn nên làm việc có điều độ.
Thế Phong.
[]

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 27/2005
Anh Thế Phong ơi,
1/ Thức dậy nửa khuya (3 giờ sáng như thường lệ), đọc các thư mới nhất anh gửi. Cái thư sau cùng (như đã nêu trên), đoạn anh Đông Sơn kể về bác Tạ Tỵ làm BG xúc động và bần thần ghê gớm. Bỗng dưng thấy thật áy náy như một mặc cảm tội lỗi, nên đi lục hết các lá thư bác đã từng gửi ra xem lại. Nhìn nét chữ đẹp nắn nót mà gẫy gọn cứng cáp của bác, BG cảm nghe lòng chùng xuống thật nhiều. Thời gian bác Tạ Tỵ gần chết, BG cũng đang có mặt tại VN mà không hay biết gì về điều ấy cả. Có lẽ vì đã lâu không liên lạc, dạo bác còn ở Mỹ, nên không biết rằng bác đã về ở hẳn trong VN. Anh nhờ anh Đông Sơn nói rõ lại cho BG nghe câu chuyện thế nào trong lần gặp cuối với bác, TẠI SAO lại nhắc đến tên BG? BG rất cần chi tiết này để bổ sung vào bài viết về bác Tạ Tỵ (sẽ gửi anh đọc luôn).
2/ Riêng câu nói của chị Lê Duyên, chữ VC anh dùng là gì? Việt Cộng? Hay tên một nhà văn nào khác? Cái lối viết tắt của anh thường làm BG đoán mò đến hụt hơi gần chết. Vì vậy mà trong các tác phẩm, đề cập tên người nào, BG thật ít khi viết tắt vì không muốn độc giả cũng bị hụt hơi như mình.
3/ Bài viết về anh, nếu anh đã nói như trong thư thì rất dễ dàng cho BG phóng bút, bởi lẽ, tuy là con người cẩn thận chữ nghĩa, từ trong tư tưởng đã chưa bao giờ dám mang ý nghĩ viết bậy, bút sa gà chết; nhưng BG cũng còn là con người tình cảm, và tình cảm lại rất phiêu bồng phóng khoáng. Do đó với lối viết không bị kềm chế bởi văn tự, bài bản, BG sẽ thấy thoải mái hơn. Cám ơn anh. Để chuyện văn chương anh, kẻ khác phê bình. Phần BG chỉ đưa ra những cái gì MÌNH CẢM NHẬN, hay những điều mà kẻ khác CỐ TÌNH KHÔNG HIỂU THẤU về anh qua những giòng chữ im ỉm lặng câm của anh.
4/ Tiếng Gõ Của Định Mệnh (hay Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga) có lẽ là cuốn SAU CÙNG BG đưa ra cái nhìn trung thực của mình về văn giới, sau đó ngưng luôn, mặc kệ thiên hạ muốn làm gì thì làm. 
Kể anh nghe chuyện rất vui này:
Ngày xưa còn đi học, BG có một anh bạn, cháu ruột một       ông Tướng trong quân đội. Mới gần đây, anh Trần Ngọc, một        bạn văn, từ Orange County gọi lên BG, nói rằng: “Một lần ngồi         chung trong một tiệc rượu tại nhà Khánh Trường, nghe một anh chàng bảo: Ngày xưa tôi có cô bạn thân kéo violon rất hay... Và anh này nói về cô Thu Vân ngày cũ một cách chính xác chi tiết và bằng một giọng điệu rất thân thương ưu ái.. Anh đoán cô Thu Vân mà anh ta nói đó chính là em; nên bảo anh cũng có quen Thu Vân thì anh chàng xin số điện thoại em nhưng anh không đưa, nghĩ phải hỏi ý em trước đã.”
Trần Ngọc thêm: “Anh chàng này bây giờ giàu lắm, lại thảo ăn, nổi tiếng là Mạnh Thường Quân của đám văn nghệ    Santa Ana. Biết đâu liên lạc lại, nếu đúng là bạn cũ, anh ta chẳng sẽ giúp đỡ Thu Vân trên mặt vật chất?”
Nghe chuyện, BG bảo Trần Ngọc: “Nhiều người đọc sách em, cứ tự nhận là bạn cũ, nhưng toàn là đồ dỏm. Với anh chàng này, anh cứ cho số điện thoại em, thật giả, em biết ngay sau khi đối đáp vài câu.”
Vậy là một bữa đẹp trời, anh chàng nọ gọi BG và đúng là CỦA THẬT! Anh ta mừng lắm, nhắc cho BG nghe những kỷ         niệm mà chính BG đã quên khuấy đi rồi. Mắc cỡ, thì anh ta bảo: “Râu ria nhiều quá làm sao Thu Vân nhớ cho hết?” (Bởi là dân       thể thao không ham đọc sách nên anh chàng mới không biết TTBG bây giờ là cô Thu Vân ngày xưa.)
Liên lạc tới lui vài bận, trò chuyện luôn với bà già và cô         em gái, (vì thuở xưa, anh ta vẫn đến nhà chơi và được cả gia      đình BG đón tiếp), thấy có vẻ là có power thật với đám văn nghệ Santa Ana. Qua điện thoại, BG cũng nhiêàu lần nghe anh ta khoe rằng vẫn hay giúp đỡ người này người nọ trong đám đó. Chẳng hạn như: “Trong nhà anh có đến cả trăm bức tranh, chỗ đâu mà treo cho hết, nhưng anh vẫn mua tranh tụi nó vì muốn giúp cho       tụi nó phương tiện để sống”;
“Anh đang bảo trợ cho thằng Khánh Trường làm cuộc          triển lãm phòng tranh của nó. Thằng này vô học, ăn nói tục tĩu, nhưng ngồi uống rượu với nó cũng vui.”
Hay: “Thằng Du Tử Lê cũng từng nhờ cậy anh, em mà đi với anh, đố nó dám làm gì em nổi?”
Hoặc: “Anh vừa mới bỏ năm ngàn mua một bức Thái Tuấn của Huỳnh Hữu Ủy. Bức này không đẹp, nhưng vì muốn giúp cho Huỳnh Hữu Ủy sống và cũng vì cái tên Thái Tuấn, nên mua”.
Rồi anh ta cười to: “Bức Thái Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy đòi          giá năm ngàn nhưng anh trả mới bốn ngàn, còn một ngàn, nó cứ đi theo đòi hoài. Bực quá, sáng nay ngồi uống café có mặt nó, anh đưa trả một ngàn còn lại luôn. Nó không nhận. Anh nói: ‘Mày mà không nhận thì từ nay đừng có ngồi uống rượu với tao nữa!”
Anh ta lại cười càng to hơn, điệu rất khoái chí .
Khi BG hỏi: “Em nghe anh bảo, nhiều họa sĩ dưới Santa Ana được anh giúp đỡ cho có tiền sống mà làm nghệ thuật, vậy ở San Jose có một họa sĩ nhiều tài năng nhưng sống lang thang nghèo khổ, không hiểu anh có biết?”
“Ai?”
“Đăng Lạt”
“Tài năng Đăng Lạt thế nào?”
“Nếu đặt tranh Đăng Lạt cạnh bên tranh Khánh Trường thì tranh Khánh Trường thấy vô hồn hẳn. Đó là lời nhận xét của    nhiều người trong giới văn nghệ chứ chẳng phải của em.”
Anh ta không nói gì.
Một hôm, muốn thử nghiệm xem anh ta có “thảo ăn” thật như lời Trần Ngọc giới thiệu không, BG bảo với anh ta rằng đang sắp cho chào đời một tác phẩm mới, và hỏi, có thể nào giúp BG làm một cuộc ra mắt ở dưới đó? Anh ta vui vẻ nhận lời liền, lại còn ghi xuống số trương mục BG và hứa ngày hôm sau sẽ bỏ ngay vào trương mục BG ba ngàn đô để giúp tiền in sách (“Xong anh em mình chia đôi sau khi bán sách,” anh ta nói đùa thế). Dự định của anh ta là sẽ mượn cái hội trường của báo Người Việt cho buổi ra mắt, tài trợ đủ mọi thứ thuộïc về sự tổ chức chương trình .v.v. và .v.v...
Mọi việc tiến hành (nhưng mới chỉ trên lời nói qua điện          thoại). Anh ta làm cho cái tính đa nghi về lòng tốt của kẻ khác trong BG cũng gần muốn chao đảo, tự nghĩ là mình đã nhận định sai về thiên hạ.
Một buổi từ Nam Cali, anh ta gọi lên, nhắn vào máy muốn gặp BG gấp. Qua chuyện, kể rằng đã hỏi mướn cái hội trường của báo Người Việt và nơi này đồng ý nhưng phải đến tháng 11/2005 mới có chỗ trống. Lại bảo, đã nhờ đám Việt Báo lancer BG và cơ sở này cũng đã nhận lời. Điện thoại gấp cho BG là bởi muốn biết xem BG có đồng ý không với những điều vừa nói để xúc tiến việc ra mắt sách. BG nhận.
Khi nghe bên kia đầu giây có nhiều giọng nói, BG hỏi: “Anh đang ngồi với ai?”
“Đám mấy thằng họa sĩ, Khánh Trường, Cao Bá Minh.”
Lại nghe giọng la gì đó. Anh ta kể: “Khánh Trường vừa nói em chửi khắp thiên hạ, điều ấy có đúng không?”
BG đáp: “Chỉ khều nhẹ thôi chứ nào phải chửi. Nhưng em đã gửi anh hai cuốn NCQC và Tài Hoa & Cô Đơn Như Một          Định Mệnh, bộ anh chưa đọc sao?”
Anh ta la lên: “Sách vừa tới là tụi nó chụp ngay, chuyền        tay nhau đọc, đòi cũng không chịu trả! Em gửi cuốn khác cho anh đi.”
BG cười: “Mấy ông nội văn nghệ Santa Ana ông nào cũng muốn đọc em, nhưng chỉ đọc lén. Em sẽ gửi cuốn khác, và mong anh đọc trước khi quyết định có nên giúp em làm buổi ra mắt hay không?”
Anh ta hỏi tại sao? BG không đáp câu hỏi này, chỉ nói: “Cuộc đời em đã quá quen rồi với những cú phản ngược bất ngờ vào giờ chót, nên sẽ không buồn nếu có lúc nào biết anh QUAY LƯNG với một người bạn cũ do từ áp lực của kẻ khác hay do bất cứ nguyên nhân từ đâu đưa đến. Gửi sách cho anh chỉ là để cảm ơn những lời thăm hỏi của anh trên mẹ và em gái em, chứ chẳng phải có ý gì muốn cầu cạnh.
Đó là lần cuối cùng anh ta gọi BG rồi im luôn, ba ngàn đô cũng tìm đường mà trốn tuốt, không thấy chui vào bank BG. (Cũng lại là một cái trò tiền hậu bất nhất như anh chàng Giao Điểm!) Bà già và bé Mỵ biết chuyện (vì anh ta có khoe với họ chuyện sẽ giúp BG tiền in sách và làm cuộc ra mắt sách), hỏi thăm, BG cười:“Có lẽ anh chàng bị đám văn nghệ Santa Ana ‘thuốc’ nên không dám liên lạc với con nữa. Điều đó khiến con rất mừng, thấy như vừa tránh xa được một sợi giây thừng to tướng đang sắp tròng vào cổ, y hệt câu chuyện với tên Ted dạo trước.”
Bà già hiểu ngay. Còn bé Mỵ thì kể:
“Có lần nói chuyện điện thoại với Bé, anh ấy bảo rằng chị Thu Vân sao thẳng tính quá. Tranh Khánh Trường anh mua đến một ngàn đô một bức mà lại bảo là vô hồn nếu đặt cạnh tranh Đăng Lạt!”
Bé Mỵ nói thêm: “Lúc đó Bé định nói với ảnh: Tranh đắt tiền chưa hẳn là tranh giá trị. Nhưng nghĩ thôi.”
BG cười bảo bé Mỵ: “Không nói là phải, vì một khi đã           nhận Khánh Trường là bạn thì anh ta sẽ không bao giờ chịu chấp nhận có một họa sĩ nào ‘có quyền’ tài hoa hơn bạn mình. Đó là cái cách nhìn nghệ thuật chung của giới văn nghệ Santa Ana. Anh này không phải nghệ sĩ mà chỉ là ‘bố mẹ nghệ sĩ! –kiểu các bà mẹ chiến sĩ-- thì điều đó càng thêm mạnh mẽ.”

Còn câu chuyện tên TED là như sau:
Mùa thu 2000, từ VN trở về, BG rơi vào trạng thái xuống dốc trầm trọng trên đủ mọi mặt, nên lao vào phi trường làm việc. Một bữa đi làm về, thấy nhà tối om, hỏi ra mới biết bé Mỵ lúc ban sáng lên cơn điên dữ dội, đã xách búa đập hết các cầu chì. (May mà nó không chết vì khi ấy điện thành phố đang bị cúp làm nó không thể đấu lý với cái radio được nên bực bội xách búa phá!). BG bèn gọi công ty nhà đèn đến, họ bật công tắc lên, thấy khét quá, sợ cháy nhà, khuyên cứ để vậy, ngày mai gọi một       chuyên viên về điện đến ráp lại các đường giây; phần công ty không đảm trách dịch vụ sửa chữa các loại như thế.
Hôm sau đi làm về, điện thoại đến các nhà sửa điện chuyên môn, anh nào cũng chém không dưới ba ngàn đô, lại bảo đang mùa mưa không thể làm gì được vì rất nguy hiểm. Đành cứ để vậy trong hơn nửa tháng, nhà cửa tối om, mùa thu lạnh giá, lò     sưởi gì cũng không có. Sau kẹt quá, gọi đến tên TED, một anh Mỹ mập như con heo, rất mê BG kể từ một lần làm quen trong phi trường. Tên này góa vợ, là thầu khoán cỡ bự, chuyên thầu cho các công ty lớn của chính phủ. Nghe gọi, hắn đến ngay, sửa lại tạm thời các đường giây không lấy tiền.
Trong mấy ngày sửa chữa, hắn cứ buông lời dụ hoặc BG như dạo trước. Hắn nói: “Một phụ nữ độc thân như cô thì rất cần một người đàn ông tháo vát như tôi. Cô hãy nên nhận tôi làm chồng, tôi sẽ lo hết cho mẹ con cô. Sẽ giúp cô sửa chữa hoàn hảo từng căn phòng để cho mướn. Cô không cần trả công tôi mà chỉ cần bỏ tiền mua vật liệu thôi.”
Khi ấy, có anh chàng VN là nhân viên của tên Ted cùng với hắn đến nhà sửa điện, một mặt nói riêng với BG bằng tiếng Việt: “Chị cứ nhận đại đi để nó sửa nhà cho chị. Thằng này giàu             lắm, vật liệu dư thừa nó lấy ra được từ các vụ thầu khác cũng đủ cho chị xây ba căn nhà, không cần phải tốn tiền mua đâu.” (BG           chỉ cười trừ.)
Một mặt, anh VN này quay sang nói với tên Ted: “Ông          nên từ từ! Người VN chúng tôi, tình cảm thường đến chậm. Cứ giúp chị BG sửa nhà rồi hẵn tính.”      
Tên Ted đồng ý. Kế hoạch đưa ra là, đầu tiên hắn sẽ lo các ổ điện trong        nhà cho hoàn chỉnh, sau tính đến việc xây cất lại từng phòng.
Một bữa, hắn chở BG ra Home Depot mua các vật dụng         thuộc về điện, chính tay hắn lựa tỉ mỉ từng cái, tổng cộng 600 đô         la tính ở quầy do BG trả. Định sẽ bắt tay làm việc ngay ngày hôm sau như hắn hứa. Nào dè chờ một tuần, rồi một tháng cũng chẳng thấy mặt hắn, BG bèn điện thoại bảo: “Anh hứa sẽ đến sửa giúp các ổ điện cho tôi mà sao không thấy?”
Hắn trở mặt: “Còn cô, có hứa gì với tôi không mà bảo tôi giữ lời đã hứa với cô?”
BG ngạc nhiên: “Tôi hứa gì?”
“Hứa sẽ làm vợ tôi sau khi xong mọi chuyện!”
Lúc ấy BG kêu à lên tiếng lớn, cảm ơn hắn và cúp máy ngay. Kể cho bà già nghe, BG nói:
“Con kêu tiếng à vì vui mừng quá đỗi khi nhận ra mình         vừa thoát khỏi một sợi giây thòng lọng. Bởi mẹ biết, với con người con, một khi đã nhận ân tình của ai thì thể nào cũng trả. Trời thương con nên xui khiến tên này giở ra liền cho con thấy cái mòi cà giựt, chứ nếu hắn khôn ngoan, cứ âm thầm giúp, làm sao con thoát được sự trả ơn hắn bằng chính cuộc đời con?”
...
Anh Thế Phong ơi,
Sở dĩ kể anh nghe chuyện anh chàng bạn cũ là ý muốn nói lên sự cảm nhận càng rõ hơn của BG trên những tương quan giao thiệp giữa con người với nhau. Thường người ta đến với nhau vì DANH (như anh bạn cũ) hoặc vì LỢI (như đám văn nghệ Santa Ana) chứ chẳng ai đến vì TÌNH NGƯỜI (như trường hợp anh và BG). Biết thế, nên BG chẳng chút gì buồn phiền theo sự quay mặt của một người bạn từng nhận là THÂN với mình thuở nhỏ. Trái lại RẤT MỪNG và cám ơn anh ta lắm lắm theo cái điều quay mặt kia thôi!
Đồng thời, càng ngẫm càng thấy quý anh và tấm lòng của anh đã dành cho BG. Mười một năm trước, trong cuốn MTDKCT I, BG đã viết: “Cả đời, tôi rất quý bạn, nhưng chẳng có được mấy người bạn quý!” Thì điều ấy, lúc này nghĩ lại thấy thật đúng. Có đốt đuốc đi giữa ban ngày cũng không phải dễ dàng tìm ra “một người bạn”. Hay có lẽ vì cái giá trị BG đặt cho tình bạn cao quá đã khiến không thể có bạn? Có lẽ thế, anh nhỉ? Nhưng làm khác hơn để thay đổi cái nhìn về Tình Bạn trong con người mình lại là điều chưa bao giờ BG ý nghĩ ra. 
Anh Thế Phong thân,
Thôi, hôm nay kể các chuyện như thế cho anh nghe là quá đủ. Lần sau rảnh rỗi kể tiếp. Bây giờ phải đi uống cốc café, hút một điếu thuốc lá rồi trở lại bàn viết, dứt điểm bài về bác Lê Ngộ Châu và ông Võ Phiến đây. Anh nhớ NHẮC anh Đông Sơn kể cho nghe chi tiết về câu nói của bác Tạ Tỵ nhé.
Cảm ơn anh vì tất cả và lúc nào cũng giữ một lòng quý trọng yêu mến dành riêng cho anh.
Thân ái,
TTBG
(San Jose, Cali. Thứ Bảy, August 7/2005)
[]



THẾ PHONG,
 VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI
CHUA CAY VÀ NGẠO NGHỄ
(Bài 8)


Nhận thư Thế Phong.
Mon, 04 Apr 2005 07:47:26 +0000
Thân gửi BG,
Điều đầu tiên tôi lo lắng là có một phút nào BG có thể bị đột quỵ, giản dị là chỉ ngủ hai tiếng đồng hồ một ngày. Cho rằng BG có là con người thép thì cũng có lúc thần kinh và bộ máy sẽ bị tê liệt. Và cái mụ manager nào đó chẳng cần phải bực mình với BG nữa, vẫn bất chiến tự nhiên thành. Và cũng từ lúc đó, những đối thủ từ xưa đến nay chỉ lăm lăm cầm giáo chực đâm vào BG, sẽ vỗ tay và há hốc miệng cười theo nhịp với mụ manager.
Mong BG giữ gìn sức khỏe để còn chiến đấu lâu dài với văn nghiệp và đời sống rất một màu xám.
Thế Phong.
[]

Nhận thư Thế Phong
Mon, 04 Apr 2005 13:02:39 +0000
Thân gửi BG,
Tối thứ hai, đợi con út đi làm về chỉ cách mở attachment để đọc thư Trần Công Lân và các độc giả gửi BG. Có được người bạn như Trần Công Lân cũng là một may mắn hiếm hoi đó BG ạ. Còn anh Nguyễn Đắc Sơn thì khen dịch giả Trần Thy Hà thật tuyệt vời khi diễn dịch NCQC qua RIVER OF TIME. Quả là DÒNG THỜI GIAN đang trôi qua dòng nước chảy. Một điều tôi hy vọng là một ngày nào đó River of Time sẽ được một NXB Mỹ lưu ý tái bản thì sự phát hành thật rộng rãi khắp hoàn cầu là lẽ tất nhiên. Và tôi cũng vẫn hy vọng rằng có một bản NCQC được in tại VN để phổ biến cho độc giả trong nước.
Không biết BG có theo dõi mạng www.gio-o.com không? Hình như trên đó có một bài của Trần Mạnh Hảo trả lời với lời lẽ quy chụp, đao to búa lớn (nhưng chỉ để mò tép) thì phải?
BG làm việc gì thì làm nhưng nên tiết độ giữ gìn sức khỏe. Giả thiết BG không vui lòng với lời nhắc nhở ấy nhưng tôi vẫn không thể không nhắc, và có thể hai thư điện tử tuần trước đã làm BG mất vui? Chiều qua uống café với Đông Sơn ở quán bờ sông. Tất nhiên là trong câu chuyện lại chỉ nhắc đến mẹ con BG và Dalat.
Thế Phong.     
[]

Thư gửi Thế Phong
Cali 23/4/2005
Anh Thế Phong ơi,
Hai giờ rưỡi sáng thức giậy đi làm mà giờ này 11:30 khuya vẫn còn ngồi viết tác phẩm mới, Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga đến trang thứ 91, vì vậy mà nhận thư anh.
Cách đây mấy ngày BG cũng có nhận thư anh nhưng vì QUÁ BẬN nên không trả lời ngay được. BG không buồn phiền gì anh theo những lời nhắc nhủ giữ gìn sức khỏe, trái lại còn cám ơn anh nữa kìa. Nhưng trong giai đoạn này thì chưa nghỉ ngơi được, nên thôi.
Đọc thư anh, mới biết rằng anh chàng Giao Điểm có liên lạc với anh, phàn nàn về BG này kia. Anh biết, bên này, trên các website (trong có Giao Điểm) đang cùng nhau mở chiến dịch “tấn công TTBG” ráo riết, gọi BG là “Việt Cộng nằm vùng hải ngoại”. Tồi tệ hơn hết là việc rêu rao “BG vì theo tán tỉnh chủ nhiệm diễn đàn Giao Điểm không được nên quay lại chửi, gọi toàn thể giới văn nghệ hải ngoại và cả Giao Điểm là RÁC!”
Những cái như vậy, BG không hề đọc, mà được rất nhiều người quen cho biết và họ bảo BG phải lên tiếng!
Cái trò hàm oan trong chốn chữ nghĩa gió tanh mưa máu anh cũng đã quá quen, nên hiểu BG. Tuy vậy, BG vẫn chẳng bao giờ thèm quan tâm đến các cái chuyện chửi bới của thiên hạ trên những gì mình KHÔNG HỀ LÀM TRONG ĐỜI. Ông Phạm Duy chửi BG rất nặng trong một lá thư gửi bác Lê Ngộ Châu (mà anh đã biết), BG còn ne... pas! thay, huống hồ hạng tép riu chữ nghĩa. Mình tự biết mình là ai nên cứ bình chân như vại, đi làm việc nuôi mẹ nuôi con, đêm đêm lại sống kiếp tằm nhả tơ, chuẩn bị cho sự chào đời của tác phẩm mới. 
Riêng trong chỗ làm việc, ngoại trừ con mụ manager lùn tịt mập thù lù và xấu như ma, toàn thể các nhân viên cấp cao và thấp khác đều quý trọng BG. Có một cô manager người Tàu, rất tử tế với BG. Nên đáp lại lòng cô, BG tặng cô một bản River of Time. Một bữa BG nói với cô: “Cả đời tôi chưa bao giờ biết làm những công việc nặng nhọc như hiện tại.” Cô gật: “Tôi tin chứ vì đọc sách chị, biết chị có điều ấy thật. Và tôi vẫn tự hỏi tại sao một người ở vào giai cấp cao như chị lại có thể xuống làm việc với chúng tôi?” BG trả lời: “Tại tôi cần tiền.” Cô nói: “Tất cả mọi người đều cần tiền, không phải riêng chị. Nhưng những người ở vào hàng lớp như chị mà nếu phải lâm vào tình trạng hiện tại thì thường vẫn luôn tỏ ra kiêu hãnh cách biệt. Còn chị, chị hòa nhập với mọi người, vui vẻ với mọi người và được tất cả những người chung quanh mến yêu. Tôi phải nói, đôi lần nhìn chị làm việc cách say mê, tôi tưởng tượng giống như khi chị đang đánh đàn hay viết văn. Tôi rất cảm kích thái độ sống ấy của chị.” Lúc đó BG mới cười: “Vậy cô có biết sự khác biệt giữa tôi và những co-workers của tôi, hay là sự khác biệt của một nghệ sĩ với một người bình thường là thế nào không? Người nghệ sĩ có thể làm những gì người bình thường làm, nhưng người bình thường không thể thực hiện được những gì mà nghệ sĩ thực hiện.” Cô la lên: “Đúng! Đó cũng điêàu tôi nghĩ về chị!”

Thôi, ít hàng thăm anh, BG phải đi ngủ đây. Cho BG gửi lời chào tất cả. Rất có hy vọng mùa Noel năm nay (2005) hai mẹ con sẽ đưa bà cụ về VN ăn Tết.
Thân ái, TTBG.

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 11/05
Anh Thế Phong thân,
1/ Rất vui khi đọc lá thư anh kể về NCQC với những ca tụng của giới văn nghệ Sàigon, đặc biệt là sự in ấn và xuất bản của NXB Văn Nghệ Thành phố HCM. Đó là cái giá vinh dự BG nhận được từ chữ nghĩa của mình, một cái giá NHỜ ANH GÓP PHẦN RẤT LỚN mới có được. Dù sự việc diễn biến ra sao, BG vẫn mang ơn anh trên những điều này. Thực tình thì BG cũng chẳng chờ đợi gì trên nó cả, bởi hơn ai hết, tự biết số phận văn chương mình cũng giống như số phậïn cá nhân mình, nên chẳng lấy làm buồn nếu như nó cứ mãi bị trục lên trặc xuống. Có điều, hai vị Giám đốc và Phó giám đốc NXB Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh khen tác phẩm BẰNG LỜI cũng là một vinh dự cho nó rồi. Còn in ấn được hay không chỉ là do nó có duyên với độc giả trong nước hay không mà thôi.
 2/ BG hiện đã bỏ việc làm ở phi trường vì quá mệt, không còn thì giờø ngồi vào bàn viết. Nghĩ rằng cuộc đời ngắn ngủi, tại sao mình cứ phải vì miếng cơm manh áo mà vất vả, trong khi còn biết bao nhiêu chuyện đáng làm và cần phải làm trước khi nằm xuống? Tuy nhiên, BG vẫn thấy an tâm trong vấn đề thực tế đời sống vì luôn luôn tin tưởng Thượng Đế sẽ không bao giờ đẩy BG vào bước đường cùng. Đắng cay nghèo khổ như Dostoievski mà còn có ngõ thoát, phải không anh?
3/ Ngày 6/12/2005, BG và Âu Cơ sẽ đưa bà cụ về VN ăn Tết. Đó là ước muốn của cụ. Mình làm gì được cho mẹ mình ngay khi bà còn sống vẫn tốt hơn. Cả ba cái vé máy bay đã nằm trong túi. Như vậy, nếu không có gì bất ngờ xảy đến làm hỏng chuyến đi, BG sẽ được ăn Tết VN và chắc lần này sẽ ở lại Sàigòn nhiều thời gian hơn. Sẽ xin một cái góc trong nhà anh chị Đông Sơn làm chỗ trú dăm bữa, nhìn bà con đốt pháo đón giao thừa anh nhé.
4/ Hiện nay có nhiều thì giờ rảnh, BG lại vùi đầu vào bản thảo Dostoievski. Cuốn này kéo dài đã trên 10 năm, nay mới chính thức được làm việc với nó ở phần cuối. Nếu hoàn tất, sẽ gửi về cho anh đọc, chia xẻ với anh.
5/ Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga (hay còn gọi Tiếng Gõ Của Định Mệnh) viết đã gần xong thì lại bị bỏ dở, như chính số phận dở dang của nó từ nhiều năm trước. (Cuốn này được suy nghĩ từ năm 1999 chứ không phải bây giờ.) Âu là trong sự dang dở cũng có cái đẹp, đợi đến khi nào có cảm hứng nữa, BG sẽ ngồi làm việc trở lại với nó; hoặc muôn đời vùi chôn nó trong bóng tối cũng là điều bình thường thôi.
Thân ái, TTBG.
[]

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 26/2005
Anh Thế Phong ơi,
Bài viết về bác Lê Ngộ Châu và tạp chí Bách Khoa, trong có đề cập một đoạn dài về ông Võ Phiến, BG đã xong, gửi kèm theo đây bằng attachment cho anh đọc. BG nghĩ, thôi với ông Võ Phiến này, mình cho ông ta cái hân hạnh được nằm trong sách mình bấy nhiêu cũng đủ, chẳng cần nói thêm các cái râu ria làm chi cho phí giấy. BG có ít thì giờ quá, để dành làm chuyện xứng đáng hơn. Riêng bài về anh, BG chủ tâm viết về tình cảm và những kỷ niệm với anh trong các mùa hè VN vừa qua, thêm nữa, nhận định của cá nhân BG về con người anh thôi, anh nhé.
Thân ái,  TTBG.
[]

Nhận thư Thế Phong.
July 26/2005
Thân gửi BG,
1/ Tôi nghĩ việc BG chỉ nên viết về kỷ niệm và nhận xét của BG về Thằng Phải Gió “đôi khi tưởng mình ra chi mà thực chẳng ra chi thật” thì hơn. Đó là ý một câu trong Thánh Kinh thường trở lại với tôi mỗi lúc ngẫm về bản thân mình. Còn tác phẩm, cứ để đấy đã nhé!
2/ Sáng nay trong buổi điểm tâm tại Tân Định, đọc cho Lê Duyên và Hoàng Vũ Đông Sơn nghe bài BG viết về bác Lê Ngộ Châu, mọi người đều khen BG viết “độc”. Lê Duyên nói: “BG viết rất hay, có quan điểm, lời văn sâu sắc, hay hơn cả VC là khác!” (câu này nên phổ biến hẹp). Còn HVĐSơn thì nhắc lại lời của Tạ Tỵ nói về BG hai ngày trước khi chết (nói không ra hơi): “BG viết ác lắm!” rồi mới chịu qua đời!... (Chữ  “Ác” của Tạ Tỵ dùng là “Ác liệt” chứ không là độc ác, hung ác.)
3/ Sao BG viết nhanh đến vậy được nhỉ? Nhanh mà lại rất interesting mới đáng nói chứ. Nhưng cứ vẫn nên làm việc có điều độ.
Thế Phong.
[]

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 27/2005
Anh Thế Phong ơi,
1/ Thức dậy nửa khuya (3 giờ sáng như thường lệ), đọc các thư mới nhất anh gửi. Cái thư sau cùng (như đã nêu trên), đoạn anh Đông Sơn kể về bác Tạ Tỵ làm BG xúc động và bần thần ghê gớm. Bỗng dưng thấy thật áy náy như một mặc cảm tội lỗi, nên đi lục hết các lá thư bác đã từng gửi ra xem lại. Nhìn nét chữ đẹp nắn nót mà gẫy gọn cứng cáp của bác, BG cảm nghe lòng chùng xuống thật nhiều. Thời gian bác Tạ Tỵ gần chết, BG cũng đang có mặt tại VN mà không hay biết gì về điều ấy cả. Có lẽ vì đã lâu không liên lạc, dạo bác còn ở Mỹ, nên không biết rằng bác đã về ở hẳn trong VN. Anh nhờ anh Đông Sơn nói rõ lại cho BG nghe câu chuyện thế nào trong lần gặp cuối với bác, TẠI SAO lại nhắc đến tên BG? BG rất cần chi tiết này để bổ sung vào bài viết về bác Tạ Tỵ (sẽ gửi anh đọc luôn).
2/ Riêng câu nói của chị Lê Duyên, chữ VC anh dùng là gì? Việt Cộng? Hay tên một nhà văn nào khác? Cái lối viết tắt của anh thường làm BG đoán mò đến hụt hơi gần chết. Vì vậy mà trong các tác phẩm, đề cập tên người nào, BG thật ít khi viết tắt vì không muốn độc giả cũng bị hụt hơi như mình.
3/ Bài viết về anh, nếu anh đã nói như trong thư thì rất dễ dàng cho BG phóng bút, bởi lẽ, tuy là con người cẩn thận chữ nghĩa, từ trong tư tưởng đã chưa bao giờ dám mang ý nghĩ viết bậy, bút sa gà chết; nhưng BG cũng còn là con người tình cảm, và tình cảm lại rất phiêu bồng phóng khoáng. Do đó với lối viết không bị kềm chế bởi văn tự, bài bản, BG sẽ thấy thoải mái hơn. Cám ơn anh. Để chuyện văn chương anh, kẻ khác phê bình. Phần BG chỉ đưa ra những cái gì MÌNH CẢM NHẬN, hay những điều mà kẻ khác CỐ TÌNH KHÔNG HIỂU THẤU về anh qua những giòng chữ im ỉm lặng câm của anh.
4/ Tiếng Gõ Của Định Mệnh (hay Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga) có lẽ là cuốn SAU CÙNG BG đưa ra cái nhìn trung thực của mình về văn giới, sau đó ngưng luôn, mặc kệ thiên hạ muốn làm gì thì làm. 
Kể anh nghe chuyện rất vui này:
Ngày xưa còn đi học, BG có một anh bạn, cháu ruột một       ông Tướng trong quân đội. Mới gần đây, anh Trần Ngọc, một        bạn văn, từ Orange County gọi lên BG, nói rằng: “Một lần ngồi         chung trong một tiệc rượu tại nhà Khánh Trường, nghe một anh chàng bảo: Ngày xưa tôi có cô bạn thân kéo violon rất hay... Và anh này nói về cô Thu Vân ngày cũ một cách chính xác chi tiết và bằng một giọng điệu rất thân thương ưu ái.. Anh đoán cô Thu Vân mà anh ta nói đó chính là em; nên bảo anh cũng có quen Thu Vân thì anh chàng xin số điện thoại em nhưng anh không đưa, nghĩ phải hỏi ý em trước đã.”
Trần Ngọc thêm: “Anh chàng này bây giờ giàu lắm, lại thảo ăn, nổi tiếng là Mạnh Thường Quân của đám văn nghệ    Santa Ana. Biết đâu liên lạc lại, nếu đúng là bạn cũ, anh ta chẳng sẽ giúp đỡ Thu Vân trên mặt vật chất?”
Nghe chuyện, BG bảo Trần Ngọc: “Nhiều người đọc sách em, cứ tự nhận là bạn cũ, nhưng toàn là đồ dỏm. Với anh chàng này, anh cứ cho số điện thoại em, thật giả, em biết ngay sau khi đối đáp vài câu.”
Vậy là một bữa đẹp trời, anh chàng nọ gọi BG và đúng là CỦA THẬT! Anh ta mừng lắm, nhắc cho BG nghe những kỷ         niệm mà chính BG đã quên khuấy đi rồi. Mắc cỡ, thì anh ta bảo: “Râu ria nhiều quá làm sao Thu Vân nhớ cho hết?” (Bởi là dân       thể thao không ham đọc sách nên anh chàng mới không biết TTBG bây giờ là cô Thu Vân ngày xưa.)
Liên lạc tới lui vài bận, trò chuyện luôn với bà già và cô         em gái, (vì thuở xưa, anh ta vẫn đến nhà chơi và được cả gia      đình BG đón tiếp), thấy có vẻ là có power thật với đám văn nghệ Santa Ana. Qua điện thoại, BG cũng nhiêàu lần nghe anh ta khoe rằng vẫn hay giúp đỡ người này người nọ trong đám đó. Chẳng hạn như: “Trong nhà anh có đến cả trăm bức tranh, chỗ đâu mà treo cho hết, nhưng anh vẫn mua tranh tụi nó vì muốn giúp cho       tụi nó phương tiện để sống”;
“Anh đang bảo trợ cho thằng Khánh Trường làm cuộc          triển lãm phòng tranh của nó. Thằng này vô học, ăn nói tục tĩu, nhưng ngồi uống rượu với nó cũng vui.”
Hay: “Thằng Du Tử Lê cũng từng nhờ cậy anh, em mà đi với anh, đố nó dám làm gì em nổi?”
Hoặc: “Anh vừa mới bỏ năm ngàn mua một bức Thái Tuấn của Huỳnh Hữu Ủy. Bức này không đẹp, nhưng vì muốn giúp cho Huỳnh Hữu Ủy sống và cũng vì cái tên Thái Tuấn, nên mua”.
Rồi anh ta cười to: “Bức Thái Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy đòi          giá năm ngàn nhưng anh trả mới bốn ngàn, còn một ngàn, nó cứ đi theo đòi hoài. Bực quá, sáng nay ngồi uống café có mặt nó, anh đưa trả một ngàn còn lại luôn. Nó không nhận. Anh nói: ‘Mày mà không nhận thì từ nay đừng có ngồi uống rượu với tao nữa!”
Anh ta lại cười càng to hơn, điệu rất khoái chí .
Khi BG hỏi: “Em nghe anh bảo, nhiều họa sĩ dưới Santa Ana được anh giúp đỡ cho có tiền sống mà làm nghệ thuật, vậy ở San Jose có một họa sĩ nhiều tài năng nhưng sống lang thang nghèo khổ, không hiểu anh có biết?”
“Ai?”
“Đăng Lạt”
“Tài năng Đăng Lạt thế nào?”
“Nếu đặt tranh Đăng Lạt cạnh bên tranh Khánh Trường thì tranh Khánh Trường thấy vô hồn hẳn. Đó là lời nhận xét của    nhiều người trong giới văn nghệ chứ chẳng phải của em.”
Anh ta không nói gì.
Một hôm, muốn thử nghiệm xem anh ta có “thảo ăn” thật như lời Trần Ngọc giới thiệu không, BG bảo với anh ta rằng đang sắp cho chào đời một tác phẩm mới, và hỏi, có thể nào giúp BG làm một cuộc ra mắt ở dưới đó? Anh ta vui vẻ nhận lời liền, lại còn ghi xuống số trương mục BG và hứa ngày hôm sau sẽ bỏ ngay vào trương mục BG ba ngàn đô để giúp tiền in sách (“Xong anh em mình chia đôi sau khi bán sách,” anh ta nói đùa thế). Dự định của anh ta là sẽ mượn cái hội trường của báo Người Việt cho buổi ra mắt, tài trợ đủ mọi thứ thuộïc về sự tổ chức chương trình .v.v. và .v.v...
Mọi việc tiến hành (nhưng mới chỉ trên lời nói qua điện          thoại). Anh ta làm cho cái tính đa nghi về lòng tốt của kẻ khác trong BG cũng gần muốn chao đảo, tự nghĩ là mình đã nhận định sai về thiên hạ.
Một buổi từ Nam Cali, anh ta gọi lên, nhắn vào máy muốn gặp BG gấp. Qua chuyện, kể rằng đã hỏi mướn cái hội trường của báo Người Việt và nơi này đồng ý nhưng phải đến tháng 11/2005 mới có chỗ trống. Lại bảo, đã nhờ đám Việt Báo lancer BG và cơ sở này cũng đã nhận lời. Điện thoại gấp cho BG là bởi muốn biết xem BG có đồng ý không với những điều vừa nói để xúc tiến việc ra mắt sách. BG nhận.
Khi nghe bên kia đầu giây có nhiều giọng nói, BG hỏi: “Anh đang ngồi với ai?”
“Đám mấy thằng họa sĩ, Khánh Trường, Cao Bá Minh.”
Lại nghe giọng la gì đó. Anh ta kể: “Khánh Trường vừa nói em chửi khắp thiên hạ, điều ấy có đúng không?”
BG đáp: “Chỉ khều nhẹ thôi chứ nào phải chửi. Nhưng em đã gửi anh hai cuốn NCQC và Tài Hoa & Cô Đơn Như Một          Định Mệnh, bộ anh chưa đọc sao?”
Anh ta la lên: “Sách vừa tới là tụi nó chụp ngay, chuyền        tay nhau đọc, đòi cũng không chịu trả! Em gửi cuốn khác cho anh đi.”
BG cười: “Mấy ông nội văn nghệ Santa Ana ông nào cũng muốn đọc em, nhưng chỉ đọc lén. Em sẽ gửi cuốn khác, và mong anh đọc trước khi quyết định có nên giúp em làm buổi ra mắt hay không?”
Anh ta hỏi tại sao? BG không đáp câu hỏi này, chỉ nói: “Cuộc đời em đã quá quen rồi với những cú phản ngược bất ngờ vào giờ chót, nên sẽ không buồn nếu có lúc nào biết anh QUAY LƯNG với một người bạn cũ do từ áp lực của kẻ khác hay do bất cứ nguyên nhân từ đâu đưa đến. Gửi sách cho anh chỉ là để cảm ơn những lời thăm hỏi của anh trên mẹ và em gái em, chứ chẳng phải có ý gì muốn cầu cạnh.
Đó là lần cuối cùng anh ta gọi BG rồi im luôn, ba ngàn đô cũng tìm đường mà trốn tuốt, không thấy chui vào bank BG. (Cũng lại là một cái trò tiền hậu bất nhất như anh chàng Giao Điểm!) Bà già và bé Mỵ biết chuyện (vì anh ta có khoe với họ chuyện sẽ giúp BG tiền in sách và làm cuộc ra mắt sách), hỏi thăm, BG cười:“Có lẽ anh chàng bị đám văn nghệ Santa Ana ‘thuốc’ nên không dám liên lạc với con nữa. Điều đó khiến con rất mừng, thấy như vừa tránh xa được một sợi giây thừng to tướng đang sắp tròng vào cổ, y hệt câu chuyện với tên Ted dạo trước.”
Bà già hiểu ngay. Còn bé Mỵ thì kể:
“Có lần nói chuyện điện thoại với Bé, anh ấy bảo rằng chị Thu Vân sao thẳng tính quá. Tranh Khánh Trường anh mua đến một ngàn đô một bức mà lại bảo là vô hồn nếu đặt cạnh tranh Đăng Lạt!”
Bé Mỵ nói thêm: “Lúc đó Bé định nói với ảnh: Tranh đắt tiền chưa hẳn là tranh giá trị. Nhưng nghĩ thôi.”
BG cười bảo bé Mỵ: “Không nói là phải, vì một khi đã           nhận Khánh Trường là bạn thì anh ta sẽ không bao giờ chịu chấp nhận có một họa sĩ nào ‘có quyền’ tài hoa hơn bạn mình. Đó là cái cách nhìn nghệ thuật chung của giới văn nghệ Santa Ana. Anh này không phải nghệ sĩ mà chỉ là ‘bố mẹ nghệ sĩ! –kiểu các bà mẹ chiến sĩ-- thì điều đó càng thêm mạnh mẽ.”

Còn câu chuyện tên TED là như sau:
Mùa thu 2000, từ VN trở về, BG rơi vào trạng thái xuống dốc trầm trọng trên đủ mọi mặt, nên lao vào phi trường làm việc. Một bữa đi làm về, thấy nhà tối om, hỏi ra mới biết bé Mỵ lúc ban sáng lên cơn điên dữ dội, đã xách búa đập hết các cầu chì. (May mà nó không chết vì khi ấy điện thành phố đang bị cúp làm nó không thể đấu lý với cái radio được nên bực bội xách búa phá!). BG bèn gọi công ty nhà đèn đến, họ bật công tắc lên, thấy khét quá, sợ cháy nhà, khuyên cứ để vậy, ngày mai gọi một       chuyên viên về điện đến ráp lại các đường giây; phần công ty không đảm trách dịch vụ sửa chữa các loại như thế.
Hôm sau đi làm về, điện thoại đến các nhà sửa điện chuyên môn, anh nào cũng chém không dưới ba ngàn đô, lại bảo đang mùa mưa không thể làm gì được vì rất nguy hiểm. Đành cứ để vậy trong hơn nửa tháng, nhà cửa tối om, mùa thu lạnh giá, lò     sưởi gì cũng không có. Sau kẹt quá, gọi đến tên TED, một anh Mỹ mập như con heo, rất mê BG kể từ một lần làm quen trong phi trường. Tên này góa vợ, là thầu khoán cỡ bự, chuyên thầu cho các công ty lớn của chính phủ. Nghe gọi, hắn đến ngay, sửa lại tạm thời các đường giây không lấy tiền.
Trong mấy ngày sửa chữa, hắn cứ buông lời dụ hoặc BG như dạo trước. Hắn nói: “Một phụ nữ độc thân như cô thì rất cần một người đàn ông tháo vát như tôi. Cô hãy nên nhận tôi làm chồng, tôi sẽ lo hết cho mẹ con cô. Sẽ giúp cô sửa chữa hoàn hảo từng căn phòng để cho mướn. Cô không cần trả công tôi mà chỉ cần bỏ tiền mua vật liệu thôi.”
Khi ấy, có anh chàng VN là nhân viên của tên Ted cùng với hắn đến nhà sửa điện, một mặt nói riêng với BG bằng tiếng Việt: “Chị cứ nhận đại đi để nó sửa nhà cho chị. Thằng này giàu             lắm, vật liệu dư thừa nó lấy ra được từ các vụ thầu khác cũng đủ cho chị xây ba căn nhà, không cần phải tốn tiền mua đâu.” (BG           chỉ cười trừ.)
Một mặt, anh VN này quay sang nói với tên Ted: “Ông          nên từ từ! Người VN chúng tôi, tình cảm thường đến chậm. Cứ giúp chị BG sửa nhà rồi hẵn tính.”      
Tên Ted đồng ý. Kế hoạch đưa ra là, đầu tiên hắn sẽ lo các ổ điện trong        nhà cho hoàn chỉnh, sau tính đến việc xây cất lại từng phòng.
Một bữa, hắn chở BG ra Home Depot mua các vật dụng         thuộc về điện, chính tay hắn lựa tỉ mỉ từng cái, tổng cộng 600 đô         la tính ở quầy do BG trả. Định sẽ bắt tay làm việc ngay ngày hôm sau như hắn hứa. Nào dè chờ một tuần, rồi một tháng cũng chẳng thấy mặt hắn, BG bèn điện thoại bảo: “Anh hứa sẽ đến sửa giúp các ổ điện cho tôi mà sao không thấy?”
Hắn trở mặt: “Còn cô, có hứa gì với tôi không mà bảo tôi giữ lời đã hứa với cô?”
BG ngạc nhiên: “Tôi hứa gì?”
“Hứa sẽ làm vợ tôi sau khi xong mọi chuyện!”
Lúc ấy BG kêu à lên tiếng lớn, cảm ơn hắn và cúp máy ngay. Kể cho bà già nghe, BG nói:
“Con kêu tiếng à vì vui mừng quá đỗi khi nhận ra mình         vừa thoát khỏi một sợi giây thòng lọng. Bởi mẹ biết, với con người con, một khi đã nhận ân tình của ai thì thể nào cũng trả. Trời thương con nên xui khiến tên này giở ra liền cho con thấy cái mòi cà giựt, chứ nếu hắn khôn ngoan, cứ âm thầm giúp, làm sao con thoát được sự trả ơn hắn bằng chính cuộc đời con?”
...
Anh Thế Phong ơi,
Sở dĩ kể anh nghe chuyện anh chàng bạn cũ là ý muốn nói lên sự cảm nhận càng rõ hơn của BG trên những tương quan giao thiệp giữa con người với nhau. Thường người ta đến với nhau vì DANH (như anh bạn cũ) hoặc vì LỢI (như đám văn nghệ Santa Ana) chứ chẳng ai đến vì TÌNH NGƯỜI (như trường hợp anh và BG). Biết thế, nên BG chẳng chút gì buồn phiền theo sự quay mặt của một người bạn từng nhận là THÂN với mình thuở nhỏ. Trái lại RẤT MỪNG và cám ơn anh ta lắm lắm theo cái điều quay mặt kia thôi!
Đồng thời, càng ngẫm càng thấy quý anh và tấm lòng của anh đã dành cho BG. Mười một năm trước, trong cuốn MTDKCT I, BG đã viết: “Cả đời, tôi rất quý bạn, nhưng chẳng có được mấy người bạn quý!” Thì điều ấy, lúc này nghĩ lại thấy thật đúng. Có đốt đuốc đi giữa ban ngày cũng không phải dễ dàng tìm ra “một người bạn”. Hay có lẽ vì cái giá trị BG đặt cho tình bạn cao quá đã khiến không thể có bạn? Có lẽ thế, anh nhỉ? Nhưng làm khác hơn để thay đổi cái nhìn về Tình Bạn trong con người mình lại là điều chưa bao giờ BG ý nghĩ ra. 
Anh Thế Phong thân,
Thôi, hôm nay kể các chuyện như thế cho anh nghe là quá đủ. Lần sau rảnh rỗi kể tiếp. Bây giờ phải đi uống cốc café, hút một điếu thuốc lá rồi trở lại bàn viết, dứt điểm bài về bác Lê Ngộ Châu và ông Võ Phiến đây. Anh nhớ NHẮC anh Đông Sơn kể cho nghe chi tiết về câu nói của bác Tạ Tỵ nhé.
Cảm ơn anh vì tất cả và lúc nào cũng giữ một lòng quý trọng yêu mến dành riêng cho anh.
Thân ái,
TTBG
(San Jose, Cali. Thứ Bảy, August 7/2005)
[]



THẾ PHONG,
 VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI
CHUA CAY VÀ NGẠO NGHỄ
(Bài 8)


Nhận thư Thế Phong.
Mon, 04 Apr 2005 07:47:26 +0000
Thân gửi BG,
Điều đầu tiên tôi lo lắng là có một phút nào BG có thể bị đột quỵ, giản dị là chỉ ngủ hai tiếng đồng hồ một ngày. Cho rằng BG có là con người thép thì cũng có lúc thần kinh và bộ máy sẽ bị tê liệt. Và cái mụ manager nào đó chẳng cần phải bực mình với BG nữa, vẫn bất chiến tự nhiên thành. Và cũng từ lúc đó, những đối thủ từ xưa đến nay chỉ lăm lăm cầm giáo chực đâm vào BG, sẽ vỗ tay và há hốc miệng cười theo nhịp với mụ manager.
Mong BG giữ gìn sức khỏe để còn chiến đấu lâu dài với văn nghiệp và đời sống rất một màu xám.
Thế Phong.
[]

Nhận thư Thế Phong
Mon, 04 Apr 2005 13:02:39 +0000
Thân gửi BG,
Tối thứ hai, đợi con út đi làm về chỉ cách mở attachment để đọc thư Trần Công Lân và các độc giả gửi BG. Có được người bạn như Trần Công Lân cũng là một may mắn hiếm hoi đó BG ạ. Còn anh Nguyễn Đắc Sơn thì khen dịch giả Trần Thy Hà thật tuyệt vời khi diễn dịch NCQC qua RIVER OF TIME. Quả là DÒNG THỜI GIAN đang trôi qua dòng nước chảy. Một điều tôi hy vọng là một ngày nào đó River of Time sẽ được một NXB Mỹ lưu ý tái bản thì sự phát hành thật rộng rãi khắp hoàn cầu là lẽ tất nhiên. Và tôi cũng vẫn hy vọng rằng có một bản NCQC được in tại VN để phổ biến cho độc giả trong nước.
Không biết BG có theo dõi mạng www.gio-o.com không? Hình như trên đó có một bài của Trần Mạnh Hảo trả lời với lời lẽ quy chụp, đao to búa lớn (nhưng chỉ để mò tép) thì phải?
BG làm việc gì thì làm nhưng nên tiết độ giữ gìn sức khỏe. Giả thiết BG không vui lòng với lời nhắc nhở ấy nhưng tôi vẫn không thể không nhắc, và có thể hai thư điện tử tuần trước đã làm BG mất vui? Chiều qua uống café với Đông Sơn ở quán bờ sông. Tất nhiên là trong câu chuyện lại chỉ nhắc đến mẹ con BG và Dalat.
Thế Phong.     
[]

Thư gửi Thế Phong
Cali 23/4/2005
Anh Thế Phong ơi,
Hai giờ rưỡi sáng thức giậy đi làm mà giờ này 11:30 khuya vẫn còn ngồi viết tác phẩm mới, Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga đến trang thứ 91, vì vậy mà nhận thư anh.
Cách đây mấy ngày BG cũng có nhận thư anh nhưng vì QUÁ BẬN nên không trả lời ngay được. BG không buồn phiền gì anh theo những lời nhắc nhủ giữ gìn sức khỏe, trái lại còn cám ơn anh nữa kìa. Nhưng trong giai đoạn này thì chưa nghỉ ngơi được, nên thôi.
Đọc thư anh, mới biết rằng anh chàng Giao Điểm có liên lạc với anh, phàn nàn về BG này kia. Anh biết, bên này, trên các website (trong có Giao Điểm) đang cùng nhau mở chiến dịch “tấn công TTBG” ráo riết, gọi BG là “Việt Cộng nằm vùng hải ngoại”. Tồi tệ hơn hết là việc rêu rao “BG vì theo tán tỉnh chủ nhiệm diễn đàn Giao Điểm không được nên quay lại chửi, gọi toàn thể giới văn nghệ hải ngoại và cả Giao Điểm là RÁC!”
Những cái như vậy, BG không hề đọc, mà được rất nhiều người quen cho biết và họ bảo BG phải lên tiếng!
Cái trò hàm oan trong chốn chữ nghĩa gió tanh mưa máu anh cũng đã quá quen, nên hiểu BG. Tuy vậy, BG vẫn chẳng bao giờ thèm quan tâm đến các cái chuyện chửi bới của thiên hạ trên những gì mình KHÔNG HỀ LÀM TRONG ĐỜI. Ông Phạm Duy chửi BG rất nặng trong một lá thư gửi bác Lê Ngộ Châu (mà anh đã biết), BG còn ne... pas! thay, huống hồ hạng tép riu chữ nghĩa. Mình tự biết mình là ai nên cứ bình chân như vại, đi làm việc nuôi mẹ nuôi con, đêm đêm lại sống kiếp tằm nhả tơ, chuẩn bị cho sự chào đời của tác phẩm mới. 
Riêng trong chỗ làm việc, ngoại trừ con mụ manager lùn tịt mập thù lù và xấu như ma, toàn thể các nhân viên cấp cao và thấp khác đều quý trọng BG. Có một cô manager người Tàu, rất tử tế với BG. Nên đáp lại lòng cô, BG tặng cô một bản River of Time. Một bữa BG nói với cô: “Cả đời tôi chưa bao giờ biết làm những công việc nặng nhọc như hiện tại.” Cô gật: “Tôi tin chứ vì đọc sách chị, biết chị có điều ấy thật. Và tôi vẫn tự hỏi tại sao một người ở vào giai cấp cao như chị lại có thể xuống làm việc với chúng tôi?” BG trả lời: “Tại tôi cần tiền.” Cô nói: “Tất cả mọi người đều cần tiền, không phải riêng chị. Nhưng những người ở vào hàng lớp như chị mà nếu phải lâm vào tình trạng hiện tại thì thường vẫn luôn tỏ ra kiêu hãnh cách biệt. Còn chị, chị hòa nhập với mọi người, vui vẻ với mọi người và được tất cả những người chung quanh mến yêu. Tôi phải nói, đôi lần nhìn chị làm việc cách say mê, tôi tưởng tượng giống như khi chị đang đánh đàn hay viết văn. Tôi rất cảm kích thái độ sống ấy của chị.” Lúc đó BG mới cười: “Vậy cô có biết sự khác biệt giữa tôi và những co-workers của tôi, hay là sự khác biệt của một nghệ sĩ với một người bình thường là thế nào không? Người nghệ sĩ có thể làm những gì người bình thường làm, nhưng người bình thường không thể thực hiện được những gì mà nghệ sĩ thực hiện.” Cô la lên: “Đúng! Đó cũng điêàu tôi nghĩ về chị!”

Thôi, ít hàng thăm anh, BG phải đi ngủ đây. Cho BG gửi lời chào tất cả. Rất có hy vọng mùa Noel năm nay (2005) hai mẹ con sẽ đưa bà cụ về VN ăn Tết.
Thân ái, TTBG.

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 11/05
Anh Thế Phong thân,
1/ Rất vui khi đọc lá thư anh kể về NCQC với những ca tụng của giới văn nghệ Sàigon, đặc biệt là sự in ấn và xuất bản của NXB Văn Nghệ Thành phố HCM. Đó là cái giá vinh dự BG nhận được từ chữ nghĩa của mình, một cái giá NHỜ ANH GÓP PHẦN RẤT LỚN mới có được. Dù sự việc diễn biến ra sao, BG vẫn mang ơn anh trên những điều này. Thực tình thì BG cũng chẳng chờ đợi gì trên nó cả, bởi hơn ai hết, tự biết số phận văn chương mình cũng giống như số phậïn cá nhân mình, nên chẳng lấy làm buồn nếu như nó cứ mãi bị trục lên trặc xuống. Có điều, hai vị Giám đốc và Phó giám đốc NXB Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh khen tác phẩm BẰNG LỜI cũng là một vinh dự cho nó rồi. Còn in ấn được hay không chỉ là do nó có duyên với độc giả trong nước hay không mà thôi.
 2/ BG hiện đã bỏ việc làm ở phi trường vì quá mệt, không còn thì giờø ngồi vào bàn viết. Nghĩ rằng cuộc đời ngắn ngủi, tại sao mình cứ phải vì miếng cơm manh áo mà vất vả, trong khi còn biết bao nhiêu chuyện đáng làm và cần phải làm trước khi nằm xuống? Tuy nhiên, BG vẫn thấy an tâm trong vấn đề thực tế đời sống vì luôn luôn tin tưởng Thượng Đế sẽ không bao giờ đẩy BG vào bước đường cùng. Đắng cay nghèo khổ như Dostoievski mà còn có ngõ thoát, phải không anh?
3/ Ngày 6/12/2005, BG và Âu Cơ sẽ đưa bà cụ về VN ăn Tết. Đó là ước muốn của cụ. Mình làm gì được cho mẹ mình ngay khi bà còn sống vẫn tốt hơn. Cả ba cái vé máy bay đã nằm trong túi. Như vậy, nếu không có gì bất ngờ xảy đến làm hỏng chuyến đi, BG sẽ được ăn Tết VN và chắc lần này sẽ ở lại Sàigòn nhiều thời gian hơn. Sẽ xin một cái góc trong nhà anh chị Đông Sơn làm chỗ trú dăm bữa, nhìn bà con đốt pháo đón giao thừa anh nhé.
4/ Hiện nay có nhiều thì giờ rảnh, BG lại vùi đầu vào bản thảo Dostoievski. Cuốn này kéo dài đã trên 10 năm, nay mới chính thức được làm việc với nó ở phần cuối. Nếu hoàn tất, sẽ gửi về cho anh đọc, chia xẻ với anh.
5/ Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga (hay còn gọi Tiếng Gõ Của Định Mệnh) viết đã gần xong thì lại bị bỏ dở, như chính số phận dở dang của nó từ nhiều năm trước. (Cuốn này được suy nghĩ từ năm 1999 chứ không phải bây giờ.) Âu là trong sự dang dở cũng có cái đẹp, đợi đến khi nào có cảm hứng nữa, BG sẽ ngồi làm việc trở lại với nó; hoặc muôn đời vùi chôn nó trong bóng tối cũng là điều bình thường thôi.
Thân ái, TTBG.
[]

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 26/2005
Anh Thế Phong ơi,
Bài viết về bác Lê Ngộ Châu và tạp chí Bách Khoa, trong có đề cập một đoạn dài về ông Võ Phiến, BG đã xong, gửi kèm theo đây bằng attachment cho anh đọc. BG nghĩ, thôi với ông Võ Phiến này, mình cho ông ta cái hân hạnh được nằm trong sách mình bấy nhiêu cũng đủ, chẳng cần nói thêm các cái râu ria làm chi cho phí giấy. BG có ít thì giờ quá, để dành làm chuyện xứng đáng hơn. Riêng bài về anh, BG chủ tâm viết về tình cảm và những kỷ niệm với anh trong các mùa hè VN vừa qua, thêm nữa, nhận định của cá nhân BG về con người anh thôi, anh nhé.
Thân ái,  TTBG.
[]

Nhận thư Thế Phong.
July 26/2005
Thân gửi BG,
1/ Tôi nghĩ việc BG chỉ nên viết về kỷ niệm và nhận xét của BG về Thằng Phải Gió “đôi khi tưởng mình ra chi mà thực chẳng ra chi thật” thì hơn. Đó là ý một câu trong Thánh Kinh thường trở lại với tôi mỗi lúc ngẫm về bản thân mình. Còn tác phẩm, cứ để đấy đã nhé!
2/ Sáng nay trong buổi điểm tâm tại Tân Định, đọc cho Lê Duyên và Hoàng Vũ Đông Sơn nghe bài BG viết về bác Lê Ngộ Châu, mọi người đều khen BG viết “độc”. Lê Duyên nói: “BG viết rất hay, có quan điểm, lời văn sâu sắc, hay hơn cả VC là khác!” (câu này nên phổ biến hẹp). Còn HVĐSơn thì nhắc lại lời của Tạ Tỵ nói về BG hai ngày trước khi chết (nói không ra hơi): “BG viết ác lắm!” rồi mới chịu qua đời!... (Chữ  “Ác” của Tạ Tỵ dùng là “Ác liệt” chứ không là độc ác, hung ác.)
3/ Sao BG viết nhanh đến vậy được nhỉ? Nhanh mà lại rất interesting mới đáng nói chứ. Nhưng cứ vẫn nên làm việc có điều độ.
Thế Phong.
[]

Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 27/2005
Anh Thế Phong ơi,
1/ Thức dậy nửa khuya (3 giờ sáng như thường lệ), đọc các thư mới nhất anh gửi. Cái thư sau cùng (như đã nêu trên), đoạn anh Đông Sơn kể về bác Tạ Tỵ làm BG xúc động và bần thần ghê gớm. Bỗng dưng thấy thật áy náy như một mặc cảm tội lỗi, nên đi lục hết các lá thư bác đã từng gửi ra xem lại. Nhìn nét chữ đẹp nắn nót mà gẫy gọn cứng cáp của bác, BG cảm nghe lòng chùng xuống thật nhiều. Thời gian bác Tạ Tỵ gần chết, BG cũng đang có mặt tại VN mà không hay biết gì về điều ấy cả. Có lẽ vì đã lâu không liên lạc, dạo bác còn ở Mỹ, nên không biết rằng bác đã về ở hẳn trong VN. Anh nhờ anh Đông Sơn nói rõ lại cho BG nghe câu chuyện thế nào trong lần gặp cuối với bác, TẠI SAO lại nhắc đến tên BG? BG rất cần chi tiết này để bổ sung vào bài viết về bác Tạ Tỵ (sẽ gửi anh đọc luôn).
2/ Riêng câu nói của chị Lê Duyên, chữ VC anh dùng là gì? Việt Cộng? Hay tên một nhà văn nào khác? Cái lối viết tắt của anh thường làm BG đoán mò đến hụt hơi gần chết. Vì vậy mà trong các tác phẩm, đề cập tên người nào, BG thật ít khi viết tắt vì không muốn độc giả cũng bị hụt hơi như mình.
3/ Bài viết về anh, nếu anh đã nói như trong thư thì rất dễ dàng cho BG phóng bút, bởi lẽ, tuy là con người cẩn thận chữ nghĩa, từ trong tư tưởng đã chưa bao giờ dám mang ý nghĩ viết bậy, bút sa gà chết; nhưng BG cũng còn là con người tình cảm, và tình cảm lại rất phiêu bồng phóng khoáng. Do đó với lối viết không bị kềm chế bởi văn tự, bài bản, BG sẽ thấy thoải mái hơn. Cám ơn anh. Để chuyện văn chương anh, kẻ khác phê bình. Phần BG chỉ đưa ra những cái gì MÌNH CẢM NHẬN, hay những điều mà kẻ khác CỐ TÌNH KHÔNG HIỂU THẤU về anh qua những giòng chữ im ỉm lặng câm của anh.
4/ Tiếng Gõ Của Định Mệnh (hay Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga) có lẽ là cuốn SAU CÙNG BG đưa ra cái nhìn trung thực của mình về văn giới, sau đó ngưng luôn, mặc kệ thiên hạ muốn làm gì thì làm. 
Kể anh nghe chuyện rất vui này:
Ngày xưa còn đi học, BG có một anh bạn, cháu ruột một       ông Tướng trong quân đội. Mới gần đây, anh Trần Ngọc, một        bạn văn, từ Orange County gọi lên BG, nói rằng: “Một lần ngồi         chung trong một tiệc rượu tại nhà Khánh Trường, nghe một anh chàng bảo: Ngày xưa tôi có cô bạn thân kéo violon rất hay... Và anh này nói về cô Thu Vân ngày cũ một cách chính xác chi tiết và bằng một giọng điệu rất thân thương ưu ái.. Anh đoán cô Thu Vân mà anh ta nói đó chính là em; nên bảo anh cũng có quen Thu Vân thì anh chàng xin số điện thoại em nhưng anh không đưa, nghĩ phải hỏi ý em trước đã.”
Trần Ngọc thêm: “Anh chàng này bây giờ giàu lắm, lại thảo ăn, nổi tiếng là Mạnh Thường Quân của đám văn nghệ    Santa Ana. Biết đâu liên lạc lại, nếu đúng là bạn cũ, anh ta chẳng sẽ giúp đỡ Thu Vân trên mặt vật chất?”
Nghe chuyện, BG bảo Trần Ngọc: “Nhiều người đọc sách em, cứ tự nhận là bạn cũ, nhưng toàn là đồ dỏm. Với anh chàng này, anh cứ cho số điện thoại em, thật giả, em biết ngay sau khi đối đáp vài câu.”
Vậy là một bữa đẹp trời, anh chàng nọ gọi BG và đúng là CỦA THẬT! Anh ta mừng lắm, nhắc cho BG nghe những kỷ         niệm mà chính BG đã quên khuấy đi rồi. Mắc cỡ, thì anh ta bảo: “Râu ria nhiều quá làm sao Thu Vân nhớ cho hết?” (Bởi là dân       thể thao không ham đọc sách nên anh chàng mới không biết TTBG bây giờ là cô Thu Vân ngày xưa.)
Liên lạc tới lui vài bận, trò chuyện luôn với bà già và cô         em gái, (vì thuở xưa, anh ta vẫn đến nhà chơi và được cả gia      đình BG đón tiếp), thấy có vẻ là có power thật với đám văn nghệ Santa Ana. Qua điện thoại, BG cũng nhiêàu lần nghe anh ta khoe rằng vẫn hay giúp đỡ người này người nọ trong đám đó. Chẳng hạn như: “Trong nhà anh có đến cả trăm bức tranh, chỗ đâu mà treo cho hết, nhưng anh vẫn mua tranh tụi nó vì muốn giúp cho       tụi nó phương tiện để sống”;
“Anh đang bảo trợ cho thằng Khánh Trường làm cuộc          triển lãm phòng tranh của nó. Thằng này vô học, ăn nói tục tĩu, nhưng ngồi uống rượu với nó cũng vui.”
Hay: “Thằng Du Tử Lê cũng từng nhờ cậy anh, em mà đi với anh, đố nó dám làm gì em nổi?”
Hoặc: “Anh vừa mới bỏ năm ngàn mua một bức Thái Tuấn của Huỳnh Hữu Ủy. Bức này không đẹp, nhưng vì muốn giúp cho Huỳnh Hữu Ủy sống và cũng vì cái tên Thái Tuấn, nên mua”.
Rồi anh ta cười to: “Bức Thái Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy đòi          giá năm ngàn nhưng anh trả mới bốn ngàn, còn một ngàn, nó cứ đi theo đòi hoài. Bực quá, sáng nay ngồi uống café có mặt nó, anh đưa trả một ngàn còn lại luôn. Nó không nhận. Anh nói: ‘Mày mà không nhận thì từ nay đừng có ngồi uống rượu với tao nữa!”
Anh ta lại cười càng to hơn, điệu rất khoái chí .
Khi BG hỏi: “Em nghe anh bảo, nhiều họa sĩ dưới Santa Ana được anh giúp đỡ cho có tiền sống mà làm nghệ thuật, vậy ở San Jose có một họa sĩ nhiều tài năng nhưng sống lang thang nghèo khổ, không hiểu anh có biết?”
“Ai?”
“Đăng Lạt”
“Tài năng Đăng Lạt thế nào?”
“Nếu đặt tranh Đăng Lạt cạnh bên tranh Khánh Trường thì tranh Khánh Trường thấy vô hồn hẳn. Đó là lời nhận xét của    nhiều người trong giới văn nghệ chứ chẳng phải của em.”
Anh ta không nói gì.
Một hôm, muốn thử nghiệm xem anh ta có “thảo ăn” thật như lời Trần Ngọc giới thiệu không, BG bảo với anh ta rằng đang sắp cho chào đời một tác phẩm mới, và hỏi, có thể nào giúp BG làm một cuộc ra mắt ở dưới đó? Anh ta vui vẻ nhận lời liền, lại còn ghi xuống số trương mục BG và hứa ngày hôm sau sẽ bỏ ngay vào trương mục BG ba ngàn đô để giúp tiền in sách (“Xong anh em mình chia đôi sau khi bán sách,” anh ta nói đùa thế). Dự định của anh ta là sẽ mượn cái hội trường của báo Người Việt cho buổi ra mắt, tài trợ đủ mọi thứ thuộïc về sự tổ chức chương trình .v.v. và .v.v...
Mọi việc tiến hành (nhưng mới chỉ trên lời nói qua điện          thoại). Anh ta làm cho cái tính đa nghi về lòng tốt của kẻ khác trong BG cũng gần muốn chao đảo, tự nghĩ là mình đã nhận định sai về thiên hạ.
Một buổi từ Nam Cali, anh ta gọi lên, nhắn vào máy muốn gặp BG gấp. Qua chuyện, kể rằng đã hỏi mướn cái hội trường của báo Người Việt và nơi này đồng ý nhưng phải đến tháng 11/2005 mới có chỗ trống. Lại bảo, đã nhờ đám Việt Báo lancer BG và cơ sở này cũng đã nhận lời. Điện thoại gấp cho BG là bởi muốn biết xem BG có đồng ý không với những điều vừa nói để xúc tiến việc ra mắt sách. BG nhận.
Khi nghe bên kia đầu giây có nhiều giọng nói, BG hỏi: “Anh đang ngồi với ai?”
“Đám mấy thằng họa sĩ, Khánh Trường, Cao Bá Minh.”
Lại nghe giọng la gì đó. Anh ta kể: “Khánh Trường vừa nói em chửi khắp thiên hạ, điều ấy có đúng không?”
BG đáp: “Chỉ khều nhẹ thôi chứ nào phải chửi. Nhưng em đã gửi anh hai cuốn NCQC và Tài Hoa & Cô Đơn Như Một          Định Mệnh, bộ anh chưa đọc sao?”
Anh ta la lên: “Sách vừa tới là tụi nó chụp ngay, chuyền        tay nhau đọc, đòi cũng không chịu trả! Em gửi cuốn khác cho anh đi.”
BG cười: “Mấy ông nội văn nghệ Santa Ana ông nào cũng muốn đọc em, nhưng chỉ đọc lén. Em sẽ gửi cuốn khác, và mong anh đọc trước khi quyết định có nên giúp em làm buổi ra mắt hay không?”
Anh ta hỏi tại sao? BG không đáp câu hỏi này, chỉ nói: “Cuộc đời em đã quá quen rồi với những cú phản ngược bất ngờ vào giờ chót, nên sẽ không buồn nếu có lúc nào biết anh QUAY LƯNG với một người bạn cũ do từ áp lực của kẻ khác hay do bất cứ nguyên nhân từ đâu đưa đến. Gửi sách cho anh chỉ là để cảm ơn những lời thăm hỏi của anh trên mẹ và em gái em, chứ chẳng phải có ý gì muốn cầu cạnh.
Đó là lần cuối cùng anh ta gọi BG rồi im luôn, ba ngàn đô cũng tìm đường mà trốn tuốt, không thấy chui vào bank BG. (Cũng lại là một cái trò tiền hậu bất nhất như anh chàng Giao Điểm!) Bà già và bé Mỵ biết chuyện (vì anh ta có khoe với họ chuyện sẽ giúp BG tiền in sách và làm cuộc ra mắt sách), hỏi thăm, BG cười:“Có lẽ anh chàng bị đám văn nghệ Santa Ana ‘thuốc’ nên không dám liên lạc với con nữa. Điều đó khiến con rất mừng, thấy như vừa tránh xa được một sợi giây thừng to tướng đang sắp tròng vào cổ, y hệt câu chuyện với tên Ted dạo trước.”
Bà già hiểu ngay. Còn bé Mỵ thì kể:
“Có lần nói chuyện điện thoại với Bé, anh ấy bảo rằng chị Thu Vân sao thẳng tính quá. Tranh Khánh Trường anh mua đến một ngàn đô một bức mà lại bảo là vô hồn nếu đặt cạnh tranh Đăng Lạt!”
Bé Mỵ nói thêm: “Lúc đó Bé định nói với ảnh: Tranh đắt tiền chưa hẳn là tranh giá trị. Nhưng nghĩ thôi.”
BG cười bảo bé Mỵ: “Không nói là phải, vì một khi đã           nhận Khánh Trường là bạn thì anh ta sẽ không bao giờ chịu chấp nhận có một họa sĩ nào ‘có quyền’ tài hoa hơn bạn mình. Đó là cái cách nhìn nghệ thuật chung của giới văn nghệ Santa Ana. Anh này không phải nghệ sĩ mà chỉ là ‘bố mẹ nghệ sĩ! –kiểu các bà mẹ chiến sĩ-- thì điều đó càng thêm mạnh mẽ.”

Còn câu chuyện tên TED là như sau:
Mùa thu 2000, từ VN trở về, BG rơi vào trạng thái xuống dốc trầm trọng trên đủ mọi mặt, nên lao vào phi trường làm việc. Một bữa đi làm về, thấy nhà tối om, hỏi ra mới biết bé Mỵ lúc ban sáng lên cơn điên dữ dội, đã xách búa đập hết các cầu chì. (May mà nó không chết vì khi ấy điện thành phố đang bị cúp làm nó không thể đấu lý với cái radio được nên bực bội xách búa phá!). BG bèn gọi công ty nhà đèn đến, họ bật công tắc lên, thấy khét quá, sợ cháy nhà, khuyên cứ để vậy, ngày mai gọi một       chuyên viên về điện đến ráp lại các đường giây; phần công ty không đảm trách dịch vụ sửa chữa các loại như thế.
Hôm sau đi làm về, điện thoại đến các nhà sửa điện chuyên môn, anh nào cũng chém không dưới ba ngàn đô, lại bảo đang mùa mưa không thể làm gì được vì rất nguy hiểm. Đành cứ để vậy trong hơn nửa tháng, nhà cửa tối om, mùa thu lạnh giá, lò     sưởi gì cũng không có. Sau kẹt quá, gọi đến tên TED, một anh Mỹ mập như con heo, rất mê BG kể từ một lần làm quen trong phi trường. Tên này góa vợ, là thầu khoán cỡ bự, chuyên thầu cho các công ty lớn của chính phủ. Nghe gọi, hắn đến ngay, sửa lại tạm thời các đường giây không lấy tiền.
Trong mấy ngày sửa chữa, hắn cứ buông lời dụ hoặc BG như dạo trước. Hắn nói: “Một phụ nữ độc thân như cô thì rất cần một người đàn ông tháo vát như tôi. Cô hãy nên nhận tôi làm chồng, tôi sẽ lo hết cho mẹ con cô. Sẽ giúp cô sửa chữa hoàn hảo từng căn phòng để cho mướn. Cô không cần trả công tôi mà chỉ cần bỏ tiền mua vật liệu thôi.”
Khi ấy, có anh chàng VN là nhân viên của tên Ted cùng với hắn đến nhà sửa điện, một mặt nói riêng với BG bằng tiếng Việt: “Chị cứ nhận đại đi để nó sửa nhà cho chị. Thằng này giàu             lắm, vật liệu dư thừa nó lấy ra được từ các vụ thầu khác cũng đủ cho chị xây ba căn nhà, không cần phải tốn tiền mua đâu.” (BG           chỉ cười trừ.)
Một mặt, anh VN này quay sang nói với tên Ted: “Ông          nên từ từ! Người VN chúng tôi, tình cảm thường đến chậm. Cứ giúp chị BG sửa nhà rồi hẵn tính.”      
Tên Ted đồng ý. Kế hoạch đưa ra là, đầu tiên hắn sẽ lo các ổ điện trong        nhà cho hoàn chỉnh, sau tính đến việc xây cất lại từng phòng.
Một bữa, hắn chở BG ra Home Depot mua các vật dụng         thuộc về điện, chính tay hắn lựa tỉ mỉ từng cái, tổng cộng 600 đô         la tính ở quầy do BG trả. Định sẽ bắt tay làm việc ngay ngày hôm sau như hắn hứa. Nào dè chờ một tuần, rồi một tháng cũng chẳng thấy mặt hắn, BG bèn điện thoại bảo: “Anh hứa sẽ đến sửa giúp các ổ điện cho tôi mà sao không thấy?”
Hắn trở mặt: “Còn cô, có hứa gì với tôi không mà bảo tôi giữ lời đã hứa với cô?”
BG ngạc nhiên: “Tôi hứa gì?”
“Hứa sẽ làm vợ tôi sau khi xong mọi chuyện!”
Lúc ấy BG kêu à lên tiếng lớn, cảm ơn hắn và cúp máy ngay. Kể cho bà già nghe, BG nói:
“Con kêu tiếng à vì vui mừng quá đỗi khi nhận ra mình         vừa thoát khỏi một sợi giây thòng lọng. Bởi mẹ biết, với con người con, một khi đã nhận ân tình của ai thì thể nào cũng trả. Trời thương con nên xui khiến tên này giở ra liền cho con thấy cái mòi cà giựt, chứ nếu hắn khôn ngoan, cứ âm thầm giúp, làm sao con thoát được sự trả ơn hắn bằng chính cuộc đời con?”
...
Anh Thế Phong ơi,
Sở dĩ kể anh nghe chuyện anh chàng bạn cũ là ý muốn nói lên sự cảm nhận càng rõ hơn của BG trên những tương quan giao thiệp giữa con người với nhau. Thường người ta đến với nhau vì DANH (như anh bạn cũ) hoặc vì LỢI (như đám văn nghệ Santa Ana) chứ chẳng ai đến vì TÌNH NGƯỜI (như trường hợp anh và BG). Biết thế, nên BG chẳng chút gì buồn phiền theo sự quay mặt của một người bạn từng nhận là THÂN với mình thuở nhỏ. Trái lại RẤT MỪNG và cám ơn anh ta lắm lắm theo cái điều quay mặt kia thôi!
Đồng thời, càng ngẫm càng thấy quý anh và tấm lòng của anh đã dành cho BG. Mười một năm trước, trong cuốn MTDKCT I, BG đã viết: “Cả đời, tôi rất quý bạn, nhưng chẳng có được mấy người bạn quý!” Thì điều ấy, lúc này nghĩ lại thấy thật đúng. Có đốt đuốc đi giữa ban ngày cũng không phải dễ dàng tìm ra “một người bạn”. Hay có lẽ vì cái giá trị BG đặt cho tình bạn cao quá đã khiến không thể có bạn? Có lẽ thế, anh nhỉ? Nhưng làm khác hơn để thay đổi cái nhìn về Tình Bạn trong con người mình lại là điều chưa bao giờ BG ý nghĩ ra. 
Anh Thế Phong thân,
Thôi, hôm nay kể các chuyện như thế cho anh nghe là quá đủ. Lần sau rảnh rỗi kể tiếp. Bây giờ phải đi uống cốc café, hút một điếu thuốc lá rồi trở lại bàn viết, dứt điểm bài về bác Lê Ngộ Châu và ông Võ Phiến đây. Anh nhớ NHẮC anh Đông Sơn kể cho nghe chi tiết về câu nói của bác Tạ Tỵ nhé.
Cảm ơn anh vì tất cả và lúc nào cũng giữ một lòng quý trọng yêu mến dành riêng cho anh.
Thân ái,
TTBG
(San Jose, Cali. Thứ Bảy, August 7/2005)
[]